Viện phương đông

10 tháng trước

TRƯỜNG CA "CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY" ... Đỗ Thị Kim Liên

Trong cuộc Tọa đàm khoa học về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", vì ở xa bà không có điều kiện tham dự, nhưng bà đã gửi cho chúng tôi một bài viết khá công phu.

Powered by Froala Editor


 
     GS.TS Đỗ Thị Kim Liên là cựu sinh viên K14, Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, bà được điều về làm CBGD tại Đại học Sư phạm Vinh, rôi đi Thực tập sinh tại Liện xô (cũ). Bà là một trong ba nữ GS của ngành Ngôn ngữ học. Ngoài nhiều bài báo và công trình nghiên cứu, bà còn là chủ biên cuốn " Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức" (Nxb KHXH, 2015). Hiện nay bà là giảng viên Khoa Ngôn ngữ ĐH PĐ.
      Bà cùng một số các giảng viên ĐHSP Vinh là những người rất hào hứng với các tác phẩm văn học và đã dành nhiều quan tâm đặc biệt cho các tác phẩm của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm động khi được bà cho biết bà và một số đồng nghiệp từng "đọc tập thể"  những tác phẩm của tôi viết liên quan đến nhà trường như: "Phía sau giảng đường", "Những kẻ giấu mặt", "Công trưởng Thời mở cửa".. .Thời gian bà đang thực tập tai LX cũng là lúc tôi cho xuất bản bộ tiểu thuyết "Hai đầu của bức thư tình " gây chấn động một thời. Khi bộ phim dài tập do tôi viết kịch bản "Công trường thời mở cửa" của tôi được công chiếu, trong nhiều cuộc họp chi bộ nơi bà công tác bà và các đồng nghiệp đã háo hức chờ phát sóng. Đó là những phần thưởng lớn nhất với chúng tôi, một người luôn cầm bút phục vụ bạn đọc. 
        Trong cuộc Tọa đàm khoa học về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", vì ở xa bà không có điều kiện tham dự, nhưng bà đã gửi cho chúng tôi một bài viết khá công phu. Thật cảm động khi một nữ GS.TS đã hơn bảy mươi tuổi vẫn dành nhiều thời gian bàn về tiếp cận liên môn Văn - Sử qua một tác phẩm văn học. Bài viết của bà là một gợi ý quí giá với kinh nghiệm lâu năm của nhà sư phạm và là nhà nghiên cứu. Để biểu thị sự kính trọng đối với bà, chúng tôi xin trân trọng đăng bài viết này để bạn đọc xa gần, nhất là các học sinh, sinh viên cùng tham khảo. 
            TRƯỜNG CA "CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY"   
                                          (Hữu Đạt, Nxb Hội Nhà văn, 2015, 2022)
                    Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương đông,
                              Tủ sách Tao Đàn Phương Đông
                                                      Đỗ Thị Kim Liên  
1. Thật may mắn, qua zalo, ngày mồng 2 tháng 4 năm 2023, bạn tôi gửi cho tôi chương 6. Những người mẹ (trong tập trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” của Hữu Đạt). Tôi đọc vội xong, sau đó liền ghi mấy dòng cảm xúc: “Chương 6 hay quá. Mẹ Âu Cơ nói lên hình tượng mẹ Việt Nam thông qua hình ảnh “lưng mẹ còng cõng hai đầu đất nước cho một dải non sông chữ S hóa hình hài…” 
Tôi rất thích tập thơ, không biết tìm ở đâu thì thật không ngờ sau đó vài ngày, tôi lại có trong tay cả tập trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” nguyên bản. Với sự trân trọng,  nể phục, tôi cầm bút viết những dòng này gửi đến người sáng tác, nhà thơ, nhà điêu khắc lịch sử PGS. TS Hữu Đạt.
2. Những năm gần đây và đúng năm nay – năm quý Mão 2023 - đất nước ta bước vào thời đại bốn chấm không (viết là 4.0) chính thức từ 19.9.2022. Đây là cuộc công nghệ 4.0 diễn ra tại hầu hết các nước trên thế giới với nhiều thay đổi nhanh như cơn lốc. Với tốc độ đó, nhiều sự kiện lịch sử sẽ đi vào quên lãng. Phải có cách gì để trí tuệ con người có thể chụp lại lịch sử đất nước trong một trăm năm để dạy cho người học là học sinh, từ khi Thực dân Pháp bắt đầu nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (đầu  tháng 9-1858) rồi chiếm lục tỉnh Nam kì. Trong thời kì đó, những bậc hào kiệt yêu nước đã cùng những người dân Việt Nam đã bền gan chống trả. Biết bao hy sinh xương máu đã đổ cho đến khi giành lại được độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945.
