Viện phương đông

3 năm trước

Chân dung Nhà văn Khoa Văn - Nhà văn Nguyễn Đăng An

Trong các nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam,các nhà văn trưởng thành từ Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp chiếm một tỷ lệ đáng kể (khoảng 10% trong số hội viên của cả nước. Đây là một đội ngũ khá hùng hậu góp phần làm nên các  thành tựu của văn học hiện đại nước nhà.

Để ghi nhận những đóng góp của Khoa Ngữ văn, ĐHTH Hà Nội trong công tác đào tạo đội ngũ các nhà văn, BBT trân trọng giới thiệu bộ chân dung các nhà văn có tên “Nhà văn Khoa văn”để bạn đọc của học viện có điều kiện tra cứu và tham khảo. BBT rất mong nhận được tin tức từ thân nhân, bằng hữu của các nhà văn đã quá già cả hoặc đã quá cố để kịp thời bổ sung vào kho dữ liệu này!

Powered by Froala Editor

Nhà văn Nguyễn Đăng An sinh  năm 1951 tại Xã Vĩnh Thành, Huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.     

Ông là sinh viên  Khoa Ngữ Văn ĐHTH; Hội viên hội nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội nhà báo Việt Nam; Hội viên hội nhà báo khối cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp; Phóng viên TTXVN tại Vương quốc CPC, cộng hòa Pháp và cộng hòa  Italia.

Lĩnh vực hoạt động: Dịch giả, sáng tác thơ.

Đã được nhận: các giải thưởng văn học, báo chí của các cơ quan báo chí lớn trong nước.

Bạn đọc có thể hình dung nhà văn Nguyễn Đăng An qua bài viết sau đây của nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng và đọc một số bài thơ đăng trên mục "sáng tác thơ" của website này.

------

Vẫn tin vào nước mắt


Mở rộng biên độ phản ánh đời sống xã hội là nét ưu trội trong tập truyện ngắn thứ ba "Giọt nước mắt người lính" của Nguyễn Đăng An. Mười bảy truyện trong tập đều là những hình tượng nghệ thuật sinh động về đời sống và con người thời đại đầy những biến đổi quyết liệt, phức tạp và bất ngờ. 

Là người trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa dày dặn, tác giả đã dẫn dắt người đọc vào những cảnh ngộ, số phận, hoàn cảnh hết sức điển hình: Chiến tranh, hòa bình, đời sống của người Việt ở nước ngoài, cuộc đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân diệt trừ cái xấu, cái ác bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên đời sống, những bi kịch đời người...

Là nhà văn của lực lượng Công an nhưng tác giả không hề bó buộc ngòi bút vào cái gọi là đề tài. Đọc Nguyễn Đăng An thấy tác giả mở lòng, hướng ngòi bút vào những bể dâu của đời người. Mỗi truyện như một lát cắt đời sống trong tính phức tạp, phong phú của nó với chứa chất những xung đột, mâu thuẫn gay gắt và quyết liệt khi xã hội bước vào thời hậu chiến, vào cơ chế thị trường, khi thế giới đã trở nên phẳng hơn bao giờ hết.

Hai mảng hiện thực lớn tác giả quan tâm: Chiến tranh và những hệ lụy của nó, sự tha hóa và biến dạng nhân cách của con người thời đại dưới áp lực của mưu sinh và tiền tài, danh vọng. Cũng viết về chiến tranh, nhưng ngòi bút Nguyễn Đăng An có cách riêng của mình để đi vào lòng người như "Ba chàng trai làng Nhãn".

Tốt nghiệp phổ thông (hệ 10 năm) Minh - Trí - Thao đều có giấy báo đi học nước ngoài. Nhưng Minh và Thao đã viết đơn bằng máu, tình nguyện xung phong đi bộ đội. Cả hai vun vén cho Trí đi Liên-Xô học Toán (vì ba năm liền anh được giải môn Toán toàn miền Bắc).

Minh đã hy sinh ở chiến trường, Thao trở về sau chiến tranh - một thương binh, sống cuộc đời bình thường. Chỉ có Trí là thành đạt sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về. Anh không phụ bạc bạn bè và người thân, cái tâm mách bảo anh làm nhiều việc tình nghĩa, giúp bạn bè và đồng loại. Anh đã cùng Thao vào tận miền Nam, tìm người phế binh Việt Nam Cộng hòa để giúp đỡ (đó là người trong một trận huyết chiến đánh xáp la cà, chính Thao đã chúc mũi lê của mình xuống, chỉ đâm vào chân khiến anh ta bị thương).

