Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Quái nhân" , Nxb Hội Nhà văn - Hữu Đạt (5)

Dạo ấy, khi mới ra trường, Đốp trở thành cán bộ giảng dạy của khoa Văn Chương. Trẻ, đẹp trai, lại nói năng nhẹ nhàng, Đốp lọt ngay vào tầm ngắm của nhiều nữ sinh trẻ. Trong số đó, có một nữ sinh quê gốc Hà Nội tên là Chu Mai Thanh. Cô học không giỏi, nhưng nhan sắc lại nổi tiếng. Vừa vào năm thứ nhất, Mai Thanh đã gây sóng gió cho bao nhiêu chàng “thi sĩ tương lai” của khoa Văn Chương và làm sôi nổi cả dư luận tình trường. Tuy vậy, Mai Thanh chưa yêu ai. Trái tim cô hướng về anh giáo trẻ Trần Văn Đốp. Lúc đó, nhiều bạn bè đồng nghiệp đều phát ghen lên với anh. Nhưng ai cũng nghĩ rằng, Mai Thanh yêu Đốp là xứng đáng. Họ chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng và hy vọng đến một ngày nào đó sẽ được chứng kiến cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa hai người.

Nhưng đùng một cái, sự kiện tan vỡ của đôi uyên ương này làm thót tim bao kẻ hâm mộ. 

Powered by Froala Editor

(5)

             Vợ chồng Đốp sinh con một bề. Họ có hai người con gái. Cô bé tên là Trần Hoài Thu. Cô lớn tên là Trần Thanh Thảo. Thanh Thảo đã lấy chồng cách đây mấy năm, còn Hoài Thu thì đang học ăm cuối đại học. Sở dĩ hai người đặt tên con cùng vần “th” vì mẹ chúng tên là Quách Thị Thơm. Họ “Quách” với người Việt hơi lạ nên có người nói, đó là một dòng họ gốc Mường. Cũng có  một vài người thì nghi ngờ, dòng họ này có thể  liên quan đến người Ba Tàu di cư vào Việt Nam từ thế kỷ XVI-XVII. 

           Câu chuyện Đốp lấy Thơm thì dài lắm. Nói vắn tắt, đây là cuộc hôn nhân được hình thành sau cú thất bại nặng nề của Đốp về tình yêu. Dạo ấy, khi mới ra trường, Đốp trở thành cán bộ giảng dạy của khoa Văn Chương. Trẻ, đẹp trai, lại nói năng nhẹ nhàng, Đốp lọt ngay vào tầm ngắm của nhiều nữ sinh trẻ. Trong số đó, có một nữ sinh quê gốc Hà Nội tên là Chu Mai Thanh. Cô học không giỏi, nhưng nhan sắc lại nổi tiếng. Vừa vào năm thứ nhất, Mai Thanh đã gây sóng gió cho bao nhiêu chàng “thi sĩ tương lai” của khoa Văn Chương và làm sôi nổi cả dư luận tình trường. Tuy vậy, Mai Thanh chưa yêu ai. Trái tim cô hướng về anh giáo trẻ Trần Văn Đốp. Lúc đó, nhiều bạn bè đồng nghiệp đều phát ghen lên với anh. Nhưng ai cũng nghĩ rằng, Mai Thanh yêu Đốp là xứng đáng. Họ chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng và hy vọng đến một ngày nào đó sẽ được chứng kiến cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa hai người.

             Nhưng đùng một cái, sự kiện tan vỡ của đôi uyên ương này làm thót tim bao kẻ hâm mộ. Số là lần ấy, lớp sinh viên năm thứ hai đi thực tập thực tế tại Mai Châu Hòa Bình. Vì bị ốm nên Đốp không đi theo hướng dẫn cho đoàn sinh viên được. Anh phải nhờ một bạn đồng nghiệp, cũng là cán bộ giảng dạy trong khoa, trông nom giúp cô người yêu vàng ngọc của anh. Nhóm sinh viên của Mai Thanh chỉ có độ gần chục người, tách khỏi lớp, đi sâu vào các bản làng dân tộc để nghiên cứu các hiện tượng tiếp biến văn hóa tại các vùng đệm. Thời gian họ đi thực tế lúc đó vào khoảng tháng mười. Đây là thời gian, ở vùng núi, trời đã bắt đầu lành lạnh. Đó là kiểu thời tiết làm cho những người yêu nhau thì rất nhớ nhau, còn nhưng người chưa yêu thì có cảm giác thèm được yêu, thèm được sưởi ấm bằng hơi thở nồng nàn của người khác giới.

