4 năm trước
PGS.TS, Viện trưởng Nguyễn Hữu Đạt trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Việt Nam
Ngày 18-10 vừa qua, PGS.TS, Viện trưởng Nguyễn Hữu Đạt đã tham gia chương trình Câu chuyện thời sự hôm nay trên kênh VOV đài tiếng nói Việt Nam về chủ đề "Sách Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều: Nên thay thế hay chỉ chỉnh sửa". Trước yêu cầu của đông đảo bạn đọc, BBT chúng tôi xin đăng lại nội dung chương trình trên.
Powered by Froala Editor
Sách Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều:
Nên thay thế hay chỉ chỉnh sửa?
MC1: Thưa quý vị và bạn! Suốt những ngày gần đây, từ báo chí, mạng xã hội đến công sở, từng gia đình..., quan tâm đến một chủ đề luôn nóng và có lẽ còn tiếp tục nóng, đó là những “vấn đề” trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, được đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 này. Dư luận cũng quan tâm đến sự phản ứng của ngành chủ quản, ở đây là Bộ GD& ĐT trước sự việc này.
MC2: Liên quan đến những chi tiết, nội dung được cho là “sạn” trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
MC1: Trước yêu cầu của bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh SGK Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều, dư luận lại một lần nữa băn khoăn, liệu việc điều chỉnh này có mang lại hiệu quả hay không? Thậm chí, có không ít ý kiến đề xuất nên dừng sử dụng để đánh giá, thẩm định lại trước khi sử dụng.
MC2: Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn chủ đề: “Sách Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều: Nên thay thế hay chỉ chỉnh sửa?” với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông. Xin mời quý vị thính giả cùng đóng góp ý kiến và đặt câu hỏi qua đường dây nóng của chương trình: 0243.934.1040.
Trước hết, xin cảm ơn PGS TS Nguyễn Hữu Đạt đã tham gia chương trình hôm nay.
MC: Thưa ông! Sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều vẫn đang tạo ra hai luồng ý kiến tranh luận tranh cãi gay gắt, đó là nên thay thế hay chỉ chỉnh sửa. Quan điểm của ông ra sao?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi đã có một bài phân tích khá dài trên báo Khoa học và Đời sống về vấn đề này. Theo tôi, đây là bộ sách còn quá nhiều khiếm khuyết. Nói cách khác,xét về tổng thể các yêu cầu đối với một bộ sách dạy cho học sinh thì chất lượng của nó còn quá thấp trên nhiều phương diện. Do đó, cần phải kiên quyết và tỉnh táo trong cách thức giải quyết. Nghĩa là không sửa chữa và không dùng nó nữa. Bởi có sửa thì kết quả của nó là sự chắp vá. Như thế, nó càng tạo ra nỗi khổ cho học sinh và các phụ huynh.
MC: Vậy nếu dùng bộ sách này để dạy tiếp, theo ông chúng ta phải làm gì?
PGS TS Nguyễn Hữu Đạt: Nếu dùng bộ sách này để dạy tiếp, thì theo tôi, nó phải được biên soạn lại toàn bộ. Vì sao tôi nói vậy? Vì qua cuốn sách, tôi thấy vốn tri thức nền của người biên soạn rất yếu. Vốn tri thức về tiếng Việt cua họ vừa hời hợt lại vừa ngô nghê. Quan điểm viết sách lại không dựa trên cơ sở khoa học với mục tiêu là viết cho ai? Viết cái gì? Và viết như thế nào? Thành ra, nếu học cuốn sách này, trẻ em sẽ không phát triển được tư duy, không phát triển được tiếng Việt. Đó là chưa nói một yêu cầu cao hơn là phải làm so để học sinh thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt.
MC: Nhưng việc thu hồi sách thì phải chờ ý kiến của Chính Phủ, Quốc Hội. Thế nên chúng ta sẽ bàn nhiều hơn ở việc chỉnh sửa ra sao cho hiệu quả.
Sau khi nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT là Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn TV lớp 1 và tác giả sẽ chỉnh sửa SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến như thế này:
V1 19/10 VOXPOP
+ Tôi nhận thấy đây là tinh thần hết sức cầu thị của những người biên soạn sách. Nhưng mà tôi cũng có băn khoăn là các cháu đang học chương trình sách giáo khoa như vậy nếu chỉnh sửa thì sẽ được làm theo lộ trình như thế nào. Sách liệu có được in lại và học sinh có phải mua lại không hay là tiếp tục học chương trình này và sách sẽ chỉnh sửa cho năm tiếp theo.
+ Con đang học lớp 1 rồi thì không biết phải giải quyết thế nào nếu như là sau khi sách được chỉnh sửa, học tiếp chương trình sách đấy hay là chương trình sách mới. Nếu học sách mới thì lại phải mua sách mới thì những chi phí đấy thì gia đình phải chịu hay là có hỗ trợ nào từ ngành giáo dục không.
