Viện phương đông

3 năm trước

Tiếp nối cuộc tọa đàm về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày"

Bài viết của Lê Ngọc Văn là minh chứng lịch sử liên quan đến nhiều thế hệ. Nó là câu chuyện tình yêu và cũng là một biểu tượng của văn hóa yêu nước...

Powered by Froala Editor

Sau khi BBT đăng bài viết của Lê Ngọc Văn, nhiều bạn đọc đã rất cảm động khi được chứng kiến một tình yêu đầy chất lãng mạn, nhưng cũng đầy thử thách trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sự có mặt cùng một lúc của 3 cựu sinh viên hai khoa Văn-Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội thời ấy tại chiến trường trung Trung bộ cho thấy cuộc chiến tranh đang ở trong giai đoạn khốc liệt biết nhường nào. Có biết bao cuộc chia tay đầy nước mắt! Có biết bao  ước mơ đang mở ra phải tạm thời gác lạ! Không phải chỉ riêng các sinh viên hai khoa Văn – Sử, mà là sinh viên toàn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng như sinh viên, học sinh của tất các trường Đại học, các trường phổ thông Cấp 3 (nay là Trung học Phổ thông) trên cả nước đã náo nức lên đường theo tiếng gọi của tiền phương. Để lại phía sau lưng họ là hình ảnh những người thầy, người bạn thân thương, những người yêu đang còn dang dở bởi các cuộc hẹn hò…Họ đã vô tư cống hiến cả những năm tháng thanh xuân nhất của cuộc đời cho cuộc chiến tranh giữ nước.


            Trong một cuộc chuyện trò với BBT, nhà thơ Hữu Đạt đã bộc lộ rằng, trong trường ca, ông đã dành riêng một chương viết về mái trường đại học. Đây là nơi ông gửi gấm bao khát vọng từ buổi thanh niên. Tuy nhiên, âm hưởng của nó là cái âm hưởng chung của học đường, mà hiện thực phản ánh của trường ca này gồm cả các cuộc chia tay khi ông còn đang học lớp 10A tại trường cấp 3 Quảng Oai, Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì Hà Nội). Vào thời điểm ấy, tại sân vận động Quảng Oai, tất cả học sinh lớp 10A của ông do thầy giáo dạy sử là Phùng Quang Phiệt làm chủ nhiệm đã tiễn đưa các bạn trong lớp lên đường ra trận. Đó là các bạn Đào Đại Hướng, Trần Mạnh Tưởng, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Văn Tình, Trần Đình Cử, Nguyễn Duy Bùi, Nguyễn Văn Bảy… Rồi trước đấy, ngay từ năm học lớp 8, chính nhà thơ và các bạn cùng lớp đã tiễn đưa thầy chủ nhiệm là Nguyễn Tấn Cường, bạn Phùng Công Huy… thẳng tiến vào Nam.

            Khi trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong những năm sơ tán, rồi trở về Hà Nội, sống bên cạnh những tòa nhà đổ sập vì chiến tranh, nhà thơ lại tiếp tục chứng kiến bao cuộc chia ly đầy nước mắt nữa. Trong những người bạn của nhà thơ ra đi, có rất nhiều người đã mãi mãi để lại tuổi xanh của mình nơi chiến trường như Nguyễn Văn Tình (bạn cấp 3),  Nguyễn Văn Thụy (bạn đại học)…

            Tất cả những cảm xúc mà nhà thơ đã trải nghiệm dọc tuổi thanh xuân được tích tụ, dồn nén qua bao năm tháng. Mãi đến năm 2010, khi tác giả là chuyên gia tại Đại học Ngoại Ngữ Thượng Hải - Trung Quốc, ông mới có những thời gian để suy ngẫm và đúc kết lại thành những dòng thơ vừa trữ tình vừa hào sảng kể lại một thời oanh liệt.

            Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, trong số báo này, BBT chúng tôi xin trích lại chương thứ bảy của trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”. Đây là chương tác giả Hữu Đạt muốn kính cẩn dâng lên các hương hồn liệt sĩ và gửi tặng các cựu chiến binh từng bỏ dở học đường tham dự cuộc chiến chinh vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, đó là lời tâm tình gửi đến các bạn bè “một thuở” ở cấp 3 Quảng Oai, các cựu sinh viên Văn - Sử, cũng như nữ cựu chiến binh Đỗ Thị Hồng Xoan – người trong cuộc của “Chuyện tình thời chinh chiến”.

