Viện phương đông

3 năm trước

Chuyên gia “nhặt sạn” hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1

Không chỉ riêng cuốn tiếng Việt 1 trong bộ sách Cánh Diều mà các bộ sách tiếng Việt khác của nhà xuất bản Giáo dục cũng có lỗi, thậm chí là những lỗi lặp lại là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông sau khi ông đọc các cuốn sách đó.

Mời bạn đọc cùng theo dõi bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo nguoiduatin.vn:

Powered by Froala Editor

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông chỉ ra, không riêng Cánh Diều, mà sách Tiếng Việt 1 các bộ sách khác cũng lặp lại hàng loạt lỗi sai hệ thống.

PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông - vừa chỉ ra một loạt “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống và Tiếng Việt lớp 1 - Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết, sau phản ứng của dư luận về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều, ông tiếp tục xem kỹ một số bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 khác của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì thấy, có rất nhiều vấn đề sai sót ở các bộ sách này, thậm chí có nhiều sai sót lặp lại đồng loạt ở nhiều bộ sách.

“Rõ ràng, khi áp dụng lý thuyết, chúng ta đã máy móc và thiếu thực tế, nên dẫn đến các loại lỗi đồng loạt. Chúng ta không có một vị tổng đạo diễn đủ tài để phát hiện và cho xử lý ngay các lỗi nêu trên” - ông nhận định.

Sai sót lặp lại hàng loạt

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt phân tích về các lỗi tổng hợp trong bộ “Kết nối Trí thức với cuộc sống” và một số bộ sách Tiếng Việt 1 khác: “Nếu tách riêng bộ sách giáo khoa Cánh Diều, ta sẽ thấy đó là các lỗi trầm trọng của nhóm tác giả biên soạn. Nhưng nếu xem xét trong tổng thể, lại thấy đây không phải là lỗi riêng của Cánh Diều mà là của chung cả 5 bộ sách đang sử dụng. Điều này cho thấy, có những lỗi ở bậc vĩ mô. Trong đó, có những vấn đề như: quan niệm, phương pháp, cách tổ chức quản lý, quy định chung… của bộ GD&ĐT.

Chẳng hạn, tại sao kiểu câu sai “bò có cỏ”, “thỏ có nho”, “ti vi có cá voi” lại xuất hiện đồng thời ở nhiều bộ sách? Sự lặp lại lỗi chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà liên quan đến các vấn đề mang tính lý luận.

Việc dạy con chữ hoặc dạy các âm phải theo nguyên tắc, dạy đến đâu lấy ví dụ đến đó, điều này rất đúng về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu áp dụng lý thuyết vào thực tế một cách cứng nhắc, nhất là dạy trẻ đọc và viết ở giai đoạn đầu, sẽ vấp phải những khó khăn không thể vượt qua đối với các nhà biên sọan.

Họ đã bị “ép khung” để soạn những câu không hợp với tư duy của người Việt như: “bò có cỏ”, “thỏ có nho”, “ti vi có cá voi”. Kiểu lỗi này mang tính phổ biến ở tất cả các bộ sách đang được dạy hiện nay”.

Description: Giáo dục - Chuyên gia “nhặt sạn” hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết, có rất nhiều vấn đề sai sót ở các bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh NVCC).

 

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cũng chỉ ra lỗi thứ hai: “Tuy không tuyên ngôn, nhưng các nhóm biên soạn đều áp dụng khá triệt để phương pháp “dạy giao tiếp” mà một số công trình dạy ngoại ngữ thường sử dụng. Họ đã bỏ đi những mặt mạnh của phương pháp truyền thống. Chẳng hạn, một mô hình cũ mà tôi cho rằng rất hữu dụng khi dạy tiếng Việt cho trẻ em, đó là kiểu câu có mô hình cấu trúc: “Đây là…”. Mô hình này, các sách “dạy tiếng” trước đây thường sử dụng nay được cho là lỗi thời đối với phương pháp “dạy giao tiếp”, nhưng nó lại là mô hình rất thiết thực đối với việc dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ.

