3 năm trước
VĂN KHOA CHÂN DUNG KÍ - MỘT CUỐN SÁCH ĐỘC ĐÁO VỀ CÁC NHÀ ĐẠI TRÍ THỨC VIỆT NAM
Với tất cả niềm kính trọng, yêu mến, tự hào, tác giả đã viết về các bậc đại trí thức của khoa Ngữ văn, các nhà khoa học xã hội hàng đầu của đất nước. Họ vừa là nhà khoa học hàng đầu, vừa là nhà giáo mẫu mực, và không ít người là nghệ sĩ lãng tử, “nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ”.
Powered by Froala Editor
PGS.TS, nhà văn Vũ Nho ( sinh năm 1948)
Bút danh Võ Nhu, Anh Nhu, Võ Ninh Bình
Quê quán : Gia Viễn, Ninh Bình.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Việt Bắc 1970
Tiến sĩ Đại học sư phạm Ghéc-xen, Lê Nin grát ( Liên xô cũ) 1984, PGS.1991
Trước khi nghỉ hưu ông đã cống hiến cho độc giả hơn một trăm đầu sách thuộc lĩnh vực văn chương và giáo dục gồm: dịch thuật, LLPB (cả viết chung và riêng).
Ông là một nhà giáo, nhà văn luôn say mê với sự nghiệp. Mặc dù đã qua tuổi bảy mươi, nhưng cây bút của ông luôn năng động và nhiều sáng tạo trong lĩnh vực phê bình, dịch thuật. Trong những ngày chống dịch covid, nóng nực oi bức là vậy nhưng với tinh thần lao động của một nhà văn, ông luôn đem đến cho bạn đọc niềm hứng khởi bởi nhiều bài viết sinh động, sâu sắc về bạn bè, đồng nghiệp và văn chương người cùng thời. Bài viết dưới đây của ông đã được đăng trên mục "Tác phẩm và dư luận" của Báo Văn nghệ CAND. Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhất là độc giả hiện đang ở các nước có quan hệ với Cơ quan Viện, BBT Tạp chí Khoa học Phương Đông trân trọng giới thiệu toàn vẹn bài viết của nhà văn Vũ Nho:
VĂN KHOA CHÂN DUNG KÍ - MỘT CUỐN SÁCH ĐỘC ĐÁO VỀ CÁC NHÀ ĐẠI TRÍ THỨC VIỆT NAM
Đọc “Văn khoa chân dung kí” của Hữu Đạt, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Vũ Nho (*)
Thật ra, cuốn sách chỉ viết chân dung một số nhà khoa học nhà giáo của khoa Ngữ Văn, trường Đại Học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng có thể nói rằng riêng về ngành Ngữ văn, thì đó là các bậc giáo sư, các Đại trí thức của đất nước với các tên tuổi lẫy lừng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Các Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Lai, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Hoàng Trọng Phiến, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Đức Dân, Bùi Duy Tân, Lê Quang Thiêm, Đặng Thị Hạnh… được ngòi bút tinh tế, tài hoa của một học trò xuất sắc của khoa Ngữ Văn, có nhiều năm được học các thầy, lại có nhiều năm được công tác với các thầy, làm đủ các việc từ tổ trưởng công đoàn, thư kí bộ môn, trợ lí chính trị, Chủ tịch công đoàn… viết chân dung bằng tấm lòng yêu quý, ngưỡng mộ, nên các thầy đã hiện lên vô cùng sống động.
Bản thân tôi, người viết những dòng này không học ở khoa Văn Tổng hợp, nhưng Khoa Văn Việt Bắc chúng tôi trong Vinh Quang, còn Khoa Văn Tổng hợp ở Kí Phú. Và chúng tôi được học ké các giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Tu, Tôn Gia Ngân, Bùi Khánh Thế, Đoàn Thiện Thuật,… Sau này đi thi nghiên cứu sinh, tôi được thụ giáo với GS Hoàng Xuân Nhị, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ. Bởi vậy mà tôi rất thích thú đọc “chân dung kí” của nhà ngôn ngữ, nhà văn Hữu Đạt.
Biết tiếng nhà văn Hữu Đạt đã lâu. Từng trích dẫn sách của anh về ngôn ngữ thơ trong sách của mình. Nhưng quả thật, khi chỉ đọc ba cuốn “Thơ tình và thơ hình họa”, “Bạn đọc, Nhà văn và Phong cách” và bây giờ “ Văn khoa chân dung kí”, tôi thực sự thán phục sức viết và nghệ thuật viết chân dung của anh. Khác hẳn thể loại chân dung văn học viết về các nhà văn, người viết viết về cuộc đời và về văn phẩm của họ. Những chi tiết có thể đọc từ báo hoặc sử dụng gián tiếp qua tự bạch, qua các bài báo, bình luận,… Người viết có thể tung tẩy ngòi bút. Với nhà văn Hữu Đạt, việc viết “chân dung” các thầy các cô, vừa có cái thuận là do được học, được gần gũi, được nghe tâm tư, kể cả những chuyện riêng tư,… nhưng cái khó nhất là làm sao các chân dung phải sinh động, phải đúng, phải nói được “thần thái”, phong cách của mỗi người mà vẫn phải đảm bảo được sự “tôn sư trọng đạo”. Điều đó thật không hề dễ dàng!
