Viện phương đông

2 năm trước

Thế sự thơ - gom được từ đời sống đem về Trung Trung Đỉnh

Mấy chục năm nay, tôi biết và chơi với nhà thơ Nguyễn Thành Phong, từ hồi Phong và Hà Đức Hạnh, Nguyễn Quang Lập cùng học Bách Khoa, rủ nhau lập nhóm thơ Vòm cửa xanh gì đó khá rôm rả trong không gian eo hẹp nhiều thứ của thời bao cấp. Nhưng bù lại các nhà quản lý ở Bách Khoa khá “thoáng” với cánh sinh viên nghèo, nhất là các nhóm thơ văn ngạo nghễ dễ thương, khác bối cảnh chung của đời sống xã hội với các thứ quan niệm về các “nhóm” các “tổ chức” tự phát.

Powered by Froala Editor

Thế sự thơ - gom được từ đời sống đem về


  •   
  •                                                                                                           Tác giả: Trung Trung Đỉnh

                   “phiêu du đã tận cuối trời đắm say đằm lại những lời vấn vương”

Tự dưng, đọc xong tập thơ mới nhất của Nguyễn Thành Phong, tôi bị ám ảnh hình bóng cụ Nguyễn Công Trứ thế kỷ thứ 17, bởi cuộc đời và danh nghiệp của cụ với các cuộc “phiêu du” từng trải khắp chốn cùng nơi mà thời ấy là thời nho học đang phát triển! Lúc nào cụ cũng đau đáu cái chí làm trai, đưa ra lắm quan niệm về chữ “nhàn”, ấy là làm trai chí ở cho bền. Kẻ làm trai biết lo sắp xếp cuộc sống của mình sao cho được hài hòa, để khi  hết việc thì phải biết “thỏa chí tang bồng”, biết chơi cầm kỳ thi rượu, tức là hưởng lạc! Tất nhiên, đời cụ được thơ cụ ghi lại, nó “gánh” cho cụ cái chí cái tình mà sau này ta gọi là tư tưởng để lại cho con cháu biết cụ hồi ấy sống thế nào với bao niêu trắc trở, mà chỉ có nhờ tài thơ nó vận vào mình, cụ mới “trút” được cái sự đời chua chát, sự lật lọng trớ trêu, nhất là chặng ở trong chốn quan trường. Cụ là người đề cao chữ “nhàn” từ thời trẻ, nhưng vẫn cứ gặp đủ điều oái oăm, đểu giả, mặc dù mượn thơ cụ đã nhắc mình, kẻ làm trai không trốn nợ đời:

“tang bồng hồ thỉ nam nhi trái

cái công danh là cái nợ nần”

(Nợ nam nhi)

