Viện phương đông

2 năm trước

NGUYỄN DU ĐÃ LÀM GÌ KHÁC THANH TÂM TÀI TỬ TRONG ĐOẠN TRÍCH “THÚY KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN”?

Sau này, thời gian đọc, ngẫm nghĩ “Truyện Kiều” nhiều, lại có dịp đọc kĩ “Kim Vân Kiều” tôi mới tin là các vị theo xu hướng thứ hai có cơ sở. Để củng cố niềm tin này, tôi tự tìm hiểu và so sánh các đoạn trích tiêu biểu, các nhân vật chính, các chi tiết quan trọng của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Tử. Dưới đây chỉ nói về đoạn Kiều báo ân báo oán

Powered by Froala Editor

NGUYỄN DU ĐÃ LÀM GÌ KHÁC THANH TÂM TÀI TỬ

 TRONG ĐOẠN TRÍCH “THÚY KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN”? *

                                                                                                             PGS.TS. Vũ Nho

(Trích trong chuyên khảo : Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều – so sánh và bình luận, nxb Hội Nhà Văn, 2016)



Trước nay ở ta khi bàn về “Truyện Kiều” thường có hai xu hướng. Một cho rằng nội dung “Truyện Kiều” dựa vào “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Tử, Nguyễn Du không có đóng góp gì lớn. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Du là chuyển một cuốn tiểu thuyết chương hồi, thành tiểu thuyết bằng thơ mà những câu thơ kết tinh nghệ thuật thơ lục bát của dân tộc. Nghĩa là Nguyễn Du chỉ có đóng góp phần nghệ thuật mà thôi. 

Xu hướng thứ hai cho rằng không phải như vậy. Tuy là dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Tử, nhưng Nguyễn Du đã làm mới rất nhiều về nội dung, đã sáng tạo thêm nhiều, đồng thời đưa nghệ thuật lục bát lên đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca. Nghĩa là Nguyễn Du đã làm mới tác phẩm truyện vốn chỉ là trung bình khá của nước bạn, thành một tiểu thuyết bằng thơ hoàn hảo cả nội dung và nghệ thuật, trở thành một kiệt tác không chỉ của nước ta, mà của kho tàng văn chương nhân loại. 

Khi học ở Đại học, tôi vẫn còn băn khoăn và nghiêng về xu hướng thứ nhất. Tôi cho rằng cả cái chuyện Tú Bà dạy Kiều “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” để chiều khách làng chơi, Nguyễn Du cũng không bỏ, vậy thì cụ sáng tạo những gì? 

Sau này, thời gian đọc, ngẫm nghĩ “Truyện Kiều” nhiều, lại có dịp đọc kĩ “Kim Vân Kiều” tôi mới tin là các vị theo xu hướng thứ hai có cơ sở. Để củng cố niềm tin này, tôi tự tìm hiểu và so sánh các đoạn trích tiêu biểu, các nhân vật chính, các chi tiết quan trọng của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Tử. Dưới đây chỉ nói về đoạn Kiều báo ân báo oán

Đoạn này trong “Kim Vân Kiều” được bắt đầu như sau: "Nhân có một hôm, nàng Kiều nhắc lại những câu chuyện cũ ở Lâm Tri, Minh Sơn rằng: Đối với chuyện ấy có khó khăn gì, tôi chỉ cho 5000 binh đến quét sạch cả thành để thay phu nhân báo mối thù đó”. Và kết thúc là cảnh hành hình Sở Khanh. Khoảng 8 trang in. Nguyễn Du viết thành 108 câu lục bát. Từ câu 2289 đến câu 2396. Chưa đầy 4 trang in. (xem Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, NXB Hải Phòng, 1999, tái bản lần thứ nhất. Những ví dụ dẫn dưới đây đều theo số trang cuốn sách đó). 

Nguyễn Du đã làm những gì khác?

- Thứ nhất, Nguyễn Du để cho Từ Hải nổi cơn giận sấm sét:

Từ công nghe nói thủy chung

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang

- Thứ hai, Nguyễn Du đã bỏ đi tên các viên tướng được sai đi bắt người như Sử Chiêu, Lôi Phong, Hạ Báo. 

