Viện phương đông

3 năm trước

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh

Vừa qua, VTV1 phát bộ phim tài liệu "Hai đất nước - một trái tim: Nước Nga trong tôi” về PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam đồng thời là nhà nữ khoa học đầu tiên vinh dự nhận Huy chương Pushkin, do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng.

Powered by Froala Editor

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà về GS Hoàng Tuệ (đã đăng trong kỉ yếu “Viện Ngôn ngữ học – 50 năm, một chặng đường”, NXB Khoa học Xã hội, 2018) để người đọc có thể thấy được sự vất vả, sự hi sinh và tấm gương phấn đấu không mệt mỏi của các nhà khoa học nữ nói riêng và của các nhà khoa học Việt Nam nói chung trong thời kì Đất nước còn nhiều khó khăn.

 

GIÁO SƯ HOÀNG TUỆ - NGƯỜI ĐỊNH HƯỚNG KHOA HỌC CHO TÔI


Trước mắt tôi là Tuyển tập Ngôn ngữ học của GS Hoàng Tuệ dày gần 1.200 trang có 5 phần gồm 70 bài viết và một Phụ lục lớn lao mà ông cống hiến cho nền Ngôn ngữ học nước nhà cũng như về nhân cách lớn của ông như một nhà khoa học, một nhà quản lí tài năng.

Trong bài này tôi chỉ muốn ôn lại những kỉ niệm mà số phận đã cho tôi có may mắn được biết anh, được làm việc dưới sự dìu dắt, khích lệ, động viên, tin tưởng giao nhiệm vụ của anh như bậc tiền bối với một đồng nghiệp đàn em còn non trẻ.

Năm 1961, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lênin tại Moskva (Liên Xô) và được phân công về dạy tiếng Nga ở Trường ĐHSP Hà Nội, Tổ Ngoại ngữ, nhóm Tiếng Nga, do GS Phạm Huy Thông làm Hiệu trưởng. Mới chập chững vào đời, mọi việc còn bỡ ngỡ trong cả sinh hoạt lẫn công việc nên tôi luôn cố gắng học hỏi các anh chị đi trước và được tận tình giúp đỡ. Tôi dạy môn Thực hành tiếng ở năm thứ 1 được nửa năm, thì bất ngờ một hôm được anh Phạm Huy Thông gọi lên hỏi: “Bên Tổ Ngoại ngữ ở khoa Ngữ văn trường ta có nhu cầu xin một người biết tiếng Nga về để giúp họ dịch những bài về ngôn ngữ phương Đông của các nhà lí luận Đông phương học Nga, nhằm bồi dưỡng cho cán bộ trong tổ, cô nghĩ sao?”. Tôi thoáng có chút lo lắng vì không được học phổ thông cấp III ở Việt Nam, nên tiếng Việt kém, mà đây lại là những bài viết về khoa học chắc là rất khó dịch vì bản thân nội dung khoa học đã khó, hệ thống thuật ngữ không biết, nhưng đồng thời cũng có chút an ủi là bù lại, mình được học thêm một chuyên ngành mới qua trải nghiệm; thêm vào đó còn là sự tuân thủ vô điều kiện sự phân công của cấp trên, nên tôi đồng ý. Vậy là tôi phải “chuyển ngành” ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp giáo dục.

Người đầu tiên tôi gặp khi về nhận công tác là anh Hoàng Tuệ – Tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ. Nhìn dáng ngoài bệ vệ của anh tôi hơi ngần ngại, khi đọc xong giấy giới thiệu của tôi, anh vui vẻ bắt tay tôi và nói: “Cuối cùng thì tôi cũng xin được người tôi cần!”. Thấy anh có vẻ tin tưởng tôi liền trình bày với anh là tôi chưa hề có kinh nghiệm gì trong công việc mà anh định giao và mong anh cũng như các anh trong Tổ giúp đỡ. Anh thân mật vỗ vai tôi và nói: “Cứ yên tâm đi, trong Tổ có cô là bé nhất lại là con gái duy nhất thế nào cũng được các anh tận tình giúp đỡ”. Buổi họp đầu tiên anh giới thiệu tôi với cả tổ và giao luôn nhiệm vụ cho tôi dịch một số bài của các chuyên gia Nga về tiếng Hàn và tiếng Việt, về ngôn ngữ học đại cương và sẽ trình bày trước tổ, còn anh dịch quyển “Ngôn ngữ học đại cương" của F. de Saussure và báo cáo từng phần cho cả tổ nghe và thảo luận.

