Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

(8)

Tôi gặp lại nàng trong một buổi chiều lạnh giá mùa đông. Một ngôi chùa ẩn sau hòn núi nhỏ, tịch mịch như cửa ngõ của động tiên. Nơi đây chính là chỗ nàng gửi gắm đời mình, một tâm hồn bị vắt kiệt bởi dòng đời nghiệt ngã mong tìm được lối siêu thoát tới cõi vĩnh hằng. Tôi tần ngần đứng nghe tiếng mõ chiều lốc cốc nổi trong am, tiếng tụng kinh rì rầm buồn buồn, u uẩn như khơi gợi ở lòng người mạch cảm xúc thần tiên về sự hướng thiện. Cảnh thanh tao, trầm mặc của núi rừng; lối mòn đầy hoa dẫn vào khe suối, chẳng khác gì bàn tay thiên thần nâng ngôi chùa nhỏ bay bổng khói nhân gian về nơi tiên giới. Chẳng lẽ nàng đã giác được thật ư? Nàng đã rũ bỏ cuộc đời trần tục trở về trong vòng tay của đức phật từ bi thật ư? Tôi hồi hộp ngắm nhìn khuôn mặt thanh tao của nàng nghiêng nghiêng sau vành khăn nâu. Tôi quyết tâm chờ đợi nàng ở lối ra để được gọi tên nàng, để sống lại một thời dĩ vãng chưa hết tàn phai của tuổi trẻ. Thật buồn thay, khi tôi goi: "Hương", người đàn bà ấy đã giơ bàn tay dọc theo trước ngực mình và đáp "mô phật". Nàng quay ngoắt đi như chưa hề biết, chưa hề gặp tôi một lần nào".

Tôi suýt đánh rơi tập bản thảo trên tay mình với một tiếng thở dài tưởng là vô tận. Chả lẽ Hưng đã đi tu thật sao? Lần theo các kỷ niệm tôi cảm thấy Hương trong tiểu thuyết là Hưng ở ngoài đời. Thật là vô lý quá!


Powered by Froala Editor

(8)

Tôi hiểu ý rằng, lúc cha tôi đang nói chuyện với Khiếu nếu tôi xuất hiện ông sẽ rất khó chịu. Do vậy, sau khi đưa vào bàn làm việc của cha tôi một khay nước để ông tiếp khách tôi phải vờ ra nhà ngoài bổ nốt mấy thanh củi xếp ở xó bếp. Từ ngày nhà máy thủy điện sông Đà làm xong, điện dùng ít khi bị mất nhưng giá điện lại tăng. Thành thử mẹ tôi vẫn mua thêm củi nấu để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng. Trong lúc chẻ củi tôi vẫn chú ý lắng nghe câu chuyện giữa hai người bập bõm vọng ra.

- Sao cháu không cho xuất bản tiếp tục mấy cuốn sách đã hoàn thành?

- Vì sách vở bây giờ xuất bản tùm lum quá bác ạ. Chỉ thấy rặt các sách chưởng và truyện tình bán ở các vỉa hè. Sách nghiêm túc bây giờ ít người thích đọc.

- Thật hỏng quá. Chính bác cũng không hiểu rồi thị hiếu của thanh niên nước mình sẽ đi đến đâu.

Cha tôi bình luận. Rồi ông nhận xét:

- Cuốn sách cháu đưa bác đọc viết tốt lắm. Cháu đã khai thác được nhiều mặt thực tiễn của chiến tranh với các mặt gồ ghề của nó. Tuy nhiên phần viết về đại tá Trung thì hơi cứng. Bác sợ rằng...

- Sao kia bác?

- Bác sợ rằng bạn đọc sẽ nhận ra đó là bác. Mà bác thì không được đẹp như nhân vật của cháu. Nói thật lòng, trong cuộc đời không phải đã có lúc bác thoái lui nhất là những lúc bị trên hiểu lầm. Cũng may cuối cùng bác lại vượt qua được.

