Viện phương đông

3 năm trước

"Các con đại tá " - Tiểu thuyết (2 tập) của nhà văn Hữu Đạt, Nxb QĐND

Lần này nàng tụng kinh bằng chuỗi âm thanh to hơn và kéo dài giọng hơn. Có lẽ nàng đang cố che giấu nỗi xúc động trong lòng. Nàng cố chôn vùi bóng dáng quen thuộc của một thời quá khứ đã bất ngờ xuất hiện sau lưng, qua nhiều ngày chờ đợi và mong mỏi, nhưng lại sợ khi nó là hiện hữu của cái thực? Còn tôi, dòng lệ bắt đầu chảy xuống chứa chan hai bên má. Chốn thánh đường trang nghiêm là bức rào ngăn không cho phép tôi lao đến ôm nàng. Tôi muốn kéo nàng trở lại, nhưng cuộc sống nơi trần thế liệu còn ý nghĩa gì so với ý tưởng siêu thoát đang nhập vào hồn nàng qua kinh kệ? Tôi chỉ còn biết nuốt dòng nước mắt chảy từ bờ mi xuống. Bấy nhiêu năm sống ở kiếp người giờ tôi mới hiểu, nước mắt mình ngoài vị mặn lại có cả vị chát nữa.

Powered by Froala Editor

   (10)

Nàng vẫn không ngoảnh lại. Nhưng có một phút giây những âm thanh rì rầm từ miệng nàng đã tắt. Nàng lấy cái dùi tre thỉnh thêm mấy tiếng mõ đều đều, nghe tinh, thấy có một lần tắc lại. Bàn tay nàng cố trấn tĩnh vẫn lộ vẻ hơi luống cuống.

Lần này nàng tụng kinh bằng chuỗi âm thanh to hơn và kéo dài giọng hơn. Có lẽ nàng đang cố che giấu nỗi xúc động trong lòng. Nàng cố chôn vùi bóng dáng quen thuộc của một thời quá khứ đã bất ngờ xuất hiện sau lưng, qua nhiều ngày chờ đợi và mong mỏi, nhưng lại sợ khi nó là hiện hữu của cái thực? Còn tôi, dòng lệ bắt đầu chảy xuống chứa chan hai bên má. Chốn thánh đường trang nghiêm là bức rào ngăn không cho phép tôi lao đến ôm nàng. Tôi muốn kéo nàng trở lại, nhưng cuộc sống nơi trần thế liệu còn ý nghĩa gì so với ý tưởng siêu thoát đang nhập vào hồn nàng qua kinh kệ? Tôi chỉ còn biết nuốt dòng nước mắt chảy từ bờ mi xuống. Bấy nhiêu năm sống ở kiếp người giờ tôi mới hiểu, nước mắt mình ngoài vị mặn lại có cả vị chát nữa.

- Hưng ơi, Muôn đây! Muôn của Hưng đây!

Lần này tôi gọi to, âm thanh át cả tiếng tụng kinh của nàng. Nàng từ từ đứng dậy, tay trái cầm chiếc dùi và cắp mõ bên nách, đi ngang qua ngách cửa bên phải. Tôi ngỡ là nàng nhận ra mình liền bước ra.

- Hưng, em...

Nàng ngước nhìn tôi. Cặp mắt xa vắng buồn. Tay phải đưa lên trước ngực. Vẫn là bàn tay có những ngón dài, thon thả như tháp bút.

- Na mô a di đà phật!

Nói xong câu ấy nàng quay ngoắt đi. Tà áo nâu của nàng lướt nhẹ như ngọn gió. Tôi chỉ còn thấy bóng nàng thấp thoáng sau các hàng cột dọc mái hiên. Chả lẽ nàng lại vô tình với tôi đến thế kia ư? Tôi là cử nhân sử học có đọc được chút ít sách phật và hiểu rằng, khi người ta nói "a di đà phật" là còn có ý tiếp mình. Còn khi nói "na mô" có nghĩa là từ chối tuyệt đối. Tôi hoàn toàn thất vọng.

