Admin

datetime.u_day

Thêm tin tưởng vào giá trị lâu bền của thẩm mỹ Phong Vân

Ông ấy vẽ nhiều phác thảo để lựa chọn một bức ưng ý nhất, chứng tỏ ông phải đọc nhiều, nghĩ nhiều.

Powered by Froala Editor

Thêm tin tưởng vào giá trị lâu bền của thẩm mỹ

Phong Vân

 

Baovannghe.vn - 1. "Phái vẽ minh họa cho báo chí, chủ yếu là các truyện ngắn và bút ký. Nhưng vấn đề là ông ấy không nghĩ minh họa cho báo chí là chuyện nhỏ. Ông ấy vẽ nhiều phác thảo để lựa chọn một bức ưng ý nhất, chứng tỏ ông phải đọc nhiều, nghĩ nhiều.

Ông nghèo, phải vẽ minh họa để kiếm tiền lo cho gia đình nhưng ông luôn làm với một trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất có thể. Tôi kính trọng điều đó”. Đó là một chia sẻ thật khó quên đối với tôi từ nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc, trong một dịp được nghe ông kể về cơ duyên sưu tập minh họa của Bùi Xuân Phái trên báo chí, mà nhiều nhất là trên báo Văn nghệ.Ông Phúc sưu tập tranh và minh họa của Bùi Xuân Phái sau khi họa sĩ tài danh ấy qua đời được hai năm… Đầu những năm 1990, chuyện “giao lưu” mua bán tranh ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha việc đội giá và xầm xào thật giả. Từ trải nghiệm một người có nhiều năm sưu tập đồ cổ, ông Phúc chọn lựa phần hợp với “tạng” của ông cũng như điều kiện tài chính cá nhân; đó là tranh sơn dầu hoặc bột màu cỡ nhỏ, nhất là ký họa và minh họa của Bùi Xuân Phái, phần nhiều được vẽ trên giấy, bìa, giản dị mà không kém phần sâu sắc, tinh tế… Bùi Xuân Phái - ký họa và minh họa (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2015) có lẽ là cuốn sách hiếm hoi tập trung giới thiệu một phần sáng tác khác biệt của một họa sĩ: minh họa trên báo chí. Cuốn sách gợi cho cá nhân tôi cái nhìn rộng mở hơn về đặc thù của một công việc mà giới mỹ thuật thuộc nhiều thế hệ đã đóng góp cho báo chí trăm năm qua, và có lẽ là nhiều năm tháng sau nữa. Mỗi chiếc minh họa nhỏ xinh đều thể hiện được một cách đầy đặn nhất sự gắn bó mật thiết và bền chặt giữa hai giới cầm bút, dẫu thế sự đã và đang đổi thay muôn trạng.

Lịch sử ghi nhận những bức minh họa, biếm họa trên báo chí tư nhân trước năm 1945 được thể hiện bởi những tên tuổi từng là sinh viên Trường mỹ thuật Đông Dương giàu cá tính sáng tạo: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Cát Tường, Mạnh Quỳnh. Họ tham gia xây dựng tạo hình các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh, góp phần định danh cho những Thời đàm, Phong hóa, Ngày nay bên cạnh các nhà văn, nhà báo kiêm chủ bút thời đó. Chỉ là một vài nét bút sắc sảo mà làm nổi bật đặc trưng hình dáng, tâm tính của một tầng lớp người trong xã hội phong kiến…

Những nét vẽ mang tính chất minh họa đầy tinh thần lạc quan về hình người thổi kèn loa trên báo Việt Nam độc lập số 103, tháng 8/1941, đặt bên cạnh bài thơ Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta…, đã nhấn mạnh ba vai trò trong một bức minh họa báo chí mang tinh thần cách mạng: minh họa một ý tưởng bài viết; truyền tin tới những chúng dân còn chưa tiếp cận đầy đủ việc đọc và viết tiếng Việt (hình người được tạo nên từ cụm từ “Việt Nam độc lập”); góp phần định hướng thẩm mỹ cho xã hội tương lai. Tới tận hôm nay, sau rất nhiều bước phát triển của ngành thiết kế đồ họa với đa dạng, phong phú các loại phần mềm hỗ trợ thiết kế cùng hàng trăm kiểu/phông chữ latin đặc sắc, nhưng nét-chữ tạo hình người vừa vác cờ vừa thổi kèn từ cụm từ “Việt Nam độc lập” vẫn được xem là một mẫu mực về sự sáng tạo của đồ họa chữ (typo). Lấy đó làm một điểm tựa, nhiều họa sĩ thế hệ tiếp sau đã luôn xem minh họa trên báo chí là một công việc nghiêm túc, cần được đầu tư có chiều sâu để không chậm với nhịp tiến bộ của thời cuộc.

Thêm tin tưởng vào giá trị lâu bền của thẩm mỹ

Bìa báo Văn nghệ Tết Đinh Máo 1987

2.Theo sự phát triển của xã hội, nhiếp ảnh đã tham gia vào đời sống báo chí Viêt Nam như một lẽ tất yếu. Minh họa dần thu hẹp lại trong phạm vi của một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật, như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, các ấn phẩm cuối tuần, hằng tháng của một số cơ quan báo chí, các tạp chí văn học nghệ thuật ở địa phương.

