Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

(9)   Tôi bỗng thấy tim mình đập thon thót. Hiện ra trước mắt tôi là một am chùa nhỏ, mái cong ở cái góc uốn lượn. Qua một cái sân nhỏ có tường hoa bao quanh là những bậc tam cấp bằng đá xanh dẫn vào chính gian. Không rõ chùa được xây dựng từ thế kỷ nào mà dãy cột gỗ lim dọc hàng hiên đã đen bóng. Tiếng mõ cốc cốc vọng ra cùng tiếng tụng kinh với những âm thanh ê a kéo dài gieo vào lòng tôi cảm giác về một nỗi buồn xa xăm khó tả.

Tôi đứng nép vào một thân cột, lặng nhìn dáng người quen thuộc đã đi vào tâm khảm tôi từ hai chục năm về trước. Hưng của tôi đây ư? Đúng là nàng, nửa khuôn mặt với làn nước da trắng hiện ra dưới tấm khăn phủ kín màu nâu. Bộ quần áo dài cũng màu nâu. Nàng ngồi trên chiếc chiếu hoa trải chính giữa am, trên nền gạch bát được lau chùi sạch bóng. Tay nàng đặt trước ngực, cung kính. Những ngón tay thon dài như tháp bút đứng thẳng, trong vẻ nghiêm lạnh vẫn toát lên vẻ đẹp của thời xa xưa. Bàn tay này có một thời vuốt ve lên mái tóc tôi, mơn man lên da thịt tôi.

Powered by Froala Editor

.     (9)

Sốt ruột quá, nhưng nghe có điều kiện ở phía sau tôi đành cố nán lại. Ngồi xuống chiếc ghế đá ri tô trắng hơi lạnh hơi sương, tôi lơ đãng nhìn ngôi vườn rộng thênh thang đổ bê tông phẳng lỳ thỉnh thoảng có những ô đất tròn được be lên trồng cây và hoa, ngẫm nghĩ: Chủ của tòa nhà này phải là một người giàu có lắm.

- Vơ. chồng cái nhà cô Hưng sống yên ả lắm, chả ồn ã như vợ chồng cái thằng con trai tôi. Nói chú xá tội cho khỏi mang tiếng đi nói xấu con dâu, nhưng thời buổi này tôi đến là khiếp.

Giọng bà cụ cứ xa xăm, thăm thẳm như thế.

- Con dâu tôi kể ra là người lắm chữ nghĩa lắm. Ấy thế nhưng, chú biết không, chả ngày nào là không cãi nhau với chồng. Con gái trí thức bây giờ nhiều cô bất đẳng quá. Họ chả coi tôn thống là gì. Họ chỉ coi có tiền là cái quý giá nhất. Người đàng phố thật khác hẳn người thôn quê ta.

Bà cụ thở dài, đau đớn. Nỗi đau đớn phải nín nhịn u uất bấy lâu nay trong lòng.

- Tôi cũng chả dám nói với ai. Nói ra chỉ thêm xấu hổ làm trò cho thiên hạ chê cười. Nhưng mà cái quân nó bạc quá chứ ạ. Sao ở đời lại có những kẻ nó bạc bẽo đến thế nhỉ?

Tôi nắm tay bà cụ, an ủi:

- Thôi cụ ạ, đời người nó phức tạp và oan trái lắm.

- Thì thế. Con tôi đi Tây làm lụng gian lao, gây dựng cho mẹ con nó tất cả. Nào nhà, nào xe, nào tiền ăn uống học hành chi tiêu... tất cả trên vai nó hết. Thế mà chú biết không khi trở về, con vợ nó nấu cơm, giặt giũ lại bì bục là đi làm thuê cho chồng. Nó lại kể lể với tôi nào công lao nó nuôi con vất vả mấy năm trời, nào nó thế này thế nọ. Tôi ngẫm mà thấy chua chát cho thằng con trai tôi quá. Ngày xưa tôi đã bảo: Lấy vợ phải xem tông, lấy chồng xem họ. Nó bảo tôi: "cô này có học thức cao sẽ lễ nghĩa và hiểu biết". Thế mà chao ôi, nó láo như con quỷ sứ ấy chú ạ. Loại người bất thân bất sơ, sốgn nhạt hoét như nước ao bèo.

- Thế sao cụ không nhờ gia đình bên cô ấy giúp đỡ?

- Chú bảo... cái lề nhà người ta như thế, ăn thua gì. Ở nhà quê ta, nói vậy nhưng có quy củ, phép tắc. Chứ ở đây, dân tứ chiếng hỗn độn như canh trận tàn ấy chú ạ. Ai bảo được ai? Tôi nói thì họ bảo tôi: "Bây giờ dân chủ rồi cụ ạ. Không như ở nhà quê cụ đâu. Cụ muốn con dâu phải nghe lời con trai cụ thì phải về nhà quê mà lấy vợ cho nó". Thế đấy chú ạ. Lẽ ra con dâu mình có học vị cao mình phải được tự hào mới phải. Đằng này học cao mà ăn ở tệ bạc quá, chẳng bằng một người ít học nhất ở nhà quê.

- Sao con trai cụ không tìm hiểu cô ấy kỹ từ trước?