            Trước khi đọc chương bảy của trường ca, trân trọng kính mới bạn đọc ghé qua mục “Chân dung các nhà khoa học” của trang wensite này để gặp gỡ Nhà giáo Ưu tú Lê Hồng Sâm như đã hẹn từ số báo trước.


Chương bảy

Mái trường Đại học

Thời ta đến Mễ Trì xanh màu lúa

những ao hồ giăng khắp lối ta đi

những chiến tích đạn bom còn hằn lên vết đất

mưa nhiều đêm trắng cả lối ta về

Lớp học chung hai ngành Văn Ngữ

một quầy ăn bát đũa xếp từng khu

Văn với Sử như là bè bạn

lối ta đi bạn cũng đi cùng

Tuổi trong trắng như trang giấy mới

mỗi ngày qua hai buổi đến trường

nghe giáo sư thuyết trình trên bục giảng

hồn đứa nào cũng ướt đẫm văn chương

Căn phòng ở kê toàn giường sắt cũ

bạn nằm giường trên ta ở dưới này

lương một tháng mười tám ngàn đồng bạc

nhưng tâm hồn ai cũng ngát hương bay

Nào những A Q , nào ông Lỗ Tấn

nào Đôtxxtoievxki, Sê khov với Mai a

đây cụ Lev - “Chiến tranh và hòa bình” không cũ

máu vẫn tuôn trên nửa nước non nhà

 

Lũ sinh viên miệt mài nghe thầy giảng

mắt ngẩn ngơ nhìn thành phố trong hoa

mỗi khi Tết hoa đào lại nở

náo nức làm sao được nghỉ Tết về nhà

Một bữa liên hoan cháy dạ dày lép kẹp

chiếc bánh chưng xanh tiêu chuẩn mỗi người

không kịp để dành lúc lên tàu chống đói

ta mở ra ăn tiễn bạn về xuôi

                                           

(hình đồng hồ cát)

Lớp tuy nhỏ nhưng bạn bầu tứ chiếng

kẻ miền Nam, miền Bắc miền Trung

kẻ ở núi cao, người nơi miền biển

những về đây chỉ một chữ “cùng”

Cùng chí hướng, cùng cả đời lam lũ

cùng cái nghèo theo suốt cả bốn năm

cùng đắp chung chăn mỗi đêm giá lạnh

cùng câu chuyện riêng tư trước mỗi tối đi nằm

 

cùng thao thức trước mỗi đời kiếp bạc

cùng ưu buồn trước các cuộc chia ly

cùng vui sướng reo lên khi thấy bạn

Nỗi nhớ xa nhau sau một tháng nghỉ hè

 

Ta hát mãi trong những chiều ký túc

lá vàng rơi lắc rắc khắp lối đi

tiếng gõ bát chờ cơm chen tiếng hát

một thời yêu nhau…trong xanh lúa đồng quê

 

 

Mễ Trì ơi! Nay còn đâu thuở ấy

hàng cây xanh trong vắt nước hồ

những đêm trăng buồn nghe cá quẫy

vũng nao lòng cả những răng ô rô

Không còn nữa cánh đồng hoang hoải nắng

mênh mông xa những ụ pháo hoang tàn

thời chinh chiến phố găm đầy vết đạn

bom thù rơi, nhà bếp sập, gãy tan

Một khóa học phải mấy lần sơ tán

mấy cuộc chia tay tiễn bạn lên đường

bao ấp ủ còn vương trên giáo án

mắt nhìn nhau chan chứa tình thương

Không ai nghĩ tuổi đang còn cắp sách

lại ôm ngang cây súng giữa trận tiền

dù mấy vạn những trang sách viết

hết làm sao những người lính không tên

                                                                                                (hình nút chai)

Thương lắm lắm, những bạn bè thuở ấy

trong những lớp ra đi có những bạn không về

đời trai trẻ ngã vào lòng trận mạc

chết sáng trong như ánh sao khuê

Cho đất nước bình yên

cho bao nhiêu đôi lứa

học và yêu

theo phong cách

 sinh viên

                                               

