Viện phương đông

3 năm trước

Nhặt sạn trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”

Thời gian qua, cuốn “Tiếng Việt lớp 1” bị “ném đá hội đồng” là cuốn sách thuộc bộ sách xã hội hóa “Cánh Diều”. Nhưng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD)  – đơn vị xưa nay độc quyền về làm sách giáo khoa có “sạn” không? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng lướt qua một số trang, một số bài tập đọc trong cuốn sách “Tiếng Việt 1” của nhóm tác giả có cái tên vô cùng khó nhớ: “Cùng học để phát triển năng lực”. Sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Powered by Froala Editor

Nội dung cắt cúp, bài tập đọc “Tấm Cảm” dạy trẻ cái gì?

Đây là truyện “Tấm Cám” nổi tiếng được sách giáo khoa “chế biến” ở trang 109 (tập 1):

“Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám.

Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.

Description: https://anhsangvacuocsong.vn/wp-content/uploads/2020/12/16-1024x516.jpg

Chỉ cắt một mẩu mấy câu mở đầu truyện “Tấm Cám” rất lửng lơ mà dám lấy tên truyện là “Tấm Cám”. Kì lạ thật! Thêm nữa, người đọc kinh ngạc không rõ một mẩu chẳng thành truyện này được chọn dạy cho trẻ em lớp 1 để làm gì, nhằm mục đích giáo dục cho trẻ cái gì? (Tiếp theo không còn đoạn trích nào nữa). Để được “mẹ khen”, Cám “nghĩ kế” lấy cắp hết cá của người khác?  Dạy và khuyến khích trẻ em ăn cắp, để được mẹ khen (?).  Với nội dung bị cắt cúp như vậy, bài “Tấm Cám” này thật nguy hiểm vì tính phản giáo dục của nó. Không rõ vì sao tác giả và người thẩm định không “soi” ra lỗi này. Theo tôi, cần hủy ngay bài đọc này.

Một cách kể xuyên tạc truyện ngụ ngôn

 Truyện Thỏ và rùa được mỗi nhóm tác giả của NXBGD viết một phách. Sau đây là một cách kể xuyên tạc bản gốc truyện “Rùa chạy thi với thỏ”của tác giả bộ “Cùng học và phát triển năng lực” ở tr. 121 (tập 1):

“Thỏ nghĩ chân nó dài hơn chân rùa nên rủ rùa chạy thi.”…

“Khi nhớ đến thi chạy, thỏ thấy rùa đã tới điểm hẹn. Thỏ xấu hổ, nấp vào bụi cây”.

Từ xưa đến nay, chưa thấy ai kể chuyện thỏ nghĩ chân nó dài hơn rùa nên rủ rùa chạy thi. Người đọc cũng không thể hiểu “điểm hẹn” là cái gì. Thông thường, ai cũng hiểu “điểm hẹn” là nơi hẹn hò, khác hẳn với “đích” là điểm xác định trong một cuộc thi thể thao, ai đến trước, người ấy thắng. Truyện ngụ ngôn nói chung cũng không bao giờ được kể với những câu trữ tình kiểu “Thỏ xấu hổ, nấp vào bụi cây” như trong cuốn sách giáo khoa này. Thỏ xấu hổ với ai lúc đó, lúc đó có ai mà phải xấu hổ nấp vào bụi cây vì rùa đã tới “điểm hẹn” rồi.

Description: https://anhsangvacuocsong.vn/wp-content/uploads/2020/12/17.jpg

Câu chuyện làm tổn thương người khuyết tật    

Tr. 138 (tập 2), bài đọc “Đôi chân của bố”, đoạn 1 vào chuyện khá bất ngờ và phản giáo dục:

“Mấy bạn trong lớp thỉnh thoảng bắt chước dáng đi tập tễnh của bố Giang, khiến Giang vừa tức vừa xấu hổ”.

Sao có thể nhồi vào đầu đứa trẻ mới 6 tuổi những hành vi phản giáo dục, làm tổn thương những người khuyết tật và người thân của họ như thế?

Dạy trẻ biết cảm ơn, xin lỗi, biết trân trọng người khác, chia sẻ những bất hạnh của người khác …tưởng như bao nhiêu cũng chưa đủ. Huống như đưa ra tình huống với ngữ liệu phản giáo dục và nhân văn thế này, thử hỏi sách dạy theo tiêu chí nào để “cùng học và phát triển năng lực” –cùng học gì, và phát triển theo năng lực gì?

Description: https://anhsangvacuocsong.vn/wp-content/uploads/2020/12/18.jpg

Lỗi về sử dụng phương ngữ

Bài “Ếch con tính nhẩm”, trang 149:

“Ngồi trên lá trang

Ếch làm tính nhẩm

Thấy cua bò ngang

Ếch giơ tay chộp…”

Description: https://anhsangvacuocsong.vn/wp-content/uploads/2020/12/19.jpg

Đọc bài thơ, tôi ngạc nhiên vì lần đầu được nghe từ “lá trang”. Lá “trang” còn gọi là lá sen, loại sen vua, nằm ngang mặt nước, lá rất to, thậm chí một người có thể đứng trên lá sen. Ở Nam Bộ, chỉ ở chùa Phước Kiến, huyện Châu Thành, Đồng Tháp mới có.Loại sen này rất ít  người biết, người dùng. Phương ngữ nặng nề, SGK đem dạy cho trẻ cho trẻ những từ hầu như không ai biết để làm gì?

Nhìn tiếp hình minh họa, có thể thấy hình vẽ vui mắt nhưng rất kì quặc: Không biết làm sao mà con cua có thể “bò” ngang trên mặt nước cho ếch chộp?

