Viện phương đông

3 năm trước

PGS. Nguyễn Văn Tu

Đời ông kể như có không ít các công trình có giá trị mà tên tuổi còn trong thư viện Quốc gia và các thư viện trong toàn quốc. Vậy mà, lúc nghỉ hưu, ông vẫn chỉ được phong chức danh Phó giáo sư mà khi chết cũng đem xuống tuyền đài. Nói cho công bằng đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho riêng ông và cho cả khoa nữa. Nhưng cuộc đời vẫn thế. Nó chứa đầy những phi lý mà chính một chuyên gia giảng dạy về nó là Đỗ Đức Hiểu sau này cũng phải chịu đựng. Cuộc đời ông là một bằng chứng nói rằng, khoa học là một cái thứ vô cùng nghiêm túc nhưng trong nó cũng đầy những cái tầm phào, những sự lố lăng. Nếu cứ nhìn vào những cái lố lăng thì buồn lắm. Đôi khi người ta phải quên nó đi, tìm kiếm, chắt lọc những gì tốt đẹp nhất để mà lấy đó làm gương.


Powered by Froala Editor

          Thuở khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội còn tồn tại, mỗi khi nhắc đến GS Đỗ Đức Hiểu, các thế hệ sinh viên lại nhớ đến PGS Nguyễn Văn Tu. GS Đỗ Đức Hiểu và PGS Nguyễn Văn Tu đã suốt mấy chục năm cùng nhau sát cánh bên giáo sư Hoàng Xuân Nhị xây dựng khoa Ngữ Văn trở thành một thương hiệu lớn, ngang tầm thời đại.  Từ mái trường có tên “Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội” có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà quản lý… trưởng thành xây nên một truyền thống của ĐHTH Hà Nội thật vẻ vang, thật kiêu hãnh. Trong số các sinh viên thuở ấy, có cả các nhân vật rất xuất sắc trở thành các Ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước.

          Dù hôm nay và ngày mai có thế nào, tất cả các cựu sinh viên sẽ không bao giờ quên một người thầy giản dị, sống vui vẻ nhưng luôn nhiệt huyết vì sự nghiệp trồng người, đó là giáo sư Nguyễn Văn Tu. BBT trân trọng giới thiệu chân dung của thầy được khắc họa trong “Văn khoa chân dung ký” (Nxb Hội Nhà văn) của nhà văn Hữu Đạt.

Hồi thứ hai.

Đỗ Đức Hiểu thích ném bã trầu.

Nguyễn Văn Tu vặn thừng nói sách.

 

I. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tu : người đã 

từng “bán khoa”.

 

Khi khoa Văn còn ở Mễ Trì, hàng ngày các sinh viên đi học từ Hà Nội vào thường nhìn thấy một người nhỏ bé, nhanh nhẹn, mặc bộ quần áo gụ đi thoăn thoắt từ bến xe vào ký túc xá. Đó chính là Phó giáo sư Nguyễn Văn Tu, vị Phó chủ nhiệm khoa mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với những tháng ngày chiến tranh gian khổ trong bước trưởng thành của khoa Văn từ khu sơ tán ở vùng núi đại từ Thái Nguyên đến khắp các miền như Ứng Hoà, Văn Giang, Hà Bắc...

Hoạt động từ thời kháng Pháp, giáo sư Tu có thói quen phản ứng nhanh nhạy trong thời chiến. Thói quen đó tạo thành nếp mà tiếp tục trong cả thời bình. Bất cứ một cán bộ nào, cũng đều rất phục ông. Thoắt một cái, vừa thấy ông còn bắt tay với một đồng nghiệp hay sinh viên đã thấy ông đi vun sút bên cạnh đường ray tàu điện. Chưa kịp chào ông thì ông đã ngồi trên xe buýt, hai châm vặn chéo vào nhau. Mặc dù xe buýt đông, nhưng ông vẫn bình thản lấy một tờ báo ra đọc.

          Sinh thời, khi giảng bài, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tu có một phong cách độc đáo. Ông thường ngồi co chân, hai bắp vế và cổ chân xoắn chặt lại với nhau như hai sợi dây thừng. Ông cứ ngồi trong trạng thái đó mà say sưa giảng về từ vựng hàng tiếng. Có khi hai tiếng. Sau này, nhiều cán bộ trẻ thử ngồi lại tư thế ấy, nhưng không ngồi được. Thậm chí ngã chổng kềnh.

          

Tư thế ngồi đó của ông còn trở thành đề tài sáng tác cho nhiều bài ca dao hay bài hát khác. Nó tạo nên một đặc điểm rất riêng của Nguyễn Văn Tu.

          Theo như lý lịch tự thuật, ông quê ở Nam Hà cũ. Trước khi thành nhà giáo ông đã kinh qua nhiều nhiệm vụ cách mạng khác nhau. Bắt đầu từ anh chủ tịch xã. Rồi sau đó…qua nhiều năm tháng, ông vừa công tác vừa tự học, trở thành một trong các nhà Từ vựng học tiền bối. Một lần, trong một Hội nghị, tôi thấy giáo sư Đỗ Hữu Châu vui vẻ giới thiệu ông là thầy cũ của giáo sư mà rất đỗi kinh ngạc.

