Viện phương đông

3 năm trước

Cổng trường Thời mở cửa (4) - Tiểu thuyết của Hữu Đạt, Nxb CAND.

  Ngàn không thể nào tin được. Cuộc đời cô tưởng những đã kết thúc cái sự yêu đương. Nào ngờ nó lại đang được đánh thức dậy bởi những lời lẽ đầy thương yêu, cảm thông và nồng ấm. Ngàn ấp bức thư lên ngực. Cô nghe từng dòng máu chạy rần rật qua mỗi đường gân thớ thịt của mình. Ngàn nín thở, nhìn trân trân lên mái cong của tấm mui che thuyền. Đôi mắt Ngàn có một dòng lệ từ từ ứa ra. Ngàn bồi hồi đặt tay lên  hai bầu vú mình. Nhiều câu hỏi vọng từ trong sâu thẳm. Ngàn trăn trở, quay đi quay lại, ôm chặt đứa con vào lòng. Đứa trẻ vô tư trong vòng tay người mẹ.

 

Powered by Froala Editor

      (4)

Những vạt nắng cuối cùng đang khuất dần sau rặng tre. Bà Quén nấu cơm xong đang ngồi ở hè phe phẩy cái quạt mo, đợi Thục về. Đúng lúc ấy, Thục phóng xe đạp thẳng vào sân.

Bà Quén quay ra hỏi:

- Sao hôm nay con về muộn thế?

Thục xuống xe, dắt chiếc xe đạp tàng dựa vào phía dưới cửa sổ, vui vẻ nói với mẹ:

- Học xong ca chiều, con phải ở lại để đăng ký dự tuyển thi Đại học. Mẹ ăn cơm chưa ạ?

Bà Quén đưa tay vuốt máu tóc đã bạc có mấy sợi buông loà xoà trước trán:

- Không, mẹ vẫn đợi con.

- Lần sau con về muộn thì mẹ nhớ ăn trước đi kẻo đói nhé! Thục vừa nói vừa xách chiếc cặp vào trong nhà. Bà Quén nói với theo:

- Nhà có hai mẹ con, người ăn trước người ăn sau thì còn gì là ngon nữa?

Bà Quén chải chiếu ra hè và dọn mâm. Mâm cơm đơn giản, nhưng hai mẹ con ăn ngon lành. Vừa ăn vừa nói chuyện . Thục kể cho mẹ nghe cuộc mít tinh buổi sáng cô được chủ tịch Phan Long biểu dương ra sao. các bạn ngưỡng mộ thế nào. Bà Quén nghe mà cảm thấy sung sướng trong lòng. Tuy vậy bà vẫn nhắc con:

- Nhưng đừng thấy được khen mà kiêu ngạo là không tốt đâu.

Thục nhìn mệ tươi cười:

- Con nhớ rồi. Con biết các bạn và bác Phan Long muốn động viên con để con tiến bộ nữa.

Bà Quén ăn xong bát cơm cuối cùng liền lấy hai chiếc đũa khoe qua miệng thay cho chiếc khăn lau. Bà nhắc:

- Con ăn xong tranh thủ sang bác trưởng xem có việc gì mà từ tối đến giờ bác gái đã hai lần sang tìm con đấy.

Thục hơi ngạc nhiên:

- Mẹ có biết chuyện gì không hả mẹ ?

- Mẹ không rõ. Nhưng bác trưởng hỏi, chắc lại chuyện học hành của con chứ chuyện gì nữa!

Khi thục bước vào sân thì ông Tạo đang vừa ngồi uống nước vừa xem ti vi 

Sau câu chào  theo thường lệ, Thục hỏi ngay:

-  Thưa bác, bác tìm cháu có chuyện gì ạ?

Ông Tạo điềm tĩnh ra hiệu cho Thục:

- Cháu cứ ngồi xuống đây. Cháu uống nước đi. Chè xanh bác gái mới mua ở chợ huyện sáng nay đấy.