Nhờ vậy mà tôi có dịp đào sâu tìm hiểu những vấn đề ngôn ngữ học đại cương cũng như loại hình học của những học giả tên tuổi trên thế giới như: Akhmanova O.S. và Smirnhitskij A.I.; Boduen de Courtene; Scherba L.V. ; Dragunov A.A.; Korotkov N.N., Jakhontov S. E, Solncev V.M. và Solnceva N.V., Reformatskij A.A., Rozhdestvenskij v.v và v.v. Đọc hiểu là một chuyện, còn dịch và trình bày lại là một chuyện khác. Mỗi tuần tôi phải dịch một bài và trình bày lại cho Tổ. Ban đầu dĩ nhiên là rất khó khăn, thậm chí còn quá ngây ngô làm cho cả Tổ phải bật cười, nhưng rồi tôi cũng chóng quen và thấy lí thú vì biết thêm nhiều điều mới lạ và chợt hiểu ra là kiến thức học được ở đại học còn quá sơ đẳng để có thể làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học. Anh Tuệ rất có ý thức xây dựng đội ngũ khoa học trẻ bằng cách bồi dưỡng và trao nhiệm vụ như thế đó. Ngoài những buổi sinh hoạt ở Tổ ra chúng tôi còn dự lớp của các anh Nguyễn Tài Cẩn, chị Nona Stankevich ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham dự các Hội thảo khoa học được tổ chức ở Viện Ngôn ngữ học và các khoa Ngữ văn ở các trường, nghe những báo cáo của các anh Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo v.v. và cứ thế hằng tuần, hằng tháng tôi đi dự đều đặn, không bỏ bữa nào, tạo được cho mình một phông nền kiến thức ban đầu về kĩ năng dịch thuật về những vấn đề khoa học.

Sau 3 tháng anh Tuệ lại giao thêm cho tôi nhiệm vụ mới – lên lớp chuyên đề “Ngôn ngữ học dẫn luận”. Tôi hơi run vì chưa bao giờ đứng lớp trước cả 100 sinh viên đọc bài giảng, trước đó tôi chỉ dạy tiếng Nga cho lớp khoảng 20 người bằng cách luyện nói, nghe, đọc, viết – theo kiểu thực hành, nhưng vốn có tính tuân thủ và cũng muốn thử sức mình nên tôi bắt tay vào việc chuẩn bị bài giảng. Cũng may là trong số 270 kg sách được gửi tàu biển chuyển về của tôi có 4 đến 5 quyển “Dẫn luận ngôn ngữ học” của Reformatskij A.A., Agajan E.P, Golovin B.V., Zvegincev V.A. và một số bài báo đề cập đến những vấn đề lí luận ngôn ngữ học nên tôi cũng có tạm đủ tài liệu tham khảo để soạn thảo các bài giảng. Tôi còn nhớ chuyên đề này gồm có 15 bài, mỗi bài 2 tiết. Để có thể giảng 2 tiết tôi phải viết tay khoảng 17-18 trang, làm đề cương chi tiết, trình bày trước ở nhà xem có gói gọn trong 2 tiết học không, dự đoán những câu hỏi của sinh viên để trả lời. Được chuẩn bị khoảng một tháng thì tôi bắt đầu lên lớp. Nhìn xuống dưới thấy cả tổ ngồi dự, có cả đại diện của khoa, anh Hoàng Tuệ cười động viên nên tôi cũng mạnh dạn. Nhờ có vốn tiếng Nga và đã tập trình bày ở Tổ nên tôi được đánh giá là đã hoàn thành khóa học tốt.

Trong thời gian này tôi đã lập gia đình và có bầu cháu đầu lòng. Anh Tuệ lại giao nhiệm vụ mới – giảng phần cấu tạo từ tiếng Việt – Tôi lại tuân thủ sự phân công, và cũng nhờ có nhiều tài liệu tham khảo về ngôn ngữ loại hình đơn lập nên tôi có phần tự tin hơn khi bắt tay vào việc. Có kỉ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Hồi đó nhà tôi ở 38 Trần Phú, nhà anh Tuệ ở 43 Nguyễn Thái Học, phía sau một trường tiểu học, vì vậy tôi thường sang xin ý kiến anh mỗi khi gặp khó khăn, và bao giờ anh cũng tiếp tôi rất chu đáo, bảo các cháu ra mua mít, dứa hoặc bánh rán ở ngay chợ Cửa Nam để mời tôi, tuyệt đối không bao giờ uống nước chè suông. Biết anh đã từng dạy ở Ba Lan 3 năm nên thích ăn bánh mì với bơ và patê, nhà tôi lại có tiêu chuẩn của các cụ ở Tôn Đản, hàng ngày từ 3 giờ sáng em gái tôi đã đi xe đạp xuống xếp hàng mua mấy thứ đó không hạn chế tiêu chuẩn, nên tôi bảo em tôi mua cho cả nhà anh, thế là tình thân giữa gia đình tôi và gia đình anh, cả chị và các cháu gắn bó hơn.