Đứng như trời trồng trước cây cột ở am chính, tôi cứ nhìn như hút vào chỗ bóng nàng vừa khuất. Có một cái gì đó chặn bàn chân tôi lại làm tôi không dám chạy theo. Trời ơi! Chả lẽ em lại phũ phàng với tôi đến thế kia sao? Tôi đau xót nhớ lại mấy giây phút trước khi cặp mắt nàng lướt qua tôi. Có một tích tắc trong xao xuyến bâng khuâng, cặp mắt ấy như hiện thân của cả bầu trời xanh, trong trưa hè hạnh phúc xa xôi. Rồi vụt tắt! Mọi cảm giác bị đốt cháy trong giá băng. Đôi mắt huyền đen thẳm ấy trở nên thờ ơ trong vô thức. Tôi hóa thành xa lạ như du khách viễn phương. Nàng thờ ơ với tôi giống như chú dê ban nãy tôi gặp. Ngỡ ngàng rồi qua đi...

Khói hương trầm từ khám gian tỏa hương ngào ngạt đầy quyến rũ. Đèn nến trong tòa sen sáng lấp loáng phản chiếu màu vàng son của những câu đối, hoành phi, những kiến trúc hoa văn khéo léo và kỹ xảo.

- A di đà phật... thí chủ cần gặp ai?

Tôi giật mình quay lại thấy một bà sư, tóc bạc như cước, giọng nói trầm và ấm đứng sát ngay phía sau.

- Bạch cụ, con muốn gặp cô Hưng. Cô Thúy Hưng!

- A di đà phật, ở đây không có cô Thúy Hưng. Ở đây chỉ có các đệ tử của nhà Phật. Thí chủ hãy cầm lấy bức thư này và ra khỏi chùa.

Tôi run rẩy lấy phong thư từ bàn tay già nua, có những ngón tay ngắn và mỡ màng biểu thị một tấm lòng phúc hậu. Sư cụ nhìn tôi bằng cặp mắt cảm thông, có phần thương xót rồi lui vào. Tôi hồi hộp đi ra phía ngoài, tìm một tảng đá ngồi xuống rồi giở thư ra xem. Bức thư vẻn vẹn chỉ có dòng chữ: "Hãy về quê gặp vợ chồng anh Được và nhận lấy tất cả". Tôi bàng hoàng cả người lủi thủi đi xuống con dốc cheo leo. Bây giờ sương sớm đã tan. Từ chỗ tôi đứng có thể nhìn thấy một vùng đồng bằng trù phú trải dài hai bên bờ của dòng sông nhỏ, tít tắp về phía chân trời. Đấy là nơi của cõi thực. Đây là nơi của cõi tiên. Hưng đã giã từ nơi trần thế để tìm đến cõi siêu thoát nơi tiên cảnh. Chẳng lẽ từ đây tôi vĩnh viễn mất nàng?

*

Bác Ngôn bảo tôi:

- Chú đừng buồn. Cuộc đời không có mất mát thì chả gọi là cuộc đời. Có mất mát, người ta mới hiểu thêm được giá trị của những gì hiện hữu.

Tôi nói:

- Cảm ơn bác đã dạy cháu. Đôi lúc cháu thấy cuộc đời này thật vô nghĩa lý quá.

- Thế nghĩa là chú đã sống thực sự với kiếp người. Cụ thân sinh ra tôi ngày xưa, có chỉ dạy cho tôi cách xem tướng. Nhìn chú, ngay phút mới gặp tôi đã rất cảm tình. Cuộc đời chú là một cuộc đời phúc hậu. Suốt đời, chú chẳng hại ai. Chú lại là một kẻ có tài. Cặp mắt sáng, anh minh trong khả năng xét đoán và thực hiện mọi công việc. Cặp lông mày chú càng về phía cuối càng to, hiện rõ là trong đạo nghĩa, ăn ở có trước có sau. Đó là cái tạo ra sự phúc lộc cho con cháu.

- Cảm ơn bậc cao minh đã chỉ giáo. Nhưng cháu tự xét thấy trí mình còn thô thiển, học vấn lại nông cạn. Liệu làm gì có ích được cho đời?

- Bậc vĩ nhân thì đem lại cái ích lợi cho giống nòi. Người thường thì làm điều tốt cho thiên hạ. Đó đều là sự có ích.

- Cháu cảm ơn lời dạy dỗ của bác. Cháu sẽ cố gắng.

- Rồi cháu sẽ tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình. Ông trời ăn ở bao giờ cũng công bằng. Khi con người mất mát ông lại gán cho sự bù đắp để lấp vào chỗ thiếu hụt. Ví như tôi có thằng con trai nhu nhược, vị kỷ kia phải từ bỏ hẳn nó, tôi lại có một thằng con trai khác. Con trai người tình của tôi. Nó đạo hiếu vô cùng. Khi tôi đau đớn mất người con gái yêu quý ở chiến trường, trời lại bù đắp cho tôi cái mà tôi nghĩ về nó, tôi lại gắng sống. Sống có ích nhất trong đoạn đời cuối cùng của mình.

