Viện phương đông

2 năm trước

“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng nghỉ ... nghỉ làm” phần 33 ( kỳ 2) Nguyễn Cung Thông

Powered by Froala Editor

                         “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng nghỉ ... nghỉ làm”       phần 33  (kỳ 2)

Các tài liệu trên từ VBL đến Morrone, Theurel, Aubaret cho thấy khả năng nghỉ là một từ dùng phổ thông từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong, không thấy có dùng có giới hạn như một phương ngữ. Tuy nhiên, lại có khuynh hướng đổi cách dùng của tiếng Việt từ kiểu nói lịch sự thành dân dã (và mang tính cách thân mật, địa phương) xuất hiện trong lịch sử hình thành tiếng Việt - thí dụ như đại từ nhân xưng tao, qua chẳng hạn:

1.3.2.1 Tao dùng cho người trên nói với người dưới (hay “rất thấp”/VBL trang 724): (a) cha với con cái (b) chủ với đầy tớ (c) chồng với vợ hay khi nói chuyện có ngụ ý khi thường (BBC). Trong PGTN, đức chúa Giêsu từng phán “…Tao bởi chết mà sống lại …” (trang 202), “…Tao đã ra đời đến phán xét thế này …” (trang 199) …v.v… Trích từ TNNL, một dạng chữ Nôm của tao là 蚤 (tảo) hay 月蚤 (tao, bộ nhục) 騷 (tao ~ thối thúi hôi) :

Vua rằng còn có mặt tao (c. 7101)

Bụt liền biết ý thốt ra rằng vầy

Tao đi áng hội mấy chày

Vắng nhà phá giới là mày đã cam (c. 7349-7351) …v.v…

Cũng nên nói thêm ở đây về cách dùng tao/tau thời VBL: trong công thức rửa tội, câu khẩu ngữ ghi lại vào năm 1645 (hội nghị ở Ma Cao) là

“Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo”

(Tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirito santo)

Cách nói như trên là rất trân trọng vào thời đó chứ không được hiểu như tiếng Việt hiện đại (kiểu nói thô tục)...v.v...

1.3.2.2 Qua dùng cho người trên nói với người dưới. Qua còn bảo lưu trong một số vùng ở Nam Bộ, khi các cộng đồng cư dân (Việt, Hoa, Khme ...) đã ổn định đời sống ở vùng đất mới này. Một dạng chữ Nôm là 戈 (qua), đại từ này cũng hiện diện trong TNNL (td. câu 3670). Một cách giải thích hiện tượng qua dùng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long so với miền nam Trung Bộ (thời VBL) là kết quả của quá trình Nam Tiến, một số cách dùng đã được nhập vào Nam Bộ từ Đàng Ngoài (VBL ghi cách dùng qua trang 615).

1.3.2.3 Có thể cách dùng nghỉ với nét nghĩ hắn/y/nó cũng trải qua một quá trình tương tự: tính cách lễ phép và trân trọng đã không còn nữa và phần nào bảo lưu qua phương ngữ (td. Nghệ Tĩnh - theo học giả Vân Hạc Lê Văn Hòe/1952). Chính vì không biết đến cách dùng lễ phép của nghỉ (thời VBL) mà học giả Đào Duy Anh đã lý luận "từ nghỉ là đại từ chỉ Mã giám sinh và Sở khanh. Nhưng từ này có ý nghĩa khinh bỉ, không thể dùng để chỉ Vương ông được. Với từ nghĩ là ước chừng thì câu thơ thành nhẹ nhàng" (hết trích từ trang 281, Từ Điển Truyện Kiều, sđd). 

