4 năm trước
Về đào tạo sau đại học và sử dụng nhân tài
Sau khi website đăng lại 2 bài của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn về sách giáo khoa, chúng tôi liên tục nhận được phản hồi từ bạn đọc với yêu cầu đăng thêm bài viết của GS Nguyễn Xuân Hãn về các vấn đề giáo dục.
Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, BBT xin đăng lại bài “Về đào tạo sau đại học và sử dụng nhân tài”:
Powered by Froala Editor
Về đào tạo sau đại học và sử dụng nhân tài1
21 Tháng Ba 2018 4:43 CH
GS-TSKH NGUYỄN XUÂN HÃN (Đại học Quốc gia Hà Nội)2
Hiện nay, dân số nước ta khoảng 95 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới. GDP của Việt Nam năm 2017 khoảng 220-230 tỉ USD. Nếu so với GDP toàn cầu, chỉ bằng khoảng 0,022%. Do nợ công đã kịch trần, mỗi ngày Việt Nam trả nợ vốn lẫn lãi khoảng 1.000 tỉ đồng/ngày, trong khi đó mỗi ngày các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển lãi về nước khoảng 400 tỉ đồng3.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Năm 2015 ngân sách cho giáo dục là 225 nghìn tỉ đồng (hơn 10 tỉ USD). Đóng góp của nhân dân và Nhà nước theo tỷ lệ 50-50 (năm 1990, ngân sách cho giáo dục khoảng 120 triệu USD, còn đóng góp của dân là không đáng kể). Nhìn ra thế giới, tỷ lệ đóng góp cao nhất của người dân là 20% (Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%…). Cuba và Triều Tiên vẫn thực hiện giáo dục miễn phí. GS Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Quốc hội, trăn trở hơn 20 năm nay “Đầu tư cho giáo dục là lớn nhưng việc sử dụng kém hiệu quả” - điều này cần thấm vào tiềm thức của các nhà quản lý về giáo dục và đào tạo.
Đào tạo sau đại học
Năm 1976, Nhà nước chính thức tổ chức đào tạo sau đại học với hai học vị Phó tiến sĩ (PTS - tương đương học vị Ph.D ở phương Tây) và Tiến sĩ (TS - Doctor of Science). Thầy Hoàng Hữu Đường bảo vệ thành công luận án PTS năm 1974 và luận án TS tại Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1982. Hiện nay, Việt Nam có 24.500 TS (trong đó gần 3.000 luận án TS không được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia). Số lượng công bố quốc tế của ta kém xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia (năm 2016, bằng 1/2 Thái Lan, 1/5 Singapore, 1/5 Malaysia). Mặt khác, việc nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào “ngoại lực”, tức là có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung hoặc hợp tác với người nước ngoài. Trong bảng xếp hạng các hệ thống giáo dục đại học năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí thứ 84, kém rất xa Thái Lan (thứ 57) và Philippines (thứ 55)…
Việc đào tạo sau đại học trước đây, ta coi trọng chuẩn mực - bài báo quốc tế, để xây dựng một nền giáo dục và đào tạo độc lập. Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991) ta vô tình phủ định truyền thống giáo dục của nước nhà, xem nhẹ kinh nghiệm của trí thức cách mạng và chuẩn mực quốc tế. Năm 1987, sao chép chương trình đại học Chiang Mai, mô hình của Thái Lan, thay đổi tên gọi bằng cấp ở bậc đại học (Cử nhân và Thạc sĩ). Năm 1997, bậc sau đại học là Thạc sĩ và Tiến sĩ (đổi Phó tiến sĩ thành Tiến sĩ, bỏ việc đào tạo Tiến sĩ nay gọi là Tiến sĩ khoa học). Việc sao chép khu vực không thành công, từ năm 2005 - 2006, “giáo dục được coi là hàng hóa” để nhập khẩu chương trình và mô hình trường đại học từ các nước phương Tây. Ba mươi năm, chương trình giáo dục đại học hiện nay chưa xong, mô hình đại học có trường bị biến dạng vênh với pháp luật nước ta (đại học trong “trường đại học” thế giới không sao phân biệt được!). Việc xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch lại không xuất phát từ thực tế đất nước, đào tạo TS ồ ạt theo “chuẩn nội-cao su – không nhất thiết phải có bài báo quốc tế”. Quy định có 900 ấn phẩm trong nước được tính điểm, trong đó 3/4 là của các ngành học Khoa học xã hội và nhân văn. Lạm dụng đến mức “Bắt tay chủ tịch xã” trở thành đề tài đào tạo TS và được ông Viện trưởng Viện tâm lý khẳng định “đề tài hay và có tính thực tiễn”! Điều bất cập này, công luận nêu rất nhiều về “bằng thật bằng giả”, “vàng thau lẫn lộn” gây nhức nhối trong xã hội suốt hơn 20 năm qua.
