Viện phương đông

3 năm trước

CÁCH NHÌN VÀ LÝ GIẢI VỀ GIỚI VĂN CHƯƠNG CỦA CÁC NHÀ LÀM PHIM “VÒNG NGUYỆT QUẾ”

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X (2020)

CÁCH NHÌN VÀ LÝ GIẢI  VỀ GIỚI VĂN CHƯƠNG CỦA CÁC NHÀ LÀM PHIM “VÒNG NGUYỆT QUẾ”


Hữu Đạt *

Powered by Froala Editor


    Bộ phim truyện dài tập "Vòng nguyệt quế" (biên kịch: Hà Thủy Nguyên, đạo diễn: Mai Hồng Phong) là bộ phim được quảng cáo rầm rộ. Khi mới xem quảng cáo ai cũng hy vọng, đây là một bộ phim hấp dẫn, có nội dung phong phú, phản ánh được những hiện thực mới trong đời sống xã hội hiện đại. Sự chờ đợi của khán giả cuối cùng cũng được đáp ứng khi bộ phim được chính thức phát sóng trên truyền hình.

    Chủ đề chính của bộ phim xoay quanh vấn đề nghề văn và cuộc sống của các nhà văn thế hệ trẻ, được gọi là nhà văn thế hệ 8x. Trước hết, cần phải khẳng định, bộ phim đã được quay khá công phu, với nhiều cảnh đẹp gợi cho người xem thấy được phần nào sự phát triển của xã hội công nghiệp với những không gian rộng mở, với các khu đô thị mới đang và đã hình thành. Từ các không gian rộng, hẹp khác nhau, người xem cũng có thể hình dung được cuộc sống của người Việt Nam trong thời kỳ kinh tế mở cửa đã thay đổi hẳn về da, thịt so với cuộc sống gian khổ thời bao cấp. Sự sang trọng của đời sống, mặt nào đó đã kéo theo một lối sống lịch lãm của những con người làm chủ nó. Đó là những người như bố mẹ Hân, bố mẹ Quang (hai Việt Kiều từ Mỹ trở về), ông chú Quang.

    Nhìn chung, đây là một bộ phim được dàn dựng khá công phu. Các diễn viên cũng đã cố gắng thể hiện hết mình với đời sống nhân vật và cố gắng hòa nhập vào nó. Bởi thế, 12 tập đầu của bộ phim, những diễn biến của cốt truyện, cách xử lý các tình huống tâm lý, nói chung là chấp nhận được, tuy vẫn còn những chỗ thô cứng. Nhưng từ tập thứ 13, 14 về sau, bộ phim ngày càng bộc lộ những nhược điểm trầm trọng, thậm chí sai lầm trong cách lý giải các mối quan hệ trong hệ thống nhân vật khiến cho những công sức cố gắng ở nửa phần đầu của phim bị uổng phí. Bởi, càng về cuối, phim càng mất sức thuyết phục do cách nhìn của các tác giả về cuộc sống  bộc lộ nhiều non ớt, thiếu từng trải và sự hiểu biết về tâm lý, sự đời; thậm chí vốn sống về giới văn chương còn quá nông cạn dẫn đến nhiều tình huống giả tạo, gò ép đẩy diễn viên đến một lối diễn rất kịch, trượt xa khỏi quĩ đạo trong việc thể hiện của nghệ thuật điện ảnh.

    Trước hết, xin nói đến cách nhìn của phim về giới văn chương và thế hệ các nhà văn.

    Xem đến hết phim, hiện lên trước mắt khán giả là một giới văn chương rất xa lạ không chỉ với cuộc sống thường nhật mà còn xa lạ với chính các nhà văn. Có thể nói, toàn bộ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình (cả nhân vật chính và nhân vật phụ, từ trẻ đến già) được phản ánh trong phim "Vòng nguyệt quế" đều là những con người méo mó, dị dạng, với một cuộc sống vừa bê tha, vừa lập dị nếu không muốn nói là quái đản. Nếu nói, đó là những người đại diện cho thế hệ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nước Việt thì đó là một hình ảnh thật đáng xấu hổ.

    Trước hết, nói về các nhân vật chính. Đó là các nhân vật như Hân (nữ nhà văn Đông Bích), nữ nhà văn Hạ Liên, Thái (nhà thơ Thái Bạch), Quang (Chủ hiệu sách Lam Điền), dịch giả Phan Long. Đây là các nhân vật được xây dựng công phu, tâm huyết nhất của bộ phim. Nhưng cả mấy nhân vật này đều không thành công do tính tiền hậu bất nhất trong cách xử lý các tình huống liên quan đến sự phát triển của cốt truyện và tâm lý nhân vật, khiến cho khán giả lúc đầu còn thích xem, càng về sau càng thấy chán.