Tôi thấy hai người nói chuyện với nhau tâm đắc như bạn tri âm. Cách đây hai hôm Lập vỗ vào vai tôi và bảo:

- Anh nghĩ ra kế chữa bệnh cho ba rồi chú ạ.

- Kế gì? - Tôi hỏi.

- Thằng Khiếu. Chỉ có thằng Khiếu thôi. Chẳng cần phải về quê hay vào một trăm linh tám làm gì. Cứ thằng Khiếu đến là ba khắc khỏi.

Thế mà Lập nói đúng. Tôi mải nghĩ nên bổ dao xuống bập vào thớ gỗ bị vặn, lia vào tay liền kêu "ối" một tiếng - Khiếu ở trong nhà chạy ra.

- Sao thế?

Tôi lấy bàn tay phải bịt vào chỗ đau. Máu trào qua chỗ làn da bị rách. Khiếu nhanh nhẹn trở vào lấy ra một nhúm thuốc lào rịt vào tay tôi rồi xé chiếc mùi xoa trong túi của mình buộc vào.

- Để mình chẻ nốt cho.

Khiếu nhanh nhẹn cầm lấy dao chẻ canh cách một hồi. Xong cậu ta xếp gọn thành từng bó. Thao tác của Khiếu vẫn nhanh nhẹn, gọn gàng theo tác phong của con nhà lính năm xưa.

- Hôm nay cậu ở chơi đây, ăn cơm với ba mình một bữa.

- Bác cũng vừa bảo, nhưng lúc đi mình chưa nói với Huyền và hai cháu. Để khi khác vậy.

Mẹ tôi lúc ấy ra chợ về reo lên

- Cậu Khiếu đấy phỏng? Gớm, dạo này cậu biệt vô âm tín ghê quá.

- Cháu có lỗi với hai bác lắm.

- Đây là nói thế chứ lỗi với lời gì. Thế nào các cụ trên nhà có khỏe không? Cậu có hay về làng Cổ Thanh không?

- Dễ đến hai tháng rồi bác ạ. Các cụ cháu vẫn được khỏe.

Mẹ tôi vừa xếp các thứ ở làn ra, vừa bảo:

- Thằng Muôn vừa chẻ củi bị vào tay chứ gì? Tôi biết ngay mà, cái ngữ học trò này thì trói gà cũng chả nổi đâu.

Khiếu cười:

- Chúng cháu là một lũ thế cả.

- Gớm, có mà được như cậu. Hãy còn lông bông lắm. Cậu xem thế nào, bạn bè với nhau phải giúp nó chứ.

Tôi nghe cái bài ca muôn thuở về chuyện lấy vợ lại thấy ớn xương sống. Khác hẳn lần đi phép trước, lần này tôi bị nhắc nhở luôn.

Khiếu bảo:

- Cháu lúc nào cũng sẵn sàng. Chỉ sợ thằng Muôn nó kén quá.

- Kén đến ra lão à? Đấy, bác trai có lẽ cũng phát bệnh về nó. Tôi đến khổ.

Trong thâm tâm mẹ tôi, có lẽ, nghĩ rằng, cha tôi phát bệnh ngẩn ngơ cũng chỉ vì nghĩ đến việc vợ con của tôi nhiều quá. Hoặc giả bà cho rằng thời trẻ cha tôi chịu đựng bom đạn quá nhiều nên về già mắc chứng loạn óc, như vẫn nói với Lập. Bà không biết là cha tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo. Thứ chất độc hóa học này nó sẽ hủy hoại dần cha tôi cho đến ngày ông kiệt lực.

Tôi đau xót nghĩ về cuộc chiến. Nếu như không có bọn xâm lược, cha tôi đâu phải chịu cảnh đời nửa điên nửa dại; đâu đến nỗi Hưng đã bỏ tôi để theo một lão già. Mẹ tôi cũng chả đến nỗi bạc tóc vì cái chết của chị Nam và... cả cái chết đớn đau của ông nội tôi nữa.

Khiếu cắt ngang ý nghĩ ấy, bảo:

- Cậu xem lúc nào rỗi thì đưa bác về thăm làng Cổ Thanh.

