Viện phương đông

3 năm trước

Vài kỉ niệm với PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh

Trong quãng thời gian làm NCS tại xứ sở Bạch Dương cách đây hơn 30 năm, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt từng tiếp xúc với PGS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Những lần gặp gỡ ấy, tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để lại trong ông kỷ niệm khó quên!

o

Powered by Froala Editor

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà giáo, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là khoảng thời gian vào cuối năm 1989. Năm đó, tôi đi nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ cùng với hai người bạn là Nguyễn Văn Hằng và Ngô Thế Vinh. Ba chúng tôi được xếp ở cùng một phòng. Anh Nguyễn Văn Hằng có mối quan hệ khá thân thiết với nhà giáo Nguyễn Tuyết Minh vì anh Hằng cũng là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi một thời chị Nguyễn Tuyết Minh vừa làm công tác giảng dạy, vừa làm công tác phiên dịch Nga-Việt, Việt-Nga cho nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học của nước Nga Xô Viết (nay là Liên bang Nga) lúc bấy giờ.

          Khỏi nói, khi đặt chân đến nước Nga, chúng tôi bỡ ngỡ đến mức nào! Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh được sang học tại một nước tiên tiến hàng đầu của phe XHCN ngày ấy, chúng tôi có cảm giác bị choáng ngợp thực sự. Nhà cửa, đường xá, xe cộ… ở thủ đô Matxcơva trước mắt chúng tôi là những hiện tượng “kỳ vĩ” vượt rất xa từ “hoành tráng” mà ta vẫn thường dùng. Mấy anh em chúng tôi cứ “ngơ ngơ như bò đội nón”. Một cuộc sống mới đang chờ chúng tôi. Tiếng Nga trở thành một công cụ vô cùng quan trọng để chúng tôi bước vào cuộc sống mới này. Mặc dù ở trong nước tôi đã từng dịch thuật các bài nghiên cứu (và cả sách nghiên cứu cùng anh em đồng nghiệp) từ tiếng Nga sang tiếng Việt, lại được chuyên tu 1 năm tiếng Nga ở ĐHNN Hà Nội, nhưng cái vốn tiếng Nga ấy còn rất “bé bỏng” so với công việc phải làm trước mắt. Đúng lúc ấy, sau hơn một tháng đặt chân tới Matxcơva, trong một buổi mừng Năm mới ở Viện Ngôn ngữ học, tôi được tiếp xúc lần đầu tiên với PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Hôm ấy, chị là người đại diện cho các cán bộ và NCS Việt Nam đang làm việc tại Viện lên phát biểu chúc mừng các đồng nghiệp người Nga. Lần đầu tiên tôi được nghe một người Việt nói tiếng Nga hùng hồn và hoạt ngôn đến thế. Chị nói không cần văn bản, như ta vẫn gọi là “nói vo”, nhưng không vấp váp chút nào. Giọng chị trầm, nhưng vang, đặc biệt khi nói, chị rất chú ý đến trọng âm và ngữ điệu theo cách Nga nên bài phát biểu hết sức thu hút. Cả hội trường lặng phắc nghe chị nói về tình hữu nghị giữa hai quốc gia, về công việc và sự quan tâm của Viện trưởng cũng như các nhà khoa học nước bạn đối với cán bộ và nghiên cứu sinh Việt Nam.

          Từ dưới hội trường, Nguyễn Văn Hằng nói với tôi và anh Ngô Thế Vinh: “Cô Tuyết Minh, trước ở trường tôi đấy”. Cuối giờ hôm đó, anh Nguyễn Văn Hằng tiến đến chào cô giáo của mình, đồng thời giới thiệu chúng tôi. Chị Tuyết Minh hỏi thăm chúng tôi rất ân cần về công việc, về sức khỏe. Chị còn nhắc “Mấy bạn mới sang phải chú ý. Nước Nga rất lạnh, ra đường nhớ phải mặc thật ấm. Những người mới sang, chưa quen khí hậu, rất dễ bị ốm”. Chị còn dặn dò: "Các bạn phải học tiếng Nga cho thật cẩn thận để viết luận án…”.

          Tuy lần đầu gặp chị Tuyết Minh, nhưng tôi có cảm giác như đã gặp chị ở đâu đấy. Nó có một cái gì đó rất gần gũi và thân mật. Một mặt, có lẽ do chị quen thân Hằng từ trước, nhưng mặt khác, chị là một nhà giáo dường như đã thấm đậm tâm hồn và cốt cách Nga, như người ta thường gọi là Добрый (đôp brưi) – một từ mang nghĩa hình tượng – chỉ tính cách Nga, mà tất cả những ai đến làm việc hay công tác ở nước này vẫn thường dùng.

