4 năm trước
"GS.TSKH Nguyễn Lai - Nhà Ngôn ngữ học nặng nợ với văn chương" Trích chương 8 của "Văn khoa chân dung ký"
...giáo sư Nguyễn Lai từ bề ngoài vào phía trong đều giản dị, trong suốt. Nhiều năm tháng gần ông tôi mới hiểu rõ, ông là người không bao giờ nhìn vào mặt xấu của con người. Hình như với ai, ông cũng cố gắng tìm ra những điểm tốt nhất để động viên, phát huy tiềm năng của họ. Con người ông là sự hoà trộn của nhân ái, văn chương và khoa học. Nó đi dọc theo hành trình của cuộc đời ông. Nó cũng tạo nên xung quanh ông những giai thoại và cả những câu chuyện thật...
Powered by Froala Editor
Trong những ngày gần đây, trang website của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông đã liên tục cho đăng tải chân dung văn học về các thầy khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội. Đây là chân dung những "người hùng" của một thời oanh liệt, đầy gian khó nhưng thật đáng tự hào.
Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của GS.TSKH Nguyễn Lai (27/9/2019 -27/9/2020. BBT xin gửi đến bạn đọc Hồi thứ tám của cuốn "Văn khoa chân dung ký" - tp của nhà văn Hữu Đạt (Nxb Hội Nhà văn). Bài viết ra đời từ khi GS Nguyễn Lai chưa đến 80 tuổi.
Hồi thứ tám
Ngữ Văn một thuở đuề huề
Ai qua lý luận lại về ngữ ngôn?
Đó là câu đố nhắc lại một thời oanh liệt của khoa Ngữ văn cũ. Vào cái thời oanh liệt ấy, một người đang từ ngành này vẫn có thể chuyển sang ngành khác để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu mà vẫn có hiệu quả. Trong khoa Ngữ Văn thời ấy có hai trường hợp khá điển hình. Nhà thơ Mã Giang Lân vốn là sinh viên được đào tạo từ ngành ngôn ngữ, sau lại chuyển sang nghiên cứu văn học và trở thành giáo sư, tién sĩ văn học Việt Nam. Nhà giáo Nguyễn Lai vốn giảng dạy về lý luận văn học, sau chuyển sang nghiên cứu ngôn ngữ trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Lai:
chất văn quyện với chữ nhân một đời.
Khi tôi còn sống trong ký túc xá Mễ Trì, một buổi tối, vừa ăn cơm xong, tôi thấy Nguyễn Lai sang nhà. Tôi mời ông vào chơi. Vừa bước vào cửa ông đã bắt tay tôi nói bằng thứ giọng miền Nam:
- Mình phải sang xin lỗi cậu. Đợt vừa rồi, do mình chủ quan, nên cuối cùng cậu không được cái phó giáo sư. Nhưng mà thôi, cậu mơi ở nước ngoài về, có được sau anh em trong nước một chút cũng không đến nỗi thiệt quá. Ở trong nước anh em vất vả lắm. Họ phải dạy thay cho mình để mình đi...
Tôi nghĩ, ông nói điều đó rất chân tình. Vì ông cũng đã nhiều lần đi nước ngoài. Ông hiểu hơn ai hết mối tương quan về quyền lợi giữa người đi và người ở. Khi đó ông đang là Chủ tịch hội đồng chức danh Ngành, quyền thế ngất ngưởng. Ông đâu sợ tôi ? Ông chủ động đến thăm và xin lỗi tôi không vì mục đích lấy lòng hay mục đích gì khác mà vì một lương tâm hoàn toàn trong sáng, có thể nói là trong sáng đến vô ngần của một vị giáo sư. Bởi ông công tác mấy chục năm ở bộ môn, từng làm chủ nhiệm khoa nhiều khoá. Ông hiểu rõ hơn ai hết năng lực của mỗi cán bộ. Ông luôn đồng cảm với bất cứ ai phải chịu cảnh thiệt thòi.
Hôm đó ông ngồi chơi uống nước ở nhà tôi khá lâu. Ông tâm tình với tôi nhiều chuyện, trong đó có chuyện xét phong học hàm giáo sư và phó giáo sư. Ông hứa với tôi, lần xét phong tiếp theo, ông sẽ chú ý và việc tôi được phó giáo sư sẽ không có gì là khó. Vì tôi đủ mọi tiêu chuẩn lại là người viết nhiều, có nhiều công trình hơn hẳn một số đồng nghiệp khác.
Ông làm được việc đó thật. Lần sau, tôi đã được bầu chức danh phó giáo sư với số phiếu thiếu một người thì đạt tuyệt đối. Nhưng thật không may, năm đó, ở trường đại học Bách Khoa, vợ Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không trúng cử, thế là Thủ tướng liền ách toàn bộ danh sách, không ký cho ai cả. Tình hình phức tạp, việc bầu chức danh phải kéo dài tới 5 năm sau. Đến năm 2001, Hội đồng mới được thành lập. Giáo sư Nguyễn Lai về hưu. Một người khác lên làm Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Ngành. Thật đáng tiếc biết bao khi một vị giáo sư đầy tâm huyết, công tâm và cao thượng đã lui về phía sau.Tôi bị lâm vào cuộc chiến do những tình huống bắt buộc. Báo chí ầm ỹ cả lên. Cả nước biết chuyện. Có tới vài năm, câu chuyện bùng binh ấy mới được khép lại và tới hồi kết thúc. Tôi thành phó giáo sư, nhìn cái cuộc bể dâu trong ngành mà lòng buồn thăm thẳm. Tôi cứ nghĩ, vị giáo sư Chủ tịch Hội đồng ngành hồi ấy mà có được đôi phần cái phẩm chất của giáo sư Nguyễn Lai, chắc mọi sự trong ngành sẽ không xảy ra bao “đoạn trường cay đắng nghĩ mà xót thương”. Những sự kiện xảy ra làm tôi nhớ lại lần Viện sĩ Phan Cự Đệ được phong phó giáo sư. Tôi chúc mừng ông, ông cả cười: “phó giáo sư cũng như là phó cối thôi”.Tôi chỉ im lặng, không dám nói gì. Bậc “chưởng lão” thì có thể phát ngôn như thế được, còn mình... chà, lao động nhiều hoá ra lại làm cho người ta ghét. Nhất là có vài vị giáo sư, cả đời chỉ toàn những hưởng lộc trời, sách không viết được, không đọc một chút gì ngoài cái chuyên môn hẹp như lỗ mũi của mình. Thấy người khác được in nhiều thì sinh ra tức tối rồi tìm cách hại người ta. Nhưng lịch sử đã qua rồi, những sự rắc rối đó thế nào, nay không nói nữa.
Lại nói về cuộc tâm sự của giáo sư Nguyễn Lai với tôi hôm đó. Ông bảo, đúng ra thì đợt này ngành ngôn ngữ còn có nhiều người chưa thể phong giáo sư. Nhưng ông đã phải thuyết phục giáo sư Lưu Vân Lăng l nhiều lần, nên tán thành phong cho một số người như các ông A, B, C, D...tuy họ còn non, nhưng phong để cho họ cố gắng phấn đấu làm việc. Mặt khác, đó chính là món nợ để họ nợ thế hệ sau, phải quan tâm nhiều hơn trong đào tạo và phát triển đội ngũ...
