Viện phương đông

3 năm trước

Thầy Phùng Quang Phiệt nói về trường ca"Cuộc chiến mười ngàn ngày" - Vương Văn Huy

Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" là một tác phẩm tôi  nhiều anh em là giáo viên cũ, và học sinh cũ của trường (cấp III Quảng Oai, Ba Vì - BBT) vô cùng ấn tượng. Những dòng thơ viết về tình cảm thầy trò, về những lứa học sinh tạm rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ khiến chúng tôi rất xúc động và liên tưởng ngay đến những người đồng nghiệp và những lứa học trò của mình.

Powered by Froala Editor

Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" - những ký ức không phai

          Trong quá trình thực hiện cuộc Tọa đàm lần thứ hai về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", BBT chúng tôi đã liên hệ, tiếp xúc với nhiều thế hệ bạn đọc. Và có một sự tình cờ thú vị, đó là tại cuộc Tọa đàm lần thứ nhất có sự tham gia của Giáo sư Vũ Dương Ninh (trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), thì cuộc tọa đàm lần này có sự tham gia của thầy giáo Phùng Quang Phiệt – học trò cũ của Giáo sư Vũ Dương Ninh.

          Thầy Phùng Quang Phiệt là giáo viên dạy sử của trường cấp III Quảng Oai – Ba Vì. Trong những năm tháng chiến tranh thầy đã tiễn đưa nhiều lớp học trò lên đường nhập ngũ. Những dòng thơ viết về mái trường, về những thế hệ học sinh “xếp bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc trong trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày":

“Không nuối tiếc tuổi xanh

Không đắn đo lựa chọn

Xếp bút nghiên

Cùng bạn ta đi

Súng khoác vai

Nhòa nụ cười tuổi trẻ

Tay vung lên theo nhịp bước quân hành”           

                                                (Cuộc chiến mười ngàn ngày)

đã khơi dậy trong thầy những kỷ niệm sâu đậm.

- Thầy Phùng Quang Phiệt: Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" là một tác phẩm tôi và nhiều anh em là giáo viên cũ, và học sinh cũ của trường (cấp III Quốc Oai, Ba Vì - BBT) vô cùng ấn tượng. Những dòng thơ viết về tình cảm thầy trò, về những lứa học sinh tạm rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ khiến chúng tôi rất xúc động và liên tưởng ngay đến những người đồng nghiệp và những lứa học trò của mình.

          Tôi muốn kể về những cảm xúc và những kỷ niệm mà chúng tôi đã trải qua thời gian đó. Những năm 60 (thế kỷ 20 - BBT), thanh niên chúng tôi đều còn rất trẻ. Với chúng tôi, lên đường bảo vệ Tổ quốc là điều tất nhiên.

          Anh em giáo viên trong trường chúng tôi, kể cả những thầy giáo dạy các bộ môn khoa học xã hội cũng như các thầy giáo dạy các bộ môn khoa học tư nhiên, khi đến dịp huyện tổ chức đợt tuyển quân đều rất hăng hái đi khám nghĩa vụ quân sự, nhưng không phải ai cũng đạt tiêu chuẩn về mặt sức khỏe và tuổi. Có một số đạt tiêu chuẩn và lên đường đi huấn luyện trước khi về đơn vị chính thức. Một số giáo viên được các đơn vị sắp xếp cho làm công việc chuyên môn như về giảng dạy ở các trường quân đội. Nhiều em học sinh nhập ngũ lại được gặp lại thầy giáo của mình trong đơn vị.

Trong những buổi làm doanh trại, làm nhà, lao động… các học trò - đồng đội lại đề nghị người thầy đồng thời cũng là người đồng đội của mình giảng về văn chương, lịch sử… Những buổi lên lớp “độc đáo” này khiến cho cả thầy lẫn trò tưởng như mình còn đang sống dưới mái trường phổ thông.

- BBT: Thưa thầy, trong chương viết về mái trường thầy có bắt gặp hình ảnh, kỷ niệm nào của mình trong đó?