          Sau hôm đó, có lần chị Tuyết Minh đến дом 5 (đôm 5), kí túc xá Viện Hàn lâm, nơi chúng tôi ở. Thời đó, người Việt vẫn gọi đùa đây là “đô thị sầm uất” vì có rất nhiều cửa hàng của những người Việt Nam: Người chuyên buôn bán cũng có, người kinh doanh thêm cũng có. Các nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam được ăn theo bởi các chuyến đánh hàng của người làm kinh tế chuyên nghiệp. Phòng nào cũng nhận thêm ít quần áo, son phấn, hoặc các mặt hàng giày dép, trang điểm… Là người đi trước, chị Tuyết Minh tỏ ra rất thông cảm, nhưng luôn căn dặn chúng tôi: “Các cậu làm gì thì làm, đừng để luận án chậm trễ thì mang tiếng lắm”. Chị rất coi trọng sĩ diện của người Việt Nam.

          Càng về sau, chị càng trở nên thân mật với chúng tôi hơn sau các buổi sinh hoạt khoa học ở Viện và sau lần chúng tôi đến thăm chị ở Konkovo. Chị sống trong một căn hộ không rộng nhưng trang nhã và cũng đầy “chất Nga”, từ cách sắp đặt, bài trí… trong đó nổi bật nhất là những chú búp bê đủ loại màu sắc được đặt trong tủ. Thời gian đó, chị cùng anh Vũ Lộc đang tập trung cùng các đồng nghiệp Nga biên soạn bộ đại từ điển Nga-Việt. Đáng nhớ với tôi nhất là, có một hôm các chuyên gia hai nước đang tranh luận về việc dịch từ “gác xép” từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Một hôm, vào đầu giờ sáng, tôi mới lên Viện đã được chị Tuyết Minh gọi sang Phòng Từ điển. Chị bảo: “Có từ này, bọn mình đang tranh luận. Mình muốn Đạt sang góp thêm. Em là nhà văn. Có thể từ góc độ sáng tác sẽ sáng tỏ thêm một một vài điều gì đó”. Tôi rất hồi hộp, không biết đó là từ gì. Khi vào đến nơi, chị nói: "Từ “gác xép” ở ta có phải là “chỗ để củi” không em?". Tôi nghe lại ý kiến của các anh chị trong phòng, rồi nói: “Ở Việt Nam, “gác xép” không phải là chỗ để củi đâu ạ. Nó là nơi để ở, thậm chí phải có tiêu chuẩn mới được ở các anh chị ạ”. Rồi tôi lấy ví dụ để chứng minh điều khẳng định của mình. Tôi nói, ở một số trường đại học, trong các nhà cao tầng, có một nơi là chỗ ngoặt cầu thang, người ta thường xây chắn một bức tường, tạo ra một cái phòng nhỏ chừng 6-7 mét vuông. Phòng này thường dùng phân cho cán bộ là thương bệnh binh hoặc là cỡ Phó Trưởng phòng… Thời tôi học, có thầy được phân một căn phòng như vậy là mừng vui lắm; lấy vợ xong, sinh con đẻ cái còn sống đến hơn chục năm trời. Chị Tuyết Minh và mọi người đều lắng nghe rất chăm chú. Sau đó, tôi còn hào hứng miêu tả các loại gác xép làm ở các căn phòng khu tập thể. Vì chật chội, gia đình có người đông, thường cơi nới thêm một phòng phụ ở phía trên chỗ giường nằm để giải quyết chỗ ngủ. Có nơi, phòng ở là nhà cấp 4, trần thấp, cơi nới thêm phòng phụ, thì phòng trên khi trèo lên phải khom lưng, bởi chiều cao chỉ đủ mắc màn chừng một mét ba hay mét rưỡi. Tiện thể câu chuyện, tôi lại miêu tả một loại gác xép đặc biệt nữa. Đó là gác xép của nhà thơ Tú Sót, tên gọi Chu Th. Ông là biên tập viên Nxb Thanh niên. Thời chưa đi Nga, tôi vẫn đến thăm ông ở khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Ông có 4 người con, đều đã lớn, nhưng phòng chỉ có 14-15 mét vuông, nên phải làm thêm loại “gác xép cộc đầu” ngay chỗ giường nằm đã đành; ông còn thiết kế ra một loại gác xép đặc biệt. Khi dẫn tôi ra, ông dí dỏm nói với tôi: “Mình đố Hữu Đạt tìm đâu ở Việt Nam có loại gác xép như vầy, tôi sẽ biếu ông hết số sách có trên giá sách”. Quả là đặc biệt thật. Chúng tôi đến trước khu nhà tiểu công cộng có những dòng chữ rất dân dã của ai đó “nhà đái”. Khu nhà này gồm nhiều gian nhỏ phân ra chỗ đi tiểu cho phụ nữ, nam giới. Từ phía sau có một khoảng đất rộng hơn một mét, giữa bức tường ngăn chung của dãy nhà tiểu và bức tường lớn của tòa nhà. Ông nhà thơ của chúng ta sáng kiến thế nào lại làm một cái cầu thang gỗ bắc lên phía trên, rồi cho đổ xi măng lên nóc nhà tiểu. Chỉ mới đến tôi đã suýt nôn vì mùi nước tiểu lâu ngày xộc thẳng vào mũi, cay và gắt đến chảy nước mắt. Ông Tú Sót bảo tôi: "Ông thấy khó chịu hả? Chưa quen thôi. Này, đừng tưởng là tự làm được đâu nhé. Mình phải xin tổ dân phố rồi mấy lần thuyết phục các nhà xung quanh họ mới thông cảm cho làm đấy. Đất của công mà. Tự chiếm sao được!”. Tôi rùng hết cả mình khi nhìn những bãi nước tiểu đọng thành vũng của những ai đó tùy tiện xả ra ngay gần chỗ chân cầu thang. Nhà thơ bảo tôi: “Chịu khó nhảng qua một bước dài đến hòn gạch kia là lên được”. Tôi sợ quá, tìm cách thoái thác: “Hôm khác tôi lên vậy, hôm nay tôi xin phép bác phải ra Ngã Tư Sở có chút việc”. Nhà thơ gật gù: Vậy để hôm khác nhé”. Lúc quay lại hành lang, ông trầm mặc nói với tôi: “Nói thế chứ ai thấy cái bẩn chẳng sợ. Nhưng hoàn cảnh như tôi, kiếm được chỗ như vậy để sáng tác là quí lắm rồi". Ông nói với tôi, phòng ông ở chật quá. Hơn chục mét, dưới là chỗ nấu ăn, bếp núc, kê được cái giường cho ba mẹ con. “Gác xép cộc đầu” phía trên thì hai thằng nó học hành. Mình có chỗ nào ngồi sáng tác đâu. Nhất là ban đêm, lúc khoảng một, hai giờ sáng, thi tứ ùa ra, bật đèn thì ngại làm mất giấc ngủ cả nhà nên chuồn ra đây… ngồi một mình, ngẫm ngợi. Hoàn cảnh như thế nên cái hài và chất châm biếm của nhà thơ rất sâu và chua cay. Một phong cách thơ tôi rất ấn tượng.

