Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Quái nhân" , Nxb Hội Nhà văn - Hữu Đạt

Lưu Xá vốn là một trợ lý, nhoằng một cái lại hóa thành thủ trưởng. Bá Thành và Phạm Đắc được cử làm trợ thủ của ông. . Nói chung, Bá Thành và Phạm Đắc đều là những tên “nô tài” ngoan ngoãn, ít khi dám chống lại lệnh của “thủ trưởng”. Vì thế, mãi đến những năm sau này, Lưu Xá không tham gia chức sắc gì nữa, ông vẫn có ấn tượng tốt về những kẻ dưới trướng ông. Thi thoảng, có một sự kiện gì đó, Lưu Xá thường kéo Bá Thành ra một góc, thì thầm những chuyện “bí mật” xảy ra sau “hậu trường”. Bá Thành nghe nhưng không bao giờ kể lại cho người khác. Anh lặng lẽ quan sát những biến cố xảy ra sau đó để kiểm nghiệm lại những điều thầy Xá nói. Chính nhờ vậy, anh thường có dịp lắng nghe thông tin cả hai chiều.

Nội bộ khoa sau các sự kiện của Phong trào Nhân văn những năm 60 tuy đã được ổn định trở lại, nhưng vẫn âm ỉ một ngọn lửa hễ gặp gió là có thể bùng cháy. 

Powered by Froala Editor

(6)

Trời vừa sáng, Đốp đã cùng vợ phóng xe lên phố. Thủ đô, sau một đêm nghẹt thở vì xe cộ tỏ ra thoáng đãng bởi cơn gió bấc nhè nhẹ thổi về từ phương bắc. Xe của vợ chồng Đốp và Thơm đi dọc theo đường Tôn Đức Thắng rồi rẽ phải về phố Hoàng Diệu, sau đó xuôi theo đường Phan Đình Phùng đến ngã tư Lý Nam Đế. Đốp cho xe chạy chậm lại, vòng qua cái bốt cũ, rồi bắt đầu hỏi thăm đường vào nhà Nguyễn Đăng Na. Thơm tỏ ra ngạc nhiên hỏi chồng:

- Chú Na cùng khoa với anh mà anh không biết nhà sao?

Đốp thành thực:

- Không, đây là lần đầu tiên anh đến nhà cậu ấy. Thứ nhất, cậu ấy là cán bộ bên nhóm văn học sử; thứ hai, cậu ấy là cán bộ lứa sau, lại không giữ chức sắc gì.

Thơm im lặng một lát rồi buột miệng hỏi:

- Không là chức sắc thì anh không qua lại à?

Đốp lúng túng giây lát, rồi cười khì:

- Thì thông thường là thế. Nếu họ là người thuộc lứa sau mình, không phải chức sắc, cũng chả có lý do gì để mình đến nếu không phải là chỗ tâm giao. Cán bộ trong khoa lại đông. Nếu cứ qua lại với nhau như thế thì còn thời gian đâu làm việc?

Thấy chồng nói cũng có lý, Thơm không hỏi gì nữa. Chị im lặng rời khỏi yên, khi xe của Đốp dừng bánh. Hai người cùng đi vào một cái ngõ nhỏ. Lúc này, đường phố mỗi lúc một đông thêm. Từ chỗ ngã sáu phía đầu cầu Long Biên, xe bắt đầu nườm nượp túa về các ngả. Một ngày mới của Hà Nội chính thức bắt đầu với những tiếng rao nồng nhiệt của những người bán hàng rong, của những tiếng còi xe rộn rã xin đường, của trăm ngàn thứ âm thanh sôi động từ nhà hàng, bến bãi, công sở… Cuộc sống nơi phố cổ của thế kỷ XXI không còn yên ả, lịch lãm như Hà Nội ngàn xưa. Nó huyên náo, xô bồ. Nó cuồng nhiệt, vội vã. Nó khiêu khích, mời gọi. Nó tất tưởi, đua chen…

Nhà Nguyễn Đăng Na nằm mãi trong một hẻm sâu, nên có vẻ yên tĩnh. Sau khi bấm chuông, vợ chồng Đốp đợi một lát thì có người giúp việc ra mở cổng. Chị ta đưa vợ chồng Đốp vào phòng khách rồi pha trà.  Vài phút sau, một người đàn bà chừng gần bảy mươi, dáng người bệ vệ từ trong buồng bước ra. Đốp và Thơm đồng thanh chào:

- Chào bác ạ.

- Thầy là thầy giáo cùng khoa với thằng Na nhà tôi có phải không? - Người đàn bà ồn tồn. Bà ngồi vào chiếc ghế khảm trai đối diện rồi rê ấm trà rót nước mời  vợ chồng Đốp. Đốp thay câu trả lời bằng một lời thanh minh:

- Tối qua vợ chồng cháu định lên, nhưng có việc đột xuất nên sáng nay mới đi được. Mong bác thông cảm.

Người đàn bà hồn hậu:

- Không sao, thầy cẩn thận quá. Mời thầy cô uống nước đi.Tối qua, sau lúc thầy gọi điện thoại, em Na nó cũng đã báo cho tôi. Na ơi!...

Bà quay lại phía sau và hất đầu về phía cầu thang gác. Đốp vội ngăn:

- Bác cứ để cho Na ngủ.

- Không em nó dậy lâu rồi. Nó đang tập I ô ga trên sân thượng.

Đốp quay về phía Thơm, nháy mắt ra hiệu. Thơm rụt rè:

- Như nhà cháu đã trao đổi với bác, hôm nay chúng cháu xin đặt tiền lấy lô đất ở Mễ Trì hạ.

Chủ nhà lấy miếng trầu trong cái thạp đồng nhỏ đặt trên bàn uống nước cho vào miệng, tủm tỉm:

- Cảm ơn thầy cô. Số thầy cô may đấy. Chậm một chút là hết đấy ạ. Tối qua, lúc 11 giờ, có mấy người gọi điện hỏi lấy lô đất ấy. Họ sẵn sàng trả hơn nửa giá nữa kia. Nhưng tôi bảo em Na, dù thầy cô chưa đặt tiền nhưng người lớn đã nói với nhau thì phải trọng lời hứa. Trong làm ăn cũng như trong cuộc đời, không biết trọng lới hứa thì không phải hạng người quân tử, phải không thầy?

Đốp giãi bày:

- Chúng cháu lấy miếng đất này cốt để ở chứ không buôn bán gì đâu ạ.