Hồi đó tôi không có xe đạp và cũng không biết đi xe đạp, chồng tôi là quân nhân nên phải đi làm đúng giờ không thể đèo tôi đi dạy lúc mang bầu được. Thấy tôi đi xe buýt, anh Tuệ không cho, bắt tôi sang để anh đèo bằng chiếc xe đạp cọc cạch vào trường lên lớp. Anh vốn đã “bệ vệ”, tôi mang bầu cũng khá “bệ vệ”, hai anh em ngồi trên chiếc xe đi gần chục cây số tôi chỉ lo bị nổ lốp. Có lần họp công đoàn anh bèn đề nghị vui là phải cấp thêm cho anh một chiếc lốp nữa để đèo tôi đi làm, đùa vậy mà công đoàn cũng cấp thật, có lốp mới hai anh em yên tâm hơn. Giá cứ tiếp tục như vậy thì chắc tôi đã thành nhà Việt ngữ học rồi.

Nhưng rồi lại có biến động. Anh Phạm Huy Thông lại gọi tôi lên: “Tình hình chính trị hiện nay phức tạp, quan hệ giữa ta và Liên Xô có bất đồng vì vậy họ rút hết chuyên gia Nga về nước, cho nên bên đó thiếu thầy dạy tiếng Nga, cô lại trở về Tổ Ngoại ngữ dạy nhé”. Lúc đó tôi mới sinh cháu đầu lòng được 2 tháng, trường phân cho căn phòng 9m2 ở phía sau của ngôi nhà tranh vách cót vừa đủ kê một giường đơn và một ghế băng để hai vợ chồng và cháu bé ngủ, bên cạnh vừa đủ chỗ kê một chiếc bàn nhỏ để vừa làm việc vừa ăn cơm, phía sau giường là một dây treo các móc quần áo. Tuy vậy, tôi cũng có một chiếc chụp đèn bằng vải màu xanh để khỏi chói mắt cháu. Có lần anh Tuệ ghé sang chơi cứ khen: “Nhà chật hẹp mà trông cũng ngăn nắp ấm cúng quá nhỉ!”. Khi cháu được 3 tháng tôi gửi nhà trẻ của trường có chị vợ anh Lại Cao Nguyện – Phó chủ nhiệm khoa Trung – phụ trách. Phòng anh ở đối diện phòng tôi nên rất tiện; hôm nào tôi về muộn nhờ chị đón cháu về nhà, vậy là tôi có thể tham gia đầy đủ mọi hoạt động của khoa, kể cả học tiếng Anh ban tối và đi hành quân ban đêm đến tận Cầu Diễn của chi đoàn thanh niên tổ chức mà tôi là Phó bí thư. Tuy đã về khoa Nga làm việc nhưng khi nào có Hội thảo khoa học về tiếng Việt anh Tuệ cũng không quên báo cho tôi biết để đi dự, còn tôi ý thức được là khi biết đặc trưng khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Nga thì sẽ dự đoán trước được những lỗi của người học có thể mắc phải và có thủ pháp thích hợp để rút ngắn quá trình dạy học.

Rồi một mốc nữa không thể quên được – đó là giữa năm 1965 Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, con tôi mới 2 tuổi rưỡi tôi phải gửi cháu sơ tán theo nhà trẻ của Trường Kinh tế Kế hoạch tận Bất Bạt, nơi bà nội cháu làm việc. Nhà tôi đóng quân ở Phú Thọ, hàng tuần chúng tôi gặp nhau để thăm con ở Bất Bạt được 1-2 giờ rồi ra tàu hỏa kẻ xuôi người ngược, hẹn đến tuần sau lại gặp nhau.

