Viện phương đông

6 tháng trước

SAU LÚC SƯƠNG TAN, VIẾT “CÁI THỤT THÒ” (lai lịch một bài thơ) Hữu Đạt

Trước tôi chỉ biết có ông Tú Xương, Tú Mỡ. Nay mới biết có cả ông Tú Sót. Thế tiện cái duyên gặp gỡ hôm nay, các bác có thể làm một bài thơ về cái nghề nhọc nhằn này của tôi được không?

Powered by Froala Editor

SAU LÚC SƯƠNG TAN, VIẾT “CÁI THỤT THÒ”

(lai lịch một bài thơ)

Hữu Đạt

           Khoảng năm 1980 của thế kỷ XX, việc in ấn ở các nhà xuất bản gặp rất nhiều khó khăn do giấy má thiếu trầm trọng. Các NXB sau khi biên tập sách xong thường nhờ các tác giả liên hệ với các nhà máy để mua giấy theo kế hoạch 3. Lúc đó, ông Chu Thành (người tôi đã nhắc đến trong bài viết về nhà văn Hoàng Tiến) nhờ tôi liên lạc với nhà máy giấy Việt Trì (Phú Thọ) để lập kế hoạch mua giấy. Tôi có chú em họ công tác bên Sở Lao Động của tỉnh, cũng quen biết nhiều nhà máy, xí nghiệp nên đồng ý.

          Thời đó, việc đi lại còn nhiều khó khăn. Tôi phải dùng xe đạp lai ông Chu Thành ra bến xe Hà Đông, lấy vé đi xe khách về Tản Hồng, sau đó, đi tiếp về quê tôi ở Phú Cường để hôm sau đi đò sang Phú Thọ ở bên kia sông.

          Từ nhà tôi sang thành phố Việt Trì phải qua một khúc sông rộng. Về mùa khô, nước rút xuống, để lại một triền bãi mênh mông, mướt xanh màu hoa cỏ. Phần lớn đất ở đây là đất sa bồi nên tươi tốt. Vào khoảng tháng mười, ngô đã bắt đầu thành bắp. Một vài ô ruộng bãi, người ta đã thu hoạch lứa ngô đầu tiên. Cảnh vật nơi bến sông nom thật trù phú và đẹp mắt.

          Đò đổ khách ở bến Gát nên chúng tôi phải đi bộ một quãng khá dài, chừng vài cây số mới đến chỗ cơ quan của chú em họ. Trời bắt đầu tan sương, chúng tôi có thể nhìn rõ những con đường ngoằn ngoèo chạy qua các chân đồi trong thành phố miền trung du. Thỉnh thoảng lại có trận gió thổi thốc lên cuốn theo những đám bụi đỏ quạch. Nơi chúng tôi đi qua là một quãng đồi vắng, chỉ có một cái lều nhỏ dựng bên đường. Vì gió mỗi lúc một to nên tôi rủ ông Chu Thành vào lều trú tạm rồi mới đi tiếp. Khi vào đến nơi, chúng tôi mới biết đó là cái “lò rào”. Thế hệ sau này ít người biết đến từ này. Nhưng thời còn bao cấp, đó là nơi rèn đúc các khí cụ cho nhà nông như dao, búa, liềm, cào, cuốc, xén … ở các vùng quê, nên lò rào gần như làng nào cũng có. Nó còn có tên khác, gọi là cái “lò rèn”.

          Quán chúng tôi trú tạm tuy sơ sài nhưng ấm cúng. Bốn phiá xung quanh thưng bằng các tấm liếp đan dày. Quán chia làm hai gian. Một gian dùng để ở, một gian để sản xuất. Gian này để lỉnh kỉnh các loại khí cụ đã chế tác và cả những thứ đang còn làm dang dở. Một ông lão chạc ngoài sáu mươi, tóc hoa dâm, đang cầm hai tay ống bễ kéo lên kéo xuống làm cho khí thổi vào cái bếp than, lửa cháy phì phì. Đang trong lúc mưa lạnh, chúng tôi xin phép gia chủ cho ngồi hơ tay lên chỗ bếp than để đỡ rét. Chủ nhà vui vẻ tiếp chúng tôi bằng cách mời uống ấm trà Phú Thọ ông mới pha cách đây ít phút. Sáng dậy muộn, chúng tôi chưa kịp ăn nên lúc này uống nửa chén trà bụng đã cồn cào. Rất may lúc đó, chủ nhà lại mời chúng tôi vừa uống trà vừa ăn ngô rang. Cả hai chúng tôi bắt đầu thấy hồi sức sau mấy tiếng đồng hồ vừa chờ đò, vừa đi bộ. Khi uống xong một tuần nước, ông chủ mới bắt chuyện:

- Các bác làm nghề gì? Có phải là người bên kia sông không?

Ông Chu Thành vui vẻ:

- Chúng tôi làm nghề văn chương. Mới từ Hà Nội lên.

- Quí quá. Người làm văn chương là vui tính lắm - Ông chủ bình luận – Tôi nhìn thoáng qua là biết. Thi thoảng quán tôi cũng có vài nhà thơ đến chơi đọc thơ và uống rượu.

Ông Chu Thành gật gù, trỏ tay về phía tôi:

- Đây là nhà văn trẻ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh ấy mới viết xong cuốn tiểu thuyết về Làng kháng chiến chống Pháp, nhưng chưa có giấy in.

- Thế chắc các bác lên đây mua giấy? Nhà máy cách đây có vài con dao quăng thôi. Nhưng nghe nói phải có quan hệ mới mua được.

- Vâng. Chúng tôi cũng phải nhờ người trên này – Tôi nói và chìa tay về phía ông Chu Thành:

- Đây là nhà thơ Tú Sót. Xin giới thiệu với bác.

Ông chủ ngắm nghía nhà thơ rồi gật gù:

- Trước tôi chỉ biết có ông Tú Xương, Tú Mỡ. Nay mới biết có cả ông Tú Sót. Thế tiện cái duyên gặp gỡ hôm nay, các bác có thể làm một bài thơ về cái nghề nhọc nhằn này của tôi được không? Tôi không biết làm thơ nhưng cũng thích đọc. Nếu các bác làm tặng tôi một bài thì quí quá. Nhớn ơi, đem cho bố ít ngô rang nữa ra đây.

Ông nói xong thì cu Nhớn từ gian bên bưng sang lưng bát ô tô ngô non mới rang, đặt lên cái bàn gỗ nứt nẻ. Nó lễ phép:

- Cháu chào các bác. Mời các bác ăn ngô nhà cháu ạ.

- Cảm ơn cháu – Tôi gật đầu nhìn cậu bé có cái rang khểnh rất đáng yêu.

Ngô bãi là thứ ngô rất mềm, nhất là thứ ngô non. Khi rang lên, nó có mùi thơm nhè nhẹ rất quyến rũ, Ông chủ hồ hởi:

- Các bác ăn đi. Ăn thật lực vào. Ngô nhà chúng tôi trồng ở bãi đấy. Thứ ngô sớm này không phải nhà nào cũng có các bác ạ.

Vừa uống trà, vừa ăn ngô, bụng chúng tôi đã lưng lửng. Tôi ghé vào tai ông Chu Thành thì thầm:

- Bác cố gắng làm lấy một bài cho ra trò. Biết đâu chúng ta lại chẳng gặp may như Xuân Diệu?

Tôi nói câu ấy vì khi còn là sinh viên, tôi đã từng nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ. Ông bảo: “Thơ tôi là thơ thịt gà còn thơ các chú bây giờ là thơ rau muống”. Để minh chứng cho câu nói ấy, ông kể lại câu chuyện ông và một thi sĩ khác đi công tác thời kháng chiến. Đêm đó, hai người đi qua một cánh rừng vắng, bụng đói meo nên tìm cách nghỉ tạm ở một ngôi nhà nhỏ bên đường. Chủ ngôi nhà là hai vợ chồng còn trẻ. Họ mang một rổ khoai ra đãi hai khách lạ. Đến lúc hai thi sĩ đã chén no nê và đi nằm thì bỗng nghe từ trong buồng của họ tiếng rì rầm đọc thơ. Thế nào lại đúng là bài thơ “Biển” của Xuân Diệu. Nghe xong, Xuân Diệu sướng quá, reo lên:

- Thơ của tôi đấy. Tôi chính là tá giả Xuân Diệu đây.