Bà cụ lấy ngón táy quệt ngang qua mép để gạt nước trầu, ngửa cổ nói:

- Dù thầy lấy để ở hay đầu tư thì cũng vẫn phải vậy. Quan trọng không phải ở chỗ mục đích sử dụng miếng đất ấy mà ở chỗ lời nói là ngàn vàng đối với nhau.

Thơm tỏ ra tán đồng đế thêm:

- Dạ, đúng thế ạ.

Lúc đó, Na cũng từ trên gác đi xuống. Anh vừa đi vừa lắc đầu, vừa thở phì phì. Một tay anh để lên ngực, một tay thả dọc theo cơ thể, anh vui vẻ:

- Chào anh chị. Anh chị đến lâu chưa?

Đốp nhoẻn cười:

- Chào chú. Chúng tôi mới đến được một lát. Đang nói chuyện với bác.

Na bước vào phòng khách, ngồi xuống chiếc ghế cạnh mẹ. Anh cao to hơn Đốp,  người chắc nịch. Ngực nở. Gân bắp cuồn cuộn. Anh có vẻ đẹp trai của một người con nhà giàu. Da trắng. Nét mặt nom khải hoàn. Miệng rộng, khi cười rất sang.

Na rót thêm nước cho vợ chồng Đốp, rồi nói:

- Mời anh chị uống nước đi.

Thơm nhìn Nam gật đầu:

- Cảm ơn, chúng tôi uống nhiều rồi.

Mẹ Na quay sang phía con trai:

- Con cất tiền vào tủ đi. 

Na cầm lấy gói tiền, mở ra, nhìn lướt qua rồi bảo:

- Mười cọc. Đủ rồi ạ.

Đốp nói:

- Chú đếm lại hộ chúng tôi.

Na cười cười:

- Không cần. Thiếu đâu em chịu.

Thơm chưa yên tâm, góp thêm:

- Tiền nong cứ phải cẩn thận chú ạ. Chú cứ đếm đi.

Na nhún vai, cầm gói tiền đi vào trong buồng. Một lát sau, anh đi ra. Đốp hỏi:

- Hôm nay chú có giờ không?

- Em có giờ buổi chiều.

Mẹ Na ý chừng thấy ngồi đó không tiện nên tế nhị đứng lên:

- Anh em nói chuyện với nhau đi, tôi vào chuẩn bị một lát rồi ra cửa hàng.

Đốp gật đầu:

- Dạ, bác cứ tự nhiên.

Khi mẹ Na đi khỏi, Đốp giới thiệu với vợ:

- Chú Na cùng tốt nghiệp một khóa với Vũ Bá Thành bên bộ môn anh.

- Thế ạ - Thơm gật gật và chăm chú nhìn Na. Na lại hít mạnh một cái rồi thở ra phì phì khiến cho Thơm rất ngạc nhiên. Như để giải tỏa cho sự ngạc nhiên đó, Đốp hỏi:

- Nghe nói, chú bị phản I ô ga phải không?

Na cười cười. Anh để lộ hàm răng trắng, đều, nhưng hơi to. Anh đáp:

- Dạo này em cũng đỡ nhiều rồi.

- Chú đi dạy như thế, có ảnh hưởng gì không?

- Ảnh hưởng gì đâu anh. Văn chương ba lăng nhăng ấy mà.

Nghe Na nói thế, Thơm hơi nhướn cặp lông mày lên. Có lẽ đây là lần đầu tiên chị tiếp xúc với người của khoa Văn Chương nên chị rất lấy làm lạ. Đốp và chú ấy là cán bộ cùng một khoa, sao Đốp lúc nào cũng tỏ ra quan trọng, còn Na thì “phăng tuy di” tới mức chẳng coi chuyên môn là gì cả. Chính điều đó lại làm cho chị thấy hấp dẫn như đang đứng trước một thế giới mới.

Câu chuyện giữa Đốp và Na được khởi động bằng động tác thăm dò của Đốp. Anh hỏi:

- Mấy bữa nay chú có nghe anh em bàn tán gì về chuyện tách khoa hay không?

Na lắc cổ và lấy lại tư thế ngồi, rồi bình thản:

- Em chẳng để ý. Cứ vào dạy xong là về.

- Chú thấy việc đó thế nào?

- Hì…tách hay không tách thì mình vẫn đi dạy, có ảnh hưởng gì đâu. Đó là việc của mấy quan chính trị. Mình chỉ là con tốt hỉn, có nghĩa lý gì.

Na nói và đưa bàn tay lên xoa xoa vào ngực. Đốp hỏi thêm:

- Nhưng nếu ra khoa, chú ủng hộ hay phản đối ?

Na không cần suy nghĩ, đáp ngay:

- Mọi người thế nào thì em cũng thế.

- Trong anh em cán bộ trẻ, có nhiều người nghĩ như chú không?

Na lại lắc lắc cổ, rồi thở một cái thật dài:

- Em chẳng rõ lắm. Nhưng có lẽ đa phần không muốn.

Đốp nhận định:

- Chúng ta vốn có thói quen là yên phận với cái cũ. Do đó, bất cứ sự đổi thay nào cũng làm cho người ta thấy ngại. Mà khoa học thì cần sự phát triển.

Na vô tư:

- Khoa học quái gì thời buổi này hả anh? Em nói thật, toàn là lừa đảo hết.

Nghe Na nói thế thì Thơm lại thao láo mắt ra nhìn. Từ ngày lấy Đốp, chị chưa lần nào nói chuyện với các đồng nghiệp của anh. Một phần chị làm công tác Công đoàn, không biết mấy về ba chuyện văn chương chữ nghĩa. Phần khác, tính Đốp vốn dè dặt, kín đáo nên mọi chuyện ở cơ quan không mấy khi anh tâm sự. Mặc dù không thành văn bản, nhưng Thơm lờ mờ hiểu rằng, đó là một nguyên tắc trong cuộc sống giữa hai người. Tuy nhiên, qua câu chuyện giữa Đốp và Na, chị nhận ra một khoảng cách vô hình của hai nghề nghiệp, mà chủ nhân của chúng có quan niệm hoàn toàn đối lập nhau. Nếu những người như Đốp luôn luôn quan trọng hóa cái nghề của mình thì những người như Na lại coi nó chỉ là thứ phù phiếm không có mấy ý nghĩa đối với cuộc sống thực tại. Liệu ai đúng, ai sai?