Bởi vì, “Đây là…” chỉ có phụ âm đầu lưỡi răng là [đ], nguyên âm [â],[a], [y] và phụ âm bên [l]. Đó là các nguyên âm và phụ âm không khó phát âm đối với trẻ, nhưng nó rất tiện dụng cho việc mở rộng vốn từ và củng cố mô hình câu cho học sinh. Thay vì dùng các câu như: “bò có cỏ”, “thỏ có nho”…ta sẽ có các câu như: “Đây là bó cỏ”, “đây là con thỏ”, “đây là quả nho”… vừa chuẩn mực, vửa dễ nhớ với người mới đi học”.

“Đó cũng là mô hình có độ mở, vì các em có thể tạo ra nhiều câu khác nhau tùy theo vốn từ của mình. Rất tiếc là chạy theo phương pháp mới, nên không có bộ sách nào dùng nó. Kết quả thế nào thì như tôi đã phân tích!

Nếu đặt trong tổng thể chung, không chỉ có bộ sách “Cánh diều” mà cả những bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 khác của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có rất nhiều lỗi tương tự nhau, mang tính đồng loạt” - ông nhấn mạnh.

Câu hỏi mơ hồ

Ngoài ra, theo chuyên gia này, nhiều bài học ở sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 - “Kết nối tri thức với cuộc sống” (và một số bộ khác), có khá nhiều câu hỏi mơ hồ, không phù hợp.

Chẳng hạn câu 1, bài 3 “Cả nhà đi chơi núi” (trang 30), tác giả đặt câu hỏi: “Gia đình trong tranh gồm những ai?”. Ông cho rằng, câu hỏi này đánh đố học sinh lớp 1 bởi với hình ảnh hai người lớn và hai trẻ em trong tranh, làm sao học sinh biết được đó là bố mẹ/con cái hay chỉ là cậu/dì và các cháu?

Điều này cũng lặp lại ở bài 5 “Tiếng vọng của núi” (trang 98), tác giả đưa bức tranh hai chú gấu và đặt câu hỏi: “Em thấy gì trong bức tranh? Hai phần của bức tranh có gì giống và khác nhau?”. Theo ông, tác giả muốn học sinh phát hiện ra sự khác biệt trong vẻ mặt của chú gấu nhưng điều này thực sự đánh đố trẻ lớp 1. Nên chăng cần đặt lại câu hỏi tường minh hơn: “Em nhận thấy nét mặt hai chú gấu có gì khác nhau?”.

Description: Giáo dục - Chuyên gia “nhặt sạn” hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (Hình 2).

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chỉ ra, nên chăng, cần đặt lại câu hỏi tường minh hơn "Em nhận thấy nét mặt hai chú gấu có gì khác nhau", để khỏi đánh đố. (Ảnh NVCC).

 

Trong bài 4 “Quạt cho bà ngủ” (trang 34), tác giả đặt câu hỏi: “Em thấy gì trong tranh? Khi người thân bị ốm, em thường làm gì?”. Cùng với đó, ngữ liệu đưa ra trong bức tranh có nhiều hình ảnh không liên quan tới việc chăm bà ốm như: Bàn, ghế, cửa sổ, cây cối…

Nội dung bài học một đằng, hình minh hoạ một nẻo

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chỉ ra, ở cả hai bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống và Tiếng Việt lớp 1 - Chân trời sáng tạo, nhiều bài học một đằng, hình minh hoạ một nẻo.

Cụ thể, trong sách giáo khoa Tiếng Việt - Kết nối tri thức với cuộc sống, ở bài 3 “Cả nhà đi chơi núi” (trang 30), ngữ liệu đưa ra là hình ảnh hai người lớn và hai trẻ em. “Nếu tôi thẩm định bài này, tôi sẽ bỏ hình ảnh 4 người xa xa trong bức tranh kia, hoặc thay tiêu đề bài học thành “Em đi chơi núi” thì phù hợp hơn”, ông cho biết.

