Viện phương đông

2 năm trước

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG CẶP TỪ ĐỒNG NGHĨA TRONG HÁT GIẶM NGHỆ TĨNH ĐỖ THỊ KIM LIÊN

Tuy nhiên, điều đặc biệt là giữa cặp từ đó- cặp giặm - luôn có quan hệ trên trục hệ hình (trục lựa chọn), chúng tạo nên đặc điểm riêng, nổi trội của Hát giặm Nghệ Tĩnh so với các thể loại dân ca khác ở những vùng miền khác. Mối liên kết trên trục dọc này được thể hiện ở cặp từ trái nghĩa, đồng nghĩa, liệt kê đồng loại, cùng trường nghĩa, tỉnh lược, đảo trật tự từ, từ ghép được tách thành hai từ đơn ở hai dòng khác nhau.

Powered by Froala Editor

 

                             NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG CẶP TỪ ĐỒNG NGHĨA

                                        TRONG HÁT GIẶM NGHỆ TĨNH

                                                                                                 ĐỖ THỊ KIM LIÊN[1]

1. Khái niệm từ đồng nghĩa

1.1. Định nghĩa

Trong tiếng Việt, từ đồng nghĩa được định nghĩa theo một số hướng như sau:

(a) Hướng thứ nhất, xem từ đồng nghĩa khi có âm thanh khác nhau, có ít nhất một nét nghĩa (ý nghĩa) giống nhau

Tác giả Đỗ Hữu Châu trong Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt cho rằng: “Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ tùy theo số lượng nét nghĩa chung trong các từ. Mức độ đồng nghĩa thấp nhất khi các từ có chung một nét nghĩa chung (nét nghĩa phạm trù). Số lượng các nét nghĩa đồng nhất tăng lên thì từ càng đồng nghĩa với nhau. Mức độ đồng nghĩa cao nhất khi các từ đã có tất cả các nét nghĩa hoặc đại bộ phận các nét nghĩa trùng nhau, chỉ khác một hoặc một vài nét nghĩa cụ thể nào đấy” [3, tr.184].

Tác giả Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Trong hệ thống ngôn ngữ, nói đến hiện tượng đồng nghĩa phải nói đến sự giống nhau của các nghĩa sở biểu. Vì vậy, từ đồng nghĩa là những từ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh, biểu thị các sắc thái của một khái niệm” [5, tr. 216].

Như vậy, cả hai tác giả Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp đều nhấn mạnh tiêu chí sự giống nhau về nét nghĩa (hoặc nghĩa sở biểu) khác nhau về âm thanh của từ đồng nghĩa. Chính vì vậy, đến năm 2013, nhóm tác giả Lê A, Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh đã trình bày rõ hơn, từ đồng nghĩa là từ khácnhau về âm thanh nhưng có chung ít nhất một nét nghĩa [1, tr.168].

(b) Hướng thứ hai, xem từ đồng nghĩa khi có âm thanh khác nhau, có từ loại như nhau, và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ý nghĩa (hoặc sắc thái phong cách)

Theo nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Hoàng Trọng Phiến, Vũ Đức Nghiệu [4] cho rằng, từ đồng nghĩa là các từ thuộc cùng một từ loại có ý nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Các nghĩa cơ bản của từ được coi là những đơn vị để so sánh giữa các từ đồng nghĩa từ vựng với nhau. Vì vậy, một từ đa nghĩa có thể tham gia vào một vài dãy đồng nghĩa. Những từ đồng nghĩa với nhau tập hợp lại thành một nhóm từ đồng nghĩa (hay nhóm đồng nghĩa, hay loạt đồng nghĩa). Trong mỗi dãy đồng nghĩa thường có một từ mang nghĩa chung, được dùng phổ biến trung hòa về một phong cách, được lấy làm cơ sở để tập hợp để so sánh, phân tích các từ khác, được gọi là từ trung tâm của dãy đồng nghĩa. Chẳng hạn trong nhóm từ: cha, bố, tía, thầy, cậu, bọ của tiếng Việt, từ cha được gọi là từ trung tâm của dãy đồng nghĩa. Vậy, “Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách… nào đó; hoặc đồng thời cả hai.” [4, tr.232].

Ý kiến của hướng thứ hai có điểm khác với hướng thứ nhất là: có cùng từ loại và phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa, hoặc sắc thái phong cách nào đó.

