Viện phương đông

2 năm trước

Đọc “Văn khoa chân dung kí” của Nhà văn Hữu Đạt Đỗ Thị Kim Liên

Hữu Đạt viết với một giọng văn hóm hỉnh, gây cười dí dỏm nhưng lắm chỗ cũng thâm trầm sâu sắc đến chết lặng. Một số thành ngữ, tục ngữ được HĐ sử dụng biến hóa, hay theo từ dùng của chúng tôi là “cải biến”,

Powered by Froala Editor

        Đọc “Văn khoa chân dung kí” của Nhà văn Hữu Đạt

                                                                               Đỗ Thị Kim Liên (*)

Nhận được cuốn Văn khoa chân dung kí của Nhà văn Hữu Đạt gửi tặng, tôi rất vui  và xúc động. Có lẽ do tôi học từ nơi đây - Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nộicách đây 55 năm tính từ khi vào trường (1969, khóa 14)– nên khi đọc cuốn sách viết về những thầy cô giáo dạy mình ngày còn trẻ, từ 17 tuổi đến 22 tuổi, nên càng đọc, tôi càng thấy hấp dẫn, say mê, trong giấc ngủ cứ chập chờn, cứ đọc đi đọc lại từng hồi (15 hồi là kể về các thầy cô đi kèm nhân vật “tôi”- nhà văn Hữu Đạt qua năm tháng). Chúng tôi nhớ đến một thời mình đã sống và được học với các thầy, cô – nay đều là TS, PGS, GS, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn có tên tuổi, để lại những tác phẩm lưu vào sử sách. Nhờ nhà văn Hữu Đạt, chân dung các thầy cô được hiện lên rõ nét, đẹp ngời ngời, lãng mạn và bay bổng, khiến tôi và các bạn bè từng học ở Văn khoa ĐH tổng hợp ngày đó thêm tự hào.

Cuốn Văn khoa chân dung kí (in lần 2) dày 434 trang do Nxb Hội Nhà văn tái bản năm 2021 (lần 1 năm 2006) được viết theo thể kí. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia,  là tên gọi cho một nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và cận văn học (báo chíchính luận, ghi chép tư liệu các loại), chủ yếu là văn xuôi tự sự. Kết cấu cuốn sách gồm 15 hồi, so với lần in 1có bổ sung thêm hồi 14: Phó giáo sư, “Lưỡng quốc tiến sỹ” Đỗ Văn Khang - một tấm gương lớn về ý chí tự học. Nội dung mỗi hồi (chương) kể về một hoặc hai bậc thầy đi trước theo thứ tự sau: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hàm Dương, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Tu, Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn (vợ là cô giáo N. Xtankevích), Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Đinh Gia Khánh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Lai, Bùi Duy Tân, Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Cao Đàm, Lê Đức Niệm, Nguyễn Kim Đính, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Hoàng Thị Châu, Lê Văn Quán, Nguyễn Văn Lương, Lê Quang Thiêm. Riêng ba thầy cô Trần Hinh, Lý Hoài Thu, Bùi Việt Thắng được xếp cùng nhân vật “tôi - Hữu Đạt” ở hồi thứ 15 để bình luận.Tất cả được sắp xếp, chọn lựa để phản ánh những nổi bật trong giảng dạy, có kèm những phác họa về sinh họạt trong cuộc sống đời thường, mà chỉ một lần đọc là không quên được, không dứt ra được, có khi cười phá lên, có khi trầm xuống để suy tư.

Có thể nói, đây là cuốn sách ôn lại hay gợi nhớ về những người thầy (chỉ người làm nghề dạy học - có cả cô giáo) đứng đầu đất nước, tinh túy nhất nước, từ khi thành lập trường 1956, họ đều rất trẻ, tài giỏi và nhiệt huyết, mỗi người đi sâu một phân môn thuộc khoa Văn theo định hướng chuyên ngành ngày đó. Ngay cả những chi tiết rất riêng tư cũng trở thành giai thoại “nổi trội” đáng trân trọng mà chỉ có những vĩ nhân mới có cách ứng xử thông minh, kiên nhẫn như vậy. Tôi lại mượn lời GS. Bùi Như Tân nhận xét về Hữu Đạt sau khi đọc những trang viết về ông thời mới lấy vợ:“Chú mày là gớm lắm đấy. Chuyện gì cũng biết, như ma xó, liệu hồn…” (tr.252). Tưởng thầy giận, thầy mắng mà ai ngờ đây là lời mắng yêu về sự đi sâu gắn bó của Hữu Đạt với các thầy cô không phải ngày một ngày hai mà suốt một thời gian dài gần nửa thế kỉ, khi anh còn là một anh sinh viên trẻ đến bây giờ là một PGS.TS, một Nhà văn, Nhà giáo gần 70 vẫn lao động không mệt mỏi, đã chắt lọc, chọn lựa tinh tế để dựng lên khuôn hình về các thầy cô ngày ấy thành bức tượng vững chắc trong lòng các thế hệ học trò nối tiếp nhau. Có thể người khen nhiều, người khen ít nhưng ai đã cầm đến cuốn sách thì khó mà rời ra.