Vấn đề đọc là nghỉ chỉ người (đại từ) hay nghĩ (động từ) đã được ghi nhận cách đây 12 thập niên trong bản Đoạn Trường Tân Thanh của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (KOM) chú thích (1902) - xem hình chụp lại bên dưới. Chữ nghỉ KOM ghi là 𠉝 với bộ nhân bên trái, hàm ý chỉ người - đoạn chú thích ghi 𠉝或作𢪀 nghỉ hoặc tác nghĩ phi (nghỉ chỉ người, dùng chữ nghĩ 𢪀 là không đúng/NCT). Có thể vì có vấn đề với chữ nghỉ/nghĩ nên bản Chiêm Vân Thị đã đổi chữ này thành xem 䀡 và bản Liễu Văn Đường (Giáp Dần 1914) đổi chữ này thành thì 時.

 

Không biết đến chiều dày thời gian (Quốc Âm Thi Tập, Truyền Kỳ Mạn Lục, Thiên Nam Ngữ Lục, VBL) và không gian (Đàng Ngoài, Đàng Ngoài - không có giới hạn địa lý) của cách dùng nghỉ (đại từ nhân xưng), cũng như sự thay đổi cách dùng nên học giả Nguyễn Quảng Tuân đã phê bình "Nhưng cách giải thích như thế (thổ âm Nghệ Tĩnh) cũng không đúng vì truyện Kiều chỉ có rất ít thổ âm Nghệ Tĩnh. Nguyễn Du tuy nguyên quán ở Hà Tĩnh nhưng đã sinh trưởng ở đất Thăng Long nên phải được coi là một nhân vật của Bắc Hà ... Ông là một nhà nho nặng về lễ giáo thì không lẽ gì ông lại dùng một chữ kém tao nhã để gọi Vương viên ngoại... câu 12 trong Truyện Kiều phải viết là nghĩ mới đúng với nguyên bản của Nguyễn Du (cùng ý với Đào Duy Anh/NCT) " (trang 127-128, Chữ Nghĩa Truyện Kiều, sđd).

1.3.3 Các ý kiến khác nhau về nghỉ hay nghĩ (câu 12 Truyện Kiều)

Bảng liệt kê dưới đây tóm tắt các ý kiến khác nhau về chữ nghỉ/nghĩ - ký hiệu A chỉ tác giả dùng nghỉ (đại từ nhân xưng), B dùng nghĩ và # nghĩa là có bàn thêm về hai cách dùng nghỉ và nghĩ. 

1. Nguyễn Văn Vĩnh (1943) A (ông dịch ra tiếng Pháp nghỉ là de lui)

2. Kiều Oánh Mậu (1902) A - chữ Nôm nghỉ có bộ nhân đứng trước 𠉝 - xem chi tiết ở trên

3. Bùi Kỷ/Trần Trọng Kim (1925) A

4. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1941) A (ông chú thêm "nghỉ là hắn, là ông ấy, chữ này bây giờ không dùng thường")

5. Trương Vĩnh Ký (1875) A

6. Nguyễn Hữu Lập (1870) theo Đào Thái Tôn - A

7. Gustave Hue (1937) A (ông ghi nghỉ là pronom personnel de la troisième personne, và cho thêm ba cách dùng nghỉ ta là elle, nghỉ va là lui và chú nghỉ là lui, sau đó ông ghi lại thí dụ là nguyên câu 12 của Truyện Kiều)

8. Thế Anh - Liễu Văn Đường (Thế Anh hiệu đính, 1866 trong "Truyện Kiều" NXB Đà Nẵng 2005) A

9. Nguyễn Thạch Giang ("Truyện Kiều" in lần 6, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp - Hà Nội - 1986) A # - ông cho rằng Truyện Kiều có ba chỗ dùng nghỉ: câu 610, 894 và 1188. Các tác giả khác thường chỉ dùng nghỉ cho hai câu 894, 1188.

10. Nguyễn Tài Cẩn A B ("Tư liệu Truyện Kiều" NXB Văn Học/2004) - Dựa vào sách này thì số tác giả dùng nghỉ là khoảng 22 % (~ 2/9).