          Từ một cán bộ xã đi lên, giáo sư Tu bao giờ cũng giữ một phong cách giản dị, nhiều lúc xuề xoà, khiến người ta vừa yêu quí ông, vừa thấy không sợ, mặc dù thời đó, phó chủ nhiệm khoa có vẻ rất to và có uy quyền.

          Suốt những năm sơ tán, ông cùng khoa đi khắp mọi nơi. Ở đâu, người ta cũng thấy một nhà giáo đại học mà lúc nào cũng mặc chiếc quần gụ, chiếc áo ba túi cộc tay vải thô (nếu là mùa hè) chạy khắp làng này, xã kia đôn đốc công việc. Trong hoàn cảnh vị giáo sư chủ nhiệm lúc nào cũng chơi vơi trên cao, lo những việc lớn của “quốc gia đại sự” không mấy quan tâm tới việc nhỏ, mọi việc đều dồn lên vai của ông và Phó Giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Giáo sư Tu lại làm công tác tổ chức và phụ trách sinh viên nên ông là người thường xuyên tiếp xúc với sinh viên nhiều hơn. Cũng vì thế, các giai thoại xung quanh ông cũng nhiều. Nhưng câu chuyện giai thoại vui nhất mà học trò đời sau truyền tụng nhau là câu chuyện ông “bán khoa”.

Trong cương vị là một nhà quản lý, mỗi ngày giáo sư Tu phải giải quyết rất nhiều công việc, phải ký rất nhiều giấy tờ. Thời đó, con người còn trong sáng chứ không ma mãnh như sau này, tính ông lại vốn dễ dãi, nên ông có thói quen: hễ thấy sinh viên trình trước mình một tờ giấy là ông rút luôn chiếc bút cài trên túi áo. Câu ông hay hỏi là:

- Ký vào chỗ nào hả cậu?

          Những lúc như thế là những lúc ông vội. Chứ bình thường ông cũng liếc qua xem nội dung văn bản rồi mới hạ bút. Thời đó, ông thường đi xe ô tô buýt, tuyến Thanh Xuân-Bờ Hồ,vì nhà ông ở mãi tận phố Chân Cầm, gần bệnh viện Việt Đức. Ông là người rất nhiệt tình với công việc của khoa nên mỗi ngày vào trực ông thường giải quyết mọi chuyện  đến tận gần 12 giờ trưa mới về nhà. Giải quyết việc xong ông ba chân bốn cẳng chạy ra bến tàu vì sợ lỡ chuyến xe cuối cùng. Ông người nhỏ nên chạy nhanh chân lắm. Sinh viên nhiều lúc theo ông cũng không kịp.

          Biết được lịch trình làm việc cũng như tính cách dễ dãi của ông. một anh học trò tinh nghịch, nghe đồn là anh Cao Vũ Trân ( nhưng tôi tin không phải), cán bộ giảng dạy Văn học Pháp sau này, đã bày ra một trò tinh quái. Anh thảo một văn bản với nội dung: “khoa Văn hiện nay rất cần tiền chi cho cán bộ. Nay xét thấy cần bán khoa để lấy tiền chia tết với số tiền là 3 vạn đồng. Tôi quyết định ký vào văn bản này và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Trường và cơ quan cấp trên”.

          Viết xong, anh rình đúng vào luc giáo sư Tu chạy ra bên xe thì đón ngang đường. Giọng vui vẻ, anh thưa:

          - Thưa thầy, em vội quá nên làm phiền thầy vào giờ này.

          Vì nhìn thấy ô tô buýt đang tiến đến từ xa, giáo sư Tu không kịp soát văn bản, rút bút hỏi ngay:

-         Ký vào đâu?

Anh học trò lễ phép:

-         Thưa thầy, ký vào chỗ này ạ.

Giáo sư Tu ký xoẹt một cái rồi đưa lại văn bản cho anh học trò. Anh ta đem về phòng. Tất cả được một trận cười no bụng.

          Nghe được chuyện này,về sau trong một lần họp tổ bộ môn, tôi kể lại cho giáo sư Tu. Ông cười hồn nhiên, rồi nhận xét:

-         Đúng là nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò.

Thực ra, giáo sư Nguyễn Văn Tu là người rất ít râu, thậm chí không có. Thế nhưng vì ông giảng phần Từ vựng tiếng Việt trong đó có phần từ Hán-Việt nên học trò mới tạo ra một câu nói có vần, có tính chất của một thành ngữ “Râu như Tu, cù như Cẩn”. Trong tiếng Hán “tu” có nghĩa là “râu”. Ý nghĩa nàỳ được học trò Văn khoa khai thác nhằm nêu bật tính cách của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Đó là một ông già uyên bác, hóm hỉnh, khi dạy bao giờ cũng có nhữngví dụ làm cho học trò phải cười muốn vỡ bụng ra. Tính cách nghịch ngợm của ông gần như là cái sự không thể thiếu trong cuộc đời. Cho nên ngay cả khi ông về hưu rồi, năm 2005 trở về trường dự lễ mừng thọ 80 do trường tổ chức, chỉ nghe ông phát biểu có một lúc mà một nữ sinh thuộc hậu duệ đời thứ 50 của khoa phải thốt lên: “Cụ nghịch thật đấy.Còn nghịch hơn cả thanh niên”. Cái liều thuốc bổ đặc biệt ấy đã đưa ông vượt qua những thử thách quyết liệt của cuộc đời đẻ giũ trọn tấm tình của mình với một phụ nữ Nga. Chuyện ấy thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.