    Khi mới xuất hiện, Hân (nhà văn Đông Bích) tỏ ra đáng yêu vì là một nữ nhà văn xinh gái lại có cá tính. Cô ham mê sáng tác và muốn tự khẳng định mình bằng sức lao động và khả năng sáng tạo. Cô đã thành đạt trong nghề và trở thành một nhân vật nổi tiếng. Để có được sự thành đạt này, ngoài tài năng của bản thân, cô còn được sự nâng đỡ của thế hệ nhà văn đi trước. Đó là dịch giả Phan Long, một thần tượng mà cô yêu hết mình và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ. Thông qua Phan Long, cô còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà văn lớn tuổi như nhà thơ Vĩnh và nhà phê bình Hoàng. Vĩnh vừa là nhà thơ, vừa là Tổng biên tập một tạp chí, còn nhà phê bình đồng thời là Giám đốc nhà xuất bản. Bên cạnh đó, nhà sách Lam Điền, mà ông chủ là một thanh niên yêu nghề cũng có vai trò hậu thuẫn tích cực. Chính từ những mối quan hệ này, đời sống nội tâm của nhà văn Đông Bích đã dần bộc lộ. Đó là một tài năng trẻ của thế hệ 8x, một cá tính mạnh, một phong cách sống có tình người và có trách nhiệm với  bạn bè, đồng nghiệp. Nếu cứ phát triển theo hướng đó thì nhân vật này sẽ thành công và chắc chắn được khán giả yêu thích. Những đáng tiếc, đời sống nhân vật này không có được bối cảnh hợp lý để sống thật với bản chất của nó. Cuối cùng, nó bị đẩy đến các tình huống giả tạo, đầy tính phi lý.

    Nhân vật nữ nhà văn Hạ Liên được xây dựng theo hướng đối lập, có thể coi như nhân vật phản diện. Đó là nữ nhà văn thành đạt trong nghề nghiệp, yêu hết mình, lúc nào cũng khao khát được yêu. Khác với sự trong sáng của Đông Bích, Hạ Liên luôn tỏ ra là một người ích kỷ và đầy mưu mô. Cô không chỉ sống buông thả,bừa bãi mà còn là người có nhân cách ti tiện. Là một nữ nhà văn trẻ nổi tiếng, nhưng cô không mấy khi thể hiện mình là con người biết tự trọng. Trong quan hệ tình cảm đã vậy, còn trong chuyên môn ? Người xem không hề được thấy một hình ảnh nào biểu hiện đó là một nhà văn chân tài. Ngược lại, để đạt được cái đó, cô sẵn sàng làm những việc rất bì ổi. Với nữ nhà văn Đông Bích, cô tìm mọi cách để hạ bệ. Với nhà văn dịch giả Phan Long, người mà cô đã từng ăn ngủ như vợ chồng và yêu một cách say đắm, cô cũng không ngần ngại lấy cắp bản thảo của anh để đứng tên mình khi cho xuất bản cuốn sách dịch "Cánh buồm". Một nữ nhà văn nổi tiếng của thế hệ 8x mà sống với một nhân cách như vậy thì ai không đáng sợ? Về khả năng diễn xuất, cần phải nói, người sắm vai này đã gắng hết mình và nhập vai nhân vật khá thành ông. Nếu như bộ phim này khép lại trong khoảng 12, 13 tập thì có thể coi đây là nhân vật  tương đôi xuất sắc vì đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng khá đậm. Nhưng tiếc thay, phim vẫn tiếp tục kéo dài nên càng về sau, nhân vật này càng nhạt (cô chẳng có gì mang đời sống nội tâm của nhà văn, lại càng không có gì khiến người ta nghĩ đó là nhà văn thành đạt như sự xuất hiện lúc đầu) và tính mưu mô, nanh nọc của Hạ Liên chỉ là sự lặp đi lặp lại khiến cho người ta thấy nhàm chán và không hấp dẫn nưã. Ngay cả đến tập cuối, cô tỏ ra phục thiện, xuống tóc đi tu, nhường lại chồng và đứa con cho Quang và Hân, vẫn không kéo lại sự cảm tình của khán giá, trái lại còn tạo nên sự khôi hài. Bởi để có sự phục thiện này, phim đã bố trí một tình tiết lộ rõ bàn tay sắp đặt của các chủ nhân tạo ra nó: Phan Long cay cú với Hạ Liên, uống rượu say rồi đến nhà sách giở trò du côn đâm Hạ Liên (Còn Hân lúc nào cũng như được phục sẵn ở đó để can thiệp vào những sự kiện như vậy!). Cách tạo ra tính cao thượng của các nhận vật trong phim này là: các nhân vật sẵn sàng ngủ với người yêu của bạn rồi cười nói với nhau như không, nổi hứng lên đâm nhau suýt chết nhưng lại vẫn "anh anh em em ngọt ngào như bỡn, Sẵn sàng nhường người yêu thậm chí nhường cả chồng một cách không có lô gích gì cả!!!...