           Xa người yêu đã nửa tháng nhưng Mai Thanh không hề nhận được thư nào của Trần Văn Đốp. Ngày ấy, đang là thời kỳ chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, việc trao đổi thư từ gặp nhiều khó khăn. Đa phần thư từ qua đường bưu điện thường bị chậm, hoặc có khi thất lạc. Do vậy Mai Thanh buồn lắm. Ngày nào cũng vậy, cứ đến chiều tối, lòng cô lại cồn lên nỗi nhớ Hà Nội, nỗi nhớ người yêu. Sương miền núi giăng giăng, giống như tấm áo lụa mỏng tang khoác lên núi đồi. Xa mờ trên đỉnh núi là bóng những cây cổ thụ im lìm như các cụ già trầm mặc ngồi nhìn thế sự với vẻ mặt u buồn. Dưới thung lũng, lèo tèo vài nóc nhà sàn mọc lên bên bờ suối hay ở giữa những vạt ruộng bậc thang vừa mới gặt xong. Mai Thanh có cảm tưởng mình đang sống giữa một miền cổ tích. Cô phát khóc mỗi khi nhớ lại câu thơ của Quang Dũng “ Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai; sông xa từng lớp lớp mưa dài……”. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Mai Thanh cảm thấy mình phải trải qua nỗi thử thách gần như không thể chống lại được. Đã có lúc, cô định bỏ cuộc để trở về, dù cô biết như thế là vi phạm kỷ luật, là sự đầu hàng hèn nhát với một nữ sinh viên năm thứ ba.

Đúng lúc ấy, người thầy của cô, bạn của Đốp, người được Đốp viết một lá thư dài nhờ cậy trông nom người yêu trong lúc đi xa, đã kịp thời có mặt để an ủi Mai Thanh. Cô không có ý định bỏ cuộc nữa. Nửa sau thời gian thực tập thực tế, ngày nào người ấy cũng đến chỗ ở của nhóm để động viên cô. Khi thì hai người nói chuyện với nhau dưới chân nhà sàn. Khi thì họ cùng đi dạo bên bờ suối. Dần dần, hình ảnh của người ấy trở thành một cái gì quá thân thiết mà chính Mai Thanh cũng không lý giải nổi.

           Thế rồi, một đêm trăng sáng, người ấy và Mai Thanh đi sang bản bên để thu thập tài liệu điền dã của nhóm bên cạnh. Họ đi qua một con suối nhỏ. Bắc qua là một cây cầu chỉ được ghép bằng hai cây gỗ to bằng bắp chân. Lúc sắp sang bờ bên kia, bỗng Mai Thanh chạng vạng suýt ngã vì đế guốc chạm phải một cái mắt gỗ chưa được đẽo nhẵn gần đoạn gốc cây. Chới với vì sợ ngã xuống suối, Mai Thanh ôm chặt lấy người cùng đi. Chàng thanh niên chưa một lần biết yêu bỗng bàng hoàng, đưa tay lên như một phản xạ. Ghì lấy. Xiết chặt. Người ấy như mê đi khi khuôn miệng của Mai Thanh áp chặt vào môi mình. Mùi nước hoa, mùi hơi thở nồng nàn của người con gái Hà thành mới lớn làm cho anh ngây ngất. Nhưng rồi, sau vài phút, anh sực tỉnh. Anh đẩy Mai Thanh ra một chút, ngó quanh như sợ có ai bắt gặp cuộc quyến luyến của hai người. Nhưng kìa, bàn tay Mai Thanh đã nắm chặt tay anh, kéo về phía ngực mình. Anh cảm thấy tay mình run rẩy khi chạm vào làn da mát rượi đang phập phồng hôi hổi dưới ánh trăng. Một lẫn nữa, Mai Thanh lại chà sát làn môi của cô lên má, lên cổ anh. Anh không cưỡng được sức mạnh vô biên đang trào dậy từ CÁI-CON- NGƯỜI theo bản năng mà Trời đất đã ban tặng. Lần này thì anh vòng đôi tay vạm vỡ của mình ra phía sau lưng Mai Thanh. Mai Thanh thốt lên:

         - Anh mạnh mẽ lắm, tuyệt vời lắm, chứ không như…

         Người ấy không nói gì mà cúi xuống. Anh hôn hùng hục, đầu nhoi lên nhoi xuống như đang húc qua sóng nước sông Hồng. Tiếng chun chút mỗi lúc một mạnh thêm. Anh không nghĩ rằng, cái hôn cháy bỏng của anh đang nã vào tình yêu của Mai Thanh và Trần Văn Đốp những phát đại bác. Khói bụi của nó sẽ làm náo động cả khoa Văn Chương.