11. Lê Văn Hòe (Truyện Kiều Chú Giải, 1952) A #

12. Đàm Duy Tạo (Truyện Kiều, bản chép tay/điện tử - 1986/2020) A #

13. Ngô Đê Mân (Edmond Nordemann, 1911) A

14. An Chi (trao đổi "Chữ “nghỉ” có phải là từ địa phương Nghệ Tĩnh?" 24/8/2017) A #

15. Lê Trung Hoa (bài viết "Nghĩ về một số từ khó hiểu trong Truyện Kiều" trong tạp chí Kiến thức ngày nay, số 96 Xuân Bính Thân, ngày 20-1-2016) A #

16. Nguyễn Vinh Quang/Nguyễn Tiến Dũng (bài viết "Một vài ý kiến về chữ thư ba của câu Kiều thứ 12") A #

17. Bùi Thiết ("Truyện Kiều" NXB Văn Học 2002) A #

18. Cao Xuân Hạo A B #

19. Chu Mạnh Trinh (Kim Vân Kiều Tân tập năm 1906, theo tác giả Thế Anh trong "Truyện Kiều") B

20. Phạm Kim Chi (Sài Gòn, Kim Túy Tình Từ 1917) B

21. Văn Học Trung Đại VN (sách giáo khoa, Truyện Kiều) B

22. Nguyễn Quảng Tuân (“Chữ Nghĩa Truyện Kiều”, NXB Văn Học TP HCM 2004) B #

23. Hồ Đắc Hàm (“Kiều Truyện Dẫn Giải”, 1929 Huế) - theo Nguyễn Quảng Tuân B 

24. Ứng Dự - theo Nguyễn Quảng Tuân B

25. Bùi Khánh Diễn - theo Nguyễn Quảng Tuân B

26. Nguyễn Can Mộng - theo Nguyễn Quảng Tuân B

27. Nguyễn Văn Hoàn - theo Nguyễn Quảng Tuân B

28. Đào Duy Anh (Tự điển Truyện Kiều, bản thảo 1965) B # (ông chú thêm "với từ nghĩ là ước chừng thì câu thơ thành nhẹ nhàng")

29. Đào Thái Tôn (Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, NXB Khoa Học Xã Hội 2006) B #

30. Đinh Gia Khánh (“Tìm hiểu từ nghỉ trong Truyện Kiều” TC Ngôn Ngữ số 1-1979 trang 59-68) B #

31. Nguyễn Thế/Phan Anh Dũng B #

32. Truyện Kiều (Đào Duy Anh hiệu khảo) B

33. Duy Minh Thị, (1872) - theo Nguyễn Tài Cẩn là B (trong "Tư liệu Truyện Kiều" NXB Văn Học/2004 - ông so sánh văn bản, dùng dấu cộng + để chỉ cách dùng nghĩ)

34. Lâm Nọa Phu (1870) - theo Nguyễn Tài Cẩn là B

35. Thịnh Mỹ Đường (1879) - theo Nguyễn Tài Cẩn là B

36. Quan Văn Đường (1879) - theo Nguyễn Tài Cẩn là B

37. Abel des Michels (1884) - theo Nguyễn Tài Cẩn[1] là B

38. Bản VNB-60 - theo Nguyễn Tài Cẩn là B

39. Nguyễn Khắc Viện (1965) B

--------------------------------------------    

[1] Abel des Michels dùng chữ nghỉ (dấu hỏi), dịch ra tiếng Pháp nghỉ cũngen la comparant (~ xem ra, so ra).

40. Lê Hữu Mục (1993, trong mục bàn về chữ nghĩa Truyện Kiều) B # (ông đề nghị nghỉ còn có thể là dễ, theo tự điển Việt Bồ La)

41. Lê Xuân Thủy (bản dịch ra tiếng Anh, NXB Khai Trí - 1968) B

42. Ngô Minh Trực (2018, bản điện tử pdf) B

43. Truyện Kiều (trang Hoa Vô Ưu, bản điện tử pdf - không thấy ghi tên tác giả dịch ra chữ quốc ngữ) B. Thường khi dùng nghĩ (dấu ngã) thì dễ hiểu câu 12 theo tiếng Việt hiện hành và không cần phải giải thích thêm.

