Viện phương đông

2 năm trước

CÒN PHẢI LÀM NHIỀU VIỆC VỀ VĂN HỌC CHO LỊCH SỬ Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai: Đối với tôi, sáng tác đã, đang và sẽ công bố chỉ có ở ba mảng: Đề tài chiến tranh; Đề tài nông thôn và Đề tài lịch sử. Lịch sử cũng là lịch sử chiến tranh. Nông thôn cũng là nông thôn từng đớn đau dằn vặt trong chiến tranh. Tôi viết khá thoải mái mà không lệ thuộc vào một kế hoạch cụ thể nào. Tôi có thể vừa viết tiểu thuyết vừa viết truyện ngắn các đề tài khác nhau theo nhu cầu của bản thân.

Powered by Froala Editor

NHÀ VĂN PHÙNG VĂN KHAI: CÒN PHẢI LÀM NHIỀU VIỆC VỀ VĂN HỌC CHO LỊCH SỬ

Phùng Văn Khai

  • Thứ hai, 08:08 Ngày 15/10/2021

Nhà văn Phùng Văn Khai

Tháng Tư năm 2017, nước Việt Nam kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 42 năm trôi qua, dòng văn học đề tài Chiến tranh cách mạng không chỉ bắt đầu ở mốc son lịch sử đó, nhưng đã khẳng định vị trí vững chắc trong nền văn học nước nhà với những nhà văn tên tuổi, mà không ít người trong số họ đã từng tham chiến. Tầm vóc của văn học đề tài chiến tranh là rất lớn. Ngày nay, một thế hệ nhà văn trẻ đã và đang xác lập vị trí của họ trên văn đàn. Họ có còn quan tâm đến đề tài chiến tranh cách mạng?

PV: Có ý kiến cho rằng các nhà phê bình, những người sáng tác cứ nói mãi về một chuyện, đó là chiến tranh và hậu chiến, nhưng chưa bao giờ đủ, chưa bao giờ thỏa mãn. Họ chờ đợi những đỉnh cao mới ở phía trước. Là một nhà văn thế hệ mới, chưa từng tham gia cuộc chiến tranh đó, anh có thể chia sẻ ý kiến về đề tài chiến tranh cách mạng? Đề tài này có phải chỉ là thế mạnh của các nhà văn quân đội, hoặc các nhà văn đã tham gia cuộc chiến hơn 40 năm về trước?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Phải thấy một điều rằng, các nhà văn thế hệ chống Mỹ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh sáng tác của mình, xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân. Chúng ta, nhất là các nhà phê bình hay đặt ra mục tiêu phải có tác phẩm văn học đỉnh cao đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi tự hỏi: Thế nào là đỉnh cao? Lấy thước đo là giải Nobel, hay các giải thưởng văn chương trong khu vực, châu lục? Điều này, tôi nghĩ không ít lúc khiến các nhà văn tài năng mọi thế hệ thấy khó phân định được. 

Văn chương đích thực, hay văn học đỉnh cao đều phải lấy bạn đọc, thời gian và đương nhiên có cả hàm lượng giải thưởng để làm thước đo. Điều ấy chỉ ra rằng, không riêng đối với tôi mà còn với nhiều người khác, thế hệ các nhà văn chống Mỹ đã có được tác phẩm tốt nhất, cao nhất, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Tuy nhiên, nếu bây giờ người ta mong mỏi, chờ đợi những gì cao hơn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồng của Dương Hướng; Mở rừng, Thời xa vắng của Lê Lựu; Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần của Chu Lai… cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng văn chương khác nhau ở chỗ không thể lấy tác phẩm này đặt lên trên tác phẩm khác, cho rằng cao hơn hoặc thấp hơn. Vẻ đẹp của văn chương chính là sự khác biệt, sự độc đáo. Điều này các nhà văn viết về đề tài chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến tranh chống Mỹ đã làm rất tốt.

Viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề tài khác. Tôi không tham gia chiến tranh, nhưng cha mẹ tôi, chú bác tôi đều có mặt, đổ máu ở trong cuộc chiến ấy. Là con cháu các anh hùng liệt sĩ, việc viết về chiến tranh giống như máu thịt chảy trong thân thể mình vậy. Với tôi là tự nhiên. Các truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học phần lớn là chiến tranh, từ chiến tranh bước ra, từ thời bình đi ngược về quá khứ thời chiến. Đây cũng là thế mạnh của các nhà văn quân đội, đặc biệt ở Văn nghệ Quân đội.