Đã có nhiều thời điểm, nhất là giai đoạn nửa cuối thập niên 1990 trở đi, minh họa trong nhiều ấn bản tưởng còn dần bị thay thế hoàn toàn bởi nhiếp ảnh. Ban đầu, ảnh được chọn thay cho các vi-nhét vẽ bằng tay nhỏ xinh xen giữa các bài thơ trong một trang thơ, hoặc được chọn làm góc trang trí cho một trang báo, thậm chí đôi khi chỉ là vừa vặn “lấp chỗ trống” trong dàn trang. Dần dà, ảnh được chọn để trưng trang nhất, trang cuối của nhiều tờ tạp chí…

Nhưng như một món đặc sản đậm dư vị của quá khứ, của lịch sử làm báo Việt Nam với vô vàn khó khăn gian khổ mà từng công đoạn sản xuất đều in đậm dấu tay và khối óc sáng tạo của con người theo nguyên vẹn nghĩa đen, vượt lên trên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, những minh họa báo chí tiếp tục được bảo toàn vị thế. Từ minh họa cho một bút ký, ghi chép, đến minh họa cho một truyện ngắn, trang thơ, đặc biệt là tranh cho trang nhất của nhiều tờ báo Tết, được bạn đọc chờ đón trong hồi hộp, như chờ đến phiên chợ tết và tìm mua được cành đào, cây mai đẹp đón năm mới về. Đó là những chỉ dấu thẩm mỹ của một mùa cảm xúc mới, một mùa sáng tạo mới trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đượm phong vị đặc sắc của báo chí ở Việt Nam.

Thêm tin tưởng vào giá trị lâu bền của thẩm mỹ


Văn nghệ là một trong những tờ tuần báo văn học nghệ thuật giữ được mạch nguồn minh họa sáng, rộng. Từ những thế hệ họa sĩ thời kỳ đầu của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, được đào tạo bài bản dưới mái trường Mỹ thuật Đông Dương, đến các họa sĩ trẻ, tài năng sau này, đều đóng góp vào thế giới thẩm mỹ hòa quyện vẻ đẹp văn chương, vẻ đẹp của tiếng Việt thông qua từng minh họa truyện ngắn, bút ký, ghi chép và tranh riêng cho trang nhất. Người viết không khỏi bồi hồi khi có dịp đọc những trang báo cũ từ thập niên 1970, bắt gặp minh họa truyện ngắn sắc sảo, đậm ngôn ngữ biểu hiện của những cái tên mà khi đó, họ còn rất trẻ, có khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam, như Nguyễn Thị Hiền, Đặng Thị Khuê. Đến nay, họ đều là những tên tuổi nổi bật trong giới mỹ thuật Việt Nam với một hành trình sáng tạo bền bỉ, giàu cá tính. Để thấy, tờ báo đã tin tưởng lựa chọn và dung dưỡng những tâm hồn sáng tạo trẻ tuổi, tạo nên sự đa dạng cho thế giới hình và nét song hành với thế giới văn chương cũng như duy trì sự tiếp nối thế hệ. Điều đẹp đẽ này cũng đã được thể hiện ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Trước kia, phần lớn minh họa cho các trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn trong tạp chí là của các thế hệ họa sĩ quân đội, như Văn Đa, Phạm Thanh Tâm, Quang Thọ hoặc các họa sĩ đã thành danh, như Sỹ Ngọc. Nay, ngày càng nhiều họa sĩ trẻ, làm việc độc lập, có cơ hội cộng tác, đóng góp suy tư thẩm mỹ của cá nhân vào dòng chảy văn học nghệ thuật với những nét riêng biệt về người lính và để phục vụ đời sống tinh thần của người lính.

3.Tiếp sau nhiếp ảnh, sự tiện lợi của các ứng dụng thiết kế đồ họa, nhất là với sự xuất hiện và tiến hóa nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến không ít tâm hồn mẫn cảm lo lắng về sự thay thế của chúng trong sáng tác mỹ thuật. Và nếu thế, minh họa có là gì… Thực tế, không ít họa sĩ đã thử minh họa bằng kỹ nghệ thay vì những nét vẽ từ tình cảm, từ những rung động tinh tế nội tâm và được truyền tải lên trang giấy qua đôi tay tài hoa của chính mình sau khi đọc và đượm suy tư từ trang viết của tác giả khác. Có tờ báo cũng đã thử dùng. Nhưng chẳng khó để nhận ra một chút trơ lỳ, khô cứng từ các bản vẽ có thể nhân bản in hàng loạt chỉ sau một cú nhấp chuột máy tính ấy. Thiếu sự lắng đọng, chút rung động tâm hồn được truyền trực tiếp bởi đôi tay người trên trang giấy, vắng chút trực cảm tức thời của người sáng tạo có thể dội mạnh tới cảm xúc người xem, một bức tranh dẫu sặc sỡ sắc màu, đường nét sắc sảo, mảng miếng độc đáo cũng không thể cuốn hút, làm bạn lâu dài với người. Bởi vậy chăng, những bản minh họa, những bức tranh được đặt riêng để làm trang nhất vẫn tiếp tục xuất hiện đều đặn trên nhiều ấn bản báo chí hôm nay.

Để thi thoảng, bất chợt, giữa dòng chảy hối hả của thông tin, của chuyển động thời cuộc, bạn, tôi, bất cứ ai cũng có thể nhận được tin nhắn chia sẻ hình ảnh về một bộ sưu tập mỹ thuật ẩn giữa lao xao thị trường tranh thật-giả, trong đó bật lên sắc tươi thắm từ những bức vẽ dành riêng cho Văn nghệ của các họa sĩ tên tuổi, như Phạm Minh Hải, Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa... Và để chúng ta cùng thêm tin tưởng vào giá trị lâu bền của thẩm mỹ từ những sáng tạo đúng nghĩa. Như là minh họa của Bùi Xuân Phái, một thời chưa xa…

 

Powered by Froala Editor