Viện phương đông

3 năm trước

Giới thiệu sách "Phong cách học Tiếng Việt hiện đại"

PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI

Tác giả : PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt

NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016

Powered by Froala Editor

         Năm 2016, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành cuốn Phong cách học tiếng Việt hiện đại của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt. Với 435 trang, cuốn sách không chỉ cung cấp những kiến thức phong phú về từng loại phong cách chức năng mà còn thể hiện tư duy khoa học qua những phân tích sắc sảo, lập luận chặt chẽ, ví dụ cụ thể… đồng thời ẩn chứa trong đó còn là những gợi dẫn thú vị cho những người quan tâm đến ngôn ngữ và văn chương. Ngoài Lời nói đầu, cuốn sách gồm 4 phần với các nội dung chính như sau:

Phần 1: Lịch sử nghiên cứu và những khái niệm cơ bản của phong cách học. Tác giả không đi vào những giới thuyết có tính chất “dẫn luận” về phong cách học mà đi sâu vào hai nội dung lớn: Lịch sử nghiên cứu phong cách học và những khái niệm cơ bản trong nghiên cứu phong cách học. 

Với những lập luận chặt chẽ và minh chứng rõ ràng, ở nội dung đầu tiên, tác giả đã làm rõ lịch sử nghiên cứu phong cách học trên thế giới ở ba giai đoạn: 1. Giai đoạn trước Ch. Bally (thời cổ đại và thời trung đại: Đây là giai đoạn “văn sử triết bất phân”, nhiều khái niệm của tu từ học (khi đó chưa có thuật ngữ phong cách học) còn lẫn lộn với triết học, việc nghiên cứu phong cách học chưa có tính hệ thống do đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu và phương pháp luận khoa học chưa được xác định rõ ràng; 2. Giai đoạn Ch. Bally: Nhờ tiếp thu những tư tưởng về lý thuyết ngôn ngữ học đại cương của người thầy vĩ đại F. Saussure, Ch. Bally đã đưa phong cách học thực sự trở thành một bộ môn khoa học thực sự độc lập qua việc xác định đối tượng nghiên cứu cụ thể, xây dựng hệ thống khái niệm và những phương pháp nghiên cứu hiện đại, cập nhật; 3. Giai đoạn sau Ch. Bally: Việc nghiên cứu phong cách học không dừng lại ở phong cách học miêu tả mà được mở rộng và phát triển theo nhiều khuynh hướng đa dạng (cấu trúc, chức năng, thi pháp…) hoặc ở những góc độ có tính chất liên ngành (tâm lý học, xã hội học…). Công cuộc nghiên cứu phong cách học tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, trong phần 1, tác giả còn có những trang mô tả vừa khái quát vừa chi tiết về tình hình nghiên cứu phong cách học ở Việt Nam theo dòng lịch sử qua ba giai đoạn: 1. Giai đoạn từ khi thành lập Đại học Đông dương đến 1954; 2. Giai đoạn từ 1954 đến 1975; 3. Giai đoạn từ 1975 đến nay. Đặc biệt, tác giả cũng điểm lại rất đầy đủ những công trình nghiên cứu về phong cách học ở Việt Nam dưới những góc độ và khuynh hướng khác nhau. 

Ở nội dung lớn thứ hai của phần 1, tác giả cung cấp cho độc giả 5 cặp khái niệm cơ bản nhất trong nghiên cứu phong cách học: 1. Phong cách và phong cách học; 2. Phong cách và chuẩn mực; 3. Chuẩn mực ngôn ngữ và chuẩn mực phong cách; 4. Phong cách ngôn ngữ và phong cách lời nói; 5. Màu sắc phong cách và màu sắc tu từ. Điểm sáng tạo và mới mẻ của tác giả là vừa cung cấp khái niệm một cách hàm súc, đưa những ví dụ tiêu biểu vừa làm thao tác phân biệt giúp người nghiên cứu “tỉnh táo nhận diện” khi dùng những khái niệm dễ gây nhầm lẫn này thông qua phần lý giải và những câu hỏi ôn tập, vận dụng hợp lý. 