- Ừ, mình cũng vẫn định. Nhưng khổ nỗi là ba mình không khỏe lắm nên các cụ phải ở gần để chăm sóc nhau.

Như tìm được người để chia sẻ lòng mình, mẹ tôi giãi bày với Khiếu:

- Mấy năm nay bác cứ như là thằng tù lỏng ấy cháu ạ. Lúc thì ở Sài Gòn, lúc thì ở Hà Nội. Bác tập mãi mà chả thế nào quen được.

Khiếu đồng tình:

- Các cụ nhà quê cụ nào cũng thế. Dạo cháu có đứa thứ hai, đón mẹ cháu ra chơi. Chưa được hai tháng bà cứ khóc lóc đòi về, bảo "tao ở đây thì chả khác nào cái thằng đi tù. Cửa ngõ thì ra đóng vào mở. Bạn bè chả có ai. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy bà cháu. Ở nhà quê, tiếng là buồn, nhưng còn vui gấp vạn".

Thằng này đúng tên là Khiếu. Nó có cái Khiếu đặc biệt, nói chuyện với ai cũng được. Hòa đồng vào lòng người cứ như không. Mẹ tôi cởi mở ruột gan như giũ thoát đi niềm u uẩn bấy lâu nay trong lòng bà.

- Ở nhà chúng tôi có chị có em, rộng vàng quang xá. Bây giờ nhà chùa mới khôi phục lại, lúc nào cũng vui như hội như hè.

Tiếng guốc của cha tôi vỗng làm cho mọi người im bặt. Ông đi thủng thẳng ra ngoài sân, cặp mắt thờ ơ như chả để ý đến ai khiến mẹ tôi thở dài. Giọng bà thì thầm:

- Cháu là nhà văn nên ông ấy quý lắm.

- Cháu cũng biết thế - Khiếu đáp - Chỉ tiếc là cháu chả làm được điều gì lớn lao để vui lòng bác cả.

Lúc ấy cha tôi đưa tay vẫy Khiếu. Tôi thấy mình thừa ra. Tôi bỗng sợ cái lạnh lùng, giá băng của ông. Thà rằng ông chửi mắng tôi, tôi thấy còn dễ chịu. Đằng này... ông làm tôi chua xót nghĩ tới sự ghẻ lạnh, cô đơn.

Khiếu đến bên ông. Ông im lặng chỉ cho Khiếu xem mấy bông mộc lan đang nở. Ông bảo:

- Hoa cũng như người. Thanh cao là ở tự hương của nó.

Tôi đâm ra bối rối. Liệu ông có ám chỉ tôi là kẻ không còn giữ được tâm hồn trong sạch của người lính hay không?

- Trong tiểu thuyết của cháu có miêu tả việc làm sân bay Kiến An. Ở đây có một chuyên gia Xô Viết tên là Ivan Ivannôvích. Bác hỏi cháu, mối tình của vị chuyên gia ấy với cô gái Việt Nam liệu có đúng thực tế hay không?

- Chuyện có thật bác ạ.

Tôi bỗng chú ý đến câu chuyện giữa Khiếu và cha tôi. Khiếu bảo:

- Tên của vị chuyên gia cháu giữ nguyên. Hy vọng sách in ra nếu ông Ivan còn sống sẽ tìm cách dò tìm đứa con của mình. Chỉ có tên cô ấy là cháu thay đổi,lấy tên lót chứ không lấy tên thật.

Cha tôi bình luận:

- Hóa ra đằng sau cuộc chiến tranh còn biết bao nhiêu là chuyện.

Tôi thấy cuồng người lên, muốn lao ngay đến chỗ Khiếu để hỏi cậu ta. Nhưng bỗng thấy xấu hổ khi nhớ tới cuộc đối thoại hôm trước với cha mình. Tôi hiểu quang vinh của bọn nhà văn là cứu rỗi các số phận. Đó là bọn người thực sự có ích cho xã hội nhưng thường ít khi được hưởng sự sung sướng.

Lúc tiễn Khiếu ra đầu ngõ, tôi hỏi:

- Cậu lần ở đâu ra chuyện này?

