Viện phương đông

3 năm trước

Truyện “Tầm lan” của Dương Duy Ngữ - Nguyễn Thị Phương Thùy

Dương Duy Ngữ nói về thú chơi địa lan thanh cao của dân sành chơi Bắc Hà nói riêng và dân chơi địa lan nói chung, nhưng lồng ghép vào đó là cách trải đời, nhìn đời, sự chiêm nghiệm và nói với đời về chính cuộc đời, về lẽ sống của con người trong trăm nghìn mối quan hệ với thiên nhiên, với xã hội bằng một lăng kính, bằng một nhân sinh quan rất Đẹp

Powered by Froala Editor

          Truyện “Tầm lan” của Dương Duy Ngữ


                                                     Nguyễn Thị Phương Thùy (*)

                                                          

Bắt đầu bằng một cái tên giản dị mà ấn tượng: “Tầm lan”! Tầm không chỉ là tìm kiếm mà còn phải sưu tầm nữa. Phải dày công và tâm huyết. Đó là cái “duyên nghiệp” cả một đời người, cả mấy đời của một dòng họ. Đó là cái thú chơi tao nhã ở đất kinh kì Thăng Long từ xưa mà không phải người dân nào xứ Bắc Hà cũng có đủ cái tâm, cái tình, cái trí để biết tầm lan. Người chơi lan xứ Bắc thuở trước không phải là ít nhưng người thưởng thức lan ở thứ bậc Tầm lan thì chỉ có thể xếp vào loại hi hữu, mấy khi có được trong đời! Vua nhà Nguyễn thời trước, vì đam mê cái đẹp tinh túy thuần khiết của hoa địa lan mới đặt ra cái chức quan Tầm lan là vì thế, đặc biệt, độc đáo và biết vì cái đẹp, biết tôn thờ cái đẹp!

          Truyện “Tầm lan”( Nxb QĐND 2005) của Dương Duy Ngữ đưa bạn đọc vào một thế giới của nghệ thuật, nghệ thuật như một thực thể hữu sinh trong cuộc sống, nghệ thuật một cách tinh tế, tự nhiên như cái vốn sẵn có trong tiềm thức của nhà văn. Những dòng viết tuôn chảy đều đặn như lời tự sự, hồi tưởng về hình ảnh của một ông giáo- cụ Mộng Tiên. Lấy nhân vật chính là một người thầy, một cụ giáo theo Nho học, đó là hình ảnh quen thuộc của khá nhiều truyện ngắn thời hiện đại. Nhưng sự đột phá của Dương Duy Ngữ là ông khai thác và xây dung về hình ảnh cụ giáo gắn với những suy tư, trăn trở với nghiệp Tầm lan- một cái nghiệp đeo đuổi đằng đẵng mấy đời truyền thống của gia tộc, gắn với thú chơi cây thanh nhã mà cao sang của dân chơi Bắc Hà. Những người sành về các loại thú chơi, họ dành thời gian cho rất nhiều thứ như thú ẩm thực (với phở gia truyền, bún chả, bún thang, bánh đúc chấm tương, bánh dầy Quán Gánh, chè hoa cau, giò, xôi vò,), các thú vui liên quan đến cầm, kỳ, thi, họaRiêng về thú chơi hoa, cây cảnh, cũng có bao nhiêu loại cây cảnh xứ Bắc. Đến Nhật Tân hay Quảng Bá bây giờ, lạc vào thế giới của muôn loài hoa, say mình trong những vườn đào đầu xuân tràn khí sắc tươi trẻ, đắm mình trong những vườn quất vàng ươm như rót mật hay ngây ngất giữa trăm nghìn loài hoa, như lạc vào một cõi tiên, như thực như mơ, mấy ai hiểu được cái khó, cái gian truân của người trồng. Nhưng nếu chỉ dừng ở những thú chơi quen thuộc ấy, có lẽ Tầm lan đã không gieo vào người đọc sự bâng khuâng vương vấn khôn nguôi như thế! Thú chơi hoa lan, mà phải là địa lan! Am tường về các loại hoa địa lan, thấu hiểu tâm sự của người biết chọn sự tinh túy trong những cái Đẹp, Dương Duy Ngữ cày sâu vào mảnh đất ít người dám xông pha- viết về nghiệp và cái tâmTầm lan!

