Viện phương đông

3 năm trước

NHỚ VỀ MỘT LÁ THƯ TIỀN TUYẾN

ĐỌC TRƯỜNG CA “CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY” CỦA HỮU ĐẠT LẠI NHỚ VỀ MỘT LÁ THƯ TIỀN TUYẾN

Nguyễn Thanh

Powered by Froala Editor


Cuộc tọa đàm trường ca lần thứ hai về trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” do Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông tổ chức, mặc dù đang vào thời điểm tránh tập trung đông người, học viện không có điều kiện tụ hội các học giả, nhà thơ và những người trong cuộc. Tuy vậy nó vẫn có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ. Qua bạn đọc xa gần, Ban Quản lý kho dữ liệu nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, cũng như BBT đã may mắn nối kết được với nhiều cựu chiến binh và đã nhận được những trao đổi, tâm tình đầy trách nhiệm như nữ cựu chiến binh Đỗ Thị Hồng Xoan, những kỷ vật vô giá còn lưu giữ trong cuộc đời của các phóng viên chiến trường như bài viết của cựu sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số kỷ vật khác.

            Khi theo dõi các diến biến của cuộc tọa đàm và đọc một số chương được đăng tải trên website của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông trong những số gần đây, đặc biệt là chương bảy của trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” có tên “Mái trường đại học”, có người lính già từng cầm vô lăng suốt 6 năm dọc đường Trường Sơn lại bồi hồi nhớ lại thời ông vừa rời ghế nhà trường. Cũng như nữ cựu chiến binh Đỗ Thị Hồng Xoan, ông xếp bút nghiên vào đúng lúc tuổi trẻ đang khát khao nhiều mơ ước. Một trong những giấc mơ ông vẫn thường ấp ủ là sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ được trở thành sinh viên Văn khoa của trường Đại học Tổng hợp. Nhưng rồi chiến tranh ập đến, ông và bao thanh niên khác đã tình nguyện lên đường, để lại phía sau lưng những tình cảm ân tình da diết của hậu phương, đúng như  nhà thơ đã viết:

“Sân trường cũ năm nao còn in mãi

bóng những người lính chiến tuổi đôi mươi

dìu dặt cầm tay ai trong nước mắt

câu tiễn đưa như tím cả chân trời”

    Trường ca“Cuộc chiến mười ngàn ngày”

            Cuộc chiến đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng đọc những câu thơ ấy, lòng người lính già lại bừng lên những cảm xúc mãnh liệt. Ông lần tìm trong các kỷ vật cũ. Đây rồi! Bức thư viết trong thời chiến tranh, chan hòa nước mắt của tình thương nỗi nhớ, của trách nhiệm công dân và đạo nghĩa thầy trò…


            BBT trân trọng đăng toàn văn bài viết của Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thái Bình. Ông chính là một cựu sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp, cán bộ giảng dạy bộ môn Hán Nôm và là Nhà nghiên cứu văn hóa. Tuy đã ở tuổi nghỉ hưu, nhưng trái tim ông vẫn đập rộn ràng, mạnh mẽ mỗi khi viết về thời chiến chinh và văn hóa yêu nước. Hy vọng bài viết này sẽ gợi dẫn cho các bạn trẻ về ước mơ và trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.

 

ĐỌC TRƯỜNG CA “CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY”

CỦA HỮU ĐẠT LẠI NHỚ VỀ MỘT LÁ THƯ TIỀN TUYẾN

Nguyễn Thanh

          

          Vào những năm 1968 – 1972, tôi là chiến sỹ lái xe ở một đơn vị thuộc Cục vận tải thuộc Tổng cục Hậu Cần, sau chuyển vào tiểu đoàn 945, binh trạm 26, bộ tư lệnh 571. 



          Cũng khoảng thời gian ấy, tôi hay viết tin, bài gửi cho báo Hậu Cần và báo Quân đội nhân dân. Mỗi lần nhận được báo có bài của tôi là cả đơn vị thường truyền tay nhau đọc. Mọi người trong đại đội đều gọi đùa tôi là “nhà báo”. Thấy tôi đam mê viết lách nên từ giữa năm 1970, ban chỉ huy đại đội đã điều chuyển tôi đang từ lái xe sang làm thống kê kế hoạch để có điều kiện viết báo. Từ dạo đó tôi viết tin bài đều hơn để gửi các báo. Có số báo Hậu Cần đăng tới hai, ba tin bài của tôi nên các anh trong tòa soạn đặt cho mỗi bài một bút danh khác nhau. Bút danh Thanh Nguyên của tôi chính là do các anh trong Ban biên tập báo Hậu Cần đặt cho vào thuở ấy. 