 Thực tế cuộc sống quanh trái đất hết sức sinh động và đa dạng, dưới tài năng của các nghệ sỹ, chúng được định dạng cố định giống như những bức tranh đẹp nổi tiếng trên thế giới trường tồn vượt thời gian của các danh họa: Leonardo da Vinci (Người Ý), Pablo Picasso (người Tây Ban Nha), Vincen van Gogh (người Hà Lan), Paul Cé zanne (người Pháp)… Để giúp các em học sinh (người tiếp nhận) có thể nắm lịch sử dân tộc dễ nhớ và dễ thuộc, Hữu Đạt đã làm được điều này.          
Nội dung tập trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” gồm có 12 chương, với những nét chấm phá sắc nét, giàu hình ảnh, qua đó bức họa về lịch sử dân tộc Việt Nam một trăm năm được hiện lên. 
Chương 1. Khát vọng mùa thu (tr.5-9)
Bài dạy lịch sử được tính thời gian gần một trăm năm, dân Việt Nam sống trong xích xiềng nô lệ. Dấu mốc được ghi lại nổi bật lên thông qua hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay vào những ngày mùa thu trong không gian - nước Việt Nam ta vừa mới giành được độc lập: “Huế - Sài Gòn tháng ngày sôi sục/ Cờ đỏ tung bay trên khắp phố phường/ Vua Bảo Đại cúi đầu dâng kiếm/ nói một câu còn mãi đến muôn đời/ Nước độc lập tôi làm dân còn sướng/ hơn làm vua một đất nước bề tôi ”
Chương 2. Cuộc kháng chiến chín năm (tr.10- 13)
Nhưng rồi, lịch sử đất nước đã trải qua cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đầy hy sinh xương máu, gian khổ suốt chín năm ròng. Giai đoạn đầu, khi cả đất nước chúng ta mới giành được độc lâp tự do vào mùa thu năm 1945, Thực dân Pháp trở mặt quay lại đánh chiếm xóm làng Việt Nam, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bác đã phát đi lời kêu gọi đồng bào/ toàn quốc đồng lòng triệu người như một/ tuốt gươm thề dưới cờ đỏ vàng sao.” Giai đoạn hai, để giữ gìn lực lượng, bảo vệ đầu não, Bác đã ra lệnh rút lui chiến lược, đó là rút khỏi thủ đô. Nhà thơ, nhà sử học Hữu Đạt khắc họa hình ảnh rất đáng khâm phục và tự hào sự chiến đấu của quân dân ta với đội quân tinh nhuệ Pháp: “Suốt mấy tháng giằng co chiến đấu/ Trung đoàn Thủ đô giữ chân giặc trong thành, cuộc đọ sức của đội quân non trẻ / với những binh đoàn của đế quốc lừng danh”. Câu thơ kết thúc chương hai nói lên nỗi lòng của những người lính chiến đấu đi cùng Bác khi chia tay Hà Nội: “Đoàn quân đi trong đêm lặng lẽ/ Ngày cuối thu se lanh gió bời bời/ Tiếng hát khẽ trên môi người lính trẻ/ Ta nhớ nhiều, nhớ lắm, Hà Nội ơi…(tr.13)
Chương 3. Mãi mãi Điện Biên (tr.14 -  23)
Hai tiếng Điện Biên đã đi vào lịch sử, được cả thế giới biết đến, khâm phục. 
Trong khổ thơ mở đầu có câu kể về thời gian anh xa nhà để đi chiến đấu diễn ra lâu rồi “Từ thuở ấy anh đi /đã bao mùa lúa trổ/ áo chiến binh đã sờn bạc mấy lần…” thì ở khổ thứ hai câu kể này được lặp lại theo phép điệp cú pháp: “Từ ấy anh đi/ bên cánh rừng Trần Hưng Đạo/ vẫn âm vang tiếng hát/ Ba mươi tư người lính đầu tiên /lớn lên từ núi rừng Việt Bắc” đã nói lên sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, từ ba mươi tư chiến sĩ vụt cao lớn tựa Thánh Gióng, đánh cho quân thù run sợ. Cuộc chiến đấu giữa quân đội ta còn non trẻ và Thực dân Pháp già dặn, được trang bị vũ khí hiện đại, cuối cùng chúng ta đã chiến thắng là có hai lý do:
Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra tài chỉ huy quân sự của thầy giáo – đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thầy giáo sử tuổi thanh xuân đứng lớp/ nay là Anh - Tư lệnh những binh đoàn/ Bác tin tưởng giao cho Anh trọng trách/ Bằng giá nào cũng phải thắng Điện Biên”.