Bác Ngôn hí hoáy mở cái hòm sắt sơn xanh lấy ra một tập thơ, đưa cho tôi.

- Chú xem, tập thơ của con gái tôi đấy!

Trước mắt tôi là tên nữ tác giả Mai Linh với tiêu đề "Ký ức tuổi hai mươi". Không kìm được, tôi reo lên:

- Trời! Tập thơ đã in rồi hả bác?

Đến lượt bác Ngôn ngạc nhiên:

- Sao, chú cũng biết tập thơ này à?

- Vâng! Chính tay cháu cầm tập bản thảo từ chiến trường về nhà. Hóa ra cô Linh lại là con gái bác?

Bác Ngôn cảm động nhìn tôi:

- Vậy ra chú là ân nhân của tôi. Chú ngồi lên đây cho tôi được lạy chú một lạy. Rồi cho tôi hỏi thăm ngọn ngành một chút.

Tôi đỡ bác dậy.

- Ấy chết, bác đừng làm thế. Cháu và bác đều là lính từ chiến trường. Về cấp bậc, bác còn là chỉ huy của cháu. Trong những năm tháng gian lao ấy, đó chỉ là một việc cỏn con so với sự hy sinh lớn lao của đồng đội. Chính cháu mới là người phải nghiêng mình trước những người cha như bác.

Bác Ngôn lập bập đi thắp mấy nén hương trên cái giá gỗ đặt làm bàn thờ. Bác lại đặt lên đó một nải quả. Vẻ thành kính, bác đứng trước bàn thờ. Miệng bác rì rầm và đôi mắt ngấn lệ. Khi bác khấn xong, tôi cũng đứng lên thắp tiếp ba nén hương nữa, miệng lẩm nhẩm: "Linh ơi, thế là anh đã gặp được cha em. Run rủi thế nào, những người lính cuối cùng lại gặp nhau trên cầu số phận. Mong hương hồn em hãy an nghỉ ngàn thu".

Thế là tôi không thể đi được ngay, mặc dù tôi đang hết sức nóng lòng muốn về quê để gặp anh Được. Bác Ngôn hỏi:

- Bao nhiêu năm qua, liệu chú có còn nhớ nơi chôn giữ phần mộ con cháu nhà tôi ở chỗ nào không?

Tôi không dám trả lời. Tôi còn nhớ lần ấy, khi bom địch rải xuống đội hình đại đội, các chiến sĩ hy sinh xác bị ném đi tứ tung, mỗi nơi mỗi mảnh - Người chính trị viên còn sống sót kể với tôi. Khi đó tôi ở đại đội khác. Tôi nhận nhiệm vụ đem tập bản thảo ra Bắc vì biết đó là kỷ vật quý nhất của người lính còn giữ được.

- Thực ra cháu không thể nhớ rõ - cuối cùng tôi an ủi bác Ngôn - Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ người ta không kịp đánh dấu mộ chí riêng cho từng người. Chỉ có điều, tất cả anh chị em hy sinh đều được chôn cất cẩn thận.

Giọng bác Ngôn đượm buồn:

- Dạo bảy lăm bà vợ tôi chết cũng trong hoàn cảnh như vậy. Đại bác địch bắn trúng bệnh viện dã chiến của trung đoàn... Sau chiến tranh có lần tôi tìm về nghĩa trang nhưng không thể xác định đâu là mộ bà vợ tôi cả.

- Chiến tranh thì ở đâu cũng giống nhau. Dạo cháu mới sang Nga cháu có biết một số gia đình quân nhân cũ của thời chiến tranh chống phát xít. Họ cũng ở trong các hoàn cảnh tương tự.

Chúng tôi cùng lặng đi. Mỗi người, theo đuổi một ý nghĩ. Bác Ngôn mồi thêm một điếu thuốc. Làn khói đặc như cái dây leo vô hình cuốn lấy hai chúng tôi.

- Thực ra, nhà tôi phải hy sinh mất hai người - Bác Ngôn thả giọng một cách từ từ như lời tâm sự với chính bản thân - chưa phải là quá lớn lao so với nỗi đau thương của cả dân mình đã trải qua. Tôi chỉ ân hận một điều, thằng con trai tôi nó được ăn học nhưng lại không nhớ gì đến công ơn của người đi trước. Nó nghe vợ đến nỗi bỏ cả đạo lý gia phong. Vì thế tôi phải dứt tình nó ra đi và không cho nó biết là đi đâu cả.

