Viện phương đông

3 năm trước

Giáo sư Đinh Gia Khánh

Phẩm chất tư duy của giáo sư Đinh Gia Khánh mang đậm tính bác học. Bài giảng của ông không bao giờ chỉ dừng trong khuôn khổ giáo trình mà luôn luôn biến hoá, mở rộng ra các vấn đề xã hội. Cho nên học cổ tích với ông, không chỉ là cổ tích mà còn là hiện đại

Powered by Froala Editor

Hồi thứ sáu:

Chữ thiên hạ ba bồ, người ung dung lấy một

Văn thế gian năm ngả, ai giỏi toán nhất khoa?

(Trích từ “Văn khoa chân dung ký, Nxb Hội Nhà văn)


"Chữ thiên hạ ba bồ, người ung dung lấy một Văn thế gian năm ngả, ai giỏi toán nhất khoa?" - là câu đố pha chút đối nhằm ca ngợi hai vị giáo sư tài ba của ngành Văn học dân gian Việt Nam và ngành Ngôn ngữ học. Người được đưa vào câu đố này chính là giáo sư Đinh Gia Khánh và giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Dân.

        

I. Giáo sư Đinh Gia Khánh

Người có phong cách vô cùng độc đáo.

 

          Thời tôi học đại học, có một người thầy làm tôi nhớ mãi về phong cách độc đáo trong giảng dạy. Chẳng những độc đáo trong phong cách, ông còn là người rất uyên thâm. Nghe ông dạy, sinh viên cứ há hốc mồm ra nghe. Hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác. Đó là giáo sư Đinh Gia Khánh. Các thế hệ sau này, cũng có người nhầm với Phó giáo sư Vũ Ngọc Khánh, cũng là một giáo sư nghiên cứu về văn học dân gian và văn hoá học.

          Bài giảng đầu tiên ông làm tôi choáng ngợp nhất là khi ông giảng về Tấm Cám. Khi bình luận về văn chương, chữ nghĩa của thiên hạ ông hay nhắc tới giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Ông rất phục Nguyễn Tài Cẩn ở cái sự sâu sắc và phương pháp luận. Rồi rất hồn nhiên, ông bảo:

          - Chữ trong thiên hạ có ba bồ thì anh Cẩn lấy một. Tôi một. Còn một của thiên hạ.

          Nhiều người trố mắt. Thậm chí hơi kinh hoàng. Không phải ông nói vui theo kiểu hài hước. Ông cũng không tỏ ra tự phụ hay kênh kiệu. Câu ông nói thoát ra như hơi thở, như khi trời, tự nhiên và mát như suối nguồn. Thế mới lạ!

          Chỉ sau nhiều năm tháng sau này, tôi mới hiểu đó là phương pháp của ông. Dường như ông muốn khích lệ cái trí tiến thủ của sinh viên theo kiểu riêng của mình. Nhưng lúc mới nghe, tôi và nhiều bạn bè rất lấy làm lạ. Thuở học phổ thông, chúng tôi được nhồi nhét thứ đạo đức khiêm nhường và luôn phải ý thức thường nhật chống thói kiêu căng tự phụ.  Cách nói của giáo sư Đinh Gia Khánh làm chuyển hẳn hướng tư duy của chúng tôi. Hoá ra hiểu cho thật đúng, thật sâu những chữ nghĩa đó không phải dễ.

