Viện phương đông

2 năm trước

VƯỜN BÁCH THÚ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN Vũ Nho

Có lẽ Nguyễn Hoàng Sơn là nhà thơ chú ý nhiều nhất đến loài vật, quan sát chúng, tìm hiểu chúng, chỉ ra cái nét độc đáo của chúng, đưa chúng vào thơ cho bạn đọc. Trên rừng thì có hổ, voi, khỉ, cáo, vẹt, sói, sóc, gõ kiến. Quanh nhà thì có chó (chó cún, chó vện, chó mực), gà (gà nhép, mái hoa, mái nâu, mái tây) mèo (mèo con, mèo con để râu) lợn (lợn ông, lợn bố, lợn choai), vịt , ngan (bác ngan, ngan tồ), ngựa, trâu (trâu to, trâu nghé), chuột 

Powered by Froala Editor

                      VƯỜN BÁCH THÚ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN

                                                                                                 Vũ Nho

           Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng viết về nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn như sau: “Một mình làm được cả một vườn bách bách thú, thông thạo nhiều ngoại ngữ: từ tiếng nước trâu đến tiếng nước hành mỡ, từ “thổ ngữ” ầm ầm của thác đến “sinh ngữ” ngọt ngào của loài kẹo. Xuống biển thạo muối, lên núi thuộc nhà sàn, gặp cây kể cây, gặp hoa kể hoa… Vào bếp là khua cả cái “xóm” nhà bếp lủng củng và buồn tẻ ấy náo động ồn ào cả lên”.

          Ở đây, chỉ bàn về cái vườn bách thú của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Bài thơ có tên gọi là Vườn bách thú ấy thực sự thì chỉ có chưa đầy một chục con vật:

          Bố làm con vịt lội ao

          Vỗ cánh kêu ầm cạc cạc

          Bố làm con nghé chiều nào

          Nghé ọ… nhìn quanh ngơ ngác

          

          Bố vừa là chuột chít… chít

          Bỗng lại hoá mèo ngoao… ngoao

          Con ếch mừng mưa ộp… ộp

          Trăng buồn chó sủa gâu… gâu

 

          Con cò ở dưới đồng sâu

          Con vẹt trên rừng xa ngái

          Nghe tiếng kêu cùng chạy lại

          Vui vầy với bố con ta.

Gần một chục con vật thi nhau cất tiếng kêu ầm ĩ cả nhà thì với em bé chẳng phải một vườn bách thú là gì. Nhưng đấy chỉ thiên về cái tài thể hiện, bắt chước của ông bố yêu con. Còn với tư cách nhà thơ xây dựng vườn bách thú thì làm thế nào?

 

Có lẽ Nguyễn Hoàng Sơn là nhà thơ chú ý nhiều nhất đến loài vật, quan sát chúng, tìm hiểu chúng, chỉ ra cái nét độc đáo của chúng, đưa chúng vào thơ cho bạn đọc. Trên rừng thì có hổ, voi, khỉ, cáo, vẹt, sói, sóc, gõ kiến. Quanh nhà thì có chó (chó cún, chó vện, chó mực), gà (gà nhép, mái hoa, mái nâu, mái tây) mèo (mèo con, mèo con để râu) lợn (lợn ông, lợn bố, lợn choai), vịt , ngan (bác ngan, ngan tồ), ngựa, trâu (trâu to, trâu nghé), chuột 

(chuột nhắt, chuột cống, chuột bạch, chuột đồng), rùa (rùa biết bay, rùa đỏng đảnh), cua, chim (chào mào, chim ri bé nhỏ, chim sẻ chân vàng, chim gáy mỡ màng), ve sầu, ốc, ếch nhái. Gần biển thì có còng gió. Dưới nước thì có cá rô, cá sông, cá biển. Một đội quân hùng hậu đủ các loài, đủ các vùng, đủ các kích cỡ.

