Viện phương đông

3 năm trước

Giới thiệu sách: Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam

TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI

Ngôn ngữ thơ Việt Nam 

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt 

Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, 2017

Powered by Froala Editor

Về một công trình khoa học mới của Hữu Đạt

GS.TS Hoàng Trọng Phiến (*)

 

Cuốn Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, được nhà Xuất bản ĐHQG Hà Nội xuất bản năm 2017 là một công trình nghiên cứu chuyên sâu của Hữu Đạt. Công trình đã phác họa được sự phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay bằng cách nghiên cứu trường hợp theo thao tác phân tích định lương và đính tính của ngôn ngữ học. Công trình đã tập trung khảo cứu hai cấp độ: Đổi mới Từ vựng - ngữ nghĩa và Đổi mới cú pháp thơ. Từ các kết quả khảo cứu công phu, nghiêm túc, đáng tin cậy, tác giả đã có những nhận định mang tính lý luận sâu sắc, mới mẻ. Những nhận định này đóng góp vào phương pháp nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật; nghiên cứu ngôn ngữ văn chương nói chung, ngôn ngữ thơ Việt nam hiện đại nói riêng.

Nghiên cứu ngôn ngữ thơ Việt Nam đã có nhiều thành tựu với các cách tiếp cận khác nhau. Công trình của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt là công trình khảo cứu nhất quán, triệt để theo cách tiếp cận ngôn ngữ học hiện đại gắn với đặc trưng loại hình tiếng Viêt về mặt từ vựng và cú pháp. Công trình cho thấy sự phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam sau 1986 đến nay đồng hành với sự phát triển, đổi mới của tiếng Việt hiện đại. Trong tiến trình đó có sự đóng góp to lớn của nhà văn, nhà thơ.

Vốn là một nhà văn có bút pháp hấp dẫn, ngôn từ trong sáng, mới mẻ; một nhà ngôn ngữ học thông minh, sáng tạo; một nhà giáo nhiệt huyết với nghề, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đã có một công trình học thuật phản ánh rõ các đặc trưng nghề nghiệp đó. Tôi đánh giá cao giá trị thực tiễn của công trình này. Nó là tài liệu tốt đới với việc đổi mới giảng dạy ngôn ngữ thơ trong trường phổ thông; là một kiểu giải mã ngôn ngữ thơ và nghiên cứu ngôn ngữ văn chương đối với các  học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngữ văn Việt Nam.

(*) Giảng viên cao cấp khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

 

     

Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam” – Một công trình nghiên cứu có tính văn hóa

PGS.TS Phạm Thành Hưng (*)

Đây là một đề tài nghiên cứu mới, bề thế, một đề tài nặng, vì xuất phát từ góc nhìn Ngữ học để soi chiếu một tiến trình vận động lâu dài của thơ Việt Nam 30 năm sau khởi động tiến trình đổi mới. Nghiên cứu thơ nói chung là nghiên cứu một đối tượng nghệ thuật tinh tế, nghiên cứu ngôn ngữ, phương tiện biểu hiện của nó lại chồng thêm một mức khó khăn, phức tạp. Hơn nữa thơ và ngôn ngữ thơ mà tác giả đề tài tập trung nghiên cứu vẫn là hiện tượng nghệ thuật đương đại, còn nằm trong trạng thái bất ổn định, chưa định hình, do vậy mọi đánh giá vẫn chỉ dừng lại ở quan sát và giả thiết ban đầu. Đề tài do vậy có ý nghĩa như một thử thách và như một hứa hẹn đóng góp.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, ngoài những thao tác có tính chất phương pháp quen thuộc như: phân tích cấu trúc ngữ nghĩa; thống kê - so sánh, tác giả công trình còn sử dụng nhiều thủ pháp bổ trợ, đặc biệt là thủ pháp phân tích phong cách học khi đi vào nghiên cứu các văn bản tác phẩm và tác giả cụ thể. Sự vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu đó đã giúp cho tác giả đạt được những mục tiêu khoa học cụ thể và đặc biệt là đã tạo ra được một không khí học thuật ráo riết, khẩn trương, sinh động.

Nhìn một cách tổng quát, có thể nhận định:

          1. Tác giả công trình đã giải quyết một cách hệ thống, tương đối đầy đủ các mục tiêu khoa học mà mình đề xuất. Trên cơ sở chọn lọc những tác phẩm và tác giả tiêu biểu của một chặng đường thơ đổi mới và kiên trì phương pháp phân tích ngữ học ngôn ngữ thơ đương đại, tác giả đã phác thảo được bức tranh chung về sự biến đổi, phát triển của ngôn ngữ thơ hiện đại. Công trình nghiên cứu được trình bày qua cuốn sách đã thể hiện rõ kết quả khảo sát, phân tích, và lý giải cụ thể hàng loạt các hiện tượng tìm tòi, đổi mới ngôn ngữ của các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Các tác giả Huy Cận, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Phong Việt thực sự là các hiện tượng tiêu biểu, phản ánh đủ những đổi mới và phát triển của ngôn ngữ thi ca Việt Nam mấy chục năm qua. Bức tranh khoa học sinh động về sự vận động, đổi mới của ngôn ngữ thơ Việt mà tác giả công trình đưa ra ở đây không đơn thuần là một hiện tượng ngôn ngữ mà còn là một hiện tượng văn hóa văn học. Nhất trí với nhận định của tác giả về sự đổi mới của ngôn ngữ thơ nằm trong sự đổi mới của hệ hình tư duy nghệ thuật, từ sự chuyển đổi từ cái ta cộng đồng sang cái tôi thế sự. Và sự đổi mới ngôn ngữ thơ ở đây bắt nguồn từ sự chuyển động, đổi mới của hiện thực đời sống Việt Nam sau chiến tranh. 

          2. Những quan sát, mô tả và nhận định của tác giả về đặc điểm và tỷ lệ từ loại trong thơ và trường ca thực sự là những phát hiện lý thú, chứng tỏ sự chuyển hướng thi pháp trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhiều nhận định của tác giả có thể cần tiếp tục bàn luận nhưng có ý nghĩa giả thuyết và gợi mở những hướng tìm tòi, nghiên cứu tiếp. 

3. Các chương viết đều được tạo lập trên sơ sở lý thuyết khá vững chãi, cập nhật về thông tin khoa học. Các khái niệm, thuật ngữ đều được giới thuyết, thỏa thuận về nội hàm, tạo điều kiện cho việc tiếp nhận thông tin trong nội dung nghiên cứu chính. Điều này thể hiện tính trường quy, tính đặc trưng sư phạm của hoạt động nghiên cứu của cán bộ giảng dạy. Đề tài với kết quả thể hiện qua cuốn sách có sự kết hợp giữa đánh giá khái quát và phân tích trọng điểm, giữa điểm và diện. Nhờ vậy đối tượng khảo sát được nắm bắt không phải trong trạng thái tĩnh, “xong xuôi về mặt lịch sử” mà ở trạng thái động, như một thực tiễn đang vận động, nối tiếp, dự báo cho những bước cách tân đổi mới trong tương lai.

4. Sản phẩm của đề tài chứng tỏ quá trình lao động khoa học công phu, nghiêm túc và thể hiện giá trị ứng dụng thực tiễn rõ ràng. Cuốn sách sẽ là một học liệu hữu dụng cho sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành Ngữ văn. 

(*) Giảng viên cao cấp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

 

                                                    

 

 

 

 

                                                    

 

Powered by Froala Editor