Viện phương đông

3 năm trước

Nhân bài viết của Hữu Đạt, bàn thêm về.... PGS.TS. Trần Lê Bảo

                Con người phương Đông có tâm lý sùng bái những con số thần bí về năm tháng ngày giờ. Chẳng hạn chu kỳ “cửu diệu” (chín ngôi sao), hoặc chu kỳ “nhị thập bát tú”(hai mươi tám ngôi sao)… những ngôi sao này liên quan đến tốt xấu trong chu kỳ 09 năm hoặc 28 ngôi sao… hoặc con người có “3 hồn 7 vía”, năm có 7 vía nữ có 9 vía. Người chết có chu kỳ 7 lần 7 là 49 ngày, hoặc 10 lần mười là 100 ngày cúng cơm…

       Những quan niệm về thời gian trên có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tâm lý con người phương Đông ngàn năm nay, trong đó có người Việt Nam.


Powered by Froala Editor

             Bài viết Nhận thức dân gian về thời gian trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt của Hữu Đạt:

1. Bài viết có tính khoa học cao về chuyên ngành ngôn ngữ học và tính thực tiễn tốt trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Từ những thực chứng của thành ngữ và tục ngữ về thời gian trong tiếng Việt, tác giả đã đi sâu phân tích nghĩa đen, nghĩa bóng và cả lớp nghĩa phái sinh trong quá trình biến đổi văn hóa và ngôn ngữ Việt. Phương pháp này đã có sức thuyết phục bởi cách quy nạp đi từ cụ thể đến khái quát.

     Bài viết đã tăng cường hiệu quả trong thực tiễn giảng day tiếng Việt cho người nước ngoài, bởi lẽ dạy tiếng không chỉ dạy ngôn ngữ mà quan trọng hơn là dạy tư duy của con người Việt Nam.

     Bài viết cũng đã khái quát nhận thức dân gian về thời gian cũng như chức năng của nó trong toàn bộ đời sống văn hóa xã hội của ngườiViệt.

    Tuy nhiên trong khuôn khổ một bài báo, người viết chưa có điều kiện để nói hết, hoặc nói được nhiều hơn những quan niệm, cách thức thể hiện thời gian trong tâm thức dân gian của người Việt cũng như của con người ở khu vực phương Đông.

         Chẳng hạn bài viết mới chỉ khảo sát những từ đơn nói về thời gian trong thành ngữ tục ngữ Việt, mà chưa nói đến từ láy hoặc từ ghép nói về thời gian như: năm năm, tháng tháng, ngày ngày hay giờ giấc (mà khẩu ngữ thương nói “giờ với giấc” với ý phê phán chê trách); hoặc từ ghép: năm tháng, ngày giờ, phút giây… những từ loại này chắc chắn đã có những sắc thái khác với những từ năm, tháng, ngày, giờ gốc. 

2. Nhân đây chúng tôi cũng xin mở rộng bàn về nhận thức thời gian của người Việt cũng như của con người phương Đông từ góc độ văn hóa.

a. Sự thức nhận không gian và thời gian là kết quả lâu dài của con người trong quá trình tương tác với tự nhiên, xã hội và bản thân để sinh tồn. Do môi trường sống ở mỗi khu vực khác nhau, nên các cộng đồng cư dân ở trong khu vực đó có những thức nhận về thời gian cũng không hoàn toàn giống nhau. Mặt khác do giao lưu văn hóa nên có những tiêu chí thời gian được thống nhất trong một khu vực nhất định, hoặc rộng nhất là toàn cầu. Trước đây hai khu vực rộng lớn là phương Đông và phương Tây có những tiêu chí về thời giác khác nhau. Phương Đông tính thời gian theo chu kỳmặt trăng (âm lịch) và phương Tây ghi thời gian theo chu kỳ mặt trời(dương lịch). Nhưng từ khi có giao lưu giữa hai khu vực văn hóa Đông - Tây, các nước phương Đông một mặt vẫn dùng âm lịch trong lao động sản xuất và các hoạt động văn hóa, mặt khác lại dùng dương lịch cho các hoạt động hành chính, kinh doanh, cho thống nhất với dương lịch của thế giới.

b. Việt Nam nằm trong khu vực phương Đông, cũng chịu ảnh hưởng chung của những quan niệm về thời gian của con người phương Đông. Những quan niệm này đã chi phối toàn bộ đời sống sinh hoạt vật chất lẫn sinh hoạt tinh thần của con người phương Đông; thể hiện quan niệm về thế giới của con người phương Đông. Những quan niệm chủ yếu này được thể hiện như sau:

        Con người phương Đông luôn gắn liền hai phạm trù không gian và thời gian để thể hiện thế giới. Khái niệm “vũ trụ” của phương Đông bao gồm: “vũ” là bốn phương và trên dưới - không gian; “trụ” là từ xưa cho tới nay - thời gian. Vi Trang, nhà thơ đời Đường có câu: “Kê minh mao điếm nguyệt” (tiếng gà gáy, trăng trên lều tanh) trong bài thơ “Thường Sơn tảo hành”, ông có dùng hai tín hiệu thời gian là tiếng gà gáy và trăng chỉ thời gian gần về sáng. Nhưng trăng ở đây còn là cảnh, ánh trăng chiếu trên lều tranh là không gian.