Tuy tự hỏi như vậy, nhưng Thơm không nói ra. Chị ý nhị nghe Na khái quát:

- Em nói chị đừng cười. Nghề của em hay của anh Đốp đều là ba cái thứ tầm phào, chẳng có giá trị với cuộc sống thực cả. Nói đúng, viết đúng ư ? Từ ngàn đời xưa khi cái nghề của bọn em chưa có thì người ta vẫn giao tiếp với nhau. Nhưng có chúng em thì mọi sự chỉ càng thêm rắc rối. Các nhà nghiên cứu thì ai cũng coi lý thuyết của mình là quan trọng nhất trên đời. Ai cũng nghĩ mình là người thông minh và chỉ có mình là đúng nhất. Trong các hội nghị lớn, trên các diễn đàn, họ chỉ làm có hai việc: hoặc tâng bốc nhau là “các chuyên gia số một” hoặc cãi nhau chí mạng bởi một thuật ngữ, một cách cảm thụ ... Nói chung là rất vớ vẩn. Nói thật, chị đừng cười nhé, chúng em chỉ ra oai được mấy đứa học sinh thôi, chứ ra ngoài xã hội chỉ là con tép. Mà chưa chắc, có khi chỉ là con riu, con bọ, nghĩa lý gì đâu.

Nghe Na nói, Thơm cứ như bị thôi miên. Chị nhận ra, Na nói rất thật lòng, mà có một cái gì đó rất khác với Đốp. Chị liền hỏi:

- Đứng trên lớp, chú có nói như thế không?

Na ngửa cổ, vặn người. Xương của anh kêu răng rắc. Anh cười:

- Tất nhiên, trên lớp thì lại nói theo một bài bản khác. Trong chúng ta, cả em, cả chị, cả anh Đốp và tất cả mọi người,  đều luôn thủ hai vai. Một vai xã hội, chúng ta phát ngôn như một cái máy, một cuốn băng cát sét mà ở đó, mọi thứ và tất cả  đều đã được mã hóa thành các chuỗi âm thanh. Một vai con người cá nhân, chúng ta sẽ nói với nhau những điều chân thật. Hài hước, chua chát…chính là ở chỗ đó. Chúng ta giả dối nhưng luôn nghĩ mình là trong sáng, đạo đức. Chúng ta dốt nát nhưng luôn tự khoe mình là thông minh. Chúng ta vớ vẩn nhưng lại đang nghĩ mình luôn là người khai sáng. Mỗi người chúng ta đang tự lừa đảo mình, rồi lại tự an ủi với mình “tất cả đều thế cả, có riêng gì ai đâu”. Có lẽ, chúng ta chỉ dám sống thật khi chỉ có mình đối mặt với chính mình. Còn những lúc khác, chúng ta đều là những kẻ đang làm vai diễn trên sân khấu. Ai diễn càng nhuần nhuyễn, điêu luyện thì càng có cơ hội tiến nhanh . Ai diễn vụng về thì suốt đời ở lại đóng vai “quần chúng” .

 Thấy Na hào hứng dẫn câu chuyện sang một hướng khác, Đốp chờ cho Na dứt lời liền đứng dậy ngay :

- Cũng muộn rồi, chúng tôi về chú Na nhé. Lúc khác, anh em mình lại đàm đạo.

Na tiễn khách ra tận ngoài ngõ, rồi nói với Thơm:

- Em nói lung tung lang tang thế, chị đừng để bụng làm gì nhé. Cánh văn chương bọn em cứ hay ăn nói vớ vẩn thế thôi.

Khi xe chạy được một đoạn, Đốp bình luận:

- Chú này thông minh, ở ngoài thì nói năng tào lao thế, nhưng lên lớp lại nói năng rất nghiêm chỉnh. Không ai chê vào đâu được.

Thơm buột miệng hỏi:

- Cán bộ khoa anh, có nhiều người như vậy không?

Đốp lúng túng giây lát. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày hai người lấy nhau, Thơm hỏi anh về người cùng cơ quan. Chả lẽ Thơm đã vi phạm sự thỏa thuận ngầm giữa hai vợ chồng? Đốp cân nhắc rồi nói:

- Anh em bên Văn Chương họ vẫn hay bông đùa, không nghiêm túc như bọn anh.

Thơm nhận xét:

- Em thấy chú ấy nói hay đấy chứ.

Đốp và Thơm đi khỏi một lúc thì Na cũng lấy xe máy đi vào trường. Anh đến nơi khi vừa tới giờ nghỉ tiết thứ hai. Lúc đó, anh gặp tiến sĩ Đỗ Thành An từ một giảng đường đi ra, hai tay xách hai chiếc túi đựng sách rất nặng. Một bên vai ông đeo khệ nệ một chiếc túi dết to tướng. Na lễ phép:

- Em chào thầy ạ.

Tiến sĩ Đỗ Thành An người to cao như một vận động viên bóng rổ, đứng sững lại. Khuôn mặt ông tráng lệ bởi một nụ cười rạng rỡ:

- Cậu vào họp bộ môn có phải không?

- Vâng, em vừa nhận được tin báo – Na nói và cái đấu lại ngắc ngắc – Sao thầy mang nhiều sách thế?

- Hôm nay mình dạy về hội họa thời Phục hưng, mang thế này hãy còn ít. Khi nào mình sắm ô tô thì phải mang bằng ba số này.

Tiến sĩ An đặt một cái túi sách xuống, vẫy cho Na lại gần. Ông khum bàn tay che miệng và ghé vào tai Na thì thầm:

- Mình mới xuất bản một cuốn sách phê bình văn chương. Đợi mình viết tặng cậu một cuốn nhé.

Ông lấy từ trong túi dết ra một cuốn sách dày khoảng hơn ba trăm trang, kê lên đùi và ghi một dòng rất trịnh trọng: “Thân mến tặng tiến sĩ…”. Ông chợt dừng lại và hỏi:

- Nguyễn hay Vũ Đăng Na nhỉ ?

Na vui vẻ:

- Nguyễn…Nguyễn  Đăng Na thầy ạ.

Tiến sĩ Đỗ Thành An viết tên họ của Na rất nắn nót rồi ký ngoằng một cái, sau đó ghi bằng nét chữ thảo “ Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Thành An”.

Na cầm cuốn sách ngắm nghía:

- Sách in đẹp quá. Cảm ơn thầy.

Tiến sĩ Đỗ Thành An đập nhẹ vào tay Na, rồi lại khum bàn tay che miệng, nói nhỏ:

- Cậu ra trường nhiều năm rồi, không cần phải thầy thầy bà bà nghiêm chỉnh thế. Cứ gọi mình là “Lưỡng quốc tiến sĩ” cũng được.