- Thầy Phùng Quang Phiệt: Có chứ. Những chuyện như hôm nay còn gặp các em trên lớp thì hôm sau các em đến chào từ biệt các thầy để lên đường nhập ngũ. Các em lên đường với tâm thế:

Với Tổ quốc

Máu xương ta không tiếc

Dẫu tuổi xanh phải chôn giữa rừng già

Gió thời đại biến ta thành xung kích

Ta dấn thân vào cuộc chiến tự lòng ta

                                  (Cuộc chiến mười ngàn ngày)

Có một kỷ niệm mà tôi rất nhớ, đó là trường hợp của em Long học sinh lớp 9 (tương đương lớp 11 bây giờ - BBT). Sau ngày lên đường ra mặt trận một năm thì em ấy quay lại trường. Khuôn mặt hơi gầy một chút nhưng vẫn rất tươi vui. Để ý thì thấy một bên tay áo lính của Long hơi dài và lõng thõng, tôi sững người lại. Cảm nhận được sự ngạc nhiên của tôi, em nói: “Thầy ạ, em đã bị thương và cánh tay không còn lành lặn như xưa nữa!”. Thầy trò chúng tôi ôm nhau khóc.

- BBT: Là một độc giả đồng thời cũng là một giáo viên dạy sử, thầy có suy nghĩ gì về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày"?

- Thầy Phùng Quang Phiệt: Về trường ca, tôi đã đọc nhiều lần và rất xúc động. Bản thân tôi là giáo viên dạy sử, những giai đoạn lịch sử của đất nước qua chín, mười nghìn ngày chiến tranh được tái hiện trong trường ca gây cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Tôi nghĩ đây là một tác phẩm hiếm hoi khi có một nhà văn, nhà thơ nói về một thời kỳ lịch sử của đất nước một cách đầy đủ như thế. Có nhiều nhà văn, nhà thơ viết về chiến tranh nhưng để khái quát lại thành một tập thơ dày dặn như trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", tôi chưa dám nói là duy nhất, nhưng ít nhất cũng để lại cho người đọc thế hệ chúng tôi và ngay cả thế hệ ngày nay những xúc cảm rất tốt.

          Qua ý kiến rất sâu sắc của Giáo sư Vũ Dương Ninh, thầy của tôi ở trường Đại học Tổng hợp, trong buổi tọa đàm lần thứ nhất, tôi thấy ý kiến của thầy Ninh cũng là ý kiến chung của rất nhiều độc giả, những người luôn theo dõi bước đường sáng tác của các nhà văn, nhà thơ viết về đề tài rất hay như thế này.

- BBT: Tập trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" bên cạnh nội dung như thầy nói là xuyên suốt được cả 1 quá trình đấu tranh giành độc lập của đất nước đến mười nghìn ngày, thì hình thức thơ cũng có nét riêng biệt với mỗi chương có một hình dạng như hình trống đồng, hình bản đồ Việt Nam... Thầy có nhận xét gì về hình thức thơ của trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày"?

Thầy Phùng Quang Phiệt: Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của nhà thơ Hữu Đạt và tôi thấy Hữu Đạt là một nhà thơ chịu khó tìm tòi và có những sáng tạo trong diễn đạt về thơ ca của mình bằng nhiều hình thức khác nhau. Đấy có thể nói là những sáng tạo, những đổi mới về thơ ca.

          Theo tôi, để cho tác phẩm thơ, ý thơ có sự sáng tạo và tạo cho người đọc những ấn tượng, có những nét mới mẻ không phải chỉ là ở nội dung mà còn ở hình thức diễn đạt nữa. Và ở trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày", nhà thơ Hữu Đạt đã thể hiện được rất đắt.

- BBT: Xin cám ơn thầy đã chia sẻ những nhận xét, suy nghĩ của mình về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày". Kính chúc thầy cùng gia đình luôn mạnh khỏe. hạnh phúc!    

                                                              Vương Văn Huy

Powered by Froala Editor