Viện phương đông

4 năm trước

Phó Giáo sư Lê Đức Niệm - Người hồn nhiên nhất thế giới

Tôi còn nhớ, thời tôi học năm thứ nhất, chúng tôi nghe ông giảng về Đỗ Phủ, vè Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên và các thi sĩ nổi tiếng đời Đường. Đúng là thôi rồi! Chỉ còn há hốc mồm ra mà nghe. Ông giảng say sưa lắm. Giọng ông cất lên vi vút, lúc khoan khoan dìu dặt, lúc bừng sôi như sóng biển ập bờ. Tôi không quên được hình ảnh ông lúc ông giảng bài. Đôi mắt lim dim, ông đi dọc giữa lớp, ngân nga:

Thiếp ở Tương giang đầu

Chàng ở Tương giang cuối

Cùng uống nước sông thương…

Powered by Froala Editor

Hồi thứ mười

Lê Đức Niệm trồng chuối giữa khoa

Nguyễn Kim Đính thà buồn hơn khổ.

  II. Phó giáo sư Lê Đức Niệm.

Người hồn nhiên nhất thế giới.

           Có lẽ trong cuộc đời tôi chưa từng gặp ai hồn nhiên như phó giáo sư Lê Đức Niệm. Sự hồn nhiên toát lên cả trong nụ cười, ánh mắt của ông. Mỗi lúc nghe ông cười, người nghe có cảm tưởng cả thế giới đang tươi xanh trở lại, mọi sự mệt mỏi chỉ thoáng chốc là tan biến nhất.

          Câu chuyện điển hình về sự hồn nhiên của ông chính là cái sự ông " trồng chuối" giữa khoa. Thoạt nghe, ai chẳng tưởng, trồng chuối là đem thứ cấy xanh làm mát cho trường. Nhưng thực chất, việc " trrồng chuối" của ông lại làm mát cho cuộc đời. Chuyện kể rằng vào năm khoa Ngữ Văn thứ 18, có một lần họp chi bộ để bàn một việc quan trọng về đường lối phát triển khoa học và nhân sự của tổ bộ môn. Trong lúc giải lao, ai nấy đều khen ông khoẻ và trẻ. Một người tò mò hỏi, ông có bí quyết gì mà giữ cho mình được cái sức phi thường như thế. Ông cười nói vui :" Muốn giữ được phong thái trẻ trung thì phải phải "nhật báo" chứ năm thị mười hoạ thật chẳng ra gì" ( nghĩa của cụm từ "nhật báo" khác với cách dùng của lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang). Mọi người đang còn ngớ ra thì ông giải thích:

          - Phải tập luyện. Tạp luyện là bí quyết. Ngày nào cũng tập. Tập thường xuyên chứ không nhất cách nhất chiếu, ấy mới là sức khoẻ. Mà bài tập cũng công phu, kiên trì lắm.

          Cả chi bộ đều đổ mắt về phía ông. Ai cũng muốn ông nói cho bí quyết về bài tập của mình. Bởi dân trí thức vốn yếu o, ăn được bao nhiêu thì chất bổ lại bị con chữ nó gặm nhấm, chưa kể còn phục vụ vợ con, gia đình. Trẻ và khoẻ là cái món ai cũng thích, cũng háo hức…nên câu nói của giáo sư Lê Đức Niệm nặng ký lắm.

          Thấy mọi người ngưỡng mộ như thế, ông lại càng phấn khích lên. Ông vốn là người hay phấn khích nhất trần đời. Ông bảo, một trong những thao tác quan trọng của bài tập là trồng chuối. Mọi người lắc đầu không tin, vì thời điểm đó, bụng ông dã hơi khí to. Thấy thế, ông liền tụt dép bước lên ghế. Rồi chỉ loáng một cái người ta đã thấy ông "trồng chuối" ngay giữa bàn họp. Tất nhiên thời dó, bàn họp của khoa là chiếc bàn rất lớn, thành thử ông giống như một nhân vật làm xiếc đang nhào lộn. Chỉ có điều vì ông không mặc quần áo nghệ thuật nên lúc đó cái áo dài mặc ngoài và chiếc áo lót của ông đều tụt xuống phía dưới để hở một cái bụng, không, đúng hơn là chiếc bụng ngám ngám đen có vài chú nốt ruồi. Căn phòng vang lên một tràng pháo tay Trong cuộc họp lúc đó lại có các nhà giáo nữ là Lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh. Cả hai người đều cười khúc khích.