Na ự ự mấy tiếng như cố giải phóng luồng hơi bị nén trong lồng ngực:

- Thầy đúng là lưỡng quốc tiến sĩ có khác. Thầy dạy khỏe, viết khỏe.

Lần này tiến sĩ An áp sát Na hơn và lại khum tay đưa lên che miệng, vẻ bí mật:

- Trời cho cậu ạ. Tuần nào mình cũng phóng xe về Hải Phòng đấy!

Na ngạc nhiên:

- Thầy vẫn xe máy đi Hải Phòng? Để làm gì ạ?

Tiễn sĩ An thì thầm:

- Yêu, mình yêu cô ấy. Thạc sĩ Thiên văn học. Tuyệt lắm. Ở xứ ta, ngành này, cô ấy là Thạc sĩ đầu tiên đấy.

Suýt nữa thì Na ôm chầm lấy tiến sĩ Đỗ Thành An. Anh reo lên:

- Tuyệt vời. Xin chúc mừng thầy, lưỡng quốc tiến sĩ. Ra sách. Lấy vợ. À, yêu…yêu…Tuyệt vời quá, còn trên cả tuyệt vời nữa.

Tiến sĩ Đỗ Thành An trịnh trọng:

- Cảm ơn cậu, bây giờ mình lại đi Hải Phòng đây.

Ông xốc lại cái túi trên vai rồi hai tay xách hai cái túi to phồng đi băng băng qua sân trường, miệng huýt sáo vang như thanh niên tuổi mười bảy. Na nhìn theo những bước đi hăng hái của ông, lại ngắc ngắc cái đầu mấy cái. Từ cổ họng Na luồng hơi đẩy mạnh ra tiếng hự hự…

Na đang định đi về phía cầu thang thì một người đeo kính, đội mũ nồi, có đôi mắt nhỏ ti hi, dáng nhanh nhẹn, bước tới. Ông đi rất nhẹ đến nỗi Na không có cảm giác là bên cạnh có người. Chỉ đến khi ông hích cái cùi trỏ tay vào sườn, Na mới giật mình quay lại:

- Thầy Xá.

Thầy Xá hất cặp kính lên. Khuôn mặt ông rắn rỏi hiện ra dưới vầng trán thấp. Tóc cắt ngắn, quá độ hoa dâm, nhưng trông ông không có vẻ già nua mà có vẻ láu lỉnh của một anh đánh cá. Giọng rất nhỏ, gần như trọ trẹ, ông hỏi:

- Thầy trò cậu có gì vui thế ?

Na đáp:

- Dạ, thầy Đỗ An vừa tặng em cuốn sách.

Thầy Xá bước gần lại, gập cánh tay phải cho nó hình thành chữ V rồi huých một cái mạnh hơn vào phía dưới bạng mỡ Na làm cho mặt anh nhăn lại. Ông chẳng hề quan tâm đến điều đó mà nhao đầu về phía trước:

- Ông ấy sắp lấy vợ phải không ?

Na ngạc nhiên:

- Thầy cũng biết ?

Thấy Xá cười hinh hích:

- Chỉ có cậu là biết chậm nhất, chứ anh em trong khoa họ bàn tán từ lâu rồi.

Vừa nói ông vừa bước thêm một bước và tay phải lại gập thành hình chữ V. Na chưa kịp phản ứng thì một cú hích mạnh hơn lúc nãy lại thoi vào sườn. Mặt Na tái đi, nhưng anh không dám kêu.

Giọng thầy Xá xiết xiết:

- Khoa mình bây giờ nhiều chuyện vui lắm. Cậu phải vào khoa thường xuyên mà nghe tình hình.

Na lắp bắp:

- Vâng…vâng…em sẽ….

 

*

 

Lưu Văn Xá lững lững bước lên cầu thang. Ông có thói quen, sau giờ dạy thường tạt qua phòng làm việc của tổ bộ môn. Đó là căn phòng nhỏ, nằm cuối hành lang, đầu phía Hà Nội. Trước đây, nó là cái toa lét. Thời còn trường cũ, ông trưởng phòng Hành chính quản trị đã có sáng kiến phá nó đi để biến thành phòng học. Ông làm việc này với lý do, sinh viên đang thiếu phòng, mà chỗ đái thì lại thừa. Thế là sau ba tháng nghỉ hè, các thầy về quê lên đã thấy trường Đổi mới quá mau lẹ. Tất cả phòng vệ sinh trong các dãy nhà tầng đều biến mất, chỉ còn lại có một chỗ duy nhất cho Ban Giám hiệu. Lưu Văn Xá vốn ít để ý nên ngày đầu tiên trở lại trường, ông bước vào cái chỗ ông đang ngồi bây giờ, vén quần lên. Khi luồng nước ưu tú từ trong người ông vừa phọt ra thì ông chợt sững sờ. Bỏ mẹ, mình nhầm hay sao? Ông nót người vận khí cho luồng nước quay ngược trở lại. Bụng đau thom thóp, ông vội ngược ra hành lang, nhìn ngược nhìn xuôi, xác định lại vị trí. Rõ ràng là ông không nhầm. Ông lại quay trở vào. Có cảm giác là mình đang mơ, ông cố định thần nhìn lại lần nữa. Đúng là một căn phòng khang trang, vuông vắn. Không còn ngăn ô. Không còn chỗ đi đại tiện, tiểu tiện.

Lưu Xá nhún vai, quay ra. Vừa lúc, Vũ Bá Thành dẫn mấy sinh viên đi lên. Sau khi đáp lại câu chào của Bá Thành, ông hỏi:

- Cậu đi đây đấy?

Bá Thành hất hàm:

- Em đưa mấy cậu sinh viên lên nhận phòng học mới.

Lưu Xá lấy tay chỉnh lại cặp kính, ngạc nhiên:

- Toa lét bây giờ thành phòng học mới?

Bá Thành gật đầu:

- Vâng!

Lưu Xá ngao ngán, lắc đầu:

- Bây giờ chúng ta đái ở đâu ?

Bá Thành chun mũi nói đùa:

- Nhà khoa học cần gì đái. Lúc nào mót, thầy bỏ mấy chữ khối vuông vào miệng, nhai, nuốt đi là tiêu hết.