Nay lại nói về giáo sư Tu. Mặc dù ông là phó chủ nhiệm khoa trong rất nhiều năm, bận ty tỷ thứ công việc nhưng ông vẫn là một nhà khoa học lao động hăng say. Đời ông kể như có không ít các công trình có giá trị mà tên tuổi còn trong thư viện Quốc gia và các thư viện trong toàn quốc. Vậy mà, lúc nghỉ hưu, ông vẫn chỉ được phong chức danh Phó giáo sư mà khi chết cũng đem xuống tuyền đài. Nói cho công bằng đó là một sự  thiệt thòi rất lớn cho riêng ông và cho cả khoa nữa. Nhưng cuộc đời vẫn thế. Nó chứa đầy những phi lý mà chính một chuyên gia giảng dạy về nó là Đỗ Đức Hiểu sau này cũng phải chịu đựng. Cuộc đời ông là một bằng chứng nói rằng, khoa học là một cái thứ vô cùng nghiêm túc nhưng trong nó cũng đầy những cái tầm phào, những sự lố lăng. Nếu cứ nhìn vào những cái lố lăng thì buồn lắm. Đôi khi người ta phải quên nó đi, tìm kiếm, chắt lọc những gì tốt đẹp nhất để mà lấy đó làm gương.

Nếu tính về giảng dạy thì giáo sư Tu đã có công đào tạo rất nhiều thế hệ, trong đó có những người đã trở thành các chuyên gia có tầm cỡ về Từ vựng-ngữ nghĩa như giáo sư Đỗ Hữu Châu. Còn về công trình, thì từ lúc ông đang còn công tác, không kể các bài viết, ông cũng đã có những cuốn sách dày dặn như: “Từ vựng tiếng Việt hiện đại”, “Từ và vốn từ tiếng Việt”, “Từ điển đồng nghĩa”; chưa kể các công trình viết chung như:” Tiếng Việt trên đường phát triển”(viết chung với Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Trọng Báu)...Chỉ ngần ấy thôi đủ để đưa ông vào chức danh giáo sư rồi. Thế nhưng, thời đó, Hội đồng xét phong xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Những chuyện kiện cáo, soi mói lẫn nhau, những sự ghen ghét đố kỵ và thói tham lam độc quyền của một số nhân vật có vai trò trong chuyện xét phong đã làm ông chán ngán. Vốn là người dễ dãi, lại không thích vướng vào ba thứ phức tạp kia, ông vui lòng và hầu như an phận với cái chức danh mà người ta ban cho. Ông tự ý thức rằng, đóng góp với đời là những kết quả công việc chứ không phải ba cái danh hão, nên ông rất vui lòng.

Nay nhìn lại càng thấy ông là con người làm ta cảm phục. Hoá ra ông lại là người có nhân cách hơn tất cả những kẻ đã kèn cựa và đố kỵ ông. Các thế hệ sau này, như ta biết, có không ít người, sau khi nhận chức danh giáo sư hàng chục năm vẫn chỉ có một cuốn sách,  vẫn cứ vênh vang như ta là “bố ” thiên hạ. Còn ông, khiêm nhường ngần ấy, công lao ngần ấy, mới quí làm sao.

Tất nhiên sự dễ dãi trong cá tính của ông nó là cái phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong một con người trí thức. Nó làm cho ông gần gũi với mọi người và được mọi người yêu quí. Tôi nhớ dạo sơ tán, khoa chuyển đi khắp nơi, ở địa phương nào người dân sở tại cũng hết sức giúp đỡ thầy trò khoa Văn vì gặp ông, người ta thấy đó là con ngườ “cách mạng” thật sự. Một con người cách mạng đi vào quần chúng, đồng cảm và chia sẻ với nỗi lo toan của từng người dân.

Nhưng, sự dễ dãi của giáo sư Tu đôi khi cũng dễ làm chp kẻ khác lợi dụng. Điển hình nhất là cái việc một anh sinh viên lớn tuổi đã lợi dụng chữ ký của ông làm điều phi pháp.