Trong cuộc đời, đối với các nhà thơ, ở thời nào họ cũng là người mắc nợ nhiều nhất với nhân quần, với non sông đất nước. Nói thế có vẻ sáo rỗng, nhưng đó là một mặc định, một quan niệm không có sự đánh giá nào phải hơn. Mấy chục năm nay, tôi biết và chơi với nhà thơ Nguyễn Thành Phong, từ hồi Phong và Hà Đức Hạnh, Nguyễn Quang Lập cùng học Bách Khoa, rủ nhau lập nhóm thơ Vòm cửa xanh gì đó khá rôm rả trong không gian eo hẹp nhiều thứ của thời bao cấp. Nhưng bù lại các nhà quản lý ở Bách Khoa khá “thoáng” với cánh sinh viên nghèo, nhất là các nhóm thơ văn ngạo nghễ dễ thương, khác bối cảnh chung của đời sống xã hội với các thứ quan niệm  về các “nhóm” các “tổ chức” tự phát. Tôi nhớ hồi đó Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha được Lập, Hạnh, Phong mời sang Bách Khoa dự đêm thơ do Vòm cửa xanh tổ chức. Tôi bám Kha Tạo sang dự theo. Phong sớm tỏ ra là một thanh niên sốt sắng, năng nổ. Có vóc dáng thư sinh cao ráo, đẹp trai, đọc thơ trước đám đông rất tự tin như một thi sĩ danh tiếng, không hề e dè, mặc cảm trước những người đã và đang rất nổi tiếng như Kha, Tạo. Có thể nói, đó là đoạn làm thơ đầu tiên mà cậu bé Thái Bình theo cha lên miền Tây bắc sống, rồi cậu lớn lên trên quê hương mới cùng các bạn nhỏ các dân tộc  Tày, Nùng, Mường, Mán, Mông. Hết lớp 10 về Hà Nội học đại học, học làm người và học… làm thơ. Hồi ấy Phong và Lập thường xuyên sang chơi tụ tập với các nhà văn nhà thơ đang học khóa I trường viết văn Nguyễn Du. Không khí văn thơ rất mới rất trẻ và đầy “bốc lửa” mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng nhạc sĩ Phan Lạc Hoa nổi tiếng với nhiều bài hát bài thơ mà cánh Phong Lập rất mê. Mấy anh em cứ đọc đi đọc lại bài “chia” và bài tặng bạn bè của Tạo như là một sự đồng cảm đồng  tình:

“bạn bè ơi, nếu mà không các bạn

ta như chai rượu đã cạn rồi

cốc chén buồn tênh úp trên đĩa

ta như bình gốm chẳng hoa tươi”

Tôi nghiệm ra, cánh bạn bè viết lách làm thơ soạn nhạc làm báo bao giờ cũng hoạt náo hơn mấy tay văn xuôi. Phong làm báo càng có nhiều cơ hội đi và nhập cuộc vào các “nhóm bạn bè công chức” mà xã hội nào cũng là đầu đẳng! Nó biểu hiện khi nổi khi chìm và chỉ xuất hiện trong thơ như một cứu cánh, bởi trong cuộc sống đời thường của một công chức làm thơ, phần nhà thơ luôn bị khuất lấp, hoặc hay bị con mắt người đời coi là “ngơ ngơ”. May cho Phong vì chất nhà báo trội hơn nên sự sắc sảo hay được đánh giá cao, mặc dù, theo cách  nhìn nhận của tôi thì  cái gen thơ của Phong trội hơn gien báo. Chính nó dẫn dắt Nguyễn Thành Phong vượt qua những va vấp, những trắc trở, những khát vọng không thực chất con người Phong, tức là NGƯỜI THƠ. Câu thơ “Ta ăn gạo thị thành như ăn phải bả” của Phong hồi sau đại học về sống ở Thủ Đô được nhiều người trong giới nhắc đi nhắc lại như là dấu ấn son, sớm định hình chất thơ thế sự, chất thơ nhập cuộc với đời của một trang thi nhân tuổi trẻ tài cao. Đi qua phần đời lênh đênh chìm nổi đến đoạn dậm chân tại chỗ của Nguyễn Thành Phong thời nay, tự về “Đêm ngồi ngã ba sông” với những “Đêm dài thao thức”. Thao thức cùng sông Hồng “nóng đỏ phù sa” và “trùng trùng tráng ca bi kịch”, trải qua bao nhiêu triều đại thăng trầm. Trước bộn bề đời người, thi nhân không thể dửng dưng không thể cúi mặt.

“Ta ngửa mặt nhìn trời cao

Ta sống vậy đã là như sống

Hay phải sống làm sao?”

(Đêm ngồi ngã ba sông)

Tiếp tục sống, tiếp tục trưởng thành cùng những thăng trầm vui buồn, thành công và thất bại. Tiếp tục nối dài những câu hỏi. Hỏi mình? Hỏi ai? Hỏi nhân tình thế thái và các câu trả lời ấy lại hóa thành ra một dấu chấm than (!)...