Cuối cùng với cương vị Chủ tịch hội đồng Ngành, ông đã thuyết phục được một số Uỷ viên. Đợt đó, nhiều người được phong giáo sư đến nỗi chính họ cũng không ngờ. Tôi còn nhớ, vào cái ngày chuẩn bị hồ sơ, tôi hỏi vui anh Nguyễn Minh Thuyết: “Đợt này anh có làm hồ sơ giáo sư không?”. Anh thuyết cười vui, nói với tôi: “Khó lắm, còn bao nhiêu cây đa cây đề. Nhưng tôi vẫn cứ làm. Đại để là mình cứ xếp vào đó một hòn gạch (đó là đồ dùng làm công cụ xếp hàng mua thịt, cá thời bao cấp) để báo cho “ các cụ” biết là mình có mặt”. Nhưng rồi anh Thuyết cũng được phong giáo sư đợt đó. Ấy chính là công lao lớn của những người có cái tâm lớn và tầm nhìn xa rộng như giáo sư Nguyễn Lai. Chỉ tiếc là, trong số các giáo sư được phong đợt ấy, sau này đã có người làm được cái điều ông trông cậy là luôn quan tâm tới lớp người đi sau. Nhưng không phải không có những giáo sư lại đem lòng ghen ghét, đố kỵ với đồng nghiệp ở thế hệ tiếp nối và “ném đá giấu tay” để làm những việc không tốt, gây ra những chuyện không hay ở các Hội đồng. Chuyện đó cụ thể thế nào, nay không nói nữa.
Lại nói đến giáo sư Nguyễn Lai. Ông thực sự là một giáo sư mà nhân cách, tầm nhìn nổi trội hơn người. Điều ày thường xuyên thể hiện trong lối ứng xử hàng ngày cũng như cách nhìn nhận các vấn đề có liên quan đén chuyên môn. Tôi sẽ mãi mãi không quên những kỷ niệm sâu sắc về ông trong lối hành xử của một bậc cao nhân trong chính giới.
Lần đó, ông đi phản biện và làm Chủ tịch Hội đồng chám luận án tién sĩ cấp Nhà nước ba cái luận án tiến sĩ ở Vinh và ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi gặp tôi ở văn phòng khoa, ông bỗng nhiên kể:
- Mình vừa đi Vinh và thành phố Hồ Chí Minh về cậu ạ. Chỉ có điều hơi buồn là mình ngồi ở ghế Chủ tịch Hội đồng mấy cái luận án đó, nhưng không nghien cứu sinh nào nó dẫn mình mà nó lại toàn dẫn của cậu. Lúc đầu mình cũng nóng mặt lên. Nhưng sau mình bình tĩnh lại, thấy như thế là vô lý. Về nhà, mình giở lại sách của cậu ra xem thì thấy họ dẫn cậu là phải.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước câu chuyện của ông. Nó chỉ là một câu chuyện rất bình thường trong đời sống thường nhật, nhưng sau nó lại toả ra một linh hồn tư tưởng của một bậc quân tử thực sự. Tôi dám chắc, không phải giáo sư nào cũng có được tầm cao trong suy nghĩ như thế. Chỉ có những người có một tầm cao thực sự, tàm cao vượt hẳn người đời mới có thể kể lại câu chuyện đó trước mặt bậc học trò của mình, cho dù đó chỉ là phản ánh lại sự thật. Trước đó ít hôm, tôi được nghe một câu chuyện về một giáo sư khác trong ngành. Một học viên cao học kể cho các bạn cùng khoá nghe, chỉ vì cô không trích dẫn sách của giáo sư hướng dẫn mà cô bị mắng mỏ. Thậm chí vị giáo sư này vì hâm hực việc cô trích dẫn người khác còn vơ quàng vơ xiên, nói ra những lời rất thiếu lịch thiệp về tác giả này.
Qua đó, có thể thấy nhân cách của giáo sư Nguyễn Lai thật đáng kính biết nhường nào. Không giống như vị giáo sư nọ, bề ngoài thì tỏ ra lịch lãm, nhưng bên trong thì ... giáo sư Nguyễn Lai từ bề ngoài vào phía trong đều giản dị, trong suốt. Nhiều năm tháng gần ông tôi mới hiểu rõ, ông là người không bao giờ nhìn vào mặt xấu của con người. Hình như với ai, ông cũng cố gắng tìm ra những điểm tốt nhất để động viên, phát huy tiềm năng của họ. Con người ông là sự hoà trộn của nhân ái, văn chương và khoa học. Nó đi dọc theo hành trình của cuộc đời ông. Nó cũng tạo nên xung quanh ông những giai thoại và cả những câu chuyện thật đáng buồn. Đó là những chuyện như tuyển người hay cho sinh viên vay tiền. Chuyện cho sinh viên vay tiền là chuyện có thực. Biết ông là một người tốt bụng, có cô sinh viên đã đến nhà ông trình bày hoàn cảnh khó khăn rồi vay tiền về quê ăn tết. Ông vui vẻ lấy tiền đưa cho cô và không biết đó là sinh viên sắp tốt nghiệp. Sau chờ mãi không thấy cô sinh viên dó tới trả. ông hỏi thăm mới biết cô đã ra trường từ lúc nào. Hình như số tiền cũng không nhỏ. Nghe nói khoảng một triệu hai. Triệu hai năm đó khá to.
Còn chuyện tuyển người thì là một giai thoại có liên quan đến một nhân vật “nổi tiếng” là anh Võ Đình Hường. Anh là sinh viên K15 ngành Văn. Lúc vào học anh đã là giáo viên cấp II của Nghệ An nên tuổi đã già dặn. Học xong, khoa giữ anh lại làm cán bộ thư viện bên cạnh ông Chinh, là bố vợ của ông Nguyễn Văn Bạn, nguyên Trưởng ký túc xá Mễ trì. Sau khi ông Chinh về hưu, anh Hường thành thủ thư của khoa kiêm cán bộ tư liệu.Biết anh Hường là người ngây thơ đến mức dễ tin, một nhóm cán bộ trẻ mời gà cho anh cái việc tày trời cốt để đùa vui.Ai ngờ cuối cùng lại thành sự thật.Bởi vì cái việc ấy xảy ra đúng vào thời giáo sư Nguyễn Lai làm chủ nhiệm. Ông vốn nhân ái, hay thương người nên câu chuyện từ đùa vui lại thành sự thật và tạo ra bước ngoặt khá kỳ vĩ cho cuộc đời anh giáo làng năm xưa.
Một cán bộ trẻ trong khoa vỗ vai Võ đình Hường nói:
- Xét ra trong khoa Văn, công lao của anh lớn lắm. Chả gì cũng bao năm làm cán bộ thơ viện rồi. Anh là người cung cấp khách cho cán bộ toàn khoa. Không có anh, các thầy không có sách đọc. Vậy các thầy nay thành giáo sư cũng là nhờ ở công anh cả.
Võ Đình Hường ngẩn ra, thấy có ly. Anh cán bộ trẻ kia nói tiếp:
- Công lao như thế thì nay cũng nên đấu tranh hưởng lấy chút quyền lợi.
Võ Đình Hương chưa hiểu liền gặng:
- Hưởng quyền lợi gì?
- Tốt nhât là xin lên làn làm cán giảng dạy.
Võ Đình Hường chúm miệng:
- Nói thế, làm sao được.
Người kia nhìn thẳng vào anh khẳng định:
- Được chứ. Anh đã từng làm giáo viên rồi mà. Với lại, với ai thì không, nhưng với ông Nguyễn Lai thì được. Ông rất tốt bụng, hay thương người. Anh cứ nói cho thật lâm ly, bài bản vào, ông sẽ mủi lòng.
Võ Đình Hường vẫn không tin:
- Khó lắm. Không được đâu. Ông mắng cho thì dại.
Người kia lại nói:
- Ông Lai đã mắng ai bao giờ. Với lại, mình xin, cho thì cho, không cho thì thôi, lý gì mà mắng?
Nghe vị quân sư hiến kế như thế, đêm nằm suy nghĩ Võ Đình Hường thấy có lý. Sáng hôm sau, đúng theo cách vị quân sư kia hướng dẫn, anh phục Nguyễn Lai ngay trước cửa nhà tắm. Tiến sĩ Nguyễn Lai hoàn toàn bất ngờ trước đề nghị của Võ đình Hường. Ông trả lời đó là việc không thể giải quyết được. Các bộ môn đã đủ nhân sự cả rồi.