- Bác làm vậy thì khổ anh ấy quá - Tôi bình luận.

- Người lính như chúng ta thì dứt khoát và rành mạch mà. Xét cho cùng thì tôi đã nuôi nó ăn học nên người. Bây giờ chả nên vì tôi mà ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng nó. Đúng ra chuyện này chua chát lắm, đau đớn lắm. Tôi phải chịu đựng ở trong ruột, trong gan. Nhưng thà rằng chỉ có mình tôi còn hơn để cả dòng họ nhà tôi biết.

Nơi yết hầu bác Ngôn co lên, tụt xuống một cái. Tôi hiểu bác đang nuốt nước mắt vào trong.

- Bây giờ cháu phải đi. Cháu không ở gần để thường xuyên đến thăm hỏi bác. Có thể cháu sẽ viết thư.

- Thế thì thật quý hóa. Chú cứ viết cho tôi theo địa chỉ này.

Bác kê mảnh giấy học trò lên đùi viết bằng nét bút bi nguệch ngoạc. Tôi gập tư rồi bỏ vào túi áo vét.

- Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ với cháu.

Bác Ngôn băn khoăn.

- Tôi chẳng còn tập thơ nào để biếu chú. Chú cầm tạm tập này, tuy hơi cũ một tý.

Tôi thấy ái ngại quá.

- Cũ, mới với cháu không quan trọng bằng sự thiêng liêng. Bác cứ giữ lấy kỷ vật này. Cháu sẽ tìm cách mua sau.

- Tôi sợ bây giờ hiệu sách đã hết rồi.

- Cháu sẽ kiếm bằng được. Có lẽ là trời phật xui khiến, sáng nay cháu vừa thắp hương trên mộ Mai Linh.

- Trên mộ cái Mai Linh?

Ngữ điệu câu hỏi của bác Ngôn vút lên với sự ngạc nhiên thảng thốt.

- Vâng! Nhưng không phải là mộ thật. Ngày trước, tiểu đoàn chúng cháu hành quân qua vùng này. Tình cờ, đêm ấy chúng cháu gặp tiểu đoàn tự vệ của sinh viên trường Đại học Tổng hợp trên bãi nghỉ. Cậu Hà ở đại đội cháu đã làm quen với Mai Linh. Thế rồi, vào chiến trường họ thầm yêu nhau, chưa kịp ngỏ lời thì hy sinh hết.

Tôi thấy má bác Ngôn giật lên mấy cái. Đôi môi bác run run như bị lạnh.

- Cháu đã thắp hương lên mô đất mà hai người đã ngồi nghỉ ngày xưa rồi trao cho nhau quyển sổ kỷ niệm. Nếu ở cõi âm cũng có một thế giới tương ứng với thế giới hiện tồn của vật chất nơi dương gian, hẳn là hai bạn trẻ đã linh thiêng dẫn dắt cháu đến gặp bác.

- Cảm ơn trời phật phù hộ, tôi gặp điều lành. Hay là trên đường chú trở về, tiện xe cho tôi qua đó xem. Có thể tôi sẽ làm cho các cháu ngôi mộ để linh hồn các cháu đi lang thang, trở về cố hương sẽ có nơi trú ngụ.

*

Ở bác Ngôn có cái gì đó giống cha tôi. Đó là những suy nghĩ của tuổi già.

Thời trai trẻ cha tôi chẳng bao giờ biết khấn. Mỗi lần ở đơn vị về phép, nhà có việc làm cơm, cha tôi thường đặt mâm lên bàn thờ thắp ba nén hương đứng cúi như mặc niệm chừng 5 giây. Ông bảo: "Các cụ khôn thiêng thì biết được lòng thành của con cháu. Lọ phải cầu khấn nhiều mới là hiếu thảo. Người có hiếu thì trọng việc làm hơn là lời nói suông".

Mẹ tôi bao giờ cũng tôn kính cha tôi. Vốn là con nhà dòng dõi, bà được giáo dưỡng chu đáo từ nhỏ. Trong mọi cử chỉ, nhất nhất bà đều có suy nghĩ, việc mình làm có khiến chồng vui lòng hay không? Chỉ một hành động khinh suất gây cho cha tôi buồn là bà áy náy không yên. Trên đời, ngoài bà không ai có thể chia sẻ hết được cho cha tôi tất cả những thăng trầm cùng niềm vui và nỗi buồn mà kiếp người kinh trải.

