Viện phương đông

3 năm trước

Đọc "Cuộc chiến mười ngàn ngày" tôi được gặp lại tôi của thời thanh niên!

Quả thật chúng tôi đã hành quân qua nhiều miền quê mà ngay cả khi ấy cũng không nhớ hết được tên gọi. Những lúc ấy, chúng tôi lại cồn cào nỗi nhớ làng quê của mình. Ở đất nước Việt Nam của chúng ta, những ngôi làng không chỉ là các trầm tích văn hóa mà còn là nơi nương náu tâm hồn của mỗi con người. Cho nên, thời chinh chiến đi qua rồi, nay thời bình đọc lại những câu thơ của Hữu Đạt lại càng thấy thấm thía cái thứ tình cảm da diết, trong da, trong thịt của mình. Cái tình làng quê…chính vì rất yêu làng quê mà càng yêu đất nước:

Powered by Froala Editor

Sau các bài trong mục Tọa đàm lần thứ 2 về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều  sự chia sẻ từ phía bạn đọc,  đặc biệt là các cựu chiến binh – những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Một trong những người đó là bác Đào Đại Hướng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bác về những cảm xúc đọng lại sau khi đọc trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày"

Phóng viên (PV): Thưa bác, được biết bác đã từng là một người lính đã tham gia cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc. Có thể nói, bác là người người trong cuộc với tư cách là đối tượng phản ánh của trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày". Trước khi bác cho độc giả biết những suy nghĩ của mình về bản trường ca,  xin bác giới thiệu đôi nét về bản thân với độc giả Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông.

Bác Đào Đại Hướng: Tôi sinh năm 1952, ở thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì. Năm 1970 tôi nhập ngũ. Đó là vào ngày 25 tháng 4. Tôi nhớ rất rõ mốc thời gian này bởi khi đấy chỉ còn cách ngày chúng tôi thi tốt nghiệp cấp 3 đúng 30 ngày. Chúng tôi được huấn luyện ở Tuy Lai, Mỹ Đức gần 9 tháng. Đến 25-12-1970 bắt đầu lên đường đi B (vào Nam).

PV: Trong trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" có những đoạn thơ viết về các thế hệ học trò tạm biệt mái trường, lên đường ra trận theo tiếng gọi của non sông. Bác có cảm nghĩ gì về những câu thơ ấy?

Bác Đào Đại Hướng: Vâng, đúng là trong "Cuộc chiến mười ngàn ngày" có những đoạn thơ nói về những người học trò lên đường ra trận. Đấy chính là hình ảnh của cá nhân tôi, ý tôi là tôi thấy được hình ảnh của mình ở những câu thơ ấy. Và đấy cũng là hình ảnh của cả một thế hệ thanh niên ngày đó. Nhưng trước khi lên đường nhập ngũ, chúng tôi cũng đã có những ước mơ anh ạ. Những ước mơ rất đời thường thôi. Chúng tôi mơ ước sẽ được tiếp tục học lên nữa, để trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên. Nhưng chiến tranh đã khiến cho nhiều ước mơ dang dở, đúng như những câu thơ mà nhà thơ Hữu Đạt đã viết:

"Nhưng thế hệ chúng tôi

Đã nhiều người dang dở

Bao ước mơ hoài bão

đã không thành"

                               (Cuộc chiến mười ngàn ngày)

Khi đọc "Cuộc chiến mười ngàn ngày" tôi lại gặp lại tôi, gặp lại các bạn tôi trong đó:

"Chúng tôi lớn lên

mê mải tuổi học đường đầy ước vọng

Trang giấy trắng như cuộc đời trinh trắng

Thắp niềm tin với những ước mơ xa

Bạn mong muốn mai mình thành bác sĩ

Đem tình thương

chữa bệnh đến muôn nhà

để cuộc sống

Mọi người luôn khỏe mạnh

Đứa trẻ mới ra đời cũng đỏ thịt thắm da"

                          (Cuộc chiến mười ngàn ngày)

Tôi cũng đã từng mơ ước sẽ trở thành kỹ sư. Và may mắn là sau ngày đất nước thống nhất, sạch bóng quân thù, tôi lại được tiếp tục đi học. Năm 1976 tôi đỗ vào đại học Bách Khoa. Ước mơ của tôi, không dang dở như nhiều bạn chiến đấu đã hy sinh ngoài mặt trận, may mắn thay, lại được tiếp nối. Bởi thế, khi đọc những vần thơ trong trường ca tôi vô cùng xúc động. Thời trai trẻ của tôi như cuốn phim chiếu lại, hiện lên trên từng câu chữ của bản trường ca này:

"Tôi mơ ước mình thành nhà chế tạo

Làm cho dân những cỗ máy con tàu

Ruộng đất sẽ được cày bằng máy kéo

Đường dù xa nhưng vẫn thấy gần nhau"

                      (Cuộc chiến mười ngàn ngày)

PV: Vậy nếu được quay trở lại ngày ấy, bác có thay đổi quyết định của mình không ạ?

Bác Đào Đại Hướng: Không, dù được làm lại 1 lần nữa, tôi, chúng tôi vẫn sẽ lên đường, vì đất nước cần anh ạ. Nếu anh nhớ được, thì sẽ thấy trong trường ca có 2 câu thơ đã nói lên quyết tâm của thế hệ chúng tôi khi đó:

"Song không tiếc vì lòng mình hiểu rõ

Sẽ làm gì khi đất nước chiến tranh"

PV: Vâng, chắc chắn là như thế rồi ạ. Xin bác cho độc giả biết thêm những suy nghĩ ngày đầu bác nhập ngũ ? Bởi từ một học sinh cấp 3, phút chốc trở thành người lính chiến, chắc sẽ có nhiều ký ức khó quên!