(c) Hướng thứ ba, xem từ đồng nghĩa khi âm thanh khác nhau, ý nghĩa giống nhau

Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý (chủ biên) cho rằng: "Từ đồng nghĩadt. Từ có nghĩa giống nhau nhưng khác vỏ ngữ âm: “đẹp”, “xinh” là từ đồng nghĩa” [8, tr.1705].

 Hướng thứ ba khác hướng thứ nhất ở tiêu chí về nghĩa. Theo hướng thứ nhất chỉ cần ít nhất một nét nghĩa, còn theo hướng thứ ba lại cần có nghĩa giống nhau (từ có thể có nhiều nét nghĩa). Vậy quan niệm của hướng thứ ba rộng hơn hướng thứ nhất.

Trong bài viết này, chúng tôi xét từ đồng nghĩa theo hướng thứ hai với 3 tiêu chí là: có từ loại như nhau, có âm thanh khác nhau và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ý nghĩa. Chúng tôi dùng các tiêu chí này để nhận diệncác cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân qua các cặp giặm trong Hát giặm Nghệ Tĩnh.

1.2.Đặc điểm của từ đồng nghĩa

Qua những định nghĩa trên có thể rút ra những đặc điểm của từ đồng nghĩa:

- Cùng từ loại nhưng khác nhau về âm thanh;

- Có ít nhất một nét nghĩa chung (nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, hoặc có nhiều nét nghĩa chung biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái);

- Có sự hành chức như nhau, có thể thay thế cho nhau.

2. Nghệ thuật sử dụng cặp từ đồng nghĩa về từ loại giữa từ địa phương với từ toàn dân trong Hát giặm Nghệ Tĩnh

2.1.Thống kê cặp giặm có sử dụng từ đồng nghĩa

Ngữ liệu khảo sát của nghiên cứu này là:

- Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 1 do Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Gia sưu tầm, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962 (từ đây viết tắt là HGNT1);

- Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 2 do Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giaosưu tầm, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1963 (từ đây viết tắt là HGNT2).

Qua khảo sát hai tập Hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng tôi thu được 761 cặp giặm, trong mỗi cặp đều có sự khác biệt ít nhất là một từ và nhiều nhất là 3 từ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là giữa cặp từ đó- cặp giặm - luôn có quan hệ trên trục hệ hình (trục lựa chọn), chúng tạo nên đặc điểm riêng, nổi trội của Hát giặm Nghệ Tĩnh so với các thể loại dân ca khác ở những vùng miền khác. Mối liên kết trên trục dọc này được thể hiện ở cặp từ trái nghĩa, đồng nghĩa, liệt kê đồng loại, cùng trường nghĩa, tỉnh lược, đảo trật tự từ, từ ghép được tách thành hai từ đơn ở hai dòng khác nhau. Từ ở dòng thứ hai của cặp giặm khác với từ cùng vị trí ở dòng thứ nhất, xét về nghĩa, được thể hiện qua bảng thống kê sau:

Xét theo

từ loại 

Đồng nghĩa

 

Cùng trường nghĩa

 

Trái nghĩa 

 

 

Liệt kê 

 

 

 

Tách tiếng (từ từ ghép)

 

 

Đảo vị trí 

 

 

Rút bớt/ thêm từ

 

 Từ

Ngữ

Danhtừ

45

5

151

10

61

18

58

6

Động từ

38

 

91

7

53

15

12

8

Tính từ

12

 

18

11

23

1

9

 

Số từ

25

 

9

6

6

 

7

 

Đại từ

21

 

5

4

3

 

 

 

Phụ từ

23

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

(tỉ lệ %)

169

(22,21)

274

(36,01)

38

(4,99)

146

(19,18)

34

(4,47)

86

(11,30)

14

(1,84)

761 (100%)

Bảng thống kê cặp giặm chứa hai từ có quan hệ về nghĩa

Qua thống kê ở bảng trên, chúng ta thấy, trong cặp giặm có hai từ xuất hiện ở hai dòng khác nhau nhưng có nhiều quan hệ, được xếp theo số lượng sử dụng từ cao đến thấp như sau: (1) cùng trường nghĩa có 274 cặp, chiếm 36,01%; (2) từ đồng nghĩa với 169 cặp, chiếm 22,21 %; (3) hai từ có quan hệ liệt kê với 146 cặp, chiếm 19,18%; (4) đảo vị trí từ ngữ có 86 cặp, chiếm 11,30%; (5) từ trái nghĩa với 38 cặp, chiếm 4,99%;(6) tách tiếng (tách cấu tạo từ) từ từ ghép thành từ đơn độc lập có 34 cặp, chiếm 4,47% và cuối cùng là (7) rút bớt từ/ hoặc thêm từ với 14 cặp, chiếm 1,84%.

