Viện phương đông

3 năm trước

Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học...

TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ NHÀ PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện

Hội đồng Lý luận phê bình VHNT

Trung ương

Powered by Froala Editor

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện sinh năm 1947 tại Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh - nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn khóa 8 - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967, bảo vệ Tiến sĩ năm 1987, được phong hàm PGS năm 2002. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam với các bút danh: Nguyễn Ngọc Thiện, Thế Uẩn, Thy Yên, Thiên Năng. Sau hàng chục năm say mê nghiên cứu văn học, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách chuyên sâu về lĩnh vực Lý luận - Phê bình, tiêu biểu là các cuốn: Văn chương và tác giả (1995), Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000), Phong cách và đời văn (2005), Lý luận, phê bình và đời sống văn chương (2010), Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh? (2004),... Ngoài ra ông còn chủ biên 21 bộ sách, in chung 50 đầu sách. Hiện ông là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương.

 


Phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam hiện đại, nếu tính từ tác phẩm mở đầu của nó là Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn xuất bản 1933, thì cho đến nay đã đi được một chặng đường dài ngót 1 thế kỷ! 

Để tiến tới sự hội tụ về nhận thức những phương diện chủ yếu của hoạt động phê bình VHNT trong xã hội hiện đại hôm nay, tôi nghĩ việc nhắc lại một số ý kiến đã bàn về phê bình VHNT từ trước đến nay là điều cần thiết, vì đó là những ý kiến tâm huyết và rất đáng lưu ý kịp thời.

Thiếu Sơn (1908-1978) ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi đi tiên phong dụng bút viết phê bình văn học đã xác định phê bình văn học là một thể văn của nhà chuyên môn; nhà phê bình là loại người đọc đặc biệt - đọc giùm cho người khác. Nhà phê bình có vai trò trọng yếu, đứng giữa tác giả và công chúng, giúp tác phẩm đến được với công chúng và công chúng hiểu được những những ý nghĩa tiềm tàng chứa đựng trong văn bản tác phẩm. Họ “không lo cấu tạo nên những công trình đặc biệt của mình, mà chỉ lo để ý đến sự nghiệp của người khác, rồi bàn, rồi tán, rồi khen, rồi chê”. Muốn vậy nhà phê bình phải đem sự “thông minh và tài trí đặc biệt” của mình và tư chất của một nhà nghệ sĩ để đủ sức “hiểu biết các hứng thú của một văn gia”. Từ đó, nhà phê bình “chỉ cho người ta thấy các nghĩa lý của câu chuyện, chỗ dụng ý của tác giả, cái nghệ thuật của người làm và cái văn thể của cuốn sách”.

Thiếu Sơn cũng lưu ý nhà phê bình phải sáng suốt và có tấm lòng rộng rãi, không kỳ thị, bất công trong yêu ghét. Cần nhận ra những đặc sắc, hương vị riêng của mỗi văn phẩm, sự khác nhau của mỗi nhà văn, như trong một vườn hoa “không nên phân hơn kém, cho hoa này phải thẹn trước hoa kia và làm mất cái xuân phong hòa khí ở nơi văn uyển, tao đàn”. Đặc biệt, không nên thiên vị, thiên ái, làm mất bản lĩnh của mình đến nỗi bị nhà văn chinh phục đến mức “trở nên lãnh đạm, vô tình hay cừu thị với những hình trạng khác của thiên tài”.

Sau hết, Thiếu Sơn tán thành ý kiến của một nhà phê bình Pháp - ông Jules Lemaitre, khi ông này nói về giá trị không kém cạnh của tác phẩm phê bình văn học so với những công trình sáng tác là đối tượng của sự phê bình: “Sự phê bình văn học có thể là một việc thú vị vô cùng, và có thể có giá trị ngang, hoặc hơn những tác phẩm bị phê bình nữa”(1).

Đồng thời với Thiếu Sơn, nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong bài báo ngắn “Phê bình văn” (1935), cũng có những ý kiến xác đáng, với những khía cạnh trùng hợp với ý kiến của Thiếu Sơn, mà ngày nay đọc lại, liên hệ với thực trạng phê bình văn học nghệ thuật hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình!