Một đồng nghiệp nói thẳng : “Ông viết như thế không sợ cụ Đệ mắng à. Chuyên “bơi thuyền cùng thư kí” sao dám đưa vào đấy?” (trang 178).
Đồng nghiệp khác là GS. TS. Trần Nho Thìn đọc xong thì lo lắng hỏi : “Ông viết như thế liệu cụ Tân có mắng không? Cụ khó tính lắm đấy”. (trang 250).
Điều đó làm cho tác giả không khỏi băn khoăn lo lắng. Mặc dù anh viết với tất cả niềm yêu kính, tự hào về các thầy của mình, bằng cái tâm hoàn toàn trong sáng. Nhưng chuyện văn chương, có thể sai một li, đi một dặm. Không ai dám chắc. Nhân vật văn học giáo sư Nguyên của Hữu Đạt trong “Phía sau giảng đường” đã từng bị một số người đọc không kĩ coi là tác giả bôi bác GS Nguyễn Tài Cẩn là một ví dụ nhỡn tiền!
Thật may là không có chuyện gì xảy ra với “Văn khoa chân dung kí”.
Tác giả Hữu Đạt thành công trong cuốn sách này trước hết là những quan sát, nhìn nhận tinh tế của một nhà văn tài hoa. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị thì anh chọn chi tiết cắt trọc đầu ngồi lì 6 tháng học tiếng Nga. Rồi bắt đầu dịch sách và viết cuốn “Lịch sử văn học Nga – Xô viết”, cuốn sách gối đầu giường của sinh viên. Và chi tiết GS. Nhị 50 lần gặp Chủ tịch Trường Chinh để quyết đi Pháp. Tác giả viết “GS Hoàng Xuân Nhị là tấm gương chói ngời về tinh thần lao động và ý chí quyết tâm” thật chính xác!
Với Giáo sư Nguyễn Hàm Dương, nhà văn chọn thời điểm lịch sử “ lái súng cỡ bự” để nói về “ một cuộc đời cách mạng thật hiển hách” của ông.
Mỗi vị giáo sư khả kính, căn cứ vào những dư luận đồn đại các khóa trước, căn cứ vào sự chiêm nghiệm của bản thân mình khi trực tiếp tiếp xúc với tư cách là sinh viên- học trò, về sau là đồng nghiệp, tác giả Hữu Đạt đã chọn ra một nét nổi trội để khắc họa chân dung chỉ với năm sáu từ hay một vế đối. Đấy quả là một sự tinh tế và tài hoa.
Đây là ví dụ:
Đỗ Đức Hiểu thích ném bã trầu/ Nguyễn Văn Tu vặn thừng nói sách.
Hoàng Như Mai kể chuyện Vũ Bằng/ Lê Đình Kỵ giảng Kiều búng gió.
Chữ thiên hạ ba bồ, người ung dung lấy một/ Văn thế gian năm ngả, ai giỏi toán nhất khoa? (về GS Đinh Gia Khánh và GS Nguyễn Đức Dân).
Râu như Tu, cù như Cẩn. ( Về GS. Nguyễn Văn Tu và GS. TS. Nguyễn Tài Cẩn)
Gió đổi chiều, Phan tiên sinh viết nhạc/ Mưa thay nguồn, Hà tiền bối làm thơ
( Về GS. Phan Cự Đệ và GS. Hà Minh Đức).
Ngữ Văn một thuở đề huề/ Ai qua lí luận lại về Ngữ ngôn? ( GS Nguyễn Lai).
Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường/ Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ.
Lê Đức Niệm trồng chuối giữa khoa/ Nguyễn Kim Đính thà buồn hơn khổ.
Đinh Gia Khánh một thời nghiêng ngả mũ/ Đặng , Lê, Hoàng,…Ai đã lọt mắt xanh (Về ba nhà giáo nữ Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Hoàng Thị Châu).
Trần như Hinh, Tình như Thu, Nhu như Bùi ( Về ba đồng nghiệp cùng thế hệ là Trần Hinh, Lý Hoài Thu, Bùi Việt Thắng).