- Ở chỗ cậu - Khiếu tủm tỉm đáp - Cậu quên rồi ư?

Tôi ngớ ra. Khiếu vỗ nhẹ vào vai tôi.

- Trong chuyến đi phép lần ấy, cậu đã kể cho Hưng nghe, trước khi lên đường vào B.

- Vậy là Hưng đã kể lại tất cả cho cậu?

- Ừ. Cũng là do tình cờ. Hưng đã gặp lại mẹ của cậu Ăngđrây Ivannôvích. Thật đáng buồn là cô ta đã chết.

- Thanh Nga đã chết ư? - tôi thốt lên. Không nhớ là lúc đó tôi có khóc hay không. Nhưng trong tâm khảm tôi cầu nguyện cho linh hồn cô được thanh thản tới cõi niết bàn.

- Bây giờ cái cậu bé Ăngđrây Ivannôvích đó ở đâu rồi? - Cuối cùng tôi hỏi.

- Chính mình cũng chẳng biết nữa - Khiếu buồn rầu nói - Chỉ biết là cậu ta còn sống. Nếu muốn biết kỹ thì phải gặp Hưng mới được. Nhưng mà gặp Hưng thì rất khó.

Tôi túm lấy ngực Khiếu.

- Sao? Giữa các cậu lại có chuyện gì xảy ra à? Dẫu sao thì ba đứa mình cũng là bạn học - Giọng tôi chùng dần - Chẳng lẽ quá nửa đời người mà đã vội xóa sạch những kỷ niệm từ thời ấu thơ?

Khiếu tránh nhìn tôi. Mặt Khiếu buồn như hoang mạc:

- Cậu cứ tìm Hưng rồi sẽ thấy được một điều gì đó.

Khiếu dắt xe đi. Lòng tôi trống trải như trong cõi hư vô.

*

Tôi quyết định đột kích vào phòng ba tôi để lấy ra tập bản thảo của Khiếu. Qua câu chuyện giữa hai người tôi lờ mờ cảm thấy có nhiều điều bí ẩn đang hiện ra dưới ánh sáng của cuốn tiểu thuyết mà bạn tôi đã viết. Tôi chăm chú đọc một trang, mở ra do ngẫu nhiên, giống như sự ngẫu nhiên của số phận được hiện ra dưới trang Kiều.

"Làng Thanh nằm bên dòng sông lớn, có bãi cát trắng dài tỏa sáng trong mỗi đêm trăng. Vào mùa nước lên, ở ngã ba sông nước rộng ra tựa có phép thần. Những buổi trưa hè, tôi và Muôn thường đứng dưới rặng tre nhìn con lũ sôi sục chạy như ngựa giữa dòng. Lúc ấy chúng tôi thường nhớ đến kỷ niệm của ngày hè năm trước. Dạo ấy sông chưa rộng như bây giờ. Đến tháng sáu, bãi Rùa vẫn còn cát trắng. Tôi, Muôn và Hương thường đi mót củ[1]. Ba đứa phải lấy lá hột[2] bọc dưới chân giả làm giày. Nhiều hôm, trời nắng, nóng tới 38, 39 độ, Hương không chịu nổi, bàn chân bỏng rộp lên. Tôi và Muôn phải dìu Hương đi trong lúc các bác bảo nông[3] ra sức truy tìm. Ở làng tôi, người ta không cho đi mót củ vì sợ kẻ đi mót đào trộm khoai của hợp tác".

Tôi ngẩn người. Đúng là thằng Khiếu viết về chúng tôi. Nó đặt chệch tên đi: Muôn là Muộn. Hưng là Hương. Thế mới biết, có bạn làm nhà văn vừa sung sướng lại vừa thấy sợ. Sướng là được đọc lại những kỷ niệm của đời mình. Sợ vì ngòi bút của nó lại luồn lách vào tất cả các chuyện riêng tư.

 

[1]. Tiếng địa phương: Khoai lang.

[2]. Tiếng địa phương: Lá thầu dầu.