          Phẩm chất tư duy của giáo sư Đinh Gia Khánh mang đậm tính bác học. Bài giảng của ông không bao giờ chỉ dừng trong khuôn khổ giáo trình mà luôn luôn biến hoá, mở rộng ra các vấn đề xã hội. Cho nên học cổ tích với ông, không chỉ là cổ tích mà còn là hiện đại. Học thần thoại với ông không chỉ là chuyện hoang đường mà còn là cuộc đời, là ước mơ khám phá thế giới… Tuy khi mới tiếp xúc, giọng ông rất khó nghe. Ông nói nhanh, tới mức hơi láu táu. Đôi khi lại có vẻ hơi cà lắp một chút… Nhưng tinh ý thì thấy, sự cà lắp trong cách nói của ông không phải thứ "bệnh" theo thói quen mà nó là một thủ pháp. Ngay từ thuở ấy, tôi thấy ông giảng chẳng bao giờ đọc giáo trình. Ông cứ nói một thôi, một hồi. Nghe đến đâu, ghi đến đâu thì tuỳ… Ông bảo, đó là phương pháp của đại học. Tất nhiên phương pháp này tỏ ra rất hiệu quả với những ai đã từng có dịp tiếp cận với các thầy đại học hoặc tỏ ra nhạy bén trong tư duy. Bởi, văn học dân gian chính là cái cua học đầu tiên của hệ thống giáo trình văn học ở bậc đại học. Nó thực sự là một bước chuyển quan trọng về phương pháp luận cũng cách thức tiếp cận tri thức khoa học của mỗi cá nhân. Thời học phổ thông, ai cũng quen với cách đọc cho chép chính tả, rồi về nhà học thuộc lòng để sau đó trả bài. Bây giờ phải vừa nghe vừa ghi. Một lúc huy dộng cả mấy giác quan cùng hoạt động: tai nghe, mắt nhìn, tay viết. Anh nào không phối hợp nhịp nhàng được giữa các động tác sẽ không tránh khỏi lúng túng. Đó là chưa nói, sau mỗi cua giảng của các thầy còn phải tìm ra những kiểu phong cách riêng trong nghiên cứu. Sinh viên đại học không phải là học sinh cấp 4. Đó là bậc học khác hẳn về chất trong rèn luyện tư duy khoa học cũng như phương pháp nghiên cứu. Muốn phát triển được phải hiểu được những điều gợi mở của các thầy.

          Chỉ sau phần học của giáo sư Đinh Gia Khánh, mỗi chúng tôi đều thấy lớn hơn nhiều. Ông đã đem đến cho chúng tôi một phong cách giảng dạy riêng, một cảm hứng đam mê riêng về nghề nghiệp. Chính phần dạy của ông đã tạo cho tôi cảm hứng đặc biệt để sau này trước khi đi Liên xô, tôi viết một kịch bản phóng tác từ 3 tác phẩm văn học dân gian với nội dung hiện đại khá sâu sắc. Khi nghe tôi đọc vở này cho một Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát nghe, đạo diễn Đoàn Anh Thắng hứng thú kết luận: "Tôi vốn là một đạo diễn rất kiêu, chưa từng thèm nghe tác giả nào đọc kịch bản trước khi dàn dựng. Nhưng sau khi nghe HĐ đọc vở "Nữ tướng rừng xanh" tôi thực sự bị cuốn hút. Tôi rất yêu vở kịch này". Hôm đó có cả nghệ sĩ Tiến Thọ ( nay là thứ trưởng Bộ Văn hoá) và nghệ sĩ Xuân Yến ( nay là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội)   và nhà thơ, hoạ sĩ Lê Huy Quang( sau là Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam) cùng dự. Lê Huy Quang cũng là người từng làm hoạ sĩ cho vở kịch nói " Vì tôi yêu" của tôi do Xuân Huyền làm đạo diễn. Hội đồng nghệ thuật đã phân công Xuân Yến chuyển thể để Đoàn Anh Thắng  dàn dựng cho nhà hát Tuồng Việt Nam. Thế nhưng vở kịch có số phận không may. Ngay sau đó, tôi có giấy gọi đi nghiên cứu sinh tại Liên xô (cũ). Thế là việc dàn dựng tác phẩm đành bỏ dở. Khi tôi về nước thì, đạo diễn Đoàn Anh Thắng cũng qua đời do mắc một căn bệnh hiểm nghèo,  kịch bản cũ của tôi cũng bị mất do nhiều lần chuyển nhà. Tôi không có thời gian  viết lại mà cũng không nghĩ đến việc khôi phục để dàn dựng nó nữa. Mỗi lần gặp Tiến Thọ hay Xuân Yến, chúng tôi chỉ còn nhắc lại như một kỷ niệm xa xôi.