          Giáo sư Niệm lộn ngược người trên bàn lớn đã lâu mà không chịu xuống, mặt mỗi lúc một đỏ lựng lên. Ông đang "thảo khí phạt hồn" nên người bâng lâng trong mây gió. Đôi mắt hình như đang lồi to ra, chiếc bụng đôi khi thót lại, lượn sóng. mồ hôi chảy xuống gáy, xuống cổ đầm đìa. Cô lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh sợ đồng nghiệp bị ngất liền hét to:

          - Thôi được rồi, mọi người tin rồi…xuống đi kẻo ngất anh Niệm.

          Nhưng đang trong cơn phấn khích mà "xuống" đột ngột thì khó chịu lắm. Đời nào ông bỏ cuộc giữa chừng. Ông đã không xuống lại còn nhún nhẩy, quay người đi cả bốn góc độ để tận hưởng cái thú của những chiều không gian khác nhau. Hai chân ông thỉnh thoảng còn co giuỗi, đạp lên đẩy xuống. Trông xa ông giống như chú ếch đang bơi ngược hòng xuyên thủng cả chiếc bàn họp cớ đại của khoa lúc bấy giờ.

          Con người giáo sư Lê Đức Niệm là thế! Hồn nhiên vào bậc nhất thế giới này. Nhiệt tình cũng không kém. Tôi còn nhớ, thời tôi học năm thứ nhất, chúng tôi nghe ông giảng về Đỗ Phủ, vè Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên và các thi sĩ nổi tiếng đời Đường. Đúng là thôi rồi! Chỉ còn há hốc mồm ra mà nghe. Ông giảng say sưa lắm. Giọng ông cất lên vi vút, lúc khoan khoan dìu dặt, lúc bừng sôi như sóng biển ập bờ. Tôi không quên được hình ảnh ông lúc ông giảng bài. Đôi mắt lim dim, ông đi dọc giữa lớp, ngân nga:

Thiếp ở Tương giang đầu

Chàng ở Tương giang cuối

Cùng uống nước sông thương…

          Những lúc ấy, tôi chỉ thấy trước mặt ông có một dòng sông bát ngát. Trên đỉnh thượng nguồn có người con gái đẹp như tiên sa đang ra bến sống gánh nước. Cô hát những câu dân ca làm đăm đắm lòng người. Giọng cô hoà vào ánh trăng, trôi theo dòng nước, chảy về mãi  về xuôi. Nơi ấy có một chàng trai tuấn tú đang ngong ngóng đợi chờ…Rồi cũng trên dòng sông mênh mang ấy, những lúc trăng lên giữa đỉnh trời, trên con thuyền nhỏ, có một người tíc bạc, mắt đẹp như tiên. Đó là nhà thơ họ Lý. Ông đang uống rượu cùng trăng. Bềnh bồng trong sóng nước, rượu ông lẫn vào thơ. Huyền ảo. Mộng mị. Ông đang sống trong cái ảo ảnh giữa thơ và cuộc đời.

           Giáo sư Lê Đức Niệm không chỉ là chuyên gia giảng dạy về văn học Trung Quốc, mà còn là một dịch giả có hạng. Là đồng tác giả dịch thuật của nhiều bộ sách nổi tiếng, trong đó có bộ Tam quốc diễn nghĩa, nay thỉnh thoảng ông vẫn nhận được tiền nhuận bút tái ản từ các nhà xuất bản. Không những thế, ông còn là một tac gia của nhiều bộ từ điển lớn. Đó là các bộ từ điển Viêt-Trung, Trung- Việt. Dạo tôi mới đi nghiên cứu sinh từ nước ngoài về, tôi thật sửng sốt khi thấy ông còn tặng cho tôi một bộ từ điển Nhât- Việt dày tới 1087 trang với dòng bút tặng rất trịnh trọng " Thân ái tặng nhà văn Hữu Đạt và gia đình". Tôi không hiểu ông học tiếng Nhật từ khi nào mà lại tích luỹ kiến thức nhanh được đến thế. Thật là một bậc kỳ tài!

