Viện phương đông

3 năm trước

Chuyện tình chưa ai kể

CHUYỆN TÌNH CHƯA AI KỂ

Lê Ngọc Văn

Powered by Froala Editor

Cuộc tọa đàm về trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” lần thứ hai diễn ra trong bối cảnh sinh hoạt khoa học thời Covid, các học giả, nhà thơ và người trong cuộc không được may mắn gặp nhau ở một Hội nghị bàn tròn như cuộc tọa đàm lần thứ nhất có đông đảo các nhà nghiên cứu và hàng vài trăm sinh viên tham sự trong một Hội trường đầy đủ tiện nghi của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tuy vậy, nhờ có Phương tiện truyền thông hiện đại, Ban Biên tập đã nối kết được nhiều phát biểu của các giáo sư, các nhà phê bình văn học, nhà văn hóa và những người tham gia cuộc chiến. Khi khơi lạ quá khứ hào hùng của một thời đã qua, mỗi người chúng ta như đang bừng lên những cảm xúc dạt dào khi gặp lại những con người rất bình thường của cuộc sống hôm nay, nhưng lại đã trải qua những năm tháng vô cùng khốc liệt của cuộc chiến với những thử thách tưởng chừng khó vượt qua của một đời người. Họ là những nhân tố tích cực của đời sống hiện đại. Một chàng cựu phóng viên chiến trường khi giải ngũ  trở về lại tiếp tục miệt mài  học tập để trở thành giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu về khoa học xã hội nhằm đi tìm câu hỏi “Hạnh phúc là gì?". Một chàng sinh viên vóc dáng thư sinh vào chiến trường trở thành nhà báo, nhà văn có hạng. Một nữ học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông đã tình nguyện cầm súng  lao vào nơi khói lửa, sau hòa bình lại trở thành nhà quản lý tài ba của ngành công nghiệp không khói. Một chàng sinh viên giàu mơ ước từng nhiều năm tháng đợi chờ người yêu ở hậu phương đã vượt qua hết thảy mọi khó khăn để vươn lên không ngừng trở thành nhà nghiên cứu của ngành Đông Phương học… Đọc và nghĩ về cuộc đời họ, ta như mộng du qua một giấc mơ. Không khóc mà sao mắt ta ngấn lệ? Bởi ta vừa thương yêu lại vừa kính trọng họ quá!... Có một thời, cả thế hệ thanh niên Việt Nam ngưỡng mộ những chàng trai, cô gái của nước Liên xô vĩ đại trong cuộc thế chiến thứ II. Đó là những cô gái Ta chi a na, Na sen ka, Na ta li a… từng được miêu tả trong văn học Xô Viết, trong những vở kịch thấm đẫm tính lãng mạn như “Những con hươu xanh” mà đạo diễn Tạ Xuyên chọn làm vở kịch dàn dựng nhận bằng tốt nghiệp. Cô gái trong “Những con hươu xanh” đã đi khắp các đơn vị đang chiến đấu ngoài mặt trận để tìm người yêu… còn cô gái trong câu chuyện của Lê Ngọc Văn kể lại là một nữ thanh niên vừa rời ghế nhà trường phổ thông tình nguyện lên đường trực tiếp cầm súng  đánh giặc. Cô ngày đêm mong ngóng lá thư của người yêu từ hậu phương gửi ra tiền tuyến, để rồi cuối cùng cái hạnh phúc vô biên chợt đến, cô nhận được lá thư tay từ chính người bạn học cùng lớp của người yêu mình. Hạnh phúc nào hơn thế? Ngập tràn cả người nhận thư và người đưa thư là nỗi xúc động vô bờ tràn lên thành những dòng nước mắt: Nhớ thương, chợ đợi, hy vọng… ngày mai.

    Trong bức ảnh kỷ niệm của Ngọc Văn thời đó, có mặt cả mấy khuôn mặt tiêu biểu của cuộc sống hôm nay. Họ là những ai? Họ đã làm gì và sống như thế nào? Nhiều bạn đọc đang háo hức chờ đợi. 