          Lại nói đến giáo sư Đinh Gia Khánh. Ông quả là người đã từng tạo ra được nhiều giai thoại rất hay. Thành thử, có những chuyện thật hoàn toàn mà người nghe lại cứ tưởng là giai thoại. Chuyện là giai thoại người nghe lại cứ tưởng là chuyện thật. Thỉnh thoảng, trong các mùa chấm thi đại học, anh em cán bộ khoa Ngữ Văn thường vẫn nhắc lại những mẩu chuyện vui về ông. Nghe nói, thời bao cấp, mỗi lần có việc gì phải họp tổ là ông sốt ruột lắm. Ông rất tiếc thời gian. Thành thử, cuộc họp nào ông cũng làm rất nhanh  Một lần, khi bình bầu chiến sĩ thi đua, thấy mọi người cứ đo đắn không chịu phát biểu, ông đứng lên nói ngay: "Về chiến sĩ thi đua, tổ này, tôi số một. Có chăng, Bùi Duy Tân. Hết!".

          Thực ra ông là thầy của bậc thầy. Lại là người lao động liên tục không biết mệt mỏi. Việc ông là chiến sĩ thi đua thì quá xứng đáng rồi.Thế nhưng, mấy ai đã dám nói thẳng thắn như ông? Với ông, cứ chiếu theo tiêu chuẩn mà làm, việc gì phải khiêm tốn? Cũng chẳng cần gì phải họp bàn nhiều cho mất thì giờ! Đó là một tư tưởng rất công nghiệp. So với tư duy thời ấy, thì đó quả là một tư tưởng rất cấp tiến.

          Lúc mới nghe ông nói những chuyện đại loại như thế, rất dễ nghĩ là ông kiêu căng. Nhưng không phải, ông là người sống thật lòng. Nghĩ sao nói vậy. Trừ một vài bậc tiền bối là bạn bè hay bậc đàn em, còn tuyệt đại đa số cán bộ trong khoa từ khoá I đều là học trò của ông cả. Trong tình cảm của người nhiều người, ông vừa là thầy vừa như là một người cha.

          Giáo sư Đinh Gia Khánh sinh ra ở Thái Bình, nhưng quê gốc của ông lại thuộc Gia Viễn, Ninh Bình. Năm ông 21 tuổi, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã tham gia dạy học. Từ năm 1945 đến 1956 ông đã lần lượt dạy ở các trường nổi tiếng như : Trường Chu Văn An ( Hà Nội), Hàn Thuyên ( Bắc Ninh), trương Sư phạm ( Khu học xá Trung Quốc). Từ năm 1956, sau khi thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về giảng dạy tại khoa Ngữ Văn. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông thăng hoa mạnh mẽ. Trong vòng gần nửa thế kỷ, ông đã đóng góp cho sự nghiệp đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực quan trọng. Ngoài việc viết hàng trăm bài báo khoa học đăng trên các báo, tạp chí trong nước và nước ngoài, ông còn là tác giả hay đồng soạn giả của hơn hai chục công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Văn học dân gian, văn học cổ trung đại văn hoá dân gian, từ điển, địa chí, thần thoại Trung Quốc…Trong đó có nhiều công trình có tầm cỡ và ý nghĩa to lớn như : Văn  học dân gian Việt Nam ( 2 tập, chủ biên), Lịch sử văn học Việt Nam ( 1980), Tổng tập Văn học Việt Nam ( 42 tập, chủ tịch Hội đồng biên tập)…