          Tôi bao giờ cũng là một học trò của ông, vậy mà trong đối xử, ông quí tôi như một người bạn. Cách đề tặng trịnh trọng của ông mỗi khi tặng sách thực là một sự động viên khích lệ rất lớn và nhắc nhở tôi luôn phải tích cực làm việc để xứng đáng với niềm tin cậy ấy. Sự quí mến của ông làm cho tôi và ông vẫn còn giữ được mối quan hệ mật thiết với ông mãi cho tới sau này, khi ông đã về hưu. Ngày ông còn ở trong khu tập thể Lò Đúc, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông. Khi đàm đạo văn chương, khi luận bàn thế sự. Ông hay kể cho tôi nghe những mẩu chuyện ly kỳ những năm tháng ông học tập và nghiên cứu tại Trung Quốc thường được sống bên cạnh cố Tống bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Đó là thời ở Trung Hoa nổ ra cuộc "Đại cách mạng văn hoá vô sản", Đặng tiểu Bình may không bị chết thảm như các nhân vật cỡ bự mà sau này sách báo Trung Quốc miêu tả như: Lưu thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Hạ long…Ông được đưa về làm thư ký cho một hợp tác xã nông nghiệp. Số phận run rủi thế nào mà những năm tháng đó, giáo sư Lê Đức Niệm lại được ăn.ở sinh hoạt cùng ông. Cũng chính vì thế mà giáo sư Niệm hiểu khá sâu về cuộc " Đại cách mạng văn hoá" Lúc về nước, ông có nhiều buổi nói chuyện thời sự về sự biến lịch sử to lớn này. Có thể nói ông là một pho từ điển sống, là nhân chứng lịch sử rất quí giúp cho những ai muốn hiểu biết thêm về mốt số nhà lãnh đạo cỡ lớn nhất Trung Hoa.

          Tôi đã tới Trung Quốc vài lần, đã đi thăm Bắc Kinh, Hà Nam, Hồ Bắc. Quảng Tây, Vân Nam, Thượng Hải… qua những vùng di tích độc đáo như Thiếu Lâm Tự, Thạch Long môn… và có cả những bài viết về văn hoá của các vùng này. Lúc qua sông Tương, tôi vẫn thường nhớ tới các bài giảng của giáo sư Lê Đức Niệm và tới tình cảm đặc biệt của ông với nhà thơ tiên tửu Lý Bạch. Tôi nhớ cả những lần đọc thơ của vị cao nhân này, giáo sư Niệm thường ngân ngấn nước mắt. Nay có thơ rằng:

Gặp nhau ở bến Tương Giang

 Rượu, thơ trộn với trăng vàng làm vui

Thi tiên Lý Bạch đâu rồi

Để cho ông lão than trời khóc mây?

          Trong chuyên môn,  giáo sư Lê Đức Niệm sâu sắc ở khá nhiều lĩnh vực, nhưng cuộc sống giáo sư  lại là người hồn nhiên, vui tính và cởi mở nên cũng có người hiểu lầm cho ông là nông nổi. Thực ra, chỉ gần ông mới biết, ông có đánh giá khá chính xác về từng cán bộ trong khoa. Tuy nhiên, khi ông làm phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, bí thư chi bộ…bao giờ ông cũng lấy việc nghĩ tốt cho mọi người và biểu dương, khích lệ làm điều căn bản. Bởi thế, dưới con mắt của ông, ai cũng tốt, cũng cố gắng cả. Con người, tính cách ông đều thấm đẫm tính nhân văn. Thành thử, trước đây, khi ông làm quản lý, mỗi lần tổng kết khoá học cũng có ý kiến phê bình gay gắt, ông vẫn chỉ cười ngất. Khi nghe ông cười, ai cũng có cảm giác, sống trên đời này thật là thú vị biết bao: không có lo toan và đau khổ, chỉ có sung sướng và hạnh phúc. Bình về cái sự vô tư ấy của ông, nay có mấy câu thơ rằng:

 

Một thời đến bên sông Tương 

 Ngâm thơ Lý Bạch nếm sương Hoàng Hà 

Hỏi sao bí quyết: không già?

