Viện phương đông

2 năm trước

Một số hiểu lầm khi sử dụng tiếng Việt (3) Bùi Bắc Bùi Bắc

  • Trong tiếng Việt, đương đại được dùng và hiểu là ngày nay, hiện nay, thời nay, bây giờ chứ không phải là một thời đại nào đó. Tức là nghe kêu hơn, oách hơn, nhưng không phải là nghĩa thật của từ này.

Powered by Froala Editor

Một số hiểu lầm khi sử dụng tiếng Việt (3)


  •                                                                                                                                                                                                           Bùi Bắc

    3. Đương đại
    Là từ được dùng vô cùng rộng rãi trên nửa thế kỷ nay, có thể nói là tần số xuất hiện hàng đầu trên báo, tạp chí, sách, phát thanh, truyền hình. Cách đây gần 50 năm, tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ trong các bạn bè đồng nghiệp, kết quả là những ai được hỏi đều hiểu đây thời đại đang diễn ra bây giờ, rất gần đây, cụ thể là những gì xảy ra chỉ trong khoảng 10-15 năm đến nay. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ xuất bản những năm khác nhau đều định nghĩa đương đại là “thuộc về thời đại hiện nay”. Thực ra có phải vậy không?Đương đại dĩ nhiên là một từ Hán Việt (phụ trước chính sau). Vấn đề là đương trong tiếng Hán lại không đồng nghĩa với đương (=đang) trong tiếng Việt. Đương của tiếng Việt bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ: đang ăn, đang ngủ, đang đi học, đang yên đang lành… hàm ý sự việc đang diễn ra tại thời điểm người nói đến, hoặc tính chất ứng với thời điểm người nói. Còn trong tiếng Hán: đương đạo (giữa đường), đương thì (giữa độ tuổi xuân xanh đầy sức sống), đương nhiệm (trong thời gian đảm nhiệm), đương sự (người trong cuộc)… đều bổ nghĩa cho danh từ và không phụ thuộc vào thời điểm người đề cập đến.
    Ngoài ra ta đều biết thời cổ đại, trung đại kéo dài hàng nghìn năm, cận đại, hiện đại cũng phải cả trăm năm. Còn đương đại, thời đại gì mà lại cho là đang diễn ra, mươi, mười lăm năm! Lại nữa, đối với lịch sử, văn học, nghệ thuật, đã gọi là thời đại thì phải có những đặc trưng lớn như cổ đại đặc trưng bởi chế độ cộng sản nguyên thủy và chiếm hữu nô lệ, trung đại đặc trưng bởi chế độ phong kiến, còn đương đại, có 10-15 năm thì đặc trưng bởi cái gì đây?
    Đương đại trước hết phải hiểu là thời đại đó, hàm ý là cái thời đại mà câu chuyện đang đề cập đến, có thể đó là thời đại đang diễn ra bây giờ, mà cũng có thể là thời đại đã qua rồi. Đó là nghĩa gốc của từ Đương đại trong tiếng Hán.
    Một người Trung Quốc còn cho tôi biết thêm, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Đảng Cộng sản bắt đầu lãnh đạo toàn lục địa Trung Hoa, tại nước này người ta cho là họ đã mở ra một thời đại vô cùng đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử, và từ đương đại được dùng để chỉ cái thời đại vô cùng đặc biệt này của họ. Trước đó, ở Trung Quốc từ hiện đại được tính từ Cách mạng Tân Hợi, năm 1911. Người này cũng cho biết, nghĩa này hiện nay (gần cuối thế kỷ XX) tại Trung Quốc hầu như không ai dùng đến. Vào thời kỳ đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cái thời đại này của họ cũng đồng nghĩa với thời đại đang diễn ra trước mắt. Có lẽ đây chính là điều củng cố thêm cho sự hiểu nhầm của chúng ta rằng đương đại là thời đại bây giờ.
    Như vậy từ Đương đại, khi được du nhập từ tiếng Hán sang ta đã được sử dụng vô cùng rộng rãi nhưng lại hiểu theo một nghĩa khác do nhầm lẫn, tưởng nghĩa từ đương trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt (!).
    Trong tiếng Việt, đương đại được dùng và hiểu là ngày nay, hiện nay, thời nay, bây giờ chứ không phải là một thời đại nào đó. Tức là nghe kêu hơn, oách hơn, nhưng không phải là nghĩa thật của từ này.
    Dẫn chứng:
    Phong cách thiết kế nội thất đương đại”. (https://housedesign.vn/phong-cach-thiet-ke/noi-that-duong-dai/)
    4. Chính kiến
    Chính kiến là một từ Hán Việt, nghĩa là quan điểm chính trị. Đó là những quan điểm lớn về chính trị, ý thức hệ. Thí dụ: “một nhà văn bất đồng chính kiến”. Điều đó có nghĩa là nhà văn ấy không tán thành chế độ một Đảng với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, không tán thành chủ nghĩa xã hội, ủng hộ đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập. Nhưng ngày nay, nhiều nhà văn nhà báo lại hiểu và dùng từ chính kiến là ý kiến một vấn đề nào đó không liên quan đến chính trị. Họ nghĩ chính là từ đối lập của phụ chứ không phải là chính trị. Chẳng hạn: “Tại cuộc họp của Hội nông dân, vấn đề trồng cấy gì, nuôi con gì, được bàn luận sôi nổi, mỗi người một chính kiến, không ai chịu ai!”. Trong những trường hợp không thuộc về ý thức hệ, ta nên dùng từ ý kiến, chủ kiến. Mặc dù về chữ Hán, chữ chính trong chính trị và chữ chính đối lập với phụ cũng là một chữ nhưng từ lâu, chính kiến vẫn được xem là quan điểm chính trị.
    ______
    Dẫn chứng:
    1. “Hàng triệu chính kiến bày tỏ sự không tán đồng với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đã đề xuất” (Dân trí).
    2. “Người không có chính kiến thường rất khó từ chối lời đề nghị của người khác”.
    (https://bestie.vn/2017/08/10-dieu[1]chung-to-ban-dan-tro-nen-thieu-tu[1]tin-va-khong-co-chinh-kien)


Nguồn: Văn nghệ

Powered by Froala Editor