Khoảng cuối năm 1965 anh Phạm Huy Thông lại gọi tôi lên và thông báo là trường quyết định cử tôi đi học NCS ở Liên Xô và đã được trường cũ nhận. Anh nói lí do vì tôi là người Miền Nam nên ưu tiên đào tạo để sau này về Nam phục vụ. Hồi đó đâu có quyền từ chối, tuy tôi không đành lòng để cháu bé ở nơi bom đạn một mình với ông bà nội. Khi tôi nói cho gia đình nội ngoại biết tin này, cả hai bên các cụ đều động viên và sẵn sàng giúp đỡ nuôi cháu để tôi yên tâm học tập. Vào tháng 12 tôi tập trung học nội quy và lên tàu hỏa sang Moskva đúng 30 tết. Trước khi đi tôi lên Bất Bạt thăm con, khi về khóc suốt dọc đường, rồi khi lên tàu hỏa qua biên giới Trung Quốc sang Liên Xô, tôi bỗng khóc òa lên vì nghĩ, không biết khi về đất nước có còn đồi núi, ruộng vườn xanh tươi như thế này nữa không? Trước khi đi tôi có ghé qua nhà anh Hoàng Tuệ để chia tay và xin ý kiến anh về đề tài luận án: “Phạm trù thời thể của động từ tiếng Nga đối chiếu với tiếng Việt”, anh ủng hộ tôi nhưng có nhắc nhở đó là một đề tài khó vì vấn đề hình thái học trong tiếng Việt chưa được đề cập và giải quyết thỏa đáng.

Tôi may mắn được thầy chủ nhiệm bộ môn - GS Golanov, chuyên gia đầu ngành Hình thái học tiếng Nga nhận làm NCS với đề tài trên. Tôi theo học các lớp chuyên đề về lí thuyết để thi tối thiểu và đồng thời chuẩn bị đề cương luận án để thông qua Tổ bộ môn. Thật bất ngờ và chẳng may cho tôi thầy tôi ốm nặng và qua đời. Tôi lại phải xin thầy hướng dẫn mới, lại đổi đề tài cho hợp ý thầy, nửa năm sau thầy lại đi công tác sang Đức một nhiệm kì 3 năm, một lần nữa tôi lại phải thay thầy hướng dẫn và đổi đề tài thành: “Thức mệnh lệnh của động từ tiếng Nga đối chiếu với tiếng Việt” – Lần này là một cô giáo rất xinh đẹp và hiền hậu, cô là bí thư chi bộ của Tổ bộ môn, PGS. TS Chelencova M.S.

Trong thời gian đó có anh Nguyễn Văn Thạc đang thực tập ở Viện Đông phương học mách tôi là anh ấy đang dự một chuyên đề về Loại hình học do Viện phó, chuyên gia tiếng Hán và một số ngôn ngữ Đông Nam Á, trong đó có cả tiếng Việt là GS. TS Solncev V.M. Tôi liền đề nghị anh giúp tôi xin ông cho tôi dự lớp, ông đồng ý ngay và thế là hàng tuần tôi sang bên đó dự. Không ngờ tôi cũng giúp ích được ông: những chỗ khó, thực tập sinh không hiểu vì họ chỉ học có một năm dự bị tiếng Nga, còn tôi chuyên ngành tiếng Nga, lại được anh Hoàng Tuệ giao trách nhiệm dịch một số bài cho Tổ Ngôn ngữ nên cũng nắm được vấn đề vì vậy tôi đã vô tình là phiên dịch của ông. Khi nghe tôi trình bày với ông về đề tài nghiên cứu của tôi, ông đề xuất với Trường Đại học Sư phạm Lê nin cho ông đồng hướng dẫn vì luận án của tôi có một chương về tiếng Việt.

Đúng là cái duyên trời định cho tôi kết nối hai nhà khoa học – sau này là hai Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học của Liên Xô và Việt Nam, hai người thầy đã đồng hành cùng tôi trong suốt ba chục năm trời.