Thục đưa bát nước chè còn bốc khói lên miệng, nhấp một hớp rồi tấm tắc:

- Chè bác hãm ngon quá.

Ông Tạo tỏ ra tâm đắc liền dẫn giải:

- Uống nước này bổ. Người ta bảo nó còn chống được cả ung thư đấy.

Thục chuyển hướng câu chuyện:

- Cháu thật có lỗi, hôm trước bác cảm cúm cháu không biết để sang chơi.

Ông Tạo xua tay, cười nhạt:

- Tưởng chuyện gì. Đó là chuyện vặt. Cháu bây giờ phải lo học là chính.

Thục như được giải thoát liền phân bua:

- Vâng! Bây giờ thi tốt nghiệp đến nơi, chúng cháu bận quá.

Ông Tạo rung đùi phán:

- ở đời lúc nào cũng có việc để bận là tốt cháu ạ. Chán nhất là những anh nhàn…Nhàn cư vi bất thiện…

Thục rụt rè:

- Mẹ cháu cũng vẫn thường bảo thế.

Ông Tạo tỏ ý như quan tâm tới việc học hành của cháu là trên hết:

- Cháu định thi Đại học mấy trường ?

- Dạ, cháu đăng ký thi 2 trường.

Ông Tạo hơi rung rung mái đầu :

- Thế là tốt. Cố gắng học nay mai cho nên người. Không hơn thì cố lấy bằng chú Nợi con ông Bảnh là tốt rồi.

Thục nhún vai:

- Thế thì khó lắm bác ạ!

Ông Tạo nghiêm nét mặt lại, vẻ quan trọng:

- Không khó thì ai học cũng thành tài. Mà thiên hạ đều là người tài cả thì lấy ai cổ cày vai bừa làm thóc như bác?

Thục mạnh dạn nói lên ý nghĩ thực trong lòng:

- Thực ra đã đi học thì phải thi cho biết thế thôi chứ bác tính… như nhà cháu, chắc gì đã có sức qua được mấy năm Đại học.

Ông Tạo phảy tay:

- Khó khăn rồi giải quyết dần dần. Còn có họ hàng và cả Hội khuyến học của họ Hoàng ta nữa. Chú Đảo…

Ông Tạo không nói hết câu,Thục đã khẳng khái:

- Nhưng dù sao vẫn phải dựa vào sức mình là chính bác ạ.

Ông Tạo quay lại nhìn Thục với cặp mắt đầy tự hào:

- Rõ đúng là con nhà tông…hiện ra từng cái lông cái cánh. Nghe nói, văn cháu hay lắm phải không ?

Thục cúi xuông, hai bàn tay vân vê:

- Dạ…cháu vẫn còn phải cố gắng nhiều bác ạ ?

Ông Tạo ngó ra phía ngoài như có ý cảnh giác rồi hạ giọng:

- Bác đang muốn nhờ cháu một việc, nhưng thấy cháu bận cũng nể quá!

Thục mở to mắt:

- Việc gì hả bác ? Bác cứ nói đi ạ. Đó là bổn phận của chúng cháu.

Ông Tạo gật gù:

- Con cháu đứa nào cũng được như cháu thì họ Hoàng này rõ là mát mặt.

Được khen, Thục tỏ ra ngại ngùng, cúi mặt xuống. Khi cô bẽn lẽn, con người cô càng toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính. Ông Tạo muốn vào đề câu chuyện nhưng ậm ừ một lúc mới nói được. Giọng ông thì thầm, vẻ bí mật và quan trọng.

- Nhưng chuyện này cháu phải giữ không được nói với ai nhé.

Thục khó hiểu, nhưng chỉ biết tuân theo:

- Dạ

Ông Tạo cân nhắc một lát rồi bảo:

- Cháu văn hay chữ tốt, bác muốn nhờ cháu viết hộ bác một bức thư tình!

Thục giật thót người và thốt lên:

- ối…cháu chưa viết bao giờ. Cháu không biết viết thế nào.