Theo lời tâm sự của Hữu Đạt, phần lớn các câu đối được rút làm tít đề của cuốn sách này vốn là những câu giai thoại được chính ông cùng một số đồng nghiệp như: PGS.TS. Nguyễn Bá Thành, nhà văn Bùi Việt Thắng, PGS.TS. Đoàn Đức Phương “tổng kết” lại trong thời gian nghỉ trưa của một kỳ chấm thi đại học (hiện bản tổng kết viết tay vẫn được Đoàn Đức Phương lưu giữ). Khi triển khai viết VKCDK, Hữu Đạt phải tính toán loại bớt những câu đối thiếu tính tích cực, hoặc gia cố lại, hoặc viết mới nhằm đảm tính thống nhất về hình tượng của tác phẩm. Ví dụ, các câu: “Bùi Duy Tân đổ nước mộng giường/ Hoàng Trọng Phiến vén màn tế độ”, “Chữ thiên hạ ba bồ, người ung dung lấy một/ Văn thế gian trăm ngả ai giỏi toán nhất khoa”, “ Gió đổi chiều Phan tiến sinh viết nhạc/ Mưa thay nguồn Hà tiền bối làm thơ”… là do Hữu Đạt tự nghĩ ra khi sau khi nghiền ngẫm các sự kiện liên quan đến các nhân vật của mình. Riêng các bài “lảy Kiều”, “vịnh Kiều”, Hữu Đạt cũng phải công phu chọn lọc từ trong “Truyện Kiều” xem câu thơ nào có thể ứng với hoặc na ná với số phận, cuộc đời của các nhân vật để vận vào cho hợp, đồng thời để đáp ứng được lòng mong mỏi của người bạn tâm giao là Nguyễn Bá Thành “ Nếu cuối mỗi chân dung mà có vài câu lảy Kiều hay vịnh Kiểu thì đọc sẽ càng thích”
Với tất cả niềm kính trọng, yêu mến, tự hào, tác giả đã viết về các bậc đại trí thức của khoa Ngữ văn, các nhà khoa học xã hội hàng đầu của đất nước. Họ vừa là nhà khoa học hàng đầu, vừa là nhà giáo mẫu mực, và không ít người là nghệ sĩ lãng tử, “nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ”. Nhiều GS., như GS. Lê Đình Kỵ “Nhìn ở góc độ nào, ông vẫn là người tài hoa tột bậc, sắc sảo trong cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm về văn chương” (tr. 146-147). Đồng thời, họ cũng là những chứng nhân Lịch sử của cuộc đấu “Nhân văn Giai phẩm” cuộc đấu tranh chống “chuyên môn thuần túy”. Và không hiếm những chuyện bi hài dở khóc, dở cười trong các việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, xét phong chức danh học hàm, rồi cả chuyện phân chia những thứ lặt vặt cho cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn mọi bề khi đó.
Nổi bật trong tính cách của những người thầy đó là sự tận tụy, hết lòng vì khoa học. Dù gian khổ, thiếu thốn vật chất, nhưng các công trình khoa học quan trọng vẫn liên tiếp được công bố. Các thế hệ sinh viên được chăm lo dạy dỗ chu đáo, được chọn lọc thành những đội ngũ kế cận xứng đáng. Tấm gương yêu nước, tận tụy với khoa học của các thầy là niềm tự hào của khoa, của Trường và cũng là của giới trí thức Việt Nam nói chung.
Mỗi Giáo sư một chuyên ngành, một hoàn cảnh riêng, một con đường riêng đến với khoa học.
Qua các chân dung, tác giả đã cho thấy các thầy, cô là những người bình thường, nhưng có những yếu tố phi thường. Chính những điều phi thường và bình thường đó càng cho thấy tầm vóc lớn lao của những trí thức trong hai cuộc kháng chiến gian khổ của đất nước.
Để có được những bức chân dung sống động phải kể đến ý thức của một nhà nghiên cứu, nhà văn. Nếu không có tác giả Hữu Đạt là một học trò-sinh viên, rồi thầy giáo trẻ, nhà văn – đồng nghiệp của các thầy, rồi PGS.TS. Nhà văn luôn kính trọng, trăn trở với Khoa, với Trường, đặc biệt là với những người thầy mà anh ngưỡng mộ, yêu kính thì sẽ không có Văn khoa chân dung kí. Điều đó là chắc chắn. Vì như GS. Đinh Xuân Lâm, một trong tứ trụ của khoa Lịch sử lừng danh của Đại học Tổng hợp đã chân thành nói : “Khoa Sử chúng tớ cũng oanh liệt lắm, chẳng kém bên khoa Văn các anh đâu. Chỉ tiếc là bên này, không có nhà văn tâm huyết như anh để ghi lại” (Văn khoa chân dung kí, trang 364).