           Câu văn viết giản dị, đôi khi thể hiện sự chân chất, mộc mạc nhưng lại thấm thía đến tâm can. Cũng phải là một người biết nâng niu, trân trọng địa lan, cũng phải là một người biết tôn thờ cái đẹp và rất sành thú chơi nơi đất Hà thành, Dương Duy Ngữ mới rót vào những câu văn đậm đà hương vị địa lan như thế. Không chỉ là biết đến địa lan bởi những cái tên muôn màu muôn vẻ như Đại mặc nhị thể, Cẩm tố, Thanh ngọc, Hoàng vũ, Đại kiều bạch ngọc..., nhà văn còn tỉ mỉ chau chuốt cái giá trị của địa lan: “Bình thường địa lan mỗi thân chỉ ra ba hoặc bốn lá thôi. Đằng này địa lan nhà cụ ra những sáu lá kia. Thân lá dựng đứng, vút cao, xanh đen, bóng láng trông mới kiên cường, bất khuất làm sao. Chậu địa lan này phải đặt bên cạnh chậu Hoàng vũ, mới thấy hết cái đẹp. Hoàng vũ lá cong tựa cánh cung, uyển chuyển, mềm mại như gió, như nước. Vậy là vừa có cương vừa có nhu. Chơi địa lan, chơi lá là chính. Lá càng lạ càng quý. Một năm chỉ có một tháng chơi hoa còn những mười một tháng chơi lá cơ mà. Còn hoa thì khỏi nói, chưa một thứ hoa địa lan nào sánh được với hoa chậu lan quý nhà cụ. Giò hoa thẳng tắp, vút cao như thân trúc quân tử. Mỗi giò có từ mười sáu đến mười tám bông. Nụ hoa căng mọng tựa nhộng tằm mới nở. Cánh hoa, lưỡi hoa trong như ngọc. Giống như đặc tính của các loài hoa địa lan, hương hoa lúc ẩn lúc hiện, lúc có lúc không? Nhưng khác ở chỗ, hương hoa địa lan gia truyền nhà cụ toả rất xa. Mùi thơm thanh đậm đến kỳ lạ, đến giật mình khiến người bộ hành sững người, sửng sốt, dừng chân, thiếu nữ căng ngực hít thở vào không khí. Nhưng lúc ấy mùi thơm kỳ diệu thoắt biến mất.”. Chỉ bằng một đoạn văn ngắn gọn, súc tích, tri thức về thú chơi, về sự sành sỏi, cái tâm cái tình, cái nghệ thuật, tinh tế của nghiệp chơi lan đau đáu cả đời của cụ Mộng Tiên đã được bộc bạch “đến nơi đến chốn”, sâu thăm thẳm khắc vào tâm khảm người đọc. Mà đó cũng là tâm can của người viết! Tâm can hết lòng với địa lan! Tầm lan đâu chỉ đơn thuần nói về sự chọn lọc tinh tế, chơi hoa chỉ 1 tháng và chơi lá 11 tháng trong năm! Tầm lan đâu chỉ nói về lá hoa địa lan, về thân hoa, giò hoa, tên hoa, các loại hoa lan, đâu chỉ  tỉ mỉ và cẩn thận trăn trở với cái đẹp của địa lan được chạy dọc theo một loạt thông tin về nụ hoa, cánh hoa, lưỡi hoa, hương thơm của hoa! Chơi lan đâu chỉ là thú chơi, là một nghệ thuật chơi! Đó còn là nghệ thuật sống. Sống đến mức nghệ thuật! Lá loại lan “Hoàng Vũ cong tựa cánh cung, uyển chuyển mềm mại như gió như nước. Vậy là vừa có cương vừa có nhu.”.  Phải chăng, một người thấm nhuần cái khí chất về đạo cương- nhu trong cuộc sống mới  có thể viết được những dòng miêu tả không chỉ trau chuốt về văn chương mà còn dồn nén cả chất đạo lý với đời như thế? Từ cái cương-nhu của hoa, của lá mà nói về cái cương- nhu trong lẽ sinh tồn của con người, đời người!