           Không biết từ đâu cái tin bí mật về quan hệ giữa Mai Thanh và người ấy trong cái tháng đi thực tập thực tế lại đến tai Trần Văn Đốp. Anh và Mai Thanh đã tiến hành một cuộc đối thoại và kết quả cuối cùng là Trần Văn Đốp đệ một lá đơn lên Ban Chủ nhiệm khoa. Chủ nhiệm khoa Văn Chương là giáo sư Võ Xuân Hoàng rất bất ngờ, nhưng thừa tỉnh táo để nhận ra đó chỉ là một nốt thăng trong bản nhạc ái tình của tuổi trẻ. Ông chuyển là đơn cho Chủ nhiệm bộ môn Lý Quang Trọng.

      Giáo sư Trọng vốn là người cao mưu, lại từng trải. Ông chẳng lạ gì những trò láo nháo trong tình yêu của tuổi trẻ. Nếu cái việc cỏn con này bị bươi ra thì ông cũng chẳng sung sướng gì. Rồi thì lại họp. Lại giải trình. Lại báo cáo kết quả…đủ các thao tác vô bổ trong lúc ông rất cần thời gian dành cho chuyên môn. Thế là, sau một đêm suy nghĩ, ông cho mời vị phó của mình là Đàm Từ Thụ đến để bàn cách xử lý.Sau một hồi nghe giáo sư Trọng thông báo, Đàm Từ Thụ được rỉ tai bằng mấy câu trấn an:

         - Đây chỉ là trò yêu đương vớ vẩn của tuổi trẻ. Chúng ta là người lớn, cần phải biết giải tỏa một cách êm nhẹ.

        Đàm Từ Thụ là người khôn ngoan. Ông sợ, nếu không giải quyết cho êm thấm thì có thể dẫn đến cả bộ môn mất “Cờ thi đua”. Mà thời ấy, “Cờ thi đua” là một cái gì thiêng liêng lắm. Nó là tiêu chí đánh giá về sức mạnh của cả một tập thể.

         Đàm Từ Thụ lặng lẽ tiến hành các cuộc gặp gỡ riêng với từng đương sự. Ông giải thích rằng “ Đây là âm mưu của kẻ địch nhằm đánh vào sau lưng hòng phân hóa nội bộ ta, phải hết sức đề cao cảnh giác”. Cả Đốp và người ấy đều hoang mang, không biết kẻ địch là ai, từ đâu tới ? Trong hoàn cảnh thời chiến, kẻ địch có thể ở khắp mọi nơi. Kẻ địch có thể là phe đối chiến, phải chiến đấu bằng súng đạn. Kẻ địch có thể là tư tưởng, nó nằm ngày trong tập thể lớn, tập thể nhỏ xung quanh hoặc nằm ngay trong bản thân của mỗi người. Dù có thế nào thì cũng phải lấy quyền lợi của tập thể lên trên hết.

         Vì được làm công tác tư tưởng kỹ như thế cho nên khi vấn đề phức tạp được đưa ra cuộc họp lại hóa ra đơn giản. Giáo sư Trọng trịnh trọng tuyên bố, đây chỉ là vấn đề nội bộ nên kỷ luật chủ yêu nhằm giúp cán bộ nâng cao cảnh giác, cần tỉnh táo để khỏi mắc mưu kẻ địch. Nói ngắn gọn, hình thức kỷ luật là hoán chuyển công tác để thử thách và không ghi thành văn bản.