 “Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước

Những xác vờ nắng ấm chảy về Đông!”

(Đêm ngồi ngã ba sông)

Thơ không có thơ trẻ thơ già. Người thơ cũng không có người thơ trẻ người thơ già mà chỉ có thơ hay hay không hay. Càng không nên có thơ trung bình. Thơ trung bình tức là… thơ dở! Vậy thơ chọn Phong hay Phong chọn thơ? Nói như ai đã từng nói về một vấn đề nào đó bất khả kháng trong đời: “Thời thế thế thời thời phải thế”. Nhiều thứ Phong không tự chọn lựa theo ý mình được. Phong làm gì và ở đâu thì thơ cũng nhất quyết giữ một vai trò thiết yếu trong cuộc đời của anh ta. Thơ bám theo Phong như là định mệnh, như là cái duyên cái số. Thực ra thơ bám theo một Phong công dân chứ không phải Phong làm ông này ông nọ. Thế cho nên, chúng ta phải nói thật với nhau ở chỗ này, theo tôi, ta nên rạch ròi một tí, không nên gọi nhau là nhà thơ lại phải kèm theo chức tước thứ bậc, ví dụ anh A là đại tá nhà thơ, nghe rất buồn cười. Nhà thơ là nhà thơ, thế thôi! Còn các quý vị nhà thơ đề tài gì thì cứ đóng trang phục, y phục, sắc phục của ngành nghề các quý vị, đóng ngù lon trong khu vực làng xã, doanh trại của quý vị giải quyết “khâu oai” trong nớ, rứa  là đẹp cả  mọi nhẽ. Thơ tự nó sống độc lập.

Đọc Nguyễn Thành Phong tôi đầu tiên nghĩ đến thơ, mặc dù Phong viết văn xuôi rất nhiều và rất thú vị nếu không nói là hay, nhưng vì Phong xuất hiện thường xuyên với báo với thơ nên văn xuôi của Phong né sang một bên. Phong thời trẻ là người ham khám phá, ham “xông vào” và trong cái sự viết, Phong rất háo hức thể nghiệm mình. Gần như tất cả các thể loại từ báo chí, soạn kịch bản phim, tản văn, tiểu luận phê bình, đọc sách… nhưng có lẽ cái làm cho Phong “đứng” được ở văn xuôi vẫn phải nhờ vào chất thơ. Phong viết truyện thiếu nhi rất “mả”, nhất là truyện về trẻ em miền núi. Mỗi truyện mỗi khúc mỗi đoạn đời của Phong được Phong viết mới hấp dẫn và gần gũi, mới thật mà mới thơ, mới ngọt ngào thi vị và cực kỳ trong trẻo làm sao! Nó khiến tôi, người đọc, đã ngoài 70 như được đánh thức lại chặng tuổi thơ của đời mình. Tôi mê nhất  khúc đoạn Phong ở núi rừng với các bạn núi rừng Sơn La. Tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên đẹp như những cuộc “đi rừng”, những lần tắm suối với “cái Hoa”, tắm hồ trên núi với “cái Dung”. Cái Dung bảo chúng mình đã lớn thật rồi. Dung khoe “mẹ tớ” mới may áo con, quần con cho “tớ” đây này. Và nó mở cúc áo cho cậu trai mới lớn… xem. Mãi đến khi cùng đã lớn, cùng đã thành cha thành mẹ mà nhắc lại với nhau ai cũng thật buồn cười. Tuổi thơ như giấc mộng đẹp, như ảo ảnh, có thật mà không có thật. Viết được như truyện thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Thành Phong kể chuyện, cứ như câu chuyện chạy đuổi bắt nhau của bọn bạn trai người Thái người Nùng, người Tày, rồi chế giễu nhau, cặp đôi nhau, lớn lên, đọc lại, không tuổi nào không thấy đời đẹp và đều thốt lên “thích thế nhỉ”.