    Nhân vật nhà thơ Thái Bạch lúc mới xuất hiện phần nào còn khiến cho người ta thông cảm và coi trọng. Anh là nhà thơ nên lúc nào cũng lãng mạn, bay bổng, gần như trên mây trên gió. Thái yêu Hân, nhưng không dám bộc lộ. Tự ý thức được vị trí của mình, cũng có lúc anh nhận ra cái sự vô nghĩa của nghề thơ và cuộc sống bon chen, xô bồ ở thành phố, muốn trở lại với cuộc sống đời thường nơi thôn quê yên tĩnh. Nhưng rồi, cuộc đời lại cuốn anh đi. Anh trở lại thành phố và tiếp tục sáng tác nhờ lòng tốt giúp đỡ của bè bạn và đồng nghiệp. Tiêu biểu là Quang, chủ hiệu sách, bà đỡ số 1 cho những tập thơ của Thái. Do lòng tự trọng, không muốn bạn phải nuôi báo cô mình nên một lần Thái đã rời khỏi nhà Quang. Nhưng hoàn cảnh cuộc sống thực tại càng làm anh chán đời. Anh trở nên rượu chè bê tha, cuối cùng sa vào con đường nghiện hút, rồi yêu và sống với một cô gái điếm như là một đôi vợ chồng. Trong những ngày này, Thái đã thức nhận được chân giá trị của cuộc sống. Anh muốn cùng cô gái rũ bỏ tất cả để trở về với đời thường, không làm thơ, xa lánh tất cả những gì liên quan đến văn chương.Nhưng cuộc sống du thủ du thực nơi Xóm liều, cuối cùng đã đẩy cô gái điếm đến cái chết bằng một cú dao đâm. Thái bị xô đẩy đến đường cùng. Nhưng nhờ bàn tay của bạn bè, Thái trở lại sống ở nhà Quang và tiếp tục sáng tác. Bộ ba tình bạn Quang, Thái, Hân vẫn vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống để thực hiện lý tưởng của mình. Quang thì kinh doanh, còn Hân và Thái tiếp tục sự nghiệp văn thơ. 

Nếu câu chuyện được kết thúc ở đây, mỗi nhân vật, tuy có nét này nét kia, vẫn có những vẻ đẹp đáng thương và đáng yêu. Nhưng vì phim kéo dài thêm, vượt quá khả năng bao quát và vốn sống của tác giả tạo ra nó, cho nên, việc giải quyết số phận các nhân vật mỗi lúc một thêm bế tắc, thậm chí mâu thuẫn lung tung, thành ra thứ "đầu Ngô mình Sở" khiến cho các nhân vật trở nên đáng ghét. Đáng ghét không phải sự biến đổi tính cách của mỗi nhân vật mà vì nó giả tạo, gán ghép thô vụng. Đến nửa phần sau của phim, các nhân vật (cũng như vẻ đẹp của các nhân vật) gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Tình cảm bộ ba Quang, Hân, Thái trở nên lộn xộn, bất nhất. Nửa phần đầu, người xem le lói thấy tình cảm yêu đương của Quang và cả Thái đối với Hân được thắp lên. Nhưng vì Hân đã yêu Long nên cả Quang và Thái đều phải kìm nén. Đến lúc này, họ vẫn giữ được phẩm chất của người trí thức, đặc biệt là người của văn chương, lịch lãm, nhẹ nhàng, biết tôn trọng người mình yêu và là đồng nghiệp với mình.