[3]. Tiếng địa phương: Đội bảo vệ

"Vào một ngày kia, cuộc chiến lan ra toàn quốc. Từng đợt máy bay oanh kích của Mỹ lao đến ném bom xuống thành phố bên kia sông. Làng Thanh không còn cái vẻ êm ả của những ngày năm xưa. Hai phía đầu làng xuất hiện những trận địa pháo cao xạ. Ngày đêm tiếng pháo giật như sấm chớp, xé tan bầu không khí ngọt ngào của một vùng quê hai mùa lúa chín và tiếng hò trong các đêm trăng sáng nơi bến sông".

Tôi nhớ ngày đó nhiều lần làng tôi ngập chìm trong khói lửa. Trong nhiều trận đánh, do bị bắn rát, những chiếc F4H liền quăng bom bừa bãi xuống các vùng quanh thành phố. Có lần một tốp F105 hạ thấp độ cao để tránh đạn pháo cắt rẹt qua làng tôi như nhát cưa thép của thiên lôi. Trận ấy tôi và Khiếu trong đội quân quân đã thức suốt đêm để vác đạn pháo. Gian khổ. Nhọc nhằn. Ai nấy đều rất vô tư.

"Hôm ấy là ngày thứ bảy. Một ngày hè chói chang. Nắng phản chiếu xuống dòng sông trong xanh bóng của bầu trời cao mang đầy dự báo của đợt sóng tử thần. Bắt đầu từ 12 giờ trưa. Một trận oanh kích liên miên kéo dài đến 4 giờ chiều dọc theo thành phố. Tôi là chiến sĩ phục vụ cho trận địa cao xạ. Muộn làm phó cho một xạ thủ bắn trung liên. Trận đó tôi vác đạn rát cả vai. Mỗi lần máy bay ngừng giữa đợt tôi thấy anh tiểu đoàn trưởng lại bảo lính của mình:

- Bọn mày cứ xả thật mạnh vào. Rót tập trung, đánh dập đầu các tốp đi đầu là bọn sau sẽ hoảng loạn. Không sợ thiếu đạn. Hết đã có hai ông anh Liên Xô và Trung Quốc, hiểu chưa?

Anh em pháo thủ rất phấn khởi. Trong 4 đợt bọn Mỹ đến phải trả giá 6 chiếc rơi ngay trên vùng trời ngoại ô.

Theo lời anh tiểu đoàn trưởng, trận đánh vét các pháo thủ tập trung bắn xối xả vào tốp 3 chiếc trong số 16 chiếc máy bay từ hướng núi Ba Vì đến. Thế là các tốp đi sau tháo vội bom bỏ chạy. Cả dòng sông cuộn lên. Các tháp nước dựng đứng tựa hồ những cột nước đá của thiên nhiên xếp thành hàng dài giữa các lớp khói mịt mù.

Khi tiếng pháo và tiếng máy bay vừa dứt tôi thấy tiếng của Nương.

- Cá. Nhiều cá quá, anh Khiếu.

Tôi giật mình nhìn xuống dòng sông. Mặt nước trắng lấp lóa".

Nương có lẽ là Năm, em gái tôi. Theo cách Khiếu tả, Nương rất đẹp. Còn đẹp hơn cả Năm ngoài đời.

"Chúng tôi cùng nhau bơi ra giữa dòng sông, đua nhau vớt cá lên những chiếc thuyền nan nhỏ. Chúng tôi quên mất đó là một ngày ác liệt của chiến tranh. Hồn nhiên như trẻ thơ, chúng tôi vật lộn giữa dòng nước và đem vào bờ những khoang cá đầy ắp.

Khi chuẩn bị bốc cá lên bờ cho các chi đoàn kết nghĩa đem về khu hậu cần của lính pháo thủ, bỗng nhiên Nương bị té xuống nước. Theo phản xạ tự nhiên, tôi thấy một cặp mắt nhìn tôi xao xuyến đến thế. Cặp mắt ấy trong veo như bầu trời mùa thu ở làng Thanh quê tôi. Còn tôi, như con thuyền lênh đênh giữa các đợt sóng lao xao ở mắt nàng".

