Viện phương đông

3 năm trước

Cách đặt tên phố nhìn từ góc độ văn hóa

Cách đặt tên phố nhìn từ góc độ văn hóa

                                                       Hữu Đạt *

Powered by Froala Editor

           Hiện nay, quá trình đô thì hóa đã dẫn đến việc nhiều nơi ở các tỉnh, thành phố, thị xã hình thành nên các phu phố, đường phố mới. Việc đặt tên phố là vấn đề lớn nên không tránh khỏi có lúc xảy ra những thảo luận thậm chí tranh cãi gay gắt. Việc đặt tên phố cho nhà từ điển vĩ đại A lêch xăng đrốt (Alexandre de Rhodes) là một trong những trường hợp như vậy. Để rộng đường dư luận, BBT xin giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu Hữu Đạt về vấn đề này.

Alexandre de Rhodes (1591 -1660)

          Cách đây chừng chục năm có cuốn tiểu thuyết rất hay viết về các nhà truyền giáo tôi đã đọc, nhưng ít bạn đọc chú ý. Đó là tiểu thuyết "Vòng nguyệt quế". Tôi đọc thấy rất xúc động vì sự "hy sinh" thực sự của các nhà truyền giáo phương Tây khi tới Việt Nam. Dù muốn hay không, khi nói cơ sở văn hóa của Việt Nam giai đoan sau 1858, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của Thiên Chúa giáo trong đời sống xã hội hiện đại. Cũng như trước đây, Nho giáo xâm nhập vào Việt Nam đã tác động không ít tới cơ cấu chính trị - văn hóa - xã hội của nước Việt giai đoạn hậu Trần. Sang nhà Lê thì Tống Nho gần như lấn át Phật Giáo... 

          Như vậy, với trường hợp cụ A lêch xăng đrốt, ta nên nhìn nhận từ góc độ giao lưu văn hóa thế giới để khẳng định công lao của Cụ. Cuộc giao lưu này là giao lưu văn hóa tự nhiên, giống như Phật giáo từ Ấn Độ sang Việt Nam từ đầu thiên niên kỷ, chứ không phải là giao lưu văn hóa mang tính cưỡng bức. Bởi thế, gán ghép việc truyền giáo vào mục đích xâm lược là không có cơ sở. Nếu nhìn nhận ngôn ngữ như một hiện tượng lịch sử khách quan, có thể coi việc hình thành chữ Quốc ngữ là cuộc "thoát Trung" lần thứ hai của dân Đại Việt. Còn cuộc "thoát Trung" lần thứ nhất, về phương diện ngôn ngữ, phải nói đến cố gắng của các bậc tiền bối như Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông... tiếp theo là Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương... 

          Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển chữ Nôm trên phương diện sáng tác thơ văn ở các giai đoạn này, vẫn chưa thoát ra khỏi dao diện và tác động của chữ Hán. Bởi vì, chữ Nôm được sáng tạo bằng cách lấy nguyên liệu của chữ Hán, dùng áp lực của cấu trúc tiếng Việt (về mặt nghĩa và âm) để sử dụng theo cách của người Việt Nam. Như thế, tuy nội dung có đổi khác nhưng cái vỏ văn tự vẫn có những ràng buộc: muốn biết chữ Nôm phải biết chữ Hán! (mà học chữ Hán đã lâu, học chữ Nôm lại phải cộng thêm một thời gian không ít nữa). Bởi thế, tôi cho rằng, sự ra đời chữ Quốc ngữ là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển văn hóa của người Việt, là cuộc "thoát Trung" lần thứ hai vì loại chữ này rất tiện lợi. Đó là chữ ghi âm: dùng hệ chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt.

Từ điển Việt - Bồ - La

          Công lao to lớn của những người tạo ra loại văn tự này gồm cả các nhà truyền giáo phương Tây lẫn các thầy dòng người Việt Nam, trong đó nổi bật là công lao to lớn của Cụ A lêch xăng đrốt. Chỉ tính riêng cuốn từ điển "Việt - Bồ - La" của Cụ xuất bản năm 1651 (tại Rome), Cụ đã xứng danh là nhà khoa học lớn của thế giới về Từ điển. Nếu kể thêm tư cách là người sáng lập ra chữ Quốc ngữ thì tên tuổi Cụ không thể không đưa vào sử sách khi nghiên cứu diễn trình văn hóa Việt Nam từ giai đoạn từ thế kỷ XVII trở về sau. Về ý nghĩa khai sáng văn hóa, chữ Quốc ngữ đã khai mở dân trí một cách mạnh mẽ nhờ các cuộc vận động học chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX và các cuộc Đông du của các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phân Châu Trinh... Về ý nghĩa cách mạng, nhờ có chữ Quốc ngữ mà các cuộc vận động tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã thành công để tiến tới làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại độc lập cho đất nước.

Như thế, dù có quan điểm thế nào thì việc đặt tên phố, tên nhà (nếu lập Nhà bảo tàng) cho Cụ A lếch xăng đrốt hoàn toàn là có cơ sở khoa học.


__________________    

PGS.TS. Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông

 

Powered by Froala Editor