    Về sau, do tình cờ, một lần đi Hội nghị các nhà văn ở bờ biển, Hân phát hiện ra Long chỉ là một kẻ lừa bịp (thực ra cũng vô lý vì Phan Long là dịch giả nổi tiếng, nếu anh là cai đầu dài thi đâu đã đến nỗi làm Hân sụp đổ?). Cô thất vọng hoàn toàn và trở nên đau khổ, dứt khỏi Long để đến với Quang. Hai người yêu nhau. Họ cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng nhau nên đã giới thiệu với hai gia đình để chuẩn bị ngày cưới. Một lần, Thái lên cơn nghiện, lại tính chuyện rời khỏi nhà Quang. Quang khuyên nhủ, Thái nửa tỉnh nửa say nói rằng, Thái không thể cai nghiện vì cuộc đời Thái chẳng có gì. Không tiền bạc, nhà cửa, không tình yêu, liệu có ai nhường tình yêu của Hân cho Thái hay không?

Chỉ vì câu nói ấy mà Quang thương bạn rồi cự tuyệt thứ tình yêu anh hằng mơ ước bấy lâu mà nay đã có được! Đó là tình yêu với Hân. Cái lý do để Quang làm việc này, theo cách lý giải của phim, là do tính cao thượng của Quang. Tình thương Thái đã khiến Quang hy sinh cả tình yêu của mình nhường Hân lại cho Thái với hy vọng Thái sẽ tự cai nghiện để cứu thoát đời mình. Tình huống này quả là hiếm thấy trong cuộc sống, bởi tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng lắm, mấy ai đã hành động kiểu nông cạn như vậy? Vậy mà Quang đã làm! Bản thân việc này đã thấy cái cớ mà Quang xa Hân là rất giả tạo, không đủ sức thuyết phục. Thậm chí người ta còn thấy Quang là một kẻ dở hơi. Anh không còn là nhân vật đáng yêu như lúc đầu nữa.

Cách lý tưởng hóa nhân vật Quang ở một góc độ nào đó là sự học mót tích Lưu Bình Dương Lễ trong  chèo truyền thống. Chỉ khác là, trong  chèo truyền thống, cách giải quyết bộ ba nhân vật trong Lưu Bình Dương Lễ dù sao vẫn đủ độ chín vì cách ứng xử của các nhân vật tuy có chỗ hơi khiên cưỡng nhưng vẫn chấp nhận được. Còn trong "Vòng nguyệt quế", tính cách nhân vật phát triển rất tùy tiện và hoàn toàn mang tính sắp đặt chứ không theo qui luật tự nhiên. Việc Quang cứu bạn theo nghĩa hiệp chí ít cũng nói rằng, Quang là người có bản lĩnh và là một cá tính mạnh mẽ. Đó là cá tính của một người sống theo sự chỉ đạo của lý trí lạnh lùng. Ấy vậy mà vừa mới xa Hân, Quang đã lao ngay vào con đường rượu chè be bét, có lúc muốn trở thành một con nghiện để "quên hết sự đời". Nhưng sự đời đối với Quang có gì là bi đát? Trái lại còn đang rất đẹp. Việc làm ăn ở nhà sách đang phát triển. Anh lại mới có được một tình yêu mình hằng ấp ủ bấy lâu. Cuộc sống rõ ràng là đang lên hương phơi phới. Thế mà chỉ vì câu nói của Thái anh lại đi làm một cái việc mà ở đời chẳng ai làm. Muốn giúp bạn, thiếu gì cách giúp ? Sao bỗng dưng anh lại tự đánh mất tình yêu  để lao nhanh xuống dốc của cuộc đời? Trong một lần say rượu, anh ngủ với Hạ Liên và cuối cùng Hạ Liên có thai. Cô nhanh chóng trở thành người chủ của linh hồn anh. Dù vẫn yêu Hân, anh vẫn tiến tới hôn nhân với một người mà anh không hề có tình cảm yêu đương. Còn Hân thì bị anh bỏ rơi, cuối cùng lại đi đến tình yêu với Thái.