Như vậy, xét theo số lượng, nhóm cùng trường nghĩa tạo nên sự khác nhau giữa hai dòng của cặp giặm chiếm số lượng nhiều nhất (có 274 cặp, chiếm 36,01 %), nhiều thứ hai là sử dụng cặp từ ngữ đồng nghĩa (có 169 cặp, chiếm 22,21%), ví dụ: Thi khoa  cũng độ (đỗ) / Thi khoa nào cũng độ. (Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 2, tr.49) thì mô/ nào là cặp từ đồng nghĩa (đồng nghĩa từ địa phương với từ toàn dân), nhiều thứ ba là sử dụng cặp từ ngữ có quan hệ liệt kê về nghĩa (có 146 cặp, chiếm 19,18%), nhiều thứ tư là đảo vị trí từ ngữ (có 86 cặp, chiếm 11,30%), nhiều thứ năm là sử dụng cặp từ trái nghĩa (có 38 cặp, chiếm 4,99%), nhiều thứ sáu là sử dụng việc tách tiếng từ từ ghép thành từ có nghĩa độc lập (có 34 cặp, chiếm 4,47%), cuối cùng, thấp nhất là cặp bớt từ hoặc thêm từ (có 14 cặp, chiếm 1,84%).

Nhóm thứ nhất cùng trường nghĩa đã được chúng tôi trình bày ở bài viết khác (xem [6]), sau đây, chúng tôi đi sâu phân tích nghệ thuật sử dụng cặp từ đồng nghĩa trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, đó là sử dụng cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương Nghệ Tĩnh với từ toàn dân.

2.2.Vaitrò và nghệ thuật sử dụng cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân trong Hát giặm Nghệ Tĩnh

 2.2.1. Vai trò sử dụng cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân trong Hát giặm Nghệ Tĩnh

Việc sử dụng từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân (trong cặp giặm) trong Hát giặm Nghệ Tĩnh có những vai trò sau:

  1. Vai trò kết nối hai dòng thơ của cặp giặm

Vai trò kết nối được thể hiện, giữa hai dòng thơ, thì dòng thứ nhất chứa một từ mang nghĩa A nào đó, dòng thứ hai ở vị trí tương đồng với từ đồng nghĩa ở dòng thứ nhất, đã góp phần liên kết về ngữ nghĩa, bởi vì, hai từ đồng nghĩa này, tuy đồng nghĩa (khác nhau về âm thanh) nhưng chúng lại khác nhau về sắc thái nghĩa nên từ đồng nghĩa ở dòng thứ hai có vai trò liên kết về nghĩa với từ cùng vị trí ở dòng thứ nhất. Ví dụ, từ không là từ toàn dân và nỏ là từ địa phương (Nghệ Tĩnh) trong cặp giặm: Thế không mần khôngđược/ Thế nỏ mần nỏ được (II, tr.111); Không cang cường mô được/ Nỏ cang cường mô được (II, tr.111) hay từ chi là từ địa phương, từ gì là từ toàn dân: Không quản chi nhớp nhúa/ Chẳng quản nhớp nhúa (I, tr.306)

(b) Vai tròtạo sự hòa phối nhịp nhàng về ngữ âm

Đồng thời với vai trò kết nối, ta còn thấy, từ đồng nghĩa ở dòng thứ hai tạo sự nhịp nhàng về ngữ âm trong quan hệ với từ đồng âm ở dòng thứ nhất, đó là, ở dòng trên thuộc âm vực cao (), từ ở dòng dưới thuộc âm vực thấp (nào)[2], như: không/ nỏ; lưa/ còn; chi/ gì; mô/ nào

Ví dụ:

Lấy tiền mô sắm áo

Lấy tiền nào sắm áo.

                  (Cởi áo đến ấm, HGNT1, tr.153)

Hoặc:

Công lao chi mà kể

Công trạng mà kể.

     (Vợ khuyên chồng bầu nghị viên, HGNT1, tr.298)

(c) Vai trò nhấn mạnh

Việc sử dụng cặp từ đồng nghĩa (nhắc lại nghĩa của từ lần thứ hai) giữa từ địa phương với từ toàn dân trong cặp giặm có tác dụng nhấn mạnh điều mà người nói muốn thể hiện, như: ni/ này; chi/ gì; vô/ vào, mần/ làm… Ví dụ:

 Trăm cơn (cây) chi(gì) cũng khô

 Ngàn cơn cũng héo.