Để chấn chỉnh tình trạng “thật giả lẫn lộn” và tiến tới hội nhập quốc tế, lãnh đạo Nhà nước quyết định đưa chuẩn mực quốc tế làm thước đo là bài báo ISI (Institute for Scientific Information) của Viện thông tin khoa học Hoa Kỳ làm chuẩn mực đánh giá mức độ sáng tạo của các bài báo. Đầu tiên đưa vào Quỹ phát triển Khoa học - Công nghệ quốc gia để xét tài trợ kinh phí cho các nhà khoa học không phân biệt học hàm học vị và chức vụ, bài báo ISI là chuẩn mực quốc tế khách quan để đo mức độ sáng tạo của nhà khoa học. Chưa bàn tới chất lượng tốc độ tăng bài báo ISI trung bình (15%-16% /năm), dự kiến đến năm 2020 theo GS Phạm Duy Hiển tốc độ tăng bài báo đạt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc 20% /năm. Gần đây, bài báo ISI-Scopus (gọi tắt là ISI) được dùng để đánh giá các luận án TS đủ tiêu chuẩn được bảo vệ ở trong nước. Chuẩn mực bài báo ISI, theo thiển nghĩ của tôi là một cuộc cách mạng, làm thay đổi sâu sắc, rộng rãi trong đào tạo, quản lý trong khoa học giáo dục và kể cả việc xét duyệt phong học hàm Giáo sư, Phó giáo sư hiện nay.
Gần đây có một đề án với tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng, trong đó có mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ TS đạt tỷ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ. Đề án này không được xã hội đồng tình, vì thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Năm 2005, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho người gọi tôi lên. Ông đưa cho xem đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam từ 2005 đến 2020 với kinh phí 20 tỉ USD, với mục tiêu đạt 450 sinh viên/vạn dân, phát triển lên 900 trường đại học, cao đẳng (bằng Nhật Bản năm 2005).
Tôi đã phản biện một cách hệ thống vấn đề này. Trước hết, căn cứ tiêu chí nào để đề ra chỉ tiêu này? Thông thường ở quốc tế, phát triển quy mô đại học, cao đẳng phải trên cơ sở hai tiêu chí: 1.Kinh tế sẽ quyết định quy mô giáo dục (năm 2005, GDP của Nhật Bản đạt 6.000 tỉ USD, so với Việt Nam mới đạt 40 tỉ USD thì gấp hơn 150 lần; 2. Tiêu chí cao nhất để đánh giá trình độ khoa học - kỹ thuật của một nước là giải Nobel. Người Nhật đầu tiên nhận giải Nobel là nhà vật lý lý thuyết Yukawa năm 1949. Năm 2005 nước Nhật có hai người nhận giải Nobel. Còn bao giờ Việt Nam có giải Nobel về khoa học hay giáo dục, 50 hay 100 năm nữa? Sau khi báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt, tôi có đăng ý kiến phản biện này trên báo Lao động ngày 10-9-2005. Sau đó, ngày 27-7-2007 Chính phủ có Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg quy định nước ta có quy mô 576 trường đại học, cao đẳng (giảm trên 300 trường). Việc đào tạo 23.000 TS với kinh phí 14.000 tỉ đồng theo Quyết định số 911-QĐ-TTg ngày 17-6-2010 của Thủ tướng cũng xuất phát từ kế hoạch “ngược đời” kể trên. Theo Kiểm toán nhà nước thì đề án đào tạo 23.000 TS kết quả rất thấp. Vậy đề án 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 TS chẳng qua là để “tiêu nốt số tiền của kế hoạch ngược đời” như đã nêu ở trên. Khóa học 2017-2018, cả nước mới tuyển được 251 sinh viên/vạn dân tương đương với 55,8% của kế hoạch 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020. Vậy đề án 12.000 tỉ đồng và 9.000 TS không còn cơ sở thực tiễn. (Lưu ý, trong vòng 3 năm số TS ta đào tạo gấp 3 số TS mà các nước XHCN đào tạo trước đây, khoảng 3.000 TS trong vòng 50 năm).