Những tình huống đặt ra sau đó lại càng phi lý hơn. Để nối lại cuộc tình giữa Quang và Hân, người em trai Quang là Hải đã tìm cách diễn một màn kịch bằng cách vờ yêu Hân để kích thích lòng ghen tuông của anh trai. Chính vì ghen mà Quang lại tìm cách găp Hân. Anh và Hân lại ngủ với nhau trong khách sạn, mặc cho sự đau khổ của Hạ Liên mỗi lúc một tăng trong khi cô đã mang thai. Như thế, cả Quang và Hân không còn biết tự trọng gì nữa. Bởi vì, sau ngày Quang cưới, Hân tuyên bố đã thuộc về Thái hoàn toàn. Để sắp đặt cho Hân trở lại với Quang, các tác giả đã tạo ra tình huống giả, thông qua lời tuyên bố của Hân: Thái đã hoàn toàn biến chất. Rằng Thái đã quên mất tình yêu say đắm của mình vì đã trở thành một nhà văn có tiếng, được giải thưởng của Hội nhà văn thành phố. Sự thực thì, trên màn ảnh, người xem không hề thấy có chuyện đó. Thái chưa có một hành động hoặc một câu nói nào để tỏ rằng anh đã xem thường thứ tình yêu mà anh phải vất vả lắm mới chiếm được. Suốt cả hai chục tập phim, khán giả chỉ thấy Thái là một gã mộng mơ, si tình một cách thái quá.  Nhưng đến đây, Thái được Hân đột ngột dán cho cái mác như vậy! Đó là cái cớ để Hân quay trở lại với tình yêu cũ của mình mà không hổ thẹn với lương tâm?

Chính những sự sắp xếp giả tạo của nhiều tình huống trong các mối quan hệ đa chiều giữa các nhân vật đã kéo Hân từ một cô gái từ một cô gái có nội tâm trở thành một cô bé nông nổi, nhố nhăng trong tính cách. Sau khi từ bỏ Phan Long, Hân đã đến ngay với Quang. Sự cố này tuy có đột ngột, nhưng người xem còn thông cảm được. Nhưng đến lúc Hân bị Quang bỏ rơi đã nảy nở ngay tình cảm  với Thái thì người ta thấy câu chuyện trở nên quá bông phèng. Mặc dù mãi tới tập 18, sau khi Quang cưới, Hân mới khẳng định Hân hoàn toàn là của Quang. Nhưng đó chỉ là sự giải thích vớt vát. Bởi trước đó, qua các hành động, ngôn ngữ và cách biểu hiện của nhân vật này, người ta đã thấy Hân là cô bé chẳng sâu sắc gì cả. Cái thứ tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu nửa mùa, dở như thương hại, dở như cao thượng. 

 Sự thiếu đầu tư vào lý giải quá trình diễn biến tâm lý nhân vật và lối tạo cốt truyện vòng vo, không hợp với sự phát triển lô gích  đã làm cho tính cách của Hân đang là một cô gái sâu sắc, có bản lĩnh, bỗng quay ngoắt lại thành một cô gái hời hợt, dễ dãi. Sự sai lầm trong tình yêu ban đầu của cô với Phan Long chẳng có gì đáng trách, nhưng sự co giãn trong biên độ tình cảm của cô với Quang rồi với Thái, rồi lại với Quang, khiến cho người xem nhiều lần ngỡ ngàng. Cô tự đánh mất phẩm chất đáng trọng của mình để trở thành một cô gái buông thả, dễ dãi. Hóa ra cô cũng chẳng khác gì Hạ Liên, thậm chí còn không bằng Hạ Liên nữa.  Kễt cục, cái bộ ba Hân, Quang Thái, lúc đầu có vẻ đẹp trong sáng, đáng yêu là thế, về sau lại trở nên nhăng nhít, tạp nham.

 Nói tóm lại, bộ ba nhân vật Quang, Thái, Hân có một cái gì na ná một số bộ ba trong các phim Hàn Quốc. Nhưng nó lại có một khoảng cách khá xa về sự gia công các tình huống mang tính xung đột hoàn cảnh và nội tâm, cũng như cách cắt nghĩa hành động của các nhân vật. Bởi thế, bộ ba nhân vật chính này từ chỗ là các nhân vật đáng yêu đã tự tha hóa một cách vô lý, gây một cảm giác rất khó chịu đối với người xem. 

Nếu tính táo nhìn nhận, ta vẫn thấy sự cố gắng hết mình trong diễn xuất của các diễn viên. Nhưng đáng tiếc khả năng sáng tạo của họ đã không phát huy được, trái lại còn bị méo mó. Người sắm vai Quang nhiều lúc đã hành động như là một anh ngớ ngẩn, dở điên, dở dại. Còn người sắm vai Thái thì quá nhiều trường đoạn đã diễn xuất với nhiều hành động lên gân, thậm chí thừa, vô nghĩa và rơi hoàn toàn vào trạng thái của diễn viên kịch chứ không phải là diễn viên điện ảnh (hành động nhân vật không còn có hạt nhân hợp lý như khi diễn xuất trong phim "Chàng trai đa cảm").