Ý chính của Hoài Thanh là phàn nàn về thực trạng không mong muốn của phê bình văn học ở ta buổi đầu: tưởng viết văn phê bình là dễ nên viết tràn lan, làm khổ và mất thì giờ của người đọc. Bởi phê bình đã đi lạc, sa đà vào việc kể lại nội dung tác phẩm, diễn biến câu truyện mà rất ít đưa ra những nhận xét, phê bình về nghệ thuật của tác phẩm, cái hay đích thực của văn phẩm bằng cách viết có chất văn với những tìm tòi, dụng công và đặc sắc của người phê bình. Theo ông, nhà phê bình phải tâm huyết, bỏ nhiều công sức trong khám phá và sáng tạo, đưa ra “những ý kiến có khi chính tác giả quyển sách không nghĩ đến”, và với người đọc “không phải chỉ để cho những người chưa đọc quyển sách ấy xem; phải làm thế nào cho những người đã xem quyển sách ấy rồi đọc bài phê bình vẫn thấy hứng thú”. Hoài Thanh hóm hỉnh đưa ra một hình ảnh so sánh: một bài văn hay như một người đàn bà đẹp, nhưng khi tác giả bài văn như người đàn bà đẹp kia “tự mình không biết và lấy làm lạ không hiểu sao người ta lại có thể say mê mình”, thì bài phê bình lúc này sẽ trở nên cần thiết bởi chỉ ra được cái hay đặc sắc hơn người của bài văn kia, như cái đẹp Trời cho  người đàn bà nọ.

Và Hoài Thanh đưa một đề nghị xác đáng: Không nên học đòi, đua nhau viết phê bình, tưởng phê bình là dễ và ngon ăn, mà phải cân nhắc và tự trọng khi viết phê bình: phải đọc kỹ tác phẩm, tìm ra được những cái đặc sắc, đáng viết về những điều đó - tức là có những ý tứ hay hay, khác khác mà những người trước mình chưa nói, thì mới đặt bút phê bình. Nhà phê bình phải biết tự kiềm chế mình, nếu không thấy có điều gì đáng nói về tác phẩm, cần cho tác giả và công chúng, thì không nên cứ liều viết, viết tràn đi cho lấy được. Hoài Thanh khen trong trường hợp này, nhà phê bình tự trọng không dụng bút, thì đó mới là việc làm đại nghĩa, vì đã không làm một việc vô bổ, mất thì giờ của người đọc.(2)

Trên đây là 2 ý kiến tiêu biểu cho thấy đôi nét về thực trạng phê bình văn nghệ Việt Nam trước Cách mạng 8/1945 và những quan điểm về phê bình văn học - một thể tài văn học mới, dưới góc độ nghề nghiệp, chuyên môn. Qua đó cũng nêu lên những đòi hỏi chất lượng đặc thù từ sản phẩm của hoạt động này cùng những phẩm chất không thể thiếu được giúp nhà phê bình có vị trí xứng đáng trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Từ sau Cách mạng tháng 8, dưới chế độ mới do nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, những yêu cầu mới được đặt ra đối với công tác phê bình trong việc xây dựng nền văn nghệ dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Qua các văn kiện của Đảng, các bài phát biểu của lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, hoạt động phê bình và gắn chặt với nó là hoạt động lý luận luôn luôn đòi hỏi được quan tâm phát triển đồng bộ với lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật và sưu tầm, nghiên cứu tiếp thu tinh hoa văn nghệ truyền thống dân tộc cùng với dịch thuật tiếp nhận chọn lọc thành tựu văn nghệ thế giới xưa nay, đồng thời truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc để hội nhập quốc tế.

Về phê bình văn học nghệ thuật, năm 1948 trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh yêu cầu kịp thời, cập nhật với hoạt động sáng tác và đời sống văn học nghệ thuật, tính đối thoại, dân chủ tranh luận bàn bạc, trao đổi ý kiến trong phê bình, nâng cao tính chiến đấu bảo vệ cái đúng, phê phán cái lệch lạc, cái sai trái về quan điểm học thuật trong đấu tranh nội bộ, đấu tranh ta/địch. Phê bình cần làm rõ cái hay hoặc cái dở của tác phẩm, rành mạch trong khen chê, không để tác phẩm ngay sau khi ra đời đã rơi vào quên lãng, bị bỏ qua hoặc tiếp thu một cách lạnh nhạt.