Võ Đình Hường buồn thiu, ôm thất vọng trở về. Nghe anh phân trần xong vị quân sư liền vờ nghiêm mặt:
- Anh thiếu kiên trì lắm. Riêng việc ấy đủ để ông Lai từ chối anh rồi. Ở Việt Nam, không có việc gì người ta lại đồng ý ngay từ đầu cả. Phải năm làn bảy lượt. Thậm chí vài chục hay hàng trăm lượt. Anh quên viẹc giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã 150 lần đến xin gặp Chủ tịch Trường Chinh để sang Pháp nói về việc dịch “Nhật ký trong tù hay sao”. Anh hãy cố gắng lên.
Chuyện giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã 150 lần dùng chiếc xe “bình bịch” (xe Java) đời cũ của Liên Xô để lên gặp Chủ tịch Trường Chinh là chuyện cả khoa ai cũng biết. Vì thế anh Võ Đình Hường rất lấy làm tâm đắc. Vị quân sư thì thầm vào tai anh:
- Nguyễn Lai vốn là một nhà văn. Ông hay xúc động. Vậy anh phải xuất hiện đúng vào cái giờ khắc mà ông xúc động nhất. Đó là quãng 5 giờ sáng và 12 giờ đêm.
Võ Đình Hường băn khoăn:
- Sợ lúc ấy ông đi ngủ rồi.
Người kia cả cười:
- Nguyễn Lai là nhà khoa học, ban ngày phải lo quản lý, ban đêm thường đọc sách và viết rất khuya. Cứ chịu khó “phục” ông, tất có hiệu quả. Phải chộp đúng lúc ông ra ngoài đi tiểu để vào đi ngủ. Chịu khó đợi ông đến được 2 giờ sáng thì càng hay.
Không ngờ Võ Đình Hường đã vận dụng đúng bài”ba mươi sáu chiêu kiên trì,đợi một chiêu lỳ sẽ thắng”. Nghe nói, lần ấy, Nguyễn lai đang viết gấp luận án tién sĩ để gửi sang Đức, ông đã bị chàng thanh niên gầy gò họ Võ quần cho mệt nhoài. Sáng nào, dù trời rét căm căm, Nguyễn Lai vừa tỉnh dậy đã thấy Võ Đình Hường thập thò ngay gần cửa nhà tắm chờ ông. Tối đến, 12 giờ khuya, ông vừa toan tắt đèn ra sân hít thở trước khi đi ngủ thì đã thấy vị thủ thư chờ sẵn bên hè. Vị chủ nhiệm khoa bao nhiêu công việc bộn bề mà có hai khoảnh khắc yên tĩnh nhất lại luôn bị quấy nhiễu. Ông không chịu đựng được. Cuộc đọ sức kéo dài rõng rã mấy tháng. Đuổi Vỗ đi thì không được, mà tiếp thì mất rất nhiều thời gian. Kỷ luật cũng chẳng có cớ gì. Xét ra, ông cũng thấy thương tội. Con người gầy gò trước mặt ông đã tứ tuần mà người gầy như ngọn gió, suốt đời nước lọ cơm niêu, vợ con chẳng có. Khi ông đã mủi lòng Võ tiên sinh liền đưa vào khúc lâm ly. Đúng thật là:
Những câu như khóc như than
Khiến cho chủ nhiệm cũng tan nát lòng.
Rằng nay tiếng ở cùng trường
Nếu mà không giúp còn đường nào đây?
Ái ân thôi có chút này
Đành lòng nhắm mắt ký vầy cho xong.
Dẫu cho kỷ luật là cùng
Mai này hưu cũng thấy không hận gì.
Nguyễn Lai đành ký vào văn bản và thốt lên:
- Thôi thì tớ đành chiếu cố cho nguyện vọng của cậu vậy. Tớ biết rồi sẽ phải nhận kỷ luật.
Nghe đâu cuộc họp chi bộ hay họp Ban chủ nhiệm khoa có người đưa ra ý kiến kỷ luật Nguyễn Lai vì “nhận người thiếu nguyên tắc”. Ông không lấy đó làm buồn mà cười khì khì:
- Cho mình án kỷ luật nào cũng được, mình không ân hận. Nhưng xin nói với các bạn. Nếu các bạn ở vào cương vị mình thì cũng phải ký thôi. Mệt mỏi quá.
Nhưng rồi cũng chẳng ai kỷ luật giáo sư Nguyễn Lai. Suy cho cùng thì chỉ vì ông nhân văn quá, mà ông lại gặp một đối thủ rất đặc biệt. Tẩt cả cười vui. Nguyễn Lai nhẹ nhõm xách va ly bay sang Hum bôn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học.
Nhưng khi ông trở về thì việc đó tưởng như đã đánh được cái dấu chấm than, ai ngờ nó mới chỉ là cái dấu chấm lửng...Võ Đình Hường lại liên tục đến gặp ông. Sau một năm thành cán bộ giảng dạy, anh không biết dạy gì. Bây giờ anh đến xin tiến sĩ chủ nhiệm cho lên lớp. Biết Võ Đình Hường không giảng dạy được, ông an ủi:
- Thôi, làm cán bộ thư viện mà hưởng lương cán bộ giảng dạy cũng tốt. Cần gì giảng dạy đâu.
Đúng là lên lớp thì phải có chuyên môn, phải chuẩn bị công phu chứ đau chuyện bỡn. Võ Đình Hường ớ ra. Anh tỏ ra nản chí liền về bẩm lại cho quân sư tất cả. Nghe xong vị quân sư vốn là nhà sáng tác nên lại tưởng tượng ra một viễn cảnh huy hoàng tương lai, liền mỉm cười phán:
- Không được, phải đấu tới cùng. Không có lý gì lại đem con bỏ chợ như thế. Đã là cán bộ giảng dạy thì phải đòi lên lớp. Dứt khoát phải lên lớp.
Vì đã thắng lần trước, lần nay Võ Đình Hường rất có niềm tin. Anh hỏi:
- Bây giờ làm thế nào?
Vị kia vờ ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
- Người Tây thì căn cứ vào đầu việc mà đi tìm người. Còn Việt Nam ta thì ngược lại, tìm người rồi mới cắt việc. Người tìm được rồi, nay tìm việc phỏng còn khó gì nữa?
Võ Đình Hường nhăn trán. Anh không nghĩ ra. Người kia liền gật gù mà rằng:
- Xem ra ở khoa ta cái phần văn học Lào hiện nay trống vắng lắm. Đúng ra là không có người. Trước đây có tay Trần Hinh cũng mò mẫm đi vào vào mấy năm, sau ngửi thấy văn học Pháp béo bở liền chạy sang đó. Thế là văn học Lào không còn ai nữa. Khoa Văn Tổng hợp mà không có chuyên gia về Văn học Lào khác nào mặt trời lại không có mặt trăng? Vô lý lắm. Sở dĩ cái anh họ Trần kia bỏ chạy chỉ vì anh này to béo quá, chỉ quen đi trong phố thôi. Nghe thấy núi đã vã mồ hôi rồi, đi nghiên cứu văn học Lào sao được? Chọn sang Paris là phải. Còn nghiên cứu văn học Lào thì đòi hỏi một người phải dẻo dai, gầy một chút, nhưng nhanh, cần leo núi là leo ngay được.
Nghe vị quân sư nói thế Võ Đình Hường liền lién láu:
- Đúng như thế, tớ đã từng leo núi rồi.
Vị quân sư vỗ đánh đét vào đùi anh chàng họ Võ, cười lớn:
- Vậy đúng là duyên Trời rồi, tiến hành đi. Cứ theo cách cũ mà làm. Nhưng phải kiên trì hơn, quyết tâm hơn, rồi giáo sư Lai sẽ cảm động. Ông đi nước ngoài nhiều, lắm kinh nghiệm, lại có thế ở trên Bộ. Nhất định ông sẽ xin được một xuất cho anh sang đất nước Triệu Voi.