          Dáng người cao, hơi gầy, nhưng sức làm việc của giáo sư Đinh Gia Khánh có thể nói là vô cùng dẻo dai, thậm chí tới mức phi thường. Bởi vì, từ sau năm 1980, ngoài việc vẫn tham gia công tác giảng dạy ở khoa, ông còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong quản lý hành chính và văn nghệ như: Tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Uỷ viên tư vấn về nghiên cứu các nền văn hoá Đông Nam Á của UNESCO ( Advisory  Committee fo the Study of South East Asian cultures UNESCO ), Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá dân gian, Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian, Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thế những suốt cả thời gian ông làm quản lý, không lúc nào ông ngừng xuất hiện trên sách vở với cương vị là một nhà nghiên cứu khoa học. Sách vở ông vẫn ra thường xuyên, đều đặn với khả năng "bao sân" rất rộng mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng nào cũng mơ tới được. Cuộc đời ông quả là một tấm gương lao động không biết mệt mỏi, là sự phấn đấu không ngừng để vươn lên. Tuy nhiên, dù bận bịu rất nhiều việc, ông vẫn chăm lo công tác bồi dưỡng cán bộ kế tiếp. Con người ông là sự kết hợp giữa nguyên tắc và tình cảm một cách hài hoà. Cho nên, với lớp người sau, ông bao giờ cũng tìm cách giúp đỡ, khen ngợi nhưng không quên nhắc nhở sự cảnh tỉnh. Tôi còn nhớ, dạo ông dạy chúng tôi về văn học dân gian, ông rất hay khen một môn đệ là Lê Chí Quế. Ông nói rất nhanh, ai đãng đi một chút là khó mà nghe được:" Quế khá. Thông minh. Ít năm nữa là có thể bằng tôi bây giờ!" Cả lớp lúc đó còn đang hình dung xem nhà giáo Lê Chí Quế là ai thì ông đột ngột hạ xuông: " Nhưng có lẽ lúc đó, tôi đã đi tận đâu rồi".

          Sau này quả là nhà giáo Lê Chí Quế được phong giáo sư. Nhưng điều ông nói trên lớp năm ấy vẫn hoàn toàn đúng. Lúc nhà giáo Lê Chí Quế được phong giáo sư thì sự nghiệp của giáo sư Đinh Gia Khánh đã đi một quãng rất xa rồi.

          Những câu chuyện vui quanh cuộc đời của giáo sư Đinh Gia Khánh có rất nhiều, nhưng câu chuyện về sự đam mê khao học của ông do con gái yêu của giáo sư là TS. Đinh Thị Hằng kể lại vẫn làm tôi ấn tượng nhất. Hằng nói, năm đó Hằng còn nhỏ, mới học cấp I nhưng cũng đủ trí nhớ để khắc ghi những kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Hằng là năm đó đúng mồng một Tết, giáo sư Đinh Gia Khánh cũng cả nhà về nhà cha mẹ ở phố Sinh từ để chúc phúc đầu năm. Khi đi qua gần khu vực ga bỗng xe đạp của giáo sư trục trặc, ông phải dừng để mắc lại xích hay làm gì đó. Thế là mẹ Hằng bèn chở hai chị em đi trước. Cứ nghĩ là giáo sư chỉ đến sau một lát nên cả nhà dọn mâm rồi vẫn ngồi đợi ông. Nhưng rồi, nửa tiếng, một tiếng trôi qua. Rồi hai tiếng. Nhà đi ăn trước và phần ông. Quá trưa cũng không thấy ông trở về. Rồi sang chiều…vẫn chẳng thấy bóng ông đâu cả. Cha mẹ có ý trách đang về chúc tết bố mẹ mà lại tạt vào nhà ai say sưa không biết giờ giấc trở về. Tuy mẹ Hằng rất lo, nhưng để làm yên lòng cha mẹ và các con, bà vẫn nói cứng là có thể ông gặp một bạn bè đột xuất nào đó. Nhưng cho đến bữa cơm tối, vẫn không thấy ông đâu. Lúc đó cả nhà mới hoảng hồn chia nhau đi tìm. Lần theo các phố mà khi sáng họ đã đi qua, chẳng thấy có một vụ tai nạn nào! Ghé vào bệnh viện, cũng chẳng có một bệnh nhân nào cấp cứu…. Nỗi lo thực sự ùa đến với gia đình.