           Sau cuộc họp đó, Đốp “được thăng cấp” từ “Thư ký Tổ” lên “Thư ký Công đoàn”, còn người kia thì bị giáng cấp từ “Thư ký Công đoàn” xuống làm “Thư ký Tổ”. Trần Văn Đốp rất phấn khởi. Đốp cho rằng, dù sao thì anh cũng lấy lại được danh dự. Nhưng trên thực tế, thời sơ tán, cái anh “Thư ký Công đoàn” lại vất vả hơn anh “Thư ký Tổ” rất nhiều. Hàng tháng, anh “Thư ký Tổ” chỉ có mỗi công việc là lên thời khóa biểu giảng dạy, còn anh “Thư ký Công đoàn” thì nhiều việc lắm. Được tiếng oai là, trong mọi cuộc họp anh đều có mặt trên ghế Chủ tịch đoàn theo công thức “ bộ tứ”, nhưng công việc thì bận như con mọn. Nào thì lo đi lấy gạo từ kho dã chiến về cho anh em. Nào thì lo chia chác cho mọi người trong đơn vị từ cái kim, sợi chỉ, áo lót, khăn mặt đến cả những suất thịt lợn phân phối Tết, nào là chia quà bánh Trung thu cho con cán bộ, lo tổ chức làm lán trại cho Ban Chủ nhiệm khoa…Cho nên, xét cho cùng hóa ra là chính Trần Văn Đốp bị kỷ luật chứ đâu phải là tình địch của anh.Trong khoa Văn Chương lại rộ lên những lời bàn tán khiến cho giáo sư Trọng cũng phải sốt ruột. Nhân năm ấy có chỉ tiêu đi nghiên cứu sinh nước ngoài dành cho khoa Văn Chương, giáo sư Trọng liền đề nghị giáo sư chủ nhiệm Võ Xuân Hoàng ưu tiên cho Trần Văn Đốp.Anh qua một kỳ thi sát hạch, sau đó nhận giấy báo lên đường.

            Vết thương tình làm cho Trần Văn Đốp trống chếnh mất một thời gian. Trong những ngày tháng đầu tiên ở nước ngoài, Đốp tình cờ gặp Quách Thị Thơm trong đoàn cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn tại Liên bang Xô viết. Cuộc gặp gỡ đó đã dẫn đến cuộc hôn nhân của Đốp khi anh mới bước sang năm nghiên cứu sinh thứ hai.

          Khi Đốp và Thơm có đứa con đầu tiên, Đốp lấy tên của người yêu cũ để làm tên lót cho con gái. Anh muốn tự nói với mình rằng, dù đã chấp nhận số phận, nhưng anh không bao giờ quên mối tình với Mai Thanh. Nó đắng cay, nhưng cũng rất ngọt ngào. Nó là nỗi đau, nhưng cũng là bài học. Một bài học cảnh giác mà suốt đời anh phải ghi nhớ trong mọi công việc của mình.

            Mãi sau này Thơm mới biết cuộc tình trong quá khứ của Đốp. Chị lờ mờ hiểu tại sao, giữa chị và Đốp tuy đã thành vợ chồng mà lại vẫn có một cái gì đó như là khoảng cách. Khoảng cách ấy làm cho chị và Đốp không có sự cuồng nhiệt nhưng cũng không lạnh lùng. Nói chung, họ là một cặp vợ chồng suôn sẻ nhưng không có dấu ấn đậm đà. Tất cả đều bình bình, mờ mờ. Sinh con đẻ cái, vần vũ với công việc. Nhịp sống trôi đi không náo nhiệt, cũng không quá âm thầm. Ngày nghỉ, họ vẫn cùng đi công viên, hay đi xem hát. Ngày Tết họ cũng cùng nhau đi chúc tết mọi người. Duy chỉ có một điều là họ không bao giờ tới cơ quan của nhau và đặc biệt không bàn luận gì đến nhân sự hay công việc cụ thể của cả hai phía. Chính vì thế, mỗi khi Đốp nói chuyện điện thoại với ai, chị không bao giờ để ý. Nhưng hôm nay, Đốp đã hẹn nấu cơm ăn sớm để cùng lên phố đặt tiền mua nhà, chị tỏ ra sốt ruột khi đã trôi qua mười lăm phút mà Đốp vẫn còn say sưa nói chuyện với giáo sư Trọng từ nửa bán cầu phía bên kia.  Hết đi ra lại vào, chị ngước nhìn đồng hồ như có ý giục Đốp, nhưng Đốp vẫn đang chìm đắm trong câu chuyện bàn luận với sư phụ. Cuối cùng, anh cất giọng cung kính:

      - Dạ, thưa thầy, em hiểu rồi ạ. Em sẽ lo chuyện đó ngay.