    Cái lộ liễu nhất của phim "Vòng nguyệt quế" chính là ý đồ muốn khẳng định thế hệ nhà văn 8x, nhưng không phải bằng chính tài năng và lao động sáng tạo của thế hệ này mà bằng sự phủ định thế hệ các nhà văn đi trước.Hạ Liên được giới thiệu là một nhà văn thành đạt, nhưng trong phim ta không thấy cô làm gì ngoài việc chơi bời phóng đãng và sắp đặt các mưu mô. Ngoài điều đó ra, cô còn là một kẻ ăn cắp, gian trá trong gnhề nghiệp, thô bạo về nhân cách. Nhà thơ Thái Bạch được gắn cho cái mác gần như thiên tài nhưng người xem chỉ thấy anh là là một kẻ lông bông, sống thì phải nhờ vào Quang, in thơ cũng nhờ vào Quang. Lẽ ra phải biết ơn người đã cưu mang mình. Nhưng chỉ chờ dịp may là anh ta tìm mọi cách để có Hân. Con người như thế thật bất nghĩa! Ấy là chưa nói, anh thiên tài ở chỗ nào? Thơ thì ế ẩm không ai đọc, ngoài Quang chỉ có nhà xuất bản Đại Việt do ông giám đốc bị mắc bệnh đồng tính in cho. Suốt cả hai chục tập phim, thơ của Thái chỉ có mỗi câu " Bán nỗi buồn cho những kẻ thừ vui" là nghe được, còn lại toàn những lời lảm nhảm, có câu nào đáng gọi là có chất thơ? Thế nhưng anh lại nhận được giải thưởng. Thật là kỳ dị và hài hước.

    Xem phim, người xem lĩnh hội hình tượng nghệ thuật thông qua sự phát triển của các tình tiết nhằm bộc lộ tính cách kết hợp với tính lô gích của hành động và ngôn ngữ nhân vật chứ người ta không tin một cách ngây thơ vào sự sắp đặt của người làm phim. Đâu chỉ một câu nói của Tùng (nhân viên bán hàng ở cửa hiệu sách của Quang) "thơ Thái Bạch bán chạy lắm!" là người ta tin rằng thơ Thái Bạch hay? Trái lại, nghe câu nói đó, ai cũng phải nực cười. Nực cười vì Thái Bạch chưa có gì làm cho người ta tin vào tài thơ (Hơn nữa, trong thực tế xã hội hiện nay, ai cũng biết thơ là thứ sách ế ẩm nhất, có mấy ai mua). Nếu Thái từ đầu chí cuối chỉ diễn bằng hành động mà không đọc những câu lảm nhảm thì người ta còn có thể tin và xem như đó là cách lý tưởng hóa nhân vật. Đằng này, sự gán nghép thô vụng của các tình tiết đã không làm cho Thái ra được cái vẻ thiên tài mà còn làm cho cách xử lý trở nên khôi hài.

Ngoài những điều đã phân tích ở trên, còn có thể dẫn chứng rất nhiều tình tiết để nói rằng các tác giả của  "Vòng nguyệt quế" còn thiếu hụt các tri thức cần thiết có liên quan đến đời sống các nhan vật . Kết quả là, nhiều tình huống đưa vào phim trở thành quá ngô nghê. Chẳng hạn, khi Quang quyết định chia tay Hân, Hân chán không muốn làm ở chỗ Quang nữa. Hân định bỏ đi thì Quang nhắc lại chuyện hợp đồng. Thế là Hân đành phải ở lại. Điều đó rất phi lý. Một cá tính như Hân, đã định thôi việc thì có gì cản trở? (Nếu vì nể mà ở lại thì cách thế hiện lại phải hoàn toàn khác). Một người từng trải lại sắc sảo như Hân lẽ nào không hiểu những qui định của Luật lao động mà tự trói mình vào một nơi cô đã quá ngán ngẩm và muốn tránh xa nó?

Cũng như vậy, việc cô Hương, cán bộ biên tập của nhà xuất bản Đại Việt, chỉ vì cắt một vài đoạn thơ của Thái mà bị ông giám đốc đuổi việc là một việc rất quái dị. Người xem tự hỏi, không biết ông giám đốc nhà ta có hiểu luật pháp hay không mà lại xử sự tùy tiện như vậy? Đó là chưa nói, ông còn là một nhà phê bình, một nhà văn, làm như thế liệu còn có tính người? Trên đời này chỉ có những kẻ ấm đầu mới có thể hành động như thế! Sự áp đặt thô vụng kiểu này đâu có làm cho khán giả tin được Thái là một thiên tài thơ ca. Thái có phải là một tài năng thật hay không phải toát lên từ bản chất nghệ thuật trong con người anh chứ đâu phải vì vài miếng trò ngớ ngẩn kiểu như vậy! 