Thế là Võ đình Hường lại phấn khởi cưỡi chiếc xe Phavơrít liên tục phóng ra phố Nguyễn Du để yết kiến giáo sư Nguyễn Lai. Được “gà” thêm một số bài bản, Võ Đình Hường nói nhiều về vai trò của văn học Lào, về khả năng giao lưu quốc tế giữa khoa Văn và nước bạn. Nghe bùi tai, lại cảm động về hoàn cảnh của con người đã bốn mươi xuân chưa thèm nghĩ tới việc vợ con mà chỉ chú tâm đến văn học Lào. Biết đâu đây lại chả là dịp tốt cho anh học trò của mình phấn đấu vươn lên? Nguyễn Lai tặc lưỡi. Thôi đành:
Đã liều năm bảy cũng liều
Biết đâu rỗi nữa chẳng nhiều chuyện hay
Rằng trăm năm cũng từ đây
Ái ân chỉ có ngần này nữa thôi
Ông lấy bút ký xoẹt một cái. Võ đình Hường được đưa vào danh sách sang học tiếng Lào tại thủ đô Viên chăn.
Cũng may, nhờ cố gắng, sau chuyến du học này, anh về viết được một số bài về văn học dân gian Lào. Rồi từ đó lấy đà mà làm xong cái Thạc sĩ. Về chuyện này anh hãnh diện lắm. Bởi thế, có lần phòng Tổ chức cán bộ gọi anh lên vì thấy anh thiếu sức khoẻ, muốn giải quyết cho về hưu trước vài năm, anh liền phản ứng quyết liệt. Nhìn thẳng vào vị cán bộ chuyên trách, anh nói:
- Cách nghĩ của anh như thế không đúng. Thực ra, ở trường ta, Tiến sĩ thì hiếm hoi gì, nhan nhản như châu chấu, đá bỏ không hết. Còn Thạc sĩ, anh thử đếm xem được mấy người? Hiếm lắm! Thạc sĩ về văn học Lào lại càng hiếm. Tôi về hưu thì liệu có ai thay thế? Hiện nay, tôi là chuyên gia số một của trường, thạm chí của cả nước về văn học Lào.
Lý luận đến thế thì chịu rồi. Vị cán bộ tổ chức đành nhún vai, không dám ký vào bản quyết định. Chuyện về hưu sớm của anh không ai dám nhắc tới nữa.
Nhóm cán bộ trẻ khoa Văn tỏ ra khoái chí về câu chuyện giai thoại nửa hư nửa thực này. Ai củng kể cho nhau nghe. Kể mãi, rồi ai cũng tưởng nhầm mình chính là cái anh thủ phạm, là vị quân sư đã du Võ Đình Hường phiêu lưu vào cuộc đời khoa học như thế. Tiện thể cái việc ấy, anh em mới tán rằng, nay thành cán bộ giảng dạy rồi thì việc lấy vợ xem ra dễ quá. Các vi quân sư trong khoa lại xúm vào bày cho Võ Đình Hường hướng lập công mới: tấn công một nữ hoa khôi của khoa Triết con một vị cán bộ cấp cao.
Vậy là, lòng nhân ái của giáo sư Nguyễn Lai đã đẻ ra được một chuyên gia về văn học Lào thì lại sinh ra một câu chuyện khá rắc rối. Anh Võ Đình Hường tiến hành một cuộc “thánh chiến tình yêu” bằng một sự kiên trì, nhẫn nại vô song. Chắc anh nghĩ, lòng kiên trì cuối cùng sẽ chiến thắng. Chỉ có điều anh không tính được là người có lòng nhân ái như giáo sư Nguyễn Lai cúng không nhiều. Vả lại qui luật của tình yêu thì hoàn toàn khác chứ không giống như quan hệ thầy trò. Anh không thành công. Hơn nữa, nghe đồn, có lần cán bộ phòng Tổ chức gọi anh lên nói rằng người yêu của cô hoa khôi đã kiện anh vì đã cố tình gây phức tạp cho tình duyên của họ. Nhưng lúc đó anh Võ mới giở chiêu đắc thủ ra vặn lại rằng: “ Anh hãy cho tôi xem văn bản nói rằng anh kia là người yêu của cô ấy. Anh dựa vào đâu để nói rằng cô ấy không yêu tôi?”.
Vị cán bộ tổ chức ngớ ra, không biết trả lời sao cho phải lẽ, đành thất vọng lắc đầu.
Có lần đi chấm thi đại học, nhiều người đã hỏi anh Võ Đình Hường về chuyện này, nhưng anh hoàn toàn khẳng định đó là chuyện bịa. Chuyện thực hư thế nào có lẽ chỉ anh Hường mới biết. Nay không nói nữa.
Lại nói về giáo sư Nguyễn Lai. Những giai thoại và những câu đối có tên ông có lẽ cũng nhiều. Tất thảy đều nói rằng, các thế hệ hậu sinh đều rất quí mến người thầy nhân hậu mà giàu tình thương người đó. Từ ngày khoa vắng ông, chẳng ai còn buồn nghĩ ra những giai thoại vui mà động viên nhau làm việc. Không khí của thời kinh tế thị trường đã xoá nhà chất văn của nhiều người đã một thời bay bổng trong những ý tương phiêu diêu.
Sở dĩ chúng tôi lấy câu đối của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn để làm cái tít đề cho Hồi thứ bảy là vì, tổ Ngôn ngữ học trong khoa Ngữ Văn là một tổ bộ môn mà nhân sự thường xuyên có sự thay đổi. Hầu như thời kỳ nào cũng có người ra đi: hoặc đi công tác ở nước ngoài, hoặc thăng quan tiến chức lên trường. Trong nhiều lần họp tổ, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thường băn khoăn về sự xáo trộn nhân sự sẽ gây ra những khó khăn cho việc quản lý chuyên môn và công việc giảng dạy. Cuộc họp bộ môn lần ấy, chờ rất lâu mà vẫn chưa thấy các cán bộ tới, giáo sư Cẩn liền cảm tác ra một vế đối thách đối mọi người. Ông rung đùi đọc:
Thiêm Quất Toàn đi.
Mọi thành viên ai cũng biết, Lê Quang Thiêm mới được điều động lên trường. Với cương vị Hiệu phó ĐHTH HN, ông cùng Ban Giám hiệu đang tìm cách đổi mới cơ cấu tổ chức, thành lập thêm một số khoa và bộ môn trực thuộc. Cũng trong khoảng thời gian trước và sau đó, các cán bộ như Bùi Thanh Quất, Lại Văn toàn cũng được chuyển sang khoa Triết học. Như vậy, ý nghĩa thứ nhất của vế đối trên là thông báo về việc ra đi của một số cán bộ trong tổ. Nhưng, ngoài nội dung đó, “Quất” còn có nghĩa là động từ. Nó hàm chỉ một điều, do tác động của Lê Quang Thiêm. Lại Văn Toàn đã đi tiếp một chặng đường khác và từ giã tổ ngôn ngữ thân yêu, nơi ông gắn bó khá nhiều năm từ sau vụ Chủ nghĩa xét lại ở Liên xô trở về nước. Ông và Bùi Thanh Quất vốn là các sinh viên được đào tạo từ Liên xô. Nhưng thời đó xảy ra cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa xét lại. Các ông bị buộc phải về nước khi mới học hết năm thứ ba đại học. Ngôn ngữ học không phải là chuyên môn chính của các ông. Nay khoa Triết được thành lập, các ông phải sang đó để đúng đất dụng võ. Lại Văn Toàn sau khi rời tổ Ngôn ngữ học, cuối cùng đã chọn Viện thông tin KHXH làm điểm dừng chân cuối cùng. Ông trở thành phó giáo sư, Viện phó Viện này rồi lên làm Viện trưởng. Trước lúc về hưu ông cũng được phong giáo sư.