Về sử dụng từ, trong bài này có câu: “Nam và Đức thích thú, đuổi nhau huỳnh huỵch”. Theo ông, câu này có lỗi sai tệ hại về ngôn ngữ bởi không ai nói “đuổi nhau huỳnh huỵch” mà người ta chỉ nói “chạy huỳnh huỵch”.

Cũng với lỗi sai từ ngữ, Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông dẫn bài đọc “Cuộc thi tài năng rừng xanh” (trang 115) khi tác giả sử dụng từ “chuếnh choáng” trong câu: “Chim công khiến khán giả say mê, chuếnh choáng vì điệu múa tuyệt đẹp” là chưa phù hợp. Theo lý giải của ông, từ này thường chỉ dùng để miêu tả biểu hiện của say bia rượu hơn là say điệu múa. Đặc biệt, bài đọc này có từ “niêm yết” quá khó với học sinh lớp 1.

Trong bài “Ngôi nhà” (trang 40-41) ghi: “Em yêu ngôi nhà/Gỗ tre mộc mạc”. Tuy nhiên hình ảnh minh hoạ lại là một ngôi nhà xây, mái ngói đỏ rực.

Cũng ở bài này có đoạn: “Em yêu tiếng chim/Đầu hồi lảnh lót”. Tuy nhiên, hình ảnh minh hoạ hình ảnh đôi chim ở… trước sân, không phải “đầu hồi”.

Ở bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng không ít “ sạn”. Chẳng hạn, ở bài 1 (trang 31) hình ảnh minh hoạ là bờ đê nhưng ông cho rằng, với một người từng một phần đời gắn bó cuộc sống ở nơi ven sông (có các triền đê), ông thấy hình ảnh trong sách giáo khoa này giống bờ đập hơn bờ đê.

Ở bài “Sóng biển” (trang 29) có viết: “Đêm nào Na cũng nghe tiếng sóng biển vỗ oàm oạp vào vách đá”. Chuyên gia này cho rằng, thông thường biển là nơi có bãi cát thoai thoải, còn nơi có vách đá là rất hiếm, nên “thấy sóng vỗ oàm oạp vách đá” là ít mang tình phổ biến.Nhất là trong tranh lại không thấy vách đá đâu cả, mà chỉ có hình ảnh bờ biển êm đềm với hàng cây. Như thế, việc liên tưởng của học sinh sẽ rất khó khăn, người dạy cũng mệt vì phải giải thích nhiều…

Description: Giáo dục - Chuyên gia “nhặt sạn” hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (Hình 3).

Bài học đưa ra ngữ liệu "Sóng biển vỗ òam oạp vào vách đá" nhưng trong tranh không thấy vách đá, chỉ có hình ảnh bờ biển êm đềm với hàng cây. (Ảnh NVCC).

 

Ở bài 3 (trang 65) có ghi: “Bé rủ chị qua chỗ có sư tử”, chuyên gia này cho rằng, viết như thế rất thiếu chuẩn mực, bởi xét về tư duy, không ai lại có suy nghĩ kỳ cục: rủ nhau đến chỗ sư tử . Khi dạy trẻ, cần phải có cách tư duy chính xác. Cụ thể, có thể thay thế bằng một câu khác, chẳng hạn như: “Bé rủ chị qua chỗ nhốt sư tử”, sẽ phù hợp hơn.


“Để giải quyết đúng đắn thì một là tạm dừng để biên soạn lại tất cả 5 bộ sách. Hai là, nếu bộ GD&ĐT vẫn bảo lưu ý kiến, quyết tâm sửa, thì tất cả đều phải cùng nỗ lực, sửa một cách nghiêm túc, có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho học sinh - con cháu chúng ta khi học theo chương trình đổi mới của Bộ” - PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đề xuất.

 

Cẩm Mịch

Powered by Froala Editor