Năm 1970 tôi đã bảo vệ luận án PTS và được đề nghị phía Việt Nam chuyển tôi sang Viện Ngôn ngữ để sang Liên Xô làm cộng tác viên khoa học của Viện Đông phương học và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ (TSKH) trên cơ sở luận án PTS. Tôi đã xin và được lãnh đạo Viện Ngôn ngữ là anh Nguyễn Kim Thản đồng ý, nhưng phía bên Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên kiên quyết không đồng ý và tuyên bố: “Nếu từ nay ai đi về cũng xin chuyển sang công tác khác thì tôi sẽ không cử ai đi học nữa”. Tôi thấy rằng ông có lí, nên cũng rất vui lòng về lại khoa Tiếng Nga của Trường ĐHSPNN Hà Nội (đã được tách khỏi ĐHSP HN) làm việc. Lúc đó trường gồm 4 khoa có hơn 1.500 sinh viên, riêng khoa Nga có đến nghìn người mà không có chuyên gia Liên Xô nên rất cần cán bộ có trình độ sau đại học. Trong thời gian này anh Hoàng Tuệ được cử về làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam, thầy tôi cũng được chuyển về làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện HLKH Liên Xô. Giữa hai viện có nhiều công trình hợp tác, thường xuyên có các đoàn sang trao đổi. Cứ 2 năm lại tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế do 2 viện chủ trì. Tôi thường được anh Hoàng Tuệ và thầy Solncev đề nghị làm phiên dịch các báo cáo từ Nga ra Việt và từ Việt ra Nga. Tôi không tự tin lắm khi dịch trong khán phòng có mặt nhiều chuyên gia đầu ngành bậc thầy như bác Nguyễn Khánh Toàn, anh Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo v.v ngồi nghe. Trước khi dịch thầy tôi nhờ tôi dạy cho thầy một câu tiếng Việt: “Tôi không giỏi tiếng Việt nên không dám “múa rìu qua mắt thợ” và nhờ chị Tuyết Minh dịch hộ”, cả khán phòng cười vui vẻ khi nghe giọng nói lơ lớ của ông. Còn tôi cũng nhân đó tiếp lời ông: “Tôi cũng không rành các chuyên ngành sâu nên cũng không dám “ múa rìu qua mắt thợ” mà đây lại là toàn thợ giỏi, đầu ngành, nên chỗ nào không biết thuật ngữ tiếng Việt nhờ các thợ cả giúp cho”. Thế là không khí trở nên vui vẻ và tôi cũng đỡ căng thẳng. Qua những buổi dịch như vậy tôi đã học tập được rất nhiều và trưởng thành trong chuyên môn, trở thành phiên dịch không thể thiếu được mỗi lần đoàn của thầy tôi sang Việt Nam hoặc đoàn của Viện ngôn ngữ Việt Nam sang công tác.

Năm 1971 tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga và được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cử tham gia vào Ban bồi dưỡng và chấm thi tuyển đi học NCS ở Liên Xô. Tôi lên lớp chuyên đề Hình thái học tiếng Nga, anh Bùi Hiền – Từ vựng học, anh Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ học đại cương và dẫn luận v.v. Những chuyên ngành tiếng Nga được trình bày bằng tiếng Nga khi giảng cũng như thi viết, Ngôn ngữ học đại cương và dẫn luận – trình bày bằng tiếng Việt. Đến khi thi vì không biết thuật ngữ tiếng Việt “niêm kết” và “hòa kết” là gì nên những thí sinh tiếng Nga làm bài thi bị điểm thấp. Tôi đến gặp anh Hoàng Tuệ, đề nghị lần sau ra đề nên cho thêm trong ngoặc tiếng Nga hoặc tiếng Pháp để thí sinh hiểu nội dung làm bài. Anh tủm tỉm cười có chút giễu cợt: “Ở đời có nhiều chuyện buồn cười vậy đấy cô ạ: người thi đỗ thì không học được và viết được luận án vì kém tiếng Nga, còn người học được thì lại thi không đỗ (hồi đó nghiên cứu tiếng Việt cũng phải sang Viện Đông phương học Liên Xô học như các anh Hoàng Trọng Phiến, Phạm Đức Đương v.v.) Nói vậy nhưng lần sau anh cũng rút kinh nghiệm khi ra đề.

Có một lần tôi được mời đi dịch cho cuộc đàm phán kế hoạch hợp tác khoa học giữa Ủy ban KHXH VN mà bác Nguyễn Khánh Toàn làm chủ tịch và phía Liên Xô là thầy tôi, khi đó là GS.TSKH Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, phụ trách Ban hợp tác khoa học với các nước Đông Nam Á. Anh Tuệ theo lịch sự phương Tây giới thiệu: “Nhờ cô Tuyết Minh xinh đẹp dịch giúp”. Bác Nguyễn Khánh Toàn thì thêm vào theo kiểu bề trên: “Thông minh nhưng không xinh đẹp đâu” (mà hồi đó tôi gầy còm, da lại đen, xấu thật), tôi cũng cười trả lời: “Cháu cũng không cần xinh đẹp vì làm phiên dịch chỉ cần dịch tốt là được”. Bác an ủi: “Tôi đã nghe cháu dịch nhiều lần rồi, nhớ phải dịch cho chính xác cả những ẩn ý nữa nhé!”. Trong buổi đó tôi thấy cách ứng xử của anh Tuệ có hơi khác, hình như có vẻ nhún nhường không có tính “bất cần” mọi khi, thường thì anh vốn tính hơi ngang ngang, độc lập, bình đẳng với cấp trên. Tôi tủm tỉm cười. Anh hiểu ý tôi, khi ra về anh vẫn đèo tôi bằng chiếc xe đạp cọc cạch như trước kia và nói như có vẻ thanh minh: “Có nhiều khi người khác lẩm cẩm làm cho mình cũng lẩm cẩm theo cô ạ!”. Tôi an ủi anh: “Em hiểu mà, ‘nhập gia tùy tục’, chứ biết làm sao?”.