                                       

Nhưng xin bạn đọc hãy thư thả bình tâm một chút . Trước khi ta đến với những con người đó, ta hãy xem lại bức ảnh đăng từ kỳ trước. Đó là bức ảnh với sự có mặt của giáo sư Vũ Dương Ninh và các bạn đồng nghiệp là các giáo sư khoa Ngữ Văn - những bậc thầy đã có công rèn giũa nên các phóng viên mặt trận, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học… từ mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chân dung của giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã được BBT chúng tôi giới thiệu trang trọng trong "Chân dung các nhà khoa học" từ số trước của Website này. Để bạn đọc có dịp nối kết các nhân vật liên quan đến cuộc Tọa đàm “Cuộc chiến mười ngàn ngày” lần thứ hai, trước khi đi vào câu chuyện có thật rất cảm động này, kính mời bạn đọc tìm gặp chân dung giáo sư Nguyễn Kim Đính tại chuyên mục “Chân dung các nhà khoa học” trong số này  và Nhà giáo Ưu tú Lê Hồng Sâm (sẽ đăng tiếp ngay số sau).

                        CHUYỆN TÌNH CHƯA AI KỂ

                                         Lê Ngọc Văn

          Chiến tranh làm cho cuộc sống trở nên không bình thường và nhiều bí mật còn chưa được khám phá. Câu chuyện về lá thư tình của một người con trai ở hậu phương gửi cho người yêu ở tiền tuyến mà tôi kể cho các bạn sau đây là một trong những bí mật đó.

Mùa xuân năm 1974, tôi cùng với một số sinh viên tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên mặt trận (lúc đó gọi là đi công tác B).



Trước ngày tôi lên đường, Mai Ngọc Chừ, người bạn cùng lớp đại học, được giữ lại Khoa Ngữ văn làm cán bộ giảng dạy, gửi gắm cho tôi một việc rất đặc biệt. Chừ đưa cho tôi một lá thư dán kín và nhờ tôi chuyển tới người có tên Xoan, hiện là bộ đội Đoàn 559 ở chiến trường, nhưng không rõ là đơn vị nào và ở đâu, vì hai người đã mất liên lạc kể từ khi Xoan đi B. Chừ tâm sự, Xoan là bạn gái cùng quê Thái Bình. Hai người yêu nhau từ khi Chừ về làm luận văn tốt nghiệp đại học còn Xoan học lớp 10. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Xoan không đi đại học mà tình nguyện vào bộ đội. Kể từ khi Xoan vào chiến trường, họ không có tin tức gì của nhau. Chiến tranh đã cắt đứt mọi thông tin liên lạc cá nhân giữa người ở hậu phương và người ở tiền tuyến. Họ tin tưởng và đợi chờ nhau chỉ bằng một lời hẹn ước trước lúc chia ly. Lá thư này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai sau này của cả hai người. Đó cũng là lý do vì sao suốt thời gian Xoan đi bộ đội, Chừ không có tình cảm trên mức tình bạn với một người con gái nào.

Tôi cầm thư nhưng cũng biết rằng hoàn thành việc bạn giao phó là không hề dễ dàng. Trong chiến trường, đi tìm một người không có địa chỉ rõ ràng thì khác nào mò kim đáy bể.

Dọc đường hành quân, từ khu IV trở vào, bất cứ nơi nào có bộ đội và thanh niên xung phong, dù là trên đường hay ở các binh trạm, trạm giao liên, tôi đều dừng lại hỏi thăm tin tức của Xoan, nhưng không mảy may có được một chút thông tin nào, dù là mơ hồ nhất về Xoan. Đến đâu tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu "không biết" cùng với lời chia sẻ cảm thông. Ai cũng nói, ít ra phải biết hòm thư hay khu vực đóng quân chứ chiến trường rộng lớn có hàng ngàn, hàng vạn bộ đội và thanh niên xung phong hỏa tuyến, lại thường xuyên di chuyển, thì biết đâu mà tìm.