PV: Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, khi là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong bài “Văn học về đề tài chiến tranh - thách thức, thành công và bài học” đã nhận định: Văn học đề tài chiến tranh cách mạng “có lẽ là mảng văn học phát triển rực rỡ nhất”, và ông cũng cho rằng những năm gần đây, văn học đề tài này có nguy cơ mất vị trí hàng đầu. Việc một dòng văn học thoái trào trong dòng chảy đương đại là dễ hiểu. Tuy nhiên, theo quan sát của anh, hiện có còn nhiều cây bút tâm huyết theo đuổi dòng văn học này, và họ đang vận động ra sao?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Theo tôi, văn học hướng tới con người. Chiến tranh cũng là việc con người phải giải quyết với nhau, nên với một đất nước như Việt Nam, việc trội lên, đậm đặc tác phẩm viết về chiến tranh là đương nhiên. Không riêng gì thời chống Mỹ, trước đó và sau này, các đề tài khác cũng luôn được các nhà văn quan tâm, nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao. Ma Văn Kháng là một trường hợp như thế. Nhưng cũng không thể tách các tác phẩm ra khỏi bối cảnh chiến tranh dù nó được viết sau chiến tranh. Một đất nước từng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chiến tranh thì con người xã hội sẽ không thể tách rời những ảnh hưởng đặc trưng của nó. Điều đó cũng là bình thường. Hiện nay, nhiều cây bút ở Văn nghệ Quân đội đang viết rất kỹ và khá hay về chiến tranh. Đó là Nguyễn Bình Phương với Xe lên xe xuống; Sương Nguyệt Minh với Miền hoang. Các tác phẩm này tạo luồng dư luận rất phong phú. Điều đó cho thấy đề tài chiến tranh luôn luôn là mảnh đất màu mỡ của các nhà văn.

PV: Đề tài chiến tranh cách mạng luôn được coi là một thách thức đối với các nhà văn trẻ. Là Phó Tổng Biên tập, Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có điều kiện quan sát, theo dõi lực lượng sáng tác trẻ trên cả nước nói chung và trong quân đội nói riêng, anh có thể chia sẻ riêng về lực lượng viết trẻ quân đội? Theo anh, họ đã xác lập vị trí cá nhân trên văn đàn đương đại ra sao? Đối với họ, đề tài chiến tranh cách mạng có thuộc về nghĩa vụ và trách nhiệm?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Lực lượng viết văn quân đội hiện nay khá đông và chất lượng. Riêng ở Văn nghệ Quân đội đã có các nhà văn: Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều… đang ở độ tuổi sung sức nhất trong sáng tác. Đương nhiên họ xác lập tên tuổi trên văn đàn không chỉ trong địa hạt đề tài chiến tranh cách mạng. Những sáng tác lấp lánh nhất không lệ thuộc vào đề tài. Còn nghĩa vụ và trách nhiệm đối với mỗi nhà văn, cho dù có công tác ở Văn nghệ Quân đội chăng nữa, thì cao nhất là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà văn phải có bổn phận phục vụ nhân dân và Tổ quốc của mình. Trái tim và ngòi bút nhà văn phải thuộc về nhân dân và Tổ quốc.

PV: Riêng với nhà văn Phùng Văn Khai. Là một nhà văn quân đội, những sáng tác của anh hiện tại có còn hướng tới đề tài chiến tranh cách mạng hay không? Cách tiếp cận, xử lý đề tài này như thế nào?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Đối với tôi, sáng tác đã, đang và sẽ công bố chỉ có ở ba mảng: Đề tài chiến tranh; Đề tài nông thôn và Đề tài lịch sử. Lịch sử cũng là lịch sử chiến tranh. Nông thôn cũng là nông thôn từng đớn đau dằn vặt trong chiến tranh. Tôi viết khá thoải mái mà không lệ thuộc vào một kế hoạch cụ thể nào. Tôi có thể vừa viết tiểu thuyết vừa viết truyện ngắn các đề tài khác nhau theo nhu cầu của bản thân. Có những cuốn sách nhỏ như: Lý Thường Kiệt - danh tướng phạt Tống bình Chiêm; Trung tướng Khuất Duy Tiến - hành trình của người anh hùng một nhân vật lịch sử một nhân vật đương đại được tôi thể hiện cùng một lúc. Tôi đang tiếp tục viết hai cuốn: Ngô Vương và Một thế giới khác cũng trong tình hình như vậy. Đan xen là viết kịch bản phim tài liệu để mưu sinh nuôi bút. Mọi thứ cũng diễn ra bình thường. Ngày nào cũng miệt mài cày cuốc và chưa bao giờ chịu sức ép của nhà phê bình hay khát vọng vươn đến văn học đỉnh cao. Cứ viết rồi bạn đọc và thời gian sẽ phán xét tới.