          Nhưng cuối cùng mọi sự của ngày đầu niên được kết thúc bằng sự hỉ hả. Gần 10 giờ đêm, giáo sư trở về. Mặt mày hốc hác vì đói và mệt mỏi. Thì ra, khi dắt xe qua Quốc Tử Giám, ông chợt nhìn thấy những tấm bia. Ông lẩn mẩn đọc và "máu" nghiên cứu nổi lên, ông bắt đầu đi kiếm giấy bản, chuối chín về in lại những bài văn bia mà ông yêu thích. Những câu chữ trong văn bia là các hiện tượng văn học, văn hoá làm ông mê hồn, quên hết cả thời gian….Đến khi xong việc thì cũng đã kết thúc ngày đầu năm thiêng liêng của năm mới. Việc chúc phúc cha mẹ ông đành phải để đến tận hôm sau.

          Giáo sư Đinh Gia Khánh tạ thế ngày 7 tháng 5 năm 2003, để lại cho thế hệ sau một sự nghiệp khoa học đồ sộ cùng rất nhiều phần thưởng cao quí nhất mà Nhà nước trao tặng. Những điều thiêng liêng nhất là hình ảnh ông sống mãi trong nhiều thế hệ học trò với tính cách của bậc "người hùng" trong khoa Ngữ Văn thân yêu.


II. Giáo sư Nguyễn Đức Dân

Người giỏi toán nhất khoa Văn.


          Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Đức Dân năm nay bước vào tuổi thất thập, cái tuổi được gọi là “xưa nay hiếm”. Thế nhưng hiếm khi người ta thấy ông lại nghỉ ngơi. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10, các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học lại thấy ông lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham gia giảng dạy không những chỉ các chuyên đề mà còn cả giáo trình cơ bản cho một số khoa của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như: khoa Ngôn ngữ học, khoa Triết học và…cả cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội nữa.

          Sự yêu thích  chuyên môn và lòng say mê với sự nghiệp “trồng người” khiến giáo sư quên đi cả những năm tháng tuổi già để “trẻ lại” cùng các thế hệ học trò thân yêu và với các bộ môn khoa học non trẻ mà ông là một trong các chuyên gia đầu ngành có công tạo dựng ở Việt Nam. Đó là môn Ngôn ngữ học thống kê, ký hiệu học và một bộ môn thuộc khoa học liên ngành: Lô gích và tiếng Việt. Đó là những môn “ độc chiêu” mà ông đã tham gia giảng dạy trong suốt mấy chục năm qua ở nhiều trường Đại học khác nhau.

         Vốn xuất thân từ một giáo viên dạy toán ( ông tốt nghiệp khoa Toán ĐHSP HN năm 1957), sau khi được đào tạo tiến sĩ tại Ba Lan, về nước, giáo sư Nguyễn Đức Dân trở thành một cánh chim đầu đàn của môn Ngôn ngữ học thống kê tại khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Ưu thế của tư duy toán học đã giúp ông nhanh chóng nắm bắt các tri thức cơ bản của ngôn ngữ học để sau này tự rèn luyện, làm việc và nghiên cứu, trở thành một nhà nghiên cứu tài ba trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành và liên ngành với 17 công trình nghiên cứu ( cả viết chung) được xuất bản và 40 bài báo chuyên môn đã công bố trên những tạp chí khoa học khác ở trong nước và nước ngoài. Trong đó, tiêu biểu là là các công trình về Ngôn ngữ học thống kê, Từ điển, Lô gích-ngữ nghĩa và cú pháp, Lô gích và tiếng Việt, Ngữ dụng học…. Điểm đáng chú ý là, ngay từ gần nửa thế kỷ trước, khi nhiều nhà nghiên cứu còn giương cao chủ thuyết tích cực đi vào “chuyên môn hẹp” với tinh thần “càng hẹp càng sâu” thì giáo sư Nguyễn Đức Dân đã nhìn thấy tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành. Bởi vậy, ngay từ buổi mới “vào cuộc” ngoài cái lĩnh vực rất chuyên sâu (ngôn ngữ học thống kê) ông đã hướng tới một chân trời khoa học mà ở đó cần phải có sự liên kết chặt chẽ của nhiều ngành khoa học mới có thể giải quyết đúng đắn, nói đúng hơn là đi vào nhận thức bản chất của đối tượng một cách sâu sắc. Với cách nhìn tỉnh táo đó, ông đã mạnh dạn khoan những mũi khoan vào nhiều điểm khác nhau của một đối tượng “khổng lồ” là tiếng Việt trên nhiều phương diện nghiên cứu ở cấp độ từ, cú pháp, văn bản. Những công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học của ông vì thế luôn có một nét riêng không dễ trộn lẫn với các nhà nghiên cứu khác. Nó mở ra một hướng đi mới trong nghiên cứu tiếng Việt bên cạnh các xu hướng nghiên cứu truyền thống, nghiên cứu đơn ngành ( nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực).