Vì lẽ gì mà “Có đến quá nửa khoa đã bị tác giả bỏ bùa mê…” như PGS.TS. nguyên Chủ nhiệm khoa Hà Văn Đức đã nói. Và vì lẽ gì mà một số thầy đọc đi đọc lại không biết chán? Chẳng hạn như GS. Bùi Duy Tân qua lời cháu nội, TS Bùi Duy Dương : “Những ngày ông em ốm liệt giường, cuốn “Văn khoa chân dung kí” là cuốn sách gối đầu giường. Ngày nào ông em cũng đọc. Em hỏi, ông bảo ông đọc mãi vẫn không thấy chán” (trang 251). Còn Giáo sư Lê Đức Niệm – người hồn nhiên nhất thế giới thì nói : “Tớ đọc lần này là lần thứ hai mươi sáu rồi đấy. Thế mà vẫn chưa thấy chán” (tr. 305). Nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, người được tác giả đề cập trong sách, thì rất vui : “cô cười nắc nẻ : “Đạt ơi, mỗi lần đọc sách của Đạt, tôi lại thấy từng người trong khoa hiện ra trước mắt mình. Ông Dân này, ông Tu này, Thầy Nhị này…Đạt quan sát kĩ quá. Lúc đọc đến đoạn Đạt tả mấy cái lông mũi của ông Tu thì cô không nhịn được cười. Cả thầy Nhị nữa…vui thật đấy” ( tr. 323). Nhà văn Nguyễn Văn Lưu ( Chu Giang) thì đọc đi đọc lại chi tiết tả anh bạn cùng lớp ngồi nhặt cơm trên rá, và khen “Phải nói là độc đáo thật. Không nghĩ thầy lại có chi tiết ấy” ( tr. 323).
Có thể nói ngoài tài năng quan sát, kể chuyện, tác giả đã vận dụng kiểu tiểu thuyết cố điển chương hồi. Rồi khi thì khoáng hoạt, khi thì nghiêm túc, không hiếm khi hài hước bông đùa. Tất cả những điều đó kết hợp với nhau, hài hòa biến hóa. Khi trịnh trọng, nghiêm trang, lúc buồn thương man mác, khi ngậm ngùi uất ức, lúc lại hài hước với những chi tiết lạ lùng đổ nước mộng giường, làm công tác tư tưởng trong màn với người đẹp, trồng chuối trong khoa, kí gấy bán Khoa lấy tiền chia cho cán bộ,…
Giọng kể có duyên, nhưng cũng biết tiết chế để gây hồi hộp kiểu người xưa. Muốn biết chuyện thế nào, xem hồi sau sẽ rõ. Rồi thì chuyện ấy chỉ có hai người biết. nay lại nói về… Thi thoảng lại kèm những câu thơ vịnh như là tóm tắt sự nghiệp, chặng đường. Những câu thơ vần vè ấy cũng làm tăng thêm gia vị cho món chân dung.
Với riêng tôi, sau khi xem hết các chân dung mà tác giả đề cập, thì tôi cũng nhận ra chân dung một Hữu Đạt. Một thanh niên nhà nghèo ham học. Một cán bộ không nề hà làm “mõ” cho tổ bộ môn. Một người sống chân tình với bè bạn và đồng chí đồng nghiệp. Nhất là với ba vị Trần Hinh, Lý Hoài Thu, Bùi Việt Thắng. Một nhà văn suýt bị vạ văn chương vì tiểu thuyết “ Ở hai đầu của bức thư tình”. Một đồng nghiệp được các giáo sư bậc thầy tin cậy, trò chuyện, tâm sự,...Một người chẳng những biết làm thơ, làm kịch bản, còn biết diễn kịch, biết viết nhạc. Lại còn học được môn “truyền khí” ở châu Âu, về vận dụng tăng khí lực cho bậc thầy anh quý trọng. Một người biết mang ơn những người đã giúp đỡ mình, đặc biệt là sự biết ơn và tấm lòng anh dành cho GS.TS Nguyễn Tài Cẩn và PGS. Nôna Xtankievich, những nhà khoa học, ngừời thầy có “những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu).
Có thể nói tóm tắt nguyên nhân thành công của Hữu Đạt trong ba chữ Tâm, Tầm, Tài. Anh là nhà nghiên cứu, nhà văn, người có Tâm sáng, Tầm cao và Tài năng đã làm nên cuốn sách để đời cho mình, cho khoa Văn Tổng hợp, cho các trí thức Việt Nam.
--------------------
(*) Nhà văn, PGS.TS
Hà Nội, ngày nóng đỉnh điểm 21/6/2021
Powered by Froala Editor