Ngữ liệu trong bài thơ này không phù hợp với học sinh lớp 1. Thứ nhất là nó phi lý: chú ếch giơ “hai tay” ra bắt cua. Thử hỏi: ếch có hai tay, hai chân-theo logic của bài thơ này, thì  hàng ngày các em  sẽ coi những động vật bốn chân như voi, lợn, hươu, chó, mèo… đều có hai tay và hai chân sao?  Nếu lý giải với trẻ nhỏ về các con vật khác theo hình dạng giống ếch, thì người lớn phải giải thích thế nào ? Dạy trẻ nhỏ, khái niệm phải chuẩn, so với thực tế. Nếu không chuẩn, sẽ dẫn tới cách nhìn lệch lạc và suy diễn nhảm. Việc lựa chọn ngữ liệu như thế này cho  học sinh lớp 1 học, chứng tỏ sự cẩu thả, vô trách nhiệm đối với trẻ em của người biên soạn.

Thứ hai, là bài thơ phi lý về vốn sống, thực tế: Cua có bò ngang mặt nước cho chú ếch giơ “tay” bắt sẵn sàng như thế không? Theo Wikipedia tiếng Việt, phần “Đặc điểm” , thì “cua đồng sống trong các hang, lỗ tại các bờ ruộng, bờ kênh, rạch, chúng thường bò ra khỏi hang kiếm ăn, xong lại trốn vào hang”. Việc cua nổi trên mặt nước cho chú ếch chộp là phi lý, và chỉ là cua chết.

Một hình minh họa vẽ rất sai như thế mà chủ biên và các tác giả không nhận ra hay là dễ dãi, cẩu thả chấp nhận?

Vậy có thơ rằng: “ Cua bò ngang mặt nước / nổi lềnh phềnh vui chơi/ ếch chẳng cần phải bơi/ giơ tay ra là chộp/ hai chân ếch ngồi đó/ giữ cố cho thăng bằng / ngữ liệu sách thung thăng/ trên lá trang … tắc tỵ”

Vẫn biết thơ là là một cách nói khác, đôi khi ẩn dụ và liên tưởng là một lợi thế của thơ. Tôi không phê phán tác giả bài thơ. Nhưng việc chọn bài thơ cho trẻ lớp 1 học đòi hỏi sự tường minh, chuẩn mực, dễ hiểu về ngôn ngữ. Chưa học được cái chuẩn, làm sao học được cái hay?

Bên cạnh từ “lá trang”, có thể tìm thấy trong cuốn sách này hàng loạt phương ngữ như: “chả”(125), “muỗm” (trang 114), “té” (trang 177), “bắc kim thang” (trang 177), có cả những từ ngữ mà người lớn có tra từ điển cũng không hiểu như: “con trích cồ” (trang 178),…

Chính sự lạm dụng phương ngữ thái quá này khiến nhiều giáo viên cũng …choáng chứ không riêng gì trẻ em – nhất là trẻ em phía Bắc.

Kí hiệu quá rối

Mở quyển sách Tiếng Việt 1, tập 2, đập ngay vào mắt là các kí hiệu như giáo trình đại học. Không hiểu các tác giả đánh kí hiệu cho các bài theo nguyên tắc nào: 1A, 1B, 1C, 1D, 1 E / 1A (a, b) – 1, 2 (a, b, c), 3, 4… Từ xưa đến nay, chưa thấy sách lớp 1 nào đánh kí hiệu như vậy. Học sinh mới học chữ chắc chịu thua, không tiếp thu nổi cách đánh kí hiệu rắc rối thế này.

Được biết từ sang năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ dẹp bớt 2 bộ sách, chỉ để lại 2 bộ. Một NXB có truyền thống làm sách sao có thể làm ăn thiếu kế hoạch, vô tổ chức, công ty lớn thôn tính công ty nhỏ chỉ sau 1 năm, nhanh  như thế.

Nhưng dù có dẹp hay để, bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực” nên được sửa ngay, càng sớm càng tốt, để khỏi ảnh hưởng đến những học sinh đang học sách này. Đó cũng là điều Bộ trưởng đã nói trước Quốc hội, các đại biểu QH đã kiến nghị, và nay Bộ nên tổ chức cho thực hiện sửa ngay các bộ sách của NXBGD Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Vấn đề đặt ra là: “Khi nào NXB GD Việt Nam mới  rà soát và và đính chính, sửa chữa các ngữ liệu, bài đọc bổ sung Tiếng Việt 1 (TV1 – như bộ Cánh Diều)?  Nếu không thực hiện sẽ có các hệ quả : Khi tái bản (năm học 2021- 2022) thì sách đang dùng năm nay sẽ huỷ gây lãng phí cho Nhà nước và cho phụ huynh gần 70 %, HS học sách TV 1 của NXB GD Việt Nam, (Tập 1, tập 2 TV giá 60.000đ x 1.500.000 bản =90.000.000đ). Trái lại, nếu  có văn bản điều chỉnh sửa chữa như Cánh Diều thì HS có thể dùng lại SGK cũ. Điều quan trọng hơn cả, là Bộ cần bắt tay vào cuộc ngay, chỉ đạo NXB GD Việt Nam sửa chữa, thay thế ngữ liệu phù hợp. Để học sinh được học những bộ sách tốt nhất, vừa “kết nối”, vừa “phát triển năng lực”, đến được những “ chân trời sáng tạo”- như tiêu chí của các bộ sách NXB GD Việt Nam.

                                                        Nguyễn Phong

 

-----------

Link bài:

https://anhsangvacuocsong.vn/nhat-san-trong-bo-sach-cung-hoc-de-phat-trien-nang-luc/?fbclid=IwAR199Lm4aN1ygpup7NSrCdaiy_A4y3JpyoIqgXvnCpcr89HHTCqe4sCtRa0


Powered by Froala Editor