          Các thế hệ học trò được giáo sư Nguyễn Đức Dân đào tạo thường tiếp thu được ở ông những thao tác nghiêm ngặt trong nghiên cứu và phương pháp tư duy chặt chẽ. Đây là một đặc điểm nổi bật trong các công trình khoa học của ông. Có được kết quả này là do ông vốn đi lên từ một chuyên gia về lô gích học lại xuất thân từ nghề dạy toán. Những con số chính xác cộng với thói quen của lô gích lập luận làm cho các công trình khoa học của ông luôn có được một cấu trúc hoàn chỉnh. Trong đó, mọi miêu tả, phân tích đều dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn, với những số liệu minh chứng rõ ràng. Bởi vậy, nhiều vấn đề mới ông khai phá, tuy không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận đối với tất cả những ai đang làm công tác nghiên cứu chuyên ngành, vẫn có tính thuyết phục. Đó là chưa nói, một số vấn đề lý thuyết khi ông triển khai vào thực tiễn lại tạo ra những hấp dẫn riếng. Cuốn “Nỗi oan THÌ,LÀ,MÀ” (Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh 2001/ TB. 2003) là một trong những công trình khoa học kiểu như vậy. Thông qua cuốn sách, người đọc có thể hiểu được vai trò, chức năng của một kiểu từ loại đã được tranh luận không ít trong các nhà nghiên cứu tiếng Việt. Đó là lớp từ được các nhà nghiên cứu gọi là từ hư . Bằng lối viết dí dỏm cùng những đánh giá chân xác về hoạt động của lớp từ này, ông đã nêu ra những nhận định tinh tế giúp cho những ai chưa có dịp đi sâu hoặc hiểu chưa đúng về chúng có thể chọn một cách tiếp cận thích hợp để sử dụng chúng sao cho có hiệu quả. Sự đột phá của ông trong lĩnh vực này khiến cho không ít người ngơ ngác. Nên mới có thơ rằng:

Toán xưa giỏi nhất khoa Văn

Một thời bao kẻ má hồng ước mơ.

 Ném tung cú pháp lên bờ

Làm cho bao kẻ hững hờ phải ghen

Thì, là gánh vác một phen

  không để lại ưu phiền cho ai

Núi cao bể rộng sông dài

Một đời hai nghiệp, chữ tài hoạ thân.

Có thể nói, một đời làm thầy, giáo sư Nguyễn Đức Dân chưa lúc nào ngừng công việc nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Ông luôn coi việc nghiên cứu là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với công tác đào tạo ở bậc đại học, nhất là với các trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản như Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh trước đây và hiện nay là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Bởi không nghiên cứu sẽ không thể cập nhật với trình độ khoa học của thế giới và không thể có “vốn” để đào tạo các sinh viên và nghiên cứu sinh. Cho nên, ngay từ ba, bốn chục năm trước, ông đã cùng với nhiều nhà giáo lão thành của bộ môn Ngôn ngữ học ( nay là khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) luôn chú ý đến việc gắn lý thuyết với thực tiến, gắn việc học tập với nghiên cứu khoa học ngay trong đội ngũ sinh viên. Có không ít sinh viên giỏi, ngay từ năm thứ hai, thứ ba đã viết thành công những khoá luận và báo cáo khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành. Một số sinh viên xuất sắc được ông hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học( bây giờ gọi là khoá luận tốt nghiệp cử nhân) ngay sau khi rời ghế nhà trường đã có các bài nghiên cứu đăng trên tạp chí đứng tên chung với ông, hoặc đứng độc lập. Trong số đó, nhiều người đến nay đã trở thành các nhà nghiên cứu có tên tuổi.