Một lần tôi hỏi mẹ: "Sao khi thắp hương mẹ khấn rất lâu còn ba thì không khấn hả mẹ?". Mẹ tôi cười bảo rằng: "Cha con có nhiều chữ, nói ít cũng bằng mẹ nói nhiều. Không nói cũng bằng như mẹ nói. Làm người, chữ hiếu phải thấm thía trong bụng".

Thuở ấy tôi chẳng hiểu hết những lời của mẹ. Chỉ biết, qua cách giáo dưỡng của mẹ tôi, hình ảnh cha là một cái gì đó rất đẹp và thiêng liêng. Mãi đến bây giờ, trong trí nhớ tôi vẫn đọng lại hình ảnh của người mẹ tần tảo nuôi bao đứa con lớn khôn và trưởng thành trong lúc chồng đi xa đánh giặc. Gia đình tôi có được hạnh phúc lớn lao chính là nhờ bàn tay thần diệu của mẹ tôi. Có lẽ vì sống trong một môi trường như thế nên tôi thấy kinh hãi những người phụ nữ hiện đại như con dâu bác Ngôn, con dâu cụ hàng xóm nhà Hưng. Ở những phụ nữ này ngoài sự ích kỷ tàn nhẫn và chút ít khoa học trong trí não, họ không còn gì hơn là một cuộc đời rỗng tuếch và nhạt nhẽo. Chỉ nghe thôi, đôi lúc tôi đã buồn nôn chứ chưa nói là phải tiếp xúc hay gần gũi với họ.

Tôi không hình dung được, nếu những năm tháng gian truant đó cha tôi không có người vợ hiền giàu lòng vị tha như mẹ, ông sẽ sống ra sao? Ông nội tôi thật tinh khi mấy chục năm trước đã đoán định, cha tôi mới là người kế tục xứng đáng dòng họ Nguyễn. Chỉ có điều ngày ấy ông không thể hình dung sau này con trai ông lại trở thành đại tá của quân đội cách mạng.

... Chiều thu năm ấy, quan huyện Nguyễn Hữu Tước đang ngồi uống trà ở sau dinh và nhẩn nha xem xét các báo cáo dưới các tổng, xã giữ về thâu tóm tình hình an ninh trong vùng thì đội Ngật xồng xộc đi vào. Y thông báo một cái tin sửng sốt.

- Ngài huyện, con trai ngài - Nguyễn Thụ Hưởng - đã bỏ theo Việt Minh làm cách mạng rồi.

- Không có lý - Ngài huyện chống cự yếu ớt.

- Toàn bộ hồ sơ về nó trên tỉnh đã có rất đầy đủ. Tháng trước chính nó chỉ huy cuộc rải truyền đơn ở thị xã. Sau đó nó cùng với ba tên Việt Minh có cỡ khác ra tổ chức cuộc bãi công ngoài vùng Mỏ, lúc về trường trung học nó tưởng mình chưa bị lộ nên có ý định làm một cuộc nổi loạn trong giới học sinh. Nhưng người Nhật nhờ có sự hỗ trợ của mật thám Pháp đã kịp thời phát hiện nên tổ chức vây bắt. Thật may phúc cho nó loạt đạn tôi bắn bị chệch vì run tay, chứ nếu không có lẽ hôm nay con trai ngài đã về chầu ông vải. Ê hê!

Ngài huyện phải ghìm lòng để giữ một thái độ bình thản. Trong bụng ngài thấy khinh ghét tên lính đội ngày trước nay ngông nghênh trong thanh kiếm lúc nào cũng đeo trễ bên hông theo suốt học đòi các sĩ quan võ sĩ đạo. Từ ngày Nhật đảo chính Pháp, cái ghế quan huyện của ngài chỉ như một cái chức hờ. Tất cả mọi quyền bính đều chính do đội Ngật thao túng. Ngài không còn cách nào khác là phải tuân theo những sự chỉ đạo của hắn ta. Biết làm sao được? Thời thế đảo điên. Người Pháp đã mất vị trí ở xứ Đông Dương này. Chẳng phải riêng ngài, tất cả các hàng quan lại làm việc cho nước Pháp vĩ đại đều phải chịu cảnh cá chậu chim lồng như thế.

- Tuổi trẻ thường hay manh động - Như để thanh minh Ngài huyện nói vu vơ - Biết sao thời cuộc có lúc nguy nan.

Đội Ngật gieo mình xuống chiếc ghế dựa khảm trai. Tay trái y đỡ thanh kiếm cao lên một chút. Y duỗi đôi chân lòng khòng đút trong giày da của sĩ quan Mỹ. Vẻ như muốn cố ý khoe cái quyền uy mà thời thế mới đưa mình vào cuộc.