Đốp đặt máy xuống, rồi quay sang phía Thơm chặc lưỡi:

- Đành phải thay đổi kế hoạch vậy.

Thơm lặng đi, không nói gì, cố nén tiếng thở dài. Đốp phân bua:

- Anh phải đến nhà giáo sư Nguyễn ngay bây giờ. Việc này còn gấp hơn. Việc đặt tiền, mai sớm vợ chồng mình lên phố cũng được.

Thơm băn khoăn:

- Để một đống tiền ở nhà thế này, em sợ lắm.

Đốp đập nhẹ vào vai vợ, thì thầm:

- Hàng phố không ai biết mình bán nhà. Không lo. Cốt nhất là em đừng đi đâu. Cứ đóng cửa, tắt đèn, khách đến thì coi như mình đã đi vắng.

Đốp dặn dò vợ xong liền thay quần áo và phóng xe thẳng xuống nhà giáo sư Nguyễn. Trên đường vào khu tập thể, anh không quên dừng lại mua một túi cam. Đốp gửi xe máy cho một nhà trông xe ở dãy bên cạnh rồi hấp tấp chạy lên cầu thang nhà D. Căn hộ của giáo sư Nguyễn ở tận tầng 5 nên chạy lên đến nơi, Đốp phải dừng lại một lúc để thở.

Thấy có tiếng chuông, giáo sư Nguyễn ra mở cửa. Ông mặc bộ quần áo pi za ma nên dáng người ông trông lòng khòng. Gò má cao, hai má tóp lại vì mới rụng thêm chiếc răng hàm, giáo sư Nguyễn niềm nở:

- Trần Văn Đốp đấy à?

Đốp nhìn giáo sư Nguyễn bằng ánh mắt lo lắng:

- Nghe tin thầy bị ốm, em đến thăm. Có mấy quả cam để thầy uống nước.

Nguyễn tuy nhiều tuổi nhưng là cán bộ Tập kết đi học nên chỉ tốt nghiệp trước Nguyễn vài khóa. Vì thế, có lúc Đốp gọi Nguyễn là anh, có lúc gọi là thầy. Thấy Đốp ân cần, Nguyễn rất cảm động. Ông nói chậm rãi:

- Cảm ơn cậu nhé. Mình ốm nhẹ thôi mà. Anh em cùng bộ môn, bày vẽ làm gì cho tốn kém.

Đốp vào nhà và đặt túi cam lên bàn, chân thật:

- Có đáng gì đâu thầy. Với đồng lương bây giờ, cân hoa quả chỉ là thứ nhỏ vặt. Thầy đừng ngại.

Căn hộ của giáo sư Nguyễn khá chật chội, chỉ rộng chừng bốn chục mét vuông, được chia làm hai. Gian ngoài kê bộ sa lông cũ với hai chiếc giá sách và bộ bàn ghế làm việc còn cũ hơn bộ sa lông. Gian trong là phòng ngủ, kê được chiếc giường đôi và cái võng dù. Gian bếp nối thông với chỗ bàn làm việc bằng một lối đi hẹp. Vì vậy, khi đi vào phía trong súc ấm pha trà, giáo sư Nguyễn phải nghiêng người về một bên. Lúc quay ra, ông cười nói:

- Cậu thông cảm, nhà chật, bừa bộn quá.

Đốp nhoẻn cười. Lúc này Đốp tỏ ra vô tư, cái răng gểnh của anh trở nên có duyên:

- Vâng, dân nghiên cứu thì bao giờ cũng thế ạ. Kể ra, Nhà nước quan tâm thì các giáo sư như thầy phải cho một căn hộ thật rộng.

Giáo sư Nguyễn đồng tình:

- Đúng ra là như thế. Bọn mình lăn lộn trong kháng chiến từ tuổi thiếu sinh quân, vậy mà đến lúc hưu vẫn còn ở chật chội quá. Nhưng nước mình còn nghèo, thì cũng phải tự an ủi “Thế này hãy còn tốt hơn nhiều người rồi”.

Giáo sư Nguyễn rót trà mới Đốp uống nước. Ông phấn khởi khoe:

- Mình đang đọc một tài liệu mới về triết học ngôn ngữ. Trường phái Mỹ nhiều người giỏi thật.