PV: Đến nay, các cuộc thi truyện ngắn, thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của không chỉ đơn vị tổ chức, mà còn của các nhà văn tham gia. Nếu có một ý tưởng khích lệ dòng văn học này mãi mãi giữ vị trí đặc biệt trong dòng chảy văn học nước nhà, theo anh, ngoài các cuộc thi, các trại sáng tác, ta còn có thể có hình thức ưu đãi nào khác?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Hãy để các nhà văn tự do, thật tự do về tư tưởng, văn học đích thực sẽ đến với họ, với nhân dân. Việc một tờ báo, một cơ quan văn học, toàn thể Hội Nhà văn, ngay cả Đảng ta chăng nữa đưa ra đường hướng tập trung viết về một đề tài nào đó, ví như đề tài chiến tranh cách mạng cũng chưa chắc thúc đẩy được nền văn học tăng tốc lên đỉnh cao. Ở các nền văn học lớn như Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Trung Quốc… cũng chưa bao giờ diễn biến theo cách đó. Hãy để tự nhiên và tự do tối đa cho nhà văn. Các dòng văn học theo đề tài cũng vậy. Nó phải được phát triển tự nhiên mới vạm vỡ và xum xuê, bền vững. Chúng ta có lúc đã có những can dự không cần thiết về vấn đề tự do, tư tưởng, vùng cấm đối với nhà văn. Mong rằng, những quan niệm đơn sơ cứng nhắc này sớm được nhìn nhận và tháo cởi.

PV: Vâng, xin cảm ơn anh!

Song Ngư thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017

Nhà văn Phùng Văn Khai: còn phải làm nhiều việc về văn học cho lịch sử

Tiểu thuyết lịch sử vốn là thể loại tương đối kén độc giả vì nhiều lý do. Một tiểu thuyết lịch sử thường được đầu tư rất công phu, vì liên quan đến việc thu thập ráp nối các dữ liệu chính sử rồi mới chuyển thể thành văn học.

Ngày 17-07-2020, Khoa Viết văn Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với Viện Nhân học Văn hóa tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu Tiểu thuyết lịch sử "Nam đế Vạn Xuân" và "Triệu vương phục quốc" nằm trong bộ Tiểu thuyết dài tập "Vương triều tiền Lý" của Nhà văn Phùng Văn Khai.

Đây là hai cuốn tiểu thuyết tiếp nối mạch nguồn của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (NXB Hội nhà văn, 2015, NXB Văn học tái bản năm 2018) và Ngô Vương (NXB Văn học, 2019).

Tại buổi Tọa đàm, nhà văn Phùng Văn Khai tâm sự: "Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian. Thời gian để đi đến các di tích lịch sử, thời gian để tìm hiểu và thấm nhuần lịch sử… Có thể nói, thời gian vô cùng đáng quý. Suốt thời gian nghỉ Covid-19, ngày nào tôi cũng phải dậy từ sáng sớm để ngồi viết. Là người cầm bút, tôi nghĩ rằng mình cần có một trách nhiệm nào đấy đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng. Tôi cho rằng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc về văn học cho lịch sử".

Nhà văn Phùng Văn Khai bắt đầu với "Phùng Vương" viết về cuộc đời và những biến cố, biến thiên lịch sử liên quan đến vị anh hùng Phùng Hưng, sau đó đến "Ngô Vương" viết về Ngô Quyền và vừa qua là "Nam đế Vạn Xuân" viết về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bí (Lý Nam Đế), và "Triệu vương phục quốc" viết về cuộc đời lẫm liệt của Triệu Quang Phục.

Như vậy có thể thấy, nhà văn Phùng Văn Khai đang có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện những trang sử "còn mờ nhòe của dân tộc" bằng bút pháp của văn học. Điều đáng mừng là, chính những tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai đã góp phần khép kín "một vòng lịch sử bằng văn học".

Giúp bạn đọc thêm tự hào về lịch sử dân tộc

Tiểu thuyết Lịch sử "Nam Đế Vạn Xuân" đã tái hiện một cách sinh động lịch sử nước nhà xoay quanh triều đại của nhà nước Vạn Xuân (544-602). Với bộ nhân vật lịch sử đồ sộ của cả ta lẫn địch như: Lý Nam Đế, Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… hay Lương Vũ Đế, Vũ lâm hầu Tiêu Tư, Dương Phiêu, Lý Tắc… với nhiều tình tiết móc ngoặc, những cuộc đấu trí gay cấn hay những lời thoại sinh động của từng nhân vật.

