Viện phương đông

3 năm trước

Nhà văn khoa Văn ( tên gọi tắt của Nhà văn khoa Ngữ văn) - Bùi Việt Thắng

Danh hiệu “Nhà văn khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp” là danh hiệu được nhiều thế hệ thầy trò Đại học Tổng hợp Hà Nội luôn lấy làm tự hào vì sự đóng góp cho nền văn chương nước nhà thời hiện đại một đội ngũ những người cầm bút nhiều tâm huyết nghề nghiệp và có nhiều thành tựu sáng tác. Bài viết này không thể điểm danh đầy đủ toàn bộ tên tuổi, nghề nghiệp và sáng tác của các nhà văn “Nhà văn Khoa Ngữ Văn Tổng hợp”, những người được nhắc đến trong một lĩnh vực hay phương diện cụ thể nào đó, cũng chỉ có tính chất như là một minh chứng cần thiết để nhấn mạnh và tô đậm cái chất “Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội”. 

Powered by Froala Editor

CÁC NHÀ VĂN KHOA NGỮ VĂN

 ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI

Một trong những truyền thống vẻ vang tạo nên niềm tự hào - Đại học Tổng hợp Hà Nội, chính là một cái nôi lớn, nơi sinh ra hơn 100 nhà văn có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền văn chương dân tộc thời hiện đại. Chúng tôi gọi đó là truyền thống văn nhân. 

                                                                             Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG

            Theo tài liệu nội bộ Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2015, tổng số hội viên là 1.014, trong đó có 138 hội viên vốn là cán bộ và sinh viên các khóa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Danh hiệu “Nhà văn khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp” là danh hiệu được nhiều thế hệ thầy trò Đại học Tổng hợp Hà Nội luôn lấy làm tự hào vì sự đóng góp cho nền văn chương nước nhà thời hiện đại một đội ngũ những người cầm bút nhiều tâm huyết nghề nghiệp và có nhiều thành tựu sáng tác. Bài viết này không thể điểm danh đầy đủ toàn bộ tên tuổi, nghề nghiệp và sáng tác của các nhà văn “Nhà văn Khoa Ngữ Văn Tổng hợp”, những người được nhắc đến trong một lĩnh vực hay phương diện cụ thể nào đó, cũng chỉ có tính chất như là một minh chứng cần thiết để nhấn mạnh và tô đậm cái chất “Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội”. 

Một chặng đường truyền thống 60 năm trưởng thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) được ghi nhận trên nhiều phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hoá - nghệ thuật, sáng tác văn chương, phục vụ đời sống xã hội từ thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc qua thời hòa bình tái thiết đất nước. Viết văn là một lao động đặc thù phục vụ xã hội. Trong số 1.014 nhà văn Việt Nam hiện đại, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đóng góp vào đội ngũ chung một lực lượng có thể nói là không nhỏ:  hơn 150 hội viên (với phân bổ lực lượng ở các lĩnh vực sáng tác như sau: thơ hùng hậu nhất, văn xuôi và kịch, nghiên cứu - lí luận - phê bình - dịch thuật). Các nhà văn khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội có mặt ở nhiều lĩnh vực, đơn vị công tác: Lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an), báo chí - truyền thông, xuất bản, giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, hoạt động văn hoá - nghệ thuật, quản lý văn hóa - văn nghệ,…

Rất hiếm nước nào như ở Việt Nam có những tên gọi rất đặc trưng “Văn nghệ Quân đội” hay “Văn nghệ Công an” trong nguồn mạch văn chương chung của dân tộc thời hiện đại. Trong lực lượng Công an nhân dân, chúng ta biết đến các nhà văn Ngôn Vĩnh (nguyên TBT Báo Công an nhân dân), Lê Hoài Nguyên (A 25, Bộ Công an), Thu Trang (Nxb Công an nhân dân), Nguyễn Hồng Thái ( nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập nhà xuất bản Công an nhân dân, TBT Tạp chí CAND), Nguyễn Đăng An (Tổng cục V, Bộ Công an), Hoàng Huệ Thu (nguyên Phó TBT Nxb Công an nhân dân), Thu Trang (Nhà xuất bản Công an nhân dân). Trong lực lượng Quân đội, chúng ta biết đến Nguyễn Bảo (nguyên TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Thuận Hữu (Tổng Biên tập báo Nhân dân), và các đồng nghiệp - những nhà văn đã và đang mặc áo lính - như Đinh Xuân Dũng, Vương Trọng, Lê Thành Nghị, Anh Ngọc, Vũ Thị Hồng, Lê Tấn Hiển, Sương Nguyệt Minh, Phạm Ngọc Tiến, Vũ Minh Nguyệt,... Khối nhà trường, viện nghiên cứu văn học và cơ quan văn hoá của Đảng có hơn 40 nhà văn, trong đó có 12 giáo sư (Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phùng Văn Tửu, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng). Trong số 13 nhà văn Tổng hợp Hà Nội đã mất (Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Cao Xuân Hạo, Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Trung Thu, Lê Anh Xuân), có hai nhà văn - liệt sĩ là Lê Anh Xuân (1940-1968), được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (2011) và Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001); Chu Cẩm Phong (1941-1971), được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (2010), Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001). Ba nhà văn Tổng hợp Hà Nội được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Đặng Thai Mai, Phan Tứ (tức Lê Khâm), Hà Minh Đức, 8 nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, về Khoa học công nghệ (Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Phùng Văn Tửu, Định Hải, Chu Cẩm phong, Phong Lê, Lê Anh Xuân, Lê Thành Nghị).