- Nào tôi có biết. Chỉ thấy nó khoe suốt từ bé đến lớn lúc nào cô ấy cũng được giấy khen là học sinh ngoan giỏi của nhà trường. Bây giờ thì ngã ngửa ra.

- Thế thì cô này chắc không được gia đình giáo dưỡng chu đáo từ nhỏ cụ ạ. Cụ phải bảo ban thêm cô ấy.

- Có bảo được ạ. Người ta cậy học cao, có văn hóa. Tôi cứ phải như người câm điếc ấy thôi. Mình già rồi, sống được bao lăm. Vì con, vì cháu tôi mới ra đây. Cũng là thương thằng bố nó đẻ hai đứa đầu toàn con gái. Kiếm được cái thằng cu này, bà mới ra đây - Bà cụ quay lại nựng đứa bé trong nôi - Cũng là vì thằng cháu nội của bà thôi. Chứ như con mẹ nó thì bà cứ ỉa vào cổng chứ thiết gì. Mấy năm con bà đi Tây, của nả đưa về nó chiếm lấy hết, chẳng bao giờ nghĩ đến cái người đẻ ra thằng bố nó đây. Cha tổ nó, bà chỉ yêu cháu bà thôi nhỉ.

Lòng tôi thấy buồn. May phúc là tôi chưa lấy vợ.

- Chú được mấy đứa rồi? - Cụ quay lại hỏi.

- Cháu chưa lấy vợ ạ.

- Thế kia như? Thế thì phải chọn cho kỹ vào chú ạ. Đừng có ham cái bằng cấp làm gì. Học cao bây giờ là đáng sợ lắm.

- Vâng! Cảm ơn cụ đã chỉ dạy. Thực ra chả phải ai cũng thế đâu cụ ạ. Ở ta họ hay nhầm giữa văn hóa và học thức. Học thức là theo bài bản, kiến thức khoa học được soạn ở nhà trường. Ai học mãi cũng sẽ thành tài. Còn văn hóa là truyền thống của gia đình, của dân tộc, con người ta phải tự học qua cha mẹ, bạn bè anh em. Đó là những lối ứng xử hàng ngày với bao nhiêu tế nhị và tinh tế. Thông thường người học cao thì đầu óc sáng sủa dễ tiếp thu những thứ đó. Nhưng ngược lại, người học cao thì không có cái vốn này thì họ lại sống theo cái bản năng, ngạo ngược, tự phụ và trở thành bất nghĩa.

- Chú hiểu đời lắm. Thật chẳng bù cho cái thằng con trai nhà tôi. Từ ngày lấy vợ thì mất luôn cả anh em, bà con chú ạ. Lắm lúc tôi thấy vợ chồng nó cãi nhau. Con vợ bảo: "Tôi chả cần anh em, làng nước nhà anh". Nghĩ mà tôi thấy sợ. Sợ cả các ông bà đẻ ra những con, những cháu như thế.

Nếu cứ để bà cụ nói theo đà ấy thì hết tối, tôi liền chuyển hướng:

- Vợ chồng cô Hưng có hay to tiếng như thế không cụ?

- Vợ chồng cô Hưng thì không thế. Cô ấy đúng là một người vừa được người lại vừa được nết chú ạ. Thế dưng mà...

- Sao hở cụ? Cô ấy làm sao, cụ có thể nói cho cháu nghe được không?

- Cô ấy đi tu rồi.

Tai tôi ù đặc đi, người run lẩy bẩy như bị ốm.

- Trước khi đi cô ấy dặn tôi đừng nói với ai. Chỉ trừ khi có một người... chả hiểu tại sao tôi lại cứ có linh cảm là chú. Tôi hỏi khí không phải, chú là người cùng làng với cô Hưng?

- Vâng ạ!

- Chú là Muôn?

- Vâng. Cụ tài quá. Đúng cháu là Muôn.

- Cô ấy có kể cho tôi nghe về chú. Thì ra cô chú yêu nhau từ những ngày đầu chiến tranh.

- Vâng ạ.

- Cô ấy yêu chú lắm. Còn ông Sang chỉ là chồng. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đi tu cũng vì sự trắc ẩn này.

Bà cụ nói xong lại thở dài:

- Đúng là đời người, mỗi người mỗi số thật chú ạ.

Tôi chia tay bà cụ, lòng nặng nề và u ám. Suốt đêm hôm ấy hầu như tôi không ngủ tý nào, chỉ mong tới chóng sáng để ra tìm ngôi chùa mà người yêu cũ của mình đã đến tu.

Tiếng đồng hồ đánh bính boong ở phòng khách báo hiệu 5 giờ sáng. Tôi trở dậy đánh răng, rửa mặt. Nghe tiếng lục tục mẹ tôi cũng trở dậy theo. Bà hỏi:

- Anh đi dâu mà sớm vậy?

- Thưa mẹ, con có việc đi ngoại ô. Chiều tối sẽ về. Mẹ thưa lại ba hộ con ạ.

- Anh cứ chạy lông tông suốt ngày. Ưng đám nào thì dứt điểm đi cho gọn.