Trí đã suy nghĩ nung nấu: "Cuộc chiến tranh đi qua đã hơn 30 năm rồi, khoảng thời gian nửa đời người đã đủ để xóa đi lòng hận thù của hai phía". Đó chính là tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc mà chúng ta đang kiên trì thực hiện trên tinh thần đoàn kết, nhân văn cao cả của tình đồng bào cùng con Rồng cháu Tiên, chung dòng máu Lạc Hồng.

Chiến tranh muôn thuở là hủy diệt, đau thương. Dẫu nó qua rồi nhưng hậu họa vẫn khôn lường, rình rập lấy đi tính mạng và hạnh phúc nhỏ bé của mỗi người dân lương thiện chỉ luôn khao khát hòa bình. Di họa chiến tranh mà người phụ nữ có tên Dạ Lan ("Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm") phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình thật là khủng khiếp: Người chồng đầu đã chết vì chất độc da cam (dioxin), hai đứa con - những nạn nhân của chiến tranh - thì sống trong hình hài kỳ quái, đau thương vô bờ bến một kiếp làm người.

Đó là sức mạnh tố cáo chiến tranh bằng hình tượng nghệ thuật. Tất nhiên, Nguyễn Đăng An không phải là người duy nhất hay đầu tiên viết về nạn nhân dioxin. Nhưng ở đây là cách tiếp cận sự thật. Hóa ra con người dù có chạy trốn đến chân trời góc bể, dù có cạn cả nước mắt thì nỗi đau dioxin vẫn không buông tha. Nếu chúng ta không quên lãng và thờ ơ thì không thể quay lưng trước nỗi đau của hơn 3 triệu người Việt Nam đang từng ngày gánh chịu nỗi đau da cam. Nói theo cách của nhà thơ Nga C. Ximônôp: "Nỗi đau này không của riêng ai!".

Nhưng dẫu sao thì nỗi đau lớn này nhiều người biết, nhiều người chia sẻ. Có những nỗi đau âm thầm, dai dẳng, giày vò lương tâm của người lính tên Thư ("Giọt nước mắt người lính"), khi trở về sau chiến tranh thì Đào, vợ anh, đã có con với chính bố đẻ của mình.

Còn gì trớ trêu hơn, bất hạnh hơn. Trong chiến trận, Thư cũng như những người lính khác đã nén đau thương thành căm thù để chiến đấu và chiến thắng. Nhưng trong hòa bình và đời thường thì phải hành xử thế nào với bố mình và vợ mình trước tình huống "con của vợ là em trai của mình" (?!). Mô-tip cốt truyện và chủ đề này độc giả đã bắt gặp trong truyện ngắn "Mùi thuốc súng" của Nguyễn Văn Thọ và tiểu thuyết "Cánh đồng lưu lạc" của Hoàng Đình Quang.

Nhưng vì sao lại có sự trớ trêu đó? Có nhiều nguyên nhân: Mẹ Thư mất khi anh mười tuổi, bố anh gà trống nuôi con, trước khi vào bộ đội, Thư cưới Đào nhưng tình yêu của họ không đơm hoa kết trái vì Thư còn quá thơ ngây chuyện vợ chồng, việc báo tử Thư là một nhầm lẫn ngẫu nhiên trong chiến tranh,... Ở đây ngẫu nhiên và tất nhiên khó rạch ròi. Tôi thấy tác giả khéo léo để độc giả phán xét công/ tội, đúng/sai với từng nhân vật.

Cuối cùng không ai khác, chính Thư phải quyết định giải thoát cho mỗi người. Anh vào miền Nam sống với ba má nuôi trong chiến tranh đã cưu mang mình. Anh cũng bị nhiễm dioxin. Trước lúc mất, anh viết hai lá thư cho bố và vợ (kèm theo đơn ly hôn để Đào dễ dàng ứng xử). Đọc dòng cuối thư anh viết cho vợ, độc giả khó kìm được nước mắt: "Chúc dì khỏe, may mắn và hạnh phúc".