Không phải ngẫu nhiên người thơ đã từng đi khắp bốn phương trời, nếm đủ mùi vị của cuộc trường chinh sinh tử, đi mãi va vấp mãi gặp phải liên miên những câu hỏi để khi trở về lại mái hiên nhà, nghe tiếng gọi “Từ mình…” mà một mình tự dẫn mình ra “Đêm ngồi ngã ba sông” rồi phân đoạn cho thơ mình thành “Chín khúc”. Như tôi đã nói ở trên, thơ bám vào Phong để sống và Phong phải bám vào thơ để tồn tại với đời.

Một bước đi một bước dừng là vậy.

“Mình ơi ta nhớ Sơn La quá”

Châu Mộc xa vời một giấc xanh”

Bài thơ quá hay. Nó hay cả về tứ lẫn về tình, cả sắc thái lẫn diện mạo làm nên vẻ đẹp hào hoa phong nhã của một thi sĩ đắm đuối đa cảm. Thế mà rồi ra đời sống, tác giả trẻ trong trẻo ấy vẫn phải sống chung với lũ, với rác rưởi, với đám“Dị quan” trong thời “Đất nước không bình yên”. Người thơ “Đi phía nào cũng gặp điều ngang trái/ Những phận người thập thững long đong”. Ở trên kia, chốn tai to mặt lớn thì mua quan bán chức thành ra lũ dị quan: “Quan bằng giả bằng mua quan chép bài quay cóp/ Quan đánh quả đường vòng/ Quan đấu thầu lối tắt/ Quan cơ hội/ Quan lưu manh/ Quan bám mép ghế/ Quan lật mặt bàn/ Quan găm hàng tự có/ Đầu tư dần từng nấc để lên quan…

Nếu đi một bước dừng một bước để cảm nhận để ngắm bền vừng, nghiền đi ngẫm lại tác giả tự hỏi minh: bền vững là cái chi chi? Hỏi đá, hỏi cỏ, hỏi nước, hỏi tình yêu, hỏi tình mẫu tử lâu nay đời vẫn lấy đó làm tiêu chí. “Thì bạn thân yêu chúng ta đều thương mẹ/ Trong vĩnh cửu đất trời, nắng gió cỏ cây…” và “Sẽ không thấy ở đâu vững bền và mãi mãi/ Nếu ta cứ tìm trong tầm mắt xa xôi”. Khi “đất nước không bình yên” thì nhà thơ Nguyễn Thành Phong cũng không quên cho chúng ta, ngoài việc nhận mặt bọn “giặc nội xâm” ở trong đất liền, ở chốn quan trường đầy rẫy “dị quan”, tác giả cũng đưa ta ra đảo, ra Trường Sa cùng nhau gặp gỡ với những chàng linh trẻ hát Bài ca biển Đông. Ca rằng: “Người đã đầu hàng dân bằng một nụ cười/ Người trong trẻo như một nguồn ánh sáng/ Ôi anh lính khuôn mặt anh tỏa rạng/ Anh cũng là dân ta lam lũ bần hàn!”. “Vậy mà sao giờ dân lại khó lường?/ Sao lòng dân lại trở thành nguy hiểm?”. Câu hỏi bắt đầu từ đâu? Cảnh “chợ chiều”, cảnh “cờ tàn” và tình cảnh đất nước “Sao vẫn còn người Việt vẫn ra đi”; “Trẻ con đừng sinh ra” và đến cái đoạn chính Thơ và người Thơ phải chui vào trong ngục tối, ở nơi đây mới thấy “Kẻ ném đá ở khắp đâu đây/ Vì bất cẩn có người thành đích ngắm/ Kẻ vấy bùn cũng ở khắp nơi đây/ Vì sơ sểnh ai hình nhân thế mạng”. Chẳng hóa ra xã hội giờ lại thế này ư? “Giờ cơ hội của những bầy ruồi nhặng/ Bay loạn cuồng nơi đống rác tàn hoang/ Cái mảnh đất nơi dập dìu tao ngộ/ Mà cũng nhanh cảnh sẻ nghé tan đàn”. Thơ và người thơ xáp vào đời sống hay chính đời sống xáp vào thơ? Cả hai đều hối hả mà cả hai cùng đã dấn thân xáp vào nhau thì trong đó chỉ thấy toàn câu hỏi, câu hỏi và câu hỏi. “Hỏi chuyện thâu đêm” với con mèo rình con thạch sùng, thạch sùng rình vồ muỗi, lũ muỗi lòng vòng hơi máu người. “Đến khi giải thoát được/ Liệu người còn thương người?