Lưu Xá không giận mà tỏ ra thích chí về câu nói bông lơn đó. Ông bĩu môi. Làn môi ông đã mỏng, nay trề ra, trông dài ngoắc:

- Một trường đại học tầm lớn nhất quốc gia mà điều hành như cái hợp tác xã. Toa lét biến thành lớp học. Nay mai có khi lớp học lại biến thành toa lét cũng nên.

Bá Thành cười khùng khục:

- Điều đó cũng chưa biết chừng.

Cứ tưởng là nói đùa, hóa ra câu nói của Bá Thành lại thành sự thực. Sau khi phiên hiệu Trường cũ sắp bị xóa tên để trường Đại học Tây Thành Đô được thành lập, việc cải cách đầu tiên gây ấn tượng là vấn đề xây dựng hệ thống toa lét cho các lớp học, các khoa và các phòng ban. Không hiểu lý do vì đâu mà người ta nhận thức ra rằng, khoa học dù cao siêu thế nào vẫn không thoát khỏi cặn bã. Các thầy hay các trò cũng đều phải có nhu cầu cần giải phóng mình mỗi khi bí bách. Nếu không làm ngay các toa lét thì việc sinh hoạt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một là, khi đi dạy hay đi học phải luyện không được uống nước mỗi khi khát để giữa buổi khỏi phải đi vệ sinh. Hai là, nếu giải quyết sự cố mà gặp lúc trời đang mưa thì thật là khốn khổ. Người trẻ đã vậy, các thầy già thì còn vất vả gấp chục lần. Nhà xí công cộng ở mãi tận phía sau sân vận động, cách chỗ dạy đến hai, ba trăm mét. Mò được ra đến đó thì chưa biết cơ sự nào sẽ xảy ra.

Việc khôi phục lại các nhà vệ sinh cũ trong các dãy nhà tầng, vì vậy, lúc này được coi là một thắng lợi vĩ đại. Từ nay, mưa gió không còn là cái gì đáng sợ nữa. Cái toa lét ngày xưa, một thời biến thành giảng đường, nay lại trở  thành một gian nhà vệ sinh có đầy đủ ba phòng đại tiện và một dãy các bệ đái bằng ống sứ trắng muốt.

Điều Lưu Văn Xá bất ngờ nhất là, chính cái toa lét ấy sau lại biến thành văn phòng của bộ môn nghiên cứu các loại chữ khối vuông mà ông là tổ trưởng. Có được sự kiện ấy chính cũng do một phần bởi công sức đấu tranh của ông. Mọi người còn nhớ, sau khi thành lập Trường Đại học Tây Thành Đô, vị Hiệu trưởng cao hứng hứa trong một Hội nghị rằng, Trường sẽ đảm bảo cho mỗi bộ môn một văn phòng làm việc. Thế nhưng, cái khó lại ở chỗ, mỗi khoa chỉ được khoán theo một chỉ tiêu nhất định. Mà vấn đề lại đã được ghi trong Nghị quyết.Làm thế nào bây giờ ? Không biết một ai đó ở khoa Văn Chương chợt nghĩ ngay ra một mưu kế là sử dụng lại sáng kiến của vị trường phòng hành chính cũ. Gian nhà vệ sinh mới được khôi phục nằm ở cuối dãy nhà rộng thế, mà đi giải phóng nỗi buồn thì cần gì phải rộng? Tốt nhất là ngăn ra làm đôi. Nửa phía ngoài dành cho bộ môn nghiên cứu chữ khối vuông, còn phía trong thì vẫn làm toa lét. Kinh phí dùng cho việc này cũng rất đơn giản. Người ta dùng nhôm và kính ngăn ra một lối đi nhỏ thông suốt vào phía trong. Chỗ đi vệ sinh và chỗ làm việc được tách ra hai khối, ngăn cách bởi một lớp kính đục. Mỗi khi ngồi ở văn phòng bộ môn, thầy Xá có thể nhìn thấy cán bộ ra ra vào vào trong toa lét giống như xem đèn kéo quân. Mặc dù ngày nào cũng có người của Công ty vệ sinh dọn dẹp, nhưng vào lúc nửa buổi, khi các thầy các cô giảng bài xong chừng hai tiết, các chất ưu tú của thời kinh tế thị trường do ăn uống mỗi này một no đủ lại đua nhau thăng hoa. Đóng cửa thì ngột ngạt mà mở cửa thì từ phía hậu trường của văn phòng lại thoang thoảng một thứ mùi hỗn tạp: vị hương đặc biệt của nước hoa Pháp quốc, mùi nước tiểu mằn mặn, mùi uế khí của công việc đại tiện…Khách lạ vào ngồi trong văn phòng nếu không biết quay mặt ra phía cửa sổ thì rất dễ bị nôn. Nhưng thầy Xá có kinh nghiệm nên đã quay bàn về phía cửa sổ. Phía sau ông, bên trên cái giá xếp những cuốn sách dày cộp có một tấm bảng bằng gỗ khá rộng sơn màu đen. Trong cái khung hình chữ nhật được kẻ vẽ trên cái bảng ấy là dòng chữ Hán viết rất chân phương: “Tôn sư trọng đạo”.

Lưu Xá vừa về đến văn phòng được vài phút thì thấy có một người từ gian trong đi ra. Ông chưa kịp hỏi thì người đó cất tiếng chào:

- Chào thầy Xá.

Ông quay lại:

- Vũ Bá Thành đó à ? Vào đây.

Bá Thành không bước vào ngay mà đứng chặn ngay lối cửa, nhìn vào phía trong. Lưu Xá biết ý, liền nói ngay:

- Cậu đang cười văn phòng bộ môn tớ ở kề bên toa lét phải không?

Bá Thành tủm tỉm:

- Chính thế hóa ra lại tiện.

- Tiện gì!- Lưu Xá nhún vai – Chẳng qua, khoa này họ xem bộ môn của tớ chỉ là cái vớ vẩn. Quan trọng là bộ môn của cậu và các bộ môn khác thôi.

- Thầy cứ quá khiêm tốn.

Lưu Xá từ trong tiến ra. Ông gập tay huých nhẹ khuỷu trỏ vào ngang sườn Bá Thành, cười hích hích:

- Một cái văn phòng cạnh toa lét mà tớ phải đấu tranh xin mãi mới được đấy. Tớ đang chờ tách khoa để xin lại cái văn phòng của bộ môn cậu. Nay mai bộ môn cậu thành khoa mới thì chỗ làm việc sẽ oai hơn nhiều.

 Bá Thành ngước nhìn Lưu Xá, vẻ mặt nghiêm túc:

- Thầy cũng thích tách khoa ra phải không?