Thật là một dịp hiếm có, Đốp bắt nhời luôn:

- Ở ta, chỉ có thầy là số một đi theo khuynh hướng này. Trước đây, em chưa có dịp tiếp xúc nên thấy các bài viết của thầy quá khó hiểu. Bây giờ bình tĩnh đọc lại, càng đọc càng thấm thía ra nhiều điều. Ý tưởng trong các bài viết của thầy sâu sa lắm.

Giáo sư Nguyễn nghe Đốp nói như thế thấy thật hả dạ. Ông không giấu được sự phấn khởi nên cười rất hồn nhiên:

- Ờ, chục năm trước cậu và giáo sư Trọng chê mình nhiều lắm. Bây giờ cậu chịu rồi phải không?

Đốp gật đầu lia lịa:

- Chịu. Hoàn toàn chịu. Bây giờ em nhận ra, hướng nghiên cứu của thầy làm cho bộ môn mình mạnh hẳn lên.

Đang trong lúc cao hứng, giáo sư Nguyễn liền trỏ cho Đốp xem những đoạn ông đánh dấu trong cuốn sách. Đó là những chỗ rất khó dịch. Sau đó, ông giải thích cho Đốp nghe một số thuật ngữ mà ông sáng tạo ra như có ý kiến tham khảo các môn đệ của mình.

Đốp nhẫn nại nghe giáo sư Nguyễn thuyết giải các nội dung cơ bản của cuốn sách một cách kiên trì, không biểu hiện chút nào tỏ ra là mình sốt ruột. Thời gian cứ thế trôi qua. Vậy là đã hơn một tiếng đồng hồ. Mấy lần, Đốp định nói một điều gì đó, nhưng anh lại thôi. Không biết giáo sư Nguyễn có hiểu ý của Đốp không nhưng sau lúc bàn luận về chuyên môn, ông nhìn vào Đốp bộc bạch:

- Cuộc họp vừa rồi, giáo sư Lưu Văn Mộ vẫn không ủng hộ cậu. Ổng nói, công trình của cậu còn ít quá, đưa lên giáo sư thì còn non…

Đốp lúng túng, chưa kịp giãi bày ra sao thì giáo sư Nguyễn động viên:

- Cậu cứ yên tâm. Lần này mình sẽ thuyết phục thêm giáo sư Lưu Văn Mộ. Thực ra ổng là người thẳng thắn, tốt bụng, có trách nhiệm với ngành, nhưng cách nhìn còn hơi cứng.

Đốp bặm môi, lắng nghe. Giọng giáo sư Nguyễn láu táu nhưng chân thành. Qua thử thách, Đốp nhận ra, giáo sư Nguyễn là người rất độ lượng. Ông lúc nào cũng tỏ ra nhân ái với lớp trẻ. Đốp bỗng thầm trách mình, ngày ấy anh quá khích thật. Nhưng giáo sư Nguyễn chẳng thèm chấp nhặt chuyện đó. Ông vẫn hết sức nâng đỡ anh. 

Trong lúc Đốp đang suy nghĩ thì giáo sư Nguyễn trầm ngâm:

- Cậu và hai, ba anh nữa, thực chất là còn non. So với tiêu chuẩn, rõ ràng chưa xứng đáng. Nhưng mình cũng đã thảo luận với anh Mộ nhiều lần. Bọn mình dù sao cũng đã già. Tương lai của ngành này phụ thuộc vào lớp người như các cậu. Lần này đưa các cậu vào giáo sư coi như là để lại cho các cậu một món nợ. Các cậu phải trả cho thế hệ sau.

Nói xong Nguyễn cười một cách hiền lành. Miệng ông rộng, lộ ra mấy chiếc răng vàng đã cũ. Độ hai năm nay, Đốp thấy ông gìa đi trông thấy, tóc cũng rụng nhiều. Ông rất gầy, nhưng càng gầy càng đẹp.

Đốp cảm thấy sung sướng vì anh không phải nói ra tiếng “nhờ vả” đối với đấng đàn anh mà vẫn được ông quan tâm. Chả riêng gì với Đốp, với bất cứ ai ở chà dưới giáo sư Nguyễn cũng vẫn ân tình như vậy cả. Hình như ông chưa giận ai bao giờ. Ngày còn sinh hoạt cùng một chi bộ, có lúc giáo sư Trọng công kích ông rất mạnh, coi ông là người không biết quản lý, nhưng ông cũng chỉ cười. Ông là nhà nghiên cứu, nhưng tâm hồn thấm đậm chất nghệ sĩ.