(hình cái chai)

Bao năm tháng qua đi

bao lớp người nối tiếp

một bài ca hát mãi chưa thôi

 vầng trăng tiễn đưa, nửa đi nửa ở

cuộc chiến trinh dằng dặc khôn nguôi

Trường với lớp về nơi sơ tán cũ

bạn khoác ba lô rong ruổi phía chân trời

nơi tiếng súng đang nã vào mặt trận

nơi khói bom mù mịt pháo đài bay

nơi xích sắt xe tăng nghiền nát đất

Bạn làm thơ trong hỏa lực pháo bầy

mỗi trang viết bạn gửi về Hà Nội

người ở nhà đọc như đắm như say

rừng Trường Sơn hôm nào bốc khói

những Con ma, Thần Sấm rơi đầy

hai  nửa  nước mình  đầy vết  đạn

nén đau thương gắng đừng thành người

Tiền tuyến gọi hậu phương xốc tới

dẫu biết rằng máu chảy đầu rơi

 

Bao người mẹ mất con

bao trẻ thơ khóc mẹ

 biết bao người vợ trẻ

thức trắng đêm 

trong nỗi nhớ chờ chồng

 

Ông hành quân

Cha hành quân

Cháu cũng hành quân

Đường tít tắp nối dài theo chiến dịch

rừng bốc cháy như là trong cổ tích

khắp lối bom rơi

khắp lối bom đào

Những thanh nữ xung phong 

đứng chắn thành rào

làm hàng cọc hoa tiêu 

cho đoàn xe vượt tuyến

Cả đất nước đằm mình trong chiến trận

đến bữa cơm ăn cũng gián đoạn không thành

trang giấy học trò nhàu nát trộn máu tanh

lớp sơ tán lật nghiêng

 bom tọa độ

Bàn ghế cháy thành than bay trong gió

đề văn thầy ra, bạn viết vội chưa thành

 

dang dở quá, trang sử nào xếp lại

những mối tình vừa chớm nở hôm qua

nay đã  lấy khăn tay thêu vội

những vụng dại ban đầu 

giấu trong những nụ hoa

Sân trường cũ năm nao còn in mãi

bóng những người lính chiến tuổi đôi mươi

dìu dặt cầm tay ai

 trong nước mắt

câu tiễn đưa như tím cả chân trời

 

Lớp bỗng cứ thưa dần sau mỗi đợt

lần tuyển quân nào cũng phải tiễn bạn đi

rừng Thái Nguyên bao chiều u uẩn khóc

chiến trường xa mộ bạn đã xanh rì

 

Vẫn nhớ mãi mùa mưa năm tháng ấy

qua Suối Đôi thầy chủ nhiệm cưỡi trâu

vượt dốc dài Hoàng Hữu Yên rơi kính (*)

nắng đến như cháy cả tóc trên đầu

Miệng vẫn hát những bài ca Đất nước

bụng chỉ toàn mì luộc trộn với rau

        cùng bạn sẻ chia bát canh toàn quốc(* *)

mai sớm vượt qua những núi cùng đèo

Đi chặt nứa rừng dựng nhà, dựng lớp

có gì đẹp bằng mắt bạn trong veo

có gì đẹp bằng nụ cười rạng rỡ

của người yêu dưới vành mũ tai bèo

Bao đôi lứa yêu nhau thời chinh chiến

đã buồn khi thư lạc lối không về

nhưng vẫn khắc vào tim mình hai chữ

dù đi đâu vẫn giữ trọn câu thề.

người ở lại trang giáo trình vẫn mở

người ra đi chân đạp đá, gai rừng

cùng đất nước viết thêm nhiều trang sử

rất oai hùng và cũng rất đau thương

                                                                  

(hình ngọn đuốc)

                 Thời ta đến                 

 Mễ Trì xanh màu lúa

lửa chiến chinh cháy rực

 khắp cánh đồng

treo ảm đạm 

vầng trăng non 

góa bụa

Tiếng 

Thần

           Sấm (***) 

 gầm 

rách nát

 những khoảng không

(*) Câu truyền miệng của SV khoa Ngữ văn: vượt dốc dài Hoàng Hữu Yên rơi kính/ Qua Suối Đôi Hoàng Xuân Nhị cưới trâu.