Nam Đế Vạn Xuân như một con tàu thời gian đưa ta ngược trở về từng quãng của lịch sử từ khi Lý Bí tu tập tại chùa Cổ Pháp đến thời điểm làm Giám quân ở Đức Châu và cuối cùng là đuổi giặc Lương lên ngôi tại điện Vạn Thọ. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam có hoàng đế và niên hiệu Thiên Đức là niên hiệu riêng đầu tiên để chứng tỏ nước ta đã giành lại độc lập từ tay Trung Quốc.

Với hơn 500 trang, 15 hồi gay cấn, sinh động trong từng câu thoại của các nhân vật lịch sử, "Nam Đế Vạn Xuân" đưa bạn đọc như đang được trở về thời điểm cách đây gần 1500 năm để ta thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử đánh giặc hào hùng của dân tộc.

Điều hấp dẫn ở một tiểu thuyết lịch sử đối với bạn đọc, nằm ở khả năng của tác giả trong việc kết hợp hài hòa giữa các yếu tố chính sử, dã sử, đồng thời giữ một biên độ hư cấu hợp lý để không đánh mất tính trung thực lịch sử.

Chọn một đề tài lịch sử thuộc giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Phùng Văn Khai ưu tiên các dẫn liệu chính sử để làm xương sống cho "Nam Đế Vạn Xuân". Bên cạnh đó, nhà văn sử dụng huyền tích một cách vừa phải không thừa thãi, chủ yếu nhằm tạo ra sự dị biệt đặc thù cho nhân vật lịch sử, điển hình như tình tiết hổ vàng rơi lệ ở hồi một.

Cùng với đó là những chi tiết mang yếu tố truyền thống dân gian vùng Bắc Bộ để tăng tính thuần Việt cho tiểu thuyết. Đơn cử là những màn giao đấu trên các xới vật. Việc mở rộng ra các chủ đề văn hóa, cụ thể là văn hóa thuần Việt, như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian, văn hóa làng xã, sẽ đi đến một sự biểu đạt của nghệ thuật nhìn từ văn hóa, khiến nhà văn không đơn thuần chỉ còn là một tiểu thuyết gia, mà còn là một nhà văn hóa.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian - 

Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai

Tiểu thuyết "Triệu vương phục quốc" viết về cuộc đời lẫm liệt của Triệu Quang Phục, tiêu biểu cho khí phách quật cường, quyết đánh đuổi ngoại xâm, chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc ở giai đoạn lịch sử vô cùng đau thương và bi tráng của dân tộc. Tên tuổi của ông lưu danh sử sách cùng những bậc anh hùng hào kiệt thời kỳ này như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền…

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, trị vì đất nước từ năm 548 đến năm 571. Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình đời đời làm hào trưởng vùng đất Chu Diên. Năm 542, Triệu Quang Phục theo cha là Triệu Túc đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân.

Huyện Khoái Châu ngày nay (xưa thuộc huyện Chu Diên) là quê hương của đấng anh hùng cứu nước, quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi: Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương). Ông đã ra đi hơn một nghìn năm nhưng danh thơm thì còn mãi với non sông.

Thu Hiền

ictvietnam.vn/  17/07/2020 

Nhà văn Phùng Văn Khai: Không hay tôi vẫn viết!

Sau khi ra mắt bạn đọc hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương (2018) và Ngô Vương (2019), nhà văn Phùng Văn Khai tiếp tục đi sâu vào lịch sử để tìm tòi, khám phá, hoàn thiện và ra mắt hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc.

Toàn cảnh buổi ra mắt sách.

Sáng 17-07-2020, Khoa Viết Văn - Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội phối hợp với Viện Nhân học Văn hoá tổ chức buổi toạ đàm, giới thiệu hai cuốn tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc. Buổi toạ đàm thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà văn và bạn đọc đến tham dự.

Tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân (NXB Văn học, 2020) xoay quanh công cuộc khởi nghĩa và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí. Triệu vương phục quốc (NXB Văn học, 2020) khắc hoạ nhân vật Triệu Quang Phục cùng với quá trình đấu tranh giữ nước của ông. Cả hai cuốn sách được nhà văn Phùng Văn Khai viết theo thể loại trường thiên tiểu thuyết, với bố cục chương hồi cùng nhiều tuyến nhân vật.