     Trong số các nhà văn Tổng hợp Hà Nội có những cặp “vợ chồng nhà văn Khoa Ngữ Văn” được nhiều người biết đến như Phong Lê (GS, nguyên Viện trưởng Viện Văn học) - Vân Thanh (PGS, công tác ở Viện Văn học), Bùi Minh Quốc (tức Dương Hương Ly) - Dương Thị Xuân Quý (1941-1969), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2007), Lê Quang Trang - Trần Thị Thắng, Bế Kiến Quốc (1949-2002)- Đỗ Bạch Mai, Sương Nguyệt Minh - Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Hằng – Nghiêm Nhan (vợ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chồng là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, NSƯT, đạo diễn điện ảnh)

Có nhà văn Tổng hợp Hà Nội như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương rèn luyện, phấn đấu và vươn lên chiến thắng số phận. Ông bị liệt cả hai tay từ khi mới bốn tuổi, bảy tuổi theo bạn bè đến lớp và tập viết bằng hai chân. Khi học phổ thông giỏi cả hai môn toán và văn, nhưng sau đó đã đem lòng yêu văn chương hơn nên thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970 tốt nghiệp, về quê hương Nam Định dạy học, từ năm 1994 chuyển vào sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông cớ  các tự truyện “ Những năm tháng không quên”, “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” chinh phục được nhiều thế hệ độc giả, nhất là học sinh phổ thông, trước một tấm gương về nghị lực sống và tình yêu văn chương và nghề dạy học. Một tấm gương của ý chí vươn lên làm chủ số phận.

Nhiều nhà văn Tổng hợp Hà Nội từng (hoặc đang) giữ chức Tổng Biên tập các báo, tạp chí hoặc tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản như Hà Minh Đức (nguyên TBT Tạp chí Văn học), Bùi Hồng (Nguyên TBT Nxb Kim Đồng), Ngô Văn Phú (nguyên Giám đốc kiêm TBT Nxb Hội Nhà văn), Ngôn Vĩnh (nguyên TBT Báo Công an nhân dân), Lữ Huy Nguyên (nguyên Giám đốc Nxb Văn học), Ngô Thảo (nguyên TBT Tạp chí Sân khấu), Bùi Công Hùng (nguyên TBT Tạp chí Quê hương của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao), Nguyễn Bảo (nguyên TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Nguyễn Văn Lưu (nguyên Giám đốc Nxb Văn học), Lê Thái Sơn (nguyên TBT Tạp chí Sông Lam, Hội VHNT Nghệ An), Dương Kỳ Anh (nguyên TBT Báo Tiền phong), Từ Nguyên Tĩnh (nguyên TBT Tạp chí Xứ Thanh, Hội VHNT Thanh Hoá), Dương Trọng Dật (nguyên TBT Báo Sài Gòn giải phóng), Lê Quang Trang (nguyên TBT Báo Đại đoàn kết), Mai Quốc Liên (TBT Tạp chí Hồn Việt, Hội Nhà văn Việt Nam), Phan Trọng Thưởng (nguyên TBT Tạp chí Nghiên cứu văn học), Bùi Sĩ Hoa (nguyên TBT Báo điện tử Vietnamnet), Nguyễn Ngọc Thiện (TBT Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam), Võ Thị Xuân Hà ( TBT TC Nhà văn), Nguyễn Thế Kỷ (Tổng Giám đốc Đài Tiêng nói Việt Nam)   