Thứ hai, sức mạnh đoàn kết một lòng đậm tình quân dân theo chiều dài chiến dịch là nguyên nhân làm cho Thực dân Pháp thất bại, tướng Đờ cát đầu hàng. Bên cạnh việc sáng suốt chọn lựa vị chỉ huy tướng Giáp, Bác của chúng ta còn nhìn ra sức mạnh đoàn kết toàn dân đóng góp vào cuộc chiến đi đến thắng lợi: “Đường hỏa tuyến dân công đi tải đạn/ vui như mở hội lúc xuân về/ Xe đạp cũ cũng hóa thành người lính/ Cũng đồng hành theo mỗi bước quân đi”.
Nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại trong bài Ta đi tới  khi nước Việt Nam ta giành chiến thắng Điện Biên: “Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ! Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ/ Bắp chân đầu gối vẫn săn gân/ Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần/ Tháng Tám mùa thu xanh thắm” [1, Tố Hữu, Ta đi tới]
Chương 4. Khi chúng tôi lớn lên (tr.24-38)
Đây là chương nói đến thời kì đất nước Việt Nam một dải bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc. Cầu Hiền Lương vĩ tuyến 17 trở thành cột mốc ngăn cách, nửa bên này bờ Bắc đi theo Đảng, Bác Hồ thuộc phe xã hội chủ nghĩa còn nửa bên kia, bờ Nam lại theo con đường dưới sự dẫn dắt của tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng những người dân sinh sống hai miền vẫn là anh em, gia đình bị chia ly nên nỗi đau chia cắt vẫn đi theo năm tháng. Chúng tôi, thế hệ tiếp nối lớn lên trong nỗi đau chia ly đó: “Ngày tập kết anh đi/ qua núi rừng xa lắc/ người ở lại hướng về miền Bắc/ người ra đi ngoảnh lại phía trời Nam/ Khác chi chuyện Âu Cơ thửa trước/ bọc trưng trăm con, đất nước Hồng Bàng”. 
Chương 5. Cuộc đối đầu lịch sử (39-45)
Tiếp theo chương 4, chương 5 ghi lại sau khi hiệp định Hiệp định Genève 1954 được kí kết  thì Đế Quốc Mỹ nhảy vào miền Nam tiếp tay cho lính Ngụy quyết bắt dân ta quỳ gối đầu hàng. Chúng lùa dân vào trại tập trung, chúng lập ấp chiến lược, lê máy chém đi khắp miền Nam. Nhưng không, người Việt Nam không đầu hàng, cả hai miền Nam - Bắc đồng lòng, đoàn kết quyết chống trả: “Ta bày trận khắp hai miền đất nước/ một thế trận nhân dân/ một thế trận anh hùng/ hơn nửa triệu quân viễn chinh/ bị xiết giữa vòng vây không lối thoát”. Thật sung sướng, tự hào khi nhắc đến những địa danh đi vào lịch sử: “chiến thắng Bầu Bàng, Ấp Bắc lại Tà Cơn, Lũng Cú, Khe Sanh” (tr.41). 
Với chiến lược “đánh và đàm”, ta và Đế quốc Mỹ đấu nhau từng câu chữ “giành giật nhau từng một góc chiến hào” dẫn đến Đế Quốc Mỹ chơi bài lật lọng “ký tắt rồi lại đột ngột quay lưng/ Một lần nữa, Mỹ tung bài chiến lược” khiến cho “cả đất nước đều nhìn vào miền Bắc/ Hà Nội ơi có đứng vững được chăng?” Câu hỏi tu từ được tác giả Hữu Đạt sử dụng, một lần nữa, khẳng định vị thế hiên ngang quyết đánh đến cùng của quân dân Việt Nam ta. Chỉ có trả lời bằng đánh trả và chiến thắng mới làm cho chúng quy phục: “Mỹ choáng váng, pháo đài bay bị hạ…để một nửa máy bay chiến lược/ để không lưc Huê Kỳ rơi rụng khắp lối đi” (tr.43).