Khi góp ý, đấu tranh phê bình với những thiếu sót, sai trái lệch lạc của nội bộ thì đó không phải là “vạch áo cho người xem lưng”, khiến bị địch lợi dụng mà quật lại. Ở đây, nếu sự phê bình đảm bảo đúng nguyên tắc, chân thành, có thái độ phụ trách và khiêm tốn, vẫn đảm bảo được đoàn kết chân chính trong nội bộ. Còn đối với những luận điệu phản động, lừa mị, đồi trụy, kích động thâm độc của địch, phải phê bình đích đáng, tránh không để bị ngộ nhận, bị đầu độc trong một số người.

Đồng chí Trường Chinh cũng đề cao tính quần chúng trong phê bình: “Quần chúng là nhà phê bình nghệ thuật sành hơn ai hết, chính vì quần chúng gồm nhiều tai, mắt, óc khôn và có cảm giác chung đấu lại. Không một nhà phê bình nào sánh được quần chúng về mặt đó… Quần chúng là gồm cả những người chuyên môn và không chuyên môn; cái mà người này không nhận ra, tất nhiên sẽ có người khác nhận ra”(3).

Đồng chí bác bỏ quan điểm coi thường, đánh giá thấp quần chúng, cho rằng quần chúng phải học nghệ thuật đã rồi mới phê bình được nghệ thuật. Đồng chí khuyến khích cần biết lắng nghe, tập hợp các ý kiến của quần chúng phê bình tác phẩm để bài phê bình của mình không chỉ là ý kiến của cá nhân mà trong đó đã đại diện ít nhiều ý kiến chung của tập thể quần chúng rồi.

Sau này, năm 1968, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Trường Chinh đã tiếp tục có ý kiến về công tác phê bình văn nghệ. Đồng chí khẳng định: “Phê bình là vũ khí bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, một hình thức giáo dục tư tưởng, tình cảm, giáo dục và nâng cao thẩm mỹ của quần chúng nhân dân”. “Nhà phê bình văn nghệ thì không thể chỉ đóng vai người thưởng thức bình thường, mà phải làm đúng nhiệm vụ của nhà phê bình, tức là phải đấu tranh để bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, góp phần vào việc chỉ đạo sáng tác và nghiên cứu văn nghệ, nâng cao chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật, nâng cao tư tưởng, nhận thức và trình độ thẩm mỹ của quần chúng nhân dân. Người làm công tác phê bình, nếu chỉ phát biểu ý kiến của mình về một tác phẩm mình ưa thích thôi thì như thế là tự hạn chế mình không làm tròn nhiệm vụ của nhà phê bình”.

“Trong công tác phê bình, hay thì khen, dở thì chê; khen để phát huy ưu điểm, chê để sửa chữa khuyết điểm; tỷ lệ khen chê tùy theo tác phẩm văn nghệ”. Về vai trò của quần chúng trong phê bình văn nghệ, đồng chí cho rằng: “Nhà phê bình cũng như tác giả đều phải dựa vào ý kiến quần chúng. Công việc này gian khổ nhưng nhất định phải làm, vì nếu không dựa vào quần chúng mà cứ tưởng rẳng mình tự suy xét là đủ rồi, thì khó tránh khỏi sai lầm, thiếu sót. Nhà phê bình dù giỏi mấy cũng có những hạn chế trong việc nhận xét tác phẩm của người khác. Tác giả dù giỏi mấy cũng không thể tự mình đánh giá đúng tác phẩm của mình”. “Nhà phê bình có trực tiếp tham gia phong trào phê bình của quần chúng thì viết bài phê bình mới tốt”.