 Thuở ấy, do sống trong chế độ của Chủ nghĩa Xã hội bao cấp,vấn đề tư tưởng là một vấn đề hết sức được chú trọng. Bởi vậy, trong nghiên cứu học thuật và thưởng thức “món ăn tinh thần”có sự phân chia ranh giới rất rõ. Trong trường Đại học Tổng hợp, riêng sinh viên khoa Văn được một vé ưu tiên đặc biệt: hàng tháng, được xem phim hoặc xem diễn những vở kịch không lưu hành phổ biến ngoài xã hội mà chỉ dùng trong phạm vi nghiên cứu “nội bộ”. Loại phim này thường gây sự chú ý đối với bên ngoài nên các cán bộ ở Rạp chiếu bóng thỉnh thoảng bán một số vé ra ngoài với giá tiền chênh lệch khá cao. Trong các sinh viên cũng có một số sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn gia đình, nhân những lúc như vậy thì “bán chui” cái vé mình được phát để kiếm ít tiền tiêu. Vì biết giáo sư Tu có chữ ký rất đơn giản, một anh sinh viên lớn tuổi trong lúc túng bấn đã nghĩ ra kế giả mạo chữ ký của thầy để làm một công văn ra rạp Đống Đa xin mua trọn một buổi chiếu bộ phim ngoại “có vấn đề” mới nhập. Sau đó anh ta “phe” toàn bộ số vé của buổi chiếu ra ngoài thị trường. Khi buổi chiếu bắt đầu, công an “bảo vệ văn hoá” liền phát hiện ra, thành phần xem phim lại toàn những “anh chị” buôn bán đường phố. Lập tức buổi chiếu bị đình lại và giáo sư Tu bị gọi ra công an điều trần. Lúc đó giáo sư Tu mới ngớ ra là chữ ký mình bị lợi dụng. Anh sinh viên kia bị nhận án đuổi học. còn giáo sư Tu thì lắc đầu ngán ngẩm nói với tôi:

-  Mình phải thay chữ ký thôi cậu ạ. Sinh viên của ta giờ tệ quá.

Khi ông thay đổi chữ ký thì đường nét của nó chỉ ngoằng thêm một chút vẫn rất đơn giản. Nhưng sau đó không có sinh viên nào làm cái việc đó nữa vì bản án đuổi học đã nhắc họ làm gương.

Trong suốt bao nhiêu năm làm phó chủ nhiệm, Giáo sư Nguyễn Văn Tu, cũng như Ban chủ nhiệm khoa lúc đó, không màng tới bất cứ chút lợi quyền nào. Ông sống một đời trong sạch với tất cả ý nghĩa của nó. Duy chỉ có chiếc khăn trong túi ông là “không được sạch ‘lắm. Nó cũng thành câu chuyện vui rất đáng yêu về thầy.

Như ở trên đã nói, ở khoa ông là chuyên gia về  môn Từ vựng học. Ngoài ra ông còn trực tiếp giảng dạy các môn: Ngữ nghĩa học, Ngôn ngữ Hồ Chủ tịch cho nhiều khoá. Trong phần giảng của ông, có mục giải thích các từ ngoại lai du nhập từ tiếng Anh và tiếng Pháp. Sinh viên nhớ nhất cách ông giảng từ.> Ông cao hứng: Lơ mu xoa là gì ? Nó là cái này. Trong tiếng Việt, ta gọi nó là khăn tay...

Ông vừa nói vừa móc trong túi ra một chiếc khăn nhàu nát, màu nhuôm nhuôm. Lớp nào ông cũng làm động tác ấy cho nên  bàn tay luôn viết bảng dính đầy phấn của ông đã làm cho chiếc khăn trắng bị biến màu. Đôi khi nó còn giữ nguyên cả lớp bụi phấn mới có từ lớp khác trong giờ dạy trước đó, hoặc còn dính chút gỉ mũi. Có lúc sinh viên cười ồ lên. Ông cũng cười. Mái tóc hoa râm của ông hơi ngẩng lên. Lỗ mũi ông khá to. Những lúc ông cười vang có thể thấy vài sợi lông mũi dài từ trong đó thò ra nhảy múa rất vui nhộn..

Nhìn chung cách giảng dạy của giáo sư Tu rất dễ hiểu. Ông không làm bộ bằng cách nêu ra một vài khái niệm mới mà mấy học giả nước ngoài vừa trình làng. Mặc dù ông biết cả tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga. Trong khi nói, bao giờ ông cũng cố gắng tìm cách diễn giải một cách đơn giản nhất giúp cho người học nhanh chóng nắm được những tri thức cơ bản của môn học. Khi mới ở lại trường, tôi được phân công giảng dạy, nghiên cứu từ vựng học nên có dịp gần ông. Sau này, khi anh Văn Cảnh chuyển đi, tôi mới sang làm Phong cách học nhưng vẫn trao đổi với ông thường xuyên về nhiều vấn đề về phương pháp nghiên cứu tiếng Việt trong giai đoạn hiện đại. Hơn nữa, ngoài chuyên môn, tôi còn được phân công làm trợ lý chính trị một thời gian nên lại càng biết nhiều chuyện vui xung quanh ông.

Có thể nhiều năm tháng trôi qua, bây giờ mọi người đã quên, nhưng tôi thì nhớ mãi những kỷ niệm thuở hàn vi ấy. Thực ra, cái chức trợ lý chính trị là của giáo sư Lê Văn Quán. Nhưng vì muốn rèn luyện và đào tạo cán bộ trẻ nên giáo sư Tu nghĩ ra việc đưa tôi và Hà Văn Đức vào làm trợ lý chính trị, thực chất là phụ tá cho giáo sư Quán. Anh Trần Hinh thì được phân công làm trợ lý thư viện, phụ trách toàn bộ phòng tư liệu của khoa Văn. Cô Thu là nữ, mới lấy chồng nên được ưu tiên, có trách nhiệm hỗ trợ cho anh Trần Hinh khi anh bận việc. Riêng anh Nguyễn Văn Nam, một cán bộ được xếp vào loại “đặc biệt” không ai dám bì. Ngay cả các buổi sinh hoạt chính trị, anh cũng ít khi nhớ để có mặt, nhưng không ai dám phê anh vì anh ở ngoài phố. Câu trả lời của anh là ”không thấy có ai báo”. Sở dĩ nói anh “đặc biệt” vì tuy “không có ai báo” nhưng hễ khoa có buổi chiếu phim hay xem kịch nào thì anh cũng là người có mặt ở rạp đầu tiên. Sự say mê nghệ thuật của anh như vậy đủ làm cho người ta quên đi các mặt khiếm khuyết khác rồi.