Xuân Diệu nói xong, anh chồng mừng quýnh, chạy ra nói như hét:

- Em ơi, phúc nhà ta to quá. Bác Xuân Diệu đây rồi. Cả đời chỉ mong có lúc nào được gặp bác, nào ngờ, bác lại đến tận nhà… 

Anh chồng trẻ phô rằng, anh ta tán được vợ là vì đọc thơ tình Xuân Diệu lúc mới làm quen. Rồi hai người như phải bùa phải bả, cứ gặp nhau là lấy thơ Xuân Diệu ra đọc. Đến lúc cưới xong, đêm đêm họ vẫn có thói quen đọc thơ tình Xuân Diệu cho nhau nghe.

Anh chồng trẻ quay vào buồng thì thầm với vợ một lúc. Cô vợ đi xuống bếp, trong lúc anh chồng khêu to ngọn đèn bão và khẩn khoản mời Xuân Diệu đọc thơ. Chồng nghe Xuân Diệu đọc được một lúc, cô vợ đã bưng một mâm cơm lên với hai đĩa thịt gà luộc trắng ngần. Trên mâm có một chai rượu đế. Cô hồi hộp nói:

- Chẳng mấy khi nhà chúng em được gặp các bác nhà thơ. Hôm nay phúc tổ nhà em thế nào lại gặp đúng bác Xuân Diệu. Cũng vì yêu thơ bác nên chúng em nên duyên vợ chồng. Nay bác lại đến tận đây đọc thơ cho vợ chồng chúng em nghe, đó là niềm vui nhà chúng em thấy  lớn lao nhất. Mời hai bác uống chén rượu lạt với chồng em rồi cùng nói chuyện thơ cho hả…

Xuân Diệu ngớ ra, nói thầm với ông bạn thi sĩ:

- Tiếc quá, ta lạ đánh khoai no bụng mất rồi. Nếu biết trước thì để dành bụng lúc này ăn một thể.

          … Trong lúc tôi đang nghĩ về buổi nói chuyện thơ của Xuân Diệu thì ông Chu Thành ngắm nghĩa bác thợ rèn, rồi thốt lên:

Tóc ông đã nhuốm nước vôi

Mắt ông đeo kính đã hơi mờ mờ

          Ông chủ nhà sướng quá, reo lên:

- Hay quá. Đúng quá. Đúng là tôi rồi. Bác đọc tiếp đi.

Được cổ vũ, ông Chu Thành đọc tiếp:

Răng ông đã muốn chê ngô

Nhưng ông còn cái thụt thò còn hơi

Thò lên thụt xuống cho đời

Bao giờ hơi hết mới thôi thụt thò.

 Ông Chu Thành đọc xong, bác lò rèn ào đến, ôm chầm lấy người bạn mới gặp:

          - Đúng là thi sĩ Hà thành có khác. Nhà bác có ai làm nghề rèn không mà làm thơ về nghề của tôi hay thế? Trưa nay, nhất định các bác phải uống rượu với tôi rồi.

          Tôi nhìn ông Chu Thành tủm tỉm cười. Bác thợ rèn gọi vang:

- Cu Nhớn đâu. Mày vào chuồng bắt con gà trống to nhất làm thịt cho bố. Hôm nay bố phải uống một trận thật đã với các thi sĩ thực thụ.

Khi tiếng gà quang quác kêu, tôi sờ bụng, thấy bụng mình ngang ngang vì ăn ngô rang và uống nước trà, ngô nở ra tạo cảm giác đầy ứ. Tất nhiên, lúc cơm dọn lên, tôi vẫn ăn được nhưng không thật nhiều. Bài thơ “Cái thụt thò” sau này nhiều người truyền tai nhau đọc, có người nhầm là thơ dân gian, nhưng thực ra đó là bài thơ tức cảnh của nhà thơ Tú Sót, tức ông Chu Thành.

          

Powered by Froala Editor