Mặt khác, chất lượng đào tạo bậc đại học liệu có tăng khi thêm 9.000 TS? Bậc đại học và sau đại học cơ bản là quá trình tự học, muốn vậy phải có sách. Những năm đầu hòa bình lập lại (sau 1954) nước ta hầu như không có TS. Tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, các thầy giáo vừa cầm cuốn sách tiếng nước ngoài vừa dịch để giảng cho sinh viên. Thế mà ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học hàng đầu như GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS Phan Đình Diệu, GS Vũ Đình Cự, GS Phạm Thị Trân Châu v. v… đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồi đó, sau một vài năm khó khăn, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cùng với lớp thầy giáo tốt nghiệp của các trường đã nhanh chóng giải quyết đủ sách giáo khoa cho sinh viên (sách bán với giá rẻ, thầy và trò đều có thể mua được, mượn được). Năm 1975, số lượng TS của cả nước mới có hơn 1.500 người, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài. Số lượng TS hiện nay gấp 16 lần, vậy mà trong dạy và học, sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên suốt 30 năm đổi mới. Nguyên nhân chính là việc lựa chọn con người quản lý và ảnh hưởng của thể chế, cũng như công tác tổ chức, cán bộ nổi cộm “nhiều vấn đề”, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn! Việc một sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM vì chụp một cuốn sách ở vòng đại cương mà bị kỷ luật buộc phải nghỉ học một năm là điều chưa từng thấy trong giáo dục đại học thế giới! Có lẽ với những lý giải trên đây, mọi người đã tự trả lời câu hỏi có cần 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 TS nữa hay không?
Về Quy chế đào tạo Tiến sĩ
Dựa vào bài báo ISI, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới, có tiến bộ hơn trước là xác định phải có bài báo ISI làm thước đo quốc tế. TS được xem là bậc học cuối cùng và mới bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Ở các nước trên thế giới, có hai bậc học vị là Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học. Việc đổi mới của ta thấp hơn trình độ học vị thế giới một bậc! Mức độ khoa học đòi hỏi rất khác nhau về chất lượng, nếu TS đòi hỏi những kết quả mới trong vấn đề nghiên cứu nào đấy, thì TSKH đòi hỏi khác hẳn, “hãy nói vắn tắt trong vòng 1 phút những cái gì người khác chưa làm được, hoặc không làm được, mà anh làm được và đăng tải ở đâu?” có nghĩa là đòi hỏi TSKH một hướng nghiên cứu mới. Theo các nước phương Tây, sau khi bảo vệ luận án TS, thì phải đi nơi khác nghiên cứu ít nhất hai lần Postdoc (gọi là “hậu TS”), khoảng 6 năm mới thực sự là nhà nghiên cứu độc lập. GS Lý Chính Đạo (Trung Quốc) được giải Nobel Vật lý năm 1957 về “Bảo toàn chẵn lẻ trong tương tác yếu”, đã giải thích kỹ về Postdoc(1) cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghe khi mở cửa hội nhập với thế giới. Vậy trong quy trình đánh giá luận án TS, nghiên cứu sinh viết luận án nhất thiết phải được đưa ra Hội đồng khoa học để xem xét họ tự làm đến đâu và thầy giúp đỡ đến đâu. Việc thành lập Hội đồng đánh giá luận án hiện nay thường được Bộ phận “hành chính” thành lập (quốc tế gọi là “Hội đồng nhặt”), thiếu tính khách quan. Thông thường, người không ủng hộ thì không được mời vào Hội đồng. Do đó, nên bỏ tất cả những phản biện kín và hở, bởi những việc làm này chỉ làm khổ nghiên cứu sinh. Công bố bài báo ISI do quốc tế đã thẩm định nghiêm ngặt về mặt khoa học, giúp Hội đồng đánh giá chất lượng luận án TS. Từ đó, nên thành lập Hội đồng chấm luận án TS ổn định theo mã ngành thời hạn 5 năm phù hợp với chuyên môn. Ủy viên Hội đồng là những người có đủ lượng công bố bài ISI là rất đúng. Tiêu chuẩn ngoại ngữ cũng cần, song không cần phải quy định thời hạn bằng ngoại ngữ nữa! Một thực tế là khoảng 50% nghiên cứu sinh của các nước không bảo vệ luận án TS đúng hạn, vậy ta phải xem lại việc này, quy định lại sao cho phù hợp.
