15 ngày trước
Kết nối văn hóa đọc: Cuốn sách hay về nghề làm sách Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM
Với những ai quan tâm đến sách, muốn biết các công việc hậu trường của việc xuất bản một cuốn sách như thế nào nên tìm đọc “Lạc vào cõi sách” (Nhà xuất bản Thế giới, 2024).
Powered by Froala Editor
Kết nối văn hóa đọc: Cuốn sách hay về nghề làm sách
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM
Có những đồ vật mà dù xã hội phát triển đến thế nào, văn minh đến đâu đi chăng nữa, chúng vẫn luôn đồng hành với con người bởi tính thiết yếu của mình. Một trong những vật dụng ấy là sách.
Tầm quan trọng của sách đối với con người như thế nào chắc không cần phải nhắc lại vì đó là sự thừa thãi. Một cuốn sách đến được với bạn đọc phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Với những ai quan tâm đến sách, muốn biết các công việc hậu trường của việc xuất bản một cuốn sách như thế nào nên tìm đọc “Lạc vào cõi sách” (Nhà xuất bản Thế giới, 2024).
Tác giả của cuốn sách Lê Huy Hòa là một người khá uy tín trong làng sách Việt Nam hiện đại. Ông nguyên là Thượng tá, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Một con người đã sống cả đời với việc xuất bản sách. “Lạc vào cõi sách” là tác phẩm ông tri âm và tri ân những người bạn đồng hành với mình trên con đường làm sách. Cuốn sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất, cũng là phần hấp dẫn nhất, gồm những bài viết của ông về những người bạn đồng nghiệp trong hành trình làm sách như: Họa sĩ Văn Sáng, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Đặng Việt Thủy, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân... Lê Huy Hòa là người có tài dựng chân dung nhân vật.
Chỉ bằng đôi câu văn, ông đã dựng ra được “thần thái” của nhân vật để qua đó bạn đọc không chỉ thấy chân dung của những con người đã làm nên diện mạo của ngành xuất bản sách nói riêng mà còn thấy được phần nào những nặng nhọc, vất vả, những góc khuất, những “tai nạn nghề nghiệp”, những biến động, thay đổi từ “vi mô đến vĩ mô” qua từng thời kỳ của ngành này. Quan trọng hơn là thấy được tâm huyết của những người làm sách nước nhà trên con đường truyền bá tri thức từ phổ thông đến chuyên sâu cho nhân dân với mục đích “khai dân trí, chấn dân sinh”.
Phần hai đăng tải một số lời giới thiệu của ông trong những cuốn sách mình làm. Viết lời giới thiệu, tưởng dễ song rất khó. Lời giới thiệu không thể quá dài, phải cô đọng, ngắn gọn mà vẫn toát lên được nội dung, tư tưởng chính của cuốn sách. Lời giới thiệu giống như một cánh cổng, một lời gợi ý, định hướng ban đầu cho độc giả khỏi lạc đường khi bước vào thế giới trong sách. Và trên hết, lời giới thiệu bộc lộ cái tâm với nghề nghiệp, cái tầm kiến thức của người viết. Lê Huy Hòa đã làm tốt điều ấy. Những lời giới thiệu của ông về các cuốn “Bách khoa tri thức phổ thông”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; “Truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh”... cho thấy ông là một người am hiểu nhiều lĩnh vực trong đời sống, có khả năng khái quát cao, tạo được sự tin cậy và hấp dẫn cần thiết đối với bạn đọc.
Phần ba tập hợp một số bài viết về tác giả của một số bạn bè, đồng nghiệp. Qua các bài viết, chúng ta đều thấy hiện lên hình ảnh một người quân nhân hết lòng vì đồng đội; một người làm sách dũng cảm, dám nghĩ dám làm, thông tuệ, quảng giao, nhanh nhẹn; một nhà kinh tế tài năng, một nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Dù xuất hiện với vai nào, sau cùng, Lê Huy Hòa vẫn thủy chung là một người đam mê sách vở, tận hiến, cháy hết đời mình cho cái nghề đã chọn mình sau những khúc quanh cuộc đời.
Có thể nói, “Lạc vào cõi sách” vừa là câu chuyện về một cá nhân vừa là câu chuyện một nghề cao quý.
Nguồn: qdnd.vn ngày 29/8/2024.
Powered by Froala Editor