Rằng, nên trồng chuối giữa khoa mỗi ngày…

          Lê Đức Niệm còn là người rất dễ ngủ. Ông có thể ngủ bất cứ chỗ nào, ở đâu và ở bất cứ tư thế nào. Tôi vẫn nhớ như in cái cử chỉ hóm hỉnh của giáo sư Lê Huy Tiêu mỗi khi hích vào tôi báo hiệu giáo sư Niệm đang tranh thủ "đánh một giấc" ngay trong cuộc họp. Ông ngồi dựa vào ghế, mới chỉ một phút trước đó ông còn nói thao thao, bây giờ đã nghe tiếng ngáy của ông đều đều cất lên. Vô tư quá, trong trẻo quá! Đúng như giáo sư Tiêu và nhiều người nhận xét: Ông là người vô tư lự. Chẳng để bụng ai, chẳng ghét ai, dù người đó có nói quá với mình. Có lẽ nhiều năm tháng nghiền ngẫm sách vở của các bậc hiền triết Trung Hoa, mao nạch, huyết quản ông đã thấm sâu những tư tưởng của Thánh hiền nên mới có được một phong độ kỳ xuất như thế. Xét cho cùng, ông đúng là người sung sướng, đúng như cái câu mà cổ nhân thường răn " ăn được ngủ được là tiên…". Chỉ riêng chuyện ngủ của ông cũng có thể viết được một pho sách rồi. Ấy vậy mà, có lần tôi nói, ông là người khoẻ nhất khoa, ông lại cười bảo: Khoẻ nhất khoa này phải là Nguyễn Thiện Giáp. Trong khoa Ngữ Văn thời ấy, vè khoản này, giáo sư Giáp cũng là người được xếp hạng. Hình như không mấy cuộc họp là ông không ngủ gật. Ngủ mà vẫn ở trong tư thế ngồi thẳng, không gục mặt hay tựa về phía sau. Nhưng chuyện về giáo sư Giáp thế nào, phải xem đến hồi sau mới rõ!

          Nay lại nói về giáo sư Lê Đức Niệm. Vào những năm trước và sau thập kỷ 80, thầy trò khoa Ngữ Văn cùng với toàn trường và  nhiều trường khác đổ xuống công trường đào sông Tô Lịch. Những năm đó gian khổ nhưng thật hào hùng. Trời rét căm căm, những bắp chân trắng nhễ của các nữ sinh văn khoa ngâm trong bùn đất. Nào đào, nào xúc, nào bê vác lên vai… người ta muốn lấy ý chí mà thắng thiên nhiên. Không có máy móc, đào sông toàn bằng sức người. Không có cơm ăn. Mỗi buổi trưa, thầy và trò chỉ được xuất bánh mỳ 225 gam, vậy mà vẫn cười vui như tết. Giở nghỉ trưa, sau khi khủa tay vào những vũng nước hoặc quyệt vào vạt áo, là có thể cầm bành mì nhai ngon lành. Ăn xong, kẻ đứng, người ngồi tán gẫu. Chỉ riêng giáo sư Niệm là súc miệng xong đã ngáy pho pho bên cán cuốc. Ai nấy đều rất bái phục. Ngủ trong giờ họp, ngủ trong lúc ngồi ở ghế chủ tịch đoàn…nay lại ngủ ngay bên bờ sông, bụi cỏ. Có khi, vào lúc giải lao giữa giờ, thấy ông đang đứng nơi công trường lổn nhổn gạch đất mà nhắm tít mắt lại. Mở mắt ra, ông bảo ông vừa mơ thấy Lý Bạch…Ông mơ thấy giấc mơ nào cũng đẹp, cũng tuyệt vời. Nên cứ nghe ông, thì cứ tưởng cuộc đời mình cũng sẽ tuyệt vời ngay hôm sau.

          Tôi muốn nói điều này là vì tôi có một lỷ niệm rất sâu sắc với ông về chuyện đó. Vào khoảng sau năm Văn khoa thứ mười tám, ông được đề cử làm phó chủ nhiệm khoa. Năm đó tôi mới lập gia đình, được phân vào vào một căn phòng 16 mét vuông lợp giấy dầu trong diện ưu tiên. Phòng này nằm trong dãy nhà cạnh khu ao rau muống, giáp phân viện 2 của trường Nguyễn Ái Quốc. Cả dãy nhà ngửa ra phía sau với độ nghiêng khoảng 35 độ. Phía trước, ngay sát hè, có một hố sâu chừng gần một mét. Mỗi khi mưa xuống là nước dềnh lên với bao nhiêu rác rưởi, phân gà, phân chuột. Trong nhà, xung quanh thưng bằng lá cót đan bằng nứa. Để che cho hàng xóm khỏi nhìn thấy những hoạt động trần tục của mình nhà nào cũng lấy giấy báo dán kín bốn phía xung quanh. Nhà không có bếp. Nấu nướng, ngủ nghê, đọc sách…tất cả chỉ xoay sở trong có ngần ấy diện tích. Ban ngày xe đạp không cho được vào nhà. Chỉ tối đến, phòng mất trộm thì mới đem chúng kê sát vào chân giường hay lối đi. Thấy cảnh sống của tôi chật chội, khổ sở, thỉnh thoảng giáo sư Niệm có đãng qua thăm hỏi, động viên.. Một hôm, ông đem đến cho tôi một tin sướng thót tim:

          - Này cậu, chuẩn bị tháng sau dọn ra nhà mới nhé. Trong danh sách phân nhà đợt này, mình xếp cậu số một. Trên đã báo cho khoa nhận nhà rồi. Từ tháng sau cậu sẽ ra sống ở khu Ngã Tư Sở.

          Ôi! Không sao tả xiết nỗi vui mừng đến khốn nạn của tôi lúc ấy. Suốt cả đêm, tôi cứ nằm mơ thấy căn hộ mới. Tôi không còn có cảm giác là mình sống thực. Lúc nào cung mơ mơ như đang trên mây. Thật không tin cả nổi chính mình. Tôi không ngờ   mình lại được ưu ái như thế. Đúng là Tái ông mất ngựa. Tôi muốn hét lên: Căn phòng khốn khổ của ta ơi, ta sắp thoát khỏi bàn tay mi rồi. Một tháng nữa thôi, ta sẽ vĩnh biệt mi. Sẽ không bao giờ phải nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của mi nữa. Sẽ không bao giờ phải ngâm đôi chân trong thứ nước ung ủng của mỗi mùa mưa…Ha ha! Ngàn lần cảm ơn giáo sư Lê Đức Niệm. Ông là vị cứu thế của đời tôi….

          Đêm nào tôi cũng mơ một lần mình được trèo lên gác cao, được đọc sách bên ô cửa sổ thoáng mát của căn hộ mới phân. Cứ theo cách tả của giáo sư Niệm thì đó là khu tập thể 4 tầng, thuộc vào loại hiện đại của Hà Nội. Tuy nhiên, sắp được sung sướng như thế lòng tôi lại thấy bùi ngùi. Bùi ngùi vì phải xa ký túc xá Mễ Trì, nơi có thầy Tân, thầy Đính và bao bạn bè đồng nghiệp đã sống cùng tôi những năm gian khổ mà ấm áp tình đời. Buồn vì phải xa cái căn phòng tồi tàn còn hơn cả căn phòng nuôi bò ở vùng thôn quê, nhưng lại gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Bây giờ, mỗi lúc nhớ lại cái thời đó, ai cũng có cảm giác như là truyện cổ tích. Cổ tích mà lại là thực. Thực đến nỗi con người ta sống với nó, hoà vào nó, quen đến mức nó là hơi thở cho sự tạo sinh mà xa thì lại cứ như bâng lâng, luyến tiếc…

          Nói cho đúng, trong hoàn cảnh của những năm đó, tôi rất sợ có khách ở quê ra. Sợ vì chật chội không có nơi tiếp khách đã đành.  Lại còn sợ vì cái tiếng là giáo viên một trường đại học mà ăn ở lại nhếch nhác hơn cả chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của đại văn hào họ Ngô. Chỉ có điều, thời bấy giờ, tất cả cán bộ cùng khổ nên người ta lại dễ khắc phục và dễ thông cảm với nhau. Tôi có một trong những người họ hàng đồng cảm với mình là ông cậu vợ. Tên ông là Trần Văn Minh. Ông cũng học ngành ngôn ngữ, ra trước trường trước tôi 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, ông về dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Đến khi tôi ra ở riêng thì ông thi đậu nghiên cứu sinh nước ngoài. Vì nhà tôi gần trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, cho nên mặc dù có anh em ruột ở Hà Nội, nhà cửa khang trang, ông vẫn thích tá túc ở chỗ tôi. Một là để cho gần, hai là, tuy quan hệ cậu cháu, nhưng tuổi tác lại gần nhau, lại cùng nghề nghiệp, chuyên môn, việc chuyện trò, tán tung cũng dễ. Ông cậu Minh tính tình hiền hậu, nhưng hóm hỉnh, cũng là dân Văn khoa mà ra nên bụng thì đói mà nhiều chữ nghĩa. Tôi và ông, ngoài giờ làm việc thường nói chuyện với nhau cả ngày không biết chán, lại có rất nhiều chuyện hài hước mà xem ra nguồn gốc rất giống nhau. Ông kể, trong khu tập thể của ông, chỉ có một nhà đại tiện, thầy trò đi chung. Khổ nhất là những lúc đau bụng, sắp đến nơi hành sự thì gặp ngay một anh học trò từ đó đi ra lễ phép chào" Chào thầy ạ!". Đó là chưa kể có anh bị thói quen giao tiếp lấy câu hỏi thay cho lời chào: "Thầy đi đâu đấy ạ?". Lại còn có thể đi đâu nữa ra cái chốn đồng hoang, thống thếnh ấy nữa?