+ Tôi thấy rằng sách Cánh Diều đối với con tôi nó khá là nặng, thế nên là dù có chỉnh sửa hay không thì theo ý kiến của tôi là tôi đề nghị là được thay sách phù hợp với con của tôi hơn.
Đó là một số ý kiến băn khoăn lo lắng của phụ huynh học sinh… hiện nay học sinh đã học được hơn 1 tháng và việc học không thể gián đoạn được. Theo ông, việc chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 lần này liệu có giúp xoa dịu những bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh hay không?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Theo tôi, những việc như thế này lẽ ra không cần chờ Chính phủ vì Chính phủ còn phải giải quyết nhiều việc to lớn hơn của quốc giá. Đây là việc chuyên môn thì Bộ trưởng Phùng Văn Nhạ phải đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết. Đảng và Nhân dân giao cho ông Nhạ làm Bộ trưởng, ông hưởng các chế độ của Bộ trưởng thì có trách nhiệm về việc này. Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ quyết ngay vì chỉ cần ngần ấy các phản biện và dư luận của nhân dân đã đủ cơ sở để Quyết định rồi.
MC: Không ít phụ huynh cho rằng, con mình liệu có đang phải là lứa “học sinh thử nghiệm” cho chương trình phổ thông mới. Thậm chí, có phụ huynh lo rằng “sửa rồi vẫn không phù hợp thì sẽ sửa đến bao giờ?”. Ông có lo lắng rằng việc chỉnh sửa của các tác giả liệu có hết được toàn bộ “sạn” trong cuốn sách?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi cho rằng, việc tiếp tục cho chỉnh sửa là cách giải quyết “dĩ hòa vi quí”, nó sẽ gây bất lợi lớn cho học sinh và các phụ huynh. Hiện nay các cháu đã học đến gần nửa học kỳ rồi. Theo Phương án này thì học sinh vẫn phải tiếp tục học những cái sai trong bộ sách. Phụ huynh lại phải “đánh vật” cùng con em mình, khi đây mới là bước học “vỡ lòng” theo cách gọi trước đây. Khi sách sửa xong thì nhiều cái sai đã “nhiễm” vào tư duy học sinh, giống như cơ thể đã bị nhiếm độc. Rồi lại phải dùng thuốc chữa… cứ như thế học sinh rơi vào bước luẩn quẩn. Cách cháu có khác chi một vật thí nghiệm??? Chúng ta phải thương các cháu chứ. Thương các cháu tức là thương đất nước này. Tôi nói thật, đừng vì vài ba đồng bạc mà chúng ta tạo ra một tương lai ảm đạm cho thế hệ sau. Tôi nói vậy sẽ có người không thích. Nhưng không thích tôi cũng được. Nhưng phải nghĩ đến lớp trẻ. Chúng ta rồi sẽ chết, đó là qui luật. Ông Nhạ cũng thế. Do đó, với tư cách là nhà khoa học và là đồng nghiệp, tôi chính thức đề nghì ông Nhạ hạ bút ký: “dừng lại” và thay thế ngay bộ sách khác để không làm khổ học sinh và phụ huynh.Đó là việc làm vì đất nước đúng với nghĩa đen của nó.
MC: Vậy theo ông cần chỉnh sửa như thế nào để bộ sách không bị manh mún, từ ngữ thay thế nêu bật ý nghĩa… cuối cùng là phù hợp với học sinh lớp 1?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi đã phát biểu rất rõ. Nếu chỉnh sửa thì cách duy nhất là viết lại, tính toán lại từ đầu các yêu cầu của bộ sách và n hư thế thì phải thay thế người biên soạn có đủ trình độ thực sự. Nói cách khác là những người có danh nhưng phải là thực chất. Còn chỉ dựa vào danh không, chắc chắn sẽ mắc những sai lầm. Tôi đề nghị. Bộ Giáo dục trước khi giao cho cho nhóm nào biên soạn cần kiểm tra kỹ hồ sơ khoa học của từng người ở các nhóm đó. Vì sao? Vì có không ít người mang danh giáo sư nhưng công trình của họ lại quá mỏng, đóng góp về lĩnh vực chuyên môn rất ít. Tôi không ngại nói ra điều này vì xã hội biết rất rõ. Đây chỉ là một trong các bài học để Nhà nước thấy vấn đề…
MC: Nên chăng Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả cũng cần công khai phương án chỉnh sửa sách cụ thể, lộ trình thực hiện cũng như thời điểm nào học sinh có sách mới?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Kể cả việc đưa ra một lộ trình cụ thể thì đó là công việc không nên làm. Như tôi đã phân tích. Chúng ta không nên lấy con trẻ ra làm vật thí nghiệm. Một nguyên tắc cần phải tôn trọng là: khi trẻ đến lớp, các cháu phải được học một cách vô tư, hồn nhiên. Lẽ nào các cháu đang học dở dang, phát hiện sai lầm rồi thì phải dừng lại ngay mới đúng, như thế kịp việc học hành của các cháu. Lý nào chúng ta lại bắt con cháu chờ đợi…? Như thế quá vô lý. Về quản lý Nhà nước thì đó là cách làm không khoa học và rất luộm thuộm. Về mặt nhân tình, lại càng khó chấp nhận….