Trong mấy cái chức “mõ” lúc bấy giờ, thì trợ lý thư viện nghe kém oai nhất, không thể sánh được với cái chức kêu boong boong là “trợ lý chính trị”. Thế nhưng, đây lại là cái chức nhiều người vì nể. Bởi phòng tư liệu khoa lúc đó nhiều sách quí lắm. Có những cuốn mượn thư viện không có phải đến lục tìm ở phòng tư liệu. Bởi thế nếu ai làm anh phật lòng, anh đi vào phòng sách loanh quanh một lúc rồi quay ra: “người khác mượn rồi” thì coi như hết vị. Tôi cũng rất nể Trần Hinh, chưa dám làm phật lòng anh bao giờ. Vậy nên, mỗi lần có việc cần mượn sách ở tư liệu khoa hoặc mượn hộ ai đó, bao giờ cũng được anh giúp đỡ tận tình lắm lắm.

Công việc trợ lý của chúng tôi không giống như việc của anh Trần Hinh. Nó là những đầu việc có tên mà không có hình, có hình mà không có ảnh, có ảnh mà không có màu, có màu mà không biết màu nào là gam chủ, có màu là gam chủ mà không biết được ý nghĩa của nó là gì. Nhưng giáo sư Tu dã giao cho thì phải làm. Lại thêm một ông thầy quá nhiệt tình, lúc nào cũng sùng sục như đi tìm châu Mỹ là Lê Văn Quán. Nếu anh Trần Hinh mỗi ngày chỉ ghé qua phòng tư liệu một lát thì mọi việc coi như đã được giải quyết, trưa có thể đánh một giấc ngủ ngon. Còn tôi và Hà Văn Đức thì đang trưa có thể bị dựng đứng ngay dậy. Buổi tối, trời rét vừa vào trong chăn có khi bị kéo ngược ra. Thời đó, tôi có cảm tưởng giáo sư Quán là cái bóng luôn   ám ảnh chúng tôi, đè nặng lên chúng tôi ngay cả trong giấc ngủ. Có hôm, tôi vừa chợp mắt thì ông tới, đấm cửa thình thình. Tôi và Hà Đức bị điều động xuống tầng một ngay. Tưởng chuyện gì, hoá ra mấy anh sinh viên-bộ đội phục viên đang đánh bóng chuyền. Vừa thấy bóng chúng tôi, họ biến mất vào sau hành lang. Giáo sư Quán phát lệnh “sục” vào từng phòng để truy kích, cuối cùng tóm được quả bóng đó trong một góc phòng nam sinh viên. Nhưng tất cả moi người đều chùm chăn kín đầu không ai nhận. Quả bóng được thu về khoa và chúng tôi thì mặt buồn thiu. Giáo sư Quán đang trong lúc phấn chấn liền lấy khuỷ trỏ hích vào sườn tôi và bảo:

- Phải tịch thu, không được trả. Cậu hiểu không? Sinh viên giờ gớm lắm.

Tôi đau điếng nhưng không dám phản ứng. Hà Đức nhìn tôi tủm tỉm cười. Đó là thói quen của giáo sư Quán khi giao tiếp. Ông luôn muốn người khác tập trung nghe thông tin của mình nên bất cứ nói chuyện với ai, ông cúng có động tác hồn nhiên ấy. Nhưng nếu ai cười thì ông sẽ quát ngay nên ai cũng sợ. Sau khi thưởng thức cái món khuỷ trỏ của ông tôi chợt nhớ ra, hôm trước chị Lý Thục Trân, một phụ nữ người Việt gốc Hoa công tác ở khoa lâu năm ngồi chơi ở phòng tôi đề nghị:

- Các anh phải nói với ông Quán chứ mỗi lần nói chuyện ông ấy huých  khuỷ trỏ  vào sườn tôi, đau lắm.

Giáo sư Quán là ai, xem đến hồi sau mới rõ.

Giờ lại nói về giáo sư Nguyễn Văn Tu. Ông là thủ lĩnh phụ trách công tác tổ chức và chính trị của khoa nên có việc gì quan trọng là lập tức gọi tôi hay Hà Đức ngay bởi phòng chúng tôi ở rất gần văn phòng khoa. Phòng chúng tôi trên gác 4, văn phòng khoa ở gác 3, phòng đầu tiên. Một hôm, khoảng 9 giờ sáng, giáo sư Tu lên gọi tôi. Ông đưa ra một bức điện báo vẻn vẹn có mấy chữ “Trần Côn bị tai nạn xe tăng ở Tây Nguyên”. Hai lỗ mũi to của ông lúc đó hếch ngược lên, mấy chiếc lông lại có dịp ngoe nguẩy. Đó là biểu hiện lúc ông đang suy nghĩ hoặc cấn mắc điều gì. Đôi mày ông chau lại. Ông lẩm bẩm: “Lạ thật nhỉ!Cậu phải tìm hiểu ngay sự kiện này”.