- Thằng quỷ. Nó yêu em gái mình mà mình không biết - Tôi nghĩ bụng.

"Tình yêu của tuổi trẻ cũng giống các dây chun lằng nhằng néo qua các số phận. Trong lúc Nương thầm yêu tôi thì trái tim tôi lại rung cảm theo một tà áo khác. Có lẽ Hương cũng ở trong cảnh ngộ hệt như thế. Cho nên, mặc dù có lần Hương đã cảm nhận từ cặp mắt tôi một xúc cảm chân thành, nhưng số phận lại vẫn kéo tình yêu của nàng về với Muôn".

Tôi thấy nôn nao cả người. Không dè, chính cái anh chàng nhà văn này lại đắm say Hưng của tôi. Rốt cục thì chả ai được cả. Dòng đời đã bị cuộc chiến xé tung ra. Chúng tôi, mỗi người một ngả.

Tôi bỗng nhớ lại mối tình tay ba giữa người nữ liên lạc với cha tôi và bác Tính ngày chưa khởi nghĩa. Liệu có một cái gì đó như khoa học gọi là "chu kỳ sinh học" lặp lại giữa các thế hệ hay không?

"Tôi vẫn luôn nghĩ là cuộc đời nàng sẽ hạnh phúc. Với một vẻ đẹp thanh khiết mà cuộc đời phú cho trên cặp mắt nàng, trên cái cổ trắng ngần có ba ngấn như những đường chỉ nhỏ. Với một thân hình đầy sức sống mà bất cứ chàng trai nào thoạt gặp đều phải sững sờ, nàng phải thuộc về một tương lai đầy xán lạn. Nàng đáng phải được hưởng tất cả mọi niềm sung sướng, mọi hạnh phúc ở thế gian.

Vậy mà cuộc đời không phải thế!

Tôi gặp lại nàng trong một buổi chiều lạnh giá mùa đông. Một ngôi chùa ẩn sau hòn núi nhỏ, tịch mịch như cửa ngõ của động tiên. Nơi đây chính là chỗ nàng gửi gắm đời mình, một tâm hồn bị vắt kiệt bởi dòng đời nghiệt ngã mong tìm được lối siêu thoát tới cõi vĩnh hằng. Tôi tần ngần đứng nghe tiếng mõ chiều lốc cốc nổi trong am, tiếng tụng kinh rì rầm buồn buồn, u uẩn như khơi gợi ở lòng người mạch cảm xúc thần tiên về sự hướng thiện. Cảnh thanh tao, trầm mặc của núi rừng; lối mòn đầy hoa dẫn vào khe suối, chẳng khác gì bàn tay thiên thần nâng ngôi chùa nhỏ bay bổng khói nhân gian về nơi tiên giới. Chẳng lẽ nàng đã giác được thật ư? Nàng đã rũ bỏ cuộc đời trần tục trở về trong vòng tay của đức phật từ bi thật ư? Tôi hồi hộp ngắm nhìn khuôn mặt thanh tao của nàng nghiêng nghiêng sau vành khăn nâu. Tôi quyết tâm chờ đợi nàng ở lối ra để được gọi tên nàng, để sống lại một thời dĩ vãng chưa hết tàn phai của tuổi trẻ. Thật buồn thay, khi tôi goi: "Hương", người đàn bà ấy đã giơ bàn tay dọc theo trước ngực mình và đáp "mô phật". Nàng quay ngoắt đi như chưa hề biết, chưa hề gặp tôi một lần nào".

Tôi suýt đánh rơi tập bản thảo trên tay mình với một tiếng thở dài tưởng là vô tận. Chả lẽ Hưng đã đi tu thật sao? Lần theo các kỷ niệm tôi cảm thấy Hương trong tiểu thuyết là Hưng ở ngoài đời. Thật là vô lý quá!

