Viện phương đông

3 năm trước

Bàn về cải cách giáo dục

Ý NGHĨA CỦA KHẨU HIỆU VÀ TÁC DỤNG CỦA NÓ TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HIỆN NAY.

Hữu Đạt*

Powered by Froala Editor

          Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, mỗi quốc gia hay mỗi ngành đều có những khẩu hiệu thiết thực nhằm kêu gọi mọi người thống nhất hướng về một hành động được xem là mục tiêu phấn đấu cho cộng đồng. Chẳng hạn, vào thế kỷ XIII, khi nước ta bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm, triều đình đã họp Hội nghị Diên hồng để bàn kế sách đánh giặc. Trần Quốc Toản khi ấy còn nhỏ, không được phép dự bàn. Lòng yêu nước và chí làm trai của người anh hùng đã khiến cậu bé Toản bóp nát quả cam lúc nào không biết. Khi giặc đến, Trần Quốc Toản lập một đội quân riêng, phất cờ theo cha anh đánh giặc. Khẩu hiệu được thêu trên lá cờ bằng 6 chữ vàng, ngắn gọn nhưng thể hiện rõ quyết tâm, ý chí của đội quân nhỏ tuổi “Phá cường địch, báo Hoàng ân”. Cả dân tộc Việt Nam lúc đó dốc lòng theo khẩu hiệu “Sát Thát” với lòng yêu nước vô tận. Kết quả là, chúng ta đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc để đánh thắng một đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, dù nước ta là một nước nhỏ, người không đông.

          Đến thời kỳ hiện đại, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng và toàn dân ta làm một cuộc cách mạng vĩ đại, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp bằng cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945, đất nước lại lâm vào một tình thế vô cùng khó khăn: Quốc khố trống rỗng, thù trong giặc ngoài luôn đe dọa sự tồn vinh của dân tộc, nhân dân đa số còn mù chữ vì không được học hành. Với sự sáng suốt và tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định ra các đường lối chiến lược bằng những từ ngữ ngắn gọn, dể hiểu, được coi là các khẩu hiệu thiết thực cho cuộc vận đông cách mạng của toàn dân là chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Nếu ta suy nghĩ thì chỉ cần nhìn vào thứ tự của các cụm từ được đặt theo quan hệ trước sau trong khẩu hiệu trên cũng đủ thấy trong ba vấn đề chiến lược đó, cái nào cần được ưu tiên vì tính cấp bách của nó. Cái nào là tiền đề cho cái sau để có thể cùng một lúc thực hiện được cả ba nhiệm vụ chiến lược quan trọng này.

          Khi giặc Pháp trở lại cướp nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải đứng lên kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” nổi tiếng của Người có những câu nói giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc tự nó đã tạo thành các khẩu hiệu bất hủ đi vào lòng người, như “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong những năm tháng hào hùng đó, khẩu hiệu này chẳng những được đăng tải trên các báo mà còn được viết lên áp phích ở mọi đường thôn, ngõ xóm. Cũng từ nội hàm mang tính chiến lược của khẩu hiệu này, mỗi ngành, mỗi nơi lại phát triển thành các khẩu hiệu cụ thể để tạo ra phương châm hoạt động cho mình. Chẳng hạn, với các chiến sĩ bảo vệ thủ đô thì nêu khẩu hiệu “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Với những người làm việc ở công xưởng, nhà máy hay ruộng đồng thì có khẩu hiệu “Ngành ngành thi đua, người người thi đua. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…

          Sang thời kỳ chống Mỹ, do hoàn cảnh nước ta bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nên trở thành hậu phương lớn cho cuộc Cách mạng Dân tộc dân chủ ở miền Nam. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) nêu ra, chúng ta đã có các khẩu hiệu: “Tất cả vì Chủ nghĩa Xã hội”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Từ các khẩu hiệu mang tính chiến lược này, mỗi ngành, mỗi nơi lại có những khẩu hiệu cụ thể nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chiến lược đặt ra như: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người,”, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”,  “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”. Khi cuộc chiến tranh lên đến đỉnh điểm, giặc Mỹ tiến hành mở rộng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa đứng ra kêu gọi toàn dân chống Mỹ. Một câu nói nổi tiếng trong “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch” (năm 1966) lại trở thành một khẩu hiệu thiêng liêng: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.