Thơ có thể xem là lĩnh vực ở đó các nhà văn Tổng hợp Hà Nội có nhiều đóng góp đáng kể nhất - 66 nhà thơ là một “con số biết nói”. Có một  thế hệ nhà thơ trưởng thành đầu những năm 60 của thế kỉ XX như Ngô Văn Phú, Định Hải, Bùi Minh Quốc, Diệp Mimh Tuyền, Đặng Hiển…Có một thế hệ nhà thơ chống Mỹ với tên tuổi nổi bật trên văn đàn như Lê Anh Xuân, Vương Trọng, Đặng Hấn, Nguyễn Trung Thu, Ngô Thế Oanh, Trần Nhật Lam, Vũ Duy Thông, Nguyễn Trọng Định, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Vũ Ân Thi, Phạm Đình Ân, Bế Kiến Quốc, Phạm Quốc Ca, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Mai Quỳnh Nam,… Có những nhà thơ nổi lên trong thời bình như Lê Thái Sơn, Khuất Bình Nguyên, Đỗ Minh Tuấn, Vĩnh Quang Lê, Nguyễn Sĩ Đại, Đặng Huy Giang, Từ Ngàn Phố, Lương Định, Bùi Sỹ Hoa, Vũ Toàn,... Có những nhà thơ rất trẻ thuộc thế hệ 8x như Nguyễn Quang Hưng,…Đặc biệt có một “giàn” thơ nữ từ Lệ Thu đến người đàn bà “đan thơ” Ý Nhi, đến những tên tuổi đáng nhớ khác như Hà Phương, Trần Thị Thắng, Hoàng Kim Dung, Đoàn Ngọc Thu, Lê Minh Hoài, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Bùi Sim Sim, Trương Thị Kim Dung…Thơ của Định Hải, Ngô Văn Phú, Đặng Hiển, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Phạm Đình Ân được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông (bậc Tiểu học, THCS và THPT). Đặc biệt Nguyễn Duy là người có khả năng “chơi thơ”, “bán thơ” và “xuất khẩu thơ”. Con số 66 nhà thơ Tổng hợp Hà Nội với nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền thơ hiện đại Việt Nam.Ở Trường Tổng hợp Hà Nội có những người vừa dạy học, vừa viết nghiên cứu vừa làm thơ như Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, Hữu Đạt. Hà Minh Đức, ngoài các công trình nghiên cứu đồ sộ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, khi 64 tuổi  mới cho xuất bản tập thơ đầu tay và đến năm 2015 đã sở hữu 7 tập thơ. Mã Giang Lân, bên cạnh các công trình nghiên cứu về thơ còn là tác giả của nhiều tập thơ, đặc biệt bài thơ “Trụ cầu Hàm Rồng” được giải thưởng thơ báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 khá nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi trong làng thơ). Năm 2013 ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm thơ “Những lớp sóng ngôn từ”. Hữu Đạt là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, trong đó có những vở kịch, tiểu thuyết có tính dự báo cao, gây chấn động dư luận. Ông còn là tác giả của các tập thơ và trường ca: Lữ hành, Cuộc chiến mười ngàn ngày (trường ca), Thơ Thiền và Thơ hình họa. Đây là những tập thơ thể hiện sự cách tân mạnh mẽ thơ tân hình thức. Ông nhận được giải thưởng trong cuộc Thi sáng tác thơ kỷ niệm15 năm ngày thành lập Hội Thanh niên Việt Nam và Huy chương “Vì sự phát triển của Khoa học và Công nghệ” bởi nhiều công trình nghiên cứu trong đó có các công trình nghiên cứu về thơ và ngôn ngữ nghệ thuật. Cũng từ khoa Ngữ Văn ra đi, có một nhà thơ xa xứ Nguyễn Huy Hoàng, định cư tại Cộng hòa Liên bang Nga 25 năm nay, tác giả của 7 tập thơ chứa chan nỗi niềm của một người yêu quê hương, đất nước. Thơ ông thấm đượm hồn quê Việt, đặc biệt là hồn quê Xứ Nghệ.