Như vậy, về đối này có một điểm khó nhất chính là chữ thứ hai. Chữ này tham gia hai cấp độ biểu đạt ý nghĩa: một với tư cách danh từ và một với tư cách động từ.
Tất cả những người có mặt trong bộ môn lúc đó đều chưa có ai tìm ra lời giải thì chợt phía ngoài đã thấy các cán bộ: Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Lai, Nguyễn Văn Tu lục tục kéo đến. Giáo sư Cẩn đủng đỉnh đọc nốt vế thứ hai:
Giáp Lai Tu lại.
Chữ “Lai” quả là đáp ứng được các yêu cầu của vế đối thứ nhất đặt ra: nó được dùng vừa với ý nghĩa danh từ vừa với ý nghĩa động từ. Tổ Ngôn ngữ học tiễn một số người ra đi thì lại đón một số các cán bộ trở về: Nguyễn Thiện Giáp về bộ môn sau khi đã làm xong nhiệm vụ chuyên gia tại Pháp. Nguyễn Lai bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Cộng hoà Dân chủ Đức ( nay gọi là tiến sĩ khoa học) trở lại khoa. Nguyễn Văn Tu cũng hoàn thành nghĩa vị chuyên gia trở về tổ.
Trong khoa Ngữ văn thời đó mới chỉ có 2 tiến sĩ khoa học (sau này có thêm tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, nhưng sau khi về nước một thời gian thì anh chuyển vào công tác tại ĐHTH thành phố Hồ Chí Minh). Một là Nguyễn Hàm Dương. Hai là Nguyễn Lai.
Ít người biết trước khi trở thành giáo sư tiến sĩ khoa học về Ngôn ngữ học, Nguyễn Lai lại là người của văn chương. Ông tốt nghiệp khoa Văn ĐHTH HN năm 1963. Lúc đầu khoa có ý định giữ ông lại làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lý luận văn học vì trước đó ông có thiên hướng sáng tác. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp ông, tôi lờ mờ nhận ra ông là tác giả của một truyện ngắn tôi đã đọc khá lâu rồi. Tôi hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là tác giả của một truyện ngắn đã được tuyển trong sách Tập đọc lớp 4 ( sách dùng cho học sinh vùng Giải phóng miền Nam trước đây) với câu mở đầu là: “ Cạch ! Cạch ! Cạch !...” phải không?
Ông phấn khởi nhìn tôi hỏi tôi đã đọc truyện đó hồi nào. Tôi kể cho ông nghe cái ấn tượng sâu sắc của mình sau khi đọc truyện của ông. Truyện đó co tên là “Bà Tư đá”.
Thực ra, trong suốt thời sinh viên tôi không hề được học giáo sư Nguyễn Lai một giờ nào. Nhưng trong giao tiếp hàng ngày, từ trước chí sau, tôi vẫn gọi ông bằng từ “thầy” như là một quan hệ thầy trò đã có từ lâu.
Nói đến Nguyễn Lai, các thế hệ học trò và các cán bộ hai khoa Văn- Ngữ hiện nay đều giữ lại những ấn tượng sâu sắc nhất, coi ông là một người thầy đôn hậu và “quá tốt” với đồng nghiệp và học sinh. Ông là một người thầy, một nhà khoa học mà chất nhân văn thấm đẫm trong tâm hồn và tính cách. Đến nỗi khi xa ông, có lúc tôi nhớ tới phát buồn. Cảm giác này đã gieo nặng vào lòng tôi từ khi ông quyết định về hẳn Nha Trang trong nhiều tháng. Tôi có cảm giác mình thiếu vắng đi một cái gì sâu lắng từ trong lòng. Đó là vì những năm tháng cuối cùng trước khi ông rời khoa về hưu, tôi thường hay qua lại với ông. Nhất là sau vụ ông bị vi trùng uốn ván xâm nhập cơ thể trên bãi biển Nha trang trở về Bắc. Dạo đó, trong một căn hộ trên tầng 5 của khu tập thể Bắc Thanh Xuân, chỉ có ông và đứa cháu nội sinh sống. Có những đêm vào lúc 12 giờ, cháu gái của ông lại điện thoại cho tôi nhờ sang “cấp cứu” cho ông nội. Những lúc đó tôi chạy sang, ông ở trong tình trạng muốn nghẹt thở và đầu óc quay cuồng. Nhân thời đi nghiên cứu sinh ở Liên xô tôi học được vài chiêu thần học của một giáo sư người Do Thái, trong các thời gian luyện tập tốt, có thể dùng công lực để lấy lại thần khí cho người bệnh. Những giây phút hiểm nghèo đó, tôi đã dùng hết khả năng để khôi phục lại sức khoẻ cho ông. Thế là ông “nghiện” cái món khí đó của tôi. Khi nào nguy cấp ông lại bảo cháu gái ông gọi điện thoại sang nhà. Lúc thi 11 giờ. Lúc 12 giờ. Có khi 2 giờ sáng. Bất cứ lúc nào ông gọi tôi đều có mặt và tôi lấy làm sung sướng khi góp phần kéo ông cách xa dần khỏi căn bệnh nguy nan ấy. Ông nói, mỗi lần tôi cấp khí cho ông, ông thấy người sảng khoái và rất khoẻ. Nhưng lượng khí đó chỉ có tác dụng trong vài ngày. Sau đó ông lại rơi vào tình trạng bi đát. Đó cũng là thời gian ông rất hoang mang. Nhiều đêm, tôi ngồi phân tích kỹ cho ông hàng tiếng về nguyên nhân và dự báo về bệnh. Tôi động viên ông yên tâm và nên kết hợp đi chiếu X quang kiểm tra. Sau khi ông đi chiếu X quang ở Viện 103 về, ông rất phấn khởi gọi tôi sang thông báo: kết quả X quang đúng hoàn toàn như tôi chuẩn đoán. Ông hỏi tôi, vì sao lại có thể doán được như vậy? Tôi nói thật là tôi đã học môn phái này của người Do Thái từ ngày ở Liên xô. Các cụ nhà tôi xưa lại có truyền thống bốc thuốc Đông y nên học mót được đôi điều. Khi cả hai kết quả cùng giống nhau rồi, giáo sư Nguyễn Lai mới hoàn toàn tin ông sẽ vượt qua nỗi lo lắng về ‘cái chết”. Sau đó, cùng với việc uống thuốc Đông-Tây y và sự động viên thường xuyên của tôi, ông khoẻ dần lên.