Nếu như phần 1 tác giả đã chỉ ra, “phong cách học trở thành một môn học mới với tư cách là bộ môn khoa học thực sự độc lập” từ giai đoạn Ch. Bally [1; 8] thì Phần 2: Đối tượng, nhiệm vụ và các phương pháp nghiên cứu của phong cách học là những nội dung chính minh họa rõ cho sự khẳng định đó. Về đối tượng nghiên cứu, tác giả đã giới thiệu và lý giải những quan niệm khác nhau, từ đó đưa ra quan niệm của mình dựa trên ba yêu cầu (sự lựa chọn hiệu lực của sự sử dụng và phân loại, khái quát hóa): “Phong cách học nghiên cứu toàn bộ những khả năng thực tế về việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp của con người nhằm tạo ra sự thống nhất giữa cơ chế của người nói và người nghe về một lĩnh vực nhất định cũng như việc hệ thống hóa chúng thành những kiểu, dạng, những khuôn mẫu cụ thể. Nói khái quát, đối tượng của phong cách học là văn bản và hoạt động của các loại văn bản.” [1; 54]. Trên cơ sở xác định đối tượng nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra 4 nhiệm vụ cụ thể của phong cách học tiếng Việt hiện đại với tư cách là một bộ môn độc lập: 1. Nghiên cứu các thế đối lập trong ngôn ngữ và trong lời nói; 2. Nghiên cứu đặc điểm của các phong cách chức năng và tiến hành phân chia các phong cách chức năng; 3. Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của mỗi loại phong cách chức năng trong lịch sử; 4. Xác định nhiệm vụ nghiên cứu cho từng loại phong cách. Phương pháp nghiên cứu lịch đại, đồng đại và so sánh loại hình là ba phương pháp chính được sử dụng khi nghiên cứu phong cách học từ những quan điểm khác nhau. Bên cạnh đó, để làm rõ vai trò và tính chất liên ngành của bộ môn này, ngoài việc giới thiệu 10 loại phong cách học dựa trên cách thức tiếp cận, phương pháp và kết quả nghiên cứu khác nhau, tác giả còn cung cấp thêm những kiến thức rất mới mẻ và thú vị về quan hệ giữa phong cách học và các bộ môn khoa học khác.

Có thể nói mỗi nội dung, mỗi phần trong cuốn Phong cách học tiếng Việt hiện đại đều được tác giả trình bày một cách mạch lạc, logic và thuyết phục. Phần 3 tác giả dành để nói về cơ sở, phương pháp phân chia các phong cách chức năng và hoạt động của các phong cách trong tiếng Việt. Từ việc phân tích các quan điểm khác nhau, tác giả đã đưa ra ba cơ sở chung và quan trọng nhất trong việc phân chia các phong cách chức năng: Chức năng giao tiếp; hình thức thể hiện và phạm vi giao tiếp. Từ đó, tác giả rút ra nhận xét khái quát: “Có một đặc điểm chung trong cách phân chia các phong cách chức năng theo truyền thống là phân chia theo bậc. Thông thường, ở bậc thứ nhất, phong cách được tách ra thành hai phong cách lớn. Sau đó, đến bậc thứ hai, mỗi phong cách lại được chia thành các phong cách chức năng nhỏ hơn.” [1; 77]. Bên cạnh ba cơ sở trên, tác giả còn đưa ra quan niệm về hoạt động giao tiếp – một trong những căn cứ quan trọng để “xác định đặc điểm ngôn ngữ của mỗi lời nói thuộc phong cách chức năng nào” [1; 77]. Các phương pháp cần được tuân thủ khi phân chia các phong cách chức năng đó là: Cần chú ý đến mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp (A, B) vì nó phản ánh bản chất của hoạt động giao tiếp, đồng thời không được bỏ qua sự tác động, chi phối của hoàn cảnh giao tiếp tới các đối tượng đó. Tiếp theo, tác giả cuốn sách đã chỉ ra một cách cụ thể kết quả phân chia các phong cách chức năng dựa theo nguyên tắc: có sự đối lập tương đối rõ giữa hai phong cách chức năng cùng ba cơ sở và phương pháp trên. 