Bác Đào Đại Hướng: Đúng vậy anh ạ. Sau 9 tháng huấn luyện, chúng tôi lên đường đi B. Ngày đầu tiên, chúng tôi đi bộ từ Mỹ Đức đến ga Đồng Văn để lên tàu vào Nam. Tiểu đoàn tôi có 132 người tất cả. Tàu đi qua Nam Định, Thanh Hóa, Vinh rồi đến Nghệ An. Đêm đầu tiên sau khi xuống tàu, chúng tôi ngủ lại Nam Đàn, Nghệ An. Đấy là một đêm mưa gió. Đêm hôm sau chúng tôi đi tiếp vào đến Hà Tĩnh thì lên tàu thủy đi 1 đêm trên sông La, rồi tiếp tục đi bằng ô tô qua Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đây là buổi cuối cùng chúng tôi tiêu tiền miền Bắc ở Quảng Trạch. Lúc đó tôi còn 4 đồng, mua được 2 quả cam. Tôi còn nhớ vị cam rất ngọt và thơm. Đêm đấy chúng tôi tiếp tục hành quân, đi về phía biên giới Việt Lào. Trên xe, tôi thấy phía biên giới nhì nhoằng chớp sáng do bom đạn của máy bay Mỹ ném xuống. Quả thật chúng tôi đã hành quân qua nhiều miền quê mà ngay cả khi ấy cũng không nhớ hết được tên gọi. Những lúc ấy, chúng tôi lại cồn cào nỗi nhớ làng quê của mình. Ở đất nước Việt Nam của chúng ta, những ngôi làng không chỉ là các trầm tích văn hóa mà còn là nơi nương náu tâm hồn của mỗi con người. Cho nên, thời chinh chiến đi qua rồi, nay thời bình đọc lại những câu thơ của Hữu Đạt lại càng thấy thấm thía cái thứ tình cảm da diết, trong da, trong thịt của mình. Cái tình làng quê…chính vì rất yêu làng quê mà càng yêu đất nước: 

                                           “Những ngôi làng anh qua

Không thể nào nhớ hết

Mỗi ngôi làng

 một dáng hình đất Việt

Tự ngàn xưa 

văng vẳng tiếng trống đồng

Nơi hồn nước chim bay về hội tụ

Nơi có những mỗi tình

Cùng con sáo sang sông

Làng với nước có trong câu hát ví

Tự ngàn xưa cha mẹ đã thuộc lòng

Khi lớn dậy ta thấy làng óng ả

Những rặng tre ngà

 như nét vẽ uốn cong »

                                          (Cuộc chiến mười ngàn ngày)


PV: Thưa bác, sau ngày Thống nhất, bác vào đại học, tiếp tục ước mơ của mình. Những ngày đó chắc bác cũng phải vượt qua nhiều thử thách và gian khổ?

Bác Đào Đại Hướng: Đó là những ngày vô cùng thiếu thốn và vất vả. Không chỉ có một màu hồng của chiến thắng thôi đâu. Đánh giặc xong rồi, đất nước còn trăm điều bộn bề, nan giải lắm. Cái sự ấy đã được khái quát trong những câu thơ của Hữu Đạt 

"Đất nước hết chiến tranh

Trong đời sống có bao điều bề bộn

Không thể hát những bài ca khoai sắn

Phải vươn lên giành lấy sang giầu

Nhưng “ Cấm vận” Mỹ không mở cửa

Cả nước điêu linh chịu phong tỏa bốn bề

Lương thực thiếu và cái gì cũng thiếu"  

Tất nhiên, với những người lính như chúng tôi, sống được trở về sau chiến tranh để tiếp tục học tập là hạnh phúc lớn lao lắm. 

PV: Dạ, đúng là các thế hệ sinh ra sau chiến tranh chưa thể hiểu hết được những hy sinh, gian khổ của thế hệ cha anh đi trước. Nhưng tinh thần của cha ông, của dân tộc ta, luôn mong muốn hòa bình, thì theo chúng cháu, thế hệ nào cũng thấm nhuần bác ạ.

Bác Hướng: Đúng thế đấy. Tôi rất thích các câu thơ trong trường ca mang những ý như anh nói:

"Những người Mỹ hôm nao trong cuộc chiến

Cầm súng đi bắn giết, đốt nhà

Nay trở lại, ta dùng lời cảm mến

Xóa hận thù trong cung cách hào hoa

Ta sống đẹp bởi cha ông sống đẹp..."

 

Đấy là những điều mà thế hệ chúng tôi đã làm và làm được. Chúng tôi hy vọng thế hệ các anh phải tiếp tục phát huy để thực hiện:

“Xây dựng nước ta thật to đẹp đàng hoàng

Để làm trọn những điều Bác mong trong Di chúc

Thắng giặc Mỹ xong rồi

Đất nước phải đẹp hơn

PV: Vâng, đất nước đang càng ngày càng phát triển hơn ạ. Chúng cháu xin được gửi lời cám ơn các bác, các chú đã hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh tính mạng và xương máu để giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc. Và cũng xin cám ơn bác đã dành thời gian tham gia cuộc Tọa đàm lần thứ 2 về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" do Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông tổ chức. Kính chúc bác và gia đình luôn vui khỏe, hạnh phúc!

Minh Châu thực hiện

 

Powered by Froala Editor