Viện phương đông

2 tháng trước

Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA CÁC CON SỐ TRONG VĂN HÓA VIỆT Hữu Đạt- Lê Thị Nhường

 Việc sử dụng số lẻ trong thắp hương liên quan đến tín ngưỡng và quan niệm của người Việt. 

Powered by Froala Editor

         Thưa bạn đọc kính mến! Trong những ngày Tết, nhiều người hỏi chúng tôi về ý nghĩa của số chẵn, số lẻ trong một số tục lệ liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên. Để bạn đọc có cách nhìn bao quát về vấn đề này, dưới đây tôi xin được trích một phần báo cáo Khoa học mà tôi đã viết chung với tác giả Lê Thị Nhường có tên:

Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA CÁC CON SỐ TRONG VĂN HÓA VIỆT 
                             Hữu Đạt- Lê Thị Nhường
  Trong toán học, các con số tự nhiên chỉ có nghĩa là số đếm, dùng để tính toán, đo lường. Thế nhưng trong đời sống xã hội, do các môi trường sinh thái nhân văn khác nhau, các con số lại mang những ý nghĩa biểu trưng thể hiện văn hóa tín ngưỡng của mỗi một dân tộc. Riêng trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, có thể thấy không ít các ví dụ, trong đó, các con số mang ý nghĩa biểu trưng [2], [3].
  Ở đây, chúng tôi xin bàn đến ý nghĩa biểu trưng của số chẵn và số lẻ:
 Trong văn hóa phương Đông, số chẵn và số lẻ được gắn với qui luật của âm dương ngũ hành. Người phương Đông vốn coi luật âm-dương là cái cẩm nang để giải thích toàn bộ sự hình thành và phát triển của thế giới. Trong đó, số lẻ được coi là số dương, số chẵn được coi là số âm. Trong sự vận hành của vũ trụ cũng như trong cơ thể con người, âm dương hài hòa là biểu hiện của sự ổn định và phát triển. Khi âm-dương mất cân đối, sự vật hay hiện tượng thường xảy ra trạng thái mất cân bằng, hoặc là dẫn đến sự diệt vong, hoặc là phát triển theo một chu trình mới mà người phương Đông gọi là “cùng tắc biến”, một khái niệm rất giống với qui luật về đấu tranh giữa các mặt đối lập mà Các Mác [4]nêu ra.
  Theo tín ngưỡng dân gian, cuộc sống ở dương thế có sự đối lập rất rõ với cuộc sống nơi âm thế. Khác với nhiều dân tộc phương Tây, các dân tộc ở phương Đông luôn coi trọng phần âm thế như là một phương diện của đời sống. Vì vậy, với người phương Tây, số chẵn hay số lẻ, không có hoặc rất ít có nghĩa biểu trưng. Người phương Đông thì ngược lại. Quan sát tục thờ cúng sẽ thấy rất rõ hiện tượng này.
 Ví dụ, khi thắp hương, người ta rất kiêng kỵ số chẵn. Thông thường, người ta thắp ba nén hương. Ba nén hương  mang ý nghĩa tượng trưng cho ba giới: Thiên giới, địa giới, nhân giới (cõi người). Trong quan niệm của người Việt, người Trung Quốc và của nhiều dân tộc phương Đông khác, thắp hương được coi là sự nối kết giữa phần dương và phần âm trong đời sống con người. Phần dương là phần của cuốc sống nơi trần thế, phần âm là phần của đời sống tâm linh. Người Việt luôn tin rằng, người chết chưa phải đã hết mà vẫn tồn tại ở một thế giới khác. Việc thờ cúng, ngoài việc mang ý nghĩa tưởng nhớ, biết ơn còn mang ý nghĩa cầu nguyện, mong các cụ, tổ tiên ông bà luôn phù hộ độ trì để cuộc sống nơi dương thế được may mắn, bình an.