     (Lên thiên đình xin trời mưa, HGNT1, tr.29)

Không nghỉ ngơi một phút

Không lơ là một phút.

     (Giữ lấy tổ quốc giữ lấy hòa bình, HGNT1, tr.336)

Như vậy, việc sử dụng thành cặp đồng nghĩa (có sự lặp lại về nghĩa) đã tạo giá trị mới, đó là tạo nên sự nhấn mạnh cho câu, đoạn.

Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, việc sử dụng cặp từ đồng nghĩa (lặp) giữa từ địa phương và từ toàn dân đảm bảo ba chức năng của phép lặp tu từ nói chung, đó là: liên kết, tạo sự hòa phối về ngữ âm và nhấn mạnh. Ngoài ra, cặp từ đồng nghĩa trong Hát giặm Nghệ Tĩnh lại có thêm chức năng thứ tư, đó là tuy đồng nghĩa (có cùng nghĩa - mặt thứ nhất của tín hiệu) nhưng vỏ âm thanh của từ (mặt thứ hai - mặt hình thức của tín hiệu) lại khác nhau nên tạo được sự khác biệt về hình thức một cách tinh tế, đã tạo cái mới cho câu thơ, làm cho câu thơ sinh động.

Ví dụ:

Trăm cơn chi (gì) cũng khô,

Ngàn cơn ông cũng đốt.

                 (Lên thiên đình xin trời mưa, HGNT1, tr.30)

Không việc chi việc khó

Chẳng việc việc khó.

                 (Luận về đồng tiền, HGNT1, tr.337)

thì trong những ví dụ trên đại từ chi cũng có nghĩa như nhưng tránh lặp lại nặng nề.

2.2.2. Nghệ thuật sử dụng cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân trong Hát giặm Nghệ Tĩnh xét về ngữ nghĩa, từ loại

(a) Xét về ngữ nghĩa

Như chúng tôi đã trình bày ở mục 2.1, việc sử dụng từ đồng nghĩa (là từ địa phương so với từ toàn dân) không có sự đồng nghĩa hoàn toàn mà có sự khác nhau về sắc thái. Nếu người sử dụng dùng từ địa phương thì tạo nên sắc thái nghĩa gần gũi, tình cảm, thân thuộc giữa những con người xứ Nghệ. Còn người sử dụng dùng từ toàn dân mang nghĩa khách quan, trung hòa. Trong tiếng Nghệ Tĩnh, chúng ta gặp từ nỏ đứng trước động từ, như: nỏ may (chẳngmay); nỏ mần (chẳng làm), nỏ tày (chẳng bằng), nỏ trách (chẳng trách), nỏ ra răng (chẳng ra sao) thì từ nỏ thường được giải nghĩa là chẳng chứ ít khi được giải nghĩa là không [2, tr.312]. Vì thế, khi ta nghe cô gái trả lời người con trai: - Em có yêu anh không? - Emnỏ… thì nghe đáng yêu, vì trong ngữ cảnh còn được hiểu là ngược lại , còn nếu trả lời Emkhông thì coi như chấm dứt.

Ví dụ cặp từ đồng nghĩa nỏ/ không trong Hát giặm Nghệ Tĩnh:

Không đời như thế,

 Nỏ đời nào như thế.

      (Cuộc sống dưới ách nô lệ và cuộc sống độc lập, HGNT2, tr.114)

Như vậy, trong ngữ cảnh câu thơ 5 chữ trên, việc sử dụng từ địa phương (nỏ; mô) tạo nên sắc thái nghĩa gần gũi, thân thuộc, dễ hiểu đối với người tiếp nhận là người Nghệ Tĩnh nói chung, còn việc dùng từ toàn dân (không, nào) cũng được người Nghệ Tĩnh dùng song song, đồng nghĩa với từ địa phương nhưng lại mang nghĩa sắc thái khách quan.

(b) Xét về từ loại 

Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng tôi thống kê được các cặp từ đồng nghĩa gồm 5 dạng như sau: động từ với động từ; danh từ với danh từ; tính từ với tính từ; đại từ với đại từ; phụ từ với phụ từ. Riêng dạng đồng nghĩa thứ sáu là đồng nghĩa số từ với số từ trong Hặt giặm Nghệ Tĩnh thì có (nhị/ đôi; một/ nhất) nhưng đây không phải đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân mà là đồng nghĩa giữa từ Hán Việt với từ toàn dân. Chính vì vậy, tiếp theo, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích cặp đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân xét về từ loại.

*Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân là động từ

Đây là kiểu dạng được sử dụng nhiều nhất. Sau đây là những cặp từ đồng nghĩa được xếp theo thứ tự từ địa phương/ từ toàn dân, như: vô/ vào, kinh/ sợ; cộng (vào)/ thêm (vào); lưa/ còn; cậy/ nhờ; cam/ đành; khai/ trình; ngong (chừng)/ tưởng (chừng); chộ/ thấy; nhởi/ chơi;vô/ vào mần/ làm;...

 

Sau đây là một số ví dụ:

Cha mới cam trong tâm

Mẹ mới đành trong dạ.

                  (Chữ rằng địa nghĩa tiên kinh, HGNT1, tr.309)

Trong cặp giặm của bài Chữ rằng địa nghĩa tiên kinh trên đây có từ cam, đành thuộc từ đồng nghĩa, từ cam là từ địa phương, từ đành là từ toàn dân. Bài nói về sự nuôi con vất vả, sự chịu đựng gian khổ, cam chịu cảnh nghèo đói để nuôi con trưởng thành của cha mẹ. Trong cặp giặm này thì động từ cam, theo Đại từ điển tiếng Việt, có nghĩa: “tự bằng lòng, ráng chịu, đành chấp nhận, ví dụ: Chết cũng cam; Dẫu rằng sấm sét, búa rìu cũng cam”[8, tr. 182]. Tuy nhiên, từ cam vừa được dùng trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (với nghĩa "đành chấp nhận") vừa cả trong tiếng toàn dân. Còn đành là từ toàn dân, có 3 nghĩa: “1. Chấp thuận một cách miễn cưỡng, bắt buộc vì không thể khác hơn: đành chịu như vậy; 2. Nỡ đang tâm: Bỏ đi saođành; 3. Vừa lòng: Chàng đành, phụ mẫu không đành cd” [8, tr. 471]. Trong ví dụ trên, đành được dùng với nghĩa thứ nhất.

Hoặc

Gạo đang lưa tôi tím gan không nấu,

Gạo đang còn, tôi bầm gan không nấu.

                  (Phận đàn bà con gái, HGNT1, tr.267)

Cặp giặm trên được lấy từ bài Phận đàn bà con gái giúp chúng ta hiểu rằng chế độ phong kiến tạo ra một số người đàn ông lười lao động, phó mặc việc làm ăn vất vả, cực khổ cho vợ con, chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, đèn sách chờ một ngày vinh hiển mà chẳng bao giờ đạt tới. Điều này gây sự phản ứng giận hờn, khó chịu cho người vợ đến mức Gạo đang lưa tôi (vợ) tím gan không nấu, Gạo đang còn, tôi (vợ) cũng bầm gan không nấu, tôi chính là lời của người vợ. Trong cặp giặm, chúng ta gặp động từ lưa là từ địa phương với nghĩa còn thừa, còn dư ra: Của người ta biếu ăn không hết, còn lưa một ít thì bán bớt cũng được. Từ còn là từ toàn dân có nghĩa là chưa hết, chưa kết thúc: Kẻ còn người mất trong chiến tranh là chuyện bình thường; Chẳng còn gì để nói với nhau nữa [8, tr. 979].

Cặp giặm sau đây lấy từ bài Chúc thọ Tự Đức, thể hiện sự mỉa mai hàm ấn khi chúc thọ nhà vua, người sáng tác đã sử dụng cặp giặm ở hai dòng thơ 5 chữ, thuộc dòng thứ nhất có động từ kinhvới nghĩa là kinh hãi là từ địa phương Nghệ Tĩnh và dòng thứ hai có từ sợlà từ toàn dân.

Đều kinh vua một phép

Sợ uy ngài một phép.

(Chúc thọ Tự Đức, HGNT2, tr.48)

Trong cặp giặm dưới đây có hai động từ vô /vào thuộc hai dòng thơ khác nhau là từ đồng nghĩa, là từ địa phương Nghệ Tĩnh, còn vào là từ toàn dân.

 rừng xanh ẩn bóng

Vào rừng xanh ẩn bóng.