Có lẽ không nói một lời khách sáo với ông sẽ thiếu đi sự tế nhị. Nghĩ như vậy, Đốp ngước nhìn ông và lấy giọng chân thành:

- Thế hệ trên có những người như thầy, thật là hạnh phúc cho các lứa sau. Nếu được phong giáo sư rồi, chúng em sẽ có trách nhiệm với lớp đàn em như các thầy đã ủy thác.

Đốp cố tình không dùng chữ “em” mà dùng “chúng em” như muốn nói với giáo sư Nguyễn một lời hứa, nhưng là lời hứa của một tập thể chứ không phải của cá nhân. Cái việc “ phong hàm” coi như vậy đã xong, còn việc “tách khoa” Đốp cũng muốn thăm dò xem thái độ của giáo sư Nguyễn thế nào. Lựa lúc Nguyễn đang vui vẻ, Đốp ý nhị vào đề:

- Chỉ tiếc là thầy qua tuổi quản lý rồi, chứ nếu không lần này tách khoa, thầy đứng ra gánh vác cái chân chủ nhiệm cho khoa mới thì hay biết mấy.

Giáo sư Nguyễn cười khinh khích:

- Thế hệ các cậu dư người để làm việc đó. Vấn đề là cuộc họp toàn thể có quyết được hay không?

Đốp trầm ngâm:

- Lúc đầu em cũng nghĩ là đơn giản, chỉ đôi ba cuộc họp là xong. Không ngờ lại phức tạp đến thế.

Giáo sư Nguyễn ngả người ra ghế, gật gù:

- Dù sao đây cũng là việc phá đi một thương hiệu, cho nên trong tâm lý mọi người không khỏi có những cấn mắc. Cái khoa này, nó vốn sừng sững như thế, nay tách ra thành hai khoa liệu có phát triển được không ? Hay lại yếu đi?

Đốp chộp luôn:

- Thầy nghĩ thế nào?

Giáo sư Nguyễn suy nghĩ giây lát rồi trả lời:

- Cũng chưa thể nói ngay được. Nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng có một thực tế là, trong nội bộ khoa chúng ta, nhiều năm qua không được êm thấm lắm. Các cán bộ trẻ thì không có gì, nhưng trong lớp cán bộ lớn tuổi, cũng tồn tại  vấn đề mất đoàn kết. Chúng ta sống trong tình trạng vừa mặt mà không vừa lòng. Trong kỳ Đại hội Đảng bộ khoa cách đây hai khóa, sự mất đoàn kết lại được đẩy đến điểm đỉnh do một số đảng viên chúng ta công kích, thậm chí thóa mạ nhau ngay trước đại hội. Căng thẳng nhất là vụ anh Bổng chửi anh Trọng, anh Xá chửi anh Tư. Quanh quẩn vẫn chỉ là cái chuyện cử người này mà không cử người kia đi nước ngoài, chuyện phân nhà cho người này mà không phân cho người khác, hoặc cái chuyện thọc ngang nhau trong các cuộc xét phong giáo sư giáo sãi.Nay thì người đã chết, người thì chuyển vào Nam, nhưng cái dư ba của nó vẫn còn âm vang trong lòng những người còn lại.

Nói tới đây, giáo sư Nguyễn thấy lòng mình nặng trĩu. Mặt ông buồn hẳn đi, đôi mắt nhỏ của ông bỗng rơm rớm nước.

- Cùng là anh em, cùng là đồng nghiệp - giọng giáo sư Nguyễn lắng xuống như nhắc nhở với chính mình và với người trước mặt – lẽ ra nên ủng hộ nhau để cùng nhau đi lên. Nhưng chúng ta không làm thế. Chúng ta ngáng chân nhau, đấm vào lưng nhau những cú đấm ê ẩm. Chỉ vì mỗi người chúng ta chưa biết vượt lên cái cá nhân của mình. Làm sao mà phải tức tối, đố kỵ với nhau? Lẽ ra chúng ta phải mừng cho nhau mỗi khi ai đó có một quyển sách, ra một công trình, hoặc có thêm một cái học vị, học hàm nào đó.Nhưng không…, một số người đã không hành xử như thế. Khoa học, tài năng, giống như khí trời…không một ai có thể tham lam tự vơ vào mình hết được. Cũng không thể nào kiềm chế người khác được.