Trong lĩnh vực văn xuôi và kịch, các nhà văn Tổng hợp Hà Nội cũng đã được đánh giá là một đội ngũ khá hùng hậu với 36 cây bút thuộc nhiều thế hệ: Đó là lớp nhà văn bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp như Phan Tứ (tức Lê Khâm, 1930 - 1995), Đoàn Minh Tuấn, Xuân Trình, Nguyễn Gia Nùng...Thuộc thế hệ sau có một nhà văn Ngôn Vĩnh chuyên viết về “đề tài nóng” trong lực lượng Công an, lại có một Hồng Duệ có duyên khi viết về chuyện đời thường. Đội ngũ những “nhà văn mặc áo lính” viết văn xuôi Đại học Tổng hợp Hà Nội rất hùng hậu - đó là Nguyễn Bảo, Minh Chuyên, Trịnh Đình Khôi, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Trọng Tân, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Thế Tường, Lê Tấn Hiển, Phạm Ngọc Tiến, Sương Nguyệt Minh, ... Họ đã đi thẳng từ chiến tranh vào văn học. Đó là cây bút văn xuôi Chu Cẩm Phong (1941 - 1971) hi sinh ở chiến trường miền Nam. Lực lượng viết văn xuôi thuộc các thế hệ quả thật hùng hậu từ Bùi Hồng (sinh năm 1931), Nguyễn Gia Nùng, Hoàng Lại Giang, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Việt Long đến Triệu Xuân, Hữu Đạt, Xuân Ba, Thu Trang, Nguyễn Cẩm Hương,Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Hoàng Huệ Thu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Đăng An,Lê Thanh Nga, Nguyễn Phương Liên, Vũ Minh Nguyệt,… Có một số cây bút văn xuôi được đánh giá là có nội lực, đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gần đây nhất là Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1960, vào Hội Nhà văn năm 2006), Nguyễn Phương Liên (sinh 1972, vào Hội Nhà văn năm 2010), Nguyễn Đăng An (sinh 1951, vào Hội Nhà văn năm 2013), Vũ Minh Nguyệt (sinh năm 1965, vào Hội Nhà văn năm 2014). Người nhiều tuổi nhất và người ít tuổi nhất trong lực lượng viết văn xuôi cách nhau hơn 40 tuổi (một ví dụ- Phan Tứ sinh năm 1930, Nguyễn Phương Liên sinh năm 1972). Chúng tôi gọi đấy là sự kế tục thế hệ, nói hình tượng là “tre già măng mọc”.

           Các nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội viết nghiên cứu - lí luận - phê bình và dịch thuật với con số 36 gây ấn tượng, được nối tiếp bởi những tên tuổi đáng kính thuộc lớp tiền  bối như Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Phan Cự Đệ,…đến những người hết sức năng động đang sống với văn chương cùng thời như Phùng Văn Tửu, Huệ Chi, Hà Minh Đức, Phong Lê, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Vũ Tuấn Anh, Lê Thành Nghị, Lê Quang Trang, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Bảo Hưng, Nguyễn Văn Lưu, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thị Minh Thái, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Trần Hinh, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Lưu Khánh Thơ, Tạ Hoàng Phương, Hà Minh Thành…Có những người nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam như Nguyễn Huệ Chi hoặc văn học nước ngoài như Phùng Văn Tửu, công việc của họ có vẻ như rất xa với văn chương hiện đại Việt Nam. Họ âm thầm làm công việc “ôn cố tri tân” và “học người để rèn mình” theo phương châm xử thế của cổ nhân. Có nhà văn - dịch giả lừng danh như Cao Xuân Hạo, người đã bằng toàn bộ tâm huyết và tài năng truyền đến độc giả Việt Nam những kiệt tác của nền văn học Nga với phẩm tính văn hoá rất gần gũi với chúng ta. 

       Nói đến các nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngoài những người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn có thể nói đến một số nhà văn “ngoài Hội”,  đó là GS.Nguyễn Kim Đính, GS.TSKH.Nguyễn Lai, PGS.TS. Phạm Quang Long, Nguyễn Thanh, Nguyễn Hùng Vĩ. Giáo sư Nguyễn Kim Đính (năm nay tròn 85 tuổi), ông không phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng đã có tác phẩm được tuyển chọn vào “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 - 1960” với bài thơ có tứ thơ độc đáo và sâu sắc “Đào chưa về nhà máy đã sang xuân”. GS Nguyễn Lai, ngoài các công trình nghiên cứu còn có "Tuyển tập văn xuôi" (xb 2020), trong đó có một số truyện từng được đưa vào SGK phổ thông. Phạm Quang Long đã xuất bản tập kịch bản văn học (gồm 7 vở),)  và đang hoàn thiện bản thảo 3 cuốn tiểu thuyết. Nguyễn Thanh có gần 40 kịch bản sân khấu và các tiểu phẩm được dàn dựng ở Thái Bình, Nguyễn Hùng Vĩ được bạn bè phong là “nhà thơ dân gian” với nhiều bài thơ hay được truyền miệng…

         Có thể nói, các nhà văn khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội là một lực lượng quan trọng trên mặt trận văn hoá - nghệ thuật thời hiện đại. Bài viết này chưa thể bao quát hết những đóng góp to lớn của họ, nhất là các nhà văn đang hoạt động tại các tỉnh. Bài viết cũng chưa thể điểm danh hết các nhà văn, nhất là các nhà văn đã quá cố, và các nhà văn được kết nạp vào Hội gần đây. Dù sao, đây cũng là lời tri ân của nhiều thế hệ với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xưa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), nơi cất cánh của những tài năng khoa học và văn chương./.

                                                                                      BVT  

Powered by Froala Editor