Ông Tạo cố ý nói rành rọt:

- Đại để nội dung như thế này…

          Ông Tạo nói với Thục nội dung bức thư ông yêu cầu. Thục chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng ông Tạo ngó quanh xem có ai bất ngờ đi vào không rồi ra hiệu cho Thục viết. 

Thục nắn nót viết bức thư. Khuôn mặt bộc lộ tình cảm theo những dòng Thục viết. Đến dòng cuối, cô hạ bút và ngẩng lên:

Thục:

- Cháu đọc thử bác nghe nhé!

Ông Tạo sợ cô cháu cao hứng liền nhắc:

- Cháu đọc khe khẽ thôi.

Thục đọc rất nhỏ nhẹ:" Từ ngày gặp em, trái tim anh lúc nào cũng thổn thức, hướng về nơi bến sông. Không biết em có hiểu cho nỗi lòng anh chăng? Đã bao đêm rồi anh không ngủ, thao thức đếm từng giọt sương rơi lộp bộp trên tàu chuối vườn bên. Anh lại nghĩ tới đêm trăng sáng trên bến sông quê, nơi anh nhìn thấy em lần đầu và sinh lòng yêu em…"

Ông Tạo ra vẻ đắc ý liền chìa tay ra:

- Đưa đây bác.

Thục đưa cho ông Tạo rồi reo lên như vừa khám phá ra châu Mỹ:

- Thế là cháu biết rồi nhé. Chẳng trách làng xóm người ta cứ đồn ầm lên.

Ông Tạogiật mình quay sang:

- Đồn làm sao ?

Thục giơ ngón tay trỏ lên nagng môi:

- Đồn là bác tinh, bác khéo lắm

Ông Tạo chột dạ:

- Mẹ cháu và bác gái có nói với nhau gì không ?

Thục chụm môi:

- Cháu không rõ…cháu không thấy hai bà nói với cháu chuyện này.

Ông Tạo thở phào như trut được gánh nặng rồi dặn:

- Nếu mẹ cháu và bác có hỏi thì không được nói gì, nhớ chưa?

- Cháu nhớ rồi. Nhưng thư cháu viết thế có được không ạ ?

          Ông Tạo bỏ bức thư vào túi khen:

- Được, hay. Tình ý lắm. Bác sẽ có thưởng.

Thục hăng hái:

- Cháu chẳng cần bác thưởng, chỉ cần bác cho làm phù dâu thôi.

Ông Tạo mắng yêu đứa cháu gái tinh nghịch:

- Cái con này…cưới xin giản dị, cần gì phù dâu phù rể .

Thục không hiểu ý ông Tạo liền kích:

- Không được, dù sao cũng là trai họ Hoàng cơ mà bác. Sao mình lại chịu thua kém thiên hạ?

Ông Tạo xua tay:

- Tiềm tiệm, phiên phiến thôi… Thục:

- Cháu nghĩ việc gì có thể phiên phiến chứ việc cưới xin thì phải làm cho thật đàng hoàng bác ạ.

Ông Tạo:

- Nhưng rổ rá cạp lại  thì…

Thục nghĩ rằng ông Tạo chỉ ám chỉ việc cô Ngàn có một đời chồng nên hăng hái khẳng định:

- Rổ rá cạp lại mà tốt còn hơn cạp lần đầu.

Ông Tạo vẫn đinh ninh là Thục đã biết rõ câu chuyện tình duyên của mình nên cười bảo:

- Cái con này…mày xem ra cũng tinh quái lắm.

   

Thục về đến nhà lúc trời đã khua.Hai mẹ con trước khi ngủ lại nằm tâm tình bên nhau. Nhưng  lần này họ nằm ở giường nhà ngoài. Bà Quén tò mò:

- Bác cháu có việc gì mà ngồi với nhau lâu thế?

Thục ôm lấy lưng mẹ, thỉ thỏn:

- Chuyện quan trọng lắm, con không nói được đâu!