Tôi chẳng biết nên trả lời mẹ thế nào, phóng xe đi. Theo hướng dẫn của bà cụ già, tôi đi về hướng tây thành phố. Có lẽ gần hai chục năm tôi mới đặt chân lên vùng đất này kể từ cuộc hành quân đầu tiên lúc bước chân vào lính. Dạo đó chúng tôi hành quân qua khúc đê quai vào một đêm trăng sáng đầu thu. Đến quãng đường ngoặt trước mặt thì gặp tiểu đoàn tự vệ của sinh viên Trường Đại học Tổng hợp cũng hành quân về phía Bắc. Một cô gái tinh nghịch, đeo sau lưng vành ngụy trang ném qua đội hình của chúng tôi cành xà cừ đầy lá, rồi hò:

Hò ơ ơ... bao giờ cho hết chiến tranh.

Ông tơ bà nguyệt se mình với ta.

Một cậu lính nhanh nhảu đáp:

Hò ơ... người ngọc người ngà

Chiến tranh kết thúc ta dâng hoa đón nàng.

Không ngờ sau này tôi lại gặp chính người con gái ấy là phóng viên mặt trận. Cô mới học hết năm thứ ba thì xin vào đội xung kích bổ sung cho chiến trường. Cô chết ngay ở chân thành Quảng Trị. Trước khi ra Bắc tôi còn kịp lấy được tập bản thảo của cô đem cho nhà xuất bản.

Tôi bỗng thấy sởn da gà ở hai cánh tay. Tôi còn nhớ như in, khi tập thơ này chuyền tay nhau đọc ở đại đội, cậu Hà là người hò câu kết, liền khóc nức nở. Cậu không biết rằng cậu sẽ hy sinh vào nửa tháng sau đó trong một trận ném bom ác liệt trước ngày kí Hiệp định Pa ri.

So với số bạn bè cùng tham chiến, tôi thuộc nhóm người may mắn. Chí ít tôi cũng được trở về đây thăm lại kỷ niệm xưa. Đây rồi, chỗ này là nơi mà hai đoàn hành quân ngồi nghỉ. Tôi dừng xe lại, bồi hồi nhìn bãi cỏ xanh non. Hà ơi! Linh ơi!... Tôi thì thầm gọi. Hai cái bóng hiện lên từ lòng đất. Mờ ảo trong sương của buổi sớm mai, vành lá ngụy trang lật phật bay. Hà cười hồn nhiên khi trao quyển sổ tay cho các bạn sinh viên ghi những dòng lưu niệm. Cả hai trang đầy ắp chữ ký.

Hương đồng quê tỏa trong gió ngào ngạt. Có lẽ là mùi hoa cỏ mật đang vờn bay quanh hai cái bóng nhập nhòa ở trước mắt tôi. Tôi thấy họ bay lên bay xuống như hai cánh bướm. Còn quyển sổ bỗng xòe ra thành nấm mộ khép họ vào lòng.

Tôi nhắm mắt lại rồi mở mắt ra. Chẳng còn biết thực hay là mơ nữa. Tay lái xe tôi ngoắt quay trở lại, phóng như bay trên mặt đường. Nhìn vào đồng hồ trên xe tôi thấy mình đã ngược trở lại được gần 3 kilômét. Xe rẽ vào mép đường bên trái, tay tôi đập vào tấm liếp bình bịch.

- Ai thế?

- Dạ. Thưa bác...

- Đẩy cửa mà vào.

Tôi đẩy cánh cửa liếp. Luồng ánh sáng lọt vào gian lán tối lờ mờ. Có hai ông bà già đang co quắp ôm lấy nhau. Tiếng ông già hỏi:

- Thằng Sái đấy hả? Gì mà khua khoắng sớm thế?

- Dạ, không phải Sái ạ. Cháu là khách, muốn bác bán cho một thẻ hương, thắp cho người chết ạ.

- Sao, tai nạn xe cộ à? - Ông cụ càu nhàu và trở dậy. Cái vỏ chăn cũ kỹ tụt xuống khỏi chõng để lộ ra mái tóc bạc quá nửa của một bà già.

- Dạ, không phải. Họ chết vì chiến tranh.

- Hử? - Ông già trợn mắt nhìn tôi - Anh có điên không? Chiến tranh hết từ mấy chục năm rồi.

Theo phản xạ tự nhiên ông cụ lùi lại, thủ thế. Có lẽ ông sợ bị cướp. Tôi vội giải thích:

- Vâng, đúng thế ạ. Hồi trước chúng cháu đã hành quân qua đây. Các bạn cháu đều bị bom đánh.

Ông cụ xòe một bàn tay ra ngăn tôi lại:

- Này chú, đừng lừa dối người già mà phải tội, nghe không. Tôi là dân vùng này. Cả hai cuộc, chưa lần nào bom đánh xuống quanh đây cả. Thôi đi đi. Ở đây chả có gì mà cướp đâu. Chỉ có hai ông bà già bán nước và si tình, suốt ngày ôm lấy nhau thôi. Đi!

Ông già đẩy tôi ra, tay nắm lấy tấm liếp. Tôi níu lại thanh minh:

- Bác hãy nghe cháu nói đã. Các bạn cháu đều chết ở trong Nam. Cháu muốn thắp nén hương trên chỗ ngày xưa họ hành quân ngồi nghỉ.

Bấy giờ bà lão, mới lên tiếng:

- Người phúc đức đấy, bán cho người ta ngỏ hàng lấy lộc lúc sớm mai.