- Ngài làm quan văn chữ nghĩa thật nhiều nên nói câu nào cũng ngụ ý lắm. Nhưng chỗ thân tình tôi nói thật với ngài nhé. Thằng Thụ Hưởng con ngài chẳng phải là đứa trẻ con manh động đâu. Đây là một tên cộng sản cực kỳ nguy hiểm. Một tên cộng sản nòi. Ngài biết chứ, bà Ba - vâng, bà huyện, cái cô bé Xoan xinh đẹp có tiếng ở làng Cợi ấy mà, chính là một tên chỉ huy du kích. Hai lần nó bị bên ta bắt (Ê hê, ấy là nói vậy chứ biết đâu ngài huyện lại chả là tay trong của người đàn bà đẹp ấy?) như có phép thần, nó đều vượt trốn được.

Mặt ngài huyện hơi tái đi. Ngài thở dài. Dạo này cái thằng mặt ngựa này mỗi lúc một ngông nghênh. Có hôm ngài thấy hắn ban ngày mà dám vào tận tư dinh hôn hít và sờ ti bà Cả ở trong buồng. Ngài thấy tận mắt mà vẫn phải ngậm tăm. Bởi vì ngài giống như kẻ bị nghi án. Cái án mập mờ treo lơ lửng trên đầu số phận. Chỉ cần lôi thôi một tý thì thằng đội đểu giả ấy sẽ vu ngay cho ngài làm Việt Minh và giết ngài không cần xét xử.

Sống trong hoàn cảnh thấp thỏm, ngài luôn bị không khí u ám bao quanh, phần thì chán ngán trước thời cuộc, phần thì hoang mang không biết tương lai mình sẽ về đâu, sớm chiều ngài chỉ biết tâm sự với lũ cây cảnh quanh nhà. Chưa bao giờ ngài thấy cuộc đời mình đơn độc và lẻ loi đến vậy. Tiếng là ba vợ nhưng cuộc đời cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Bà Cả thì gần như công khai đi với đội Ngật. Bà Hai đã từ giã cõi đời từ mấy tháng trước sau những năm tháng bệnh tật kéo dài. Bà Ba thì ở làng Cợi, một vùng nguy hiểm của Việt Minh. Xung quanh ngài đến lúc này chả còn ai thân thích. Thằng Cỏn bị bọn người xấu giết oan. Chị Quyên, người tâm phúc nhất của ngài đã vào hẳn chiến khu sau lần cứu bà Ba bị bại lộ. Lần ấy, trong một dịp đi vận động ở mấy xã ven huyện lỵ, Xoan bị bọn tay chân của đội Ngật truy đuổi. Tới huyện lỵ, bí quá Xoan đành phải vượt tường trốn vào sau dinh phủ. Hôm đó đúng vào ngày chị Quyên từ thị xã về. Chị đã nhanh trí giấu Xoan vào trong chum gạo. Sau cuộc lục soát, đến nửa đêm Quyên mới dám nói thật cho quan huyện. Ngài lặng thinh. Bụng thấp thỏm cả nỗi mừng lẫn nỗi lo.

Từ đấy là những ngày nặng nề, nơm nớp không yên. Tuy ngoài mặt quan huyện vẫn phải cố giữ vẻ bình thản nhưng trong lòng luôn bị ám ảnh bởi một kết cục bi thương sẽ đến với ngài. Dù chỉ là sự cảm nhận mơ hồ nhưng bằng sự từng trải của đời làm quan ngài hiểu rằng, mỗi cuộc thay đổi thời thế đều có cái giá trả bằng máu. Mặc dù cả đời ngài chưa bao giờ làm hại dân lành, cũng chưa làm hại bất kỳ một ai cả. Trong dòng máu ngài đã thấm đạo lý thánh hiền coi việc chăn dân là cái nghĩa vụ cao cả của đấng bề trên, lấy đức hạnh và sự công minh làm tấm gương soi cho thiên hạ. Song, thói đời vẫn thế, đã ngồi vào cái ghế quan trường thì dù trong sáng đến đâu vẫn mang tiếng là người trong đám nha lại. Cách mạng nổi lên, hơi đâu người ta còn phân biệt bậc quan nghiêm, minh thanh khiết với lũ ô trọc, đục khoét? Về phía Nhà nước thì ngài lại thuộc diện bị tình nghi. Vợ ba và con trai ngài đều ở diện truy nã vì là các yếu nhân của Việt Minh. Ngài là kẻ chơi vơi giữa dòng thời cuộc. Số phận ngài chả có bên nào bảo đảm.