Tính tình ít nói, nhưng mỗi lời nói ra của ông đều dỉ dỏm hoặc ẩn chứa nhiều hàm ý sâu sắc. Nhìn bề ngoài, khó biết giáo sư Nguyễn Đức Dân là người sống rất trọng tình. Đó là cái tình không chỉ ồn ào, thoáng qua mà sâu lắng bền lâu. Từ năm 1988 do nhu cầu công tác, ông và một số giáo sư lão thành của ngành Ngữ văn đã vào thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học ở phiá Nam sau khi đất nước thống nhất. Con đường dài hai ngàn cây số không bao giờ làm giảm nhiệt tình của ông đối với cái nôii khoa học, nơi ông lập nghiệp từ thuở ban đầu. Đó là khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp. Hàng năm  “đến hẹn lại lên” ông thường ra Hà nội giảng dạy các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hoặc tham gia phản biện luận án tién sĩ ở một số Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Ông cũng là thành viên tích cực tham gia giảng dạy chuyên đề sau đại học và giảng dạy các môn học cơ bản, nâng cao cho sinh viên hệ Chất lượng cao của khoa Ngôn ngữ học ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN. Mỗi lần ra Bắc, ông không quên các học trò cũ của mình nay đang công tác tại trường và các cơ quan Viện ở Hà Nội. Ông thường dành những cuốn sách mới xuất bản đem tặng học trò. Đồng thời ông cũng vô cùng phấn khởi mỗi khi các trò của mình có một công trình được xuất bản. Cái tình của ông thật trầm lắng mà sâu sắc. Nó được thể hiện ở mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi phút trò chuyện. Không chỉ có niềm vui, mà ngay cả ai đó có nỗi buồn, gặp trắc trở hay oan khiên, ông đều cảm thông, chia sẻ, động viên bằng những lời mộc mạc nhưng vô cùng cảm động.

 Chẳng những là một người trọng tình, giáo sư Nguyễn đức Dân còn là một người nhiệt huyết và đầy trách nhiệm. Nhắc đến ông, mặc dù mấy chục năm đã trôi qua, nhưng đến nay nhiều  người trong khoa Ngữ văn vẫn còn nhớ đến công lao không nhỏ của ông trong việc kiến tạo ra những mối quan hệ hợp tác với nước ngoài. Đó là năm 1979-1980, khi sang giảng dạy tại Đại học Paris

7 nước Cộng hoà Pháp ông đã mở ra một chặng đường mới trong hợp tác giảng dạy giữa hai trường Đại học Paris 7 và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có nhiều chuyến công du của các thầy cô giáo khoa Ngữ văn sang nước Pháp bắt đàu từ đây. Chỉ riêng việc tạo cầu nối cho những người đi sau tiếp tục xuất dương có thể nói ông là một người rất có ý thức trách nhiệm đối với đồng nghiệp và thế hệ trẻ. Trong thực tế, không phải giáo sư nào cũng làm được những việc như thế. Có không ít giáo sư xách cặp ra đi, xong việc là về, chẳng nghĩ gì đến việc tạo cầu nối để cho người trong bộ môn hay trong khoa bước tiếp. Có so sánh trong những tương quan ấy, các thế hệ sau mới càng thấy kính trọng giáo sư Nguyễn Đức Dân. Ông đã trở thành một biểu tượng của tinh thần đồng nghiệp cao cả và tình thầy trò gắn bó keo sơn.

        Sự nghiệp đào tạo của giáo sư đã trải qua gần nửa thế kỷ, bền bỉ như con ông thợ dựng xây. Bây giờ khắp ba miền Trung- Nam- Bắc đều có những học trò   được ông đào tạo đã trở thành các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ. Không những thế, ông còn có công đào tạo nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài. Cho đến nay, ông đã hướng dẫn thành công tổng cộng là 10 luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ. Trong đó có một trường hợp đặc biệt là anh Ahn Kyong Hwan người Hàn Quốc. Anh là người Hàn quốc đầu tiên làm luận án phó tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nguyễn đức Dân. Chỉ  một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp anh đã trở thành một nhà Việt Nam học và là một nhà dịch giả nổi tiếng vì đã dịch những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều, Ngục trung Nhật ký… từ tiếng Việt ra tiếng Hàn. Với giáo sư Nguyễn Đức Dân, đó là một niềm vui rất to lớn. Bởi sự nghiệp đào tạo Ngôn ngữ học của ông không chỉ phát huy những tiềm năng chuyên ngành mà còn có tác dụng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, tạo đà cho những thành công ở lĩnh vực văn học, dịch thuật…. Hơn nữa nó còn góp phần tô thắm thêm quan hệ hữu ái giữa các dân tộc.