"Còng bà" vừa giơ lên, ông lão đã y lệnh răm rắp. Đưa thẻ hương cho tôi, ông bảo:

- Chú tha lỗi cho tôi nhá. Thời nay mà còn có người tình nghĩa như chú thật hiếm lắm. Đời chú nhất định sẽ may mắn.

- Cảm ơn bác.

- Thế đã có lửa chưa?

- Dạ... tôi vỗ vỗ vào túi, lúng túng.

- Đây, biếu chú bao diêm. Khi khấn nhớ cầu họ làm phúc cho tôi.

Tôi phóng xe đến bãi cỏ, xòe diêm ra bật lửa. Kỳ lạ thay cả ba lần tôi vảy hương, khi cắm xuống đất lửa vẫn cháy lòa lòa. Người ta nói, như vậy là người chết thiêng lắm.

"Hà ơi! Linh ơi!... Mong hương hồn các bạn hãy yên nghỉ ngàn thu. Hãy cho phép mình từ hôm nay lấy ngày x... làm ngày thắp hương tưởng nhớ các bạn. Các bạn hãy phù hộ cho mình, cho Hưng, cho ông bà chủ quán mình quên chưa kịp hỏi tên bên đường".

*

Tôi loanh quanh không tìm được chỗ gửi xe. Trời còn sớm. Cái phố chợ nghèo nàn chỉ lèo tèo chưa đến chục nóc nhà, bây giờ mới có đôi ba người thức giấc. Một ông già chừng hơn sáu mươi tuổi, tóc bạc gần hết gọi tôi.

- Chú gì ơi, vào đây uống nước tôi bảo.

- Dạ, chào bác. Bác cứ dạy ạ.

- Dạy dỗ gì! Sao mà chú lễ nghĩa quá. Chú định tìm ai?

- Cháu định đến chùa tìm một cô gái. Tên Hưng. Bác có biết không ạ?

- Thế thì chú phải lên chùa. Nhưng còn sớm, chưa có air a trông xe đâu. Vào đây uống nước rồi sẽ hay.

Tôi dựng xe vào ngồi xuống một cái ghế là thanh gỗ bắc qua bốn chiếc cọc tre. Quán hơi lạnh, khiến tôi nhớ đến cặp vợ chồng già lúc nãy.

- Bác ở đây có một mình thôi ạ? - Tôi hỏi.

- Chứ lại mấy mình? Vợ tôi mất dạo mở mặt trận Công Tum trước lúc giải phóng toàn miền có mấy chục ngày. Bà ấy là y tá.

- Thế con bác?

- Hừ, con với cái. Tôi đã quên nó rồi. Nhưng chú nhắc thì tôi nói chuyện vậy. Chả giấu gì chú, nó đỗ bằng phó tiến sĩ cơ đấy.

- Thế thì quý hóa quá bác ạ.

Ông già nhếch mép:

- Đúng là quý quá nên tôi mới mất con.

- Sao hở bác? - Tôi giật mình.

- Thế đấy chú ạ - Giọng ông già lắng xuống, buồn như những giọt sương sớm rơi xuống từ mái nhà. Cuộc đời này có bao điều lạ lùng đến khó mà hiểu được. Có lẽ đến chết rồi ta vẫn thấy cuộc sống là một bức màn bí ẩn.

Tôi nhấp hớp nước chè, thấy đắng chát trong họng. Ông lão pha đặc quá. Dường như cuộc đời ông chứa chất quá nhiều nỗi đắng cay!

"Tôi có hai đứa con. Một gái, một trai. Con gái tôi trước học ở khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp. Nó học rất giỏi. Đến gần năm cuối thì được bổ sung đi làm phóng viên mặt trận".

Tôi thấy tim hơi thót lại. Ông lão vê một điếu thuốc lào cho vào nõ chiếc điếu cày rồi rít một hơi. Tôi muốn chia sẻ với ông liền đón chiếc điếu ông định đặt xuống chõng.

- Chú cũng hút thuốc lào à?

- Dạ. Trước cháu cũng là lính.

- Tốt - Ông bỗng chìa tay ra nắm lấy tay tôi, lắc lắc - Lính là tốt. Đời lính là một thiên bi hùng đáng kính trọng.

Tôi nhìn ông già đang thả một hơi khói đặc sệt vào không trung. Cặp mắt ông hơi rớm lệ.

"Sau cái chết của con gái tôi, vợ tôi cũng tình nguyện ra chiến trường. Bà ấy vốn là bác sĩ.

Cuộc đời quá cay nghiệt với tôi. Hai mẹ con bà ấy đều ra đi trước ngày giải phóng. Và... tôi trở về, thằng con trai tôi hằng yêu quý nhất lại không còn là con tôi nữa".

Tôi chẳng biết nói gì, chỉ im lặng ngồi nghe. Giọng ông già cứ mỗi lúc lại nghẹn lại giống như nồi nước sôi đang bung lên cứ bị vung nén kín.

"Chính nhờ có tôi và chị gái nó nên nó mới được nhà nước ưu tiên cho đi ăn học. Nó đậu đến bằng phó tiến sĩ nhưng rốt cục, chỉ là một thằng hèn".