Trước hết là những con thú đó được người hoá. Khi đi thăm vườn bách thú này, ta sẽ thấy chúng cũng như người. Đây là chú Lợn đang đợi tuổi:

Có một con lợn nhỏ

Tên chữ là Văn Choai

Đêm nay đêm ba mươi

Ngồi mơ toàn chuyện tết

          Những con Cáo, con Sói trong các truyện cổ tích hay truyện ngụ ngôn mọi người đều quen thuộc và chẳng lạ gì tính cách của chúng. Nhưng ta vẫn bất ngờ khi gặp chúng đang đóng vai ca sĩ:

          Cáo hát sòn la đô

          Ngoáy đuôi theo điệu nhạc

          Sói già không biết hát

Hú lên như phát rồ

          Ông khách giao thừa

Nếu mà tính con vật lạ kì thì lạ nhất là có con Gà mái xanh. Bộ sưu tập gà này quả là độc nhất vô nhị. Hãy xem: Cái cây là con gà/ Có bộ lông xanh biếc/ Im lặng đẻ trứng vàng/ Cả đời không cục tác. Đấy là cây trứng gà. Trong khi cúm gà H5N1 đe dọa, nhưng Gà mái xanh vẫn ung dung, và trứng của nó thì ta cứ chén thả phanh.

 Mấy thím gà mái mỗi người mỗi tính: thím mái hoa te tái, thím mái nâu cần mẫn, chăm chỉ, rất giàu tính đàn bà. Bác Ngan thành ra người thạo nghề sông nước, đạo mạo, pha tí chút cao ngạo, ra dáng một đấng mày râu từng trải, lịch lãm (Chuyện ở bờ ao). Khác hẳn gã Ngan choai được mệnh danh là Ngan tồ hay bắt nạt trẻ con:

Đứng giữa đàn gà nhép

Rõ ra một anh tồ

Lại hằm hè bắt nạt

Chả bõ vịt cười cho.

          Ngan tồ

Hai nhân vật sinh động nhất trong truyện thơ Một cuộc du lịch là chị Cá nước ngọt và chú Còng Gió ba hoa. Cô ả Cá nước ngọt nổi máu giang hồ định về thăm cô em họ là Cá biển cho biết đó biết đây. Nhưng đi mãi mà chưa tới nên đâm ngại ngùng, ghé vào bờ hỏi thăm. Không ngờ lại gặp ngay Còng Gió, vốn là tay mù tịt về biển nhưng lại hay ba hoa, hù dọa:

Ra biển thăm em họ?

Ôi! Chị điên thật rồi

Biển chỉ là cái chảo

Suốt ngày đêm sục sôi

Nước biển là nước mắm

Tất nhiên mặn ra trò

Chị mà về dưới ấy

Lập tức thành cá kho!

Nghe những lời như thế đối với một người yếu bóng vía thì kết quả thế nào đã rõ:

Cá sông nghe khiếp vía

Dựng đứng hết cả vây

Không kịp chào Còng Gió

Vẫy đuôi - đằng sau quay

Hết cả ước mơ du lịch, mặc cho cô em họ chờ đỏ mắt.

          Trong “Truyện bác Rùa biết bay”, chúng ta lại cảm thông với khao khát được chứng tỏ là mình, được khẳng định kì tích của bác Rùa vốn chậm chạp nhưng nhiều mơ mộng. Cái nỗi khổ nhất là trong khi trở thành người hùng vũ trụ như thế mà bọn trẻ con lại khẳng định đó chỉ là con rùa chết mà thôi, hơn nữa lại còn hạ nhục: Rùa nào rùa biết bay. Đến bò còn chả nổi. Thế thì ai mà chịu được! Và vậy là cái gì phải xảy ra đã xảy ra. Rùa định quát, nhưng vừa há miệng thì đã rơi như… một hòn đá. Nhưng còn may là không tử nạn:

          Cái mai già vỡ cả

          Vết nứt còn đến nay

          Làm chứng lời tôi kể

          Truyện bác Rùa biết bay

Trong cái vườn bách thú nhiều loại ấy, muốn đi hết thì cũng phải dùng cách đi thăm như thăm vườn Thủ Lệ, hay Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn. Chỗ nào cần xem kĩ thì dừng lại lâu, chỗ nào không cần xem kĩ thì đi lướt. Truyện thơ Ông khách giao thừa có chú lợn Choai đợi tuổi đã nói ở trên. Ta nên dừng lại đây lâu hơn một chút. Hãy đến cái lúc Sói ghé thăm vào lúc nửa đêm, xem chú Lợn xử sự ra sao. 

