Viện phương đông

6 tháng trước

Cách dùng Trì Trì, mlồi/mlồ, Chiêm Thành - Cham và *Lâm (Ấp)” (phần 41)

Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. 

Powered by Froala Editor

“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Trì Trì, mlồi/mlồ, Chiêm Thành - Cham và *Lâm (Ấp)” (phần 41)

      Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Nhân tiện nhìn rộng ra và bàn thêm về tên gọi Chàm, Chăm và *Lâm (trong quốc hiệu Lâm Ấp). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), TQ (Trung Quốc), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục) …v.v… Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ, Chăm cổ hay Hán cổ).  

1. Tên (nước) Chiêm Thành và cù lao Chàm

1.1 VBL ghi bốn cách gọi tên nước là chiem thành (~ Chiêm Thành, không có dấu mũ ^ và không viết hoa), trì trì và nước mlồi (xem hình chụp bên dưới), mlồ[2]. Vào thời này, tiếng Việt chưa có quy ước viết hoa cho địa danh như các ngôn ngữ Ấn Âu như Bồ Đào Nha, La Tinh, Pháp ... Để ý Chiêm Thành tiếng Bồ là Champa, nhưng tiếng La Tinh là Ciampa (có lúc ghi là Ciampà) phản ánh phần nào các âm tiếng Việt chăm/chàm và Hán Việt Chiêm 占; hay tên nước Chiêm Thành viết là 占城 trong đa số tài liệu lịch sử VN và TQ. 

 VBL trang 833

Học giả Lê Quý Đôn từng ghi nhận về lịch sử Chiêm Thành (Phủ Biên Tạp Lục, Quyển thứ 1 - Sự tích 2 xứ Thuận, Quảng - năm 1776) "Huyện nhà Hán rất to, như 2 xứ Thuận Hoá, Quảng Nam của người nước ta tức là Chiêm Thành về thời Tống, nước Lâm Ấp đời Tấn đời Đường, mà ở đời Hán là đất một huyện ở Tượng Châu mà thôi". Lê Quý Đôn đã không nhắc đến giai đoạn Hoàn Vương như trong Tân Đường Thư (新唐書, năm 1060) – Hoàn Vương liệt truyện (環王列傳): "Hoàn Vương, vốn là Lâm Ấp (林邑), còn có tên là Chiêm Bất Lao (占不勞), cũng gọi là Chiêm Bà (占婆) ...". Tuy các tài liệu từ thời Tống, Nguyên, Minh đều thấy dùng quốc hiệu Chiêm Thành - nhưng lại không thấy Tân Đường Thư nhắc đến nên có lẽ không phổ biến cho lắm vào TK 9, ngay sau thời đại Hoàn Vương.

 VBL trang 105 - Chiêm Thành không viết hoa

1.2 Trì Trì ~ Champa

VBL ghi Trì Trì cũng là tên nước Chiêm Thành, Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) cũng ghi như vậy và thêm vào chữ Nôm 池 池 (trì bộ thuỷ 池 là ao hồ, td. thành trì); Theurel (1877) ở Đàng Ngoài cũng ghi nét nghĩa này. Trì Trì trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 hay năm 1697) lại viết là 持持 (trì 持 hàm ý cầm giữ[3]) - trích từ trang https://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/60-search?searchPage=125&uiLang=en :  

茶 全 既 被 擒 其 將 逋 持 持 走 至 藩 籠 㨿 其 地 稱 占 城 主 持 持 得 國 五 分 之 一 使 使 称 臣 入 貢 乃 封 為 王 帝 又 封 華 英 南 蟠 王 凡 三 國 以 霸 縻 之. [63b*5*18]

Trà Toàn ký bị cầm, kì tướng Bô Trì Trì tẩu chí Phiên Lung, cứ kì địa, xưng Chiêm Thành chủ, Trì Trì đắc quốc ngũ phân chi nhất, sứ sứ xưng thần nhập cống, nãi phong vi vương đế hựu phong Hoa Anh, Nam Bàn vương phàm tam quốc dĩ bá mi chi. Tạm dịch: sau khi Trà Toàn ( ?-1471) bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung [Phan Rang ngày nay], chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn [các xứ phía tây và phía nam Phan Rang] gồm 3 nước để dễ ràng buộc. So với Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim, 1920) thì ghi lại chuyện này như sau :

 Việt Nam Sử Lược - Chương XV Nhà Lê

Như vậy là sau hơn 100 năm, người Việt vẫn còn gọi Chiêm Thành là Trì Trì (tên vua của một lãnh thổ Chiêm Thành) như LM de Rhodes đã ghi nhận khá chính xác như là một nhân chứng lịch sử. Một người Việt Nam, Bentô Thiện, vào năm 1659 cũng nhắc đến việc Trì Trì quy hàng vua Lê - ông không ghi họ (hay tiếng đệm[4] Bô) mà ghi như VBL - xem hình chụp bức thư viết tay này ở Phụ Trương mục 5.

[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com 

[2] Có thể là sắp chữ hay in nhầm mlồi thành mlồ.

[3] VBL còn ghi cách dùng trì trì gan hàm ý bị hỏi mà không trả lời - so với nghĩa của trì trợm (và lì lợm) chẳng hạn, có lẽ trì bộ thủ 持 (giữ, trơ ra) thích hợp hơn so với trì 池 bộ thuỷ (bộ thuỷ hàm ý địa danh) ? 

[4] So với po/pu tiếng Chăm dùng để chỉ người trên (kính trọng) và potau - putao là vua (bua - ꞗua trong VBL).

Powered by Froala Editor