Không nản chí, tôi vẫn kiên trì hỏi tiếp không trừ một ai, từ lính tráng cho đến người chỉ huy, nhưng vẫn không có kết quả, chỉ biết là rất nhiều bộ đội và thanh niên xung phong đã hy sinh hoặc bị thương bởi các trận oanh kích bằng rốc két, đạn pháo và bom của máy bay địch trong lúc làm nhiệm vụ mở đường cho xe qua.

Trên vai và bên hông tôi lúc nào cũng đeo lỉnh kỉnh quân tư trang cá nhân của một phóng viên mặt trận, đồng thời là một người lính chiến trường: ba lô con cóc, súng ngắn, dao găm, sổ ghi chép, giấy bút, máy ghi âm, đài nghe tin tức, lương thực, thực phẩm, bi đông nước, găng gô để nấu ăn, thuốc men, băng bông cứu thương... nặng trên 20 kg. 

Nhưng lúc này, nỗi buồn trong lòng vì chưa chuyển được lá thư của Chừ cho người yêu của anh còn nặng trĩu hơn nhiều lần những thứ tôi đeo trên người. Đã có lúc tôi hoang mang chợt nghĩ hay là cô ấy đã hy sinh, hoặc may mắn hơn thì bị thương và đã được đưa về tuyến sau chữa trị trước khi ra Bắc an dưỡng.

          Dù cho có rất ít hy vọng, tôi vẫn luôn cầu trời khấn phật mong điều kỳ diệu sẽ đến.

Đó là một buổi tối khá yên bình. Những cơn mưa rừng đầu hạ xối xả suốt cả ngày bỗng nhiên tạnh hẳn. Bầu trời như cao hơn. Giữa chập chùng cây xanh, lấp ló ánh trăng non lưỡi liềm của ngày đầu tháng âm lịch. Gió lay động những cành cây cổ thụ cao vút của cánh rừng nguyên sinh trong ánh trăng mờ ảo như tô điểm thêm cho sự hùng vĩ của núi rừng.

Điểm chúng tôi dừng chân là một binh trạm trong khu rừng được xác định là thuộc địa danh A Sầu A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Binh trạm hoặc trạm giao liên vừa là nơi đóng quân vừa là điểm trung chuyển, có nhiệm vụ giúp đỡ bộ đội, cán bộ nghỉ chân tạm thời trên đường hành quân. Chính vì thế, nó cũng trở thành mục tiêu bị địch đánh phá rất ác liệt. Nhiều cung đường (khoảng cách giữa các binh trạm ước tính bằng một ngày đi bộ xuyên rừng) không còn binh trạm, bộ đội, cán bộ phải căng bạt, mắc võng trên các thân cây và ngủ ngoài rừng.

Cũng như những lần nghỉ chân trước, việc đầu tiên của tôi là tìm đến các đơn vị nữ bộ đội và thanh niên xung phong để hỏi thăm tin tức của Xoan.

Người ta nói quá tam ba bận, nhưng đây không biết là lần thứ bao nhiêu, có lẽ đã hơn chục cái "tam ba bận" tôi làm việc này. Vừa lúc đó, một đơn vị bộ đội đi san đi lấp hố bom trở về doanh trại. Khu rừng chúng tôi dừng chân có rất nhiều lán trại, nhưng không ở liền nhau. Cái nọ cách cái kia khoảng chừng trên dưới một trăm mét, ẩn mình dưới những tán cây xanh. Không chần chừ, tôi bước tới một lán gần nhất có ánh đèn. Trong lán chỉ toàn con gái. Thấy khách lạ đến, các cô ra chào và tranh nhau hỏi thăm, ai cũng mong gặp đồng hương. Cảnh tượng náo nhiệt thường thấy ở các binh trạm mỗi khi có khách ở nơi khác đến là tìm gặp đồng hương. Tôi nói dối mình là người Thái Bình đang muốn tìm đồng hương tên Xoan. Nếu ở đây có cô nào là Xoan, quê Thái Bình thì cho tôi gặp.