          Qua những ví dụ vừa dẫn chúng ta thấy rằng, nhìn chung các khẩu hiệu đều có tác dụng và ý nghĩa tích cực là động viên, cổ vũ mọi người thống nhất đi theo một hành động nhằm đạt được mục đích chung của cộng đồng. Ngoài ý nghĩa đó, khẩu hiệu còn là sự thể hiện của phương thức hành động nhằm làm cho mọi hoạt động trở nên có hiệu quả cao nhất. Có những khẩu hiệu chỉ thích ứng với từng thời kỳ lịch sử (Tất cả cho tiền tuyến, Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người…), cũng có những khẩu hiệu lại có giá trị trường tồn (Không có gì quí hơn độc lập tự do…)

          Đối với mọi hoạt động xã hội, khẩu hiệu đã có tác dụng và ý nghĩa to lớn như vậy, trong ngành giáo dục khẩu hiệu lại càng trở nên có ý nghĩa hơn. Vì đây là môi trường dạy và học, mục tiêu cao cả nhất là đào tạo con người để họ trở thành các chủ nhân ông của đất nước. Trong đó, người học chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên (với trường phổ thông) và mới thành niên (với môi trường đại học) cho nên việc sử dụng khẩu hiệu là vô cùng cần thiết bởi nó chẳng những là sự cổ vũ, động viên mà còn là lời nhắc nhở thường nhật để học sinh, sinh viên luôn nhớ đến nhiệm vụ và bổn phận của mình.

          Tuy nhiên, dùng khẩu hiệu nào cho thích hợp? Đó là một vấn đề rất quan trọng, không thể không cân nhắc. Bởi nếu ta không chú ý tới việc nên dùng khẩu hiệu như thế nào thì có khi lại rơi vào tình trạng “Lợi bất cập hại”, hay “Gậy ông lại đập lưng ông”. Đấy chính là việc dùng khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, một khẩu hiệu được dùng phổ biến trong các trường phổ thông ở Việt Nam, thậm chí còn được dùng ngay trong một số trường đại học.


          Cho đến nay, nhiều người có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay khẩu hiệu này. Các ý kiến cho rằng nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ…” được chia làm 2 loại: Loại ý kiến thứ nhất xoay quanh việc chữ “lễ” trong khẩu hiệu này không được người dùng hiểu đúng khái niệm nguyên thủy của nó, thậm chí còn hiểu theo hướng tiêu cực nhiều hơn. Loại ý kiến thứ hai cho rằng đây là một khẩu hiệu của người Trung Hoa dựa trên phát ngôn của Khổng Tử và là cụm từ Hán Việt cần loại bỏ để thay thế bằng một cụm từ thuần Việt vừa nhằm đảm bảo sự trong sáng của tiếng ta vừa tránh tư tưởng nô dịch văn hóa nước ngoài. Cả hai loại ý kiến này đều xuất phát từ thực tiễn và lý luận liên quan đến cách hiểu chữ “lễ” ở hai phương diện: phương diện từ nguyên và phương diện thực tiễn sử dụng ngôn từ.

          Chúng tôi cho rằng, khi bàn đến việc sử dụng một khẩu hiệu nào đó trong một ngành hay trong nhiều ngành chúng ta cần lưu ý đến hai điểm: Tính hợp lý về mặt lịch sử và giá trị nhận thức về mặt tư duy. Nói cách khác là chúng ta phải tính đến tác dụng và ý nghĩa thực tiễn của khẩu hiệu đem ra sử dụng. Còn vấn đề từ nguyên chỉ nên khai thác sâu và chỉ có giá trị trong nghiên cứu khoa học.

