Viện phương đông

1 tháng trước

Cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa .... Nguyễn Cung Thông

Phần này bàn về các cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời

Powered by Froala Editor

“Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa - tương tác giữa thời gian và không gian” (phần 46)

      Nguyễn Cung Thông

Phần này bàn về các cách dùng bên kia, hôm kia, hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt, ngày kia, ngày kìa từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời. Phần sau mở rộng chủ đề bàn thêm về tương quan giữa không gian và thời gian trong tiếng Việt, đặc biệt là từ lăng kính liên hệ gia đình/xã hội qua cách dùng đại từ nhân xưng. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) …v.v… Kí, kì còn có thể viết là ký/kì (Kí  ~ tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ, Thái cổ, Chăm cổ hay Hán cổ).  

 VBL trang 379

1. Kia chỉ một khoảng cách trong không gian, thời gian hay liên hệ/xã hội

1.1 Kia hàm ý ở một nơi/không gian xa hơn hay có một khoảng cách đối với người nói, nhưng có thể nhìn thấy, như bên kia (VBL trang 379), tự điển Béhaine (1772/1773) còn ghi thêm các cách dùng đàng kia (~ đàng nọ), nơi kia (~ nơi nọ).

Kia (không gian xa) hiện diện trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 8a:

棱箕布榖群𣅙𪢊. 廊怒農夫㐌式𦣰

Rừng kia bồ cốc còn khuya gióng. Làng nọ nông phu đã thức nằm

1.2 Kia còn chỉ một nhân vật được nói đến hay ngôi thứ ba, hay ngôi thứ hai khi có thêm thông tin của người nói (td. mắt nhìn, tay chỉ ...): VBL trang 379 ghi cách dùng thầy kia, BBC ghi các cách nói ơ thàng kia, ơ bốn thằng kia - xem hình chụp bên dưới:



 BBC trang 11

Tự điển Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi thêm cách dùng người kia.

Kia cũng hiện diện trong Truyền Kỳ Mạn Lục II, Tản Viên 42a:

𠀲箕實與孟,咍害子文𠱋

Đứa kia thực dữ mạnh, hay hại Tử Văn ru.

1.3 Kia đặc biệt dùng chỉ khoảng cách thời gian so với hiện tại (hôm nay, ngày rày), thanh điệu cũng thay đổi như kia - kìa phản ánh khoảng cách nhiều hơn so với cách dùng (lúc) nay – này (ni)  - nẩy, (ở) đây - đấy, nó và nọ. Để ý chữ Nôm kia và kìa đều dùng chữ ki/cơ 箕 .

hôm kia ~ nudius tertius (L, VBL trang 335, 379) nghĩa là cách đây ba ngày

hôm kìa ~ nudius quartus (L, VBL trang 335, 379) nghĩa là cách đây bốn ngày

hôm kiết ~ nudius quartus (L, VBL trang 379) nghĩa là cách đây bốn ngày - trùng nghĩa với hôm kìa (?) - xem thêm Phụ Trương mục 1.

ngày kiết: VBL không ghi nghĩa bằng tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng La Tinh. Các tác giả[1] sau này khi phiên dịch lại ‘thêm’ vào là ‘cùng một nghĩa với hôm kiết’. Người viết/NCT, dựa vào cách dùng hôm và ngày của VBL, đề nghị nghĩa của ngày kiết là bốn ngày sau  ~ sau ngày hôm nay bốn ngày chứ không phải là cách đây 4 ngày hay hôm kiết - xem thêm chi tiết trong phụ chú 16 về chữ hôm trong phần tiểu kết :

hôm kiệt ~ nudius quintus (L, VBL trang 335, 379) nghĩa là cách đây năm ngày

ngày kia ~ ngày tê ~ postridie (L, VBL trang 379, 519) nghĩa là ngày (hôm) sau[2]

mai ~ cras/L, VBL trang 445 - VBL trang 694 phân biệt sớm mai và mai sớm (sáng hôm sau)

ngày kìa ~ diebus quatuor elapsis (L, VBL trang 519) nghĩa là bốn ngày sau (sau ngày hôm nay bốn ngày)

 VBL trang 381 - ngày kiết không ghi nghĩa !

  Từ điển chép tay từ VBL - khoảng TK 18

Cụ Huỳnh Tịnh Của còn ghi dạng kỉa (dấu hỏi - bữa kia bữa kỉa, ĐNQATV sđd) hàm ý cách bốn ngày. Cụ Gustave Hue (1937) thì ghi là kĩa (dấu ngã): hôm kĩa là trước đây 4 ngày, ngày kĩa là sau hôm nay hay 4 ngày nữa, năm kĩa là trước đây 4 năm[3].

  ĐNQATV Tome I trang 512

Gustave Hue (sđd, 1937)


[1] Bắt đầu từ Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991) cho đến gần đây hơn là cuốn “Từ điển Việt- Bồ - La và các cứ liệu liên quan” do NXB Tôn Giáo và nữ tu Maria Therese Bùi Thị Minh Thuỳ (2021).

[2] Phương ngữ Bình-Trị-Thiên còn dùng ngày tê là ngày sau ngày mai (the day after tomorrow) - theo luận án TS "Vietnamese demonstratives: A spatially-based polysemy network" (2014, University of Queensland) của Linh Thuy Bui - td. "Ngày mai ngày tê rảnh tui sẽ ..." trang 90.

[3] GS Phạm Văn Tình còn ghi nhận cách nói ngày kĩa, ngày kịa (trong khẩu ngữ) sau các ngày kia, ngày kìa - tham khảo bài viết “Chữ và nghĩa: Ngày kĩa và ngày kịa” (1/2022) trên trang này chẳng hạn https://thethaovanhoa.vn/chu-va-nghia-ngay-kia-va-ngay-kia-20220119065444089.htm ...v.v...



Powered by Froala Editor