Bà Quén hẩy tay:

- Cha tổ cô, chuyện quan trọng đến mức nào mà phải giấu mẹ ?

Thục lấp lửng:

- Chuyện trai gái, yêu đương í, mẹ nghe làm gì!

Bà Quén hiểu lầm tưởng là ông Tạo nói với Thục về việc với con ông Khang nên tỏ ra phấn khởi.Bà nói:

- Con là con cháu. Bác là bác trưởng. Bác nói gì con phải nhất nhất nghe theo.

Thục hít hít cái mùi mồ hôi quen thuộc sau gáy mẹ, nói giọng nũng nịu:

- Con hiểu rồi. Con đã làm như mẹ dặn.

Bà Quén tỏ vẻ hài lòng:

-  Thế là tốt.Trong họ này, chỉ có bác và chú Chấn là thương con nhất. Bố con mất sớm, việc lo cho tương lai của con chủ yếu phụ thuộc vào bác và chú Chấn cả.

Thục không hiểu ý của mẹ, lại nghĩ rằng mẹ đang muốn nói về chuyện học hành thi cử nên lý sự.

- Con nghĩ. chủ yếu vẫn phải là mẹ thôi. Bác và chú không thể làm thay mẹ được.

Bà Quén răn đe:

- Chết, sao con lại nói thế? Bác và chú mà nghe thấy sẽ giận con đấy.

Thục khẳng khái:

- Giận thì con phải chịu. Nhưng mẹ nghĩ xem…chẳng phải là mẹ mới là người lo lắng chính cho cuộc đời con là gì?

Bà Quén chép miệng:

- Đã đành là thế, nhưng ở chốn nông thôn này, ai cũng vẫn quen một cách nghĩ: vắng cha có chú…việc lớn trong nhà phải do những người đàn ông quyết định. Con tuyệt đối không được nói những câu như thế trước mặt bác hoặc chú nghe không?

Thục hiểu ra liền thì thầm vào tai mẹ:

- Vâng! Đó là con nói với mẹ thôi.

Bà Quén đã thấy yên lòng nhưng vẫn gặng hỏi:

- Thế là tốt. Đúng là con không chống lại bác chứ?

- Vâng. Con đời nào dám chống lại bác.

Bà Quén động viên:

- Làm cho bác hài lòng mới phải.

Thục thích thú nói:

- Bác không những hài lòng mà còn hứa sẽ thưởng cho con nữa.

Bà Quén nắn nắn cánh tay Thục rồi âu yếm:

- Con đúng là con ngoan của mẹ. Con cứ làm đúng như lời bác dạy mẹ cũng sẽ thưởng cho con.

Thục reo lên:

- Ôi, sướng quá… Bà Quén chợt đổi hướng câu chuyện:

- Thế thằng Tuấn nó đăng ký thi vào trường gì ?

Thục hồn nhiên:

- Con chả biết.

Bà Quén đập nhẹ vào tay con:

- Sao lại chả biết? Phải quan tâm đến nhau chứ.

Thục cười vô tư:

- Người ta là con trai, chẳng hỏi xem mình thi vào đâu mình lại săn đón chẳng hoá ra là…

Bà Quén mắng yêu:

- Cha tổ cô, mình là đàn bà phụ nữ, có nhún mình một tý đã sao ?

Thục:

- Nhún để cho người ta bắt nạt hả mẹ ?

Bà Quén nhẹ nhàng:

- Người đàn bà mà được bắt nạt là phúc đó con ạ.

Hai mẹ con Thục hiểu theo hai nghĩa khác nhau và cười rúc rích. Một lát sauThục gợi chuyện:

- Mẹ này… Bà Quén:

- Gì thế con ?

Thục:

- Chú Đảo họ mình đã có vợ chưa ạ ?

Bị hỏi bất ngờ Bà Quén không biết trả lời ra sao liền nói đại:

- Chưa. Hay là ở bên Tây chú ấy lấy vợ rồi mẹ cũng chẳng biết.