Tôi còn nhớ, cái lượng “thần khí” mà người Do Thái giúp tôi luyện tập đã có công dụng chữa được mấy người qua cơn bệnh nặng. Đến giáo sư Nguyễn Lai coi như là ca cuối cùng vì sau đó tôi đã ăn thịt chó, rồi thỉnh thoảng nhâm nhi tý rượu với bạn bè văn chương nên tác dụng của nó không còn đáng kể. Trước đó, tôi đã chữa cho một số người khỏi bệnh một cách rất ky lạ như: vợ một anh chủ nhiệm khoa trong trường Đại học Thuỷ Lợi khỏi bị liệt nửa người; cô Park change người Hàn Quốc khỏi bị ngứa chảy nước trên mặt sau khi đi các bệnh viện và uống đủ các loại thuốc mà không khỏi; con bà Ngà ở làng Phượng Phụng Châu Chương Mỹ bị trúng gió độc mặt lệch sang vai không quay lại được; nhà văn Trần Nhương, giám đôc Quỹ văn học Hội nhà văn Việt Nam bị sưng lệch mặt... Những người này hoàn toàn gặp tôi tình cờ, đúng vào lúc tôi đang luyện tập có công hiệu nhất nên đã khỏi bệnh. Bây giờ tôi không còn có những khả năng đó, lượng khí “luyện được” chỉ đủ giữ cho tóc đỡ bạc và bớt lão hoá một phần trên những bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể. Nhưng vốn liếng ít ỏi tôi học được từ châu Âu đã làm cho tình cảm của giáo sư Nguyễn Lai với tôi càng thêm đậm đà trong những năm tháng cuối cùng trước khi ông rời đất Bắc. Dạo đó, ông vừa bị bệnh vừa trong tâm trạng “dùng dẳng nửa ở nửa đi”. Nửa muốn về Nha Trang, quê hương yêu dấu của mình; nửa muốn ở lại sống những năm tháng cuối đời trên mảnh đất Bắc hà, nơi ông đã sống và gắn bó hàng nửa thế kỷ. Đôi lần ông có hỏi ý kiến tôi về chuyện này. Tôi biết, tuy phân vân, nhưng xem ra ông có ý chọn Nha Trang làm nơi về hưu để trọn tình vẹn nghĩa. Thế mới thực là:
Cả đời Lên-Xuống- Vào –Ra
Vẫn chưa thoả mãn biết là làm sao?
Những từ chỉ hướng đâu nào
Chỉ cho ông thẳng lối vào Nha Trang.
Nhiều tối bên ông, chúng tôi trò chuyện khá lâu về y học, về ngôn ngữ học, rồi về văn chương. Tôi càng hiểu và càng thêm quí trọng ông hơn bởi những tình cảm ông dành cho lớp trẻ. Ngay cả khi ông về hưu rồi, ông vẫn thường xuyên hỏi thăm tình hình các cán bộ trẻ mới ở lại với một tấm lòng của người cha. Bởi thế, nhiều học trò ở các thế hệ sau, tuy không được học ông vẫn nghe các dư âm của một thời để lại. Nay tuy ông về sống ở Nha Trang, nhưng nhiều đồng nghiệp còn truyền tụng những việc ông cứu học trò như thế nào. Năm 1994, khi từ nước ngoài trở về, tôi được nghe mấy cán bộ bên ngành Văn kể lại một mẩu chuyện với lòng thán phục sâu sắc. Chuyện kể rằng, có một nữ nghiên cứu sinh, khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở cấp cơ sở bị các phản biện phê phán quyết liệt, nói theo khẩu ngữ là “bị đánh cho tơi bời”. Luận án tưởng đến thế là hết hy vọng. Nhưng rồi, một buổi tối, cô nữ nghiên cứu sinh kia tìm đến nhà giáo sư Nguyễn Lai. Cô khóc nức nở rồi quì xuống chân ông mà rằng:
- Thầy ơi, thầy hãy cứu em, không em đổ luận án mất...
Nguyễn Lai đưa tay đỡ người học trò dậy rồi ân tình:
- Kìa, sao lại làm thế. Em cứ đứng lên đi, rồi sẽ có cách...
Không biết ông dùng cách nào để giúp cô nữ nghiên cứu sinh kia sửa chữa lại luận án, chỉ biết cuối cùng nó đã được đưa ra bảo vệ một cách thành công.
Trước khi thành nhà khoa học, giáo sư Nguyễn Lai đã kinh qua nhiều môi trường công tác. Ra đời đúng vào năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới 15 tuổi ông đã gia nhập tổ chức Việt Minh. Sau đó ông trở thành Đảng viên Đảng cộng sản lúc 17 tuổi. 18 tuổi ông đã đảm nhận chức bí thư chi bộ xã Phú Xuân, Diên Khánh, Khánh Hoà. Qua một năm công tác ở địa phương, ông được cử đi học trung học rồi được điều lên huyện làm công tác tuyên huấn. Năm 1954, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tuyên huấn Đoàn cải cách tỉnh Thái Bình và khu Hồng Quảng. Từ 1957 đến 1959, ông tiếp tục công tác Tuyên huấn tại Phú Thọ , sau đó về học tại khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội khoá 1959-1963.
Đúng vào năm ông tốt nghiệp, Trường ĐHTH HN có chủ trương nâng thời gian học đại học từ 3 năm lên thành 4 năm. Trong đó, năm thứ tư có chuyên ngành ngôn ngữ. Nguyễn Lai là một số cán bộ mới được giữ lại trường có nguyện vọng đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực này. Ông học tiếp một năm chuyên ngành rồi từ đó chính thức dấn thân vào cái ngành khoa học mới mẻ nhưng nưổi tiếng là khô khan và khó để rồi gắn bó với nó suốt cả cuộc đời.
Trong khoa Ngữ văn, Nguyễn Lai là một vị lão thành cách mạng. Ông cũng là một trong những đảng viên có thâm niên tuổi Đảng cao nhất Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội sau này. Tuy vậy, chưa một ai nhận thấy ông có tư tưởng công thần, ỷ vào thâm niên công tác để hống hách, quát nạt quần chúng. Trái lại, đối với đồng nghiệp và sinh viên, bao giờ ông cũng sống cởi mở, chân tình được tất thảy mọi người quí mến. Đó chính là một phần thưởng cao nhất đối với cuộc đời ông.
Vì tham gia hoạt động cách mạng ngay từ những buổi đầu tiên dựng nước trong nền Dân chủ Cộng hoà nên Nguyễn Lai không có may mắn là được học tập liên tục dưới mái trường. Mãi tới năm 33 tuổi ông mới tốt nghiệp đại học. Ở cái tuổi ấy,nhiều cán bộ trong khoa nếu không thành danh thì cũng xác định được chỗ đứng khá vững vàng. Nguyễn Tài Cẩn chỉ hơn ông 4,5 tuổi lúc đó đã là phó tiến sĩ, chủ nhiệm bộ môn, danh tiếng lẫy lừng. Hoàng Trọng Phiến, Bùi Duy Tân, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức...cùng thuộc trang lứa, thậm chí thua kém ông vài tuổi đều đã là cán bộ giảng dạy đến 4 năm, tên tuổi cũng được nhiều người biết đến. Còn Nguyễn Lai, lúc đó, trước lâu đài khoa học, mới chỉ như “chú nai vàng ngơ ngác giữa mùa thu”. Tất cả với ông hoàn toàn mới mẻ. Biết đi đâu? Về đâu? Đó là câu hỏi khiến ông luôn trăn trở.
Sau khi công tác tại khoa 7 năm, ông may mắn được cử đi làm chuyên gia dạy tiếng tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Đây là một cơ hội đặc biệt đối với ông. Nhờ chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm trong giảng dạy, ông đã xác định được hướng đi chuyên môn lâu dài cho bản thân mình. Dốc lòng vào nghiên cứu một nhóm từ loại là động từ chỉ hướng, vừa giảng dạy, ông vừa làm nghiên cứu sinh. Mãn hạn công tác, ông hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên gia đồng thời bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại trường đại học Hum bôn, một trường đại học có danh tiếng trên thế giới với đề tài “Verbe der Richtung in der Vietnamesischen Sprache” ( Động từ chỉ hướng tiếng Việt).
