Viện phương đông

3 năm trước

Lối thoát nào cho một công trình?

Trong những ngày qua, dư luận bạn đọc và cộng đồng mạng xôn xao về cuốn “Từ điển Chính tả tiếng Việt” của các tác giả Hà Quang Năng, Hà Thị Quế Hương… (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017). Có rất nhiều bạn đọc (hoặc trực tiếp, hoặc gửi thư), kể cả bạn đọc ở nước ngoài, gửi đến chúng tôi những thắc mắc và mong muốn có sự giải đáp về vấn đề chính tả tiếng Việt được nêu ra trong cuốn từ điển này.

Powered by Froala Editor

Với tư cách là những người làm công tác nghiên cứu tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ nói chung, chúng tôi nhận thấy, các ý kiến trao đổi trên diễn đàn trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ tinh thần khoa học, mong muốn có được cuốn từ điển chuẩn mực làm công cụ cho xã hội sử dụng, nhất là cho học sinh, sinh viên. Đây là một mong muốn chính đáng.

Chúng tôi đã đọc kỹ các ý kiến phê bình của một số học giả cũng như ý kiến giải trình của PGS.TS Hà Quang Năng (đại diện cho nhóm tác giả), nay xin có một số ý kiến như sau:

  1. Đây là công trình được hình thành từ một đề tài khoa học. Trên góc độ nghiên cứu, theo lệ thường, các nhóm tác giả có thể đề xuất ý kiến riêng. Tuy nhiên, để các ý kiến đề xuất có được thừa nhận hay không thì cần phải có thời gian kiểm nghiệm hoặc được giới nghiên cứu đồng tình. Với loại sách công cụ như từ điển chính tả, yêu cầu này lại càng cần phải được chú trọng nhiều hơn.

  2. Về mặt tư liệu, đây là công trình có nguồn tư liệu phong phú vì nó được các cán bộ của Phòng Từ điển Chuyên ngành và Từ điển Thuật ngữ của Viện Từ điển học & Bách khoa thư Việt Nam thu thập trong nhiều năm. Tuy nhiên, xử lý tư liệu lại là vấn đề khác. Thậm chí, tư liệu làm công phu, nhưng xử lý sai sẽ tạo ra những hệ lụy khôn lường.

  3. Với một cuốn từ điển, cách ghi biến thể chính tả là rất cần thiết. Song, cần phân biệt rõ: biến thể chính tả khác hoàn toàn với sai chính tả. Biến thể chính tả là những hiện tượng đang còn tranh chấp, chưa có sự thống nhất (cả trong giới nghiên cứu và cả trong sử dụng). Chẳng hạn, hiện tượng iy trong tiếng Việt hiện nay đang được viết khác nhau ở nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, thậm chí cả ở lĩnh vực báo chí, xuất bản. Ví dụ: từ “lý luận”. Có nơi tác giả gửi bài viết là “lý luận” thì biên tập viên lại yêu cầu sửa thành “lí luận”, có nơi tác giả gửi bài viết là “lí luận” thì biên tập viên lại yêu cầu sửa thành “lý luận”. Thành ra, cùng là một tác giả bài viết, nhưng nếu bài in ở hai nới khác nhau lại có hai cách viết khác nhau.

Cho đến thời điểm này, có một tạp chí nghiên cứu lớn vẫn kiên trì lối viết chính tả theo truyền thống, đó là tạp chí Lý luận Phê bình Văn học - Nghệ thuật. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cách viết này, bởi:

- Khi đề xuất thay i cho y,  một số nhà nghiên cứu mới chỉ tính đến tiện lợi mà không tính đến giá trị khu biệt của con chữ. Không phải ngẫu nhiên, những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đã dùng iy để phân biệt các từ: taitay, maimay, caicay, láiláy… 

- Một trong các vẻ đẹp của văn tự còn thể hiện ở đường nét của con chữ (ta vẫn gọi là tính họa). Cùng là một từ nhưng viết i hay y sẽ có các giá trị thẩm mỹ khác nhau. So sánh: - Mỹ, lí luậnlý luận, thẩm mĩthẩm mỹ, hi vọng – hy vọng… nếu viết là y, nhìn sẽ thuận mắt hơn.

Các trường hợp mà một từ có hai hoặc hơn hai cách viết như chúng tôi vừa nêu, có thể coi là biến thể chính tả vì chúng là những cách viết khác nhau của cùng một âm. Biến thể chính tả hoàn toàn khác với sai chính tả. Do đó, nếu nếu quan niệm “xét sử” là biến thể hay là cách viết khác của “xét xử” là không đúng. Trái lại, phải coi đó là hiện tượng sai chính tả (do nhầm âm [ s ] không quặt lưỡi thành thành âm [ ʂ ] quặt lưỡi/cong lưỡi). Đó là chưa kể, nếu phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố trong tổ hợp ta sẽ thấy, “xét sử” là cụm từ tự do chứ không phải là từ. Vì thế, cụm từ này không thể có chỗ đứng trong từ điển được.

Tương tự như vậy, ở nhiều chương mục của cuốn từ điển đã nêu, có sự nhầm lẫn giữa biến thể chính tả và sai chính tả. Đây là cái sai trầm trọng nhất, gây nên phản ứng của nhiều người.

Rất có thể các tác giả của công trình trên có mục đích riêng như PGS.TS chủ biên công trình đã lý giải, nhưng mục đích đặt ra như vậy lại xa lạ với lý luận cơ bản về từ điển học và từ vựng học nên không tạo được sự ủng hộ, thậm chí dẫn tới sự phê phán gay gắt từ phía bạn đọc.

Ngày 12/6/2020, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội đã có công văn yêu cầu đối tác thu hồi cuốn từ điển nói trên. Đây là một việc làm có tính trách nhiệm và kịp thời, đáp ứng dư luận bạn đọc.

Song le, không nên nghĩ thu hồi là xóa đi tất cả! Như thế sẽ lãng phí công sức của các thành viên của Viện Từ điển học & Bách khoa thư Việt Nam cũng như tiền bạc của Nhà nước bỏ ra để thực hiện đề tài này. Nên chăng, với dữ liệu thu thập được, rất có thể đầu tư thêm công sức, xử lý lại bằng cách biến nó thành cuốn “Từ điển lỗi chính tả Tiếng Việt” hoặc công trình bàn về các lỗi chính tả thường gặp? Như thế vừa không lãng phí tiền bạc, công sức đã bỏ ra mà còn giúp ích cho rất nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên.

 

                                                                                 Ban biên tập

 

Powered by Froala Editor