Về bồi dưỡng và sử dụng người tài
Người tài được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng, thường tự đào tạo là chính, song nhất thiết phải có người biết sử dụng người tài, thông qua những công việc cụ thể mới biết người đó có tài thực sự hay không. Trong văn hóa Á Đông, người biết dùng người tài rất hiếm và được đánh giá cao hơn nhiều những người tài cụ thể. Người tài cụ thể ở nước ta, xin khẳng định là không hề thiếu. Có thiếu chăng là thiếu người biết dùng người tài!(2)
Chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tức là chuyển từ “quy hoạch lại rồi phân công” thường ít chú ý tới hiệu quả sang tư duy “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Bác Hồ trước đây phong đồng chí Võ Nguyên Giáp là Đại tướng mặc dù ông không qua bất cứ trường lớp quân sự nào (lý lẽ đơn giản là quân đội ta đánh thắng Đại tướng của giặc). Gần đây, GS Vương Hộ Ninh, 64 tuổi ở một trường đại học Trung Quốc chưa qua bất cứ một chức vụ chính quyền nào, được bầu thẳng vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc (VietnamNet,15-11-2017).
Để người tài được trọng dụng, cần chấm dứt việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy, vốn đã được áp đặt một cách cứng nhắc vào đội ngũ trí thức tinh hoa hơn 30 năm qua ở nước ta từ cấp Chủ nhiệm Bộ môn. Lý thuyết về sử dụng người tài trong, ngoài nước không thiếu, vấn đề có thực tâm sử dụng họ vì đất nước hay không?
Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu pháp lý trong dạy và học. Từ năm 1980 đến nay nước ta chưa làm được chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) theo chuẩn quốc tế và phù hợp với Việt Nam. Ngân sách đầu tư ngày càng nhiều, hàng tỉ USD, song kết quả ngày càng sai, ngày càng hỗn loạn? Theo ông Kso Phước, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, có lần phát biểu công khai: “Đã có mấy đời Bộ trưởng GD&ĐT vẫn không lo được CT-SGK chuẩn!”. Như vậy, 38 năm qua kể từ năm 1980, một dân tộc anh hùng, được coi là thông minh như Việt Nam lại không làm được CT-SGK chuẩn trong thời bình, trong khi bất cứ dân tộc nào dù nghèo nàn, lạc hậu ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ người ta có thể làm được!?
Năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mời chúng tôi, gồm: GS Hoàng Tụy (người đã tham gia chỉ đạo viết CT-SGK chuẩn trong vòng 6 tháng, và sử dụng được 35 năm ở miền Bắc), các giáo sư Phan Đình Diệu, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Đình Trí và tôi (Nguyễn Xuân Hãn) lên gặp, bàn viết thư cho những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, trong đó có nói “làm CT-SGK chuẩn để ổn định giáo dục trong vòng một năm với kinh phí chỉ cần 100 tỉ đồng là làm được”. Ý kiến này cần được đưa ra bàn bạc. Sau được biết bức thư của Đại tướng được chuyển xuống cấp dưới giải quyết. Chúng tôi lại bỏ thêm một tháng nữa để chuyển bức thư này thành bài báo đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 10-9-2007, song vẫn không thấy bất cứ vị lãnh đạo nào hồi âm (?). Cũng năm đó, đồng chí Võ Văn Kiệt gọi tôi lên hỏi về CT-SGK. Tôi trình bày khoảng 10 phút, đồng chí bảo hãy dừng lại rồi hỏi: “Theo anh, bao giờ người ta dùng cách làm của anh?”. Tôi thưa “Phải đợi Thủ tướng…”. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt quả quyết: “Không chắc đâu! Anh về chuẩn bị hồ sơ, việc lớn này phải trình ra Bộ Chính trị may ra mới giải quyết được”. Rất tiếc năm sau đó, đồng chí vào Nam và ra đi mãi mãi.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT có một đề án đổi mới CT-SGK với kinh phí 70.000 tỉ đồng (tương đương 3,4 tỉ USD), bằng số tiền bồi thường chiến tranh 30 năm hy sinh gian khổ, mà ta đòi Mỹ phải trả. Nhân dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về CT-SGK, tôi có phát biểu công khai trên báo diện tử VnExpress ngày 18-4-2014(3), nêu: Chúng ta thiếu tổng chỉ huy học thuật, dù có giao cho Bộ GD&ĐT gấp 10 lần số tiền này (tức 34 tỉ USD) cũng không làm được CT-SGK chuẩn phù hợp với Việt Nam.
Sau tôi được biết, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng(4), Chủ tịch Quốc hội, xem xét, kết luận và quyết định mức kinh phí cho CT-SGK chỉ còn 700 tỉ đồng, nghĩa là ngân sách đầu tư cho việc này giảm 100 lần so với dự án ban đầu. GS Hoàng Tụy nói với tôi: “Thôi thế cũng được…”.
Chương trình và SGK “tích hợp” gần đây lại được nổi sóng gay gắt trong dư luận xã hội và công luận. GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc VN, hỏi tôi: “Tại sao trên công luận người ta nói phải đề nghị tặng giải thưởng cho Tổng chủ biên chương trình giáo dục tổng thể và các cộng sự CT-SGK mới này, với nội dung tích hợp, giải thưởng Nobel?”. Tôi trả lời: “Thưa chị, tôi chưa rõ!”. Hình như ở đây có sự nhầm lẫn và bất cập về nhận thức học thuật. Việt Nam đang được chỉ đạo làm những việc cả thế giới chưa làm, đương nhiên xứng đáng nhận giải Nobel rồi?
Ai cũng biết CT-SGK có ổn định, nền giáo dục mới ổn định và phát triển. Trên thế giới có quốc gia đã từng di huấn lại “Sai trong giáo dục là có tội với lịch sử, làm hỏng một việc lớn của quốc gia”.
(1) Giải thích cho Đặng Tiểu Bình, trong sách Cha tôi, Đặng Tiểu Bình đã xuất bản ở Việt Nam.
(3) http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ thieu-tong-chu-bien-34-ty-usd-khong-lam-duoc-sachchuan-2979545.html
(4) Khi họp Hội đồng Quốc gia giáo dục do Thủ tướng là Chủ tịch, mà tôi cũng là một thành viên, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cũng đã ủng hộ cách làm CT-SGK do tôi đề xuất!
1 Bài này được viết trên cơ sở phát biểu của GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn- ĐHKH Tự Nhiên – ĐHQG Hà Nội tại Hội đồng tư vấn KH-GD và môi trường, ngày 7-2-2018 (thứ 4) tại P 401, nhà B Mặt trận TQVN, 45 Tràng Thi Hà Nội,
2 Báo Người Cao Tuổi đăng hai số 49&50 thứ 3&4, ngày 27&28 tháng 3 năm 2018, http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-tao-sau-dai-hoc-va-su-dungnhan-tai.html2280 // http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-taosau-dai-hoc-va-su-dung-nhan-tai.html2334
3 https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/binh-quan-moi-ngay-samsung-vietnam-lai-gan-400-ty-dong-3644874.html
Powered by Froala Editor