Không phải chỉ có sự kém hiểu biết về giới văn chương, về những tri thức thông thường khác, phim "Vòng nguyệt quế" còn bộc lộ nhiều sự cẩu thả quá mức. Lẽ nào những người làm phim không biết, một phụ nữ có chửa thì cần phải ăn mặc thế nào? Vậy mà trong phim này, khi Hạ Liên có chửa được mấy tháng, sau ngày cưới, lên chùa chỗ ông nội Quang để thắp hương, cô vẫn mặc quần bò chẽn để lễ trước cửa Phật? Ngày tiễn Hân đi nước ngoài, cùng một không gian và một môi trường khí hậu, vậy mà cha Hân thì mặc măng tô san, còn Hân thì lại mặc áo mỏng và hở gần hết ngực ! Còn ngài giám đốc NXB được gán cho cái mác bê đê (ái nam ái nữ) mà ria mép lại đen nhánh, rậm rì... ra vẻ đàn ông hơn cả những người đàn ông nhất !... Những chi tiết nực cười như thế đầy rẫy trong phim. Nó không những thể hiện sự tùy tiện trong cách thể hiện của một phong cách điện ảnh mà còn là sự coi thường đối với khán giả nữa.

Sẽ là thiếu, nếu chỉ bàn đến Thái, Hạ Liên, Hân mà không nhắc đến các nhà văn, nhà thơ khác thuộc thế hệ 8x. Đó là nhóm năm, bảy nhà văn trẻ xuất hiện đôi, ba lần trong các Hội nghị, Hội thảo hoặc ngồi quanh bàn rượu dưới sự nâng đỡ của Hạ Liên. Những nhà văn đó như thế nào? Họ xuất hiện dưới dạng những con người mà tóc tai bù xù, ăn nói lỗ mãng giống như dân anh chị ở bến tàu bãi xe. Khi rượu vào, họ lại cùng Hạ Liên bàn mưu tính kế để tâng bốc người này, hạ gục người khác trong nghề. Họ tự đề cao mình và phủ định cả một thế hệ đi trước. Các nhà văn như thế liệu có phải là đại diện cho một thế hệ nhà văn trẻ đang lên?

Các nhân vật nhà văn thế hệ 8 x đã vậy, còn thế hệ các nhà văn đi trước thì sao? 

Nhân vật dịch giả Phan Long, lúc đầu xuất hiện như một nhà văn tài năng. Đến giữa phim, té ra anh cũng chỉ kẻ bất tài và lừa bịp. So với các nhân vật khác, Phan Long được thể hiện khá thành công đoạn đầu, nhưng lại không đủ sức cứu cánh cho các nhân vật có liên quan do những tình huống bị đẩy đến tùy tiện theo một sự sắp đặt định trước chứ không phải là sự phát triển của lô gích các tình thế hay tâm lý nhân vật. Người xem liệu có tin được rằng, một người dày dặn, từng trải như Phan Long chỉ vì cái việc Hạ Liên đánh cắp bản quyền đến nỗi uống rượu say để cầm dao đâm đồng nghiệp ? Việc này chỉ có thể xảy ra đối với những tên lưu manh, nông nổi  thiếu suy nghĩ chứ làm sao có thể xảy ra ở một người lớn tuổi, chín chắn? Chưa kể đó là một nhà văn. 

Nếu theo cách nói của Hạ Liên thì Long bị thân bại danh liệt là do Hân. Nhưng hoàn toàn không phải thế! Hân đâu phải là kẻ cố tình mê hoặc Phan Long. Long bị mất uy tín trên văn trường là do chính anh ta. Còn việc, Long bị công an văn hóa lập hồ sơ và định truy tố trước pháp luật ( như trong phim diễn giải) thì lại chẳng hề có một căn cứ chính đáng nào. Cách lý giải của các nhà làm phim về việc này thể hiện sự rất non kém về tri thức. Bởi vì, người xem chỉ thấy, sau một vài lần Hân phát hiện ra các hiện tượng lạ trên mạng thì Long đã bị công an văn hóa theo dõi và chuẩn bị đưa ra vành móng ngựa. Nếu thế thì có lẽ Bộ Công an VN phải tăng quân số gấp hàng trăm, hàng ngàn lần để giải quyết các vụ việc tương tự. Xem xong phim, người xem thấy tức cười. Cười vì, đến tận đầu thế kỷ XXI vẫn còn có sự cắt nghĩa ấu trĩ về sự can thiệp của công an văn hóa đối với nghệ thuật. Sự đời đâu phải thế? Chẳng hiểu các tác giả của phim này có ý gì, nhưng người xem thấy rõ sự bôi bác trong cách đặt tình huống như vậy!  