Nội dung trọng tâm của Phần 3 đồng thời là nội dung chính của cuốn sách, tác giả giới thuyết kỹ càng về hoạt động của 6 phong cách chức năng trong tiếng Việt hiện đại: 1. Phong cách khẩu ngữ tự nhiên; 2. Phong cách hành chính – công vụ; 3. Phong cách khoa học; 4. Phong cách báo chí; 5. Phong cách chính luận và cuối cùng là 6. Phong cách nghệ thuật trên các bình diện như: định nghĩa, đặc điểm cơ bản, kết cấu, vấn đề sử dụng từ ngữ, khả năng chuyển hóa phong cách, vai trò, điểm nổi bật của một số yếu tố trong phong cách; các dạng thức tồn tại của từng phong cách chức năng… Mỗi phong cách chức năng đều được tác giả trình bày một cách khoa học, thuyết phục thông qua các ví dụ dễ hiểu, biểu đồ minh họa những diễn giải logic, lập luận chắc chắn. Đặc biệt, khi bàn về phong cách báo chí, tác giả còn dành ra hẳn một phần khá công phu phân tích những đặc điểm của ngôn ngữ báo in Thời kỳ Đổi mới. Qua đó, người đọc chẳng những thấy được sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt thời kỳ hiện đại mà còn thấy rõ vai trò của nó đối với công cuộc đổi mới đất nước với tính chất là một công cụ cho việc truyền bá tư tưởng. Cuối phần 3 là hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp, có tính ứng dụng cao.

Ngoài những kiến thức cơ bản, trọng tâm có tính chất “hàn lâm” về phong cách học tiếng Việt nói chung và phong cách học tiếng Việt hiện đại nói riêng, Phần 4: Giá trị phong cách của một số đơn vị ngôn ngữ và biện pháp tu từ ngữ nghĩa trong tiếng Việt tác giả còn cho thấy tầm quan trọng và những ứng dụng tiêu biểu, cụ thể của phong cách học tiếng Việt trong hệ thống các phân môn ngôn ngữ khác. Trước khi đi vào các biện pháp tu từ cụ thể trên các bình diện ngữ nghĩa, cú pháp, tác giả đã đi sâu làm rõ giá trị phong cách của một số đơn vị ngôn ngữ, kiểu kết hợp từ hay một số kiểu điệp từ, ngữ.... Trên cơ sở đó, tác giả đã trình bày một cách đầy đủ, sâu sắc về 4 trong số các biện pháp tu từ độc đáo, thú vị của tiếng Việt. Đó là biện pháp nói vòng, biện pháp nói lái, lẩy Kiều và tập Kiều. 

          Có thể nói, mỗi trang của cuốn Phong cách học tiếng Việt hiện đại đều được viết ra bằng tâm huyết, sự trải nghiệm và tài năng của một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch và đặc biệt là một chuyên gia có thâm niên trong giảng dạy Phong cách học và Ngôn ngữ văn học. Đây là một cuốn sách có nhiều quan niệm rất mới về phân chia phong cách chức năng trong tiếng Việt cũng như sự miêu tả và phân tích sự vận hành của mỗi loại phong cách chức năng. Với lối viết giản dị, sâu sắc, những ví dụ tiêu biểu cùng khả năng lập luận chặt chẽ, thuyết phục, tác giả Hữu Đạt đã mang đến cho độc giả - những người quan tâm đến vấn đề phong cách học nói riêng, quan tâm đến ngôn ngữ, văn chương nói chung một món quà vô giá!

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách quý này! 


Nguyễn Thị Trà My

Giảng viên Khoa Văn – Xã hội, 

Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

 

 

 

 

 


Powered by Froala Editor