MC: Theo quy định thì Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020. Lúc đó, theo ông cần thẩm định như thế nào để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Chúng ta nhận thức chưa tới nên cứ loanh quanh mấy cái từ” chính sử”, “hiệu đính”… Việc này thực hiện chỉ càng làm rối ren thêm tình hình. Tôi nhắc lại: hãy vì quyền lợi của học sinh. Đừng làm khổ các em nữa. Nên có phương án tích cự là sử dụng bộ sách khác thay thế để các em không bị thiệt thòi.
MC: Như Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhận xét, sách Tiếng Việt lớp 1 nếu khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định được đưa lên mạng để các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh cùng góp ý ngay từ đầu sẽ chắc chắn bớt những hạt sạn đáng tiếc. Liệu chúng ta có thể làm được điều này hay không, thưa ông?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Chúng ta thích dùng từ “hạt sạn” để giảm nhẹ chứ thực ra đây là những sai lầm quá nghiêm trọng cần phải loại bỏ hẳn. Do đó không nên đặt vấn đề là “sửa” mà phải đặt vấn đề thay thế nó.
MC: SGK năm 2000 được Bộ GD&ĐT đưa thực nghiệm 2 năm, tiếp thu ý kiến, góp ý và chỉnh sửa, mới đưa vào giảng dạy đại trà. Khi có chủ chương xã hội hóa SGK, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào quy định mỗi môn học các NXB phải thực nghiệm thực tế trong thời gian bao lâu mà chỉ quy định có nội dung thực nghiệm trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định SGK quốc gia.Điều đó có nghĩa việc thực nghiệm như thế nào, thực nghiệm trong bao lâu là do các NXB tự quyết định. Với những gì đang diễn ra đối với SGK lớp 1 hiện nay, có nên để cho NXB tự tổ chức thực nghiệm sách trong thực tế, thưa ông?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Giao cho Nxb làm công việc như vậy là hoàn toàn sai chức năng, nhiệm vụ. Chúng ta hãy kiểm tra lại Luật xuất bản xem ở đó qui định thế nào, đồng thời kiểm tra lại các Thông tư hướng dẫn…Nxb mà làm công việc tổ chức thực nghiệm thì đương nhiên sai lầm là khó tranh khỏi vì đó đâu phải là trách nhiệm của Nxb? Công việc đó là của Bộ giáo dục. Nếu không sinh ra Bộ giáo dục để làm gì? Bộ Giáo dục có rất nhiệu Vụ, Ban ngành, các phòng chức năng. Theo tôi họ phải làm việc này.
MC: GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cũng cho rằng, quá trình thực nghiệm SGK lớp 1 vừa qua quá vội vàng. Quá trình này nếu được Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ khách quan và tốt hơn. Vậy theo ông, Bộ GD&ĐT cần có vai trò như thế nào trong việc thực nghiệm trước khi đưa vào giảng dạy chính thức?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Như tôi vừa phân tích, Bộ Giáo dục phải nhận lấy trách nhiệm này. Còn việc Bộ giao cho Vụ nào, Ban nào, Phòng nào hoặc phối hợp giữa các bộ phận thì phải cân nhắc. Giao cho Nhà xuất bản là không đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
MC: Hiện SGK lớp 2, lớp 6 cũng đang trong thời gian thẩm định. Theo ông, đội ngũ làm SGK và thẩm định cần lưu ý những vấn đề nào để không tái diễn tình trạng như SGK lớp 1 năm nay?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Thứ nhất là, cần phải tìm các nhà chuyên môn thực sự chứ không chỉ dựa vào chức danh thuần túy. Ai cũng biết có nhiều người có chức danh nhưng thực sự chuyên môn lại rất tầm thường, chưa nói kiến thức tổng hợp lại thiếu. Đó là chưa kể nó lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác mà nói ra thì thiếu tế nhị. Giỏi chuyên môn, nhưng phải công tâm, khách quan mới được vì vấn đề SGK liên quan tới đào tạo nhân tài cho đất nước. Chúng ta làm không cẩn thận đôi khi còn mắc tội với lịch sử. Cách làm như thế nào, đó là câu chuyện phải suy nghĩ rất nghiêm túc.
MC: Năm nay là năm đầu tiên cũng là lần đầu tiên chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK theo một chương trình thống nhất. Qua tất cả những chuyện này, theo ông chúng ta rút ra những bài học gì?
PGS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi cho là, có nhiều bộ SGK khác nhau thì không thể nói là thống nhất. Nếu thống nhất sao lại xảy ra những chuyện như vừa rồi. Còn nói bằng ngôn từ rất đẹp “định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh” thì rất sáo vì thực tế, kết quả như bộ sách vừa rồi là làm thui chột đi khả năng của các em,dẫn các em vào chỗ tối tăm của từ ngữ và tư duy. Nên nhìn thẳng như vậy mới rút được kinh nghiệm.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.
Powered by Froala Editor