Nhà tôi và anh Hoàng Tuệ ở gần nhau; tôi ở KTT Giảng Võ, còn anh ở Thành Công. Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường anh đi làm về. Có lần tôi đang mua rau ở dọc đường, tự nhiên có người vỗ vai tôi, quay lại thấy anh Tuệ vui vẻ chào tôi, hỏi có khỏe không, công việc thế nào, và chia tay; tôi thấy rất ấm lòng vì quan tâm đến tôi mà anh phải xuống xe, qua đường để thăm hỏi tôi trong giờ đi làm về đông đúc.

Đến năm 1982, tôi được Bộ Đại học cử đi Liên Xô để hợp tác với Viện Tiếng Nga Pushkin biên soạn giáo trình “Tiếng Nga dành cho khoa ngữ văn các trường đại học Việt Nam” cùng với anh Hoàng Lai và Trương Đình Bính. Kế hoạch là mỗi năm đi 4 tháng vào dịp hè và viết xong một bộ sách dạy cho một năm gồm sách cho sinh viên, sách cho giáo viên, sách bài tập ngữ âm và sách đọc thêm. Đó là giai đoạn ở Việt Nam vô cùng khó khăn về kinh tế. Ai đi cũng phải mang một số thứ sang bán và mua một số thứ về để bán ở Việt Nam, cải thiện đời sống với số lượng cho phép theo quy định. Trước khi đi mỗi người đến gửi một tí, có khi 3, 4 người gửi chung 1 quần bò (vì tiêu chuẩn chỉ đựơc 2 chiếc), 2 người 1 kính râm… nên không nỡ từ chối. Vì vậy tôi chỉ mang đi rất ít để qua hải quan không bị mở va li khám xét hành lí, chứ nhỡ ra bị bỏ lại thì xấu hổ trước mặt hàng trăm sinh viên đi học chuyển tiếp sinh. Khi soạn bộ sách giáo khoa này tôi đã đề nghị bạn ứng dụng nguyên tắc “có tính đến đặc trưng tiếng mẹ đẻ” vì chuyên dùng để dạy cho người Việt ở Việt Nam tức trong điều kiện không có môi trường ngoại ngữ. Vì vậy ngữ liệu tổ chức theo các chủ điểm giao tiếp chú trọng tổng kết phần cấu trúc ngôn ngữ trong bài ôn – tức là chốt phần cứng, để người học tự sản sinh ra phần mềm. Quan điểm này được bạn chấp nhận và do phía Việt Nam biên soạn. Lần đầu tiên tôi đã ứng dụng thành quả đối chiếu vào phương pháp dạy-học ngoại ngữ ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và tu từ. Trong thời gian này lần nào sang tôi cũng đến gặp thầy Soltnsev, về nhà ông ăn cơm và trao đổi với ông về chuyên môn. Tôi được biết khi đó Viện Ngôn ngữ Việt Nam và Ban Ngôn ngữ Phương Đông của Liên Xô đang triển khai công trình hợp tác là Biên soạn Từ điển song ngữ Việt-Nga do phía Nga tài trợ. Bên ta chỉ cử một chuyên gia sang hợp tác – anh Nguyễn Văn Thạc, trưởng Ban Từ điển của Viện Ngôn ngữ, hiện anh đang tiến hành soạn Bảng từ là cấu trúc vĩ mô của Từ điển. Để biên soạn Từ điển Việt-Nga phải thông thạo tiếng Nga mới có thể đảm nhiệm được, cần có người Việt chuyên ngành Nga ngữ học tham gia. Ông sực nhớ ra tôi và lập tức đề nghị anh Hoàng Tuệ chấp thuận. Sau đợt đi thứ tư, vào năm 1986 tôi về nước, cũng như mọi lần, tôi đến thăm anh Tuệ và có chút quà biếu anh, anh nhìn tôi có chút bí ẩn, rồi hỏi: “Nếu Viện Ngôn ngữ cử sang Nga để hợp tác biên soạn Từ điển Việt-Nga thì cô nghĩ sao?”. Lần này thì đi cả gia đình nên cô không ngại xa con nhỏ nữa”. Tôi không ngờ mọi việc lại tiến triển nhanh như vậy, tuy có biết trước từ phía thầy Solncev, nhưng tôi vẫn băn khoăn vì chưa bao giờ làm Từ điển cả. Vả lại dễ gì Bộ giáo dục cho tôi đi? Anh Tuệ nhắc lại chuyện xưa: “Hồi cô được cử về Tổ Ngôn ngữ của khoa Văn ĐHSP Hà Nội 25 năm về trước, cô cũng lo không làm được, vậy mà đã làm tốt đó thôi, còn việc xin chuyển sang Viện Ngôn ngữ theo ngạch hợp tác của Viện Hàn lâm Khoa học để tôi lo”. Lúc đầu chỉ biệt phái mấy năm, song khi chuyển hướng hợp tác sang thành biên soạn Đại Từ điển Việt-Nga, đòi hỏi phải nhiều năm, nên tôi chuyển hẳn sang Viện Ngôn ngữ. Việc lớn như vậy mà đội ngũ chỉ có vài ba người, tôi đề nghị thầy – là chủ nhiệm công trình phía Nga – xin thêm anh Trần Văn Cơ và Vũ Lộc là hai chuyên gia đầu ngành tiếng Nga của Việt Nam hiện đang thực tập và công tác tại Moskva cùng tham gia. Thầy chấp nhận. Vậy là phía Việt Nam có 3 tác giả chính, sau này mời thêm một số người Việt hiện đang học và công tác bên đó biết tiếng Nga tốt cùng tham gia. Về phía Nga – cán bộ chính thức của Viện cũng chỉ có 2 người, sau mời thêm một số người có chuyên ngành tiếng Việt kinh tế và xã hội về tham gia chính thức ở công trình trong biên chế của Viện. Công trình hợp tác khó và lớn như vậy mà đội ngũ quá mỏng lại không chuyên sâu nên kéo dài đến 16 năm mới hoàn thành bản sơ thảo, đã có biên tập từng đôi và được ban biên tập chung chỉnh sửa lại lần thứ nhất. Kinh phí hết, thầy Solncev đã ra đi năm 2000, anh Hoàng Tuệ cũng ra đi trước thầy một năm, tưởng như công trình bị bỏ dở. Cũng may mà phía Việt Nam được Ủy ban KHXH và NV cấp kinh phí để mời cộng tác viên cùng các tác giả và cán bộ của Ban Từ điển Viện Ngôn ngữ biên tập, hàng năm ta sang họ 2-3 người theo tiêu chuẩn trao đổi tương đương hoặc họ sang ta từ 3 tuần đến 1 tháng để ngồi lại với nhau biên tập những chỗ khi mà một bên không thể giải quyết được. Sau 10 năm hết hạn, tuy chưa được hoàn toàn như ý muốn, song cũng phải in để có thành phẩm rồi sẽ sửa chữa khi tái bản. Thế là năm 2013 Đại Từ điển Việt-Nga gồm 2 tập, hơn 2.600 trang đã ra đời với 80.000 mục từ. Quan điểm đối chiếu lại được tôi đề xuất và Ban cố vấn cũng như tập thể tác giả chấp nhận, đã đưa Từ điển lên 1 bước phát triển mới, không đơn thuần làm chức năng tra cứu mà còn là sách giáo khoa dạy cho người Nga và người Việt sử dụng tốt các kĩ năng giao tiếp.