Như vậy là có khoảng 37% (~ 16/43) tác giả đọc là nghỉ (đại từ nhân xưng) cho câu 12. Đây là không kể đến cách đọc nghĩ (dấu ngã) nhưng nghĩa lại là người ấy/nó (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba) như theo Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (Từ Điển từ Việt cổ, NXB Văn hóa Thông Tin, 2001). Nên nhắc ở đây cách dùng min - một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất - xuất hiện một lần trong Truyện Kiều, câu 964 "Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi". Min cũng từng xuất hiện trong VBL, mốt số bản Nôm của LM Maiorica, Thiên Nam Ngữ Lục ... Các đại từ nhân xưng min, nghỉ bây giờ không còn dùng trong tiếng Việt hiện đại nữa.

2. Bàn thêm về các nét nghĩa của nghỉ qua những liên hệ mở rộng

2.1 Xem lại các cách đọc của chữ nghĩ  (thanh mẫu nghi 疑 vận mẫu chi 之, thượng thanh khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

魚己切 ngư kỉ thiết (TVGT/Đoàn Ngọc Tài chú) -TVGT/NT/QV/TV ghi nghĩa là độ dã 度也

魚理切 ngư lí thiết (NT, TTTH)

魚紀切 ngư kỉ thiết (ĐV, QV)

偶起切,疑上聲 ngẫu khởi thiết, nghi thượng thanh (TV, LT, VH)

魚紀翻 ngư kỉ phiên (BH 佩觿)

宜起乀 nghi khởi phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 以 㠯 已 苡 苢 迆 迤 也 崺 酏 匜 衪 𧩹 螘 蛾 齮 艤 檥 礒 錡 轙 顗 矣 掜 擬 薿 儗 (dĩ nghĩ nghĩ/nga hĩ *dã nghễ)

養里切 dưỡng lí thiết (CV)

語綺切 ngữ khỉ thiết (TVi) TVi/CTT ghi âm nghĩ 音蟻

牛起切 ngưu khởi thiết (CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là nǐ so với giọng Quảng Đông ji4 ji5 và các giọng Mân Nam 客家话: [东莞腔] ji3 [陆丰腔] gni3 [梅县腔] ngi3 [宝安腔] ngi3 [客英字典] ngi3 [台湾四县腔] ngi3 [客语拼音字汇] ngi3 ni3 [海陆丰腔] ngi3, tiếng Nhật là go. Một dạng âm cổ phục nguyên là *ŋɯʔ đọc gần như ngởi tiếng Việt hiện đại - so với âm người (nghĩa và âm tươmg ứng với nghỉ ~ ông/anh nói với tính cách tôn trọng[2] - theo VBL trang 541), so với cách dùng từ láy nghĩ ngợi ... Để ý Tập Vận ghi nghĩ cũng dùng làm nghi 疑, điều này trong Khang Hi tự điển cũng có ghi lại《註》擬,疑 也  nghĩ, nghi dã. Tóm lại có khả năng đọc chữ 擬 thành nghĩ, nghỉ hay nghi (tuy nhiên không thấy TV hay tài liệu nào ghi bình thanh). Tuy nhiên, nghỉ còn có khả năng liên hệ đến y HV (cùng nghĩa là hắn, nó), chữ này không thấy dùng vào thời VBL hay trong Truyện Kiều - sau này nghỉ không dùng nữa thì y trở nên phổ thông hơn.

[1] Abel des Michels dùng chữ nghỉ (dấu hỏi), dịch ra tiếng Pháp nghỉ cũngen la comparant (~ xem ra, so ra).

[2] Thời VBL thường dùng nước người so với ngoại quốc, quốc ngoại, nước ngoài trong tiếng Việt hiện đại.                             (còn nữa)

Powered by Froala Editor