Viện phương đông

3 năm trước

Cuộc chiến mười ngàn ngày

     Trong các tham luận về trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, giáo sư Vũ Dương Ninh đã gợi mở một vấn đề rất quan trọng mang tính phương pháp luận, đó là  sự tích hợp giữa văn học và sử học để truyền đạt những kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà cho học sinh, sinh viên. Bởi bài học lịch sử, nếu chỉ được truyền đạt bằng các sự kiện thì không tránh khỏi khô khan. Kết quả là, người học chẳng những không hứng thú mà còn cảm thấy nhàm chán. 

Powered by Froala Editor

            Trong các tham luận về trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, giáo sư Vũ Dương Ninh đã gợi mở một vấn đề rất quan trọng mang tính phương pháp luận, đó là  sự tích hợp giữa văn học và sử học để truyền đạt những kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà cho học sinh, sinh viên. Bởi bài học lịch sử, nếu chỉ được truyền đạt bằng các sự kiện thì không tránh khỏi khô khan. Kết quả là, người học chẳng những không hứng thú mà còn cảm thấy nhàm chán. Học lịch sử sẽ chỉ là sự đối phó mang tính tạm bợ. Bằng những trải nghiệm lâu năm trong nghề, cùng với những rung động của một tâm hồn nhạy bén văn chương, giáo sư Vũ Dương Ninh đã nêu một bài học sâu sắc về trách nghiệm của người thầy đối nghề nghiệp cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao phông kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn đối với người giảng viên khi đứng lớp thông qua chính bài tham luận và các phát biểu của mình.

                             

 

            Nhờ có cuộc cuộc Tọa đàm lần thứ 2, BBT đã nối kết được với một số thầy cô giáo và biết được một số điều thú vị. Sau khi tham luận của giáo sư Vũ Dương Ninh được công bố, một số thầy cô giáo khoa lịch sử, trong đó có một nữ TS trẻ và PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu đã trực tiếp đến gặp nhà thơ Hữu Đạt để xin cuốn trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày nhằm có tư liệu  sống để thử nghiệm dạy phương pháp tích hợp. Sau nhiều buổi lên lớp, PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu đã thu nhận được kết quả không ngờ : Trong khi phân tích chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như một số sự kiện lịch sử khác, PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu đã kết hợp đọc chương ba của trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày có tên Mãi mãi Điện Biên. Quả nhiên, người học đã lắng nghe rất chăm chú và vô cùng hào hứng. Không khí của buổi học cũng trở nên sôi động khác thường.

                         

            Chính từ kết quả thực tiễn này, đồng thời thể theo nguyện vọng của một số bạn đọc, trong số này BBT xin trích đăng nửa đầu chương ba của trường ca. Ở đoạn trích, chúng ta sẽ thấy cảm hứng lịch sử là những đợt sóng tuôn trào trên ngòi bút của người viết, để rồi từ đó, hình ảnh vĩ đại của vị lãnh tụ đã hiện lên một cách giản dị cùng với những người lính, những binh đoàn dân công tiếp vận và hình ảnh vị Tổng Tư lệnh, tạo nên một bản hợp ca hào hùng, thấm đậm truyền thống văn hóa yêu nước của một dân tộc kiên cường. Họ đánh giặc trong tư thế chủ động, hào hoa và đầy chất lãng mạn :

Khắp trận tuyến nghe tiếng gầm đại bác

Chợt bên đường nở mấy nhánh phong lan

 

           Một đất nước quá kỳ lạ! Một ông giáo dạy môn Văn-Sử lại trở thành một vị Tổng tư lệnh đánh giặc suốt chục ngàn ngàn ngày. Một chàng sinh viên Văn khoa, Sử khoa lại trở thành những người lính (xem ảnh trong “Chuyện tình thời chinh chiến của Lê Ngọc Văn”). Một cô bé học sinh, mặt còn bấm ra sữa, sẵn sàng từ giã học đường để cầm sung theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng như cô Đỗ Thị Hồng Xoan!...Tất cả những con người ấy đã được rèn giũa bởi nhừng thầy ở trường phổ thông (như trong bức thư của CCB Nguyễn Thanh) và rất nhiều người thầy khác ở trường Đại học. Đó là những người thầy luôn đem tất cả trái tim, khối óc của mình vì các học trò thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người” cho đất nước. Trước khi đọc đoạn trích trường ca dưới đây, trân trọng mời bạn đọc ghé qua mục “Chân dung các nhà khoa học” của trang website này để làm quen với giáo sư Đỗ Đức Hiểu, một trong những người thầy như chúng tôi vừa nói tới.