          Từ đầu năm 1970 trở đi tôi thường gửi tin bài cho báo Quân đội Nhân dân và được đăng ngày một đều hơn. Cũng từ năm đó đơn vị tôi càng ngày càng chuyển sâu vào tuyến trong nên việc nhận báo biếu và tiền nhuận bút khó khăn hơn, thất thường hơn. Bài gửi đi rồi mà thường ít có điều kiện theo dõi báo để xem có đăng hay không. Tôi đã đăng ký địa chỉ ở quê để tòa soạn gửi báo và nhuận bút về cho bố mẹ tôi. Tôi gửi thư về nhà và nói với bố mẹ là nếu cứ từ 3 tháng trở ra nếu không nhận được tiền nhuận bút của báo Quân đội nhân dân gửi về thì có thể con đã hy sinh. Chính vì đã nói với gia đình như thế nên dù trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt đến mấy tôi vẫn cố gắng viết và mỗi khi có người ra Bắc là tôi lại tìm cách gửi bài nhờ họ gửi qua đường bưu điện tới tòa soạn số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

          Khoảng đầu tháng 11 năm 1971, trong một lần dừng chân ở trạm giao liên ở đường Trường Sơn, thấy có người ra Bắc, tôi viết vội lá thư qua báo Quân đội nhân dân để gửi thầy Lưu Vĩnh Ký, hiệu trưởng Trường cấp III Vũ Tiên của chúng tôi nhân ngày nhà giáo. Đúng vào số báo ngày 20 tháng 11 năm đó, báo Quân đội Nhân dân đã đăng lá thư của tôi ở mục Thư tiền tuyến với tiêu đề Những học trò cũ đã lập công. Tuy số báo ấy tôi không nhận được nhưng mấy ngày sau đó đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bài báo này trong chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân. Đơn vị tôi có người nghe được và kháo um cả lên. Một vài anh bạn thân trong đại đội đã bắt tôi mang lương khô ra chiêu đãi.

          Mấy tháng sau đó, tôi nhận được thư của thầy Ký và một số thư của bạn đồng môn cấp III Vũ Tiên gửi vào. Gần 50 năm đã qua nhưng tôi vẫn còn nhớ trong thư thầy Ký có viết là: “Tôi tự hào lắm! Hôm nay cả tỉnh họ đồn náo nức về lá thư em gửi cho tôi…”. Thư của thầy cùng sự khích lệ của đồng đội như tiếp thêm nghị lực và nguồn đam mê với việc viết báo cho tôi. Những bài viết về chiến sỹ Trường Sơn của tôi xuất hiện nhiều hơn trên các báo.   

          Giữa năm 1972, tôi nhận được một công văn, ngoài phong bì đề  Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân. Hồi hộp bóc vội ra xem thì thấy công văn được đánh máy trên một tờ giấy màu xám. Một nửa là phần gửi cho tôi có nội dung: 

          "Kính gửi đồng chí Nguyễn Thanh

          Chúng tôi xin báo để đồng chí biết, Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân đã chính thức công nhận đồng chí là Thông tin viên kể từ ngày mồng 1 tháng 6 năm 1972. 

          Rất mong đồng chí cố gắng làm tốt nhiệm vụ người thông tin viên của báo Quân đội Nhân dân".

          Nửa còn lại là phần gửi cho thủ trưởng đơn vị tôi để thông báo với đơn vị tạo điều kiện giúp tôi viết báo. Công văn do Nguyễn Phúc Nghiệp ký và đóng dấu của Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân. Mấy năm sau, tôi được biết đồng chí Nguyễn Phúc Nghiệp khi ký văn bản này là đại úy, trưởng phòng bạn đọc của báo Quân đội. 

          Từ tháng 6 năm 1972 trở đi, mỗi tháng tôi được tòa soạn báo Quân đội Nhân dân gửi cho một tập tài liệu Thông tin viên có nội dung định hướng đăng tin bài và ảnh trên báo vào tháng tới và tình hình hoạt động của các Thông tin viên. Tuy nhiên, do gửi bằng đường quân bưu mà đơn vị tôi ngày lại càng vào sâu hơn nên việc nhận được tài liệu của báo Quân đội nhân dân gửi vào ngày một thất thường hơn, nếu thảng hoặc tài liệu định hướng này có tới tay thì đã không còn tính thời sự nữa rồi. Vào thời điểm ấy, tôi còn nhớ có các anh Trần Lưu Loát, Thái Bá Lợi, Cao Tiến Lê và một số anh sau này là những cây bút có danh tiếng trong quân đội là những Thông tin viên thường có nhiều bài đăng nhất.