(Quan tướng cả nhà trời ra dẹp loạn, HGNT2, tr.51)

*Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân là danh từ

Với nhóm này, chúng ta gặp các cặp danh từ đồng nghĩa sau: gió nồm/ gió nam (chỉ thời tiết); canh khuya/ canh trường (chỉ thời gian về đêm); thế gian/ miệng đời (chỉ miệng người - người nói); khái/ hùm (chỉ con vật); quyền nghi/ quyền hành (chỉ quyền lực); mươn/ mâm (chỉ đồ vật trong gia đình)…

Đói, làng buônăn mâm thau

Giàu, thú quê ăn mươn[3] (mâm) ná (nứa).

Em như chiếc lá

Nằm lênh đênh giữa hồ

Gặp trộ gió nồm đưa vô

Gặp trộ gió nam[4]đưa lại.

     (Bỏ công em lấy chồng buôn bán miền Thanh, HGNT1, tr.229)

Ở đoạn thơ trên chứa cặp danh từđồng nghĩa", từ mươn là từ địa phương Nghệ Tĩnh còn từ mâm là từ toàn dân, được trích từ bài Bỏ công em lấy chồng buôn bán miền Thanh nói lên nhận thức của một số phụ nữ vào giai đoạn lịch sử (đầu thế kỉ XIX) đã có thay đổi so với trước. Họ hiểu bọn trọc phú ở nông thôn tuy giàu nhưng keo kiệt, làm giàu trên mồ hôi nước mắt của những người nông dân làm thuê một cách quá đáng. Vì vậy, chị em bắt đầu mơ ước được lấy chồng làm nghề “buôn”. Chị em so sánh: Nếu lấy chồng làm nghề buôn thì dù Đói, làng buôn ăn mâm thau còn lấy chồng ở nông thôn làm ruộng thì Giàu, thú quê ăn mươn(mâm) ná (nứa), tức "ăn mâm đan bằng nan”. Thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không phải do chính họ, gia đình họ quyết định mà lênh đênh, được ví như “chiếc bách giữa dòng”.

Hoặc

Thấy những đá với gỗ

Chộ (thấy) săng lẻ[5]với kiền kiền[6]

Con chim hót, vượn rên

Con hùm kêu, mang toác,

Con khái (hổ) gầm, mang toác[7].

                  (Đi phu Cửa Rào - Bài thứ hai, HGNT2, tr.104)

Còn trong cặp giặm sau, người viết đã sử dụng hai từ đồng nghĩa (mình) trần và (mình) không, trong đó (mình) không là từ địa phương Nghệ Tĩnh (chỉ không kịp mặc áo) còn (mình) trần là từ toàn dân.

Rượt mình không(không mặc áo) mà chạy,

Thoát mình trần mà chạy.

(Quan tướng cả nhà trời ra dẹp loạn, HGNT2, tr.53)

*Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân là tính từ

Qua khảo sát, chúng tôi gặp các cặp tính từ đồng nghĩa, như: dần dà/ khoan thai; rân/ tràn;lâu - xa/ dài; nhàu/ nát. Ví dụ:

Kẻ tiền lưng đôi vạn 

Kẻ tiền mặt ngàn sương

Mất một chữ tiền ngang

Kiếm nát trong bụi cơn (cây),

Kiếm nhàu trong bụi cỏ.

     (Luận về đồng tiền, HGNT1, tr.336)

Trong bài thơ Luận về đồng tiền, chúng ta hiểu thái độ của người hát là chống tư tưởng xu lợi, vì coi trọng đồng tiền thái quá, bị đồng tiền sai khiến, quên cả nhân phẩm, loạn cả phong tục lễ giáo. Trong cặp giặm này, chúng ta gặp từ nhàu (tính từ) là từ địa phương đứng sau động từ kiếm có nghĩa: Người có nhiều tiền (tiền lưng đôi vạn/ tiền mặt ngà sương) chỉ đánh rơi mất mấy trinh tiền lẻ nhưng tìm kiếm hết sức kĩ lưỡng, chi li làm cỏ cây nhàu nátdo bị con người dẫm đạp lên nhiều lần. Còn từ nát (tính từ) có nghĩa: 1) Không giữ nguyên được hình thù như cũ, bị vụn, rời, hoặc mềm nhão; 2) không giữ được trạng thái tốt, bị hư hại đến tồi tệ.