    Ngoài Phan Long, hình ảnh các nhà văn khác của thế hệ đi trước cũng là những chân dung rất méo mó. Nhà thơ Vĩnh được Phan Long tin tưởng giới thiệu để giúp Đông Bích. Nhưng ngay buổi gặp đầu tiên ở văn phòng Tổng biên tập, Vĩnh đã bộc lộ rõ là một tay tán gái vô học. Vừa thô bạo trong tính cách, vừa khả ố trong hành động. Còn nhà phê bình nổi tiếng, kiêm giám đốc một nhà xuất bản  thì lại bị bê đê, lúc nào cũng thích ve vãn Thái. Chỉ có điều, suốt từ đầu phim, người xem chưa thấy có tín hiệu nào báo rằng ông ta là kẻ đồng tính. Thế mà, đến tập 17, qua cửa miệng Hân, ông ta bị  lĩnh cái án này như Trời giáng khiến người xem hết sức sững sờ.

    Do khả năng có hạn (thậm chí rất có hạn) các tác giả phim "Vòng nguyệt quế" giống như một người chỉ có đủ sức gánh 50 kg mà lại cố sức gánh tới một gánh nặng đến hơn một tạ. Thành thử, phim càng kéo dài bao nhiêu lại càng dở bấy nhiêu. Mặc dù, đến tập cuối (tập 25), những người làm phim đã cố gắng tạo ra một màn kết thúc có hậu. Nhưng đó là lối kết thúc gò ép, vừa đột ngột trong quá trình phát triển tâm lý, tính cách, vừa gán ghép tào lao, khiến cho người xem thấy đó là một cách dàn dựng vừa thô kệch vừa hài hước.

    Tóm lại, với phim "Vòng nguyệt quế" cả cái  "đám"nhà văn lớn tuổi  lẫn các nhà văn mới bước vào đời chẳng có một nhà văn nào ra hồn cả. Họ đều là những người méo mó, dị dạng. Nếu không gọi đó là sự bôi bác thì nên gọi đó là sự phê phán tiêu cực? Cũng không phải. Nếu là phim chống tiêu cực thì nội dung phản ánh, cách diễn xuất và dàn dựng sẽ tuân thủ theo một phong cách khác.

    Như vậy, qua "Vòng nguyệt quế", người xem có thể thấy rõ các tác giả của phim chưa hề có những chuẩn bị cần thiết để đi vào một đề tài nhạy cảm mà vốn sống của mình còn quá hời hợt. "Vòng nguyệt quế" không chỉ biểu hiện một cách nhìn lệch lạc về giới văn chương mà còn bộc lộ rõ một cách lý giải thiếu thiện chí đối với thứ nghề rất đáng được tôn vinh này. Xem phim, khán giả sẽ rút ra được điều gì?  Liệu có phải muốn trở thành nhà thơ,nhà văn, nhà phê bình thì cứ phải lập dị, bê tha như vậy? Điều này thật khác xa những gì khán giả đọc thấy trên sách báo hay gặp ở ngoài đời. Trái lại, chân dung các nhà văn Việt Nam từ trẻ đến già đều chỉ là một hình ảnh khiến người ta ghê sợ (thậm chí còn đáng ghê tởm). Còn nghề văn quả là nghề bạc bẽo chứ chẳng có gì là vinh quang.

      Có rất nhiều khán giả đã  hoàn toàn toàn thất vọng trước một phong cách điện ảnh được thể hiện qua "Vòng nguyệt quế". Đây là bộ phim có đề tài hiện đại, nhưng nội dung và nghệ thuật của nó đã có quá nhiều vấn đề bất cập. So với các bộ phim truyền hình dài tập được chiếu trên Truyền hình năm 2006 và 2007, nó quả là một bước đi xuống đáng kể. 

    Từ những điều phân tích trên đây, có thể nói, việc phấn đấu cho một phong cách điện ảnh có đủ tầm cỡ so với sự phát triển của xã hội chẳng phải là sự dễ dàng!

------------------------- 

(*) Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông

                                             


Powered by Froala Editor