          Cái sức hút của Tầm lan không chỉ là sự kỳ công của những người tầm lan “lặn lội khắp nơi để tầm lan”! Cái làm đăm đắm hồn người không chỉ dừng lại ở việc tầm lan như một “công cuộc” tìm kiếm, lựa chọn đầy khó khăn, gian khổ, tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc: “Ông ta lên tận Đà Bắc, Hoà Bình, xuống đò ngược sông Đà mấy ngày đêm liền mới kiếm được vài thân địa lan thuộc một trong bốn loại được người Trung Quốc xưa xếp vào Tứ đại Thiên vương như Tống mai, Tập viên. Theo họ đó là bốn loại địa lan quý hiếm nhất. Ông Cung phấn chấn khẳng định ở rừng Vân Nam, Phúc Kiến... Trung Quốc mới có thứ lan quý ấy mà ngay ở rừng ta cũng nghiêng ngửa chẳng kém. Vẫn cái nhà ông Hoàng Gia Cung ấy lại ngược lên chuyến đi Nà Rì, Bắc Cạn, mang về được thứ địa lan Thanh Cẩm tố, nghĩa là cẩm tố xanh. Và vẫn cái nhà ông Cung này bỏ cả cái phép năm gần chục ngày về Yên Tử. Ông Cung nhờ hai bố con người thợ rừng cơm nắm, nắm đùm vào mãi thung sâu, đi mất bốn ngày, về mất bốn ngày, mỗi ngày trả cho mỗi người ba chục ngàn đồng, đồ ăn đường, tăng võng, ông Cung chịu hết.”. Cái thấm thía của Tầm lan không chỉ là sự “khắt khe” đến tận “chân tơ kẽ tóc”, đến mức tinh lọc theo “khuôn vàng thước ngọc”: “Sau tám ngày giời, bố con người thợ rừng gánh về cho ông ta hai gánh địa lan. Ông Cung đem về Đồ Sơn, chăm bẵm, tưới tắm ba bốn năm trời mới chọn ra được mấy thân Hoàng Cẩm tố còn toàn là lan chợ, bỏ đi bằng hết.”. Cái thấm đượm của Tầm lan không chỉ là có nói về cái tích vua Nguyễn đặt ra chức quan Tầm lan để cất công “gánh” cả cái đẹp của địa lan trên khắp xứ sở đất Việt về hoàng cung, để đem cái đẹp thanh khiết về thắp sáng không gian nơi nhung gấm cung điện và thắp sáng tâm hồn của nhà vua- người vốn được hưởng mọi thứ của ngon vật là khắp thế gian! Cái giá trị cao quý của Tầm lan không chỉ là địa lan có những loại có thể lên đến bạc tỉ, làm con người ta có thể “đổi đời”, ăn sung mặc sướng cả đời không hết: “Còn ông ta chơi mỗi chậu phải chục thân trở lên. Mỗi thân bỏ rẻ cũng năm, bảy trăm ngàn. Cả vườn Hoàng vũ nhà ông ta trị giá đến hàng tỉ bạc cơ mà.”. Cái thâm trầm và thanh cao của Tầm lan không chỉ là cái chất nghệ thuật lan tỏa từ hương thơm quyền quý lúc ẩn lúc hiện làm say lòng người, làm “chao đảo” hồn người:  “Mùi thơm thanh đậm đến kỳ lạ, đến giật mình khiến người bộ hành sững người, sửng sốt, dừng chân, thiếu nữ căng ngực hít thở vào không khí. Nhưng lúc ấy mùi thơm kỳ diệu thoắt biến mất.”.

          Tầm lan là cả một nghệ thuật về thú chơi! Là cả sự sành điệu của dân Bắc Hà đến nỗi là tâm can, là cái nghiệp cả đời. Tầm lan là cả tấm lòng trân trọng và vốn kiến thức sâu sắc của nhà văn về địa lan. Nhưng như thế chưa đủ! Như thế chưa đích thực là cái gốc rễ, cái hồn, cái chất của Tầm lan!

          Tầm lan, ở mức độ cao hơn, còn là một triết lí về cuộc sống, về cái đẹp và về nghệ thuật. Tầm lan sẽ sống lâu trong lòng người đọc bởi cái khí chất thăm thẳm lưu truyền trong các quan niệm sống về lẽ cương-nhu, về cái tinh túy “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, về những giá trị đích thực và những giá trị của cái đẹp “Đâu phải cứ có tiền là mua tiên cũng được Nghệ thuật chính là ở chỗ Dương Duy Ngữ nói về thú chơi địa lan thanh cao của dân sành chơi Bắc Hà nói riêng và dân chơi địa lan nói chung, nhưng lồng ghép vào đó là cách trải đời, nhìn đời, sự chiêm nghiệm và nói với đời về chính cuộc đời, về lẽ sống của con người trong trăm nghìn mối quan hệ với thiên nhiên, với xã hội bằng một lăng kính, bằng một nhân sinh quan rất Đẹp!