Tôi phải nén một tiếng thở dài. Thật hẩm hiu cho chuyến về phép của tôi. Chuyện vui thì ít, chuyện buồn thì nhiều. Dẫu sao trời còn sớm, chả lẽ lại lên trồng cây si ở trước cửa chùa? Nghe ông già nói chuyện về cuộc đời, xét cho cùng vẫn có ích hơn cả.

"Bây giờ nó trở thành tên nô lệ trung thành của con vợ nó. Xin lỗi chú, tôi phải dùng từ ngữ như thế vì đây là trường hợp đặc biệt. Vợ nó cũng là phó tiến sĩ kia mà. Nhưng láo, tôi liệt vào hạng quỷ sứ. Thật, nói ra chỉ hổ nỗi lòng. Bố chồng lại đi kể xấu con dâu ư? Nhưng nó có phải là con dâu tôi đâu! Nó chỉ là vợ thằng Hùng, con trai tôi. Dòng họ nhà tôi chẳng có thứ con dâu mất dạy ấy".

- Thưa bác, cô ấy có học thức cao thế, chả lẽ lại không biết đường ăn nết ở ư?

- Thế thì mới buồn cười. Thói đời, ai chả nghĩ học cao thì phải hiểu biết. Nhưng cái lẽ ấy nó chỉ sống vì tiền thôi, chú hiểu không? Nói cho đúng thì thằng con trai tôi nó cũng đến khổ. Nó sẽ khổ cả cuộc đời vì phải sống với cái con đàn bà ác quỷ ấy. Thật tai ách quá. Nó lại được hai thằng con trai, vừa xinh xẻo lại vừa học giỏi".

Thế là bài học thứ hai về chuyện lấy vợ, tôi nhớ đến lời bà cụ già ở xóm nhà Hưng tối hôm qua. Có cái gì đó na ná giống nhau ở hai gia đình nhỏ bé này. Tôi thốt lên.

- Đàn bà thời nay đáng sợ thật!

- Thời dân chủ mà lỵ - Ông già nhếch mép cười chua chát - Báo chí của ta dạy nhiều về dân chủ mà ít dạy về đạo nghĩa gia đình. Như cái đứa con dâu tôi, à quên, cái con vợ thằng Hùng ấy thì chả bao giờ trong bụng nó nghĩ đến đạo nghĩa hay tình cảm gì ráo. Dạo thằng Hùng ở nước ngoài, cụ thân sinh ra tôi khao thọ 80. Nó gửi cho con vợ ít tiền bảo đem về biếu cụ làm lễ khao. Con vợ biên thư đi và còn bảo: "Tiền nuôi con không lo, lo tiền khao thọ. Đúng là cái bệnh sĩ của anh chàng nhà quê". Mà chú biết không, cái thằng Hùng nó gửi cho con vợ chẳng thiếu thứ gì. Xe máy, xe đạp, làm nhà làm cửa, tủ lạnh máy khâu, lại cả vòng đeo tay đeo cổ. Hàng hóa để riêng, mấy chục triệu gửi tiết kiệm ăn tiêu hàng tháng. Thế mà hễ mở miệng là nó kêu vất vả, phải nuôi con. Những năm bao cấp, tiền lương nó đổ vào cái lỗ mồm không xong còn nuôi nấng ai được? Tất cả đều do thằng con trai tôi phải làm lụng vất vả mà kiếm ra cả. Thế đời mới bạc bẽo chứ".

- Lẽ ra chị ấy phải biết điều thì phải - Tôi đế vào theo phản xạ tự nhiên.

- Thế thì còn nói làm gì. Tôi thấy nó ăn ở bất nghĩa mới góp ý. Bảo rằng, mày phải biết thương chồng. Nó là cái thằng chí thú lại ân tình. Nó vặc lại với tôi "Ông chỉ được cái bênh con. Ông lại tưởng con ông cao giá lắm à? Ông không biết cái con Bình ở cách mấy nhà đây thôi. Chồng nó cũng đi Tây. Nó có một đứa con mỗi tháng không lôi thôi gì cả nó cứ trừ nghiến đi một triệu. Thế mà chồng nó cứ cười hì hì. Con ông đã ăn thua gì? Mấy chục triệu đáng gì so với công lao tôi phải mấy năm nuôi hai đứa con". "Mày nuôi cái không à? - Tôi gắt - Con chó, con trâu đẻ con ra còn biết nuôi nấng nữa là con người? Con tao nó đi học, nó phải vắt thân ra vừa học vừa kiếm tiền để chăm lo cho vợ con, nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, tiền nong... cái gì mày cũng có. Nhưng mày là cái đứa bất nghĩa. Cả mấy năm nó đi vắng chưa bao giờ mày biết mua cho tao một cân đường. Ấy là tiền con tao làm ra cả. Gửi về cho bố tao, cho tao, mày đều ăn chặn mất. Chúng tao thì thương con cháu lắm. Đấy chẳng qua là tình nghĩa thôi. Nhưng mày chỉ vì tiền mà chà đạp lên đạo lý gia phong. Từ nay tao tuyên bố từ hẳn mày, không bao giờ coi mày là con dâu tao nữa. Mà nói cho thật đúng, từ ngày mày lấy nó mày cũng chưa làm cái đạo dâu con bao giờ".

Nhìn cái dáng tiều tụy, buồn khổ của ông già, không thể nghĩ có lúc ông lại quyết liệt đến như vậy. Tôi hỏi:

- Thế bác không trao đổi với gia đình bên ngoại hay sao?