Thục phỏng đoán:

- Thế thì chắc là chú có vợ rồi.

Bà Quén nghi hoặc:

- Con nghe ai nói thế?

Thục nhớ lại bức thư ông Tạo nhờ cô viết và kết luận:

- Bác Tạo. Bác nói là rổ rá cạp lại… Bà Quén ngạc nhiên:

- Nghe nói bác đang thu xếp cho chú lấy cô Cúc con bà Hợi mà.

Thục vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình liền cười như nắc nẻ:

- Cũng buồn cười mẹ nhỉ ?

Bà Quén không hiểu cái ý nghĩ của Thục liền gạt đi:

- Có gì mà buồn cười…?

Thục đấu dịu:

- Thôi con chẳng nói nữa…

 

     Vào lúc mẹ con Thục vừa kết thúc câu chuyện thì ông Tạo cũng lò dò ra tới bến sông. Đêm mênh mông, mặt nước lấp loáng ánh trăng pha ánh điện. Bước thấp bước cao, ông Tạo dỏng tai nghe những con sóng vỗ nhè nhẹ vào kè đá. Khi ông đi xuống đến gần chỗ cắm sào, ông nhìn rõ chiếc thuyền vạn của Ngàn đang đong đưa theo nhịp sóng. Đêm càng về khuya. Trăng vằng vặc chiếu xuống dòng sông. Ông Tạo dò dẫm, bước đi thận trọng như chỉ sợ có ai chợt nhận ra. Thỉnh thoảng ông lại nghe dưới bước chân như có tiếng lạo xạo trên cát.

Chốc chốc lại có vài tiếng chó sủa vu vơ.

Vài con đom đóm bay chập chờn càng làm cho ông hồi hộp.

Dưới thuyền, mẹ con Ngàn nằm bên nhau. Ngọn đèn bão khêu nhỏ.Thằng bé đã ngủsay, nhưng Ngàn vẫn hát ru nó. Tiếng ru vọng vào cõi mênh mông:

Con ơi con ngủ đi nào.

Bao Mẹ lên vườn hái cành đào cho con

giờ con lớn con khôn

Hiểu cho đời mẹ cô đơn một đời

Một đời nhắm mắt buông xuôi

Bao nhiêu buồn tủi ai người biết cho

Người ta qua một chuyến đò

Mẹ đi qua mấy bến bờ khổ đau…

Ông Tạo dừng một lúc lắng nghe. Bây giờ chân ông đã bước xuống cạnh con thuyền. Ông do dự. Tim đập thình thình. Lạ thật, một người tóc đã muối tiêu, từng trải cuộc đời là thế, nhưng đứng trước ái tình mà vẫn cứ run rẩy như thể vừa mới được yêu. Ông Tạo tự cười nhạo mình rồi cố trấn tĩnh, quả quyết rút trong túi ngực ra phong thư. Ông đặt một chân lên mũi thuyền. Bàn tay ông lập cập đưa bức thư qua chỗ tiếp giáp giữa chỗ mui che.

         Trong thuyền, Ngàn mở mắt thao láo vì ngạc nhiên. Sau tiếng sột soạt, một bàn tay người hiện ra cùng bức thư run rẩy. Ngàn chớp chớp mắt. Rồi từ từ nhổm dậy, lom khom xách chiếc đèn  bão đến chỗ vừa có  bàn tay người xuất hiện. Cô nhìn thấy cái phong bì trên thuyền với dòng chữ: "Gửi cô Ngàn".

Ngàn hồi hộp cầm lấy bức thư rồi khẽ lách người ra ngoài. Cô hỏi:

- Ai, ai đấy ?

Đêm vắng lặng. Không một tiếng trả lời. Gió thổi bay mái tóc cô. Ngàn hỏi một lần nữa.

Vẫn không có ai đáp lại. Chỉ có tiếng gió rì rào trên ngọn cây và tiếng những con sóng nhẹ vỗ vào bờ tí toáp reo vui.