          Tầm lan, đâu chỉ đẹp và tinh túy vì lá, vì hoa, vì hương sắc, vì sự dày công tầm cho bằng được, tầm bằng mọi giá của biết bao người thuộc đủ các tầng lớp trong xã hội theo các phương thức thưởng thức khác nhau. Tầm lan, cao hơn thế, là cả một tấm lòng biết gìn giữ giá trị gia tộc, biết tôn thờ cái đẹp đến mức như tôn thờ sự thiêng liêng, là tấm lòng và thái độ phải đi đến tận cùng của sự thưởng thức và trân trọng. Trân trọng không chỉ bằng lời nói, bằng sự miêu tả, bằng sự tìm kiếm và lựa chọn mà còn phải cảm nhận bằng việc huy động tất cả các giác quan nhạy cảm của con người, hồn người “đã nhìn tận mắt, đã sờ tận tay”, rồi đến mức như cụ Mộng Tiên vì mê hoa địa lan mà sinh ra “khác thường”: “Cụ sinh ngơ ngẩn như kẻ tương tư. Người vợ trẻ thấy lạ. Nàng cứ tưởng cụ bị ma ám.”. Xây dựng hai tuyến tình tiết, xây dựng hai mặt tương phản để làm nổi bật nội dung trung tâm của cốt truyện là một trong những nghệ thuật, bút pháp của Dương Duy Ngữ. Đặt cái nhu cầu mê lan, muốn dành dụm và có được đến cùng chậu địa lan quý của cụ giáo trong thế đối lập với cái khó khăn phải đối mặt là không đủ tiền mua chậu lan, Dương Duy Ngữ cũng phản ánh được một thực tế không đơn giản: có nhiều chông gai trên con đường đến với cái đẹp, một trong số đó là sự cản trở của đồng tiền. Nhưng cũng vì thế, giá trị của cái đẹp, của tấm lòng ưu ái với cái đẹp, và cao hơn là với tâm huyết của con người- của chính mình không bao giờ bị lụi tàn, nó như được tiếp thêm sức mạnh để “tức nước vỡ bờ”, để trong khó khăn thì lại càng có sự bứt phá! Đó là tấm lòng thương yêu hết mình của người vợ thảo hiền sẵn sàng đổi đôi hoa tai (của hồi môn của mình) để tầm lan về cho chồng. Đó là tấm lòng vì nghĩa, dù muốn đến với cái đẹp nhưng vẫn không vì thế mà mất hết cả tâm trí và tình nghĩa, cái đẹp của người chồng là ở chỗ không vì cái ích kỉ của mình mà nỡ lòng lấy đôi hoa tai hồi môn-kỉ vật của vợ để tầm lan. Tầm lan phải là việc Thiện, phải vì cái thiện, theo cái Thiện, hướng tới cái Thiện! Vì thế mà giá trị của truyện Tầm lan không chỉ dừng ở cái thú chơi lan, mà ẩn sau đó còn biết bao giá trị khác- giá trị về cái đẹp của tình nghĩa vợ chồng, cao hơn, đó là tình nghĩa của con người với nhau, cái đẹp đó đẹp như sự thanh cao của địa lan và còn đẹp hơn nỗi lòng đam mê địa lan rất nhiều! Đó là sự vượt xa những giá trị về thú chơi hay thú thưởng thức nghệ thuật của “Tầm lan”.

          Ẩn sâu trong “Tầm lan” là dòng huyết mạch âm ỉ của truyền thống. Không chỉ là truyền thống chơi hoa đất Bắc, đất Hà thành. Đó là truyền thống về sự lưu giữ các giá trị của gia tộc. “Tầm lan” hàm chứa những giá trị thiêng liêng “chậu địa lan cụ yêu quý nhất, được khiêng vào, đặt lên cái đôn sứ cổ, bốn mặt có bốn con voi, kê gần đầu giường cụ, nơi giáp với bàn thờ tổ tiên.”. Địa lan gắn bó với thời gian và sự lưu truyền mấy đời người của một dòng họ “Chậu địa lan trông bình thường giản dị thế này thôi, nhưng nó đã gắn bó với gia đình cụ giáo từ thời cụ nội cụ. Nó cũng đã ba lần mang vành khăn tang tiễn đưa cụ, ông, bố của cụ ra tận nơi an nghỉ cuối cùng.”. Truyện tưởng như chỉ nói về tầm lan, về địa lan mà thực chất hàm chức rất nhiều quan niệm nhân sinh và bao hàm cả thông tin về quan hệ dòng tộc, gia tộc tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Việt. Đây cũng là một khía cạnh xã hội-văn hóa sâu sắc của truyện.