          Trên thực tế, nếu một khẩu hiệu có xuất xứ ngoại lai, nhưng nếu nó thực sự có tác dụng về thực tiễn và nhận thức, chúng ta vẫn có thể dùng mà không ngần ngại đến khía cạnh về tính nô dịch văn hóa. Chẳng hạn, Lê nin có một câu nói bất hủ “Học, học nữa, học mãi” có thể dùng làm khẩu hiệu trong học đường mà không phải băn khoăn gì đến tính ngoại lai của nó. Vì rằng, trong quá trình giao lưu văn hóa và ngôn ngữ, những giá trị tinh thần của dân tộc này có thể được dân tộc khác tiếp thu đưa vào “vốn văn hóa” của mình cũng là lẽ thường tình. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ lâu đời về mặt lịch sử, việc sử dụng nhiều câu thành ngữ, châm ngôn theo cách đọc Hán Việt là một thực tiễn khó có thể bác bỏ. Vậy, việc chúng ta không nên dùng khẩu hiệu Tiên học lễ…” hoàn toàn không chỉ bởi nó là một cụm từ Hán Việt mà quan trọng nhất là, khẩu hiệu này không thích hợp với môi trường giáo dục hiện đại của chúng ta.

          Cũng có một số rất ít độc giả khi bàn về chữ “lễ” của Khổng Tử với tư cách là một tư tưởng của học thuyết Nho giáo đã coi rằng, khẩu hiệu này có tính truyền thống và tính tích cực vì nó rèn dạy con người ta hai phương diện: đạo đức và tài năng. Thoạt nhìn, rất dễ ngộ nhận điều đó như là một chân lý. Nhưng xem xét kỹ thì hoàn toàn không phải như vậy. Chữ “lễ” của Khổng Tử có dạy về đạo đức (nghi lễ, cách ứng xử), nhưng đó là thứ đạo đức phong kiến theo khuôn mẫu kiểu “Tam cương ngũ thường” một cách rập khuôn và máy móc. Do đó, người có chữ phải thấm cái đạo “Quân-thần” (Vua bảo chết phải chết), thành ra lịch sử đã sinh ra bao bậc ngu trung là đầu mối cho mọi bất hạnh của xã hội và con người. Còn nói về “học văn” nhiều vị lại gán ghép cho nó một cái nghĩa quá rộng bao gồm cả “học tri thức khoa học, học văn minh…” là không đúng với tinh thân lịch sử. Nói cho đúng, thì “học văn” trong cách quan niệm của Nho giáo chỉ có giới hạn và chủ yếu là học theo lối tầm chương trích cú cốt sao thấm thía đạo đức “Thánh hiền”. Học hành đỗ đạt chủ yếu để làm quan chứ không phải để tìm hiểu khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, vì lúc đó khoa học kỹ thuật chưa hình thành và phát triển. Phải từ Thế kỷ Ánh sáng thì con người mới dần tiến đến văn minh hiện đại-văn minh công nghiệp. Nhờ có thành tựu khoa học kỹ thuật, loài người từ đây mới có khả năng giải thích đúng đắn mọi hiện tượng của vũ trụ, của thiên nhiên và của cả con người.

          Ở Việt Nam, những năm sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giải phóng miền Nam (1975) không ở đâu người ta nhắc đến khẩu hiệu Tiên học lễ…” vì thời đó người ta quan niệm thái quá nên rất ngại mang tiếng là kẻ “hủ nho”. Chữ Hán thậm chí cũng bị bài xích. Từ sau Thời kỳ Đổi mới, chữ Hán từng bước được khôi phục và dần được đề cao. Giữa lúc xã hội chuyển mình, tình trạng học sinh hư xuất hiện ngày càng nhiều, vì thế một số người muốn hướng về tinh hoa Cổ học. Người ta bàn nhiều đến Khổng Tử, ông Thánh của tư tưởng Nho giáo. Sau một bài báo nêu vấn đề về khẩu hiệu “Tiên học lễ…” lập tức ùa vào các nhà trường. Từ tả khuynh sang hữu khuynh, khẩu hiệu này còn được trưng ở một số nơi trong trường đại học. Thật là hài hước, đến cái tuổi ấy, với vốn học ấy mà vẫn còn tụng niệm “Tiên học lễ…” ai chẳng buồn cười!