Chọn nhân vật là những anh hùng lịch sử; chọn thời gian là những giai đoạn mang tính bản lề, có sự ảnh hưởng và có tính quyết định lịch sử; chọn những sự kiện mang tầm vóc lớn lao của quốc gia… Nhà văn Phùng Văn Khai đã cho thấy khả năng nhìn nhận, lựa chọn và sự dài hơi đối với thể loại này. Qua các cuốn tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai đều muốn viết về những nhân vật đứng ra gánh vác việc giang sơn, đánh giặc giữ nước. Đây là một lựa chọn đầy chông gai, thử thách với mỗi người cầm bút, bởi lịch sử đã ghi lại những diễn biến, kết quả, nhà văn thì khó lòng thay đổi được điều đó. Nhưng Phùng Văn Khai đã khéo léo lựa chọn viết về những nhân vật đã lùi xa thời anh đang sống rất nhiều. Lịch sử không thể ghi chép được đầy đủ, và vẫn còn rất nhiều khoảng mờ cho nhà văn tưởng tượng.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, Phùng Văn Khai đã đem đến những truyện lịch sử trong các tiểu thuyết của mình. Giữa trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử của nền văn học hôm nay, Phùng Văn Khai đã đi theo một hướng riêng biệt. Anh đam mê với sử Việt và làm giàu có cho lịch sử bằng những tiểu thuyết của mình.

Chọn chính sử làm điểm tựa, Phùng Văn Khai đã khéo léo kết hợp với dã sử, huyền sử cùng sự hư cấu phong phú để đi qua các giai đoạn lịch sử, để thấu hiểu các nhân vật lịch sử. Mỗi hành động, lời nói, mỗi sự lựa chọn của nhân vật lịch sử đều trở nên sống động và hấp dẫn qua ngòi bút đầy năng lượng và truyền cảm của nhà văn.

Ghi nhận những đóng góp của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai, PGS.TS Trương Sỹ Hùng, Viện Nhân học Văn hoá chia sẻ: Cả một thời kì dài chúng ta chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh - Thanh, đó là điều đương nhiên không tránh khỏi. Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam chưa nhiều, vậy nên sự xuất hiện những cuốn sách của Phùng Văn Khai là một bước tiến cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI này. Khi bạn đọc tiếp cận tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thì lịch sử Việt Nam cũng sẽ được quan tâm hơn.

Đề tài lịch sử trong văn học là một đề tài đầy hấp dẫn. Viết về lịch sử không có nghĩa là nhà văn rời xa thực tại, mà qua lịch sử chúng ta sẽ nhận ra, lịch sử đang nhắn gửi chúng ta điều gì, nhà văn đang muốn nói với đương đại điều gì… Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc đều cho chúng ta thấy tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục của cha ông ta. Không chỉ cuốn hút bạn đọc bởi những trận đánh long trời lở đất, những chước mưu để có thể chiến thắng kẻ thù, hay những cách bày binh bố trận, tiểu thuyết Phùng Văn Khai cũng khai thác sâu vào đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh, tôn giáo, bản sắc của dân tộc ta trong những thời kì đó. Điều này làm cho tiểu thuyết của anh trở nên ấn tượng hơn khi những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử trở nên “lịch sử” hơn trong toàn bộ không gian, cảnh sắc, tập quán của thời lịch sử.

Nói về Phùng Văn Khai và những cuốn tiểu thuyết lịch sử, đồng nghiệp của anh ở Nhà số 4, nhà văn Nguyễn Đình Tú bảy tỏ: Phùng Văn Khai là một nhân cách văn chương đáng trân trọng, điều này được thể hiện rõ qua từng tập sách của anh, qua từng lao động sáng tạo của anh. Anh tâm huyết với lịch sử đến mức cho rằng, mình như người đi gom tư liệu lịch sử, để lỡ sau này, khi có điều kiện, những người khác có thể lấy đó mà phát triển thêm hoặc chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật khác.

Bộ diễn giả quen thuộc trong các lần ra mắt tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai gồm PGS.TS Văn Giá, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà phê bình Đỗ Lai Thúy lần này vắng một, Đỗ Lai Thúy đi vắng không dự được. Trong phần chia sẻ tại lễ ra mắt sách, nhà văn Phùng Văn Khai nói vui rằng, "hôm qua anh Phạm Xuân Nguyên có bảo tôi viết không hay, tuy thế thì dù không hay tôi cũng vẫn cứ viết". Tinh thần lao động ấy đã được tác giả theo đuổi đề tài lịch sử thể hiện ở 4 cuốn tiểu thuyết trong vòng 12 năm qua, và hiện còn 2 bản thảo đang dang dở. Còn tác phẩm được ghi nhận đến đâu, có lẽ cả tác giả và bạn đọc cần chờ đợi thêm.

Tùng Phương

Vannghequandoi.com.vn/ Thứ Sáu, 17/07/2020  

Powered by Froala Editor