Còn ở cặp giặm sau, chúng ta cũng gặp cách sử dụng cặp từ đồng nghĩagiữa từ địa phương với từ toàn dân, đó là từ rầu là từ địa phương Nghệ Tĩnh, còn từ tủi là từ toàn dân.

Nói ra càng thêm rầu

Nghĩ ra càng thêm tủi.

(Đuổi bọn thầu thuế chợ,HGNT2, tr.178)

Hoặc

Ta khoan thai chưa vội

Ta dần dà chưa vội.

(Buôn gạo chợ Vinh,HGNT1, tr.126)

Trong cặp giặm trên, từ dần dà là từ địa phương Nghệ Tĩnh, còn từ khoan thai là từ toàn dân.

* Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân là đại từ

Thuộc nhóm này có những cặp từ đồng nghĩa, như: mô/nào; sao rày/ sao đây; ni/ này; chi/ gì.

Về nhóm này, chúng ta gặp những ví dụ sau:

Tínhsao đây cho tiện

Tính sao rày cho tiện.

                 (Mẹ dòng than thở cùng con, HGNT1, tr.294)

Trong cặp giặm trên, từ (sao) rày là từ địa phương Nghệ Tĩnh, còn từ sao đây là từ toàn dân. Chúng là đại từ đi sau động từ chỉ nội dung chưa rõ mà hành động hướng đến.

Hoặc:

Cháy nhà mô nhà nấy

Cháy buồng trong, thềm ngoài, 

Cháy sạch cả gia tài,

Có cái chi cũng cháy.

Có cơn (cây) cũng cháy.

     (Kể chuyện giặc Pháp đốt làng Cẩm Trang,HGNT2, tr.86)

Trong bài giặm trên, người viết đã tố cáo tội ác của giặc Pháp đã đốt cháy cả làng Cẩm Trang, Hà Tĩnh, gây tổn thất không kể hết cho người dân, đã khổ càng khổ thêm.

Còn trong bài Nghĩa quân Bang Ninh hạ thànhHà Tĩnh, người viết là Lê Trọng Đôn kể lại cuộc dấy quân do Lê Ninh lãnh đạo. Cuộc dấy quân này có hai mặt, mặt tốt là chống lại sự xâm lược của Thực dân Pháp nhưng mặt xấu là gây xung đột lương giáo làm cho nhân dân vô cùng cực khổ.

Sức phu ứng chực,

Ra án ngự địa cầu

Nào tranh, củi, tre, dầu

Biết chừng mô hao tốn

Biết chừng nào hao tốn.

(Nghĩa quân Bang Ninh hạ thành Hà Tĩnh, HGNT2, tr.77)

Trong bài Tôi đi lính mộ, người viếtkể lại tình cảnh người đàn ông phải đi lính mộ khiến cho gia đình vất vả vì thiếu người lao động. Ở cặp giặm có từ nilà từ địa phương, từ này là từ toàn đân, chúng là đại từ đồng nghĩa làm định ngữ cho danh từ (phen/ hội).

Nhất phen ni là một

Mời hội này là một.

(Tôi đi lính mộ, HGNT2, tr.186)

*Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân là phụ từ

Qua thống kê, chúng tôi chỉ bắt gặp cặp giặm chứa hai phụ từ đồng nghĩa đứng trước động từ là không/ nỏ. Tuy chỉ có một cặp đồng nghĩa nhưng chúng lại xuất hiện đến 15 lần. Điều này nói lên rằng, ở Nghệ Tĩnh, từ nỏ địa phương và từ khôngtoàn dân đồng nghĩa cùng song song tồn tại, và chúng được đưa vào trong thơ. Ở những vùng miền khác, như Nam Bộ, thì người nói chỉ sử dụng một khả năng: từ địa phương. Ví dụ: Bắt con cá lóc nướng trui,/ Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa (Ca dao Nam Bộ, tr.475) thì từ địa phương Nam Bộ nướng trui chỉ xuất hiện độc lập. Còn trong cặp giặm của Hát giặm Nghệ Tĩnh lại xuất hiện cả từ địa phương và từ toàn dân, như nỏ/ không.

Mẹ mi này nghĩ lại,

Đừng dức lác (la mắng) mà rầy rà,

Tại thầy đóng hướng nhà,

Vợ chồng ta nỏ nhác (lười)

Đôi ta rày không nhác. 

Ta cũng không say cờ bạc

Nỏ đằm thắm rượu chè.