Trần Côn là một nhân vật được xếp hạng “dị nhân” của khoa Văn. Anh là một cựu sinh viên có lẽ “học bền bỉ” nhất ở khoa, chừng 16 năm hoặc hơn mới tốt nghiệp. Trước khi vào làm sinh viên Văn khoa, anh đã là diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng.. Vì là con một cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nên anh được cử đi học. Anh có giọng ca vàng. Mỗi lần ở trên gác anh đã ca nhạc tài tử Nam Bộ hoặc vọng cổ thì sinh viên nam nữ bỏ hết việc mà nghe. Dạo đó chưa có truyền hình, radio cũng thiếu nên được nghe anh hát cũng chẳng kém gì được đến rạp. Ai cũng thích lắm.

Mấy ngày hôm đó, tôi không làm sao tìm ra được nguyên nhân đối với tai nạn của Trần Côn. Ít lâu sau anh lại trở về khoa lành lặn, tôi nói với giáo sư Tu, bức điện kia chỉ là sự hợp lý cái việc anh vắng mặt ở khoa rất dài. Anh đi đâu, làm gì, không ai biết. Cũng không ai dám đuổi học anh. Có người nói anh là tình báo. Có người lại nói anh bị bệnh thần kinh. Có người bảo thời anh ở trong Nam bị địch bắt tra tấn dữ quá nên thần kinh bị phân liệt...Anh là một sinh viên, nhưng lại là con người của huyền thoại. Là một người làm trợ lý chính trị nhưng tôi cũng bất lực không định vị được anh ta ở cấp độ nào. Tôi thành thật báo cáo với giáo sư Tu. Ông lại hếch mũi lên và hơi nhăn trán lại:

Cái cậu này, sao phức tạp thế nhỉ?  

Về sau người ta thấy Trần Côn hay mặc một bộ quần áo rất rách rưới, đi đôi giày vải đã bung hết đế và mất mõm, chống gậy lang thang khắp nơi. Có lần anh đi qua phòng tôi và phòng anh Mai Ngọc Chừ ( nay là PGS.TS. Chủ nhiệm khoa Đông Phương) dừng lại khuyên: “ Các thầy đọc Mác làm gì. Đọc sách khác đi”. Tôi và anh Mai Ngọc Chừ rất bất ngờ về cử chỉ ấy. Tất nhiên, nếu trường và khoa tổ chức một cuộc Hội nghị nào đó là giáo sư Tu tỏ ra rất lo lắng. Mọi người còn nhớ năm đó, trường Đại học Tổng hợp nhân một ngày kỷ niệm vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Hôm đó, giáo sư Tu cuống lên. Cách đó mấy hôm. chàng cựu sinh viên Văn khoa Trần Côn đã xuất hiện quanh khu Mễ Trì. Nếu trong buổi lễ cực kỳ quan trọng này mà bỗng nhiên Trần Côn xuất hiện mà lên cướp diễn dàn để diễn thuyết thì coi như toàn bộ uy tín của trương Tổng hợp sẽ đi tong. Phòng Tuyên huấn nhà trường lập tức chỉ thị xuống khoa. Giáo sư Tu lại giao trách nhiệm cho chi đoàn cán bộ giảng dạy. Chi đoàn họp. Sau một hồi bàn cãi, người ta thấy bế tắc trong cách giải quyết. Bắt giữ Trần Côn thì không được rồi. Vì như thế sẽ phạm pháp ;uật. Nhưng làm thế nào để ngăn cản anh ta khỏi tiếp xúc với Đại tướng và tránh không bị cướp diễn đàn phát biểu lung tung làm hại đến uy tín chính trị của khoa và của trường? Sau một hồi bàn bạc, ai cũng thấy rằng giải quyết theo phương pháp văn học là thượng sách.

Chi đoàn cử anh Nguyễn Hùng Vĩ, cán bộ giảng dạy tổ bộ môn Cổ Cận Dân (lúc đó chưa tách thành 3 tổ riêng như sau này) cầm 30 đồng ra quán nước bà Kiền trước cổng trường chờ anh Côn. Đây là quán nước nổi tiếng thời sinh viên không mấy ai không biết. 30 ngàn đồng lúc đó rất có giá trị tương đương với 300 ngàn bây giờ. Nhiệm vụ của Nguyễn Hùng Vĩ là mua sẵn kẹo bánh, thuốc lá chờ khi nào Trần Côn tới là đón luôn vào quán rồi nói chuyện văn học, ca dao, dân ca. Anh Trần Côn là người rất thích nói chuyện văn chương. Đây là cái “bẫy” rất ngoạn mục. Anh Vĩ có trách nhiệm kìm chân Trần Côn cho tới khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc bài diễn văn và Hội trường giải tán. Lúc đầu anh Vĩ không nhận, sau được mọi người động viên anh cũng vui lòng “mang đạn” đến quán bà Kiền mai phục. Chi đoàn còn hứa, tiền cứ chi thoả mái, hết sẽ bù thêm.