Lưu Xá nhún vai, ranh mãnh:

- Tách khoa các cậu mới có cơ thăng tiến chứ. Cậu có định lên làm chủ nhiệm khoa không?

Bá Thành nhăn nhó:

- Thầy đùa thế là nguy hại lắm đấy. Người ta sẽ hiểu nhầm em.

Lưu Xá lại hích nhẹ khuỷu tay vào giữa bụng Bá Thành. Ông nói với giọng nửa chân thành, nửa giễu cợt:

- Người ta chạy đua thì cậu cũng phải chạy đua chứ. Cậu lại không thừa sức làm chủ nhiệm khoa à ? Tớ nghĩ cậu làm hiểu trưởng còn được.

Bá Thành nắm lấy cánh tay Lưu Xá. Anh không nghĩ là ông lại gầy thế. Cánh tay ông lỏng trong chét tay anh. Bá Thành cau mặt:

- Thầy nói vui ở đây thì được, chứ phát ngôn ra ngoài như thế là nguy hiểm lắm. Nhất là trong những lúc nhạy cảm như thế này.

Lưu Xá vỗ vai Bá Thành, đổi giọng:

- Nói vui vậy thôi, tớ biết chứ. Cậu vào chỗ đó thế nào được. Vào những chỗ đó là phải đấu đá, sát phạt…mà cậu thì là thằng nghệ sĩ. Cậu sống mơ mộng, làm sao hiểu được những mưu mô của tụi nó ? Kinh lắm, tởm lắm…tớ còn lạ gì.

Lưu Xá nói xong ngước đôi mắt nhỏ lên nhìn Bá Thành như chờ đợi. Bá Thành to béo, mắt đeo kính cận thị, giọng nói uôm oam, đặc mùi gió biển. Anh cùng quê với Lưu Xá, nên mặc dù khác bộ môn, họ vẫn thường qua lại với nhau.Quan hệ giữa họ không phải là đồng chí hướng, cũng không phải là liên danh mà thuần túy là tình đồng hương. Lưu Xá quí Bá Thành vì anh cởi mở, dễ gần. Hơn nữa, cũng có một thời Bá Thành là “quân” của Lưu Xá. Đó là những năm tháng nước nhà vừa mới được thống nhất, Lưu Xá được phân công làm trợ lý chính trị của Khoa Văn Chương. Vì ông ở ngoại trú nên sáng sớm ông không thể vào khu tập thể thúc giục sinh viên tập thể dục. Ông liền nghĩ ra một kế, trình bày với Ban Chủ nhiệm khoa rằng, cán bộ trẻ mới ra trường cần được bồi dưỡng năng lực quản lý. Thế là, mấy anh bạn mới ra trường liền được phân công, người thì làm trợ lý thư viện, người thì làm trợ lý giáo vụ, kẻ thì làm trợ lý cho trợ lý chính trị. Lưu Xá vốn là một trợ lý, nhoằng một cái lại hóa thành thủ trưởng. Bá Thành và Phạm Đắc được cử làm trợ thủ của ông. . Nói chung, Bá Thành và Phạm Đắc đều là những tên “nô tài” ngoan ngoãn, ít khi dám chống lại lệnh của “thủ trưởng”. Vì thế, mãi đến những năm sau này, Lưu Xá không tham gia chức sắc gì nữa, ông vẫn có ấn tượng tốt về những kẻ dưới trướng ông. Thi thoảng, có một sự kiện gì đó, Lưu Xá thường kéo Bá Thành ra một góc, thì thầm những chuyện “bí mật” xảy ra sau “hậu trường”. Bá Thành nghe nhưng không bao giờ kể lại cho người khác. Anh lặng lẽ quan sát những biến cố xảy ra sau đó để kiểm nghiệm lại những điều thầy Xá nói. Chính nhờ vậy, anh thường có dịp lắng nghe thông tin cả hai chiều.

Nội bộ khoa sau các sự kiện của Phong trào Nhân văn những năm 60 tuy đã được ổn định trở lại, nhưng vẫn âm ỉ một ngọn lửa hễ gặp gió là có thể bùng cháy. Cuộc đấu tranh nội bộ của lớp người đi trước lúc đầu còn là một tấm màn bí mật với đội ngũ cán bộ trẻ, nhưng dần dần nó cũng bắt đầu hé lộ những điểm sáng tuy nhỏ nhưng có thể chiếu xạ các khoảng tối thăm thẳm. Vì cùng là nhóm cán bộ phục vụ cho công tác trợ lý, Bá Thành và Phạm Đắc thi thoảng được thầy Xá căn dặn  khá kỹ càng, phải tránh gần gũi với những ai. Những người nào thuộc diện chú ý vì có vấn đề tư tưởng…Bối cảnh của khoa Văn Chương thời kỳ đó cũng giống như bối cảnh của nhiều cơ quan khác, người ta rất cảnh giác với các “âm mưu thâm độc” của bọn phản động. Mỗi cán bộ trẻ luôn phải tu dưỡng hai mặt “hồng” và “chuyên”. Không có “hồng” thì không thể có “chuyên” được.

Sau này, qua nhiều câu chuyện chắp nối lại  Bá Thành mới biết, sở dĩ giáo sư Trọng có một thời thất thế vì trong những năm sơ tán chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, ông đã cổ súy rất mạnh cho tư tưởng lấy chuyên môn làm trọng. Thế là từ đó dậy lên cuộc đấu tranh chống tư tưởng “nhân sĩ” trong nghiên cứu khoa học và học thuật. Giáo sư Trọng bị kiểm thảo tơi bời. Nhiều người đấu ông quyết liệt khiến ông bật khỏi ghế ủy viên Thường vụ Đảng ủy trường, đồng thời không còn được giữ cương vị lãnh đạo bộ môn. Thời đó chức này rất quan trọng chứ không như bây giờ. Ông buồn bã lui về “ẩn dật”, đọc và tìm hiểu những cuốn sách cổ. Khi rỗi, ông ngao du qua các nhà chùa, đền miếu,lục lọi trong đống đổ nát của lịch sử từng mẩu ván đã cũ mục, từng viên gạch bị sói mòn và nhặt nhạnh ra không ít tư liệu về loại chữ khối vuông xa xưa nhất. Với vốn liếng Hán học khá uyên thâm, cộng thêm các kiến thức nghiên cứu hiện đại, ông cho công bố một vài bài viết về văn tự cổ trên diễn đàn nghiên cứu quốc tế. Tiếng tăm của ông nhờ thế lại nổi lên từ bên ngoài.