  Chương 6. Những người mẹ (tr.46-48)
Trong cuộc chiến đánh nhau giành từng tấc đất giữa ta và Đế Quốc Mỹ, chúng ta không thể không biết ơn những người mẹ Việt Nam sinh ra những người con ra trận. Mẹ là con của Âu Cơ “làm nên điệu múa trống đồng’’, mẹ đã biết hy sinh hạnh phúc của riêng mình cho chồng, cho con ra trận và trong số đó, hàng triệu người con không trở về cho độc lập tự do của tổ quốc, như câu thơ “Tổ quốc hỡi nghìn năm không có mẹ/ Hỏi còn đâu thi sĩ với anh hùng? Mẹ - điểm tựa cho con, cho đất nước/ Vóc thân gầy đã hóa dáng núi sông. (tr.48)  
Chương 7. Mái trường Đại học (tr.49- 60)
 Thật đáng tự hào, đất nước ta, theo Hiệp định kí kết, dù tạm thời chia ra hai miền Nam - Bắc, dù miền Bắc đang bình yên lại hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn của Đế Quốc Mỹ nhưng các em vẫn đến trường. Bố đi bộ đội, em cùng mẹ đi sơ tán. Lớp học dựng lên dưới rừng cây. Tuy còn thiếu ăn, thiếu mặc nhưng các em vẫn học liên tục 10 năm cho đến khi vào đại học. Bàn chân các em quen bước trên những con đường cát bụi hay lầy lội băng đồng nay lại ngỡ ngàng đứng trước cổng trường đại học các khoa: văn sử, toán lý hóa ở thủ đô Hà Nội. Ngòi bút của tác giả Hữu Đạt đã dừng ở khoa Văn học đóng ở Mễ Trì, vì đây là khoa mà sinh viên ưa chuộng, giàu chất văn chương. Đến năm 1970, cả khoa Văn sơ tán: “Lớp không học từng tuần theo lịch cũ/ ngôi trường xưa địch oanh kích nhiều lần/ đêm sơ tán bạn nhớ anh không ngủ/ lớp vắng dần sau mỗi đợt tuyển quân.” Các bạn nam sinh viên vừa mười tám đôi mươi, mới theo học được năm thứ nhất, đã gác bút nghiêng nhập ngũ ra trận. Nỗi niềm chia ly diễn ra ngay trong trường đại học: “Một lần nữa lại một người ngã xuống/ lớp thêm một người ở tiền tuyến hy sinh/ Giờ truy điệu cờ rủ ngay trước lán/ ai cũng đau như mất ở lòng mình/ một chút tuổi xuân/ đi như không về nữa/ một chút tình yêu đắm say trong dang dở/ một chút ước mơ vội vã chứa thành hình (tr.60). 
Chương 8. Những ngôi làng (tr.61-67)
Nói đến văn hóa Việt là nói đến văn hóa làng. Vùng “đồng bằng Bắc Bộ là nơi diễn ra các hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân trồng lúa nước, đồng thời cũng là không gian sinh hoạt, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc với nhiều đặc trưng, trong đó nổi bật là tính cộng đồng, tính tự trị, tính dung hợp trong tư duy. Văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ có vai trò to lớn đối với việc hun đúc nên tâm hồn Việt, các giá trị đạo đức, nhân văn” [2]. Nói đến văn hóa Bắc Bộ, nơi đây gắn với những ngôi chùa, đình làng; cây đa, bến nước; lá trầu cây cau; em chăn trâu cắt cỏ; … Người Việt Nam ai cũng sinh ra và lớn lên từ làng. Trong thơ mình, làng được Hữu Đạt sử dụng là từ đơn tiết “làng”, hoặc là từ ghép, trong đó có một yếu tố làng đứng trước hoặc đứng sau, thể hiện sự quen thuộc gần gũi của làng Việt, như: xóm làng, làng nước, làng quê (từ ghép đẳng nghĩa); ngôi làng, tên làng, trai làng (từ ghép phân nghĩa); làng gắn với những vùng đất người Việt sinh sống khác nhau: làng trung du, làng châu thổ, làng ven biển, làng chiến khu, làng bưng biền… Ta bắt gặp làng trong thơ Hữu Đạt thật gần gũi thân thương: “Thời chinh chiến anh đi/ những ngôi làng anh qua/ không thể nào nhớ hết/ làng trung du tán cọ xòe bóng mát/ điệu hát xoan dìu dặt bóng trai làng.” (tr.63)