 (*) Cụm từ sinh viên thời đó hay dùng ch loại canh rất ít rau chỉ toàn nước

(***) Loại máy bay ném bom F105 của Mỹ.

 

                                      

(hình tháp xuôi) 

Đêm

Giấc ngủ

 chập chờn

 cơn ác mộng

giáo án lật sang trang

ứớt đẫm tấm lưng thầy

bao con chữ ngổn ngang rơi trên lớp

giờ học cuối cùng anh nhớ mãi từ đây

tiền tuyến gọi cuộc hành quân tiếp bước

                                  

                                     Anh                      (hình mũi tên)

 xung phong

 vào trận cuối cùng này

đêm lửa trại cả trường vui náo nức

trống dập dồn theo bóng lá cờ bay

Không có gì quí hơn Tự do cho Tổ quốc

chiếc gậy Trường Sơn thành bạn mới những ngày

vượt núi băng đèo

tiến về phía trước

không quản hy sinh

gian lao khó nhọc

chiếc ba lô 

trĩu nặng

tấm thân gầy

mưa gió 

Trường Sơn

không át nổi

tấm lòng

yêu nước

  đến mê say

 

Như tất cả bao sinh viên  trường khác

anh đi trong đội ngũ điệp trùng

vai khoác ba lô tay mang súng đạn

ấy bài thơ viết dở giắt bên lưng

Thơ anh viết nhuốm rất nhiều lửa khói

vẫn không quên những nỗi nhớ bạn bè

mỗi cuộc hành quân, một trang thơ viết vội

hành trang suốt đời người lính chẳng có chi

 

Chỉ có những ước mơ

 xanh như màu biển cả

và tình thương vô tận

 với quê nhà

                                                         anh không khóc

sao trang thư lại khóc

để người ở lại buồn

hóa đá giữa mưa sa?

 

Thời ta đến Mễ trì xanh màu lúa

tình yêu anh chớm nở lúc đông tàn

có lẽ nào bạn tôi thành góa bụa

ngay cái thời tóc vẫn còn xanh?

Đèn vẫn sáng trong những đêm họp lớp

giọng thầy đọc run run 

   thư tiền tuyến

 gửi về

Lớp

im lặng

dõi theo từng nét chữ

Bài học lịch sử buồn 

trong những phút chia ly

 Lá thư nhỏ

trang giấy đen gấp vội

đã đi qua bao chặng 

vượt bom thù

Bom làm rách

nửa phong bì ám khói

vẫn rực màu khát vọng 

mùa thu

vẫn chứa chất

 ngàn điều

 còn chưa nói

vẫn tươi nguyên

những lời hẹn

câu thề

Nơi tiền tuyến

anh đang xốc tới

chốn quê nhà

trăng theo bước anh đi

Lớp không học từng tuần theo lịch cũ

mỗi lối trường xưa địch oanh kích nhiều lần

đêm sơ tán bạn nhớ anh không ngủ

lớp vắng dần sau mỗi đợt tuyển quân

 

Ngày ta mới nhập trường 

hơn sáu mươi sinh viên một lớp

nay nhìn quanh chỉ thấy bóng chục người

cảnh xao xác của một thời đánh giặc

những nỗi buồn dằng dặc khôn nguôi

 

Một lần nữa lại một người ngã xuống

lớp thêm một người ở tiền tuyến hy sinh

giờ truy điệu cờ rủ ngay trước lán

ai cũng đau như mất ở lòng mình

một chút tuổi xuân

  đi như    

không về nữa

một chút tình yêu

đắm say

trong

 dang dở

một chút 

ước mơ

vội vã

 chửa 

                                                  thành hình                            (hình cây thánh giá)

Ai cũng như thấy mất ở lòng mình

cái gì đó

 lớn lao

 to tát quá

Phút

 im lặng

bao

 bạn bè 

nghẹn thở

khắc

 một 

chữ

 “buồn” 

nhói 

buốt

ở 

trong

 tim

Thời ta đến Mễ Trì lúa màu xanh

 

Powered by Froala Editor