Đối với Lưu Văn Xá, giáo sư Trọng không chỉ là cố nhân mà còn là một người ông phải chịu ơn sâu sắc. Vì thế, mỗi khi phê phán tư tưởng “nhân sĩ”, Lưu Xá không bao giờ dám động đến giáo sư Trọng, mặc dù giáo sư Trọng là người khơi mào ra làn sóng tư tưởng này. Để chứng tỏ người cán bộ giảng dạy đại học không chỉ biết ngồi sau bàn đọc sách, người ta tiến hành nhiều đợt phát động “lao động xã hội chủ nghĩa” nhằm gột rửa tận gốc cái tư tưởng nhân sĩ khi nó mới là nhú mầm cụng cựa trong ý nghĩ của người ta. Những ngày chủ nhật hay ngày lễ, Đảng ủy và Ban Chủ nhiệm thân chinh cùng các giảng viên vỡ đất trồng khoai ngay trong các khu đất ở trước và sau dãy nhà tầng. Hăm hở, nhiệt tình, cuốc cuốc xới xới, nhưng không ai nghĩ sẽ có ngày thu hoạch. Bởi vì dây khoai gieo xuống đó, không có phân bón cũng chẳng có nước tưới tắm thường xuyên. Được vài ba ngày, các ngọn khoai héo rũ, lá úa vàng còn dây khoai thì teo quắt lại. Tuy nhiên, trong các bản tổng kết, người ta không quên đưa vào các báo cáo của công đoàn  thành tích phi thường của một kỳ lao động sáng tạo, làm cho cán bộ nhuần nhuyễn tư tưởng yêu lao động và tình yêu giai cấp.

Lưu Văn Xá có một thời kỳ nổi lên nhờ hoạt động trợ lý chính trị. Tuy nhiên, ông lại có một điểm yếu là chưa có bằng tốt nghiệp cử nhân.Trong lúc bộ môn nghiên cứu chữ khối vuông sắp thành lập, nếu không được chính thức hóa về bằng cấp thì cái chức tổ trưởng sẽ khó mà vào tay. Nhưng làm thế nào bây giờ?

Tình cờ, một lần Lưu Văn Xá đến thăm Lý Quang Trọng. Nhân lúc câu chuyện rôm rả, Lưu Văn Xá mới bộc bạch tâm sự của mình. Nghe xong, giáo sư Trọng gật gù. Ông nhớ lại những ngày ông bị đấu ở khu sơ tán. Đó là một trong những quãng thời gian buồn nhất của đời ông. Suốt một thời gian dài, ông bị làm kiểm thảo, bị dồn ép căng thẳng đến sống mức lầm lũi trong cảnh cô đơn. Bạn bè, người thân không một ai viếng thăm ông vì họ sợ bị liên lụy. Vậy mà, đúng lúc đó, Lưu Văn Xá lại xuất hiện. Ông đến thăm giáo sư Trọng trong một buổi chiều mùa đông ẩm ướt. Không khí ảm đạm vùng sơ tán nơi núi đồi vắng vẻ khiến cho cuộc gặp gỡ của họ giống như cuộc gặp của cố nhân ngoài biên ải. Giáo sư Trọng nhớ rất rõ, buổi chiều hôm đó Lưu Văn Xá đội một chiếc mũ lá lặng lẽ từ ngoài cổng tiến vào. Giáo sư Trọng đang ngồi sau chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn ra. Lúc đầu, ông không nhận ra người đó là ai. Chỉ khi người đó cất tiếng chào “ anh Trọng” thì ông mới bàng hoàng thốt lên:

- Hà cố…?

Giáo sư Trọng chưa nói hết câu thì Lưu Văn Xá mỉm cười:

- Chắc anh ngạc nhiên vì tôi đến thăm phải không? Phải, lâu lắm rồi, từ ngày gặp nhau ở trường Cao đẳng Sư phạm trong Chiến khu…

 Giáo sư Trọng lặng đi. Ông vỗ vỗ mấy cái vào cái trán thấp nhưng có nhiều nếp nhăn như cố nhớ lại cái thời xa xưa ấy. Ông gật gù rồi nhìn thẳng vào mắt Lưu Văn Xá:

- Anh đến chơi với tôi mà không sợ bị liên lụy à?

Lưu Văn Xá đặt cái mũ lá xuống đầu bàn:

- Tôi nghe, vì cái chuyện “hồng” và “chuyên” mà anh bị phê phán gay gắt quá, nên đến chia sẻ với anh.

Giáo sư Trọng rưng rưng cảm động. Ông mở ấm ủ rót cho Lưu Văn Xá một bát nước chè xanh đặc. Họ cùng uống rồi cùng ôn lại thời gian khó ở chiến khu xưa. Cuối buổi nói chuyện, Giáo sư Trọng vỗ vai kẻ cố nhân, nhìn xa xôi rồi khuyên:

- Thời cơ đang đến, anh nên xin về khoa Văn Chương. Trước sau, ở đây cũng phải thành lập một bộ môn mới: Bộ môn nghiên cứu và giảng dạy các loại chữ khối vuông. Anh đã du học ở Bắc Kinh về, đây sẽ là một cơ hội tốt để phát triển.

Lưu Văn Xá mất một tuần suy nghĩ, sau đó viết đơn xin chuyển khoa. Lúc đầu bộ môn nghiên cứu chữ khối vuông chưa hình thành, giáo sư Trọng nhận ông về sinh hoạt ghép một thời gian. Khi có thêm thầy Trần Thiết và Nguyễn Văn Phảng, khoa Văn Chương thỉnh thị lên Trường, thế là bộ môn được thành lập.

Giáo sư Trọng đã chú ý đến ai thì ông tạo mọi điều kiện giúp cho người đó. Bởi thế, khi nỗi niềm tâm sự thầm kín của Lưu Văn Xá được giãi bày thì ông không ngần ngại mà phán:

- Anh phải lấy cái bằng Phó Tiến sĩ.

Lưu Văn Xá ngớ ra, tưởng là giáo sư Trọng nói đùa. Ông bần thần:

- Nhưng tôi chưa tốt nghiệp cử nhân làm sao có thể thành Phó Tiến sĩ được?

- Điều đó không khó. Hiện tại anh đã viết được mấy bài báo rồi ?

Lưu Văn Xá lim dim mắt nhớ lại

- Tôi đã viết được 5 bài. Các bài đó tôi đều đã tặng anh cả.