- Có chứ. Tôi đã gặp gỡ với họ cả. Nhưng chẳng ăn thua gì. Ông cụ thân sinh ra con Cương vợ thằng Hùng là một ông lão tốt bụng nhưng bất lực quá. Tất cả trông mong vào một ông chú. Ông này dở quan dở cách, cười nửa miệng bảo tôi: "Cứ nghe anh nói thì cháu tôi là cái đứa vô giáo dục không bằng. Nhưng thưa với anh, nhà tôi đã bảy người có bằng đại học. Trong đó có bốn phó tiến sĩ". Buồn cười quá chú ạ. Lúc ấy tôi suýt quát vào mặt ông ta: "Nói như ông thì như cái con củ cặc. Kể về họ mạc thì họ tôi có 18 cái bằng phó tiến sĩ kia. Cháu tôi lại có đứa làm phó chủ tịch tỉnh, đứa làm thứ trưởng, đứa làm trưởng ban tổ chức thành phố... Nhưng quan trọng là cái con người. Phó tiến sĩ mà không ra cái con người thì tấm bằng chỉ đem ra chùi đít". May quá tôi kìm lại được. Vì nói ra chả để làm gì. Chả lẽ vì một người đàn bà mà người lớn lại sinh chuyện với nhau. Có phải không chú.

- Tôi gật gù. Một thái độ chia sẻ với ông.

"Bên nhà ấy có ông chú bên quân đội rất khá. Tính nóng. Thẳng. Nhưng khách quan. Nếu cái con Cương mà biết nghe nhời ông ấy thì đã nên người. Nhưng khốn nỗi, đàn bà con gái bây giờ, nói chú bỏ quá cho, thật tệ bạc lắm. Đứa nào có vài ba chữ là kèm vào đấy thêm cái đức hạnh láo gàn dở".

VÌ bực tức quá mà ông lão vơ đũa cả nắm, chứ thực ra có phải ai nhiều chữ cũng gàn dở cả đâu. Ở làng tôi có một cặp vợ chồng đều là phó tiến sĩ, nhưng họ lịch lãm và sống tình cảm lắm. Mỗi lần họ về quê là cả xóm lại như mở hội.

Tôi đang nghĩ như vậy thì ông lão bồi thêm.

- Chả cứ gì con Cương vợ thằng Hùng nhà tôi đâu ở viện K, viện E, viện F, viện T, có mấy cô bảo vệ xong phó tiến sĩ thì đều làm loạn gia đình cả. Đối với cuộc sống gia đình, người đàn bà có tấm bằng phó tiến sĩ thật nguy hiểm.

Tôi cười:

- Ai cũng nghĩ như bác sĩ phụ nữ chẳng ai dám làm khoa học.

Ông cũng cười:

- Tôi là lính nên hay sống thực. Nghĩ sao thì nói thế chứ chẳng phù phiếm được.

Ít nhiều câu chuyện của ông lão cũng thật là có ích với tôi. Nếu tôi lấy vợ thì vùng cấm là khu vực phó tiến sĩ!

- Anh Hùng con trai bác thì quan niệm thế nào ạ?

Ông lão lại rít thêm một điếu thuốc lào. Hai má tóp lại. Luồng khói đặc có lẽ đã đầy hai bên lá phổi, ông xì một cái thật mạnh cho bã thuốc bắn thật xa rồi hít một lần nữa, thật sâu. Nước ở trong điếu réo lọc xọc như sôi.

Lần này ông lão nhìn xa xăm như từ biệt toàn bộ phần dĩ vãng của cuộc đời. Đấy là vùng yêu thương thổn thức trong cõi tâm linh, vùng lãng quên mà ông vẫn luôn bị dằn vặt trong trí nhớ. Ông nói giống người độc thoại trong giấc mơ:

- Lần ấy tôi bỏ nhà thằng con trai ra đi. Nó chạy theo ra đường ôm lấy chân mà khóc lóc "Con lạy bố. Bố hãy thương đến con và các cháu". "Tôi thương anh và lũ trẻ nhưng vợ anh thì tôi không thể nào thương được. Đó là một người đàn bà bất nghĩa". "Con biết, nhà con nó thật quá lắm. Nó chẳng hiểu đạo lý là cái gì". "Vậy mà anh vẫn cố bám lấy nó. Anh sợ rời nó ra là anh chết có phải không? Hay anh sợ nhà anh mất đi một tấm bằng phó tiến sĩ?". "Chẳng phải bố ạ. Cái chính là con xót xa cho các cháu quá. Nên con phải cố nhịn nhục". "Tốt! Bụng anh to nên anh đủ sức nuốt mãi cái nhục vào trong người. Còn tôi, bụng chẳng còn là bao. Thời chiến tranh tôi nuốt đầy bom đạn và chất nổ. Bây giờ chẳng có chỗ chứa cho nỗi nhục nữa".

Ông già này có lẽ kiếp trước là nhà văn. Mỗi câu nói của ông chứa đầy hình ảnh.