Khi trong sân trường tưng bừng, trống rong cờ mở thì Nguyễn Hũng Vĩ đã ngồi sau ấm trà. Anh sốt ruột nhìn ra phía đường để chờ vị khách quí tới. Chờ mãi không thấy Trần Côn đâu. Trong khi đó chi đoàn cán bộ thì rất lo lắng, thỉnh thoảng lại phái một người chạy ra quán thăm dò. Không thấy bóng dáng Trần Côn đâu cả. Mọi người rất đỗi lo lắng. Liệu Trần Côn có tìm con đường nào khác để đột nhập vào Hội trường không ? Mọi người chia nhau toả ra các ngả  chốt chặn. Nhưng rồi, ba mươi phút, một tiếng trôi qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu. Giáo sư hiệu trưởng Nguỵ Như Công Tum đã đọc diễn văn đáp từ. Không có chuỵen gì cả. Mọi người nín thở rồi ôm nhau thở pháo. Về sau, khoa văn mới có câu đối về cái việc Nguyễn Hùng Vĩ chờ Trần Côn. Mỗi mùa chấm thi đại học nó được hoàn chỉnh một chút rồi thành:

Cờ xí rợp trời Tum đón Giáp

Thuốc trà đầy quán Vĩ chờ Côn.

          Việc của Trần Côn về sau thế nào, nay không nói nữa.

          Lại nói về giáo sư Nguyễn Văn Tu. Cuộc đời ông phái trải qua và giải quyết ty tỷ những chuyện như thế, thế nhưng chưa bao giờ ông tỏ ra mệt mỏi. Với công việc của khoa, lúc nào ông cũng là một con người nhiệt tình. Mặc dù vậy, năm nào ông cũng tích cực tham gia hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên( dạo đó không gọi là khoá luận tốt nghiệp như bây giờ). Ông thuộc loại hướng dẫn nhiều. Mà hướng dẫn luận văn thời ấy thì ai cũng biết: là một sự cống hiến hoàn toàn, không có bồi dưỡng gì cả. Duy chỉ có điều, ông hơi đi ra ngoại lệ một chút, mà tôi, thuở đó nhiều lần làm thư ký trong Hội đồng bảo vệ luận văn cứ phải lơ đi không dám có ý kiến. Một phần thấy thương ông bận quá nhiều việc, phần khác thấy ông tỏ ra rất hùng biện mà các thầy trong bộ môn không thắc mắc gì cả. Vậy cần gì phải làm cho mọi chuyện thêm phức tạp?

          Theo quy định của khoa thì tất cả các giáo viên cả hướng dẫn và phản biện khi nhận xét sinh viên đều phải ghi ra thành văn bản. Nhưng giáo sư Tu nhiều việc quá nên hầu như chẳng lần nào kịp viết. Ông thường lại tôi nói nhỏ một câu:

Này cậu, mình bận quá. Văn bản gửi sau nhé!

Thầy đã nói như thế thì còn biết làm thế nào? Tôi kín đáo quan sát ông. Khi bước lên bục, ông thường cầm một tập giấy. Nhưng đó không phải là các văn bản nhận xét, đánh giá của ông về luận văn mà là một tập công văn hay thậm chí giấy nháp ông viết cái gì đó. Ông vẫn giơ lên, đọc như là dã viết cẩn thận. Chừng một lúc ông đặt tộp xuống bàn và nói rất hăng say về cái luận văn ông đang phản biện hay hướng dẫn. Vì trưởng thành từ một cán bộ tuyên huấn, lại nắm chắc các vấn đề nên ông biến hoá rất tài. Người nghe bị cuốn vào điều ông nói mà quên mất: chính ông đang vi phạm cái luật do mình là một trong người đề ra. Ông nói rất hùng hồn. Khi nói thì cả mồm, miệng, chân tay... đều cùng một lúc làm thành dàn đồng diễn. Tay ông vung lên, chém liên tục vào không khí. Miệng nói nhanh, thao thao bất tuyệt như tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị rất kỹ càng. Kết thúc lời nhận xét bao giờ ông cũng đánh giá: đây là một luận văn thuộc loại “tốt”. Thế nhưng, khi cho điểm thì ông phân loại rất rõ từng trường hợp và cho thành ba khung điểm:8,9,10 chứ không cho đồng loạt như nhau. Thành ra lúc nghe ông nhận xét xong, sinh viên nào cũng có cảm tưởng được ông cho điểm 10.

          Trong khoa học, giáo sư Nguyễn Văn Tu là người rất cần cù. Ngoài việc quản lý bận như con mọn, ông vẫn có bài đều đều và vẫn có sách ra không ít. Đặc biệt, có những công trình đòi hỏi phải mất nhiều công sức và trăn trở thực sự như “Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt”, nhưng ông vẫn hoàn thành nó bằng tất cả tâm huyết của mình. Đó là những công trình thực sự nghiêm túc về khoa học, đã từng được giới thiệu ở Pháp. Nhưng có lẽ vì cái bản tính xuề xoà của ông mà nhiều người nhầm lẫn cho rằng, trong khoa học ông cũng đại khái. Nhưng nếu chỉ đại khái thì rất khó với được cái tầm để làm những cuốn như Từ điển đồng nghĩa mà ông đã thực hiện. Trong khi đó, cũng trong ngành Ngôn ngữ học, nhiều người thì cứ làm ra vẻ là mình “rất nghiêm ngặt” trong thao tác, nhưng cả đời họ có viết được bao nhiêu trang? Ấy là chưa kể những trang viết của họ là cái món sào lại luận án đã bảo vệ hoặc dịch hổ lốn từ nhiều công trình của nước ngoài mà vẫn cứ tưởng mình là các chuyên gia thượng thặng. 