 

          Ngàn khêu to ngọ đèn. Trước mặt Ngàn là bức thư. Ngàn chăm chú đọc từng lời từng chữ trong sự hồi hộp lạ thường. Lúc này khuôn mặt Ngàn hiện lên đẹp  và đầy gợi cảm. Đôi mắt đen láy, có hàng mi cong cong. Cặp má hồng hào. Cặp môi hơi dày có nét cong thỉnh thoảng mấp máy vì xúc động.

          Ngàn không thể nào tin được. Cuộc đời cô tưởng những đã kết thúc cái sự yêu đương. Nào ngờ nó lại đang được đánh thức dậy bởi những lời lẽ đầy thương yêu, cảm thông và nồng ấm. Ngàn ấp bức thư lên ngực. Cô nghe từng dòng máu chạy rần rật qua mỗi đường gân thớ thịt của mình. Ngàn nín thở, nhìn trân trân lên mái cong của tấm mui che thuyền. Đôi mắt Ngàn có một dòng lệ từ từ ứa ra. Ngàn bồi hồi đặt tay lên  hai bầu vú mình. Nhiều câu hỏi vọng từ trong sâu thẳm. Ngàn trăn trở, quay đi quay lại, ôm chặt đứa con vào lòng. Đứa trẻ vô tư trong vòng tay người mẹ.

 

         Trời đã sang hạ. Buổi trưa, cái nóng oi nồng đã bắt đầu đánh đu trên ngọn tre. Ông Tạo đang ngồi vót nan rổ . Mồ hôi ông thỉnh thoảng lại đổ ra lấm tấm bên cánh vai, nơi để thoáng của chiếc áo ba lỗ đã ngả màu cháo lòng.

Chợt tiếng của ông Chấn vang lên phái đầu sân:

- Bác đan rổ để bán đấy à ?

- Chú sang chơi- ông Tạo ngẩng lên và đặt con dao xuống nền đất- bán chác gì đâu chú. Còn mấy mảnh tre, đan cho cháu đổi rổ gánh phân kẻo phí. Lúc đó bà Tạo cũng vừa xách siêu nước mới đun từ dưới bếp lên. Ông Chấn vui vẻ:

- Bác phải bảo bác trai sắm cái bếp ga cho nó hiện đại. Thời buổi bây giờ mà cứ lì lụt đun nấu bàng rơm rạ thì cổ hủ lắm.

Bà Tạo mát mẻ:

- Chú thử nói với anh chú xem. Nếu vặn được răng thì tôi đã may quá.

          Ông Chấn không trả lời mà quay sang phía ông Tạo:

- Thế nào bác trưởng, bác thấy tôi nói phải chứ ?

Ông Tạo chỉ mỉm cười rồi mời:

- Chú vào trong nhà.

Ông Tạo cầm chiếc ấm thay bã chè rồi pha nước. Hai người vừa uống nước vừa trò chuyện.

          Thoạt đầu ông Chấn hỏi:

- Vậy cuối cùng con Thục nó đăng ký thi vào trường nào bác trưởng nhỉ?

Ông Tạo khẳng định:

- Nó đăng ký những ba trường.

Ông Chấn lắc đầu:

- Đăng ký làm gì lắm. Thi một trường cho tập trung.

Ông Tạo xoay chiếc quạt Tàu cho gió thốc về phía ông Chấn rồi bảo:

- Tôi cũng đã hỏi cháu. Thời buổi bây giờ phải cho chắc ăn. Đăng ký một trường chẳng may thi trượt là tuột luôn.

ông Chấn với chiếc điếu và vê thuốc bỏ vào nõ nhấp nhứ hai ba lần vẫn chưa hút:

- Nghe nói thi cử bây giờ cũng phức tạp lắm, không chạy thì chẳng biết thế nào mà cầm chắc được.

Ông Tạo gật gù:

- Tôi thì tôi tin ở con Thục. Nó học giỏi lại chăm chỉ.