- Tôi đi thẳng. Chú biết không, lòng tôi cũng đau đớn lắm. Nỗi đau đớn của người cha, ai mà hiểu được! Tôi thương thằng Hùng, lại thương hai thằng cháu nội của tôi. Từ Hà Nội đi ô tô về đến phố huyện, tôi cuốc bộ về nhà. Vừa đi tôi vừa khóc. Có lúc nấc lên như đứa trẻ con. Cả ngày hôm sau, tôi vẩn vơ giống kẻ phát rồ. Tôi lang thang ra ngoài nghĩa địa. Tới nghĩa địa tôi mới sực nhớ vợ con tôi đều chết trong chiến trận, chẳng ai có một nắm xương để đưa về quê hương. Thế là tôi sụt sùi quỳ bên mộ tổ. Bây giờ chẳng nhớ là lúc đó tôi khấn các cụ những gì. Đêm hôm ấy tôi khoác ba lô ra đi. Thời trai trẻ tôi khoác ba lô vào Nam đánh giặc hăng hái bao nhiêu thì hôm ấy tôi ra đi tủi nhục bấy nhiêu. Đúng ra tôi là kẻ chạy trốn. Phải! Chạy trốn khỏi quê hương. Bởi vì tôi không muốn mỗi năm tết đến lại phải nuốt hận nhìn thằng con trai rước bà vợ quý tử của nó về quỳ bên mộ tổ. Thực ra tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống của họ nữa. Tôi càng chẳng muốn vì tôi mà họ phải sẻ nghé, chia đàn. Cứ coi như là tôi đã chết từ hồi chiến tranh giống vợ và con gái tôi vậy.

Ông lão trân trân nhìn tôi:

- Kìa, sao chú lại khóc?

Tôi lấy khăn mùi xoa chấm nước mắt.

- Trước đây cháu vẫn nghĩ trên đời này khổ nhất là bố cháu. Thế mà cuộc đời bác lại đau khổ và cay đắng nhiều hơn. Bố cháu là đại tá.

Ông ân cần cầm lấy bàn tay tôi:

- Tất cả những người lính đều khổ cháu ạ. Kể cả tướng. Lên được tướng thì phải trải qua biết bao đắng cay và máu đổ. Cũng phải giáp mặt với thần chết chí ít là chục lần chưa nói có khi hàng trăm. Nhưng cháu hãy tin, ở đời có một nghịch lý thế này. Ai trải qua đau khổ nhiều nhất thì người ấy lại hạnh phúc nhất. Đó là những con người biết thấm thía và hiểu được một cách sâu sắc ý nghĩa của giá trị tồn tại ở trên đời.

Ông già đổi cách xưng hô, gọi tôi bằng "cháu" một cách thân mật. Ông kết luận.

- Bác mới là đại úy. Bố cháu là đại tá. Hẳn ông phải trải qua đau khổ nhiều hơn bác. Có những đau khổ mà người ta không thể nói ra được bằng lời. Đất nước này, dân tộc này còn trường tồn đến hôm nay chính là nhờ thế hệ nào cũng có những con người như bố cháu ấy.

Tôi tin ở lời đánh giá của bác đại úy và có niềm kiêu hãnh về cha tôi. Khác hẳn với anh Lập, tôi có cách hiểu về cha tôi thật khác. Không phải là ông "bôn" một cách ngốc nghếch như Lập nghĩ. Lớp người thuộc thế hệ ông là lớp người có trách nhiệm với giống nòi. Còn chúng tôi, lớp trẻ đi sau, có lẽ nghĩ về bản thân hơn là những điều lớn lao khác.

- Bây giờ đã đến giờ tụng kinh của các sư cô rồi đấy. Cháu cứ để xe đây bác trông cho. Khi nào có dịp bác sẽ kể cho nghe lý do tại sao bác lại trôi dạt đến chốn này. Ai ngờ, cuộc đời dù trốn đi đâu lại vẫn cứ gặp cái nợ tình duyên.

*

Thế là tôi trở thành người thân của bác Ngôn. Những người lính nói chuyện với nhau bao giờ cũng dễ. Cùng trải qua một thời gian khổ, cùng trải qua một thời bom đạn, người ta dễ chia sẻ với nhau những điều thầm kín của cõi lòng.

Trên đường lên chùa, lòng tôi mang mang như con nước chiều thu. Ở cuộc đời này chứa chất bao nhiêu nỗi buồn. Cuộc đời không giống như tôi hình dung khi còn trẻ. Dạo ấy, ở làng Cổ Thanh, mỗi buổi sớm mai đạp xe lên trường huyện, lòng tôi phơi phới những ước vọng về tương lai. Dạo ấy, bom Mỹ đánh thường xuyên xuống các thị xã, thị trấn và nơi sơ tán, nhưng phần lớn chúng tôi đều thích xem các phi công Mỹ trổ tài oanh kích vào các trận địa hơn là nỗi lo lắng, sợ sệt. Hạnh phúc lúc bấy giờ được nhận diện là nghĩa vụ thiêng liêng trong trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xóm làng. Cho nên, trong gian khổ, chết chóc người ta vẫn lạc quan, đầy khát vọng; ngay cả đó là khát vọng mơ hồ chăng nữa. Có lẽ, trên đời hạnh phúc hơn cả là những người ít chữ. Ở gia đình tôi, người hạnh phúc nhất là anh Được và chị Tứ. Hai kẻ cầm súng, một thời trận mạc đầy những vết thương. Bù đắp lại, ở họ là một tâm hồn trong sáng và bình dị. Cuộc sống nơi thôn trang đã nuôi dưỡng họ bằng tất cả nguồn sinh lực của thiên nhiên. Mỗi lần về thăm, tôi được tận hưởng tất cả những tình yêu thương chân thật và hồn hậu nhất.