                 (Đêm nằm nghĩ lại việc nhà, HGNT1, tr.69)

Bên cạnh 5 nhóm đồng nghĩa ở cấp độ từ, chúng tôi còn gặp đồng nghĩa ở cấp độ ngữ, đó là đồng nghĩa giữa ngữ động từ, ngữ tính từ, ngữ danh từ địa phương Nghệ Tĩnh với ngữ động từ, ngữ tính từ, ngữ danh từ toàn dân, như: rượt mình không/ thỏa mình trần; có làm chi/ có làm gì; chi vinh hơn/ nỏ chi bằng; công chi/ chuyện gì; ngồi yên - ngồi an/ ngồi nhìn; một khi/ một lần; mừng riêng/ mừng thầm… (như: Trò túi cơm giá áo/ Phường túi cơm giá áo. (Khuyên chàng đua đuổi kịp người,HGNT2, tr.147). Do giới bạn của bài viết, chúng tôi sẽ trình bày tiếp đồng nghĩa ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ địa phương Nghệ Tĩnh với ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ toàn dân ở bài viết tiếp theo.

4. Kết luận

Từ thực tế phân tích nghệ thuật sử dụng từ đồng nghĩa qua cặp giặm trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng tôi đi đến kết luận:

Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đa nghĩa hay từ đồng âm là những lớp từ khác nhau nhưng có quan hệ với nhau trong hệ thống ngôn ngữ. Trong sử dụng, những lớp từ này nói chung, từ đồng nghĩa nói riêng có vai trò, đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa khác nhau. Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, việc sử dụng cặp từ đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân cóvai trò là liên kết, tạo sự hòa phối nhịp nhàng về ngữ âm vànhấn mạnh. Tuy đồng nghĩa, nhưng từ địa phương Nghệ Tĩnh và từ toàn dân có sắc thái ngữ nghĩa khác nhau, chúng được người xứ Nghệ vận dụng vào thể Hát giặmqua cặp giặm có sự lặp lại nhưng vẫn có điểm khác nhau với nghệ thuật sử dụng tinh tế, thể hiện qua 5 từ loại khác nhau: danh từ, động tử, tính từ, đại từ, phụ từ.

Nghệ thuật sử dụng cặp từ đồng nghĩa trong Hát giặm Nghệ Tĩnh qua thống kê từ 761 cặp giặmđã phản ánh tài năng, sự sáng tạo, tính sâu sắc nhưng tinh tế về ngôn ngữ của người dân Nghệ Tĩnh, họ đã sáng tạo ra một thể loại Hát giặm, gắn với ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng lại mang đặc sắc riêng, không pha trộn vùng miền nào khác.

Nội dungHát giặm Nghệ Tĩnh là lời kể tâm tình của cá nhân ai đó với người nghe về những khó khăn, nghèo đói, sự chịu đựng gian khổ dưới ách Thực dân, phong kiến, sự lam lũ chịu đựng mưa nắng trước thiên nhiên khắc nghiệt để kiếm miếng cơn manh áo mà lời ca thể hát giặm vẫn cất lên, bay bổng, vượt qua thời gian đến nay và mai sau vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mọi người dân xứ Nghệ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê A, Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh, Giáo trình tiếng Việt 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013.

2. Nguyễn Nhã Bản (Chủ biên), Phan Mậu Cảnh, Hoàng Trọng Canh, Nguyễn Hoài Nguyên, Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.

3. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1981.

4. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, 1990.

5. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.

6. Đỗ Thị Kim Liên, Nghệ thuật sử dụng số từ phản ánh đặc trưng văn hóa xứ Nghệ trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Ngữ học trẻ, Nxb Dân trí,2016. 

7. Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.

8. Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

 

 --------------------------------------      

 [1] GS.TS. Đại học Vinh.

[2] Các thanh điệu tiếng Việt được phân biệt với nhau theo hai đặc trưng chủ yếu: a) Độ cao (âm vực) và b) Đường nét vận động (âm điệu).

 Dựa vào âm vực, ta có các thanh có âm vực cao (thanh không dấu, thanh ngã, thanh sắc) và các thanh có âm vực thấp (thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng).

[3]Mươn: có nghĩa là mâm được đan bằng nan.

[4]Gió nam: tức gió nồm nam.

[5]Săng lẻ: Một loại gỗ. 

[6]Kiền kiền: Một loại gỗ tốt, cứng, hiếm có.

[7]Mang toác: Những hình tượng này dùng để nói lên chỗ rừng xanh núi thẳm, sào huyệt của thú rừng.

Powered by Froala Editor