          Từ khi được công nhận là Thông tin viên của báo Quân đội Nhân dân, tôi say mê hơn với việc viết tin bài gửi cho báo, ngoài các tin, bài phản ánh những gương mặt điển hình tiên tiến tôi còn viết một số bài ngắn cho mục Ra đa tâm sự hoặc Nói nhỏ với nhau và cả những bài khá dài cho mục Sổ tay chính trị viên, mặc dù tôi đang chỉ là một chiến sỹ.

          Cuối năm 1974, vì điều kiện sức khỏe, tôi được chuyển ngành về học tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội và từ đó ít có điều kiện viết tin bài cho báo Quân đội Nhân dân mà lại thường viết cho các báo khác nhiều hơn. Một lần có dịp đến Thư viện Quốc gia để tìm tư liệu lưu trữ phục vụ cho công việc nghiên cứu tôi mới được đọc lại lá thư của mình in trên báo Quân đội Nhân dân. Nguyên văn toàn bộ lá thư đó như sau: 

          “Kính gửi thầy Lưu Vĩnh Ký, hiệu trưởng trường phổ thông cấp III Vũ Tiên, Thái Bình.

          Thưa thầy kính mến!

          Mấy đêm nay, trong rừng Trường Sơn chúng em nghe đài Tiếng nói Việt Nam nói về tin các trường phổ thông đang thi đua dạy tốt, học tốt. Trong trí nhớ chúng em lại hiện lên những kỷ niệm ấu thơ của những năm tháng sống dưới mái trường thân yêu mà các thầy, các cô đã dày công dạy dỗ chúng em.

          Em vui sướng báo tin để các thầy biết là các bạn đi cùng đợt với em như Điềm, Viêng, Thắng cùng đến chiến đấu ở một chiến trường đã lập được nhiều thành tích tốt. Thủ trưởng đơn vị chúng em thường khen ngợi: “Các cậu tú làm ăn tốt lắm”. Những tấm huân chương sáng chói mà Đảng, cách mạng và quân đội đã dành cho trong thử thách và chiến đấu đã cổ vũ và nâng cao trách nhiệm của chúng em. Nhiều bạn như Vũ Minh Viêng (10A), Nguyễn Mạnh Điềm (10B)… sau mấy năm chiến đấu đã trưởng thành nhanh chóng. Có bạn đã được cử về hậu phương để báo cáo thành tích lập công.

          Thật là buồn cười khi bọn học sinh chúng em mới vào bộ đội. Không phải dễ dàng để thay đổi cách xưng “em” với thủ trưởng. Thậm chí khi thủ trưởng đơn vị hỏi có bạn đã “thưa thầy”. Thế mà chỉ sau mấy tháng rèn luyện, học tập, chúng em đã quen hẳn với đời quân ngũ và đến nay sức chịu đựng dẻo dai của bọn em đã khá cao, không còn là những cậu“học trò chân yếu tay mềm” như một số người thường quan niệm nữa.

          Ngày 20 – 11 năm nay sắp đến, em viết lá thư này gởi thầy và kính báo để thầy rõ những học trò của trường cấp III Vũ Tiên cũng như bao trường khác đã và đang làm tốt những lời căn dặn của các thầy, các cô khi chúng em ra trường vào bộ đội. Với lời chúc sức khỏe gửi tới toàn bộ các thầy cô và các bạn trong trường, em muốn kết thúc bức thư để tiếp tục đi làm nhiệm vụ bằng tất cả niềm tự hào chính đáng của chúng em.

Kính chào tạm biệt thầy.

Trường Sơn, tháng 11 – 1971.

Học trò cũ của thầy

Nguyễn Thanh”.



          Trải mấy chục năm qua, ở nhiều cương vị công tác khác nhau và đã có những năm làm báo, làm Tổng biên tập tạp chí, đã nhiều lần được cấp thẻ nhà báo nhưng may mắn thay tôi vẫn còn giữ được “chứng chỉ” của báo Quân đội nhân dân công nhận mình là Thông tin viên của báo vào giữa năm 1972 khi đang là chiến sỹ ở Trường Sơn. Tôi và gia đình luôn coi đó là một kỷ vật thiêng liêng, cao quý, khó có gì sánh được./.

 

                  

Powered by Froala Editor