Một cô gái trẻ chỉ khoảng 17-18 tuổi, giọng Hà Tĩnh nói như reo lên:

- Chị Xoan cùng đại đội với chúng em.

Cô bên cạnh cũng giọng Hà Tĩnh nhanh nhẩu bổ sung:

- Chị ấy ở lán dưới kia, để bọn em dẫn anh đi gặp.

Không thể tin vào tai mình. Không biết là thật hay mơ. Phải chăng những lời cầu nguyện của tôi giờ đã linh nghiệm. Tôi mừng quýnh lên, cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi để xác nhận thông tin vừa nghe.

- Thật không? Thật không?

Dường như không nghe thấy hoặc cho rằng câu hỏi của tôi là thừa, hai cô bạn trẻ tíu tít kể về đồng hương. Họ kể với tôi mà như đang nói về chính họ.

Một cô bày tỏ trải nghiệm những lần gặp đồng hương của mình:

- Ở chiến trường vui nhất là gặp được đồng hương. Gặp đồng hương mừng chẳng khác chi gặp được người thân trong gia đình.

Cô bên cạnh mừng thay cho Xoan:

- Chị Xoan hôm nay sướng ghê đó. Có đồng hương đến thăm hề.

Vừa nói hai cô vừa dẫn tôi đi loanh quanh trên những lối mòn lên xuống mấp mô, hai bên cây cối um tùm, cuối cùng thì cũng đến được nơi ở của Xoan.

Đó là một cái lán hình chữ nhật rất đơn sơ, được dựng lên từ những vật liệu có sẵn trong rừng, chiều dài khoảng 10m, chiều ngang khoảng 3m, vách ngăn bằng tre nứa, trên vách dán rất nhiều tranh ảnh được cắt ra từ báo, mái lợp bằng lá cọ, nó từa tựa như ngôi nhà lá 3 gian ở miền quê đồng bằng Bắc bộ. Đồ đạc sinh hoạt trong lán cũng đơn sơ như cái lán vậy. Tất cả tư trang cá nhân đều gói gọn trong một chiếc ba lô con cóc, đặt ngay ngắn thành hai hàng ngang trên hai chiếc giá đỡ bằng các cây luồng ghép lại với nhau dài bằng chiều ngang của lán ở hai đầu chái trong cùng. Cửa vào lán được bố trí ở chính giữa, bên trong gian giữa có một bộ bàn ghế nhỏ cũng bằng tre nứa có thể ngồi chơi hoặc tiếp khách. Bên phải và bên trái gian chính giữa là những khoảng không khá rộng, vì không có giường. Ban ngày khi cần nghỉ ngơi hoặc ban đêm đi ngủ thì mắc võng lên. Mỗi lán trại là nơi đóng quân của một tiểu đội chừng khoảng 7 đến 10 người. Cạnh mỗi lán trại đều có các hầm trú ẩn nửa nổi nửa chìm hình chữ A rất chắc chắn để tránh bom, rốc két và đạn pháo.

Được giới thiệu là đồng hương mới ở Bắc vào, Xoan rất vui mừng. Cô cũng chỉ vừa mới về đến doanh trại, trên người mang bộ trang phục ka ki màu lục tối, áo chiết ly, ngang hông đeo chiếc thắt lưng to bản, chân đi giày vải cao cổ, mái tóc dài được búi lên thành một đọn tròn phía sau gáy, trông rất gọn gàng, trẻ trung và khỏe khoắn. Cô với bi đông nước treo trên vách nứa, bên cạnh khẩu súng trường, rót ra một chiếc ca sắt tráng men mời tôi uống. Xoan có vẻ đẹp hồn hậu của người con gái quê lúa, người dong dỏng, xinh xắn, khuôn mặt trái xoan. Không biết có phải vì thế mà cha mẹ đặt tên cho cô là "Xoan" hay không.

Thấy tôi mặc quân phục, lại đeo khẩu sung ngắn K54, Xoan tưởng tôi là sĩ quan quân đội. Cô tò mò hỏi:

- Anh là sĩ quan cấp gì?