Trong suốt 16 năm làm việc ở Viện Ngôn ngữ, ăn lương như một cán bộ Nga (khoảng 70-100$ một tháng), thiếu thốn mọi bề, chồng tôi phải làm quản lí nhà hàng cho cậu em để nuôi gia đình, lương cao gấp 6-7 lần lương tôi, nhờ vậy mà tôi toàn tâm toàn ý vì công việc. Trong thời gian này nhiều đồng nghiệp sau tôi và một số học trò ở Viện Pushkin bảo vệ luận án Tiến Sĩ (TSKH), thầy tôi bảo tôi sửa thêm phần tổng quan của luận án cũ (viết cách đó 30 năm) và in thành chuyên khảo để có công trình. Tôi chiều ý thầy, sau khi làm việc ở Viện, ghé qua thư viện Lê Nin gần đó biên tập, chỉnh sửa luận án, đọc thêm tài liệu bổ sung cho đến 10 giờ đêm khi thư viện đóng cửa mới về. Sau 4 tháng miệt mài, không nghỉ cả thứ 7 và chủ nhật tôi đã hoàn tất nhờ anh Trần Văn Cơ đánh máy một chương, con gái tôi và nhà tôi đánh máy 2 chương, anh Cơ chế bản, rồi gửi in thành sách với tên gọi “Những bình diện hình thái học chức năng – Phạm trù chức năng ngữ nghĩa khiến động trong tiếng Nga và tiếng Việt”. Khi sách được in rồi, Hội đồng Khoa học Viện Ngôn ngữ đề xuất tôi dùng sách để bảo vệ tiến sĩ (TSKH). Đúng lúc đó tôi bị bệnh thần kinh zona, nhức nhối một nửa đầu nằm gần 2 tháng, vừa ốm vừa viết tóm tắt luận án để bảo vệ vào tháng 6 năm 2000, rất tiếc là thầy tôi đã ra đi vào tháng 3 nhưng ông biết trước và hài lòng vì tôi đã hoàn thành ước nguyện của ông.

