Viện phương đông

3 năm trước

Tầm quan trọng của một đề án.

Quá trình dịch cuốn sách “Hồ Chí Minh – tiểu sử” từ tiếng Việt sang tiếng Nga là một quá trình khá công phu. Nó là một mắt xích nhỏ trong đề án “Nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga”, nhưng lại có tầm quan trọng rất đặc biệt; bởi nó là một văn bản giới thiệu với các bạn đọc ở nước Nga về hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết sau đây của PGS. TS Nguyễn Xuân Hòa có thể gợi mở cho bạn đọc hình dung được một phần của công việc và tầm vóc của đề án này.   

Powered by Froala Editor

                                           Nghiệm thu Đề án khoa học

 “NGHIÊN CỨU VÀ PHỔ BIẾN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH GIỮA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆN HỒ CHÍ MINH THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP QUỐC GIA XANH PETECBUA, LIÊN BANG NGA”.

Trong ngày giáp Tết Đinh Dậu (sáng 20/1/2017), tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị của Hội đồng nghiệm thu và tổng kết Đề án “Nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga”.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh.

Cơ quan chủ trì: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chủ nhiệm đề án: PGS.TS Nguyễn Tất Giáp

Kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ của Đề án:

1) Hoàn thành việc xây dựng, đưa vào hoạt động Phòng Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua.

2) Hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học.

- Tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản Hồ Chí Minh và thời đại ngày nay”

- Phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh với nước Nga”

- Phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt – Nga”.

3) Hợp tác sưu tầm, khai thác tư liệu và khảo sát thực tế ở Liên bang Nga.

4) Kết quả triển khai các công trình nghiên cứu khoa học thuộc Đề án:

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban chủ nhiệm Đề án đã và đang triển khai các đề tài nghiên cứu:

- Đề tài: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô 1923 – 1938;

- Đề tài: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - giá trị và sức lan tỏa;

- Đề tài: Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.

Đến tháng 12/2016, các đề tài đã nghiệm thu, đều đạt loại xuất sắc, hiện đang chỉnh sửa để đưa vào xuất bản.

5) Phối hợp tổ chức dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga và xuất bản cuốn sách: “HỒ CHÍ MINH - TIỂU SỬ” (dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nga – 860 trang ).

6) Hợp tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh tại Nga.

7) Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga.

8) Đánh giá chung: Đề án đã cơ bản hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung hợp tác và mục tiêu đề ra.

Trong báo cáo tóm tắt những công việc đã làm được, PGS.TS Nguyễn Tất Giáp, Chủ nhiệm Đề án đã nêu rõ: Đề án bất đầu được triển khai từ năm 2014 thu hút một lực lượng đông đảo các cán bộ nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia; Đề án lựa chọn Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga là Viện đầu tiên ở nước ngoài nghiên cứu về Hồ Chí Minh làm đối tác, báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng việc lựa chọn đối tác và được Ban Bí thư nhất trí thông qua. Trong 7 nhiệm vụ của Đề án thì nhiệm vụ thứ 1 của Đề án đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Phòng Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua bên cạnh các Phòng Khổng Tử, Phòng Găngđi. Phòng Thái Lan, Phòng Indonesia … của Trường ở Xanh Petecbua, điều này đòi hỏi Phòng Hồ Chí Minh phải được hoàn thiện hơn nữa về việc trưng bày các hiện vật, tư liệu và những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh việc sưu tầm hơn 1000 trang tư liệu về Hồ Chí Minh đã khai mở việc khai thác tiếp tục hơn 4000 trang tư liệu tiếng Nga được lưu giữ trong Phòng tư liệu của Quốc tế Cộng sản thì nhiệm vụ thứ 5 của Đề án “tổ chức dịch từ tiếng Việt sang Tiếng Nga và xuất bản cuốn sách: Hồ Chí Minh - Tiểu sử” để bổ sung tài liệu cho Phòng Hồ Chí Minh là rất cấp thiết. Chính vì vậy cuốn sách: “Hồ Chí Minh - Tiểu sử” (Nhà xuất bản Lí luận Chính trị, Hà Nội, 2016) đã được tổ chức dịch từ cuối năm 2015 và hoàn thành cuối năm 2016 để đưa vào Phòng Hồ Chí Minh. 

Tham gia dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga gồm có 04 giảng viên đại học và dịch giả tiếng Nga: PGS.TS Lưu Hòa Bình (Học viện Chính trị Quốc gia HCM); PGS.TS dịch giả Nguyễn Xuân Hòa (Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng (Trường Đại học Hà Nội), nhà văn dịch giả Lê Đức Mẫn (Trường Đại học Hà Nội), những người đã từng dịch Lênin toàn tập và Mác – Ăngghen toàn tập, từng dịch văn kiện Đại hội Đảng lần thứ V, lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam và tại Đại hội lần thứ III Đảng nhân dân cách mạng Lào (1982). Hiệu đính là GS.TS sử học V.N. Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường ĐHTH Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga. Chủ nhiệm Đề án PGS.TS Nguyễn Tất Giáp cho biết, năm 2016 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Phòng Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Petecbua, Liên bang Nga. Thanh niên Nga và cựu chiến binh Nga cũng thường đến thăm Phòng Hồ Chí Minh, tại đây cũng tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ với sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước phương Đông đang học ở LB Nga. Việc nghiệm thu Đề án, trong đó có việc dịch ra tiếng Nga cuốn sách “Hồ Chí Minh - Tiểu sử”, là một việc làm có hiệu quả tức thì trong việc nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ngoài nói chung và ở Liên bang Nga nói riêng. 

                                                                        (Bài viết của Nguyễn Xuân Hòa)

Kính mời các độc giả quan tâm đón đọc!


Powered by Froala Editor