Tôi nói tôi không phải sĩ quan mà là phóng viên mặt trận. Bọn tôi được trang bị súng ngắn để tự vệ khi cần thiết. Tôi cho Xoan biết mình chỉ vừa tốt nghiệp đại học và tình nguyện vào chiến trường làm phóng viên. Tôi cũng nói với Xoan là tôi không phải quê Thái Bình, và gặp Xoan không phải để nhận đồng hương.

Linh tính dường như mách bảo Xoan tôi có tin vui đặc biệt mang đến cho cô. Xoan sốt sắng đặt cho tôi một loạt câu hỏi cứ như là đã được chuẩn bị sẵn: anh học trường nào, khoa nào, có ai cùng lớp quê Thái Bình không... Tôi kể tên trường, tên khoa, tên lớp và tên người bạn cùng lớp quê Thái Bình. Khi nghe đến cái tên Mai Ngọc Chừ, người bạn trai mà cô bặt tin mấy năm trời. Tôi nhanh chóng nhận ra tình yêu của cô với Chừ vẫn còn nguyên vẹn và nó đang bừng lên mạnh mẽ sau những tháng năm bị dồn nén trong khói lửa chiến tranh.

Sau những phút giây xao xuyến, Xoan trở nên trầm tư hơn. Cô muốn tôi cho biết một thông tin quan trọng nhất về Chừ.

Xoan hỏi một câu thăm dò:

- Anh Chừ có người yêu chưa?

Tôi kể cho Xoan toàn bộ câu chuyện và tình cảm mà bạn tôi đã gửi gắm. Xoan xúc động chăm chú lắng nghe rồi đưa tay lên dụi đôi mắt đỏ hoe. Cuối cùng tôi trao cho Xoan lá thư mà có lẽ tình yêu trong sáng chứa đựng trong đó đã làm ngọn đuốc chỉ lối cho tôi tìm đến được địa chỉ người nhận. Cầm phong thư dán kín như nâng niu một vật báu, Xoan run run bóc thư của Chừ ra đọc, mặc cho nước mắt tuôn rơi ướt cả lá thư. Cô đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc khi biết rằng người bạn trai ở hậu phương đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Anh vẫn hàng ngày mong ngóng tin tức cô. Và quan trọng nhất là vẫn thủy chung chờ đợi ngày trở về của người bạn gái ở chiến trường...

Tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được bạn tôi giao phó, một việc tưởng như bất khả thi giống như nối trời với đất vậy. Đúng là ở trên đời này có những chuyện thật màu nhiệm. Trời với đất xa nhau hàng vạn dặm nhưng chính nhờ những giọt mưa mà trời và đất đã gặp được nhau làm cho cây trái xanh tươi, muôn loài phát triển. Tôi đã may mắn được làm giọt mưa trong câu chuyện tình lãng mạn của bạn tôi.

Giọt mưa nối đất với trời

Lá thư kết nối mối tình Chừ - Xoan

Sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Trên đường hành quân, tôi bắt gặp hình ảnh Xoan và đồng đội của cô đi mở đường cho xe của bộ đội ra tiền tuyến. Tôi cũng chứng kiến những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp ra trận với khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đằng sau những cô gái mở đường và những chàng trai ra mặt trận đó ẩn chứa biết bao mối tình thầm lặng mà vẻ đẹp của nó khó có thể diễn tả hết được bằng lời. Với những con người như thế làm sao dân tộc tôi không chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.

Đó chính là những chất liệu sống đầu tiên cho một phóng viên trên đường ra mặt trận như tôi. Lòng tràn đầy cảm xúc, tôi viết bài tùy bút "Đường ra mặt trận". Bài viết lập tức được các điện báo viên chuyển về trung tâm. Và thật bất ngờ, khi chúng tôi còn chưa đến căn cứ của mình thì bài tùy bút đã được phát trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Giải phóng.

Câu chuyện lá thư tình thời chiến tranh là một phần tình yêu của thế hệ chúng tôi. Đó cũng là một phần không thể thiếu thiếu lịch sử của cuộc chiến tranh này.


Powered by Froala Editor