Đến năm 1997, con gái tôi đã tốt nghiệp phổ thông và học xong năm thứ 1 khoa Luật Trường ĐHSP Lênin, bấy giờ đổi tên là ĐHTHSP. Tôi phát hiện cháu kém tiếng Việt, mà học luật nhưng lại kém tiếng Việt là không ổn chút nào. Tôi quyết định để 2 ba con về nước chuyển sang học tiếng Anh và tiếng Nga, Sở dĩ tôi quyết định như vậy vì nhớ lại hoàn cảnh trước kia của tôi. Và thế là trong 7 năm cháu đã tốt nghiệp loại giỏi chính khoá hai chuyên ngành. Đầu năm 1999 vào dịp Tết Nguyên Đán tôi về thăm gia đình và không quên ghé qua thăm anh Hoàng Tuệ. Lúc đó anh ốm nặng, không ngồi dậy được và không tiếp người đến thăm. Nhưng khi nghe chị bảo có cô Tuyết Minh ở Moskva về thăm, anh cho phép tôi lên gác, bảo tôi ngồi gần lại giường. Anh gượng ngồi dậy cầm tay tôi và hỏi thăm công việc bên kia thế nào? Tôi nghẹn ngào khi nghe anh gọi tôi là em và khi ra về cả tôi và anh đều linh cảm đây là lần gặp cuối cùng. Và đúng vậy, tháng 6 năm đó anh đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao xót thương cho tập thể cán bộ hai Viện Ngôn ngữ đã từng làm việc dưới sự lãnh đạo, bao dung và tin tưởng giao việc, động viên, khích lệ của anh để hoàn thành tốt công việc dù có là quá sức.

Cả đời tôi, tôi làm việc để khỏi phụ lòng tin của hai người thầy là ông Solncev và anh Hoàng Tuệ chứ ít khi nghĩ đến công danh.

Mỗi lần đoàn công tác sang tôi đều là người phiên dịch ở các cuộc hội đàm, sau khi đoàn về, các bạn Nga hay bình luận ngoài lề về tính cách của từng người. Họ đều thống nhất nhận xét: anh Hoàng Phê là người rất khiêm nhường, tinh tế trong ứng xử, sâu rộng trong chuyên môn, anh Hoàng Văn Hành xởi lởi, hòa đồng, cụ thể trong công việc, còn anh Hoàng Tuệ là người trí thức đích thực, từ trong cách ăn nói, cử chỉ, động thái đến cách ứng xử - mà vẻ trí thức đó không thể giả tạo được, nó toát ra từ bên trong.

Còn đối với riêng tôi, thì GS Hoàng Tuệ là người thầy đặt nền móng cho con đường NCKH suốt cả cuộc đời tôi, là người bạn lớn luôn thấu hiểu và chia sẻ vui buồn cùng tôi, là người anh cả trong gia đình mà tôi tin cậy tuyệt đối.

Anh đã để lại dấu ấn trong đường đời tôi và cho đến tận bây giờ tôi vẫn tiếp bước theo những vết chân đó để trở thành một người hữu ích và đến khi rời khỏi cuộc đời này cố gắng để lại một chút gì đó cho thế hệ mai sau tiếp nối. Được vậy thì tôi cũng thấy yên lòng rồi vì mình sống không vô ích.

Đặc biệt tôi thấy rất thanh thản khi 4-11-2017 vừa qua tôi vinh dự được Tổng thống LB Nga Putin ký sắc lệnh trao tặng Giải thưởng Quốc gia – Huy chương Pushkin vì những đóng góp của tôi trong việc phổ biến tiếng Nga tại Việt Nam. Thế là tôi cũng không phụ lòng tin tưởng của 2 người thầy mà tôi cả đời mang ơn.

Nhân kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Ngôn Ngữ học Việt Nam tôi có đôi lời chia sẻ về GS Hoàng Tuệ để mọi người biết thêm về anh và tưởng nhớ đến anh.

 


 

 

 

Powered by Froala Editor