          Câu chuyện ông kể làm tôi nhớ tới lời phàn nàn của giáo sư Bùi Duy Tân. Một lần ông tâm sự với tôi, cảnh đi "xia" tập thể này ngán quá.   ông lắc đầu buồn bã: Ai lại đi ra chỗ nhà xí, học sinh nó không tránh mặt vẫn còn đứng nghiêm chào thầy ? Khổ nỗi, con đường đến khu "khách sạn có mùi" chỉ có một lối đi độc đạo.  Thấy thầy, chả lẽ lại quay lưng đi giật lùi. Mà đối mặt, không chào thì mang tiếng là láo. Mà chào thì, đôi khi lại như có ý là như giễu cợt! Tâm lý học sinh, lúc nghe thầy giảng trên lớp cứ nghĩ thầy như thánh, đến ăn uống tiểu, đại tiện cũng không dính vào. Hoá ra, rời bục giảng, ông vẫn phải làm cái công việc của một người thường…

          Mỗi lần chúng tôi kể cho nhau những câu chuyện như thế ông cậu Minh  thường cười "hít hít" rất lâu. Ông có thói quen, khi khoái trí thì cái "hít hít" của ông lại càng sâu. Cái căn phòng chỉ to hơn lỗ mũi của tôi vốn đã ít ô xy, một ngày ông chỉ "hít hít" mấy cuộc là hết cả khí để thở rồi. Ông gầy đi vì hút thuốc. Còn tôi thì còm nhom vì càng nhiều chuyện hài hước thì ông "hít hít" càng nhiều. 

          Tuy thế, tôi với ông lại rất khoái nhau. Mỗi lần tâm sự, ông  bảo, ra học ngoại ngữ một năm ở Hà Nội sướng nhất là đi đại tiện không gặp ai chào nữa. Sinh viên ở ký túc xá không biết ông là ai. Từ nhà tôi đến nhà xí tập thể, ông có thể vừa đi vừa huýt sáo một cách tự nhiên. Điều sướng thứ hai là, ông nghiện thuốc lá rất nặng, ở trong phòng tôi giấy báo dán quanh phòng rất nhiều. Mỗi lần hút thuốc ông chỉ xé một mẩu giấy châm lên cái bếp dầu là xong. Không tốn diêm. Thời ấy, cái gì cũng hiếm. Mỗi tháng mỗi người chỉ được phân phối   một bao diêm hoặc một hay hai viên đá lửa. Nếu tôi được phân ra ở căn hộ thì ông sẽ không được hưởng cái khoản ưu đãi tự nhien ấy nữa. Thành thử, nghe tin giáo sư Niệm báo tôi sắp được ra nhà mới, ông buồn hẳn. Suốt cả ngày hôm ấy, ông không nói gì. Đến chiều tối, lúc tôi nấu cơm, ông mải suy tư nên khi châm lửa vào tờ giấy báo, ông vô ý làm cho ngọn lửa bùng lên. liếm gần nửa bức tường. Tôi hoảng hồn lấy chậu nước hắt lên, kịp giập tắt. Nếu không thì cả dãy nhà đó đã thành miếng mồi ngon cho thần Hoả và ông sẽ mang tội đốt nhà.