Đồng chí Trường Chinh kết luận: “Muốn phê bình văn nghệ được tốt phải có người phê bình tốt”. Đảng và các Hội VHNT cần chăm lo bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác phê bình, cổ vũ họ, có chính sách đúng đắn đối với họ. Về phía nhà phê bình cần chăm lo về lập trường tư tưởng, sự hiểu biết, đạo đức cách mạng, đoàn kết và khiêm tốn, không cá nhân chủ nghĩa, bản vị, bè phái, luôn luôn nắm vững được ngọn bút phê bình, một vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận văn nghệ.(4)

Có thể nói những ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh - nhà chính trị, nhà văn hóa xuất sắc của Đảng - là sự cụ thể hóa những vấn đề của hoạt động phê bình  văn nghệ, nhà phê bình văn nghệ theo quan điểm mácxít - lêninnít, tư tưởng Hồ Chí Minh và các Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 (1957), lần thứ 3 (1962) và lần thứ 4 (1968). Những ý kiến này đã góp phần định hướng, phát huy kết quả trong hoạt động thực tiễn của lý luận phê bình văn nghệ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8 đến trước thời kỳ Đổi mới.

Trong thời kỳ Đổi mới, một trong những văn kiện thể hiện tập trung, sâu sắc những quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng về văn học nghệ thuật là Chỉ thị 52-CT/TW ngày 8.6.1986 của Ban Bí thư Trung ương “Về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học nghệ thuật”.(5)

Trong Chỉ thị, Đảng nhận ra những thiếu sót và nhược điểm trong một thời gian dài của phê bình văn học nghệ thuật là sự thiếu nhạy cảm với những vấn đề mới do cuộc sống và thực tiễn VHNT đặt ra. Phê bình lạc hậu không theo kịp thực tiễn phát triển của sáng tác, biểu diễn VHNT. Còn sơ lược, một chiều, nhiều lúc khen chê không chính xác. Đội ngũ phê bình và lý luận còn ít người, hoạt động phân tán, chưa phát huy hết tiềm năng trong ngành và không có điều kiện chuyên tâm hành nghề.

Đổi mới trong tư duy phê bình ngày nay là ở chỗ thực hiện tốt chính sách tự do phê bình cùng với tự do sáng tác, xây dựng tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự bình đẳng, nghiêm túc về mọi vấn đề đặt ra của văn học, nghệ thuật.

Phê bình ngày nay cần phải khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm, sự đa dạng, phong phú trong văn học - nghệ thuật.

Nó đòi hỏi sự công tâm, công minh, tính chiến đấu và tinh thần trách nhiệm khắc phục sự nể nang, tâng bốc hoặc thô bạo, truy chụp tùy tiện, giáo điều, bè phái, cơ hội.

Phải nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, tính chuyên nghiệp của phê bình thấy rõ cái đúng / sai; hay / dở; độc đáo mới mẻ / chưa đạt, bất cập… ở từng tác phẩm, từng văn nghệ sĩ.

Trong bối cảnh đấu tranh tư tưởng phức tạp và giao lưu quốc tế về văn hóa, văn nghệ được mở rộng, phê bình cần chọn lọc những thành tựu mới và kinh nghiệm hay của nước ngoài đồng thời phê phán kịp thời những khuynh hướng văn nghệ lệch lạc, phản động, đồi trụy, lạc hậu, thực hiện diễn biến hòa bình, để văn nghệ ta phát triển lành mạnh phong phú.

Chỉ thị của Đảng quan tâm đến việc chăm lo đội ngũ những người hoạt động phê bình trong các cơ quan quản lý, báo chí, xuất bản, các Hội văn học nghệ thuật, cơ sở đào tạo chuyên ngành ở Trung ương và địa phương.

Tính khoa học và tính chuyên nghiệp của hoạt động phê bình, của đội ngũ phê bình được xem như là điều kiện tiên quyết đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả xã hội thiết thực của phê bình VHNT.

Tiếp sau Chỉ thị 52, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về VHNT trong thời kỳ đổi mới, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 8 (1998), đặc biệt là gần đây trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16.6.2008 về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, hoạt động phê bình văn học cùng với lý luận đã được đẩy mạnh: Thành lập và triển khai hoạt động các Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT ở Trung ương, địa phương, các Hội VHNT chuyên ngành; chăm lo xuất bản các công trình lý luận phê bình ở các nhà xuất bản; chăm sóc các trang báo với chuyên mục lý luận - phê bình ở các tạp chí VHNT các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT địa phương; bố trí, sắp xếp cán bộ có trình độ về lý luận - phê bình VHNT đảm nhận cương vị chủ chốt ở các cơ quan quản lý, xuất bản và báo chí; tổ chức các lớp tập huấn về quan điểm, nghiệp vụ nâng cao nhận thức về đường lối VHNT của Đảng, về hoạt động lý luận - phê bình trong triển khai chương trình công tác Hội trong nhiệm kỳ; định kỳ trao giải thưởng tặng thưởng thường niên hoặc 5 năm / 1 lần ở các cấp Trung ương, chuyên ngành, địa phương; trao tặng các danh hiệu cao quý NSND, NSƯT, nghệ nhân dân gian cho các VNS có thành tựu xuất sắc v.v…