                        

                                                                  Chương ba

Mãi mãi Điện Biên

 

                                                        (trích trường ca « Cuộc chiến mười ngàn ngày)

 

                              (hình cái bình cổ)

Từ thuở ấy anh đi

Đã bao mùa lúa trổ

Áo chiến binh đã sờn bạc mấy lần

Mép ba lô bao lần thay chỉ cũ

Bao con đường

 không nhớ hết

chặng dừng chân

Bao làng xóm anh qua

vẫn một màu lam lũ

Nhưng tình yêu trong sáng đến vô ngần

Không gì đẹp hơn anh được nữa

Hình ảnh người chiến sĩ  Vệ quốc quân

Đôi dép cao su đi qua hai thế kỷ

Dân tộc từ đây ngẩng mặt trước toàn cầu

Lịch sử lật thêm trang hùng vĩ

Nguời lính chân trần, vai bạc áo nâu

 

Từ thuở ấy anh đi

Bên cánh rừng Trần Hưng đạo 

vẫn âm vang tiếng hát

Ba mươi tư người lính đầu tiên

Lớn lên từ núi rừng Việt Bắc

Sức vươn vai như Phù Đổng thần kỳ

Chân đạp núi rừng

Gươm mài đá sắc

Tổ quốc cùng theo bước anh đi

Cùng với nước Cộng hòa non trẻ

Ngày hôm nay anh trở lại với rừng 

Đêm Việt Bắc bập bùng ánh lửa

Một đoạn suối bên đường

 bao khuôn mặt soi chung

Thương đất nước bao đau thương tang tóc

Khắp bốn phương giặc đói vẫn hoành hành

Cuộc kháng chiến gian lao, đành thắt lưng buộc bụng

Muốn thắng giặc thù, ta không thể đánh nhanh

Lời Bác dặn phải trường kỳ kháng chiến

Hũ gạo nuôi quân chiu chắt từng ngày

Mẹ nhịn đói dành cho người ra trận

Lời ru buồn theo đôi cánh hạc bay

 

Ru rằng: Ham đánh giặc Tây

Cha đi từ thuở nhừng ngày tóc xanh

Vườn chiều nở trắng hoa chanh

Nhà ai đêm lạnh mong manh gió lùa

Não lòng tiếng khóc con thơ

Võng đưa kẽo kẹt, ầu ơ tiếng bà

Mẹ đi tiếp vận đường xa

Mong sao có dịp gặp cha một ngày…

 

Đường kháng chiến dài theo năm tháng

Anh không ngừng nhịp bước hành quân

Hết chiến thắng Sông Lô, Biên giới

Anh lại xung phong trong chiến dịch Hòa Bình

Anh lại thắng như bao lần đã thắng

Ba mươi tư chiến sĩ năm xưa 

nay thành những trung đoàn

Từ rút lui chuyển sang cầm cự

Đợi một ngày sẽ Tổng phản công

Lịch sử lấy nơi đây làm điểm chọn

Ai thắng Điện Biên sẽ làm chủ cuộc cờ

Cuộc chiến ba ngàn ngày chưa nói được

Ai là người chiến bại giữa cuộc đua?

Lời thách đố vang lên như tiếng sấm

Tướng Pháp huyênh hoang tuyên bố trước toàn cầu

Vùng Tây Bắc nay đã thành cứ điểm

“Việt Minh có can trường hãy đến thử thách nhau”

Bộ Chính trị họp bàn trong lán trúc

Bàn gỗ thênh thang chỉ có những  tách trà

Không bơ sữa, rượu bia và thịt hộp

Những mái đầu chụm lại dưới người Cha

 

 

Trên vách nứa treo lá cờ Tổ quốc

Thế trận bày ra trong từng góc bản đồ

Bác đứng dậy với cây chì đỏ

Bước bồi hồi như thể trong mơ

Đêm trăng sáng rạng ngời như cổ tích

Người đứng trầm tư bên góc lán lặng nhìn

Thương chiến sĩ đang giữa mùa chiến dịch

Vó ngựa lưng đèo luôn rộn rã báo tin

 

 

Tứ thơ mới hiện về Bác chưa kịp viết

Công điện đường xa tới tấp đưa về

Bộ Chính trị thêm một lần nhóm họp

Sớm mai rày Bác tiễn Anh đi (*)

 

    Thầy giáo sử tuổi thanh xuân đứng lớp(**)

Nay là Anh - Tư lệnh những binh đoàn

Bác tin tưởng giao cho Anh trọng trách

Quyết lần này phải thắng trận Điện Biên

 

Phút bịn rịn Anh ôm hôn má Bác

Nẻo đường xa yên ngựa đã sẵn sàng

Khắp trận tuyến nghe tiếng gầm đại bác

Chợt bên đường nở mấy nhánh phong lan

 

Đường hỏa tuyến dân công đi tải đạn

Vui như đi mở hội lúc xuân về

Xe đạp cũ cũng hóa thành người lính

Cùng đồng hành theo mỗi bước quân đi

                       -----------------------   

                   (*),(**) Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

 

Powered by Froala Editor