Giữa lúc ấy thằng Hùng bỏ học xin đăng lính. Đó là theo gợi ý của đội Ngật. Ngài mơ hồ cảm thấy một điều gì. Thằng Hùng càng lớn lên càng giống đội Ngật ở cái đầu trớ và cặp lông mày rậm nhưng thót về phía trên. Theo đường tướng số đó là những kẻ sống không có hậu và tâm địa độc ác. Nếu gọi là duyên may của trời đất thì chính lúc này đời ngài lại được che chở bởi cái thằng con trai không phải gốc gác của ngài kia. Có lần ngài ngỏ ý từ quan về quê, đội Ngật cười và khích rằng:

- Ngài làm như thế có khác nào ngài tự nhận mình là người ủng hộ Việt Minh? Đành rằng người Nhật và người Pháp có đánh nhau thật. Nhưng đánh rồi họ lại hòa. Kẻ thù chung của họ bao giờ cũng là Việt Minh cộng sản. Tôi e ngài làm vậy, tính mạng sẽ không có gì an toàn. Thà rằng ngài cứ giữ lấy cái áo quan, chẳng làm việc cho Pháp cũng chẳng làm việc cho Việt Minh lại chả tốt hơn sao?

Quan huyện đâm hoang mang. Trong những ngày Nhật mới hất cẳng Pháp, chính quyền ở huyện lỵ thật chung chiêng. Một hôm, đội Ngật đem đến cho ngài một sắc lệnh của viên chỉ huy quân đội Hoàng Gia Nhật yêu cầu ngài xuống lệnh cho bốn tổng trong huyện phải lập tức nhổ lúa trồng đay. Không còn cách nào khác ngài phải thực thi cái lệnh ấy.

Từ đó có một sợi dây vô hình đã cuốn quanh số phận ngài. Ngài không thể sờ mó hoặc thấy tận mắt cái sợ dây oan nghiệt ấy, nhưng ngài hoàn toàn cảm nhận được bằng sự linh cảm. Ngài sống khắc khoải, day dứt qua những đêm dài sau phủ huyện với chiếc bàn đèn. Ngài bắt đầu hút thuốc phiện và tiêu dao cuộc đời qua làn khói đặc quánh, ngây ngất hương vị lãng du. Ngài muốn quên hết tất cả, muốn trốn vào cõi mênh mông của khói mây, mộng tưởng. Ngài nhớ đến cái làng Cợi nhỏ bé ở ven chân núi. Hóa ra tất cả chỉ phù du, chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có cái làng Cợi đói nghèo với cô Xoan xinh đẹp là hiện thực của hạnh phúc. Ôi! Giá như ngài không làm quan nhỉ! Ngài chỉ là một thường dân thôi để sống với cô Xoan, với cậu con trai Thụ Hưởng thông minh và đáng yêu thì sung sướng biết bao!

Có một con bướm trắng bay qua cửa sổ, nhẹ nhàng đậu xuống chiếc chiếu của ngài. Trong khói thuốc lơ mơ ngài quờ tay và sững sờ thấy một tờ giấy gấp nhỏ. Trong đó có dòng chữ nguệch ngoạc: "Chờ người đón M.V". Ngài thấy bâng khuâng: M.V đọc ngược có nghĩa là Việt Minh? chả lẽ Xoan hay cậu con trai Thụ Hưởng cho người đến đón ngài? Mà đón đi đâu nhỉ? Thôi, miễn là đón đi đâu cũng được. Chỉ cần thoát khỏi cái nơi mà bây giờ ngài đang coi là địa ngục, hàng ngày hàng giờ hầm hập như một lò than. Ngài biết ở cái huyện lỵ này với vẻ mặt u trầm bên ngoài của nó, từ bên trong vẫn có một cái gì đó như là chuẩn bị, như là sôi sục. Có trời mà biết được những gì sẽ xảy ra! Ngay cả đám lính lệ phục vụ trong dinh ngài cũng thấy thật là khó hiểu. Chả biết đứa nào sẽ theo đội Ngật để phục vụ quân Nhật, đứa nào còn trung thành với vua An Nam và mẫu quốc, đứa nào sẽ theo Việt Minh? Tất cả đều là những kẻ đáng khả nghi, vừa đáng tin cậy vừa thiếu tin cậy.