Giáo sư Trọng gật đầu. Đôi mắt của ông đảo rất nhanh, giọng ông thấp xuống, ân tình:

- Năm bài đó tôi đều đã đọc. Trước mắt anh về “xóc lại”, viết ra thành một cái luận văn rồi đem ra bảo vệ.

Lưu Văn Xá hoài nghi:

- Liệu có được chấp nhận không?

- Được. Tôi sẽ nhờ anh Xuân Hoàng, chủ nhiệm khoa đứng ra lập một cái Hội đồng. Chỉ cần 5 người thôi. Anh Hoàng làm Chủ tịch, tôi là phản biện, các vị còn lại là ủy viên.

Giáo sư Xuân Hoàng là một trí thức từng du học ở Pháp thời trước 1945. Ông nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sang Pháp ký Hội nghị Phông ten nơ brô nên đã về nước từ giữa cuộc Kháng chiến cứu quốc lần thứ nhất. Ông rất nể giáo sư Trọng. Chính vì thế, suốt thời kỳ giáo sư Trọng bị phê phán vì lệch lạc tư tưởng, ông vẫn tìm mọi cách bảo vệ khéo léo để giáo sư Trọng không bị dồn ép đến bước đường cùng. Ông làm việc đó, thứ nhất là tình đồng hương, thứ hai là do ông quí năng lực khoa học của giáo sư Trọng. Sau ngày đất nước Thống nhất, cái án cũ của giáo sư Trọng cũng dần bị phai mờ. Giáo sư Xuân Hoàng bắt đầu tác động để giáo sư Trọng lấy lại vị thế. Ông chủ động mời giáo sư Trọng tham gia một số Hội đồng, đồng thời giao cho Trọng nhiệm vụ tổ chức bộ môn mới.

Thành thực mà nói, lúc đầu Lưu Văn Xá chưa tin lắm, nhưng nghe đồn, giáo sư Trọng là người đa mưu túc trí, ông cũng cảm thấy có vài tia hy vọng. Ừ thì mất công một tý, 5 bài báo đã có rồi. Giáo sư Trọng nói chỉ cần “nhào lại” 2 bài bằng cách bố cục lại, dàn nó thành hai chương, sau đó thêm một chương lý luận thì coi như cái băng Tốt nghiệp Đại học đã cầm chắc. Mấy bài còn lại cứ để đó, sau sẽ dùng, “cơm chưa ăn còn đấy” cứ dự trữ chiến lược cho cuộc đi xa.

Dưới sự hướng dẫn của Lý Quang Trọng, sau hơn một tháng miệt mài, Lưu Văn Xá đã dựng nên hình hài một cái luận văn tốt nghiệp (ngày ấy gọi là luận văn chứ không gọi là khóa luận như bây giờ) tương đối bài bản. Được sự ủng hộ tích cực của giáo sư Chủ nhiệm khoa và sự giúp đỡ tận tình của Lý Quang Trọng, Lưu Văn Xá cuối cùng đã có được tấm bằng tốt nghiệp cử nhân loại 4 năm. 

Ngày nhận bằng, Lưu Văn Xá cảm động đến rơi nước mắt. Suýt nữa ông khuỵu xuống trước mặt giáo sư Trọng. Miệng lắp bắp như hụt hơi, ông nói:

- Cảm ơn anh. Cảm ơn anh rất nhiều.

Giáo sư Trọng nắm tay ông, xiết một cái thật mạnh. Ông không quên lời hứa lần trước, nên động viên:

- Bây giờ anh phải tiến thêm một bước, khẩn trương lấy cái học vị Phó Tiến sĩ.

Lưu Văn Xá gãi đầu:

- Tôi chưa biết tính như thế nào.

Giáo sư Trọng đưa tay vuốt ngược mái tóc chải ngôi giữa, phát ra một chuỗi âm thanh còn đặc giọng quê hương:

- Đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì anh không có tiêu chuẩn. Nghiên cứu sinh trong nước thì Bộ Đại học chưa có chủ trương. Chờ đợi thì chưa biết đến bao giờ. Tốt nhất, anh phải chuẩn bị để bảo vệ theo con đường đặc cách.

Được trải nghiệm qua cuộc bảo vệ luận văn lần trước, lần này Lưu Văn Xá không còn mảy may một chút nghi ngờ. Bây giờ ông đã hoàn toàn vào tài năng ứng biến của con người ngồi trước mặt mình. Tuy Trọng chỉ hơn Xá vài tuổi, nhưng với Xá, Trọng chẳng những là sư phụ mà còn là một ân nhân. Xá được “thành người” rõ ràng là nhờ mưu lược kỳ tài của Trọng. Ông chỉ còn biết cúi xuống, ngoan ngoãn vâng mệnh:

- Từ nay tôi sẽ nhất nhất làm theo lệnh của anh. Mong anh hãy hết sức chỉ bảo.

Nhờ cái cơ duyên lịch sử đặc biệt ấy, Lưu Văn Xá chẳng bao lâu lại trở nên thân thiết với Trần Văn Đốp. Trước đây, Đốp là đệ tử ruột được giáo sư Trọng tin cậy nhất thì bây giờ Xá là người trở thành nhân vật số 2. Có được hai người này, giáo sư Trọng đã tạo ra một cái thế chân vạc. Trong khoa Văn Chương, có người thì thầm gọi đó là một liên danh. Liên danh đó đang âm thầm phát huy tính công phá của mình tới mọi lĩnh vực. Nhìn theo góc độ sinh thể, nó giống như một cơ thể, cái đầu điều khiển mọi hoạt động là giáo sư Lý Quang Trọng, hai cái chân xông xáo qua mọi miền đất “đau thương” là Đốp và Xá. Giờ đây, bao quanh giáo sư Trọng là những tấm lá chắn vững vàng. Bất cứ ai động vào giáo sư Trọng thì đều bị Đốp và Xá phản kích quyết liệt. Tính Đốp khôn ngoan, giống sư phụ bao nhiêu thì tính Xá lại xốc nổi, bồng bột bấy nhiêu. Đốp ít nói, khi nói thưởng nhỏ nhẹ, rủ rỉ. Xá ngược lại, nói nhiều, khi nói giọng lại chan chát như búa đập thùng. Có nhiều vấn đề, Lưu Văn Xá hóa ra lại là người phát ngôn cho Lý Quang Trọng và Trần Văn Đốp.

 

Powered by Froala Editor