Nghĩ về số phận của những kẻ khác tôi lại thấy buồn khi liên hệ đến cuộc tình duyên dang dở giữa tôi và Hưng. Nguyên nhân nào đưa đẩy nàng đến cõi u tịch, xa vắng này? Tôi bồi hồi mường tượng đến phút giây gặp gỡ. Sẽ bắt đầu bằng câu nói nào đầu tiên đây?

Sương vẫn chưa tan, u uẩn vương trên những ngọn cây thông non dọc theo các bậc đá dẫn lên chùa. Càng đi lên cao càng có cảm giác nơi đây như là thế giới siêu thoát của tiên cảnh. Cuộc đời thực đang lùi dần về phía dưới kia. Một cảm giác khoan khoái vô biên bao tỏa xung quanh của bầu không khí thoáng đãng và tinh khiết. Không chút bụi trần, làn hương ngọt ngào của các bông hoa núi mơn man thấm qua làn da thịt của tôi. Cả người tôi phút chốc như bay lên chốn bao la. Tìm đến chốn này, hẳn là Hưng muốn rũ bỏ toàn bộ quá khứ của cuộc đời khổ đau, trắc ẩn?

Tôi đang lạc vào một thế giới khác của dòng đời. Núi mỗi chốc lại bao quanh lây tôi. Tôi đi giữa con đường nhỏ quanh co. Bên trái, một dòng suối nhỏ nước chảy rí rách qua các kẽ đá, trong vắt như lọc. Bên phải là triền núi đất mấp mô những tảng đá xám chì, thưa thớt những cây mua. Hết con đường này rẽ trái là đến cổng chùa. Tôi lặng người nhìn mái ngói phong rêu thấp thoáng hiện ra sau mấy tán bàng lá xanh lổ đổ trên các cành vàng úa. Im ắng quá! Một con dê núi thủng thẳng từ kẽ đá đi ra ngơ ngác nhìn tôi rồi thờ ơ vẫy đuôi đi về phía mấy bụi sim thấp. Ở đấy có một bãi cỏ xanh, sương còn ướt, đọng lấm tấm, long lanh như những hạt ngọc. Tiếng kêu "be be" của nó vang lên càng làm cho không gian thêm rộng vắng.

Tôi bỗng thấy tim mình đập thon thót. Hiện ra trước mắt tôi là một am chùa nhỏ, mái cong ở cái góc uốn lượn. Qua một cái sân nhỏ có tường hoa bao quanh là những bậc tam cấp bằng đá xanh dẫn vào chính gian. Không rõ chùa được xây dựng từ thế kỷ nào mà dãy cột gỗ lim dọc hàng hiên đã đen bóng. Tiếng mõ cốc cốc vọng ra cùng tiếng tụng kinh với những âm thanh ê a kéo dài gieo vào lòng tôi cảm giác về một nỗi buồn xa xăm khó tả.

Tôi đứng nép vào một thân cột, lặng nhìn dáng người quen thuộc đã đi vào tâm khảm tôi từ hai chục năm về trước. Hưng của tôi đây ư? Đúng là nàng, nửa khuôn mặt với làn nước da trắng hiện ra dưới tấm khăn phủ kín màu nâu. Bộ quần áo dài cũng màu nâu. Nàng ngồi trên chiếc chiếu hoa trải chính giữa am, trên nền gạch bát được lau chùi sạch bóng. Tay nàng đặt trước ngực, cung kính. Những ngón tay thon dài như tháp bút đứng thẳng, trong vẻ nghiêm lạnh vẫn toát lên vẻ đẹp của thời xa xưa. Bàn tay này có một thời vuốt ve lên mái tóc tôi, mơn man lên da thịt tôi. Buổi trưa hè bên đồi sim ở chiến khu Đ. Trước mắt tôi sáng rực màu nắng chói lấp lánh màu xanh của cây rừng. Tất cả lại bị phủ lên bởi màu khói loang lổ, của trận bom oách kích xuống đội hình hành quân. Mắt tôi mờ đi, chân muốn khuỵu xuống. Bàn tay run rẩy, tôi vịn chặt vào thân cột. Tâm trí từ phiêu diêu được thức nhận bởi tiếng mõ thỉnh vào chốn âm u. Tôi mở mắt nhìn khói hương trầm bay nghi ngút từ chiếc lư đồng trên bàn thờ chính được Đức phật trừ trên cao nhìn xuống đôi mắt hiền từ, bao dung. Ánh hào quang từ cặp mắt linh thiêng ấy tỏa ra làm ấm áp cả một vùng không gian giá lạnh.

- Hưng ơi! - Tôi thì thầm gọi, lòng sợ hãi vì sợ tiếng gọi của mình làm kinh động chốn trang nghiêm. Tiếng tụng kinh vẫn rì rầm. Tôi sốt ruột tựa hồ có kiến đang bò trong bụng, liền gọi tiếp:

- Hưng ơi! Hưng!...

Powered by Froala Editor