Trở về nước, ông tham gia vào Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, làm phó chủ nhiệm khoa rồi chủ nhiệm khoa (1979-1986). Đây là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn. Miền Nam mới giải phóng, cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp còn chưa được xoá bỏ. Kinh tế quốc gia khủng hoảng trầm trọng. Nhưng ông đã cùng Đảng uỷ và Ban Chủ nhiệm khoa vững lái con thuyền đưa toàn khoa vượt qua những bước thử thách ngặt nghèo. Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn được duy trì và phát triển. Mặc dù, ngoài xã hội nảy sinh rất nhiều tiêu cực, nhưng môi trường khoa Văn vẫn là môi trường lành mạnh trong dạy và học. Sinh viên vẫn nề nếp, hăng say với lý tưởng, với chuyên môn. Đó chính là vì, trong khoa có những bậc thầy làm những tấm gương. trong đó ông là một người thầy gương mẫu trong trí tiến thủ và tinh thần “tiến công cách mạng” vào khoa học kỹ thuật. Vừa đảm nhiệm các nhiệm vụ công tác lãnh đạo Khoa, vừa tham gia Đảng uỷ Trường và Hội đồng khoa học, Nguyễn Lai vẫn dành thời gian tâm huyết nhất đào sâu vào lĩnh vực ngữ nghĩa. Ông vận dụng những nguyên lý cơ bản của triết học Mác vào nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc và ý nghĩa của các từ chỉ hướng vận động tiếng Việt và phát triển những tư tưởng được hình thành từ luận án phó tiến sĩ của mình. Lại thêm một chu kỳ đúng 7 năm kể từ khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ( 1976-1983), ông hoàn thành tiếp luận án tiến sĩ ngôn ngữ học (nay là Tiến sĩ khoa học). Ông gửi bản thảo sang nước bạn để chờ ngày sang bảo vệ. Ông vắng mặt một năm ngay trong nhiệm kỳ chủ nhiệm khoa và bảo vệ xong luận án tiến sĩ năm 1984.
Khi tôi mới ở lại làm cán bộ giảng dạy trong tổ bộ môn Ngôn ngữ học, tôi được biết có một số cán bộ trong tổ có ý không coi trọng khả năng chuyên môn của ông. Nỗi ám ảnh về một Nguyễn Lai có quá khứ làm cán bộ tuyên huấn đã dai dẳng ăn sâu vào tư duy của không ít người. Tôi tin Nguyễn Lai cũng nhận ra điều đó. Nhưng ông không nản chí. Ông vẫn kiên trì theo đuổi những ý tưởng riêng mà ông cho là đúng đắn. Và cuối cùng, ông đã tự khẳng định được bằng chính năng lực của mình. Việc ông bảo vệ thành công hai luận án khoa học trong vòng 7 năm, đặc biệt luận án tiến sĩ khoa học là loại án rất khó, đã chứng minh hùng hồn một khả năng chuyên môn tiềm tàng trong con người ông. Như đã nói, vì ông đã bỏ ra nhiều năm tháng tuổi trẻ hoạt động cách mạng nên nó chưa có dịp phát lộ. Nay trong điều kiện mới, vẫn không thuận lợi như nhiều cán bộ lớp sau này được học hành liên tục một mạch và chuyên tâm, ông phải vừa làm luận án vừa tham gia nhiều mảng công tác mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không có lý gì để người đời không phục.
Tuy nhiên, phải nói thành thực, trong nhưng năm tháng ấy, cũng có một số người “khẩu phục mà tâm còn hoài nghi” đối với ông. Điều này có nhiều nguyên nhân. Một mặt, do tuyên truyền hay kích bác của một vài ai đó. Mặt khác, tuy đã đạt được một học vị cao nhất trong khoa nhưng ông lại chưa có công trình mà chỉ có một số bài báo khoa học đăng trong tạp chí. Mà ở đại học, nói gì thì nói, dù bằng cấp hay học vị cao đến đâu, nhưng công trình không có thì tiếng nói cũng chẳng có trọng lượng. Công trình chính là thước đo lao động, là tầm rộng của tri thức và phương pháp. Người ít tri thức, triển khai một công trình đã vất vả. Nếu triển khai thêm một vài công trình là cả một vấn đề không phải dễ gì thực hiện được.
Nguyễn Lai nhận rõ điều đó nên sau khi đã bảo vệ thành công các luận án, ông thực sự đầu tư trí tuệ vào việc triển khai những kết quả nghiên cứu đã có trong các luận án này thành các công trình khoa học chuyên sâu với tư cách là các chuyên luận. Mặ khác ông mở rộng hướng quan tâm nghiên cứu tới mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn chương là một trong những khu vực tâm đắc nhất và cũng là duyên nợ với cuộc đời ông.
Nhiều năm làm việc và công tác tại Cộng hoà Dân chủ Đức, Nguyễn Lai đã tiếp thu được mặt rất tích cực trong tư duy của người Đức đó là khả năng khái quát, tổng kết các qui luật. Dân tộc Đức nổi tiếng là dân tộc có trình độ tư duy triết học. Một sự ngẫu nhiên của số phận đã đưa đến cho Nguyễn Lai lợi thế này. Nó cũng làm cho các công trình nghiên cứu của ông có những nét riêng khác hẳn các công trình của người khác trong ngành. Một mặt nó có tính trừu tượng cao, đôi khi hơi rối, nhưng mặt khác nó có chiều sâu và sức gợi dẫn rất cao. Nói cách khác, nhiều vấn đề lý thú, ông luôn gợi ra theo hướng mở nhằm phát huy tính năng động của người đọc hơn là đưa ra một kết luận theo ý chủ quan của mình. Chính vì cái tính triết học thấm đẫm trong những trang viết của ông, nên sách ông mới đọc không dễ. Phải đọc đi đọc lại mới thấy hết được cái tầm suy nghĩ của ông. Nhiều học viên cao học cũng tâm sự với tôi, mới nghe ông giảng thì khó, đôi khi hơi nản. Nhưng nghe vài buổi thì thấy thích dần. Rồi thấy hay. Tiếp xúc nhiều với ông sẽ thấy rõ tư duy ông rất năng động. Đó là điều giải thích vì sao, tính về xuất phát điểm trong khoa học, ông xuất hiện muộn hơn nhiều người khác. Nhưng trong nhiều phương diện ông lại về đích sớm hơn.
Có thể nói, chỉ sau một thời gian không lâu, nỗi ám ảnh về một Nguyễn Lai tuyên huấn ngày xưa thực sự đã bị quên lãng. Trước mắt mọi người bây giờ là nhà khoa học Nguyễn Lai có đủ tầm vóc thực thụ với cương vị của một “chưởng lão” trong ngành. Nhiều vấn đề chuyên môn người ta phải xin ý kiến của ông. Ông không chỉ là thành viên của Hội đồng khoa học mà còn là Chủ tịch nhiều Hội đồng quan trọng của ngành. Ngoài ra ông còn tham gia nhiều tổ chức Quốc tế như: GAL( Hội ngôn ngữ học ứng dụng- Cộng hoà Liên bang Đức), PALA ( Hội thi pháp và ngôn ngữ - Anh). Ông cũng là người được công nhận danh hiệu OUTSTANDING PEOPLE OF THE 20 th CENTURY do International Biographical Center Cambridge công bố. Hiện nay ông trở thành một chuyên gia số một về nghiên cứu từ chỉ hướng vận động tiếng Việt với công trình dày dặn khảo sát kỹ lưỡng toàn bộ chức năng, ngữ nghĩa và hoạt động của loại từ này. Đọc công trình của ông, người ta còn thấy được quá trình hư hoá ý nghĩa và chuyển đổi từ loại của nhiều đơn vị từ vựng tiếng Việt trong tiến trình phát triển lịch sử. Ngoài ra ông còn cho công bố những công trình có liên quan đến ngôn ngữ và văn chương, ngôn ngữ và tư duy như “Ngôn ngữ và sáng tạo văn học” (Nxb KHXH 1991), “Ngôn ngữ và tư duy” (Nxb KHXH 1991). Ông cũng là tác giả của “ Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương” (Nxb ĐHQG HN 1997, Tb 1999). Đây cũng là những công trình quan trọng phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu sinh ở trường đại học. Gần đây ông lại cho xuất bản công trình “Tiếng Việt và nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh” ( Nxb ĐHQG HN 2003), một công trình thể hiện nhiều cái mới trong tư duy nghiên cứu và khả năng phát hiện các vấn đề mà các công trình trước đây chưa đạt được.