          Thực ra ông Minh có ý buồn không phải vì ông không mong tôi được sung sướng. Ông buồn vì ông nghĩ ông phải xa tôi. Trong hoàn cảnh học ngoại ngữ dự bị để đi Tây, ai cũng háo hức, lấy việc học là trên hết. Nếu ông theo tôi ra Ngã Tư Sở, ông rất sợ bị lỡ những buổi học. Ô tô buýt thì đông, xe đạp lại không có. Ông tính, nếu tôi rời khỏi ký túc xá thì ông đành xin vào nội trú tuy sinh hoạt có kham khổ. Chúng tôi trong tư thế chia tay nhau. Dịp đó đã vào kỳ cuối tháng, vài lạng thịt tiêu chuẩn thì  xơi hết rồi.  Lẽ  nào cậu cháu chia tay bằng cơm nước mắm? Tôi bàn với ông, hay là thử ra cái hố bom sau nhà câu cá thử xem. Buổi trưa nắng chang chang, hai cậu cháu đội nón mê, đào giun dưới bụi chuối tây và câu sin sít. Chao ôi! Chúng tôi không thể tưởng tượng được mình đang sống bên một cái kho thức ăn vô tận. Chỉ sau hai tiếng, tôi và ông Minh đã câu được lưng xoong sin sít, đuôi cờ. Có những con to bằng gần hai ngón tay, hai bên lườn thịt nung núc, rán lên ăn thú hơn ăn tiệc. Tôi đạp xe vào Phùng Khoang mua ít rượu trắng. Bữa tiệc chia tay tươm tất không ngờ.

          Nhưng rồi, một tháng qua đi, trưa nào tôi và ông Minh cũng không ngủ ngồi câu với nhau bên cạnh hố bom sâu để chờ đợi cái ngày giã biệt. Nhưng rồi…chờ mãi chẳng thấy ai đến trao giâý báo phân nhà. Tôi mới hỏi giáo sư Lê Đức Niệm xem trục trặc thế nào, rằng tôi được ông xếp vào danh sách số một sao mọi người trong trường đã nhận hết mà tôi vẫn chưa có giấy báo. Giáo sư Niệm cười ngất rồi vỗ vai tôi động viên:

          - Chưa đi đợt này thì đi đợt sau. Trước sau cũng sẽ được. Yên trí.

          Trong khoa Ngữ Văn đợt ấy, người được chuyển đi đầu tiên là gia đình thầy Đỗ Hồng Chung, giáo viên dạy môn Văn học Nga. Sau đó đến gia đình giáo sư Nguyễn Lai… Tôi là bậc hậu thế, còn lâu mới đến lượt. Hoá ra, chỉ vì thương tôi ở trong một gian nhà  sắp đổ mà ông nảy ra cái ý xếp tôi vào diện số một. Trong danh sách báo cáo lên trường, ông xếp thành một dãy hàng ngang, trong đó tôi thuộc diện số một nhưng là người thứ bảy của dãy này. Dĩ nhiên, thực tế, tôi chẳng bao giờ hy vọng đến lượt phân nhà. Nhưng về tinh thần thì giáo sư Niệm đã cho tôi uống no nê một trời hy vọng.

           Thoắt cái nay đã bao năm trôi qua. Giáo sư Lê Đức Niệm bây giờ chuyển về khu đô thị Linh Đàm. Tôi chưa có dịp nào đến nơi ở mới của ông, chỉ lâu lắm mới gặp ông ở trường. Sau thời Đổi mới, đời sống cán bộ được cải thiện rất nhiều, có thể nói là đổi đời gàn như toàn bộ. Tuy vậy, tôi vẫn luôn nhớ  đến những kỷ niệm sâu sắc của thời gian khổ mà ông cũng là một trong những động lực thúc đẩy làm cho tôi phấn đấu vươn lên. Một lần qua Trung Quốc, qua bến sông Tương, tôi lại nhớ đến những bài giảng mà ông truyền cho bao thế hệ với tâm hồn ngùn ngụt cảm hứng. Chỉ có điều, ông dạy về thi ca, tiên tửu của Lý Bạch rất hay, nhưng rượu uổng chỉ nửa chén đã say bừng bừng. Nên vịnh về ông nay có  thơ rằng:

 

Thẫn thờ qua bến Tương giang

Nhớ nhau tình lại như càng đắm say

Rằng trăm năm cũng từ đây

Nhớ người trồng chuối ban ngày giữa khoa

Thi tiên Lý Bạch đâu tà?

Rượu ngon nửa chén đã ngà ngà say

Trăng tròn lại khuyết ai hay

Thoắt đà giờ đã đến ngày về hưu

Linh Đàm gió sớm mây chiều

Lại thương Thôi Hộ xem đào nở hoa…

 

 

 

Powered by Froala Editor