Không biết Hữu Đạt lấy đâu ra những chi tiết “bí mật, động trời” như vậy, chẳng hạn, Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm khoa lâu nhất thế giới, Nguyễn Hàm Dương qua Thái Lan buôn súng, Hoàng Như Mai kể chuyện Vũ Bằng, Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ, Gió đổi chiều Phan Tiên Sinh viết nhạc (Phan Cự Đệ), Hà tiền bối làm thơ (Hà Minh Đức), Nguyễn Kim Đính thà buồn hơn khổ, Nguyễn Lai đã qua lý luận lại về ngữ ngôn, Lê Quang Thiêm - Cái duyên và cái nợ, Nguyễn Đức Dân giỏi toán nhất khoa, …

Chúng tôi xin trích dẫn chứng một vài đoạn, chuyện được kể: “Nguyễn Hàm Dương có một cuộc đời hoạt động thật hiển hách, có một thời ông là một lái súng cỡ bự, thuyên chuyển vũ khí đạn dược từ đất Thái Lan về phục vụ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ”(tr.38). Còn Hoàng Như Mai được hiện lên đầy cuốn hút, khiến chúng tôi càng nể phục tài năng, trí tuệ của thầy. Hữu Đạt viết “Khi Hoàng Như Mai dạy truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, phân tích hai nhân vật Hoàng và Độ, ông khơi gợi cho chúng tôi một nhân vật có thật ở ngoài đời. Đó là nhà báo Vũ Bằng. Vũ Bằng chính là nguyên mẫu của nhà văn Hoàng được Nam Cao miêu tả bằng một ngoại hình khá ấn tượng: Đôi tay múp míp. Dáng đứng nặng nề, khệnh khạng. Miệng cười kẻ cả, khinh miệt. Anh là người luôn dè bỉu những người nông dân. Bởi anh không thể hòa nhập với họ…. Trong khuôn khổ của thực tiễn ngày ấy, Giáo sư Hoàng Như Mai chưa hề biết Vũ Bằng chính là một trong các nhà tình báo kiệt xuất hoạt động sâu trong lòng chế độ Mỹ -Ngụy cho mãi tới khi giải phóng miền Nam…”(tr.138).Về cô Hoàng Thị Châu, Hữu Đạt kể với giọng tâm tình “Khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế…Với tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, bà vừa đi học vừa tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu trong đội du kích thiếu niên tại nội thành. Không ngờ bà trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn Đội du kích thành Huế của nhà văn Văn Tùng” (tr.333). Còn khi nhớ về Lê Quang Thiêm, nhà văn chia sẻ: “Mặc dù còn ở tuổi niên thiếu, cậu bé Lê Quang Thiêm đã nhận thức ra rằng, muốn tiếp tục con đường học hành thì không thể ở lại quê hương, nơi Mỹ - Diệm bắt đầu ruồng bố và trả thù những người kháng chiến  và yêu nước. Muốn thực hiện ước mơ của mình chỉ có duy nhất một con đường là vượt tuyến ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa…”(tr.366). Và khi mới ở lại làm CBGD ở khoa văn, “Để tránh bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp gay gắt, Lê Quang Thiêm ý nhị xin đi học thêm ngoại ngữ một thời gian với hy vọng được rảnh rang ít nhiều để đầu tư vào chuyên môn” (tr.370).