Câu chuyện trong tiểu thuyết của Khiếu làm tôi nhớ đến Sang trong lần gặp nhau ở Vácxava. Chẳng hiểu tại sao một vị giáo sư bao nhiêu năm đứng trên bục giảng khi được Nhà nước cho đi làm chuyên gia ở Phi châu hết hạn lại không chịu trở về mà đi bán vặt ở đầu đường xó chợ. Sang đâu có phải là người thiếu thốn. Anh đã mua được một mảnh đất và làm lên trên đó một ngôi nhà hai tầng. Với nghề nghiệp của hai người lẽ ra Sang không nên làm như thế mới phải. Hay là giữa hai người đã có chuyện gì? Ly dị chăng? Nếu họ ly dị thì mọi người trong làng Cổ Thanh phải biết. Chắc chắn anh Được phải nói cho tôi. Tuần trước cả hai anh chị về Hà Nội chơi và bàn chuyện đón cha mẹ tôi về quê, không thấy Được nhắc gì đến chuyện đó cả.

Nếu câu chuyện trong tiểu thuyết là thực thì Hưng đã đi tu. Trong cuộc đời nàng phải có điều gì trắc ẩn.

Nghĩ như vậy tôi càng nóng lòng muốn đi gặp Hưng. Bao nhiêu năm qua kể cả những ngày ác liệt nhất, trong tâm trí tôi chưa bao giờ dứt được hình ảnh về nàng. Những năm gần đây tôi vẫn cố tự đánh lừa lòng mình rằng tôi hoàn toàn không còn yêu nàng nữa. Thậm chí có lúc tôi phải làm như căm ghét nàng. Nhưng càng làm như vậy tôi lại càng đau khổ. Trong tôi lúc nào cũng có hai con người luôn cọ xát nhau. Thể xác tôi chỉ là cái hình bóng vật vờ của một tâm hồn bất hạnh.

Lúc này tình yêu của nàng lại dội lên trong lòng tôi những dằn vặt đau đớn. Chỉ vào những lúc thế này tôi mới hiểu tình yêu có một thứ ma lực khủng khiếp. Hoặc là nó nâng bổng cuộc đời người ta. Hoặc là nó gặm nhấm và giết dần giết mòn cho người ta trở nên tàn lụi, héo hắt.

Tối hôm ấy tôi quyết định phóng xe đến nhà nàng. Bao nhiêu năm hai bên tránh mặt nhau, giờ phải nhìn thẳng vào nhau để nói lên sự thật. Dù chẳng làm lại được cái gì thì cũng phải thông cảm lẫn cho nhau, xóa đi cho nhau tất cả.

Theo hướng dẫn của Lập tôi đến khu tập thể Nghĩa Tân. Lần tìm chừng nửa tiếng tôi đến đúng căn hộ mà vợ chồng Hưng trước đây đã ở. Bây giờ thay thế là vợ chồng anh giáo trẻ, có người mẹ già tóc bạc màu bạch kim. Ba người nói chuyện hồ hởi với tôi. Bà cụ già kết luận:

- Ở đời tôi chả thấy có cặp nào được sung sướng như vợ chồng nhà ấy. Sau lần ông Sang được phong giáo sư thì nhà tôi mới được phân vào đây. Còn ông Sang thì được hẳn một miếng đất ở Đồng Xa. Sau chuyến đi Pháp về vợ chồng ông Sang xây lên đó một ngôi nhà tầng rất đẹp. Làm xong nhà chưa được hai năm thì ông Sang lại đi Phi châu. Của nả nhà họ có lẽ ăn mấy đời chả hết.

Tôi đứng dậy, bà cụ còn nèo tôi uống thêm một chén nước nữa rồi chép miệng:

- Con tôi là học trò ông ấy. Run rủi lại được phân vào cái căn hộ này, ít nhiều thế nào chả được hưởng chút lộc của thầy, phải không chú?

- Đúng thế ạ - Tôi đế vào, còn bụng dạ thì cồn cào chỉ muốn biết ngay sự thật về Hưng.