Chương 9. Trận đánh cuối cùng.(tr.68 - 75)
    Mẹ nuôi các con lớn lên từ sau lũy tre làng để nối gót cha anh đi vào cuộc chiến, và sau chặng đường ba mươi năm là trận đánh cuối cùng đầy tổn thất cam go, nhằm đánh đuổi Đế Quốc Mỹ cút khỏi miền Nam: “Trận đánh của ba mươi năm gian khổ/ Ba mươi năm, sóng sông Hồng nức nở/ trào sôi chín khúc Cửu Long giang/ trận đánh này cả dân tộc chờ mong/ cả thế giới cũng nghẹn ngào nín thở”. Thời gian không dừng lại. Lịch sử Việt Nam không bao giờ quên những ngày đội quân các con là những người lính xung trận trùng trùng tiến vào Sài Gòn đánh trận cuối cùng: “Tất cả tiến lên theo đội hình hàng doc/ tên lửa, xe tăng bộ binh thiết giáo/ những con đường tít tắp bóng ngụy trang/ rầm rập bước quân hành/ đêm mùa xuân đất nước đã trở mình.” Thừa thăng xông lên, quân ta ào ào xốc tới buộc tổng thống Dương Văn Minh phải lên truyền hình tuyên bố đầu hàng. Việt Nam ta đã giành chiến thắng thống nhất đất nước ngày 30.4.1975.
Chương10. Đất nước chuyển mình (tr.76-80)
 Đất nước ta thống nhất được mười năm nhưng đói nghèo vẫn bám đuổi sau lưng từng bước. Bên cạnh đó, Mỹ lại tuyên bố lệnh cấm vận khiến đất nước điêu linh. Trước thực tế đó, Đảng ta nhận thấy cần phải thay đổi, phải đổi mới, không nên cứng nhắc quan liêu sẽ kéo lùi lịch sử. Câu thơ nói thay chúng ta nhận thức mới đó: “Thêm một lần lịch sử bước sang trang/ Ta bước tiếp những chặng đường đổi mới /xây dựng nước ta thật to đẹp đàng hoàng/ để làm trọn những điều Bác mong trong di chúc/ Thắng giặc Mỹ xong rồi đất nước phải đẹp hơn.” (tr.79)
Chương 11. Thách thức.(tr.89-88)
 Nhiệm vụ trước mắt và phía trước lâu dài đã đặt ra cho Đảng ta, nhưng thực hiện được mới khó khăn chồng chất. Chúng ta đứng trước những thách thức: 
- Thật đau đớn, chúng ta gặp cái ác bộc lộmột cách trắng trợn: “Nhưng cái ác lại lượn lờ/ và đồng tiền đang phá/ những đạo đức ngàn đời tan như bọt sóng reo.” (tr. 81)
- Sống trong xã hội ngày nay, con người phải lao động mới có miếng ăn nhưng  vẫn còn: “Biết bao kẻ học hành dang dở/…thời đánh giặc chỉ nhơn nhơn dạo phố/ mà hôm nay lại quá mức sang giàu”. Vậy công bằng, công lý ở đâu?
- Những con người một thời thanh xuân tuổi trẻ đã cống hiến sức mình cho tổ quốc, nay tuổi già sức yếu lại nhận sự đói nghèo. Chúng ta gặp: “Thương biết mấy những ai chinh chiến/ sống chết đạn bom vết tích đầy người/ áo trĩu nặng huân chương đỏ ngực/ mà lại nghèo đến rớt mồng tơi.” 
         - Thời kinh tế mở cửa, dân bớt đi cái đói nhưng kéo theo đồng tiền làm biến chất một số người, kể cả người có chức quyền “Kẻ chức quyền vung bạc mướn học thuê”; và những quan chức này nặng thói tham ô, cất giữ tiền túi : “Những tháng ngày hốt bạc như mơ/ dự án mở thênh thang khắp chốn/ Nhà chưa xây tiền túi đã gom đầy/ đất của công lấy từ tay dân chúng/ đền bù chẳng là bao mà giá đắt trao tay”. 