          Sự hiểu lầm do không biết chữ Hán hay biết nhưng vẫn cố ý gán cho chữ “lễ” trong khẩu hiệu “Tiên học lễ…” một cái nghĩa tiêu cực ở một số phụ huynh và học sinh đã cho thấy tính phản tác dụng và sự lạc hậu với lịch sử của khẩu hiệu này cho dù chúng ta muốn nhấn mạnh mặt tích cực của tư tưởng Nho giáo đến đâu chăng nữa. Thứ nhất, nội hàm của khẩu hiệu này tỏ ra quá hẹp  so với tư duy nhận thức của người hiện đại (Cụ thể là chữ “lễ” của Nho giáo không hàm chứa được nội dung của khái niệm “đạo đức” trong thời hiện đại. Cụm từ “học văn” dù có cố ý gán ghép cho nó những nội dung mới cũng không thể phản ánh được mục tiêu của giáo dục hiện đại, trong đó người học không chỉ có nhiệm vụ nắm bắt các tri thức khoa học mà còn phải am hiểu pháp luật…). Mặt khác, “Tiên học lễ…” là thứ khẩu hiệu chỉ chú ý nhấn mạnh đến việc tiếp thu của người học theo hướng thụ động, giáo điều mà không chú ý đến vai trò “chủ động” của người học cũng như trách nhiệm của người thầy. Vì thực chất, hạt nhân của tư tưởng Nho giáo là muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của tư tưởng “đức trị”. Nó rất lạc hậu với tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền, lấy luật pháp làm mực thước cho việc “trị quốc” mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang theo đuổi hiện nay.

          Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường mà những mặt trái và tiêu cực của nó hàng ngày hàng giờ tác động cả vào giáo viên và học sinh thì một khẩu hiệu chỉ hướng vào người học là chưa đủ. Đó là chưa nói, nội dung của khẩu hiệu này còn được học sinh ngày nay nhận thức theo nghĩa rất hẹp (“lễ” chủ yếu được học trò hiểu là “lễ phép” - một khía cạnh của đạo đức nói chung). Trong khi đó, tiếng Việt hiện đại lại có đủ và thừa các từ ngữ có ý nghĩa khái quát cao, khi ghép lại có thể tạo ra các khẩu hiệu vừa súc tích và có tác dụng thiết thực trong việc nhắc nhở, cổ vũ cả giáo viên và học sinh làm tốt nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, khẩu hiệu “Đạo đức, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” là một trong các khẩu hiệu đáp ứng được các yêu cầu đó. Nó vừa tiếp thu cái vẻ đẹp của văn hóa truyền thống (đề cao đạo đức, tình thương) lại vừa hướng người ta đi theo đạo đức của xã hội mới, tôn trọng pháp luật (đề cao kỷ cương, trách nhiệm). Một khẩu hiệu như thế vừa có thể dùng ở bậc phổ thông vừa có thể dùng ở bậc đại học mà không gây nên sự hiểu lầm nào.

          Nay Nhà nước ta đã ban hành Luật Giáo dục và đặc biệt, ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 06/2012/L-CTN công bố Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Việc thay thế các khẩu hiệu cũ đã lỗi thời bằng các khẩu hiệu mới mang tính tích cực hơn, phù hợp hơn với thời đại cũng chính là việc làm thiết thực ủng hộ Luật Giáo dục và Luật giáo dục Đại học của Nhà nước trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, thực hiện dân chủ, công bằng, xã hội văn minh.

          Thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm thích đáng đến vấn đề này để các nhà trường từ trên xuống dưới có thể sử dụng một khẩu hiệu thống nhất có tác dụng động viên cổ vũ cả thầy và trò thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược về giáo dục mà Nhà nước đã vạch ra.

 

 -----------

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông


Powered by Froala Editor