  Việc sử dụng số lẻ trong thắp hương liên quan đến tín ngưỡng và quan niệm của người Việt. Vì số lẻ là dương, có tính cách “làm chủ” trong sự phát triển của con người và muôn vật nên có tên là “số sinh”. Con người ai cũng cầu mong sự sinh sôi, phát triển. Do đó, trong tục hương khói, người ta không dùng số chẵn. Tuy nhiên, các số lẻ trong dãy số tự nhiên từ 1 đến 10 (1, 3, 5, 7, 9) lại có những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Do đó, tùy thuộc vào công việc, qui mô và mức độ hành lễ, người ta sử dụng con số sao cho phù hợp. Ví dụ, khi giỗ họ (gia đình lớn) người ta thường thắp 5 nén hương. Đây là con số liên quan đến các hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đó là 5 yếu tố kiến tạo ra thế giới vạn vật theo triết học phương Đông cổ đại. Ứng với nền triết học này, con số 5 còn biểu thị cho 5 phương trời (theo Đạo giáo) được 5 vị thần linh cai quản là: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm. Đây là 5 phương rất quan trọng tạo ra các nguyên tắc về thuật phong thủy ở Việt Nam và phương Đông nói chung. Con só 5 còn liên quan đến 5 vì tinh tú mà theo thuật tướng số, bất cứ ai cũng liên quan đến cả cuộc đời, gọi là bản mệnh. Năm màu sắc: đỏ, đen, xanh, trắng, vàng, ngoài việc đại diện cho mệnh số của mỗi người còn liên quan đến thời tiết của các mùa trong năm và là cơ sở cho các nhà tử vi luận về hung, cát, khắc, phù, xung, thuận trong hôn nhân và trong các công việc trọng đại như làm nhà, sang cát ... Như vậy,việc thắp 5 nén hương, về tâm linh, có sự khác biệt rất rõ với việc thắp 3 nén. Chính vì vậy, ngay cả các nhà lãnh đạo quốc gia cũng có những tuân thủ theo cái gọi là luật bất thành văn. Chẳng hạn, nếu thắp hương cho một người thuộc bậc tiền bối, một danh nhân, thường chỉ dùng 3 nén, nhưng thắp cho một tập thể như tượng đài liệt sĩ, nghĩa trang, số nén hương thường là 5 nén. Tất nhiên, nhìn theo một góc độ khác thì khi thắp hương, một, hay ba, hay năm, hoặc chín nén đều có giá trị như nhau. Vì chỉ lấy đối lập chẵn lẻ làm chính nên nhiều nhà chùa khuyên phật tử và khách thập phương (thậm chí quy định hẳn) khi vào chùa chỉ thắp một nén hương là đủ.  
 Trong dãy số lẻ, con số 7 là con số kiêng kỵ đối với tâm thức dân gian và văn hóa truyền thống người Việt. Số bảy có âm Hán Việt là “thất” nên người ta thường liên tưởng đến sự mất mát, thất thoát. Đó là điều không ai muốn trong cuộc sống. Do đó, trong ca dao thành ngữ, có nhiều câu biểu thị sự khuyến cáo hay khuyên răn như: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”. Khi ở trong tình huống cực chẳng đã mà phải quyết định một việc nào đó mang tính sống còn, người ta thường chậc lưỡi “Đã liều ba bảy cũng liều”. Ý nghĩa biểu trưng này khác hẳn với ý nghĩa biểu trưng của số 7 trong tư duy một số dân tộc, chẳng hạn, các dân tộc theo đạo Thiên Chúa giáo. Trong Thánh kinh, cả Cựu ước và Tân ước, con số 7 là con số hoàn bích. Vì vậy, nó lại là con số may mắn của các dân tộc này.
 Với người Việt Nam, con số 7 còn liên quan tới 7 vì tinh tú ở phía bắc bầu trời, gọi là chòm sao Bắc đẩu là chòm sao có vị trí đặc biệt trong nhận thức không gian của người Việt khi khoa học chưa phát triển. Thời cổ đại, khi chưa có la bàn xuất hiện, đi trong rừng, người ta thường phải nhìn vào chòm sao này vì trong chòm có một ngôi sáng nhất, gọi là sao Bắc đẩu. Chòm sao này, về hình dạng, được các dân tộc tưởng tượng khác nhau. Người Mỹ gọi là cái muỗng lớn vì nó gióng như cái muôi múc canh (Big Dipper); người Anh gọi là cài cày (The Plough) vì nó giống một dụng cụ của người nông dân cày ruộng; người Việt ở phía Nam gọi chòm sao này là bánh lái lớn (bánh lái của ghe, thuyền) [Đại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của].