          Nghĩ thương chú Lợn Choai

          Khi biết Sói đứng ngoài

          Sợ quá run lẩy bẩy

          Đuôi cũng quên ve vẩy

Âý thế mà cuối cùng Lợn Choai đã trấn tĩnh, và đã đối phó rất hiệu quả với tên kẻ cướp Sói già. Hôm sau chú đã giành giải nhất như thế nào. Các bạn hãy đọc kĩ truyện thơ này sẽ rõ. 

          Chú Vện thì quen quá rồi. Nhưng cũng phải xem. Vì đây là chú Vện độc đáo bên cạnh chú Vàng trong bài thơ Sao không về vàng ơi của Trần Đăng Khoa. Nhà thơ tả con Vện, nhưng chỉ đặc tả cái đuôi của nó mà thôi. Cái đuôi cong như bánh lái, cái đuôi rũ khi buồn. Và

           Nhưng mà ngộ nhất

          Là lúc nó vui

          Chẳng thèm nhếch mép

          Nó cười bằng đuôi.

          Thăm chú Vện mà quên chú Mèo thì Mèo sẽ tị đấy. Cái anh (cả chị nữa) Mèo con để râu thấy mà ngộ. Mèo con theo rủ rê của chị Mây đánh bẫy Chuột nhắt, nhưng vì ham mồi ngon nên quên béng, lại tự mình sa bẫy trước Chuột. Thế là khuyết điểm rồi. (Bài thơ này có trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 đấy). Nhưng vẫn chú mèo ấy, trong bài thơ Mèo con ăn tết cũng có ưu điểm là đầu năm mới, được gia nhập vào đoàn chúc tết, Mèo lễ phép lắm: Năm nay đoàn chúc tết/ Thành phần có chú mèo/ Thêm tuổi càng lễ phép/ Tới cửa chào meo meo.

Ta còn gặp chú Khỉ đánh trống, chú Vẹt rúc còi, chú Gà đi học chữ xấu như gà bới, chú Ốc Sên chậm chạp, nhập ốc lại với Sên mà không hiệu quả: Hai tầng chậm chạp/ Chẳng làm nhanh thêm/ Ốc vẫn là ốc/ Sên vẫn là sên. Chú Dê và chú Ngựa bàn giao công việc, chú Ngựa luyện cú đá hậu kinh người chỉ để giữ cái đuôi đẹp và không cho người ta bắt nạt…

          Nhưng đến vườn bách thú mà không thăm Voi thì sẽ là một thiếu sót lớn. Nào hãy dành thời gian để chiêm ngưỡng vị đại sứ toàn quyền của rừng xanh có cái tên láy bốn chữ: Con vỏi con voi.

          Bạn sinh ở thủ đô

Rừng là gì chửa biết

Mời bạn đến công viên

Xem voi là hiểu hết

 

Rừng là cây xúm xít

Nên voi mới có vòi

Vướng cành voi bẻ rắc

Trong rừng đi như chơi

 

Đường rừng lắm loaị gai

Lòng suối nhiều đá sắc

Nên da voi rất dày

Chân đạp gì cũng nát

 

Tai voi là cái quạt

Muỗi rừng nhiều quạt bay

Rừng cũng còn kẻ ác

Nên ngà voi phải dài

 

Cuối cùng là cái đuôi

Vì ở rừng vắng vẻ

Voi cũng buồn một tị

Có đuôi làm… đồ chơi

 

Voi đứng trong vườn thú

Voi là rừng về xuôi.

 

Con Voi ở rừng thế nào cho tiện thì đã có đủ những yếu tố thuyết minh rồi. Chỉ xin lưu ý các bạn nhỏ khổ thơ này:

Vì ở rừng vắng vẻ

Voi cũng buồn một tị

Có đuôi làm… đồ chơi

Voi còn trẻ con lắm nên mới cần đồ chơi như vậy. Không có tiền để mua đồ thì tự sắm lấy. Vậy thôi. Vì thế mà chú voi càng thêm đáng yêu, đáng mến. Xem voi mà ta biết được rừng. Khác nào học một biết mười.

Và cuộc đi thăm vườn thú của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn cũng kết thúc ở đây. Hi vọng là chuyến tham quan vừa rồi gợi được đôi điều thú vị.

                                                                                              19/11/05

 

          

          

 

 

 

 

 

 

 

Powered by Froala Editor