- Thứ ba, trong “Kim Vân Kiều truyện” chỉ nói gộp: “sai tướng quân Hạ Báo lãnh 5000 quân kéo thẳng đến huyện Vô Tích để bắt Hoạn Thư và mẹ là Kế thị cùng gia nhân của họ Hoạn, họ Thúc, Bạc Bà, Bạc Hãnh và vãi Giác Duyên trong am Chiêu Ẩn. Tất cả can phạm cần phải bắt sống, không để cho một tên nào chạy thoát” (sách đã dẫn, trang 362). Tất cả mọi người đều bị bắt. Nguyễn Du đã dành riêng cho Thúc Sinh cùng mụ quản gia nhà họ Hoạn, vãi Giác Duyên một cách đối xử khác:

Lại sai lệnh tiễn truyền qua

Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên

Mụ quản gia, vãi Giác Duyên

Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.

- Thứ tư, trong “Kim Vân Kiều” chỉ nói “Từ công chọn nơi cao ráo rộng rãi để đóng đại binh” (trang 363). Nguyễn Du tả kĩ khung cảnh oai nghiêm của việc báo ân báo oán:

Quân trung gươm lớn giáo dài

Vệ trong thị lập cơ ngoài song phi

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi

Bác đồng chật đất tinh kì rợp sân

Trướng hùm mở giữa trung quân

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi

Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên. 

- Thứ năm, trong “Kim Vân Kiều” chỉ kể “Lôi Phong đã giải cha con họ Thúc vào nộp”. Sau đó Hoạn Thư trông thấy Thúc Sinh, gọi lại hỏi vì sao tới đây, Thúc Sinh nói với Hoạn Thư “ta đây chỉ vì liên lụy” và “may mà việc trước tôi không dính dáng nên được tha thứ”. Hoạn Thư nhờ Thúc Sinh liệu nhời phân giải, Thúc Sinh nói: “Trước mặt nàng Kiều, tôi đã kêu xin tới ba bốn lượt, nàng đã mở cho một con đường sống, bảo tôi hãy đợi chốc lát rồi sẽ đến lãnh người nhà, nhưng còn sự trừng phạt thì khó tránh khỏi đó” (trang 364). Nguyễn Du làm khác hẳn. Mở đầu cuộc báo ân là với nhân vật Thúc Sinh. Nguyễn Du tả chi tiết sự sợ hãi của anh này, lại nói cả lời của Thúy Kiều, đặc biệt là Kiều có món quà tặng cực lớn, và tâm trạng mừng, sợ của Thúc Sinh:

Cho gươm mời đến Thúc lang

Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run

Nàng rằng nghĩa trọng nghìn non

Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không

Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân

Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là

Vợ chàng quỷ quái tinh ma

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Kiến bò miệng chén chưa lâu

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa

Thúc Sinh trông mặt bấy giờ

Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm

Lòng riêng mừng, sợ khôn cầm.

Rõ ràng tình cảm của Thúy Kiều với Thúc Sinh là rất trân trọng, và chàng Thúc hiện ra thật sinh động vừa sợ, vừa mừng trong buổi báo ân. 

- Thứ sáu, trong “Kim Vân Kiều”, Giác Duyên và quản gia nhà họ Hoạn đều bị bắt. Khi hai người này được đưa lên, tác giả tả như sau: "Giữa lúc vợ chồng Thúc Sinh còn đang nói dở câu chuyện, thì ở trung quân có lệnh truyền xuống: Đem các phạm nhân lên hầu. Thúy Kiều cầm tay sư Giác Duyên và mụ quản gia niềm nở hỏi rằng: Giác Duyên sư huynh còn nhận được mặt Trạc Tuyền chăng? Kìa mụ quản gia có còn nhận được Hoa Nô đây chứ?" (trang 364). Như vậy các vị đều bị bắt, bị coi như phạm nhân. Trong khi đó Nguyễn Du đã cho Kiều cư xử khác (xem lại điều thứ ba ở trên). Và trật tự báo ân thì cũng để xuống sau chàng Thúc. 

Mụ già sư trưởng thứ hai

Thoắt đưa đến trước, vội mời lên trên

Dắt tay mở mặt cho nhìn

Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi.

- Thứ bảy, trong “Kim Vân Kiều” kể chi tiết số lễ vật báo ân cho hai người. Điều này do Từ Hải nói: "Từ công rằng: Phu nhân tôi nhờ ơn hai vị hết lòng che chở, một giây phút nào cũng chẳng dám quên, giờ đây may được trùng phùng thì rất hả dạ. Rồi truyền tả hữu đem ra 200 lạng vàng 4000 lạng bạc, một nửa kính dâng sư phụ để đáp lại đức bao dung, một nửa tặng mụ quản gia để tạ ơn cứu mạng" (trang 365). Nguyễn Du để Thúy Kiều trực tiếp nói, và chỉ nói số lễ vật chung chung "nghìn vàng", chỉ là lễ thường so với lòng Phiếu mẫu:

Nhớ khi lỡ bước sảy vời

Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương

Nghìn vàng gọi chút lễ thường

Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân.