Mặt yếu hiện nay là việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người hoạt động lý luận - phê bình thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của họ còn chậm và bị giới hạn. Việc đào tạo các thế hệ kế cận chuyên tâm hoạt động lý luận phê bình đồng đều ở các chuyên ngành còn chưa có sức thu hút cao đối với người học thuộc thế hệ trẻ. Làm sao cho với năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, sau một thời gian đào tạo chu đáo, có bài bản, những người học tốt nghiệp ra trường đều có một vị trí công tác phù hợp, đảm bảo tiếp tục phát triển tài năng và có thu nhập ổn định để yên tâm làm việc, cống hiến suốt đời cho chuyên ngành?

Phê bình văn học nghệ thuật vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật..Hiện nay, trong tương quan, mặt bằng chung, nhuận bút và kinh phí đầu tư cho các tác phẩm lý luận - phê bình (bài viết, sách in, đề tài khoa học các cấp) do các báo, tạp chí văn nghệ, nhà xuất bản, các cơ quan nghiên cứu và Hội đồng khoa học các cấp… chi trả cho những người thực hiện các tác phẩm, công trình nghiên cứu lý luận - phê bình còn thấp, chưa tương xứng với quá trình tích lũy, tự học và đào tạo công phu lao đông khoa học và nghệ thuật tâm huyết của họ. Điều đó đã hạn chế đối với sự chuyên tâm, hết lòng với nghề của họ, làm ảnh hương và giảm sút ít nhiều chất lượng khoa học của bài viết, công trình phê bình. 

Kiến nghị: -  Chú trong thường xuyên duy trì, nhắc nhở nhau thực hiên tốt ứng xử văn hóa, tôn trọng bản lĩnh , cá tính nghệ thuật độc đáo của nghệ sĩ, đôi thọai, trao đổi dân chủ, tự do trong phê binh, vì sự nghiệp xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Khẩn trương giúp đỡ tạo điều kiện cho tổ chức Hội những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình của từng chuyên ngành VHNT nói riêng (văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, múa, âm nhạc) được ra đời khi đủ điều kiện cần thiết theo quy định của Luật Hội nghề nghiệp đặc thù. Qua đó, giúp vào việc tập hợp đoàn kết đội ngũ,  bồi dưỡng, phát triển, phát huy sức mạnh đồng nghiệp của những người hoạt động chuyên tâm về lý luận - phê bình thuộc từng chuyên ngành văn học nghệ thuật. ( Việc này đã được nêu ra trong Chỉ thị 52 (1986) của Đảng về Phê bình VHNT- đã nhắc tới ở trên).

 

Hà Nội, tháng X năm 2019


 --------



(1) Thiếu Sơn - Tựa Phê bình và cảo luận; Câu chuyện văn học. Trong: Thiếu Sơn toàn tập, tập I, Nxb. Văn học, H.,2003, tr.48, 336-338.

(2) Hoài Thanh - “Phê bình văn”. Tiểu thuyết thứ Bảy, số 68, ngày 14.9.1935.

(3) Trường Chinh - Về văn hóa và nghệ thuật, tập I, Nxb. Văn học, H.,1985, tr.116-117, tr.121.

(4) Trường Chinh - “Phê bình văn nghệ”. Trong: Về văn hóa nghệ thuật, tập II, Nxb. Văn học, H.,1986, tr.200-207.

(5) Trong: Về lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới (Nguyễn Duy Bắc tuyển chọn), Nxb. Chính trị quốc gia, H.,2001, tr.33-37.



Powered by Froala Editor