          Khoa Ngữ Văn trong quá trình phát triển không phải là êm ả hoàn toàn. Có những năm tháng, nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt diễn ra trên linh vực học thuật và tư tưởng.Trong một số cuộc “đấu tranh” nội bộ, cũng có người nói  giáo sư Tu là “ cai loa phát ngôn” của người này hoặc người kia. Nhưng chỉ những ai gần ông mới biết rằng, thực ra ông là người thích ôn hoà, không muốn chuyện gì phức tạp xảy ra trong đơn vị. Thành ra, có lúc ông cứ nói đại lên và làm cho người ta hiểu lầm. Sống lâu với ông, mới hiểu ông là người “không có bụng dạ” gì cả. Ông không bao giờ hại ai. Ngay cả khi về hưu rồi, thỉnh thoảng tôi đến thăm ông ở căn hộ trên gác phố Chân Cầm, ông vẫn cứ băn khoăn:

- Này cậu, dạo mình còn đương chức, mình có làm điều gì mà cậu không bằng lòng không? Có ai trong khoa tách mình điều gì không?

Hiếm thầy người thầy nào lại hỏi học trò cũ của mình những câu như thế. Điều đó nói rằng, ông là người luôn hướng thiện. Chỉ có những con người hướng thiện mới trăn trở về những thời gian công tác đã qua của mình. Khi tôi nói đến chuyện “tách khoa” hiện đang có nhiều ý kiến bàn cãi, chẳng cần suy nghĩ, ông nói ngay: “ Ờ, thôi tách ra cho đỡ phức tạp cậu ạ. Ở chung cũng tốt, nhưng tách ra thì bớt vấn đề”.

Ông nói xong câu ấy, đôi mắt hơi đượm buồn. Chắc lúc đó, ông nhớ lại những ngày tháng ông từng đứng mũi chịu sào để dàn hoà các phía mỗi khi trong khoa xảy ra những cuộc “sóng gió ba đào”. Bất luận ở đâu, ông cũng muốn “vo tròn” cho mọi việc được êm ả. Trong sâu thẳm tâm hồn ông, khoa Văn giống như cặp vợ chồng, là “hai nửa của nhau”. Phải phá vỡ nó, không phải chỉ có ông mà nhiều người cũng rất tiếc. Nhất là giáo sư Tân, mãi đến lúc về hưu rồi vẫn đau đáu một niềm mơ ước: "khi nào tôi chết được nhìn thấy khoa Văn hợp nhất trở lại như cái thuở ngày xưa”. Giáo sư Tân là người thế nào? Xem tới hồi sau khắc rõ!

 Bây giờ nói đến những ngày tháng cuối đời của giáo sư Nguyễn Văn Tu. Khi ông về hưu rồi, lấy thú điền viên làm điều tiêu khiển. Nhưng ở nơi phố phường, “điền” thì không có, “viên” lại rất xa, ông tiêu dao cuộc đời bằng việc đọc sách và dạy cháu học hành. Ngay cả đến những năm tháng tuổi bát tuần , ông vẫn viết những bài như “Ông dạy cháu học” để giúp cho người đời cái việc dạy chữ giảng nghĩa. Ông là người sống thực sự có ích cho đến luc nhắm mắt xuôi tay.

 Trong thế hệ của ông có lẽ ông là người hồn nhiên và vô tư nhất. Cái sự vô tư ấy làm cho ông sống lâu và sống nhẹ nhõm mà lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng cũng nhẹ như cuộc ra đi của một ông tiên. Khi các học trò đến tiễn ông, thấy ông nằm trong quan tài với nét mặt thanh thản như chẳng còn nợ nần gì ở cõi trần ai. Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng tất cả các danh hiệu, chức tước giờ đây đều theo gió bay về Trời. Chỉ có bóng dáng ông như vẫn còn đó, ngày nào cũng thoăn thoắt từ bến xe buýt vào văn phòng khoa như ngày nào. Khoa bây giờ đã chia thành hai nửa “bán khoa”, với hai cơ sở đàng hoàng, khang trang lắm, ở gác 3 nhà A và nhà B. Thầy hãy dùng phép “phân thân” mà về với các học trò. Từ hai cái trung tâm đó, thỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện gợi nhớ về thầy.

Đời sau nhớ đến Nhà giáo Nguyễn Văn Tu thường nhớ thơ rằng:

Miệng nhanh chân lại càng nhanh.

Suốt đời tận tuỵ xây thành đắp non

Đôi chân vặn sợi cho tròn

Mà vo chẳng được lại còn vỡ ra

Bây giờ chia tách hai khoa

Có còn “bán được” để mà ký đây?

Người đi  theo gió cùng mây

 Biết ai ở lại ký thay cho mình?

 

 


Powered by Froala Editor