- Thứ tám, trong phần báo thù, tất cả Hoạn Thị (Hoạn Thư), Kế Thị (mẹ Hoạn Thư) và Khuyển - Ưng, Bạc Bà, Bạc Hãnh đều bị dẫn vào quỳ một lượt. Sau đó Bạc Bà bị chặt đầu, Bạc Hãnh bị băm nhỏ thân thể cho ngựa ăn. (trang 365). Nguyễn Du không làm thế. Mở đầu cuộc báo thù là xét xử Hoạn Thư. 

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư. 

Trong “Kim Vân Kiều" Hoạn Thư xin tha mạng bằng việc kể ơn cho Kiều ra viết kinh ở Quan Âm các, khi Kiều trốn thì không đuổi theo (kì thực là có đuổi, có dán cáo thị, sau Thúc Sinh khuyên mới thôi) và biện bạch vì ghen "không thể cắt sợi tơ tình, chia lòng sủng ái". Nguyễn Du để Hoạn Thư xin tha bằng việc viện dẫn ghen tuông trước, kể ơn sau:

Rằng tôi chút dạ đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Nghĩ cho khi các viết kinh

Với khi khỏi của dứt tình chẳng theo

Lòng riêng riêng những kính yêu

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

- Thứ chín, trong “Kim Vân Kiều”, Kiều hỏi Hoạn Thư những kẻ bắt mình ở Lâm Tri để bắt chúng gánh tội một phần cho Hoạn Thư. Nhưng Hoạn Thư từ chối không nỡ để chúng gánh tội thay. Kiều sai chém Ưng - Khuyển để cảnh cáo những kẻ hào nô khác. Kiều sai đánh mẹ Hoạn Thư 30 roi. Hoạn Thư xin chịu đòn thay. Mụ quản gia cũng xin thay chết. Kiều tha cho Kế Thị, nhưng bà này không chịu nổi khổ sở, thấy “ba quân giết người như rạ” nên khiếp đảm mà chết. Hoạn Thư bị “lột trần áo xiêm rồi treo cổ lên đánh 100 trượng”. Thúc Sinh mang về “chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi” (trang 367- 368). Nguyễn Du làm khác hẳn. Chẳng những Hoạn Thư không bị đánh roi nào, mà còn được tha bổng ngay tức khắc:

Khen cho thật đã nên rằng

Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời

Tha ra thì cũng may đời

Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen

Đã lòng tri quá thì nên

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

(Khi học Đại học, thầy Phạm Luận cho chúng tôi bàn về việc Nguyễn Du để Kiều tha bổng Hoạn Thư, chúng tôi đều phê phán Nguyễn Du nể nang Kế Thị, nể Hoạn Thư con nhà “Thiên quan trủng tể”, không dám cho Kiều trừng phạt như trong “Kim Vân Kiều”. Bây giờ nghĩ lại thấy thật non nớt). 

- Thứ mười, trong “Kim Vân Kiều” phần báo thù, tả, kể chi tiết việc đánh đòn, hành hình từng người. Nguyễn Du chỉ nói gọn, tóm tắt:

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh

Tú Bà với Mã Giám Sinh

Các tên tội ấy đáng tình còn sao

Lệnh quân truyền xuống nội đao

Thề sao thì lại cứ sao gia hình

Máu rơi, thịt nát tan tành

Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.

Chỉ một đoạn ngắn báo ân báo oán, kể ra đã có 10 điều Nguyễn Du làm khác với Thanh Tâm Tài Tử. Sự khác biệt ấy không phải do một bên là văn xuôi, bên kia là thơ không thể kể, tả chi tiết. Mà sự khác biệt ấy là do thiên tài của Nguyễn Du. Nguyễn Du đã làm sâu sắc thêm, ấn tượng thêm các nhân vật. Đặc biệt là vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải. Sự trân trọng con người, ân oán phân minh của Thúy Kiều được tô đậm. 

 

-----

*) Phần này đã in trên báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần, số 1037, ngày 15/11/2015. Khi đưa vào sách, cũng như  các bài ở phần Phụ lục, có đôi ý trùng, tác giả không muốn cắt bỏ.

Powered by Froala Editor