Nghĩ như vậy ngài huyện cẩn trọng đưa mảnh giấy lên ngọn lửa đốt. Cẩn tắc vô áy náy. Thời bây giờ kẻ xấu thì nhiều, kẻ tốt chẳng là mấy.

Ngài cười thầm một mình. Cuộc đời này thật là hay. Nghiệm ra, chả có gì là vĩnh cửu. Sự vinh quang ngày hôm trước có thể là sự bất hạnh ngày hôm sau. Giá như ngày xưa cha ngài không gửi ngài cho bạn học, ngài chẳng đỗ đạt gì thì lại yên thân. Ngài lắm chữ nên phải làm quan. Ngài những mong góp phần mình làm đẹp cho xứ sở, cải cách đời sống dân sinh. Mười mấy năm ngồi ghế quan trường đã bao lần ngài vi hành xuống các tổng, xã để xem xét thực trạng đời sống của dân chúng. Ngài cảm nhận được nỗi đau của những kẻ khốn cùng. Đôi khi ngài cũng muốn vỗ về, an ủi họ. Ngài biết trong các tổng, xã ấy, cầm đầu chỉ là những tên nha lại tham tàn. Ngài đã cách cổ một vài tên chánh tổng ngõ hầu để làm gương. Nhưng rốt cục thì đám mới lên còn tệ hơn cả những đám trước.

Khói thuốc lâng lâng đưa ngài trở về những kỷ niệm cũ. Hóa ra, trong tất cả những kỷ niệm ấy, đẹp nhất vẫn là những kỷ niệm ở làng Cợi. Làng Cợi có cô Xoan, có thằng con trai yêu quý của ngài. Giờ đây họ đang đứng trong đội ngũ của những người Việt Minh. Đó là nỗi đau hay là niềm vui nhỉ?

Bỗng có tiếng gõ cửa rất mạnh. Ngài huyện bực mình. Đứa nào lại quấy quả ngài vào lúc đang đêm thế này? Ít lâu nay trong dinh vẫn có thói quen biết rằng những lúc ngài chốt cửa là ngài không muốn tiếp xúc với ai cả.

- Mở cửa! Nguy rồi cậu ơi...

Tiếng bà Cả làm ngài tĩnh trí lại. Ngài bật dậy như cái lò xo. Cửa mở ra, bà huyện hôi hốp thở.

- Đi! Phải đi gấp trong đêm nay. Phải trốn.

- Trốn ai?

- Ngày hôm nay Việt Minh khởi nghĩa ở Hà Nội rồi. Quan Ngật báo cho tôi, chỉ nay mai vùng này Việt Minh sẽ lấy nốt. Họ sẽ tắm máu tất cả.

Ngài huyện thở dài. Thế là cái gì đến đã đến. Cái của những dự cảm, lo sợ. Cái của sự không đợi chờ nhưng đoán biết. Ngài huyện ngây ra như một khúc gỗ.

- Kìa, sao cậu cứ ngẩn ra thế. Định chịu chết ở đây một nút à?

Bà nắm lấy tay ngài huyện kéo đi. Ngài bước qua ngưỡng cửa quen thuộc của mười mấy năm trước, khi bước vào tưởng rằng cuộc đời sẽ có tất cả; bây giờ là con số không tất cả.

Đêm tối ùa lấy, bao quanh trước măt. Ngài huyện thập thõm bước đi cùng với đoàn người trên con đường tắt nối từ phủ huyện qua mấy cánh đồng trũng lấp loáng ánh nước. Đi đầu là đội Ngật. Theo sau là cậu Cả, cậu Hai. Cuối cùng là vợ chồng ngài huyện. Họ tiến hành một cuộc chạy trốn vội vã nên chẳng có gì cả ngoài mấy tay nải quần áo và cái tráp đựng ít tiền vàng không lúc nào bà huyện dám rời khỏi tay.

Đến một khúc rẽ xuống bờ mương, đội Ngật bỗng nhiên chửi đổng:

- Đ. mẹ nó, mạnh như quân đội Hoàng Gia Nhật mà cuối cùng vẫn phải thua Đồng Minh để Cộng sản Việt Nam nó cướp mất chính quyền. Tiếc thật!

Câu nói của quan đội được đáp lại bằng tiếng gà gáy te te. Phía xa, trên màn trời đầy sao hiện lên cái tháp chuông nhà thờ cao cao đen thẳm. Đội Ngật hiểu số phận mình từ đây bắt đầu phụ thuộc vào cha Đuýtxoa và sự trường tồn của cái nhà thờ ấy.

Powered by Froala Editor