 Trước thực tế như trình bày trên đây, chúng ta nhận ra con đường Đổi mới còn đầy chông gai và thử thách, cũng  như ra trận có cả hy sinh mất mát.
Chương 12. Thế hệ chúng tôi.(tr.89- 92)
 Thế hệ chúng ta nối tiếp ông cha bước vào thời kì lịch sử mới nhưng không quên quá khứ đau thương: “Thế hệ chúng tôi/ lớn lên thời trận mạc/Lửa chiến chinh cháy khắp các thôn làng/ Liệu có nơi nào trên trái đất/ Dòng họ nào cũng phải có khăn tang?” Trong đoạn thơ trên, câu hỏi tu từ xoáy vào tâm trí người tiếp nhận như lưỡi dao khía vào tim rỉ máu, bởi “ có người hại sau lưng”. 
Tiếp sau, Hữu Đạt đã dùng phép điệp từ ngữ tạo ý nghĩa nhấn mạnh mà người Việt Nam, mỗi gia đình ít ra là ba thế hệ (cả thế hệ chúng tôi) chịu đau thương mất mát:
Chẳng có nơi nào trên trái đất
Như quê tôi đất nước Việt Nam
Trong mỗi căn nhà đều có màu áo lính
Trong mỗi góc phố đều có người ra trận 
Trong mỗi căn buồng đều có cuộc chia ly
Trong mỗi buổi chiều đều có người mẹ khóc
hay tin con chết trận chẳng trở về. (tr.91)
.   Và Hữu Đạt đã nhắc chúng ta: “thế hệ hôm nay nhiều người ngơ ngác lăm/ sống loanh quanh chỉ biết có đồng tiền” đâu biết “mỗi cột biên vẫn còn đẫm máu”, đâu biết những sóng cồn biền đảo vẫn còn gào vang dữ dội. 
 Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là “Phải giữ, giữ từng tấc đất/ thửa ông cha khai khẩn nhọc nhằn/ dù máu đổ quyết không để mất/ Giọt mồ hôi người đi trước đã gian nan/ xây bờ cõi cho cháu con muôn thuở”.
 3. Bản trường ca, bài học lịch sử về cuộc kháng chiến trường chinh gần một trăm năm của dân tộc Việt Nam với tên gọi “Cuộc chiến mười ngàn ngày” của nhà văn Hữu Đạt đã giúp chúng ta rút được những bài học:
  - Nước Việt Nam ta có lịch sử bốn nghìn năm, gắn với truyền thuyết bà Âu Cơ lấy Lac Long Quân sinh ra cái bọc trăm trứng và nở ra trăm con trai. Khi các con lớn lên thì 50 con theo mẹ (vốn gốc tiên) ở lại trên đất, còn 50 con trai theo bố (vốn gốc rồng) xuống biến gây dựng bờ cõi ở phương Nam. 
Ngày 1/9/1856 Thực dân Pháp chính thức nã phát súng đầu tiên vào Đà Năng xâm lược Việt Nam. Sau gần ba mươi năm giành giật, nhiều nghĩa sỹ yêu nước cùng người dân đánh trả chống lại Pháp nhưng cuối cùng thất bại. Thực dân Pháp hoàn toàn thống trị Việt Nam, chúng ta chìm trong ách thống trị của Thực dân Pháp suốt 80 năm.
Tháng 9 mùa thu năm 1945, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập.
Từ năm 45 đến 1975, chúng ta đã hai lần đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ dù trải qua bao hy sinh xương máu, biết bao người con đã ngã xuống, bao người mẹ khóc cạn nước mắt.
Bước sang thời kì mới, chúng ta xây dựng đất nước giàu mạnh theo lời căn dặn của Bác Hồ trước lúc đi xa, nhưng để thực hiện được ước nguyện đó, chúng ta phải đứng trước nhiều thử thách cần phải chiến thắng vượt qua. 
Tài liệu trích dẫn
Hữu Đạt, Cuộc chiến mười ngàn ngày (trường ca), Nxb Hộii Nhà văn, 2022.
 Tài liệu tham khảo
1. Tố Hữu, Ta đi tới, 1954.
2. Văn hóa Việt Nam Wikipedia tiếng Viêt, https: www. vi. Wikipedia.org.
Tất cả cảm xúc:
48Tùng Vũ Thanh, Hải Triều và 46 người khác

Powered by Froala Editor