Tóm lại, thơ về thế sự chỉ có ý nghĩa khi người thơ không còn lơ đãng trước những câu hỏi mà đời sống thường ngày đặt ra. Trách nhệm của nhà thơ không phải là người trả lời các câu hỏi. Trách nhiệm của thơ không phải lật ngửa đời sống ra rồi ai nấy tự lo mà chịu trách nhiệm với xã hội.

Viết đến đây tôi chợt thấy mình có lỗi với thơ và với người lúc nào cũng nép mình sau cái người thơ ấy, cô giáo Hồ Hằng. Tôi biết cô không chỉ là một cô giáo hiền và vô cùng nghiêm. Nghiêm với chính mình, tức là với nghề. Nghiêm với chồng con, anh chị em trong gia đình và với cả học trò. Tôi có hai đứa con khi chuẩn bị thi cấp III đều “gửi” cô Hằng một ít ngày để chỉnh đốn kiến thức, chỉnh đốn cả một phần tác phong đều được các cháu rất vui vẻ nhận xét thế này. Đứa con gái thì nói, cô nói ít nhưng làm cho con tiếp thu dễ hơn, hệ thống lại kiến thức rất “siêu” bố ạ. Còn ông con trai, sau hơn tuần ăn cơm nhà cô Hằng, được cô Hằng “chỉnh” lại kiến thức toán, thì bảo, đáng lẽ bố cho con đến cô Hằng sớm hơn… Ở đời chỉ có thể nói là may mắn khi mà duyên giời xe chỉ luồn kim kết hai người Phong Hằng với nhau. Phong đẹp trai lãng tử, làm thơ viết văn, toàn kết thân với bạn hay rượu, hay ngao du, thậm chí cùng các bạn có đôi cuộc nhậu “bán trời không văn tự”. Ai đời các bố tụ tập nhau đủ cả, các gương mặt “xích động” nào họa sĩ Văn Sáng, nào các nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong, Đoàn Tử Huyến, Phạm Ngọc Tiến ngồi xem bóng đá ở nhà bạn, hò hét vỡ trời qua đêm suốt sáng, các bố đều không nhớ “lời vợ dặn”, ham vui bạn bè, vui đánh chén. Hơn thế, tính Phong ham nấu nướng, ham ẩm thực, giỏi lo làm món nhậu… Phong có máu mê cả đen đỏ, tỉ thí chả đâu vào đâu, nhưng Phong bảo tôi, đó là một “sân chơi”. Tôi bảo sân chơi vô tăm tích, không phải ai cũng chơi và ai cũng vào chầu rìa được. Và ham vui nên cái thói tự diễu mình như cụ Nguyễn Công Trứ xưa: “Tổ tôm tên chữ gọi “hà sào”/ Đánh thì không thấp cũng không cao/ Được thì vơ cả, thua thì chạy/ Nào!”.