So với các đồng nghiệp, giáo sư Nguyễn Lai không chỉ hơn hẳn về thâm niên công tác, về thời gian hoạt động cách mạng mà còn là một trong số các nhà khoa học có số lượng công trình nghiên cứu vào bậc đáng nể. Ngoài việc cho ra đời một số sách giáo trình, chuyên luận, ông còn công bố gần 40 bài nghiên cứu trên các báo và tạp chí, trong đó có 15 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành (tạp chí ngôn ngữ). Nhiều bài của ông đã có mặt trong các tạp chí nước ngoài hoặc trong các Hội nghị khoa học quốc tế tại các nước: Thái lan, Hà Lan, Otxtrâya, Phần Lan, Anh quốc.
Trong cuộc sống, giáo sư Nguyễn Lai rất chan hoà. Lúc nói chuyện, ông thường cố gắng thể hiện tính bình đẳng trong vai giao tiếp chứ không bao giờ bộc lộ mình là kẻ bề trên. Bởi vậy nói chuyện với ông bao giờ cũng thoải mái. Những lúc hứng thú, ông thường có những câu đùa ý nhị, mang tính hình tượng văn chương. Tuy nhiên ông có một đặc điểm là giữ lại chất giọng địa phương khá đậm, nên đôi lúc khó nghe. Để bù lại, ông thường sử dụng các hành động phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ ánh mắt để hỗ trợ thêm cho việc truyền tải thông tin. Mỗi khi ông giảng bài thì người nghe không chỉ thấy miệng ông nói mà cả chân tay, ánh mắt...tất cả đều nói. Nói bằng sự cuồng nhiệt tưởng như không bao giờ vơi cạn. Hai tay ông cuộn lên, rút rút như bác dân chài đang kéo lưới. Có lúc miệng ông hơi méo đi như toàn bộ những tư tưởng từ trong đang tuôn ra ào ạt làm nghiêng cả hai hàm răng. Cảm nhận sự nhiệt huyết vô tận này của ông, học sinh các thế hệ sau mới đặt câu ca:
Dù thầy Lai kéo lưới.
Dù thầy Tu vặn thừng.
Thì thầy Vương vẫn không đủ tiền lấy vợ.
Thầy Vương là một cán bộ trẻ vinh hạnh được sóng tên cùng các thầy bậc tiến bối cũng là phận may do tình cờ. Thuở đó, đất nước chưa thoát ra khỏi tình trang quan liêu bao cấp, bởi vậy nên kinh tế lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Một lớp cán bộ trẻ mới ra trường, lương còn thấp luôn phải đứng trước một thử thách rất lớn trong cuộc sống. Vì thầy Vương vốn ham về triết học nên thỉnh thoảng trong bài giảng anh lại đá vài câu luận bàn văn chương ở cấp vĩ mô. Những giờ giải lao, mấy anh sinh viên thuộc nhóm bộ đội phục viên hay xuất ngũ, cỡ tuổi thầy Vương, thường mời anh ra quán nước ( thời ấy, đó là cái mốt). Thầy trò chén chú chén anh, xả láng chiêu đãi nhau, thuốc bao thuốc cuộn, chuyện đời chuyện văn. Hứng lên, trò vỗ đùi thầy mà rằng:
- Sao thầy không lấy vợ đi. Sống đọc thân làm gì cho khổ.
Trần Ngọc Vương không có gì phải giữ ý, liền thật thà:
- Vấn đề này nan giải lắm. Lương bổng bây giờ, nuôi thân chưa đủ, tính chi đến việc lấy vợ.
Chớp lấy cái ý ấy, sau này mấy anh văn chương thơ phú mới vận vào cái đoạn văn nửa thơ, nửa nhạc vừa nói trên.
Hình như có lần tôi cũng đọc câu này cho giáo sư Nguyễn Lai, ông chỉ cười. Nụ cười đáng yêu và hồn hậu lắm. Ông là một tâm hồn đằm thắm văn chương, nghe những câu đại loại như thế ông rất thích thú. Cũng có nhiều người tưởng nhầm là khi ông thành giáo sư, tiến sĩ khoa học của ngành ngôn ngữ thì ông đã đoạn tuyệt hoàn toàn với văn học, với sáng tác. Nhưng không phải. Văn chương với ông như một thứ duyên nợ. Nó đeo bám vào ông làm thành nỗi trăn trở suốt đời. Bởi thế, sau khi đã hoàn tất việc nghiên cứu nhóm từ chỉ hướng rồi, ông quay sang đào khoét xuống vỉa tầng sâu thẳm của ngôn ngữ văn học. Ông rất tâm đắc với F.d. Saussure trong cái phần luận bàn về hệ thống tín hiệu của ngôn ngữ. Từ cấp độ triết học, ông cố gắng lý giải con đường chuyển hoá các tín hiệu ngôn ngữ thành các mã hình tượng trong văn chương. Nói chuyện với ông về vấn đề này, ông có thể nói cả ngày mà không chán.
Sự yêu thích văn chương làm cho Nguyễn Lai không từ bỏ cảm hứng sáng tác. Trong thời gian ông đi dạy tiếng Việt kết hợp với việc bảo vệ luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ tại Cộng hoà Dân chủ Đức, ông đã sáng tác 3 truyện ngắn và được dịch sang tiếng Đức. Cho đến nay, ngoài các công trình, bài báo nghiên cứu về ngôn ngữ ông đã cho xuất bản 2 Truyện dài “Bên kia sông”, “Con trâu lạ” và 1 tập Truyện ngắn dành cho thiếu niên “ Cuộc truy tìm tên trung uý phi công”. Có 6 truyện của ông được dịch sang tiếng Đức và Liên xô cũ. Dù trở thành nhà ngôn ngữ học thực thụ, là chuyên gia hàng đầu về từ chỉ hướng với cấu nói đùa “tiến sĩ ra, vào, lên, xuống”, ông vẫn như còn lưu luyến cái chuyện của làng văn.
Thế mới rõ thực là:
Xa rồi mà vẫn thấy thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Trót đa mang phải đèo bòng
Đã qua ngôn ngữ lại vòng về văn
Cuộc đời lắm nỗi quẩn quanh
Lên thì rất chậm, xuống nhanh là thường
Vào thì chẳng thấy chán chường
Ra thì như kẻ lạc đường bờ phơ(*)
Giáo sư Nguyễn Lai rất yêu đất Bắc, nhưng lòng ông thấm nặng tình quê hương. Trở về Nam, ông vẫn tiếp tục hướng ra Hà Nội và hoàn thành công trình nghiên cứu công phu về ngôn ngữ Hồ Chí Minh. Ông muốn trở lại làm nhà văn, viết đôi cuốn tiểu thuyết hoặc hồi ký về cuộc đời mình. Nhưng có lẽ không kịp. Tuổi ông đã cao. Dù cảm hứng và lòng nhiệt huyết có bừng cháy đến đâu thì sức khoẻ vẫn là cái cẩm nang quyết định. 76 tuổi, ông vẫn tham gia chấm luận án tiến sĩ cấp cơ cở và cấp Nhà nước cho một số trường và một số Viện ở phía Nam. Xã hội giờ đây có nhiều biến đổi. Ông là một cựu đảng viên từ ngày mới lập nước, kể như cũng có nhiều nỗi buồn và nỗi niềm tâm sự. Chuyện đó thật dài, viết ra hàng ngàn trang mới hết. Nay luận về cuộc đời ông, thực đáng xếp vào “bậc anh hùng”. Bởi thế đời sau mới có bài thơ viết về ông:
Ra- Vào rồi lại Xuống- Lên(**)
Nhờ từ chỉ hướng mà nên anh hùng.
Ngẫm đời lắm chuyện mông lung.
Tuổi già thôi chọn điểm dừng: Nha Trang.
Powered by Froala Editor