        Con người phương Đông vừa nhận thức được “thời gian vô thủy vô chung” như một chiều dài bất tận không đầu không cuối. mặt khác họ cũng thức nhận thời gian tuần hoàn theo chu kỳ của bốn mùa: “xuân sinh hạ trưởng thu thu đông tàn” (mùa xuân sinh sôi, mùa hè phát triển, mùa thu thu hoạch và mùa đông tàn lụi. Chu kỳ này gắn liền với mùa vụ gieo trồng, sản xuất và cũng là chu kỳ của đời người như quan niệm của con người phương Đông. Lễ hội của Việt Nam cũng theo quy luật: “xuân thu nhị kỳ” đó là thời gian nông nhàn, lúc chuẩn bị vụ mới hoặc gặt hái đã xong.

        Về mặt tâm lý, từ điều kiện sản xuất nôngnghiệp, con người phương Đông thường muốn sống yên ổn. Họ thích sự may mắn tốt lành (cát) và sợ những rủi ro, tai họa (hung). Tâm lý này trở thành niềm tin chi phối con người và cộng đồng mong tìm được những ngày tốt (cát nhật) tránh ngày xấu (hung nhật).Vì vậy những công việc hệ trọng trong đời như: tậu trâu, cưới vợ, làm nhà… họ thường phải xem ngày giờ, chọn những ngày tháng tốt, tránh những ngày tháng xấu để hành lễ… Chẳng hạn dân gian có câu: “Mồng năm, mười bốn, hai ba, đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”. Đó là ba ngày nguyệt kỵ của tháng không tốt cho công việc, vì vậy người ta thường không dùng những ngày này trong những công việc hệ trọng.

        Con người phương Đông có tâm lý sùng bái những con số thần bí về năm tháng ngày giờ. Chẳng hạn chu kỳ “cửu diệu” (chín ngôi sao), hoặc chu kỳ “nhị thập bát tú”(hai mươi tám ngôi sao)… những ngôi sao này liên quan đến tốt xấu trong chu kỳ 09 năm hoặc 28 ngôi sao… hoặc con người có “3 hồn 7 vía”, năm có 7 vía nữ có 9 vía. Người chết có chu kỳ 7 lần 7 là 49 ngày, hoặc 10 lần mười là 100 ngày cúng cơm…

       Những quan niệm về thời gian trên có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tâm lý con người phương Đông ngàn năm nay, trong đó có người Việt Nam.

3. Cách thức thể hiện thời gian của con người phương Đông trong đó có Việt Nam. Ngoài những từ cụ thể chỉ thời gian: ngày,giờ, tháng, năm, giây, phút, người phương Đông có những cách thức thể hiện thời khác phương Tây.

a. Xuất phát từ những nền văn minh lúa nước, tổng kết từ thực tiễn, con người phương Đông có tư duy trực giác mang tính cụ thể (khác với văn minh phương Tây có tư duy phân tích); nên họ thường dùng những khái niệm cụ thể chỉ thời gian như: nhật, nguyệt chỉ ngày và tháng vốn chỉ mặt trời mặt trăng. Hoặc có khái niệm đo thời gian khác với phương Tây như: canh, khắc (đêm năm canh ngày sáu khắc)…. Thêm nữa họ lại có tư duy lưỡng phân, tư duy quan hệ nên thường dùng A để nói B.

b. Người phương Đông thường dùng các vật ngoài tự nhiên nói về thời gian như cây cối, chim muông để chỉ mùa vụ: mùa xuân chim hót, mùa hạ ve ngâm, mùa thu dế kêu; hoặc mùa xuân đào, liễu; mùa hạ sen, lựu; mùa thu cúc ngô đồng; mùa đông tùng, trúc, hoặc tứ quý: Tùng cúc trúc mai…

c. Dùng những con số chỉ thời gian: “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”, “một tháng đôi lần có cũng không”, “xuân thu nhị kỳ”, chúc nhau Ngũ Phúc (Phúc Lộc Thọ Khang Ninh)…

d. Tính chu kỳ thời gian đời người: “sinh lão bệnh tử”, họ tôn trọng người cao tuổi (trọng xỉ), thường cầu chúc nhau: Tam Đa – Phúc Lộc Thọ. Họ nhân hóa ba khái niệm này thành ba ông già để thờ cúng cầu mong…

       Trên đây là những cách thức thể hiện thời gian theo mối quan hệ của tư duy phương Đông. Tuy nhiên trên cơ sở từ duy nàycác nhà văn nhà thơ phương Đông lai có những cách thể hiện thời gianhết sức độc đáo. Chẳng hạn cụ Nguyễn Công Trứ đã 73 bị chị em “hỏi bí” về số tuổi cụ đã trả lời rất hóm hỉnh: “ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (50 năm trước mới 23). Hạ Tri Chương thể hiện thời gian “không bạch” (nói thời điểm đầu và cuối bỏ qua thời gian ở giữa) trong bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” có câu: “Thiếu tiểu lý gia lão đại hồi” (từ nhỏ xa quê già mới về) để nói khoảng cách xa quê dài gần hết cả cuộc đời.

      Ở đây chỉ là “nói theo”, “mở rộng” thêm vài ý kiến, nhân đọc bài viết về Nhận thức dân gian về thời gian trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt của nhà ngôn ngữ học, PGS Nguyễn Hữu Đạt chứ chưa phải bài nghiên cứu hoàn chỉnh, mong mọi người thông cảm.

 

 

Powered by Froala Editor