Đốp lắng nghe những lời tâm huyết đến gan ruột của giáo sư Nguyễn, lòng không khỏi bồi hồi. Có lẽ ông là người khách quan hơn anh vì ông đứng lùi xa hơn và ở tầm cao hơn hẳn. Còn anh, do là một môn đệ trung thành của giáo sư Trọng, anh nhìn tất thảy những ai công kích ông đều là những người đáng ghét, mặc dù họ đều là thầy cũ của mình.

Qua lời bộc bạch của Nguyễn, Đốp hiểu rằng, mặc dù ông không phải là người ủng hộ quyết liệt, nhưng ông cũng thuộc số những người cho rằng, đây là một cơ hội tốt để tạo ra một hướng giải quyết nhằm tránh sự níu kéo và liên đới lẫn nhau giữa những người của hai ngành lớn nhất trong khoa. Đốp ướm thử:

- Nếu việc tách khoa thành công, bộ môn chúng ta thành một khoa độc lập thì theo thầy, ai là chủ nhiệm sẽ hợp lý hơn cả?

Là một người tế nhị, giáo sư Nguyễn không trả lời ngay vào câu hỏi của Đốp, ông nói khơi khơi:

- Mỗi thế hệ có một thế mạnh riêng. Thế hệ của Vũ Bá Thành, Nguyễn Thiện Dũ thì trẻ, ưu thế là năng nổ.

Đốp cười cười cười:

- Ngô  Lý Bá  thì ta không nên tính tới. Cậu ấy đam mê với sân khấu nên cũng chẳng để tâm đến việc quản lý đâu. Chỉ có cậu Dũ, nhưng…

Đốp bỏ lửng, không nói hết câu, nhìn sâu vào đôi mắt giáo sư Nguyễn thăm dò. Ông đoán được tâm tư của Đốp nên nhận xét:

- Thế hệ của các cậu thì từng trải, vững vàng hơn, nhưng sức năng nổ lại hạn chế.

Đốp như cởi tấm lòng, anh hào hứng hẳn lên:

- Như vậy là phải có sự kết hợp giữa các thế hệ phải không thầy?

Giáo sư Nguyễn gật gù. Đốp chú ý theo dõi những thay đổi cảm xúc trên khuôn mặt ông và đưa ra một phép thử. Anh nói:

- Có lẽ nên mời anh Trần Chí Phát về khoa. Chúng ta cần đấu cật chung lưng xây dựng ngay từ đầu mới được thầy ạ.

Giáo sư Nguyễn vô tư, không hiểu được ý nghĩa sâu sa trong câu nói của Đốp, liền trả lời:

- Cậu Phát đang ở “trên ấy”, chắc gì đã chịu về? Có chăng, chỉ nên kêu gọi cậu ta làm cái chân “kiêm nhiệm”.

Thế là đã rõ, nếu tách khoa lúc này thì cái ghế chủ nhiệm đầu tiên sẽ không phải ai khác ngoài Đốp. Nhưng muôn đời vẫn có câu “Chính trị cần phải thủ đoạn”…nghĩ tới đó, bất giác Đốp mỉm cười. Anh cảm thấy mình như đang đối thoại với rất nhiều người khác. Anh lớn tiếng nói: “không, dùng từ như thế nặng quá. Chỉ nên nói, chính trị là mưu lược. Không có mưu lược nhất định không thể thành công được”

Lòng vui phơi phới, Đốp phóng xe máy về nhà. Con đường từ ngoại ô về trung tâm thành phố bây giờ vẫn còn lởm khởm, xấu xí quá. Có rất nhiều đoạn xóc ổ gà, ổ trâu. Xe máy, khoảng một, hai năm nay cũng đã xuất hiện nhiều. Con đường từ nhà giáo sư Nguyễn ra tới đại lộ mới năm nào còn là những bãi pháo bỏ hoang, nay đã mọc lên những tòa nhà ngang dọc. Xe Đốp băng qua một cái hố rộng đầy nước và chồm lên. Trước mắt Đốp thấp thoáng ẩn hiện một ngọn cờ. Gió bay phần phật. Ngọn cờ đó chờn vờn trước tay lái Đốp. Anh chớp chớp mắt để xóa bỏ ảo ảnh, đưa tâm trí mình về với hiện thực. Từ thuở nhỏ, chưa bao giờ Đốp huýt sáo, vậy mà hôm nay, tiếng huýt sáo từ miệng anh bỗng vút lên.

 

Powered by Froala Editor