  Theo quan niệm của Đạo giáo mỗi ngôi sao trong 7 ngôi sao này đều có một vị tinh quân trông coi. Đó là các vị: Thiên Xu (Tham Lang) [天枢 (貪狼)], Thiên Tuyền (Cự Môn) [天璇 (巨門)], Thiên cơ (Lộc tồn) [天玑 (祿存)], Thiên Quyền (Văn Khúc) [天权 (文曲)], Ngọc Hành (Liêm Trinh) [玉衡 (廉貞)], Khai Dương/ (Vũ Khúc) [開陽 (武曲)], Dao Quang (Phá Quân) [摇光 (破軍)]. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt và nhiều dân tộc khác ở phương Đông, con số 7 liên quan đến tục lệ thắp nến cho người chết. Chẳng hạn, khi một người mới qua đời, người ta thường thắp 7 ngọn nến trên nắp quan tài theo hình chòm sao Bắc Đẩu. Người ta tâm niệm, làm như vậy thì linh hồn người chết luôn được các vị tinh quân bảo vệ, soi đường chỉ lối, không bị cám dỗ hoặc mắc thủ đoạn lừa phỉnh của ma quỷ. Đối với người Rô ma, 7 ngọn nến cũng là một biểu tượng quan trọng trong việc làm tăng thêm sức mạnh của Thánh kinh. Vì thế nó là một nghi lễ không thể thiếu trong thánh lễ đại triều Giám mục. Đối với hình thức ngoại thường, các chỉ dẫn của sách Nghi Thức đều nói đến việc đặt bảy đèn trụ (candelabras) trên bàn thờ. Thánh giá được đặt phía trước của cây nến cao nằm ở trung tâm.
 Nghĩa biểu trưng của các con số còn có thể thấy rõ trong quan niệm của văn hóa tín ngưỡng của người Việt theo cách nhìn về đối lập chẵn-lẻ. Trong tục lệ thắp hương, số lẻ là số dùng cho người âm. Vì vậy, khi mua hoa quả, người Việt rất chú ý để tránh sai lầm. Hoa hoặc quả đặt trên ban thờ bao giờ cũng là các con số: 3, 5, 7, 9. Người ta không bao giờ dùng số hoa hoặc quả là 2, 4, 6, 8 lên bàn thờ, mặc dù số 6 có không ít người coi là số “lộc”(do sự gần âm của chữ “lục”). Riêng số 10, về mặt toán học tự nhiên được tính là số chẵn, nhưng trong thờ cúng nó vẫn được tính là số lẻ với ý nghĩa là 1. Nói cách khâc, khi hoa có 10 bông trở lên thì được gọi là một bó (số 1), khi có 10 quả trở lên thì được gọi là một đĩa (số 1).
  Trong văn hóa trang phục, ảnh hưởng của tín ngưỡng đã tạo ra hai đối cực. Số cúc áo trên áo người sống bao giờ cũng là số chẵn, số cúc áo trên áo dùng cho người chết là số lẻ. Tà áo đơm cúc cho người sống bao giờ cũng nằm bên phải (số chẵn), tà áo dùng đơm cúc cho áo người quá cố bao giờ cũng nằm ở bên trái (số lẻ). Sự đối cực này còn thấy ở việc hành lễ. Chẳng hạn, khi một người nào đó mới chết, tuy thân thể đã được đặt vào trong quan tài, nhưng trước giở “chuyển cữu” thì con cháu thắp hương chỉ được lạy hai lạy (là cách lạy người sống). Chỉ khi đến thời khắc 12 giờ đêm, làm thủ tục chuyển cữu xong (quan tài được nhấc lên nhấc xuống đủ ba lần), người ta mới lạy đủ ba lạy.

         

Không có mô tả ảnh.





Tất cả cảm  Lê Thị, Hải Triều và 21 người khác










Powered by Froala Editor