Từ cách đây mấy trăm năm cụ đã thế, bây giờ chả khác tí nào. Trò “đùa với lửa” của các nhà thơ thì chỉ gây “tội danh” với vợ mình thôi. Nhưng vợ Phong “xử” các vụ ấy êm nhẹ. Vẫn cái màn chăm lo cổ điển, khăn ấm lau mặt lau gan bàn chân, vẫn cái màn chăm sóc vô điều kiện, không kêu ca phàn nàn trách cứ mà nhà thơ chỉ cần “có một chút dịu dàng” là đâu vào đấy. Cô Hằng là người có thể ngồi suốt buổi suốt ngày “trợ giúp” chồng với mấy anh em bạn “thợ nhậu” to mồm, xấu tính. Cô hiểu tính từng người, chỉ cười cười, không tham gia, không bình giảng. Ngồi xe ô tô hay xe máy Phong đèo lúc xóc lúc quanh co ngoằn ngèo, lên đèo xuống dốc, đường xa đường gần, không bao giờ nhắc nhở “tài xê” như các bà xã anh em cánh tôi!. Tất nhiên Phong là tay đàn ông phong trần cao thủ. Lúc nào cũng tự nhận về mình phần khó, sẵn sàng ghé vai gánh nặng không phải chỉ với vợ con mà với cả bạn bè. Thế cho nên, cái gánh nặng dù “Mỗi ngày thêm một chút/ Tận tụy và lao lung/ Dây dài thêm một nút/ Gánh nặng oăn trên lưng/ Gánh nặng tăm với tiếng/ Chất thêm bao phiền hà/ Những sợi dây bó buộc/ Kẻ gần rồi người xa”…

Vâng, đời sống liên tục vận động, dạy cho ta hết bài học này đến bài học kia. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong nhận ra mình hay nhận ra thế cuộc, qua gương mặt bạn bầu cả nết hay tật xấu, thực ra cũng là nhận ra chính mình: “Ông hơn tôi hơn một ngàn ngày tuổi/ Đáng lý ra phải xưng gọi em anh/ Nhưng tôi cứ ông tôi ù xọe /Là bởi nghe tiếng gọi bạn từ mình” (Người văn - tặng Nguyễn Quang Lập)

Phong dặn Tiến Trọc (Nhà văn Phạm Ngọc Tiến) hôm Tiến vào viện: “Vừa thượng đài thượng võ/ đã vào viện nằm ngơi/ Xe đạp vừa khắp nước/ Mây còn bay cuối trời… Nằm viện chỉ là lúc nghỉ ngơi: “Ngẫm đủ rồi thì biến/ Ta lại lên đường chơi

Khúc đoạn này khá giống cụ Nguyễn Công Trứ bỡn tình nhân bạn bầu: “Tao ở nhà tao tao nhớ mi/ Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi nói răng không đến/ Đến thì mi nói đến làm chi

Có thể nói các cuộc lên bổng xuống trầm của cụ Trứ mới rộn mới ràng mà thấy như mới hôm qua vậy. Dù cụ gọi đó là cuộc chơi. “Chơi” ngày xưa và “chơi” ngày nay có lẽ chỉ có các nhà thơ mới tếu táo như vậy. Nguyễn Thành Phong nghĩ đến các cuộc “phấn đấu” lên chức xuống chức như một gánh nặng. Gánh nặng trách nhiệm của mình.

Dây buộc và gánh nặng/ Cộng sinh hình vóc mình/ Trút bỏ đi bỗng thấy/ Vai ngực mình thênh thênh”  

Nếu tập thơ Đêm ngồi ngã ba sông ra mắt bạn đọc sớm một chút hay muộn một chút cũng không tự nó gánh được các câu hỏi thế sự do nhà thơ gom được từ đời sống đem về. Gương mặt nhà thơ rạng rỡ khi thấy “đứa con tinh thần” của mình được đón nhận với những trạng thái đa chiều đa sắc, đa thanh không dè sẻn không hồ hởi, tạo nên một không gian bình đẳng, sòng phẳng, trong sạch mà đời sống văn học tiến bộ đã và đang được trả về cho bạn đọc, cho chính mình…

Nguồn: Vannghe

Powered by Froala Editor