Tình yêu của con người trong chiến tranh phải trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Ít người được may mắn và nhận cái kết có hậu như chị Tươi ("Tân hôn muộn") khi được người yêu đầu đời là Minh đã không quản gian lao đi tìm bằng được cố nhân vì chị Tươi bị thương nặng (có nguy cơ không thể làm vợ, làm mẹ) nên đã chạy trốn tình yêu.


Một mảng truyện khác trong tập, ngòi bút tác giả hướng tới tái hiện "những chuyện không muốn viết". Đó là thói cuồng danh khiến cho con người lầm lạc, đánh mất nhân tâm với bạn bè như nhân vật Cường ("Gã háo danh") đã bày mưu tính kế chiếm đoạt sở hữu trí tuệ (Luận án Tiến sỹ) của người bạn thân là Hùng. Thậm tệ hơn anh ta còn nhờ bọn xấu ngoài xã hội âm mưu sát hại Hùng.

Kết cục là Cường bị tuyên án 15 năm tù, nhưng do cải tạo tốt và có sự bảo lãnh của Hùng nên được ra tù sớm. Hơn thế, Hùng còn giang tay cưu mang, giúp đỡ Cường khi nhận anh ta về làm việc ở cơ quan mình. Nhưng cái thói xấu này dẫu sao cũng là giữa người dưng nước lã với nhau.

Đồng tiền đã tha hóa, làm méo mó nhân cách của những đứa con với bậc sinh thành mình ("Căn nhà triệu đô"). Hai đứa con trai của ông Tuệ (một vị Tướng về hưu) đã không muốn bố mình kết hôn với bà Mai vì chúng sợ sau đó nếu có chuyện gì thì của nả phải phân chia. Sau hơn hai mươi năm vợ mất, ông Tuệ thấy đã đến lúc cần có cuộc sống cho riêng mình lúc về già, nhưng hai đứa con trai phản ứng quyết liệt. Thậm chí ông phải nói: "Các anh về đi". Vậy là cha con từ nhau vì chuyện tiền bạc.

Ngay từ khi cầm bút viết văn, tôi đã nhận thấy Nguyễn Đăng An có sở trường về truyện ngắn. Tập truyện đầu tay "Thiên nga lạc bầy" (1990) đã báo hiệu thiên hướng viết truyện ngắn của anh. Đến tập truyện thứ hai "Người đàn bà nghịch cát" (2013), độc giả đã nhớ được tên tuổi một cây bút truyện ngắn có triển vọng.

"Giọt nước mắt người lính" (2019), đã phát lộ đúng sở trường của cây bút có duyên với một thể loại rất khó viết. Đến nay, đã có thể nói về những nét biệt sắc của truyện ngắn Nguyễn Đăng An: nghiêng về kiểu truyện truyền thống - có cốt truyện tiêu biểu, tính cách nhân vật rõ nét, tình huống truyện nổi trội, các chi tiết điển hình, đoạn kết gây ấn tượng ("Tân hôn muộn", "Ba chàng trai làng Nhãn", "Mẹ xóm Đoài", "Bi kịch đời người", "Thiên nga lạc bầy", "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm", "Giọt nước mắt người lính",...).

Những truyện viết về quá khứ thường được tác giả ưu ái hơn, ngòi bút duy tình phát huy tối đa những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp, khơi gợi những tình cảm cao quý của con người trong chiến tranh, trong thời bao cấp khốn khó nhưng thanh sạch tâm hồn. Những truyện viết về sự tuế toái, éo le, cắc cớ của thời buổi kim tiền, nói công bằng, Nguyễn Đăng An không ghi đậm dấu ấn bằng các cây bút khác như Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ,...

Trong "Giọt nước mắt người lính", độc giả thấy Nguyễn Đăng An đã có những tìm tòi hình thức thể loại bằng cách viết các kiểu truyện ngắn đan xen: Ngụ ngôn hiện đại ("Cặp ve màu ánh kim"), giả tưởng ("Lời thề chân lý"), luận đề ("Cú đấm muộn"), trinh thám ("Thiên nga lạc bầy")...

Viết truyện ngắn, Nguyễn Đăng An không chú mục vào các khoảnh khắc hay chốc lát (moment), mà chú tâm tới tái hiện những đoạn đời quan trọng của mỗi nhân vật. Vì thế, mỗi truyện ngắn đều ẩn chứa mầm mống của tiểu thuyết. Âu cũng là cái tạng văn của tác giả.

Hà Nội, tháng 6-2020

 Bùi Việt Thắng



Powered by Froala Editor