Hữu Đạt viết với một giọng văn hóm hỉnh, gây cười dí dỏm nhưng lắm chỗ cũng thâm trầm sâu sắc đến chết lặng. Một số thành ngữ, tục ngữ được HĐ sử dụng biến hóa, hay theo từ dùng của chúng tôi là “cải biến”, như viết về Lê Đình Kỵ: “Đá thử vàng” được cải biến thành thơ “đá kia nay đã thử vàng”, “tằm nhả tơ” được cải biến thành “nhả tơ rút ruột con tằm (tr.151); khi kề về giáo sư Hà Minh Đức, tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn ”được cải biến thành “Nào ai đi một ngày đàng/ Để mà học lấy một sàng khôn đây” (tr.192).

Một số ngữ danh từ có định ngữ mở rộng kéo dài đã thể hiện tính sâu sắc về nghĩa trong câu văn của tác giả, ví dụ, Hữu Đạt kể về Hoàng Như Mai: “những chuyện bếp núc văn chương sinh động; Sự gắn bó với quần chúng và lòng nhiệt huyết hoạt động trên các mảng công tác xã hội// đã tạo nên chất nghệ sỹ rất đặc biệt trong con người ông và rèn luyện cho ông những khả năng đặc biệt” (tr.140); “Trên văn đàn Hà Nội, những năm 60-70 của thế kỉ XX, ông là một trong các nhà văn diễn thuyết có hạng của đất Hà Thành với nhiều buổi nói chuyện về văn thơ tại các câu lạc bộ văn học” (tr.140); “Như vậy, khởi đầu là một sinh viên ngành Y rồi là sinh viên ngành luật nhưng lòng yêu văn chương và nghề dạy học cùng những năm tháng biến động của lịch sử đất nước đã đưa đẩy cuộc đời ông thành một Nhà giáo Nhân dân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài (tr.142). Bên cạnh đó, chúng tôi còn gặp tác giả sử dụng lối làm thơ trong mỗi đoạn văn viết về thầy cô giáo có “vay mượn” Truyện Kiều hay thể lục bát ca dao nhưng đã cách điệu mang tính khái quát, tổng hợp rất dí dỏm, tinh tế, chẳng hạn về thầy Bùi Duy Tân: 

        Mấy ai “nghiệt” được như ông

        Tưởng rằng rất nghiệt nhưng không nghiệt gì.

              Cuối đời con cái đề huề… (tr.250)

Về thầy Nguyễn Văn Tu:

            Người đi theo gió cùng mây,

                     Biết ai ở lại kí thay cho mình? (tr.64)

Về thầy Nguyễn Tài Cẩn:

               Một thời say đắm nước Nga

          Đến lúc về già sang sống trời Âu,

            Tuyết sương năm tháng dãi dầu

                           Vắng ông ai nối nhịp cầu Việt – Nga? (tr.132)

Về thầy Hoàng Như Mai:

                  Phong trần mà lại thanh cao

           Tiền nhân mà lại dồi dào sức xuân.

                 Tiếng thơm nức tiếng xa gần

                          Đã vinh rồi lại thêm phần vinh quang (tr.143)

Bên cạnh đó, chúng ta thấy nhà văn luôn trân trọng, luôn lắng nghe để thể hiện. Tác giả kể là sau những buổi chấm thi cả khoa, những câu đối được ghi lại thành văn bản lưu lai, hoặc cải biến chút ít, như “Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường/ Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ (tr.247); Chữ thiên hạ ba bồ, người ung dung lấy một/ Văn thế gian năm ngả, ai giỏi toán nhất khoa? (tr.133).

Khép lại những trang viết, tác giả đã có bài thơ Nhớ Mễ Trì dạt dào cảm xúc còn đọng lại những nổi nhớ và sự tri ân thầy cô giáo đã giảng dạy thửa đầu tiên thành lập khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Cho phép tôi được ghi lại những dòng thơ đầythương nhớ, kính chúc các thầy cô nhân dịp 20-11:

Ôi! Nhớ những ngày xa kí túc

Đêm mưa buồn thấm cả những trang văn

Tóc thầy cũ nay bắt đầu đã bạc

    Bạn bè quanh tôi trán đã lộ nếp nhăn. 

                                  (Ngày 10/11/ 2021)

----------------------------------  

 (*)  GS.TS ngành Ngôn ngữ học, Đh Vinh; nguyên sinh viên K14 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.


 

 

 

Powered by Froala Editor