          Hoa cũng như người. Thoạt trông thì loại lan nào cũng như nhau, giống như ai cũng là con người vậy. Đó là cái ý, cái cõi tâm tình của Dương Duy Ngữ thoát ra ở một chi tiết nhỏ trong truyện, như một câu nói “buột miệng” trong khẩu ngữ hàng ngày. Ấy vậy mà nó cũng là một trong những cái lõi của truyện. Tầm lan lấy chuyện hoa địa lan để nói về chuyện con người, để nói về tính người, tình người. Đọc Tầm lan mà thấy truyện còn có giá trị tầm đạo, tầm đời, tầm tâm  nữa. Mấy ai có được cái lôgic thú vị đến thế khi nói về thú chơi hoa, chơi cây?

          Đúng là “sinh nghề tử nghiệp”! Cụ giáo Mộng Tiên qua đời, và ở mấy đời trước cũng vậy, chậu địa lan bền bỉ với gia tộc “gắn bó với gia đình cụ từ thời cụ nội cụ” đã được mang khăn sô, cũng như người vậy, cũng mang khăn tang! Địa lan cũng có linh hồn, cũng có nghĩa, có tình như người. Đẹp và thanh cao là vì lẽ đó nữa! Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của con người, cũng là lẽ sinh tồn của tự nhiên! Địa lan cũng “nghĩa khí” như con người vậy: chung thủy, biết “sống” hết mình, “sống” tận tụy!

          Thời gian và thế hệ tạo ra khoảng cách! Cái đẹp tuôn chảy trong truyện miệt mài là thế! Cái tâm thâm trầm lắng đọng trong cả truyện là vậy! Cái tình đằm thắm quấn quyện trong nhiều câu chữ biết bao nhiêu! Nhưng, kết thúc truyện có vẻ hơi đột ngột, có gì như xót xa, như một sự đứt đoạn bằng một câu trả lời “tưng tửng” đến mức vô tâm, vô cảm, vô tình của cậu con trai trẻ tuổi, ít học thời hiện đại:

“Ấy vậy mà chậu địa lan chỉ còn được ở nhà cụ giáo có vài hôm. Chôn cất cụ giáo mồ yên mả đẹp, con cháu cụ lo cúng ba ngày. Xong, mọi người mệt quá, lăn ra ngủ. Tỉnh dậy, ông giáo Gia Phong mới sực nhớ đến chậu địa lan gia bảo. Ông cuống quýt hỏi vợ, hỏi con:

- Chậu địa lan đâu nhỉ? Có ai nhìn thấy chậu địa lan đâu không?

Cậu con trai ông giáo Gia Phong, nói nhát gừng:

- Bố làm cái gì mà ầm ĩ thế. Cho đi ở rồi.

Ông giáo nổi giận, run run đôi môi, quát:

- Mày! Mày!

Cậu con cho tám đầu ngón tay vào hai cái túi quần bò trước bụng vừa thủng thỉnh đi ra ngõ vừa nói:

- Lằng nhằng!”.

          Có nhiều người sẽ tiếc! Tiếc cho một kết thúc hơi hẫng hụt! Tiếc cho một lời kết dửng dưng và quá vô tâm! Tiếc cho một kết thúc như một dấu chấm quá gọn gàng làm “tuột” đi mọi công sức, mọi sự kỳ công và tinh tế để tôn thờ cái đẹp của thiên nhiên, của lòng người, tình đời, của tạo hóa bền bỉ nối tiếp xuyên suốt truyện Tầm lan!

          Nhưng, nếu đọc kĩ, sẽ thấy đó là một kết thúc có hướng mở. Chậu địa lan được gìn giữ qua mấy đời của một gia đình được cậu con trai “quý tử” “cho đi ở” chứ không bị mất đi vĩnh viễn! Nghĩa là địa lan vẫn còn! Cái đẹp vẫn còn! Nếu chậu địa lan đó được “đi ở” trong tay một người biết tầm lan thì có lẽ Tầm lan vẫn còn mãi mãi với những giá trị cao cả của nó.

          Đọc đến đoạn kết,  tôi bất chợt nhớ đến một nhận định rất sâu sắc của một nhà triết học và thấy vui vui vì cái đoạn kết “mở” của truyện “Mọi thứ không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”. Thế mới nghĩ là địa lan không mất đi mà có thể sẽ được những tâm hồn và tấm lòng biết vì cái Đẹp tiếp tục “tầm lan” và trân trọng, nâng niu. Nghĩa là, “Tầm lan” vẫn còn mãi, vẫn trường sinh, trường tồn theo năm tháng!          

---------------------    

(*)    PGS.TS. Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

          

 

 

 

 

Powered by Froala Editor