Con trai cụ tên Thành, người nhỏ bé nhưng có duyên, nói tiếng vùng Nghi Lộc, vẽ cho tôi tấm bản đồ rất chi tiết đến nhà Hưng. Anh bảo:

- Đây là khu mới xây, chẳng có phố có nhà gì cả. Dân lại tứ chiếng, chả ai biết ai. Anh phải theo sơ đồ mới tìm dến được.

Tôi phóng xe về khu Đồng Xa. Thật đúng với cái tên gọi của nó. Từ con lộ chính đi vào phải mất mấy kilômét. Khi tôi vừa đến, mất điện, đường tối om om. Chiếc xe cứ chồm lên trên con đường đầy ổ gà và đá sỏi.

Cuối cùng tôi đã tìm đến nhà Hưng. Đó là tòa biệt thự. Ở cuối dãy nhà tầng, ngoảnh mặt ra ngoài cánh đồng. Đêm giữa tháng, ánh trăng tỏa xuống miền ngoại ô màu trắng bạc, lạnh lẽo, chờn vờn trên làn sương mỏng cuối thu. Từ xa, tôi nghe rõ tiếng ếch nhái kêu inh ỏi, tiếng những con côn trùng ri rỉ buồn bã. Khu phố vắng lặng, tịch mịch. Vài ngọn đèn dầu le lói thắp lên. Một bà già nào ở xứ quê lên ẵm cháu cất lên một điệu ru vời vợi, xa thẳm. Lâu lắm tôi không được nghe một điệu ru nào thiết tha như thế.

Tôi bấm chuông cổng hai, ba lần. Bên trong vẫn không một động tĩnh. Tiếng lá cây rơi trong gió thổi xạc xào. Yên ắng quá. Chả lẽ điều mà Khiếu viết là có thật ư?

Suy nghĩ một lát, tôi quyết định gọi to:

- Hưng. Hưng ơi!...

Không có tiếng đáp lại. Chỉ có những âm ba truyền đi đập vào vách nhà phản hồi lại, lan tỏa ra con mương dẫn ra chiếc hồ ngoài cánh đồng.

Lòng tôi trống trải và thất vọng. Đành nổ máy xe và cua một vòng về phía ngõ bên kia. Tiếng ru của bà cụ lúc nãy ngừng bặt. Một giọng già nua vọng ra từ sau cửa sắt:

- Ai tìm cô Hưng đấy?

- Thưa cụ, cháu đây ạ - Tôi đáp - Cháu muốn hỏi cô Hưng. Cụ biết cô ấy đi đâu không ạ?

Chắc nghĩ tôi là người hiền lành, bà cụ ra mở cổng.

- Vậy như chú ở đâu ta?

- Dạ... cháu là bạn... của cô ấy. Tôi ấp úng.

- Chắc là lâu không gặp nhau có phảng?

- Thưa cụ... cháu xa nước đã mấy năm rồi.

- Ừ, thế chứ lỵ. Vào đây.

Giọng bà cụ trở nên thân mật, gần gũi hơn. Bà mở hé chiếc cổng ra cho tôi dắt xe vào. Bà thì thào.

- Khe khẽ chứ. Thế, dựng xe vào chỗ này cho tôi nói chuyện.

Bà cụ trỏ cho tôi chỗ dựng xe, tay không quên rung chiếc nôi treo trên chiếc xích đu bằng sắt. Trong đó có một đứa trẻ đang ngủ.

- Chú biết không, tôi phải cho nó ra đây ngủ cho yên chuyện đấy. Gớm chết cho các cặp vợ chồng thành phố chú ạ. Tiếng là có trí thức nhưng...

Bà cụ thở dài, đưa tay lên chấm nước mắt. Trong đêm tối lờ mờ, ánh trăng soi qua các kẽ lá của những khóm hồng xiêm tạo thành từng vùng sáng lốm đốm như hoa nở. Bóng bà cụ hơi còng xuống như bị đè nặng bởi một thời vất vả ở thôn quê.

- Tôi nghe giọng chú biết chú là người phúc hậu nên mới giãi bày đôi chút cho thanh thản, rồi tôi sẽ nói về cô Hưng cho chú nghe.

Powered by Froala Editor