Ông Chấn chợt nhận xét:

- Giá nó là con trai thì danh giá cho họ Hoàng quá. Chỉ tiếc nó lại là con gái.

Bà Tạo từ nãy vẫn yên lặng giờ mới góp chuyện:

- Là con gái thì không danh giá à? Nhà chú chỉ được cái lạc hậu.

Ông Chấn không chịu lùi bước:

- Cứ như em thì con gái chẳng nên cho học cao làm gì. Xoá nạn mù chữ là được rồi. Đến tuổi là cho đi lấy chồng.

Bà Tạo nói xa xôi :

- Thế mới biết chẳng dễ gì theo được bà Quén. Một mẹ một con mà vẫn học hành đàng hoàng hẳn hoi.

Ông Chấn được thể liền chuyển hướng câu chuyện:

- Hôm trước nhà bà Khang cũng nói với tôi, nhà bên ấy đang có ý định xin con Thục cho thằng Tuấn. Bác trưởng thấy thế nào?

Ông Tạo ngẫm ngợi một lát rồi bảo:

- Căn bản là ý con Thục. Đợi xem nó thi cử thế nào đã.

Ông Chấn đang cơn hưng phấn liền góp:

- Cứ ý tôi thi là thi cho vui thôi. Còn có người hỏi thì nên lấy chồng. Cuộc đời con người ta, chồng con vẫn là cái căn bản.

Ông Tạo băn khoăn:

- Nhưng đã có ai hỏi đâu ?

Ông Chấn vui vẻ hẳn lên:

- Có rồi đấy.

Bà Tạo ngơ ngác:

- Ai  nhỉ? Sao mà bà Quén kín tiếng thế ?

Ông Chấn lửng lơ:

- Cũng chưa chính thức đâu. ấy là bà  Khang bà ấy nhờ tôi đánh tiếng hộ. Tôi muốn bàn với bác trưởng xem ý của bác thế nào!

Ông Tạo đắn đo giây lát rồi phán :

- Cũng phải thi cử xong xuôi cho nó dứt điểm đi cái đã.

Bà Tạo bình luận:

- Thi vào đâu chứ lại vào cái trường văn như cô Nhung con bà Ngạn thì chán chết.

Ông Tạo nhíu mày nói gằn gằn:

- Nói như bà…thử hỏi ở làng Hạ này có ai được như cô ấy.

Ông Chấn khẳng định thêm:

- Đâu chỉ làng Hạ, cô ấy nổi tiếng khăp cả huyện, cả tỉnh nữa chứ.

Ông Tạo nói tiếp:

- Trên truyền hình cô ấy vẫn xuất hiện luôn.

Bà Tạo vẫn đang theo đuổi ý nghĩ của mình:

- Con gái theo nghề văn thì mơ mộng hão huyền lắm. Cuộc đời rồi chẳng đâu vô đâu.

Ông Tạo gắt:

- Bà thì cứ điếc tai làng sáng tai họ. Thế nào là chẳng đâu vô đâu ?

Bà Tạo không chịu:

- Chứ lại không à. Người ta đồn, dạo còn học ở trường cái cô Nhung này yêu đương linh tinh lắm. Lại cả các thầy cũng chết vì cô ấy kia. ấy thế mà đến bây giờ vẫn chưa lấy được chồng. Cho nên các cụ mới bảo, lắm mối tối nằm không là vậy.

Ông Tạo gạt đi:

- Chồng con lấy được hay không tôi chẳng biết, chỉ biết cô ấy là một nữ nhà văn nổi tiếng, làm rạng danh cho cả tỉnh nhà.

Bà Tạo bĩu môi:

- Ừ, nếu các ông muốn cho con Thục nó cũng như con bà Ngạn thì tuỳ. Tôi là đàn bà chỉ biết góp vài câu thế thôi. Quyền chính vẫn là các ông kia mà…Thôi, chú ngồi uống nước, tôi ra hàng ông Khang mua ít phân lân về bón thúc đây.

Powered by Froala Editor