         Có người hỏi: vì sao giáo sư Nguyễn Đức Dân lại có khả năng làm việc dẻo dai như vây? 70 tuổi mà ông vẫn “đánh đông dẹp Bắc” khắp các miền. Đó chính là vì ông là một nhà giáo luôn có ý thức rèn luyện thể chất với một tinh thần thể thao để có sức làm việc chuyên môn. Nếu trên thực tế có không ít vị giáo sư, tiến sĩ khi có bằng cấp rồi đã tự ru ngủ mình bằng đám mây huyền hoặc viền quanh quá khứ, thì giáo sư Nguyễn Đức Dân lại là người khác hẳn. Ông quan niệm, bằng cấp học vị mới là cái vỏ, còn làm việc mới là cái bên trong, cái nói lên phẩm chất lao động của mỗi người. Ông chẳng những là người viết nhiều, dạy nhiều mà còn là một nhà thể thao xuất sắc trong đội ngũ các nhà giáo đại học. Những ai đã từng sống ở ký túc xá Mễ Trì vào những năm 1973-1980 đều không thể quên hình ảnh của một tiến sĩ trẻ cứ sau giờ lên lớp, vào lúc 4 giờ 30 phút chiều là đã có mặt tại sân bóng bàn kê giữa hai nhà C1 và C2. Với những đường ban bóng dài và những quả bóng xoáy rất đẹp, vị tiến sĩ trẻ luôn mặc quần soóc, có mái tóc quăn như một thi sĩ đã chinh phục hàng trăm nữ sinh không phải chỉ ở lối chơi bóng tài hoa, khoáng đạt mà còn ở dáng người được xem là “chuẩn tới mức thời thượng” của ông. Chiều nào cũng vậy, cứ đến giờ đó là cả sinh viên nữ và nam của hai khoa văn sử đều đứng chật trên các hành lang của hai toà nhà để hô hoán cổ vũ những cuộc đấu lừng danh giữa ông và các cây vợt hạng nhất sinh viên thời đó. Trong mỗi cuộc đấu như vậy, ai cũng cảm thấy ấm áp vì sự giao lưu thầy –trò vừa thân mật lại vừa bình đẳng. Sau này, khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Đức Dân vẫn giữ được phong cách thể thao vốn có của mình. Cho đến năm 2002, ông vẫn luôn giữ chức vô địch bóng bàn của khối công nhân viên chức Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp Hồ Chí Minh. Chỉ mãi tới năm ông 69 tuổi thì ông mới chịu lùi xuống, chấp nhận giải ba trước các cây vợt trẻ mới vượt lên.

      Năm nay, giáo sư Nguyễn Đức Dân bắt đầu bước sang tuổi bảy mươi, nhưng ông vẫn khoẻ và nhanh nhẹn. Các thế hệ học trò vẫn đang chờ đón những bài giảng của ông để học ông một phong cách làm việc, rèn luyện và phấn đấu cùng với những tri thức mà ông đã tích luỹ của một đời làm thầy và làm nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề.

                                                                             

Xưa ông giỏi toán nhất khoa

 Một thời...ông đã... đi qua một thời

Từ hư cú pháp đâu rồi

Từ điển tần số một thời chẳng quên(*)

Bây giờ vui thú điền viên

Chuyên đề vẫn thấy điểm tên hai miền.

 

--------------------------

(*) Đó là tên các bài viết và công trình khoa học của GS Nguyễn Đức Dân.


Powered by Froala Editor