        Trở lại câu chuyện. Khi tôi miêu tả cái gác xép này thì mọi người cười ồ lên. Mấy chuyên gia từ điển người Nga cứ ngẩn ra, không hiểu. Sau đó chị Tuyết Minh dịch sang tiếng Nga. Chị lược đi mà chỉ dịch đó là loại gác xép làm ở “gần” nhà vệ sinh. Chị còn giải thích với tôi, dịch thuật thì ngoài nghĩa cơ bản phải chú ý đến yếu tố “văn hóa”. Câu chuyện này xảy ra cách đây đã 30 năm, không biết chị Tuyết Minh có còn nhớ không, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên được! Tôi cũng không rõ sau này cái từ "gác xép" đó được các nhà biên soạn xử lí như thế nào trong cuốn đại từ điển đó.

          Nói về dịch thuật hay từ ngữ thì còn nhiều điều để nói lắm. Chẳng hạn, từ “cơi nới” để nói về gác xép như tôi miêu tả ở trên, đến nay nó còn có thêm nghĩa bóng để chỉ những anh đã có vợ nhưng lại có thêm tình cảm ngoài luồng; khi bị phê phán lại chống chế “cũng chỉ là "cơi nới" thêm chút thôi, chứ không có ý phá ra để xây lại”…

          Nhân bài viết của PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh được đăng trên mạng, tôi cũng viết thêm đôi kỷ niệm khi gặp gỡ chị ở Nga để khẳng định thêm rằng, chị là tấm gương của một nhà khoa học chân chính, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và có nhiều công lao trong việc xây đắp mối quan hệ Việt-Nga. Với tôi, chị là hình ảnh của một nhà giáo hồn hậu, luôn quan tâm đến các thế hệ đàn em; một nhà biên soạn từ điển cẩn trọng, có tầm nhìn sâu sắc về chuyên môn và văn hóa.

 Phần thưởng chị nhận được không chỉ là niềm vinh dự của riêng chị mà còn là niềm vinh dự chung của giới Ngôn ngữ học cũng như những người làm công tác văn hóa nói chung. Với ý nghĩa ấy, cho phép tôi thay mặt Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông và các thành viên của Câu lạc bộ Văn hóa Quốc tế (một đơn vị của Viện), xin gửi lời chúc mừng nhiệt liệt đến chị cùng toàn thể gia đình. Kính chúc chị và gia đình luôn gặp nhiều may mắn, hạnh phúc!

      Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông.

Powered by Froala Editor